Nêm gia vị "tình yêu" vào nữa đi!

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Reeng reeng...engggg"

Chuông báo thức reo lên như thường lệ: 7h15, 7h45, 8h15. Cũng phải mất vài ba lượt báo mới đánh tan được con quỷ lười đấy. Tôi lờ đờ như bé Annabelle lếch cái mớ thịt di động đến nhà vệ sinh và làm những thủ tục quen thuộc.

"Hôm nay có gì mới không nhỉ? Mình sẽ bắt đầu một ngày hết sảy con bà bảy" Tôi có thói quen tự kỷ trong gương, rồi bật bản Dance Mokey nhảy như một con trốn trại. Tôi tự gọi đó là lấy năng lượng từ vũ trụ. Vì phải có một nguồn năng lượng lớn mới đủ phục vụ cho cái cơ thể manh động, khối ý tưởng điên rồ và trái tim nhiệt huyết.

"Làm gì đây nhỉ?", tôi lê la trên Facebook.

"Chẳng có gì thú vị cả. Hmm...", tôi thở dài. Tuy là không thú vị nhưng vẫn giữ nhịp tim tôi ở mức bình thường, 85 nhịp một phút. Nhưng đến khi tôi hoảng hốt nhớ ra mình phải học bài chuẩn bị cho kỳ thi Dược Lý, thì nó chỉ còn đâu đó 60 nhịp một phút mà thôi. Đến cả tim mà cũng chán ngấy mấy cái trò thi cử vô bổ. Sống trên đời thì phải tin nhau chút chứ, tối ngày thi để xem ai giỏi hơn ai, để in ra bảng điểm làm được gì đâu. Lúc nào cũng bảo là kiểm tra năng lực mà cứ thích thách đố sinh viên qua những câu hỏi khó. Nói thế thôi! Chứ tôi cũng biết lợi ích mà các cuộc thi mang lại là vô vàn. Tôi trân trọng chúng vì đó là một trong những kết quả thiết thực nhất cho công sức tôi bỏ ra. Tất nhiên thi cử không phải con đường duy nhất, tuyệt đối mang lại thành công cho bạn sau này. Nhưng cũng phải xem lại thành công của bạn định nghĩa là thế nào đã. Với tôi thì thành công chính là làm tốt những thứ mình có thể làm, sống hết mình từng giây từng phút cho ngày hôm nay. Nên đừng bảo tôi là con ngốc khi đứng trước gương mỗi sáng hỏi những câu hỏi ngớ ngẩn "Mình muốn ngày hôm nay như thế nào?" Hoặc mỗi tối, khi bôi kem dưỡng da trước gương "Hôm nay mình đã làm được gì rồi?" Tính trên mẫu số ba trăm sáu mươi lăm, tỉ lệ tôi thất bại gần bằng một. Như đã nói ở phần Khổ qua nhồi thịt, tôi chưa bao giờ cảm thấy thỏa mãn với "cái" bản thân và đang tìm một "cái" mới. Dù được học dưới đạo lý cao siêu của nhà Phật, tôi biết: "Ái dục khiến người ta đau khổ" Ái dục chính là những ham muốn, tham vọng con người muốn đạt đến. Tôi đang khổ trong chính sự ngớ ngẩn và hồ độ của mình. Tôi công nhận.

Phần lớn mọi người khi nhắc đến hai từ "Ái dục" chắc họ sẽ nghĩ ngay đến tình yêu. Tôi biết bạn đang nghĩ gì đấy! "Tình yêu khiến người ta đau khổ". Bạn sẽ nghĩ ngay đến thứ mà bạn thật sự quan tâm, nên mới có câu "Nghĩ bụng ta ra bụng người" đúng không. Và bạn sẽ là thứ, là cái, là tình huống, là sự vật, sự việc bạn nghĩ cho người khác. Chính những suy nghĩ bạn đặt lên đối phương, sẽ cho thấy nhân tố bên trong con người bạn. Tôi đã dùng "chiêu" ấy được vài năm trời khi phát hiện ra và nó thật sự mang lại hiệu quả. Muốn nhìn một người, trước hết hãy nghe họ nói gì về bạn. Con người luôn muốn trốn tránh bản thân mình, nhưng lại giấu nó vào sự đánh giá người khác. Nếu bạn không tinh ý, bạn sẽ bị chính điều đó đánh lừa và bị những người như chúng tôi lột tẩy đấy. Hãy cẩn thận! nếu bạn đang muốn "ẩn" mình.

Vài tháng trở lại đây tôi nghe từ "Tuesday" được nổi lên như một hiện tượng mạng. "Làm gì mà lần lượt các bộ phim, MV âm nhạc, đoạn trích, truyện, show truyền hình cứ phản ảnh về nó miết" Tôi còn thấy nó trên dăm ba cái quảng cáo nữa. Phải là thứ tạo cho con người một ấn tượng mạnh ở thời điểm hiện tại thì mới dùng làm quảng cáo. Rồi rất nhiều các triết lý về tình yêu, định nghĩa về "Yêu thế nào cho đúng?", "Đúng người hay đúng thời điểm", tình dục và các livestream đánh ghen, bốc phốt "Tuesday" cũng dần thành một trong những thứ mà người ta chia sẽ và xem nhiều nhất. Tại sao thế?

Một lần tôi xem buổi phỏng vấn Trác Thúy Miêu trên YAN news, bà đã nói lên quan điểm về những thị phi trong xã hội như thế này:

"Khi người ta thiếu cái gì, người ta sẽ nhắc đến nó nhiều nhất. Khi một xã hội đang lũng đoạn về đạo đức, chúng ta sẽ mang đạo đức ra để đập vào mặt nhau, để lên án và tố cáo nhau nhiều nhất. Giống như là chúng ta xem trong kho tàng ca dao tục ngữ, khó có câu ca dao tục ngữ nào của ông bà ta mà không dính tới đồ ăn. Đó là vì hồi đó ta thiếu ăn nhất" Tôi trích lại nguyên văn của bà vì chính nó đã bổ sung cho quan điểm của bản thân. Tôi chính là sự kết hợp của cha mẹ và tất cả những yếu tố khác nhau trong xã hội nên khi có một ý tưởng hay quan điểm riêng tôi rất ngại nhận là của mình. Nhắc lại lời của Trác Thúy Miêu, tôi hiểu được những thứ chúng ta nghĩ và nhắc đến nhiều nhất, chính là những cái chúng ta khao khát có nhất. Và tổng hợp các nỗi niềm khao khát đấy sẽ cho thấy bản chất con người thật sự. Khi nhắc quá nhiều đến hai chữ "Tình yêu", nghĩa là điều muốn chinh phục, muốn thỏa mãn nhất lúc này là tình yêu. Và khi mỗi người có trong mình một trái tim tan vỡ, họ sẽ luôn nói về điều đó. Nói như vậy, chẳng khác gì tôi phản ánh con người đang dần thiếu đi sự yêu thương và đồng cảm lẫn nhau. "Chính xác là như vậy!", tôi khẳng định. Nhưng nếu chỉ ngồi vạch mặt rằng cái này không tốt, cái kia không tốt thì tôi đâu khác gì con vẹt lắm chuyện ngu ngốc ngoài kia. Tôi phải có một giải pháp. Và đó là gì?.

Biết bản thân hay tào lao bí đỏ, chẳng thể tự mình giải quyết những rắc rối xung quanh, tôi chạy xuống bếp nhờ giúp đỡ của dì - người nghiên cứu về triết lý nhà Phật và nếm trải đủ mọi thăng trầm cuộc đời.

"Nay dì nấu món gì thế!" Tôi bắt chuyện.

"Dì sẽ nấu chay cho cả nhà ăn nhé! Con thích ăn mì căn thì chạy ra tiệm mua, dì làm cho".

"Thôi con lười lắm ạ, có gì ăn nấy cũng được", Tôi bắt chéo chân tựa vào tủ lạnh tìm hộp sữa cho buổi sáng.

"Mà dì ơi! hôm bửa lần đầu con nấu lẩu, cả nhà ăn ai cũng khen ngon, chắc con có di truyền từ mẹ hay sao á", tôi đắc chí kể tiếp:

"Nhưng mà chỉ được lần đầu, bình thường con nấu món gì mới cũng được khen ngon. Tới lần thứ hai thì chả hiểu sao lại banh chành" Tôi quên mất câu định hỏi dì luôn, tào lao bí đỏ thật!

"Ừm đúng rồi! Nấu ăn lúc nào cũng cần cái tâm hết. Lần đầu nấu, con đặt trọn tâm vào món ăn, muốn nó thật ngon nên kết quả sẽ rất mỹ mãn"

"Chắc là do vậy, mấy lần sau con tự đắc nên chẳng thèm để tâm nữa ạ"

Dì cười bảo: "Hồi còn ở Linh Sơn, dì kho bí đao cho một nhóm công nhân ở chùa. Con thấy món ăn nó đơn giản, chẳng có gì, vậy mà mọi người lại khen ngon. Dì nghĩ chắc là do trong lúc nấu dì đã đặt tất cả tình yêu của mình vào món ăn. Một lòng muốn người ăn được ngon miệng và khỏe mạnh" Dì nói tiếp:

"Ở trong chùa, các vị phụ trách nấu ăn cho chúng rất quan trọng. Nghe thì hơi kỳ lạ nhưng có những người nấu ăn làm người tu rất dễ đi vào thiền định. Dì nghĩ tâm trạng của người nấu chính là thứ gia vị tạo nên nó" Tôi nở một nụ cười thật tươi như đóa sen bắt đầu bung cánh vì cảm thấy mình hiểu thêm gì đó rồi. Thật đơn giản phải không! Để hạnh phúc, ta chỉ cần nêm một chút tình yêu vào cuộc sống y như là việc nêm các món ăn mỗi ngày. Không thể sống mà không ăn được, nếu mỗi bửa ăn trôi qua mà nhợt nhạt chẳng có tý gia vị gì thì đâu ra niềm vui hay hạnh phúc, người ta ăn cũng chỉ để tồn tại. Cuộc sống cũng vậy, mỗi ngày sống mà không nêm "gia vị tình yêu" vào thì sự sống này cũng chẳng còn ý nghĩa nữa. Nhưng tôi vẫn không tài nào hiểu tại sao con người lại ngại nêm thứ gia vị đó vậy? Họ có khó khăn gì ư? Hay với họ còn tồn tại thứ gì đó "ngon lành" hơn tình yêu nhỉ?

Trước khi muốn ăn một tô canh nêm đầy "gia vị tình yêu", hãy chủ động nấu cho mình cả một "nồi canh yêu thương" và chia sẽ cho người khác. Đừng chờ đợi ai đó mang tình yêu đến vì họ có thể sẽ mang nó đi vào một ngày họ không vui. Chính mình hãy biến bản thân thành một cội nguồn yêu thương. Kỳ nghỉ dài hạn này bạn cũng sẽ không cô đơn đâu, vì tôi sẽ thổi cho thật đầy tình yêu vào. Hãy đợi đấy!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro