Chương 1: Quá khứ vang vọng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hô, ta ở đây giữa đêm thâu và gió ngàn,

dưới muôn sao và Dải Ngân Hà rực sáng,

Ta hát cho Người nghe bài ca của hoa đỏ và lá vàng,

của thần Bloi, Deat và Dlak.

Từ thuở sáng thế thượng cổ,

Vị thần già sinh ra ba người con,

khi Trời Đất và Nước còn là những mảnh vỡ hỗn độn

từ khoảng không đen tối vô tận.

Thần sinh ra Bloi và Deat trước tiên,

Bloi ôm lấy Deat quấn quýt lấy nhau không rời,

không để chỗ cho vạn vật sinh sôi,

không chừa chỗ để Thần nghỉ ngơi yên tĩnh.

Thần đứng dậy xé nát tấm vải Bloi Deat dệt

Thần đè Deat xuống, vươn vai đội Bloi lên trên

Thần lấy thịt Deat, khuôn đá đắp cột chống Bloi

Bloi khóc van nài, thế là cơn mưa xuất hiện.

Dlak vì thế mà được sinh ra,

Dlak sinh cây, sinh cỏ sinh lá,

Dlak làm dịu đi sự thống khổ Deat Bloi,

Dlak tạo nên Deat vuông Bloi dẹt,

Dlak phá đi cây cột chống Bloi,

mà từ đó núi đồi gò đống xuất hiện..

Vậy là Thần đã có chốn để nghỉ ngơi yên tĩnh,

Thần ngắm nhìn thế giới muôn màu cỏ cây,

Thần chẳng biết làm gì, bỗng dưng chán nản,

Thần tách rời thành ngàn mảnh nhỏ,

Mà ta có Ông Trời, Bà Đất, Thần Núi, Thần Biển,...

***

Hễ ai đến cái xứ Lạc nơi xa xôi biên cương phía Nam Xích Thuấn (赤舜) cũng đều nghe thấy danh tiếng lẫy lừng của vợ chồng Rồng Hùng và Âu Tiên. Một người là Á Long Thần, một kẻ là Thiên Cung Tiên Nữ, tay trắng tát nước biển Đông, tay không cuốc đất hoang làm nương làm rẫy mà gây dựng nên cơ đồ trù phú, bách tính an lành, quốc gia thịnh trị. Sông dài, đất rộng, ruộng đồng bát ngát mênh mông như vậy, tưởng chừng như Mrong-kurung (Rồng Hùng) sẽ an phận mà sống bách niên thiên kiếp như Ông Bloi, nhưng số mệnh họa ra những bi kịch chẳng chừa một ai, Lạc Vương cũng không nằm ngoài vòng xoáy sinh mệnh ấy.

Năm Mrong-kurung thứ hai trăm bốn mươi lăm, vợ chồng Hùng mở yến tiệc chiêu đãi các vị thần thánh khắp tam giới nhân vụ mùa thành công. Cái tiếng thơm ngàn đời của Long Quân cũng từ đây mà ra. Nghe những câu chuyện cũ đã trở thành truyền thuyết, hậu thế không khỏi sững sờ trước cái uy phong của Vua Rồng năm ấy. Thành Bạch Hạc (白寉) khi đó đón rước các vị Thiên Tử, vua chúa Xích Thuấn trong thế gian, hoa rải khắp chốn, đường êm như lụa; bao thứ bánh tròn bánh dẹt thơm phưng phức được người ta hàng hàng cúng tiến vào cung điện. Tiếng khèn trống rước những Xích Vương toàn Cõi đến tụ họp rộn ràng, linh khí từ Tam Đại Trường Giang bay lên ngùn ngụt. Người ta nói, chỉ còn thiếu mỗi ông Bloi, bà Deat, bà Dlak là chưa về nơi đây.

Trong số những quan khách, có lẽ quan trọng nhất là Đức Tứ Mẫu: bốn vị nữ thần cai quản các miền là con gái của Ông Bloi, là thần của các vị thần Tam Giới. Đương nhiên với vị thế như vậy, các Mẫu luôn là những người được vợ chồng nhà Bồng Vang (芃榮) tôn trọng bậc nhất.

"Hỡi Thủy Cung Thánh Mẫu, con xin dâng ly này kính lễ với Mẫu Thân!" - Hùng Vương cúi đầu lạy tạ Mẫu Thoải Phủ.

"Nhân dịp đất nước Lạc toàn cõi màu lúa chín vàng, hương bông tràn ngập, kho lương đầy ắp, con muốn mời các vị tới đây để chung vui cũng như để thông báo với các vị một hỉ tin."

Ngài Thoải trắng muốt như ánh sáng của muôn vàn vì sao trên bầu trời đêm hòa vào, an tọa mà cười khe khẽ làm rung rinh những bông hoa lúa bằng vàng trên mũ miện:

"Thê tử Âu Linh (嫗泠) của con, chẳng phải là có hỷ mạch rồi phỏng?"

Và thế là đứa bé trong bụng Âu Nương đã được thiên hạ biết đến như vậy. Thế nhưng tất cả cũng chỉ là ngọn gió thoảng đem theo chút hương cỏ mờ nhạt, một tin vui chẳng sớm mà tàn thôi, hà cớ gì mà tất cả người trong thiên hạ đều ghi nhớ đứa bé này lâu đến như vậy? Một sinh linh khi được Bà Mụ cho đầu thai sẽ có một sinh mệnh của chính hắn; trước bách tính muôn dân, Xích Vương từ khắp nơi trong thiên hạ, thần linh từ toàn Cõi, các Thần của thần đang dự tính điều gì? Sống trên Cõi hàng vạn năm, trí tài vô song của các Vị chưa bao giờ hết khiến cả người lẫn quỷ phải dè chừng, quy phục. Là người sống ở thế giới thần linh có một vài quy tắc mà có lẽ Bồng Vang không muốn cũng phải làm. Việc báo mạch hỷ, chàng ta là người không mong muốn nhất.

Mẫu Đệ Nhất là người mở đầu việc chúc phúc cho đứa trẻ còn chưa sinh ra này. Dung nhan tuyệt trần; đương là Đức Thượng Thiên trị vì Thiên Cung, điều khiển vũ bão, hô mưa gọi gió, sai khiến Thiên Lôi, đứng trên vạn quan Cửu Thiên, có thể sát phạt bất kỳ ai nhưng đức hạnh mà Ngài ban phát cho nhân thế không ai không thấu. Mẫu đệ Nhất ít khi hạ giới, nên những kẻ phàm trần nào có được phúc phận được chiêm ngưỡng mũ miện đính Bảy vì tinh tú của vũ trụ thì cũng coi như là kiếp trước đã để tâm mà tu tập, kiếp này cũng là kẻ tạo phúc, sống có lễ nghĩa. Vị nữ thần tiến đến chỗ Âu Linh mà hôn vào bụng nàng. 'Ta ban cho con ánh sáng của sao Xích Thuấn.'

Mẫu Đệ Nhị diện bộ phục màu xanh của cỏ cây, tỏa ra mùi hương của cỏ ngọt và bông thơm bay xa vạn dặm. Mũ Ngài là những hoa ban trắng, hoa lan, liên hoa, ngọc bích nhưng trên thảy là đóa đỗ quyên hồng vừa khiêm nhường vừa cao sang, bướm bay dập dìu như bầu bạn, như thưởng lạc thú được Mẫu bảo hộ. Mẫu đeo bộ ba kiềng bạc điểm xuyết hai bên là hai viên thạch anh Tím. Đức Lâm Cung Thánh Mẫu Thượng Ngàn trao cho đứa trẻ một trong ba viên ngọc quý của ông Bloi rồi căn dặn, 'hễ có hiểm nguy gì thì gọi ta'. Long Quân trân trối đứng yên để vị nữ thần khoác chiếc dây chuyền lên cổ mình rồi giả bộ vui vẻ mà đáp lễ, quỳ lạy.

Cuối cùng là Mẫu Địa, bà là người quản lý Thập Điện Diêm La, đất đai; từ bà mà lúa mới kết bông, cây mới có quả, là nguồn gốc của mọi sự sống và cũng là nguyên căn của mọi sinh-lão-bệnh-tử trên thế gian này. Bà không phải là người đẹp trong bốn người con gái Nhà Bloi; nếu không muốn nói thẳng thì sắc đẹp của bà còn không cả bằng loài người. Năm xưa khi được sinh ra từ linh khí của Bloi cùng với những chị em của mình, Mẫu là người quái dị nhất, thân thể bốc mùi hôi thối như người chết. Lớn lên, người người không dám đến gần mà cô lập bà. Vì quá buồn chán, bà rời Thiên Phủ, tạo ra cái gọi là Địa Phủ, cai quản người chết, nắm giữ vận mệnh.

"Ta vốn chẳng có ân oán gì với sinh linh bé bỏng kia, cũng chẳng đến đây để chúc phúc cho đứa con sắp chào đời của Lãm Sát (纜鎩) ngươi." - Vị nữ thần ngồi xuống đội khăn buồm mà nhắm mắt lại. Khăn phủ diện Mẫu cầm tay trái, còn tay phải bừng lên ba ngọn lửa đỏ rực. Trời bỗng nhiên tối sầm. Mặt trời bị che khuất mất. Sấm sét nổ đùng đoàng. Hàng vạn con người quỳ rạp xuống, cúi đầu im lặng.

"Đây chẳng phải là lần đầu lời sấm này được vang lên.

Một giọng nói khiến đầu óc người ta cảm thấy khó chịu. Không phải là tiếng nói bình thường. Không phải là giọng nói của Mẫu Địa. Bà ta cười độc, "Thế nào? Ý của Lãm Sát ngươi, Đệ Tứ ta chưa tường."

Vua Rồng kìm nước mắt lại, cắn môi mà thốt lên hai chữ 'Dạ vâng'. Lúc này Long Quân như bị hàng vạn con thuồng luồng cấu xé rỉa thịt mà chẳng thốt lên được một lời. Âu Nương nước mắt đầm đìa, nấc chẳng thành tiếng; người ta nói cứ như cả biển Đông đang trào ra từ mắt Mẹ, mặn chát, đắng cay. Chàng và nàng đã biết sẽ có sự tình, dù sớm hay muộn cũng sẽ xảy ra, nào ngờ, lại đúng vào thời khắc này, khi đáng lẽ ra sẽ là một lễ chúc phúc ấm áp, khi đứa bé còn đang là một cục máu bé nhỏ vô tri chưa biết đất trời ra sao, lòng thần linh sắt đá như thế nào. Chẳng ai nhớ ngọn ngành lời sấm truyền của Tổ Phụ Tam Giới, duy chỉ có cái danh mà thần linh gán cho đứa trẻ kia đang vang khắp thiên hạ nhân gian, và sẽ đeo bám nó rất lâu sau khi nó chết nữa.

Đứa bé sinh ra như không hề có cha, bởi lẽ Bồng Vang vì quá đau buồn mà trốn tránh. Từ khi Rồng Vương về Long Cung sâu ngàn thước dưới những lớp sóng cuồn cuộn của Đông Hải, ngai vàng giao cho Âu Hậu nắm giữ cũng chẳng sung sướng gì. Dù có nắm trong tay toàn bộ giang sơn màu mỡ, vinh hoa phú quý đời đời không hưởng hết nhưng cô đơn thì vẫn hoàn cô đơn, một mẹ một con nàng sống với nhau trong cung điện xa hoa nhưng trống trải và lạnh lẽo tột cùng. Than ôi, một vị thần như Bồng Vang mà dễ dàng mất niềm tin và hy vọng như vậy ư? Chắc hẳn có uẩn khúc mà thiên hạ bách tính chẳng ai có thể thấu được.

Và vì thế đứa trẻ tên Dũng mãnh của Âu Linh - Âu Kiêu (嫗驍) - biết đến cha nó bằng những câu chuyện mà Hùng Nương nó kể: "Mrong-kurung cao lớn, vượt trội hơn tất cả những người nước Xích Thuấn hay phương Bắc mẹ từng gặp. Đôi mắt chàng xanh như biển phía Nam, mái tóc chàng có màu nâu của Huỳnh Đàn, tai chàng cong vút như hai nhành cây bông giấy. Ngày ấy, chàng đi lên từ biển cả, làn da màu đồng thau còn dính trên đó vài hạt muối đã khô lại rắn chắc những cơ bắp, khỏe khoắn như một tráng sĩ, hay đúng hơn, là một vị thần."

"Nàng là giống người trần mắt thịt sống ở nơi núi cao, động lớn, ta là loài Rồng quen ở nơi biển khơi xanh thẳm, khó mà ở chung với nhau lâu dài được. Nay ta về Hải Quốc, còn nàng nuôi con ở lại Lạc Thị (雒氏), chia nhau trị vì các chốn, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, nàng chớ quên."

Ngặt nỗi chẳng có cái duyên nào bằng cái nợ này; Âu Linh không hề báo tin cho Mrong-kurung lấy một lời. Có giặc. Là lũ man di Taipasak. Chúng nó dày xéo. Chúng nó giết người. Chúng nó chặt đầu đàn ông. Chúng nó bắt đàn bà làm nô lệ. Mấy tháng trời triền miên ở biên giới phía Tây, thử hỏi ai chịu cho nổi. Thế rồi cũng đến lúc Âu Hậu phải thân chinh xuất trận mà dẹp loạn biên cương. Giáp đồng sáng lóe. Voi chiến kiêu hãnh rống lên từng cơn, tỏa ra ngàn thứ hào quang sáng chói. Nhưng quân địch quá mạnh. Chúng ném lao tẩm độc. Cung thủ ra những mũi tên hóc hiểm. Tướng giặc thổi tù và. Binh lính hò hét kinh thiên động địa, chạy lên như vũ bão, đâm sầm vào phòng tuyến Lạc Quốc. Bộ binh Lạc Thị chưa kịp trở tay đã phải bỏ mạng. Máu chảy thành sông. Máu rời bỏ từng thớ cơ nóng hổi của người hấp hối mà thấm vào từng thớ đất lạnh lẽo, câm lặng. Bạch Hạc vững chãi nguy nga giờ đổ nát hoang phế. Người hầu kẻ hạ bị giết sạch không chừa một ai. Âu Kiêu giờ thế nào rồi? Vị Hùng Nương nghĩ, Số mệnh nó, chưa thể kết thúc bây giờ.

Nàng không cầu viện Mrong-kurung ư. Thật lạ đời, nhưng cũng thật hợp lẽ; nàng đã được tiên tri phải chết, chết đau, chết hận, chết mà còn nhiều nuối tiếc. Âu Nương đã nghĩ kĩ rồi. Tình thế loạn lạc, kéo cả Long Quân vào vòng xoáy của binh biến thì cũng chỉ thêm mạng thiệt mà thôi. Sự tất yếu của cái chết con dân Lạc Thị đã được chính tay thần linh tạc vào sao trời từ thượng cổ chí kim rồi. Cái lao xuyên thủng bụng nàng. Máu trên quần áo thâm xì lại từ lâu. Hùng Nương chẳng cảm nhận được gì nữa. Cứ tưởng như cuộc đời nàng sẽ kết thúc đơn giản như vậy thôi, ai ngờ có chữ "hận" trong lời sấm là nàng quên mất.

Từ trong cái tiếng búa rìu đạp choang choảng vào nhau, trong cái tiếng thanh la não bạt nhức óc của ngày thấm đẫm máu ấy, có lẽ nàng đã thấy bóng dáng của một con quỷ đội lốt người. Là hắn thật. Kẻ thù vô diện, diện thứ trang phục của kẻ lịch thiệp đất Bắc thường dùng hàng thiên niên trước. Thứ chẳng phải là người cũng không phải quỷ ấy tiếp cận thân xác hấp hối của nàng, cầm lấy cán lao mà nâng xác nàng lên. Âu Nương cắn răng, nhăn mặt, mắt nhắm tịt lại. Ôi cơn đau xẻ thịt lột da, nội tạng trong bụng bị xóc lên, dày vò, quặn thắt. Nàng vẫn thở được, nhưng vô cùng nặng nhọc.

Hắn ghé vào tai Âu Linh mà thì thầm to nhỏ:

"Viên ngọc đâu?"

Âu Nương xiết hàm, nhổ máu trong họng ra mới nói được:

"Ngọc nào? Ta không hiểu ngươi nói gì sất!"

Thực thể kỳ bí ấy hóa ra cũng biết tiếng người. Là một con vật tu luyện thành tinh, hay phàm nhân tha hóa, học lối bí thuật cấm kị khắp Tam Giới mà trở thành kẻ ngụy thần, Âu Linh khó lòng biết được; nàng cũng chẳng mảy may nghĩ nhiều. Hắn ta cười như rắn rít rồi áp một tay lên thái dương Âu Hùng Nương:

"Vậy để ta nhắc lại cho ngươi nhớ."

Những kí ức khắp kiếp nhân sinh này của nàng trôi qua như dòng nước chảy xiết. Hắn biết tất cả, hắn nghe thấy tất cả, như chính hắn đã chứng kiến và trải qua. Âu Kiêu không xong rồi! - Nàng nghĩ. Con trai nàng đang gặp nguy hiểm. Một trong ba viên ngọc quý của Bloi năm xưa Mẫu Thượng Ngàn tặng Âu Kiêu là thứ kẻ này đang lùng sục.

"Vậy ra là nó đang nằm trên người thằng bé!"

Đôi lúc, ta nghe thấy sự căm hận của Âu Linh. Đôi khi, ta còn rõ cả những giọt lệ lăn dài trong lòng người mẹ. Cả dân tộc Lạc đã tuyệt diệt; con trai ta cũng không thể thoát khỏi bi kịch đó sao? Ruột gan đã bị xé rách, nàng chẳng còn sức nữa. Lấy hết sức bình sinh, nàng hét lớn, văng cả nước miếng lẫn máu tanh:

"Đừng hòng mà động tới nó!"

Một con Chim Lớn. Đôi cánh nó dang rộng, một cánh cũng đủ để che nửa bầu trời. Những đám mây xám xịt bỗng tản ra như có một vụ nổ yên ắng. Chim Lớn cháy rừng rực như lửa đốt ôm trọn xác và linh hồn của đoàn quân thất trận như bà mẹ ôm ấp lũ con nhỏ mang lên thiên đàng. Kẻ ngụy thần như bị thiêu sống. Hắn gầm lên như con thú bị lột da khi còn sống, hay tử tù khi bị tùng xẻo. Đất Lạc lại sạch bóng giặc, nhưng cũng sạch luôn cả bóng dân. Xác người chất lên thành từng gò từng đống như thung lũng giữa đồng bằng. Lúa dần chết. Sông hết xanh. Thế nhưng, chim muông vẫn còn ca hát, phần thì hát cho những linh hồn vất vưởng biết lối mà về Địa Phủ, phần lại hát để dịu êm cái tiềm thức hỗn loạn của Âu Linh về an nguy của Âu Kiêu. May mắn thay, Quan Lang vẫn bình an vô sự.

1. Các vương quốc Xích Thuấn: Là tập hợp các tiểu vương quốc. Người Xích Thuấn là danh xưng của họ. Người Xích Thuấn gọi nhau là đồng bào.

2. Thiên tửKhông có ý chỉ Hoàng Đế Trung Quốc mà chỉ các vị thần trong Tam Giới.

3. Tam Đại Trường Giang: Gồm ba con sông lớn của Lạc Quốc là: sông Đại, sông Lai và sông Đàn.

4. Bồng Vang: Hiệu của Mrong-kurung.

5. Lãm Sát: Húy của Mrong-kurung.

6. Lạc Thị: Tức Lạc Quốc

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro