Chap 11

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sau bữa cơm trưa, Trí Tú nằm trên ghế salon chợp mắt một chút, Trân Ni không có thói quen nghỉ trưa, nên lại leo lên thang xếp tiếp tục làm việc.

Trân Ni nhìn Trí Tú đang nhắm hai mắt, nên cố gắng làm các động tác nhẹ nhàng, tận lực không tạo ra quá nhiều tiếng ồn để nàng có thể thoải mái nghỉ ngơi. Nhìn người ta thấy chướng mắt là một chuyện, nhưng nguyên tắc cơ bản của làm người cũng phải giữ, điểm này thì Trân Ni vẫn luôn hiểu.

Trí Tú lắng nghe tiếng cọ soàn soạt nhẹ nhàng khi pha màu của Trân Ni, đột nhiên trong lòng cảm thấy bình lặng đi. Nàng không ngờ những loại âm thanh như thế này lại có thể dễ nghe đến vậy, nên rất nhanh nàng tiến vào trạng thái mơ mơ màng màng.

Ngủ trưa không bao giờ có thể ngủ quá sâu, vì thế chỉ nửa tiếng đồng hồ sau, Trí Tú đã mở mắt ra, nhìn Trân Ni đang cẩn thận pha trộn các màu nước, hầu như không tạo ra bất kỳ tiếng động nào, khóe miệng nàng nhẹ hiện lên một tia cười ấm áp mà ngay cả bản thân cũng không phát hiện ra.

Ba giờ chiều, Mai Hinh đến tìm Trân Ni. Trước tiên cô hướng về phía Trí Tú cười một cái, sau đó mới kéo Trân Ni ra một góc, từ bên trong túi đeo phía trước móc ra hai trái táo để vào lòng bày tay Trân Ni, nhỏ giọng nói: “Trưa nay mình có kêu Tần Hạo ra ngoài mua hai cân táo, nên giờ đến đây cho cậu hai trái ăn này, chứ ăn bánh mì hoài cũng ngán mà.”

“Cám ơn nha.” Trân Ni cười hỏi: “Bên cậu làm đến đâu rồi?”

“Chỉ mới bắt đầu làm thôi à, cũng giống như cậu là vẽ phác được cái hình. Đúng rồi, nãy thầy Đinh gọi điện thoại cho mình đó.”

“Hai người nói gì vậy?”

“Cũng không nói gì nhiều, chỉ là hỏi thăm tụi mình làm việc ở đây có ổn không thôi, à mà mình có nghe thấy ấy than thở oán giận mấy câu.” Mai Hinh nén giọng cười: “Thầy Đinh bảo tụi sinh viên bây giờ, trình độ vẽ vời ngày càng chả ra sao, thái độ làm người thì ngày càng không biết lớn nhỏ, chẳng biết tôn trọng tiền bối đi trước gì cả. Khi biết thầy có bạn học bị chết sau Phong trào dân chủ 89*, không những nài nỉ thầy phải nói rõ sự kiện ấy rốt cuộc là sự kiện gì, mà thậm chí còn có sinh viên đem so sánh với Ngũ Tứ vận động** nữa, nên làm cho thầy Đinh không biết làm sao luôn.”

(* Phong trào dân chủ 89: ám chỉ những cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn trong năm 1989. Sự kiện này bắt đầu sau cái chết của Hồ Diệu Bang – cựu Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Dân chúng xuống đường nhân tang lễ ông để tụ tập diễu hành và biểu tình chống lại tham nhũng, đòi hỏi tự do báo chí, tự do ngôn luận và tái lập quyền kiểm soát của công nhân đối với ngành kinh doanh. Sự kiện này bắt đầu từ 15 tháng 4, 1989 và kết thúc vào 4 tháng 6, 1989.

** Ngũ Tứ vận động – còn gọi là phong trào Ngũ Tứ, được đặt tên như vậy vì nổ ra đúng vào ngày 4 tháng 5 năm 1919. Đây là một phong trào đấu tranh rộng lớn của sinh viên, học sinh, công nhân, thị dân, trí thức Trung Quốc, để phản đối điều khoản chuyển giao chủ quyền tỉnh Sơn Đông từ tay Đức sang cho Nhật Bản trong Hiệp ước Versailles. Phong trào này cũng là những cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn.

–> 2 sự kiện này thường bị đem so sánh với nhau vì cùng xảy ra ở Thiên An Môn, nhưng khác nhau ở chỗ: Ngũ Tứ là đấu tranh vì Trung Quốc, còn 89 lại phản đối chính quyền Trung Quốc.)

“À cái sự kiện năm 89 kia đến tận bây giờ cũng đâu có nhiều người dám nhắc đến. Mấy vị ở trên cấm người dân bàn luận chuyện này mà.” Trân Ni nhún nhún vai, chăm chú nhìn bóng lưng Trí Tú, nói lời mang nhiều ẩn ý: “Có không ít người rất thích lén lút so sánh sự kiện năm 1989 với phong trào Ngữ Tứ, nhưng riêng mình thì cảm thấy hai sự kiện này không thể nào đem đi so sánh như vậy. Sau lưng phong trào Ngũ Tứ còn có Trần Độc Tú và Lý Đại Chiêu làm tham mưu và lãnh đạo, khẩu hiệu và sách lược hai người này đưa ra đều đã được nghiên cứu kỹ. Còn sự kiện 89 kia thì có ai đứng sau đâu chứ? Rốt cuộc cũng chỉ là một đám học sinh sinh viên trong lúc bầu nhiệt huyết dâng cao mà nóng máu làm bừa, toàn là bọn thanh niên tay không tấc sắt mà đòi đi lật đổ mấy người có máu mặt được vũ trang tận răng, còn ồn ào đòi cái ông Lý ấy* xuống chức, như vậy không phải lấy trứng chọi đá hay sao? Cây thương cây súng không đem đi bắn người thì sản xuất làm gì? Từ xa xưa, Trung Quốc đã có đường lối thế này, trước khi diệt bên ngoài thì trước hết phải dẹp yên bên trong, thống nhất con đường tư tưởng của nội bộ xong xuôi trước đã rồi mới xử cái khác. Bộ những trái bom nguyên tử và mấy cái xe tăng bọc thép làm chơi cho vui thôi sao? Bộ mỗi năm, đến ngày Quốc khánh lại tổ chức duyệt binh hoành tráng chỉ đơn giản là vì muốn diễu võ dương oai tỏ rõ nước ta hùng mạnh thôi à? Làm gì có chuyện ngon ăn như thế! Chỉ đáng thương cho những người bị chết kia, chỉ là những học sinh sinh viên làm con rối bị lôi kéo vào cuộc đấu tranh vô nghĩa, chết rồi cũng không thể nói bọn họ làm sao lại chết. Aizzz… đây chính là hiện thực ah… Hiện thực chính là đất nước rộng lớn của chúng ta có một tỷ ba triệu dân, người đông lúc nhúc, nên việc đòi hỏi nhân quyền quả thật là điều quá xa xỉ, mà chuyện mỗi người dân có thể làm, chỉ là tranh thủ quyền sinh tồn mà thôi.”

(* ông Lý ấy chính là Lý Bằng, lúc đó đang là Thủ tướng Trung Quốc, là người được đa số cho là đối thủ chính trị của Hồ Diệu Bang)

Trí Tú nghe thấy ẩn ý sâu xa đằng sau lời nói của Trân Ni, khó tránh khỏi cau mày, nhưng thấy Trân Ni phân tích mạch lạc rõ ràng, cũng không khỏi nhìn nàng với cặp mắt khác xưa.

“Cậu đó, toàn thích nói về đạo lý với hiện thực, nhưng những điều cậu nói không sai, quả thật đúng như thế.” Mai Hinh vỗ vỗ đầu Trân Ni, nói: “Được rồi, giờ mình nên về rồi, cậu cũng mau tiếp tục làm việc đi.”

“Ừm, biết mà.”

Cả buổi chiều, Trân Ni và Trí Tú không hề mở miệng ra nói với nhau câu nào. Khi đến giờ tan tầm, Trân Ni lưu loát thu dọn đồ đạc, nâng thang xếp, cầm hết mọi thứ đi ra ngoài. Trí Tú nhìn theo bóng lưng của nàng mà lắc đầu, thà rằng để bản thân vất vả chứ nhất quyết không mở miệng xin lỗi. Cô gái kiêu ngạo này cũng thú vị đó chứ!

Trân Ni đem hết đồ đạc để vào chỗ làm việc của Tần Hạo, sau đó một mình lững thững về nhà. Tần Hạo và Mai Hinh sống chung một nhà, nơi ở cũng không cách nhà nàng quá xa, nhưng hai người đã bận rộn cả ngày, nên để người ta có không gian riêng, tốt nhất không nên làm kỳ đà cản mũi đến nhà hai người họ ăn cơm chùa. Nàng nhìn đồng hồ, thời gian vẫn còn sớm, nên quyết định đi dạo một chút trước khi trở về nhà.

Trân Ni tới nhà sách, mua một quyển《Thái Căn Đàm》*. Màn đêm buông xuống, màu đỏ ráng chiều lấp lóe. Cảm thấy đi hơi mệt, Trân Ni ôm sách, mua một ly trà sữa, ngồi ở băng ghế dài bên dưới ngọn đèn đường, chầm chậm lật từng trang sách chăm chú xem, khi xem thấy những câu tâm đắc hay có điều nghi vấn, thì nàng cầm bút lên đánh dấu lại.

(*《菜根谭》- Thái Căn Đàm, đây là 1 quyển triết lý phương Đông.)

Có lẽ là do chịu ảnh hưởng từ sự giáo dục của gia đình, mà ngay từ khi còn nhỏ, Trân Ni rất thích đọc sách. Cha mẹ Trân Ni đều là giáo viên, một người dạy Ngữ Văn, một người dạy Anh Văn, đều là người xuất thân từ khoa Văn, trong nhà giữ rất nhiều sách, hơn nữa thú vui của Trân Ni chính là đọc sách, vì thế nàng có thể đọc sách ở bất kỳ đâu, đã đọc vô số các loại sách khác nhau, thể loại nào cũng xem như: thiên văn, địa lý, lịch sử, triết học, tiểu thuyết lãng mạn, bản gốc tiếng Anh,… nói chung bất kỳ sách nào hay thì Trân Ni đều xem qua hết, có quyển nào trước mắt đều lấy ra đọc thử vài trang.

Đọc sách nhiều, thể nghiệm cuộc sống sẽ nhiều hơn, vì thế đối với xã hội này, tất nhiên sẽ hình thành nên một quan điển nhân sinh của riêng mình. Trân Ni không ngốc cũng không dại, tuy rằng nàng kiêu ngạo, nhưng cũng biết đồng tiền có thể bức chết vị anh hùng hảo hán. Trên đời này, muốn sinh tồn được, những lúc nên nịnh bợ thì phải đi hối lộ đút lót người ta, những lúc nên khom lưng thì phải đi cúi người nhịn nhục, cho nên đối với khách hàng, nàng xưa nay đều trưng ra gương mặt tươi cười khi nói chuyện với người ta, cũng thường đi theo nịnh nọt ân sư thầy Đinh của nàng. Chỉ cần kiếm được tiền, chỉ cần không vượt qua điểm mấu chốt của nàng, thì có bảo nàng làm bất cứ điều gì cũng có thể. Trân Ni thường cười khổ, ở trong cái xã hội tôi luyện bốn năm này, đang từ một thanh niên nhiệt huyết ngày nào đã trở thành một kẻ khuyển nho* đạo đức giả, rốt cuộc những góc cạnh sắc bén trong con người nàng đều đã bị mài mòn gần hết rồi.

(* khuyển nho –> ám chỉ kẻ theo Nho học mà bụng dạ xấu xa.)

Chỉ là chẳng biết vì sao, khi đối mặt với Trí Tú, nàng lại không muốn cúi đầu. Trân Ni nghĩ, Trí Tú vênh váo khinh người bắt mình ăn cơm thừa và cà rốt sống chính là một biểu hiện xem thường người khác của chị ta, nghĩ là như thế sẽ sỉ nhục được mình. Mình có thể nhịn nhục trước sự xem thường của người khác, cũng như có thể ăn đồ thừa cơm cặn của người ta, nhưng tuyệt đối đầu mình sẽ không bao giờ thấp.

Đó là nguyên tắc của nàng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro