Chương 5

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trưa hôm sau, khi vừa kết thúc tiết cuối buổi sáng, An trông thấy một bức "tối hậu thư" trong hộc bàn. Suốt hai tiết, cậu đã hoàn toàn không nhận ra sự tồn tại của nó. An vội mở ra, thầm nghĩ: "Ôi! Thế là cuối cùng sau mười lăm năm cuộc đời cũng đã có người tỏ tình mình rồi!" Nhưng đời mà, đâu có như mơ. Đó là bức thư "tuyệt mật" từ một hốt boi lừng danh, người luôn khiến đám con gái trong trường mê mệt mỗi khi hắn cười. Còn ai ngoài Huy nữa nào! Bức thư đơn giản thế này:

"Tao thuyết phục được Thiện đến chợ cát bi với Hạnh rồi, chiều nay ra về cùng bọn tao nhááá!"

Thật ra chợ Cát Bi không mở cửa buổi trưa. Hôm qua Phương và Hạnh không dẫn An đến đó. Ba người đã đi một nơi khác, và không chỉ có ba người, không có "hội con gái" trong lớp. Hôm đó là buổi tụ họp những anh chị khối trên và các cựu học sinh. Thật lòng mà nói, An cảm thấy nể phục Hạnh rất nhiều kể từ ngày hôm đó. Chỉ sau vài ngày hoạt động trong Ban Chấp Hành mà cô đã quen biết nhiều người tới vậy, giao tiếp tốt như thể họ đều là bạn bè thân thiết lâu ngày gặp lại. Tất cả tám người, đủ hiểu cảm giác rúm ró của An lúc ấy. Khi bị ép cởi khẩu trang để ăn uống và giao thiệp với mọi người, cậu cúi gằm mặt chẳng dám nhìn ai, không dám tạo ra tiếng động nào, chỉ sợ họ sẽ phát hiện mình đang ở đây. An ước mình vô hình, đừng ai để ý đến. Mỗi khi được ai nhắc tên, cậu chỉ muốn nổ tung ngay tại chỗ. May mắn thời khắc sinh tử đó chỉ kéo dài ba mươi phút. An không ngờ mình đã "sống sót" qua thử thách kinh hoàng ấy. Như nhiều lần trái tim hấp hối khi chuẩn bị bước vào phòng thi, hay phải thuyết trình trước lớp. Những lần như thế, lúc vừa bắt đầu An chỉ biết rủa thầm "chết chắc rồi". Nhưng khi mọi thứ xong xuôi, gánh nặng tan biến thì cậu vừa nhẹ nhõm, vừa nhận ra nỗi sợ chỉ thoáng chốc, và thực tình mọi chuyện không hề tệ như cậu nghĩ. Chẳng có gì đáng sợ cả.

Tại buổi họp mặt hôm qua, khi nhìn sang Phương đang ngồi cạnh mình, lòng cậu khuây khỏa phần nào. Song, sự khuây khỏa đó cũng nhanh chóng bị dập tắt vì một nghi vấn vu vơ: "Cô ấy nghĩ gì về mình?" Ngồi gần nhau thế này, khao khát muốn vòng tay ôm cô bất ngờ nổi dậy, thôi thúc càng lúc càng mãnh liệt. Nhưng An hiểu làm vậy thực không phải phép, kìm lòng, một suy nghĩ lố bịch.

Nhìn quanh một vòng lớp vốn chẳng còn ai, tiếng trống chỉ vừa dứt được năm phút. Hồi cấp hai, nhiều hôm mọi người còn ở lại gần nửa tiếng. Con trai và con gái chia thành hai dạng. Trai thì một là lập dị ít nói, hai là hội đàn đúm. Gái thì có "hội chị em bạn dì thích ăn chơi và bay lắc" và "mọt sách chuẩn con nhà người ta". Bọn con trai đàn đúm sẽ lên kế hoạch lát nữa đá sân nào, có mặt lúc mấy giờ, hôm nay có những ai. Còn bọn lập dị thì tán gẫu về các tin tức trên mặt báo cuối tuần vừa rồi, hay những đầu sách ngoại văn mới nổi. Bên "hội chị em bạn dì thích ăn chơi và bay lắc" thì thảo luận về địa điểm ăn uống, màu son ưa dùng, hãng thời trang yêu thích. Cuối cùng là "Con nhà người ta", họ thường lấy bài kiểm tra gần nhất làm trung tâm cuộc trò chuyện, trao đổi về những câu làm sai.

Dạo vòng sân trường, Huy lại về trước và bỏ rơi An. Giờ hy vọng to lớn của cậu chỉ là vô tình bắt gặp Hạnh hoặc Phương để họ lại tiếp tục mời cậu cùng ăn trưa như hôm qua. Tiếc là chẳng ai trong số họ xuất hiện ở đây, An sẽ phải ăn trưa một mình trong cái góc xó xỉnh nào đó - một nơi biệt lập và "bất khả xâm phạm". Thật xấu hổ nếu phải thừa nhận mình từng ăn trưa trong nhà vệ sinh, nhưng đúng là có chuyện đó thật. Không phải một vài lần thiểu số, mà gần như là một kế hoạch cố định. Xét trên tiêu chí của An, nó toàn bích như một nơi biệt lập và "bất khả xâm phạm". An không bận tâm nếu ai đó vô tình nhìn thấy và bảo cậu là "thằng tự kỷ", "biến thái" hoặc "bệnh hoạn". Và cũng không phiền hà mùi hôi, không gian chật hẹp bẩn thỉu của chiếc buồng vệ sinh chưa tới một mét vuông. Nó đã là nơi lý tưởng và "an toàn" cho An suốt những năm cấp hai. Giờ thì không được nữa, bởi nhà trường bắt tất cả học sinh "không ăn bán trú" phải ra về hết, tránh hoạt động ồn ào ảnh hưởng giấc ngủ của học sinh tích hợp.

An sẽ phải tự tìm một "nơi biệt lập và bất khả xâm phạm" mới cho riêng mình ngoài khuôn viên trường. Tìm một chốn mà bản thân thuộc về, trong ba năm tới, cậu sẽ phải tìm thật nhiều chỗ trốn. Nhưng không cần vội, còn nhiều việc phải làm.


Chiều hôm ấy, khi tiếng trống cuối cùng của tiết năm cất lên, nhóm Huy và theo sau là Hạnh cùng kéo đến bàn An. Dẫn đầu quân đoàn tất nhiên vẫn là Huy, An thử đọc vị đôi mắt ấy: Có chút ngập ngừng.

"Đi nào!" Thiện reo lên, như đứa trẻ sắp được bố mẹ dắt đi ăn ngoài. Về tổng thể, Thiện và Đức vẫn đang giữ khoảng cách với Hạnh, phần vì ngại tiếp xúc với con gái, phần vì khó xử với vụ xếp ghế hôm trước. Đức chưa thể chấp nhận việc Hạnh không thèm nói lời cảm ơn. Còn Thiện, dù có xảy ra sự kiện đó hay không thì nó vẫn sẽ tỏ ra gượng gạo cả thôi. Riêng Huy và An là cầu nối cho mối quan hệ giữa ba người.

Xét trên vũ trụ song song - nơi chuyện xếp ghế không diễn ra - có lẽ sự khiên cưỡng này vẫn sẽ tồn tại, không vì lý do này thì vì lý do khác. Hạnh là người nổi tiếng, nếu cô đi cùng một đám con trai thế này chắc chắn sẽ chịu không ít ánh nhìn sỉa sói từ các học sinh trong và ngoài lớp. Gượm đã, sao cô ấy có thể chấp nhận đi chơi cùng bốn thằng con trai? Chẳng phải trừ Huy ra thì ba thằng kia đều trông như biến thái sao, dù là người ưa giao thiệp đi nữa, chắc Hạnh đã phải đắn đo suy nghĩ lắm mới có thể mở lòng. Điều này cả Huy cũng hiểu rõ.

Đúng như dự đoán, "hội chị em bạn dì thích ăn chơi và bay lắc" cùng nhiều học sinh lớp khác đã không "cưỡng lại" mà đưa mắt nhìn theo. Thiện tưởng mình là người nổi tiếng, còn Đức thì bắt đầu ảo tưởng về độ đẹp trai của bản thân. Ai nấy đều ngoái nhìn Hạnh, như thể chỉ trong sáng mai, vụ việc này sẽ trở thành tâm điểm bàn tán của cả trường. Hạnh cũng nhận ra, song cố tán chuyện để lờ đi.

"Chợ Cát Bi mở đến sáu giờ thôi, mình phải nhanh lên," Hạnh nói. Có thể sau câu nói này, một nhóm bạn, một tình bạn mới sẽ ra đời? Đáng ra An có thể hợp tác cùng cô chỉ bằng vài câu hỏi đơn giản hay một câu cảm thán, nhưng cậu đã không làm gì cả.

"Mới tỉa mái đấy hả, An?" Huy hỏi.

Vô thức luồn tay vào những lọn xoăn dài trước trán, đúng là thưa hơn trước, cậu đáp. "Không, không nhớ lắm."

"Thôi bỏ đi."

"Chừng mười phút đi bộ là tới nhỉ," Huy nói.

"Ừ, tầm đấy," Hạnh đáp.

Năm giờ hai mốt. Cả bọn xuống sân, cổng trường còn cách mười mét.

"Chiều nào tao cũng ra đó."

"Hai đứa mày xin bố mẹ cho về muộn hết rồi phải không?" Huy nói vọng ra sau, mắt liếc Thiện và Đức.

"Tất nhiên, tao đi mà không xin phép là ăn roi ngay." Thiện nói.

"Hạnh có anh chị em gì không?"

"Tao có hai anh trai. Một anh học năm hai còn một anh đi làm luôn rồi."

"Tao cũng có bà chị, hơn tao bảy tuổi lận, giờ ra trường rồi, đang thất nghiệp, chỉ ngồi nhà phụ giúp bố mẹ thôi." Đức tiếp dẫn câu chuyện.

"Chúng mày sướng thế! Có anh chị em để chơi cùng. Tao con một, cô đơn lắm!" Huy ca thán.

"Xì! Mày mới là sướng nhất đấy! Nếu mày chịu để ý thì số bạn gái cũ của mày phải lập được hẳn một 'đội quân'!" Thiện nói.

"Thế chúng mày có bị áp lực học hành gì không?" Hạnh hỏi.

"Mày hỏi đúng người rồi, thằng Huy! Nó bị một áp lực không lồ luôn." Đức mỉa mai. "Hồi cấp hai có lần nó bị ba điểm Lý, và bố mẹ mặc xác nó!"

"Không mắng chửi, không đòn roi. Nó sống tiếp như thể ba điểm Lý chỉ là muỗi!" Thiện nói. "Phải bố mẹ tao thì nó đã trải nghiệm một đêm dưới gầm cầu rồi."

Đàn xe nhốn nháo trên đường. Hạnh say mê tán phét cùng Thiện. Sắc trời yếu dần khi đồng hồ chỉ năm giờ rưỡi. Họ băng qua những cột đèn giao thông, ngã tư chật ních nhân viên công sở tan làm, các bà mẹ tất bật đón con.

Chợ Cát Bi là một không gian kín đáo. Một bên liên kết các ki-ốt, một bên sảnh lớn. Vài chiếc quạt bám bụi treo tường. Trần là cả một giàn khung thép phủ tấm che. Hầu hết quầy hàng đều đã cuốn gói dẹp tiệm. Sót lại những chiếc ghế vứt chỏng chơ dưới đất, nằm nghiêng ngả méo xệch.

Cả bọn chạy đến chỗ bác gái gần nhất. Trạc tứ tuần, bà tuy lớn tuổi nhưng thao tác vẫn nhanh nhẹn, khéo tợn. Bà mặc áo thun dài tay họa tiết hoa văn cổ kính, ngực và lưng đẫm mồ hôi. Hai tay áo xắn lên, tóc búi ra sau.

"Cháu một bò xào rau muống!" Hạnh nói.

"Cháu cũng thế ạ,"

"Hai cơm chiên xúc xích," Thiện gọi cho Đức.

An hơi buồn. Lại sự ủy mị vô phương đó, cảm giác bất lực yếu đuối. Một tâm hồn nhạy cảm ra trò! Cậu có thân với họ đến mức ấy đâu, phải không nào? Đúng thật, chẳng ai cố tình tổn thương An. Nhưng tủi thân đã bằng cách nào len lỏi trong tim, chúng không nên tồn tại.

Bà chuyển hướng sang cậu. "Con ăn gì?" Không thể cứ bơ cậu đi được à?

"Tao phải về rồi."

Cậu nhìn quanh, chiếc đồng hồ treo góc tường, sáu giờ kém. Không phải lúc An cần đi, về bây giờ kỳ thực uổng phí. Cậu khả dĩ viện một lý do như dị ứng hay viêm ruột thừa để ngồi lại mà không cần ăn. Nhưng An không làm gì cả.

"Gì? Vừa tới mà, mày đã ăn gì đâu?" Huy nói.

"Tao dặn mẹ đón giờ này, xin lỗi nhé. Giờ đi mới kịp về trường." Tầm tuổi An, họ đã có xe đạp riêng.

"Vậy thôi, mày về trước đi." Huy nói.

Hạnh nhìn cậu quay lưng rời khỏi chợ. Thật lòng mà nói, từ giây phút Huy buông bỏ việc níu giữ, cậu đã tuyệt vọng. Biết cảm xúc đó là vô lý, nó không nên tồn tại. Dẫu sao quyết định bỏ về cũng là của An, chẳng phải cậu muốn rời đi trong yên ổn sao? Muốn họ lờ mình đi để không ai nhận ra điểm nghịch thường. Cậu đã thầm rủa "không thể cứ thế mà bơ mình đi được sao". Nhưng đến khi họ làm thế thật, An lại thấy điều đó thật tệ. Thực tình chính cậu cũng chẳng hiểu mình muốn gì. Được phỉ nguyền rồi đấy, chỉ là An không muốn cởi khẩu trang thôi mà...

Cậu trở về trường trong nỗi cô độc như một chiếc bóng vắt bên đầu giường hằng đêm đen. Vừa đúng sáu giờ kém mười lăm, vẫn như thường lệ, An tiếp tục đợi hơn bốn mươi phút nữa để được thoát khỏi ngôi trường, quay về vùng an toàn của mình - vỏ bọc thứ hai. Chỉ sau chiếc khẩu trang.

Hồi tiểu học, một lần tôi giấu mẹ đến nhà bạn chơi. Lúc đó vừa tan trường. Nhựt đã rủ tôi đến nhà cậu ấy, chỉ một mình tôi thôi. Nhựt là người bạn đúng nghĩa đầu tiên tôi có trong đời, khi vừa vào lớp một, cậu ấy đã bước tới và hỏi: "Chào, muốn làm quen không?" Tôi lẳng lặng gật đầu, nét rụt rè đó hoàn toàn trái ngược với phong thái của Nhựt.

Cậu ấy là con người hòa nhã. Trong lớp, cậu luôn có thành tích học tập xuất sắc. Dáng người mảnh khảnh, nhưng sở hữu một cái đầu rất to, đến nỗi mọi người hay gọi cậu là "thằng bí ngô". Nhưng vì tính tình hiền lành và thường xuyên giúp đỡ bạn bè nên mọi người đều quý cậu. Một lần, Nhựt sẵn sàng trở thành cầu nối cho tôi làm quen với một bạn nữ. "Thích nhỏ đó phải không, để tao!" Cậu hùng hồn tuyên bố. Và chỉ vài ngày sau, tôi thực sự đã có thể nói chuyện được với bạn nữ ấy. Rồi nào chỉ dạy, chép bài hộ, mượn bút, khao đồ ăn vặt cho tôi, hay tất cả những gì mọi người nhờ, Nhựt đều có thể đáp ứng. Đôi lần nhìn về quá khứ, tôi phải gật gù thán phục tấm lòng quảng đại của cậu.

Thế nên khi Nhựt rủ tôi sang chơi, tất nhiên tôi rất sẵn lòng. Nhưng thời điểm ấy tôi đã ý thức được một điều: lần đón sớm nhất của mẹ tôi là sáu giờ kém mười lăm và lần muộn nhất là bảy giờ hơn. Thế nên tôi chỉ dám đến chơi vài phút, thậm chí vài phút đó chẳng được trọn vẹn, bởi tôi luôn trong tình trạng bồn chồn thấp thỏm. Không lâu sau, tôi đành bỏ cuộc và cuốn gói về trường trước năm giờ bốn lăm. Lúc đó, Nhựt đã ra sức tiêm nhiễm vào đầu tôi ý niệm "la cà chẳng có gì xấu", rồi nào "đến nhà bạn bè chơi hai mươi phút thì có chết ai đâu". Nhiều lúc nghĩ lại, tôi mới giật mình tự hỏi: "liệu số phận đáng buồn của Nhựt sau này cũng bắt nguồn từ những dòng suy nghĩ phóng khoáng ấy?"

Cuối cùng, ngày hôm đó tôi vẫn một mực ra về, nhưng là trong niềm hạnh phúc hân hoan. Vì đã có một người thực sự thành tâm muốn tôi có mặt. Muốn tôi nán lại, chính thế đã kiên trì níu kéo. Vậy nên bản thân rất áy náy khi không thể đáp lại mong cầu của Nhựt.

Trên đường về, tôi nghĩ nhiều thứ, "ngày mai mình sẽ quay lại chơi tiếp". Tôi thấy tiếc cho những tháng ngày mà sự góp mặt của mình còn có giá trị. Giờ thì trong lớp chia bè chia phái, phân từng nhóm riêng lẻ, thế là chẳng ai quan tâm tới ai nữa. Nếu dạo trước có thằng cởi áo trồng chuối trước bục giảng thì cả lớp sẽ cười ầm lên và ban nó danh xưng "cây hài của lớp", nhưng giờ mà làm thế thì mọi người sẽ nhìn nó bằng ánh mắt kì thị, sau lưng sẽ luôn là tiếng xì xầm to nhỏ về "một thằng ấu trĩ thích gây sự chú ý", rồi kết cục của nó là bị cô lập và tẩy chay. Lên cấp ba, sẽ chẳng ai thương hại một kẻ như thế. Đa số họ không còn tìm kiếm tình bạn mới, bởi đã có những bạn bè ở cấp hai, họ chỉ đơn giản xem người khác là kẻ ngáng đường. Dần dà, mọi người đều trưởng thành và ai cũng giống nhau.

Vào một ngày nào đó, ai nấy đều sẽ trở thành một trong số họ. Mãi tận sau này tôi mới nhận ra, đó là một cơn bão không thể tránh khỏi.

"Này An, nói tao nghe, mày đã bao giờ nghĩ một cái chết từ từ sẽ trông như thế nào chưa?" Nhựt đã hỏi như vậy.

"Tao không biết. Sao mày quan tâm chuyện này?"

"Chỉ tò mò thôi. Mày nghĩ gì? Chết dần chết mòn ấy, như trôi thực chậm về cuối con thác, hẳn sẽ đau đớn lắm."

"Có thể," tôi nói. "Chúng ta chỉ là những con cừu non nớt trong xã hội này, Nhựt ạ."

Lên cấp hai, tình bạn giữa tôi và Nhựt ngày càng lạnh nhạt, những tình bạn mới của cậu ấy đã trở thành mối quan tâm hàng đầu. Tôi cũng vậy, dần có những mối quan hệ ngoài lề khác. Cá nhân tôi nghĩ đó không phải chuyện gì quá tồi tệ, bởi lẽ Nhựt vẫn đối xử với tôi như trước giờ vẫn thế. Những mối quan hệ mới này chỉ chiếm bớt đi thời gian của chúng tôi chứ chẳng gây phiền nhiễu gì. Nhưng sự thiếu gắn kết thì tồn đọng. Và mỗi tuần trôi qua, tôi càng cảm thấy bản thân cần nói gì đó với Nhựt, một việc từng rất dễ dàng. Nhưng không thể, tôi không tìm được chuyện nào đáng để làm cớ tiếp cận cậu ấy. Chẳng biết phải nói gì, thấy như bản thân đang giống hệt khoảng thời gian còn là cậu học sinh nhút nhát rụt rè ngày đầu tiên. Tôi không bắt chuyện với Nhựt, và cậu ấy cũng làm điều tương tự.

Tôi bắt đầu kể về Nhựt cho Hiền nghe, cô ấy luôn hưởng ứng câu chuyện bằng cái nhìn chăm chú vào tôi, như thể hố đen xoáy tôi thật sâu vào quá khứ.

"Rồi cây kem đó rớt xuống đất và hai bọn tao bất lực nhìn nhau!" Tôi nói.

"Nhưng đó là số tiền tích góp cả tuần trời của Nhựt mà?" Hiền hỏi với vẻ bức xúc, có lẽ cô thực sự tiếc rẻ cho cây kem Nhựt vô tình đánh rơi xuống vỉa hè.

"Ai biết chứ, cuộc đời đôi khi cũng thế mà," tôi đáp. "Khoảnh khắc nào đó, mày bừng tỉnh và chợt nhận ra mọi công sức nỗ lực của bản thân trong một thời gian rất rất dài, đã biến mất! Tìm đâu chẳng thấy nữa, những gì mày từng nâng niu và quý trọng bốc hơi hết thảy, rồi mày hoảng loạn, rối trí. Mày tự hỏi suốt thời gian qua bản thân đã cố gắng vì điều gì, suy sụp và đành bắt đầu lại từ đầu. Chẳng thể làm gì cả, nhưng rồi mày vẫn cố thử, như một chấp niệm khi con người ta rơi vào hố sâu tuyệt vọng. Mày cố chống hóa công dù biết mình không đủ sức. Đời là vậy đấy."

"Tệ thật," Hiền nói. Cô nhăn mặt không hài lòng. Tôi vẫn kể mà không liên lạc đôi mắt cô, chỉ chăm chú nhìn tấm biển đơn sơ đã phai màu, có dòng 'CANTEEN' và một con thạch sùng dính trên đó. Nó đứng yên, thở hổn hển, như thể đang chăm chú quan sát hai đứa tôi, hoặc cố dỏng tai lần theo dấu vết của câu chuyện.

Hiền rưới ít chí chương lên suất bánh mì của mình, từ tốn cắn một miếng nhỏ và im lặng nhai. Nhìn vào mắt tôi, rồi lại quay lên trần nhà, cô chăm chú vào những chiếc đèn tuýp dài và hai chiếc quạt trần hớ hênh. Ánh đèn như xoay vòng cùng những chuyển động của cánh quạt, xoay xoay, nhiều lúc tôi cũng bị chúng thôi miên vào không gian hư ảo, một căn phòng mênh mông không hồi kết. Tôi thấy mình lúc nhỏ, đang chăm chú quan sát những chiếc cup đậu trước cổng trường, và một cậu bé chạy đến ôm cha vào lòng, cả hai cười đùa gì đó rồi cùng lên xe, chở nhau về nhà.

Tôi vẫn ngồi đó, những chiếc cup dần vơi, sân trường trơ trọi. Trời tối mịt, một chiếc cup khác xuất hiện, ánh đèn xe rọi mắt tôi. Đó là một bà mẹ với đứa con nhỏ ngồi yên sau, cô bé cạnh tôi mừng rỡ đứng phắt dậy và chạy về phía mẹ mình. Cô bỏ mặc sự hiện diện của tôi, gần đó tôi nghe "hôm nay đi học có vui không". Điều đó khiến tôi thầm nhủ: "Hôm nay đã xảy ra những gì?" Rồi sau vội sửa thành giọng mẹ: "Hôm nay đi học có gì vui nào! Kể mẹ nghe đi." Giờ thì đúng rồi, đúng những gì tôi muốn nghe.

Giật mình thoát khỏi vòng xoáy của cánh quạt, đèn tuýp vẫn nhấp nháy trong nhà ăn. Nhận ra bản thân đã nhìn chiếc quạt trần rất say sưa, tôi lắc nhẹ đầu, trở về thực tại trong sự mơ hồ trống rỗng, bàng quang nhìn sự vật xung quanh như vẫn chưa quen mắt. Không lâu sau, Hiền nuốt đánh ực miếng bánh cuối cùng rồi nhìn tôi, vẫn chẳng nói gì. Câu chuyện kết thúc tại đó.

Lớp tám là một thời điểm hệ trọng, Nhựt tìm được một cô bạn gái, mọi người đều kháo nhau giờ đây cô ấy sẽ hoàn toàn thuộc về cậu, đừng mơ một ngày hai người họ chia tay. Bởi lẽ Nhựt quá đỗi dịu dàng, sự hiền lành tốt tính của cậu vẫn duy trì sau nhiều năm. Bạn gái cậu trông nữ tính, ăn mặc đỏm dáng và đường nét khuôn mặt sắc xảo.

Nhưng tôi không thường xuyên thấy cô trong trường, và cũng chưa một lần trực tiếp trò chuyện với cô. Có lẽ vì lớp cô nằm ở dãy hành lang đối diện lớp tôi, vả chăng giờ ra chơi tôi thường chỉ ngồi trong lớp đọc sách hoặc chăm chú nhìn ra cửa sổ, ít khi bước khỏi lớp. Dẫu sao sự xuất hiện của cô cũng chẳng cứu vãn được tình hình, thậm chí giờ đây, tôi và Nhựt còn có dấu hiệu né tránh nhau. Cố vờ như không nhìn thấy đối phương, và quả thực không ai biết bọn tôi đã từng thân thiết đến thế nào. "Kế hoạch ngầm" giữa cả hai thực sự đã thành công ngoài mong đợi! Suốt hai năm trời bọn tôi chẳng hó hé với nhau câu gì.

Nhựt chết vì sốc ma túy - mọi người truyền tai nhau sau khi cậu ấy nghỉ học suốt hai tuần lễ, không lâu trước kì thi tuyển sinh. Cậu đã chết khi chưa tròn mười lăm tuổi. Cái chết ấy có hình thù ra sao, liệu có phải một cái chết từ từ? Nhựt thực sự không còn trên thế giới này nữa. Từ lúc ấy, tôi vẫn nuôi hy vọng một ngày bản thân có thể tình cờ bắt gặp cậu trên đường, hay trùng hợp ngồi chung một đoàn tàu. Tuy nhiên, chuyện đó chưa từng xảy ra, cho đến bây giờ, chính tôi cũng hiểu điều ấy là bất khả.

Nhưng tôi có cảm giác Nhựt chưa biến mất, có lẽ cậu ấy thực sự còn tồn tại, đang ẩn náu đâu đó ngoài kia. Gần một năm trôi qua kể từ ngày tôi hay tin, nỗi đau lớn đến độ chỉ khóc thôi là không đủ, quả thực tôi không thể khóc. Ma túy đã cướp đi một người bạn của tôi. Đó cũng là lúc tôi nhận ra quyền lực của cái chết thực sự to lớn hơn những gì người ta vẫn tưởng. Nó cứ ghé bất kì lúc nào dù chẳng ai mời đến, không chừa một ai.

Tôi tự hỏi liệu kết thúc chiến tranh có thực sự là tín hiệu của hòa bình? Sau khi biết lý do tử vong của Nhựt, tôi đã rất kinh hãi thế giới này. Thậm chí không dám bước chân ra đường, sợ bị bắt chuyện bởi người lạ, e ngại trường lớp và những góc tối trong khu. Ngộ nhỡ ngày mai nạn nhân tiếp theo sẽ là tôi? Ý nghĩ ấy khiến tôi phải sống bồn chồn thấp thỏm suốt một thời gian rất dài.

Đến tận bây giờ, mỗi khi có ai nhắc lại, tôi vẫn nhớ như in bầu không khí thời đó luôn khiến tôi ngạt thở, nhưng không thể chống cự. Vì thời gian cứ chảy trôi, chẳng cách gì ngưng được, thế nên người ta đành sống tiếp đến khi lớn lên. Việc bị lôi kéo sử dụng ma túy là không thể tránh khỏi, chẳng phải cứ từ chối là xong. Nếu mọi chuyện đơn giản đến thế thì Nhựt đã không phải chết tức tưởi như vậy. Quả thực, đi đêm vào giai đoạn ấy là vô cùng nguy hiểm, gần như không khác gì tự sát hồi 2009.


Ngày thứ ba, không ngoài dự đoán, tin đồn Hạnh đang hẹn hò cùng "Huy hốt boi" đã lan truyền rầm rộ. Từ người già đến trẻ nhỏ, từ khối mười đến khối mười hai đều không ít "chị em bạn dì" tò mò về tính thực hư câu chuyện.

"Hôm qua mày đi chơi với Huy à? Sướng thế!"

"Bọn này chứng kiến tận mắt rồi!"

"Mày làm sao quyến rũ được Huy vậy? Chia sẻ bí quyết với!"

Họ vây kín cửa lớp 10A4, "tra hỏi" nhiệt liệt. Tin đồn Thiện và Đức nghĩ đáng ra là: "Hạnh đi chơi cùng một đám con trai". Nhưng giờ nó lại thành: "hoa khôi có người yêu". Huy hoàn toàn chiếm sóng. Thiện và Đức cảm thấy bị phản bội. An chẳng quan tâm lắm.

An chống tay lên má vẻ chán chường. Hời hợt nhìn ra đám đông trước cửa lớp - nơi đang là cứ điểm của đám con gái, vẫn chưa có dấu hiệu vơi từ lúc Hạnh xuất hiện. Lúc đó, Phương có dấu hiệu muốn tiếp cận An. Thời gian đình công khi cô nhìn về hướng này và chầm chậm nhích từng bước. Cậu lúng túng đến không thể nghĩ. Lần này cô muốn gì, An phải trả lời ra sao? Lỡ Phương vẫn khó chịu vì lần trước? Mà quan trọng hơn, Phương có đang nhắm tới An không?

HOÀN TOÀN KHÔNG!

"Này Quang, trường mình sắp tổ chức giải bóng đá đấy, mày biết chưa?"

"Hả? À ừ. Chia theo ba khối."

Tình yêu trong cậu như tự tách rời khỏi tâm trí, sống biệt lập khỏi chủ thể. Không nghe theo ý An, cứ tự tung tự tác. Chính thế, nó mong Phương nhìn mình. Dù không muốn thừa nhận ý nghĩ xấu hổ đó, nhưng cô có thể ngó qua đây không? Chỉ một lần thôi.

"Mày tìm người cho đội lớp mình được không? Phải chốt danh sách trước mười một tháng Mười."

"Ờ được, còn hơn một tháng nữa mà." Quang đáp như muốn làm qua loa cho xong. Theo quan sát của An từ ngày đầu tiên, Quang thật ra là một con người hiền lành.

Dù ai cũng nghĩ cậu ta là kẻ có xu hướng bạo lực, đặc biệt với bạn bè, nhưng An nghĩ tất cả chỉ là cách đùa cợt của cậu ta. Trên thực tế, Quang chưa từng cố ý gây gổ với bất kì ai. Một bận Quang vô tình đụng trúng một cô bạn trên cầu thang lúc cậu ta trông có vẻ đang khá vội. Trái với suy đoán, Quang không hề tỏ ra khó chịu, ngược lại cậu ta còn chủ động xin lỗi rồi hỏi cô bạn ấy có sao không. Với nữ là thế, còn với nam thì cũng chưa biết được, ít nhất cậu ta không hách dịch và "công chúa" đến mức gây gổ với con gái.

Dù thế, không quên lần Quang siết cổ một bạn nam nhỏ con trong lớp. Thực chất cậu ta chỉ diễn trò tấu hài. An cũng vô tình biết tên bạn nam nhỏ con là Đặng Gia Bảo.

Sau mớ câu hỏi mà Hạnh vất vả vật lộn hồi sáng, chiều nay mọi người lại cùng đến chợ Cát Bi. Thật can đảm! Thiện và Đức khó chịu bởi hai thằng chẳng khác nào vệ sĩ của "công chúa" và "hoàng tử". Về phần An, cậu vẫn gặp rắc rối với phần gọi món. Ngày trước, đợt lớp tám, An cũng được rủ đi ăn trưa, mồm thì đồng ý nhanh lắm nhưng đi được nửa đường thì trong đầu cậu đã nổ ra nội chiến. Khi gần đến điểm ăn, An sẽ vờ có việc hay viện bừa một lý do đột xuất để chạy về.

Thời cấp hai, An chỉ cởi khẩu trang vì hai lý do: một là để thuyết trình; hai là chụp ảnh lớp. Có vẻ lần này An sẽ từ chối đi cùng, nhưng không! Cậu vẫn đồng ý. Điều mà một người am hiểu sâu sắc về tâm lý như Huy cũng bất ngờ. Huy tự hỏi lần này An sẽ làm gì. Nếu lại bỏ về thì cậu quả thực là người khó hiểu nhất Huy từng tiếp xúc.

"Ê hôm nay tao phải về sớm có chút việc, chúng mày cứ đi đi!" Đức nói rồi vội vàng băng qua từng dãy bàn một cách vụng về mà rời khỏi lớp.

"Nó bị tiêu chảy à?" Thiện thốt lên, trước mặt Hạnh.

Một câu đùa thô thiển của những học sinh thuộc tuýp người như thằng Thiện, nhưng An cũng phải thừa nhận trong một số trường hợp, câu đùa này khá hài hước. Không, thật đấy... Đáp lại trò đùa là tiếng cười trừ của Huy và Hạnh. Lúc này lòng An đầy niềm vui, như thể những tế bào trong máu đang nhảy múa khắp cơ thể. Có lẽ cảm giác xuất phát từ việc hôm nay sẽ bớt một người, là giảm bớt "áp lực" cởi khẩu trang cho An.

Cậu vô thức nhìn qua nơi Phương, cô đương bàn với "hội chị em bạn dì thích ăn chơi và bay lắc" về: "Hà lớp 10A2 mới vô trường ba ngày đã 'bỏ túi' được hai anh lớp mười một", hoặc "Quyên và Khang lớp 10A6 chia tay chỉ sau một ngày hẹn hò, lý do là Quyên thấy Khang không xứng đôi với mình". Tạm bỏ qua chuyện đó, Phương hiện chẳng đoái hoài đến An nữa, một bước lùi rõ rệt! Cậu vừa tiếc nuối vừa căm ghét bản thân vì thứ mặc cảm chết tiệt này.

Trên đường, Thiện tiếp tục câu chuyện còn dở dang. "Lần trước mày hỏi chuyện áp lực làm gì thế?" Một người tưởng chừng ngoài tầm với nhưng giờ đây đang đứng cạnh Thiện và cùng hàn huyên thế này, như một phép màu vậy.

"À, vì tao không đủ điều kiện vào trường chuyên nên bố mẹ tao rất buồn. Dù không mắng chửi gì nhưng thái độ của họ khiến tao tự thấy thất vọng về chính mình." Hạnh nói. Băn khoăn không biết có nên tiếp tục cố gắng để chuyển trường không. Cơ hội vẫn còn nhưng rất mong manh. Hạnh tự trách bản thân đã không chăm chỉ hơn khi còn ở đội tuyển Sinh hồi cấp hai.

"Sao đâu mà! Học trường này cũng được chứ sao?" Thiện đáp. Với một thằng an phận như cậu ta, học trường làng đã là quá tốt.

"Không phải! Mày không hiể..."

Thấu hiểu được sự tình, Huy chen vào cứu cánh cho Hạnh. "Nếu mày là con nhà gia giáo, có truyền thống học cao và bố mẹ đặt rất nhiều kỳ vọng vào mày, thì mày có muốn phụ lòng họ không?" Một điều không ngờ đã xảy ra, An làm một việc chưa từng có tiền lệ - nhảy vào cuộc thảo luận của người khác.

"Chẳng phải đó là lựa chọn của họ sao? Mày cũng có lựa chọn mà, Hạnh? Bố mẹ mày lựa chọn đặt nguyện vọng lên vai mày. Nhưng nếu thấy nặng quá, mày chỉ cần đặt chúng xuống thôi."

Huy lập tức phán bác. "Không phải đó là nghĩa vụ của con cái sao? Làm hài lòng bố mẹ?" Giọng Huy gay gắt hơn, không có vẻ gì khó chịu.

"Điều đó nghĩa là phải lãng phí cả đời và vứt bỏ bản ngã của chính mình?" An nói.

"Dĩ nhiên, bố mẹ sinh ra chúng ta, hy sinh cả đời nuôi nấng ta nên người. Đó là cách để đền đáp thôi!"

"Vậy chẳng khác nào một cuộc giao dịch? Mày biết khi chuẩn bị rửa bát mà có ai nhắc tao phải rửa bát thì sẽ thế nào không?"

Không trả lời.

"Tao sẽ khó chịu và không muốn rửa bát nữa. Chuyện đền đáp cũng vậy, biến nó trở thành nghĩa vụ bắt buộc sẽ khiến đứa trẻ căm ghét chính bố mẹ mình vì đã giam cầm cuộc đời nó. Vậy khi đó việc 'làm hài lòng bố mẹ' có còn mang ý nghĩa 'đền đáp' nữa hay không?" An nói. Huy vẫn im lặng. Cậu chốt lại: "Đứa trẻ không yêu cầu được sinh ra."

Cảm thấy đã quá giới hạn, An cười trừ, nụ cười bị che khuất sau lớp khẩu trang nhưng đôi mắt tỏa ra một không gian ấm áp. Huy hiểu hàm ý nên cũng ngừng tranh cãi.

Qua sự bộc phát ấy, Hạnh hiểu thêm về tư duy và lối suy nghĩ của An. Với thế hệ trước, đó có thể coi là sự bồng bột, nổi loạn tuổi trẻ, những điều An nói ban nãy là suy nghĩ thực lòng chứ chẳng phải bênh vực cho Hạnh. Nhưng lòng cô vẫn rất vui khi có người hiểu cho mình, học trường chuyên để có một tương lai tươi sáng và hoàn thành tâm nguyện của bố mẹ cũng tốt, nhưng Hạnh muốn dành thời gian tạo những kỷ niệm đẹp với bạn bè hơn. Sao cô phải kết thúc tuổi xanh đời mình bằng việc cắm đầu học?

An đã rút kinh nghiệm mà bỏ về ngay giữa đường, chỉ còn ba người. Màn đối thoại loãng hơn và rải rác khi không có Đức. Cả buổi, Thiện trò chuyện với Hạnh khá nhiều, một thằng ăn nói ngáo ngơ như nó, ấy thế mà có thể cuốn hút được Hạnh. Họ đã tiến thêm một bước trong tình bạn.

Đêm đó về nhà, đầu Thiện vấn vít mãi những khoảnh khắc Hạnh cười, đôi môi dính hạt vừng, cử chỉ vén tóc sau tai. Mọi thứ đóng sạn trong trí suốt đêm, không sao ngủ được.


Đức cặm cụi vẽ như điên, ngồi cạnh là Hoàng Giang. Thật sự như "điên", cứ hễ vài phút, Giang phải nhắc cậu bình tĩnh lại nếu không muốn hỏng tranh.

Ngày trước có một bận, gần hạn chót nhưng tranh chưa xong, Đức đã "ngây thơ" mang tranh đến lớp để các bạn vẽ cùng. Nếu việc bọn nó làm hỏng bức tranh đã đủ tệ, thì nó còn tệ hơn thế. Họ buông những lời chế giễu châm chọc về sở thích của Đức thậm tệ.

"Hạn nộp ngày mấy?"

"Hai mươi." Đức nói.

Trôi qua hai ngày vẫn chưa hoàn thành nửa công đoạn. A0 to hơn Đức tưởng. Lại chỉ có hai người. Chẳng lẽ cậu phải bỏ lỡ cơ hội lần nữa? Hoàng Giang hiểu rõ sự tuyệt vọng trong Đức lúc này.

"Mày vào năm học rồi. Năm nay còn phải thi tuyển sinh nữa. Không lo học đi giúp tao làm gì?" Đức nói.

"Mới đầu năm mà lo gì! Giờ mày đang cần tao giúp đây này!"

"Ai cho mày gọi tao là 'mày' hở con kia! Tao đã dặn bao lần phải xưng hô đúng vai vế cơ mà?"

"Lêu lêu! Tao cứ thích xưng 'mày' đấy mày làm gì tao?"


Ngày mười tháng Chín. An đứng trước thư viện. Tấm áp phích vẫn còn trên cửa. "CUỘC THI VẼ CẤP THÀNH PHỐ", dòng chữ to in đậm trên áp phích. Yêu cầu: Thí sinh buộc nộp tác phẩm trên giấy A0; hội đồng chỉ nhận các tác phẩm đã lên màu. Đối tượng tham gia: công dân thành phố Hải Phòng. Chủ đề: Phong cảnh ấn tượng. Hạn chót: Sáng, tám giờ ngày hăm bảy tháng Chín.

Giờ ra chơi, Đức lo lắng khắc khoải, chân nhịp lên xuống liên hồi. Cậu nghĩ về kế hoạch trưa nay sẽ làm được những gì, tiến độ, màu sắc lên thế nào thì phù hợp tinh thần của bức tranh. Giá mà Đức biết đến cuộc thi sớm hơn.

An bước tới.

"Qua kia nói chuyện với mọi người kìa." Vẫn là chất giọng khàn đặc và trầm thấp của cậu ta, luôn khiến người khác phải dè chừng.

"Về cái gì?" Đức hỏi.

"Kế hoạch cắm trại," An nói.

Đức hưởng ứng câu chuyện nhanh đến chóng mặt. Dường như trở thành con người khác, chiếc mặt nạ được chuẩn bị trước.

"Này này! Sao đi cắm trại không rủ tao?" Đức hồ hởi.

"Chưa chốt kế hoạch cụ thể." Thiện nói.

"Giờ mọi người muốn cắm trại ở đâu?" Điều Đức không ngờ nhất là việc Hạnh sẽ tham gia cùng, sao lại có chuyện một đứa con gái đi cắm trại cùng bốn thằng con trai được?

Suy nghĩ ban đầu của Đức là "sao Hạnh tham gia cùng nhóm mình". Dường như không ai trong số họ có vấn đề với việc đó. Chẳng lẽ sau một ngày vắng mặt mà Đức đã bỏ lỡ điều gì quan trọng đến mức khiến Hạnh trở nên thân thiết với cả hội như lúc này?

"Hay cắm trại trong nhà?" Ý tưởng của An.

Phụ huynh sẽ là chướng ngại lớn nhất đối với "phi vụ" lần này. Nhưng lại có thêm một bất ngờ nữa đến với Đức. Thay vì gạt bỏ thì ai nấy đều hưởng ứng. "Vậy giờ chốt nhà ai mọi người nhỉ?"

"Toàn con trai thế này chắc bố mẹ tao không cho đâu," Hạnh nói. Dĩ nhiên mọi người đều thông cảm cho cô.

"Nhà tao nhỏ lắm! Đi đông vầy chắc không vừa!"

"Thế nhà Đức đi!" Huy vội vàng đi tới điểm dừng chân của cuộc thảo luận.

Nghe vậy, Đức đơ cả mặt mũi. Nhưng chưa kịp phản đối thì mọi người đã đồng loạt tấn công. "Ừ vậy đi! Tao thấy vậy hợp lý nhất rồi." An tiên phong. Những người còn lại liền hùa theo như một kịch bản dựng sẵn. Có lẽ sau vụ này, Đức sẽ hận An lắm.

Chỉ còn cách viện cớ từ chối ngay bây giờ, không thì chẳng còn cơ hội hoàn thành bức tranh nữa.

Đức bối rối. Ánh mắt mọi người đổ dồn về cậu ta, không còn đường lui.

Dường như Đức chẳng còn tin mình sẽ hoàn thành bức tranh đúng hạn. Phải chăng Đức đã từ bỏ cuộc thi ngay từ lúc đeo mặt nạ?

"Vậy đi! Hẹn tối mai nhé," Đức nói.

Kết thúc thảo luận.

Đức chuẩn bị thu dọn cặp sách ra về, trong lớp chỉ còn vài người. An bước đến. "Ê."

Rất hiếm khi An chủ động bắt chuyện riêng với Đức.

Đức trưng ra bộ mặt u ám nhất thế giới. Ánh mắt đờ đẫn chẳng còn sức sống. "Hả?"

"Cuộc thi vẽ sao rồi?" An nói.

"Mày nói gì vậy?" Đức nhíu mày nhìn cậu.

"Hãy để bọn nó giúp, họ KHÔNG PHIỀN ĐÂU."

"Nhưng tại sao?"

"VÌ CHÚNG TA LÀ BẠN BÈ. Mọi người sẽ giúp mày phần còn lại. Tao không chỉ nói về bức tranh."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro