4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Công việc chính của Loan là phóng viên của báo Tuổi Trẻ, cô sống và làm việc trên thành phố, nhưng vì sắp lấy chồng nên mới đây cô đã viết đơn xin tạm nghỉ một thời gian, cũng không có nói là khi nào sẽ đi làm việc trở lại.

Hôm nay, Loan dẫn Hùng tới viếng trước mộ ba cô, sau đó cả hai đi gặp chú ruột của cô là chú Tứ như đã hẹn từ trước đó.

Chú Tứ, một người đàn ông không vợ không con, 55 tuổi, bao năm qua chỉ hành nghề lái xe ôm ở thị trấn kiếm miếng sinh nhai. Lần đầu gặp mặt, Hùng cứ ngờ ngợ như thể đã gặp chú ở đâu trước đó rồi nhưng nghĩ mãi cũng không nhớ ra là đã gặp ở đâu. Còn chú thì một mực khẳng định là chưa gặp anh bao giờ.

Vì tính đặc thù công việc nên chú Tứ thường hay mặc một chiếc áo quân phục màu xanh, quần bò màu tro xám và đôi tổ ong màu trắng đã ngả màu. Lúc nhìn thấy Hùng, chú hơi cau mày, chú tháo chiếc mũ trên đầu xuống, nhìn chằm chằm vào khuôn mặt của Hùng một cách rất không được tự nhiên.

Và trong suốt cuộc gặp gỡ đó, chú vẫn đặt ánh mắt do thám trên người anh, kể cả khi nói chuyện và khi không nói gì.

Ánh mắt của chú, làm Hùng cảm thấy lạnh sống lưng.

Lúc chia tay để ra về, Hùng quay sang, lịch sự chào chú Tứ, chú chỉ "ừ" một tiếng rất trầm bên cạnh lời tạm biệt thân mật của cô cháu gái, điều này khiến Loan không vui chút nào.

Hùng vừa đi khỏi, Loan kéo tay chú Tứ, giọng điệu có phần trách móc.

- Chú cứ như vậy anh ấy sẽ nghi ngờ thật đấy.

- Trông nó không khác nào thằng ba của nó. Chờ mà xem đi, lão Phú nhất định sẽ sớm được nếm trải cảm giác tan cửa nát nhà, dù có là vậy nhưng cái chết của ba cháu, hắn dù có xuống địa ngục cũng không rửa hết tội lỗi của mình được đâu.

Chú hừ lạnh một tiếng rồi xoay người bỏ đi, Loan muốn nói với chú về hai anh em Hùng nhưng không có cơ hội. Tuy ông Phú là kẻ đã hãm hại ba cô, khiến ông ấy bị trục xuất khỏi làng và không may bị lũ cuốn trôi mất tại con sông đầu làng ngay trong ngày mưa lũ tại làng Bình An năm đó. Nhưng anh em Hùng không có lỗi gì trong chuyện này cả. Hai người đó, một người là mối tình đầu sâu đậm, một người là ân nhân cứu mạng cô, cô vốn không muốn làm tổn thương đến họ.

Nhưng mục đích chú Tứ ép cô lấy Hùng, cũng như kế hoạch hoàn hảo mà chú dựng lên vào ba năm trước ở lối vào xóm trọ của cô, chỉ là từng bước tiếp cận con mồi, từng bước bắt cô phải trả thù những kẻ đã gây ra cái chết cho anh trai chú, cũng chính là ba của cô.

Một buổi tối của hai mươi năm về trước, trưởng làng Bình An khi ấy không phải là ông Phú bây giờ. Năm đó cũng đúng vào mùa mưa lũ như năm nay, không trồng cấy được gì nên nhiều gia đình vì không chịu được nghèo đói mới đành phải bỏ đi biệt xứ, các hộ dân trong làng cứ ngày một thưa thớt dần. Trưởng làng năm đó vì muốn giữ người dân ở lại nên mới quyết định đem lương thực của nhà mình ra phát cho dân làng, nhưng đêm hôm trước ngày lương thực được đem ra phát, phân nửa trong số chúng đã bị mất cắp.

Ba của Loan cùng chú Tứ và ông Phú khi đó đều là thợ làm vườn trong nhà làng trưởng nên họ nghiễm nhiên trở thành những người bị đem ra tra khảo. Làng Bình An vốn là một ngôi làng tự quản nên những luật lệ của ngôi làng này đều do chính dân làng cùng nhau đề ra và được thông qua bởi trưởng làng. Thật khó mà tin ở cái làng nghèo đó lại có những chiếc roi da và những dụng cụ tra tấn mà chỉ cần nhìn qua thôi đã làm người ta kinh hãi như các nhà tù ở thời cổ đại. Họ bị cột vào một chiếc ghế và bị đem ra xét xử trước mặt dân làng, bị cởi áo và bị những tên đầy tớ của trưởng làng dùng roi đánh xuống.

Trong cơn ác mộng của nhiều năm về sau, ông Phú vẫn thường mơ về cái đêm đen dài đằng đẵng ấy, họ bị đánh đến thập tử nhất sinh nhưng chuyện về số lương thực bị mất cắp đó, tuyệt nhiên vẫn không ai hé răng nói nửa lời.

Cho đến đêm thứ tư, trong giấc ngủ mê man, ông Phú có láng máng nghe thấy hai anh em chú Tứ thì thầm với nhau, họ đã bàn với nhau về việc sẽ đổ hết mọi tỗi lỗi lên một mình ông hòng thoát khỏi những trận đòn roi dã man từ trưởng làng. Ông nghe xong đoạn đối thoại đó thì từ từ ngất lịm đi, nỗi đau thể xác không lớn bằng nỗi đau tinh thần, khi tình huynh đệ trong phút chốc bị phản bội, ông sinh ra căm hận.

Tờ mờ sáng ngày hôm sau, khi hai anh em chú Tứ còn đang ngủ say, ông Phú cố lết cái thân tàn của mình ra gõ cửa nhà kho. Ông đến gặp trưởng làng, khai báo toàn bộ sự thật về số lương thực bị mất cắp.

Kết quả sau đó, ông Phú được tha bổng, còn hai anh em chú Tứ thì thảm hại hơn nhiều. Họ bị đánh một trận nhừ tử trước khi bị đuổi khỏi làng, và cũng trong đêm hai anh em chú rời đi đó, anh trai chú, tức là ba của Loan đã xảy ra tai nạn và không bao giờ trở về nữa.

Thi thể người đàn ông xấu số được chú Tứ tìm thấy ở hạ nguồn con sông. Với tất cả niềm căm phẫn đã lên tới đỉnh điểm, chú lén mang anh trai mình lên thị trấn tìm nơi chôn cất đàng hoàng, sau đó thì quay lại dẫn chị dâu cùng đứa cháu năm tuổi dọn đi nơi khác. Vì tình cảnh khốn khổ mà lúc trước anh trai chú đã có ý định để mẹ con chị ở lại, định là khi nào ổn định được một chỗ ở đàng hoàng mới quay về đón họ. Nhưng sự đời khó lường, anh em chú Tứ còn chưa bước chân ra khỏi làng thì biến cố đã ập đến.

Có thể là gặp thời hay nói là vận may cũng được, chú Tứ có được một số tiền kha khá từ việc vận chuyển gỗ qua biên giới cho một tên có quốc tịch nước ngoài định cư ở Việt Nam, chú dùng số tiền đó xây một căn nhà khang trang cho chị dâu và đứa cháu gái đáng thương. Qua nhiều năm, nhiều thứ đã thay đổi nhưng thù hận trong con người chú thì vẫn còn nguyên vẹn như xưa.

Chú cam chịu cuộc sống độc thân không phải vì chú không có khả năng lấy vợ, mà vì chú tự nghĩ , một con người đã bị bào mòn bởi quá khứ đen tối như chú chẳng còn xứng với bất kỳ một người phụ nữ nào nữa.

Căn nhà cấp bốn cũ kĩ chỉ vẻn vẹn một gian mà chú Tứ mua lại được với giá rẻ từ một người bạn của chú hồi đầu năm ngoái có vị trí khá thuận lợi. Nó nằm gần khu chợ ồn ào nên việc ăn uống hàng ngày cũng không phải là vấn đề gì quá to tát với một người đàn ông như chú nữa. Có những ngày chạy xe mệt mỏi chú thường ghé vào quán phở trong chợ, gọi một tô phở ăn nhanh rồi lại tiếp tục trở lại với công việc của mình.

Nhà của chú không hẳn là nằm ở mặt đường mà chính xác là nằm ngay đầu một con ngõ nhỏ, con đường này thông ra chợ nên những ngày không chạy xe, chú thường có thói quen mang một chiếc ghế ra trước cửa nhà, ngồi đó và ngắm dòng người qua lại tấp nập, ngoài việc chạy xe ôm kiếm sống ra thì đó chính là niềm vui và sở thích của chú.

- Trời mưa quá chú Tứ nhỉ?

- Vâng! Mưa nên ai cũng rỗi.

Đó là cô Thu, một người đàn bà bị chồng ruồng bỏ vì không có khả năng sinh con. Cũng tương tự như hoàn cảnh của chú Tứ, cô sống một cuộc đời cô độc đã mấy chục năm nay, chỉ khác là ở cô ấy luôn toát lên một sự lạc quan yêu đời mà chú Tứ chưa từng bắt gặp ở một người đàn bà nào khác. Sự lạc quan ấy trong những ngày mưa gió hệt như ngọn đèn dầu le lói trong căn nhà ẩm thấp của chú, là nguồn ánh sáng duy nhất giúp chú nhìn ra sự sống.

Cô Thu quen chú Tứ từ ngày mà cô chuyển đến nơi này sinh sống. Cô được người ta nhượng lại công việc trông giữ xe ở ngoài khu chợ. Cô nhớ hôm đầu tiên chuyển về, chính chú là người đã giúp cô treo chiếc bạt cao lên mấy cái que sắt đã được cố định sẵn ở bốn góc nhằm che mưa che nắng cho xe của khách gửi. Ấn tượng về ngày đầu tiên quen biết với tư cách là "hàng xóm" của cô về chú không được tốt lắm khi cô nghĩ chú là một người cục cằn và thô lỗ.

Mãi sau này quen dần cô mới lân la bắt chuyện, chú nói mình là người ít học nên nói chuyện không được lưu loát như người ta, nói cô đừng để bụng. Chao ôi! Làm sao cô dám để bụng khi mà chính cô, thậm chí còn không biết nhận cả mặt chữ.

Cô thèm học chữ lắm nên cũng chẳng ngại ngần ngỏ lời nhờ chú dạy đọc dạy viết. Vì chú đi cả ngày nên có lúc nào rảnh là chú sẽ gọi cô sang để dạy chữ. Tiền chạy xe ôm một ngày chú dùng để mua bảng, mua phấn, mua bảng chữ cái và cả sách tiếng việt về tặng cho cô. Cô bảo ngày xưa nhà cô nghèo lắm, tiền ăn còn chẳng có nữa là tiền đi học, nhà lại đông con nên mấy anh chị em rủ nhau đi làm thuê kiếm tiền. Lần đầu được tiếp xúc với quyển sách giáo khoa, cô Thu thích lắm, ngắm hoài cả ngày không chán. Để trả công chú, cô quyết định sẽ làm giúp chú mấy việc đơn giản như nấu ăn và giặt giũ, không quen với bàn tay chăm sóc của người phụ nữ nên chú cảm thấy không được tự nhiên lắm.

- Sáng nay tôi có luộc mấy bắp ngô, định mang qua cho chú mà chú lại đóng cửa đi mất rồi. Tôi treo ở ngoài cửa ý, chú về đã ăn chưa?

- À..... tôi.... tôi ăn rồi. Chị Thu này.... chị không phải mất công vì tôi như vậy đâu. Tôi lái xe ôm nên không hay ăn ở nhà. Lần sau chị đừng mang gì cho tôi nữa. Tôi....

- Chú đừng ngại. Tôi ngoài việc trông xe ra thì cũng có làm gì đâu, chú không để tôi giúp tôi áy náy lắm. Chú ạ! Người ta hay bảo lá lành đùm lá rách, cả tôi và chú đều nghèo đói nên giúp được nhau cái gì thì giúp cho nó có cái tình làng nghĩa xóm. Chú nhé?

Chú làm sao nỡ từ chối sự quan tâm của cô. Và bởi vì từ ngày anh trai chú mất đi cũng chẳng có người nào đối xử tốt với chú như vậy nên chú xúc động lắm. Cô nói đúng, họ đều là những con người nghèo khổ, nghèo đến nỗi nhà cô và nhà chú phải dựa chung một vách, khổ đến nỗi tại một thị trấn đang đà phát triển như thị trấn này vẫn có những căn nhà dột nát như nhà của hai cô chú. Nhưng đôi khi có những ngày mưa mù ảm đạm như vậy họ lại luôn mong trời đừng tạnh, vì khi trời quang mây tạnh rồi, họ lại phải lao ra ngoài, hòa mình vào dòng người vội vã như những con người bận rộn thật sự. Và sự thật thì họ chẳng bận rộn gì cả, họ chỉ rong ruổi ngược xuôi để mau tìm về một buổi tối bình yên bên nhau giấu sau những ngày dài vô vị.

Chú Tứ ngẩng mặt lên trần nhà, rồi lại nhìn sang bên cạnh, phía sau vách tường kia, cô Thu chắc là đang cuống cuồng chạy xuống bếp lấy chậu hứng nước mưa từ mấy chỗ dột chảy xuống. Sau đó, cô nhất định sẽ chạy qua bên nhà chú, than thở về thời tiết, về chuyện căn nhà cũ nát, và về cả dự định cuối năm nay sẽ sửa lại cái mái. Chú cười, cô đã nhắc về mấy cái cuối năm rồi? Và hình như cuối năm nào chú cũng nghe cô nhắc về mấy cái cuối năm sau đó.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro