Chương 4: Đi chợ - Rau trộn chân giò

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tác giả: Khai Hoa Bất Kết Quả | Chuyển ngữ: Phiêu Dương

❀❀❀❀❀

Ngày hôm sau, trời còn chưa sáng, mẹ con hai người đã dậy, rửa mặt súc miệng một lượt, rải thóc cho gà ăn rồi cùng đi về phía đầu thôn.

Bên gốc đa đầu thôn, con trai của trưởng thôn là Lý Sơn đã đánh xe trâu tới đó chờ sẵn.

Lý gia câu cách trấn Thanh Bình không xa cũng không gần, ngồi xe trâu mất khoảng nửa canh giờ, mấy người hơi tiết kiệm, tiếc hai văn tiền đi xe thì đi bộ khoảng một canh giờ cũng tới nơi rồi.

(*) Một canh giờ = 2 tiếng.

Vào tới trấn Thanh Bình là tới chợ phiên ngay rồi. Hai bên đường được bày đầy sạp nhỏ, đều là quầy hàng thôn dân gần đấy dựng tạm, đủ loại vật phẩm muốn gì có nấy. Có gia cầm, trứng gà, rau quả, hạt giống, gà rừng, thỏ rừng, nấm hương, mộc nhĩ, hạt dẻ, táo rừng, còn cả rổ, dây gai, chậu gỗ, giày cỏ,... Nhà làm cũng được mang ra bán. Cả con đường đông đúc, tấp nập, tai nghe toàn thấy tiếng rao hàng, tiếng mặc cả, náo nhiệt tưng bừng.

Hạ Tri Hà kéo Ngọc Tú theo, cẩn thận tránh khỏi đám người tới lui. Hai mẹ con đi tới hàng ăn, gọi hai bát hoành thánh ăn sáng trước rồi mới đi qua một con hẻm nhỏ, tới một con đường sạch sẽ gọn gàng hơn nhiều. Hai bên đường có không ít cửa hàng, quán cơm, quán rượu, tiệm vải, tiệm lương thực, tiệm bạc, cả Bách Vị cư mà Lý Nguyệt Mai thường hay nhắc tới cũng nằm trên con đường này. Mẹ con hai người không ngừng bước mà đi thẳng tới một phường thêu có quen biết.

Bà chủ phường thêu tên là Tân Nương, là người quen từ xưa của Hạ Tri Hà, vừa thấy hai người vào cửa, bà liền tới nghênh đón, còn cười nói: "Ta biết ngay lần trước Hà muội không đến lần chắc chắn sẽ đến mà. Ui, khó có khi Ngọc Tú cũng tới nữa đấy à? Mau, vào phòng trong ngồi với dì một lúc." Vừa nói, bà vừa gọi đứa người làm dặn dò đôi câu, còn mình thì dẫn theo hai người đi về đầu đằng sau.

Tân Nương mời hai người ngồi, rót trà cho mẹ con họ, bà cũng không vội nhìn hàng thêu Hạ Tri Hà mang tới mà trái lại ngồi nói chuyện việc thường ngày với hai người. Bà nghe Hạ Tri Hà nói đang định kén rể cho Ngọc Tú, đã vỗ đùi ngay, vui vẻ đáp lời: "Chuyện này rất tốt! Muội đấy, ba năm trước ta đã nói với muội rồi, Ngọc Tú còn quá trẻ, sao lại để nàng thủ tiết thế được, bây giờ cuối cùng muội cũng nghĩ thông rồi, tính ra thì cũng không quá muộn."

Vừa nói, bà vừa kéo Ngọc Tú, cười tủm tỉm: "Ngọc Tú kể cho dì nghe xem, con thích kiểu thế nào? Dì để ý kĩ cho con."

Bà nói mà khiến Ngọc Tú xấu hổ mặt đỏ tới tận mang tai, vội vàng trốn ra sau lưng nương nàng,

Hạ Tri Hà đẩy tay Tân Nương ra, bà nói: "Da mặt nàng mỏng lắm, tỷ đừng đùa nàng nữa. Nào phải do ta nhẫn tâm, nhất nhất muốn nàng thủ tiết nhưng nàng vốn mang phận con dâu nuôi từ bé sống ở Lý gia, nếu Lý Nhân qua đời mà nàng không có biểu hiện gì đã vậy còn quay đầu gả cho người thì như thế chỉ riêng nước bọt thế nhân đã đủ dìm chết hai mẹ con chúng ta rồi. Bây giờ tốt rồi, nàng thủ tiết cho Lý Nhân đã ba năm cũng coi như tận tình tận nghĩa, giờ vào gia phả Lý gia, trở thành con gái danh chính ngôn thuận của nhà họ Lý, bây giờ tìm người cho nàng thì người ta cũng không bới móc ra chuyện để nói nàng."

Tân Nương sao mà không tỏ tường những phức tạp bên trong cho được nên bà cũng chỉ trách cứ Hạ Tri Hà mấy lời ngoài miệng mà thôi.

Hạ Tri Hà lại nói: "Nhưng cuối cùng trước đó ta đã nghĩ đơn giản quá rồi, ta cứ cho là tìm được con rể vào cửa là sẽ không khiến Ngọc Tú chịu phải tủi hờn nhưng giờ nhìn những lựa chọn bây giờ lại không có một ai khiến ta hài lòng hết. Tân Nương, ta không đùa với tỷ đâu, hôm nay ta tới tìm tỷ cũng là vì muốn tỷ để ý cho ta chút ít xem có ai thích hợp không."

Tân Nương thấy sắc mặt bà nghiêm túc cũng thu hồi vẻ cười đùa, nói: "Muội và ta là tỷ muội hai mươi mấy năm trời, ta cũng là người trông Ngọc Tú trưởng thành, chuyện này dù cho muội không nói ta cũng sẽ để tâm ít nhiều mà. Muội yên tâm, ta ấy, cũng giống muội thôi, không nỡ để Ngọc Tú chịu uất ức, nhất định ta sẽ tìm một người tốt cho nàng."

Hạ Tri Hà nắm chặt tay Tân Nương, bà cảm động: "Được, vậy tỷ giúp ta xem xem, chỉ cần gia đình đơn giản chút, thân thể khỏe mạnh, không dính vào bài bạc gái gú là được."

Tân Nương gật đầu, bà thấy Ngọc Tú vẫn cúi đầu suốt, sợ nàng hiểu lầm tấm lòng của Hạ Tri Hà bèn vội vàng nói với nàng: "Tú Nhi, con đừng trách nương con, trách bà ấy không tìm được người tốt hơn cho con. Con cũng biết mà, người có điều kiện tốt thì lòng dạ tất nhiên cũng sẽ lớn hơn, người như vậy chưa chắc đã để ý tới nhà như chúng ta mà dù chuyện có thành đi nữa thì sau này cũng không hẳn sẽ thật lòng thật dạ ở bên con, chỉ sợ đến lúc đó lại như giỏ trúc múc nước, công dã tràng(*). Dì Tân cũng nói với con mấy câu xuất phát từ đáy lòng, mấy năm này, ta thấy tâm ý của nương con quan tâm tới con thật sự ngay cả ta khi chăm chút con gái ruột của ta cũng không sánh nổi. Nương con vì con xứng đáng một câu , sau này con nhất định phải hiếu thuận với bà ấy nghe không."

(*) Giỏ trúc múc nước, công dã tràng: ý là làm một việc vô ích, không có kết quả.

Ngọc Tú ngẩng đầu lên, trong đôi mắt đã ngập tràn nước mắt, nàng nhào vào lòng Hạ Tri Hà, nức nở: "Con biết, con biết mà... Trên đời này chỉ có nương là tốt với con nhất thôi, cho dù có muốn con một mình chăm sóc nương cả đời, con cũng tình nguyện..."

Hạ Tri Hà nhìn nàng khóc mà lòng chua xót, nước mắt bà cũng rơi theo, vừa đau lòng lại vừa hạnh phúc: "Đứa ngốc này, con nói linh tinh gì thế."

Tân Nương ở bên cạnh vội vàng an ủi: "Thế nào ta lại thành người xấu mất rồi, làm cho cả hai người bọn muội khóc ra thế này." Bà nói mấy câu rồi lát sau mang nước tới để hai mẹ con rửa mặt.

Ba người sửa soạn lại một lượt xong xuôi mới mang hàng thêu mà Hạ Tri Hà mang tới ra, dựa vào loại hàng, sự khác biệt của hoa văn để định giá từng cái một.

Tay nghề thêu thùa của Hạ Tri Hà rất khéo léo, Ngọc Tú cũng không kém nên trong cửa hàng này, hàng thêu của hai mẹ con nàng luôn được bán như mặt hàng cao cấp bởi vậy giá cả cũng đắt hơn mặt hàng bình thường mấy phần.

Lần này hai mẹ con nàng mang tới tám chiếc khăn, sáu cái hầu bao, năm tấm mặt quạt. Khăn thì một chiếc hai mươi văn, hầu bao hai mươi lăm văn, mặt quạt là loại cho quạt tròn, còn là thêu hai mặt nên giá cả cao hơn, những bốn mươi văn, tổng cộng là năm trăm mười văn.

Mặc dù trông thì không ít nhưng đây lại là thành quả gần nửa tháng mà mẹ con hai người thêu được.

Cầm tiền rồi nhận hình thêu mới, hai mẹ con định đi mua chút đồ về nên không nán lại thêm nữa mà cáo biệt Tân Nương.

Hai mẹ con tới tiệm tạp hóa mua hai cân muối, hai cân đường, một lọ dầu vừng nhỏ trước. Bây giờ một cân muối giá bốn mươi văn, một cân đường bán mười tám văn, một lọ dầu vừng nhỏ chưa tới một cân thì hết ba mươi văn, tổng cộng hết một trăm bốn mươi sáu văn. Chủ quán bớt cho số lẻ là hết một trăm bốn mươi năm văn tiền.

Ngọc Tú lại hỏi chủ quán mua thêm ít hoa tiêu và hồi hương, chủ quán cũng rất biết đẩy đưa, biết bỏ ra chút lợi nhỏ để đổi lấy khách quen bèn lấy ngay bọc giấy nhỏ ra bốc một ít cho nàng.

Hai mẹ con lại tới hàng thịt một chuyến, hỏi mua một cân thịt ba chỉ, hai mươi văn; hai cân chân giò sau của con heo, ba mươi văn; ba cân mỡ để chiết dầu, bảy mươi lăm văn; tất cả là hết một trăm hai mươi lăm văn. Đồ tể kia thấy hai mẹ con mua nhiều bèn tặng kèm hai khúc xương to và một miếng tiết lớn.

Hai mẹ con mỗi người xách theo một cái giỏ, cuối cùng đi tới hàng vải một chuyến. Trước mắt hai mẹ con đều không cần thêm quần áo nên cũng chỉ lấy nửa xấp vải bố, định làm cho Lý Đại Trụ một bộ quần áo để làm việc rồi cắt thêm mấy thước vải lụa để làm mặt giày, xong còn hỏi chủ quán lấy thêm một chút vải vụn để đóng đế giày, thế là lại tốn hết hai trăm văn.

Hôm nay thu về năm trăm mười văn, tới giờ cũng chỉ còn lại có bốn mươi văn. Dọc đường, hai mẹ con vừa đi dạo vừa đi về phía ngoài trấn mua thêm chút đồ lặt vặt như kim chỉ, tới lúc ra khỏi trấn cũng chỉ còn mấy văn tiền làm tiền xe.

Các nàng để mấy thứ như thịt, đường mua được để dưới đáy giỏ, bên trên phủ kín vải vụn lấy trong hàng vải.

Bên cạnh xe bò đã có hai người đàn bà đang đứng đợi, thấy hai mẹ con tới, một người trong đó tiện miệng hỏi: "Ấy, mua gì đấy hỉ? Giỏ sắp không chứa nổi nữa rồi kìa." Dứt lời thím ta đã định tới gần lục xem.

Hạ Tri Hà hơi nghiêng người, tránh khỏi, chỉ thản nhiên nói: "Chỉ mua một cân muối, cắt nửa xấp vải bố để làm quần áo lao động cho đương gia nhà ta thôi. Xuân Hoa tẩu cũng biết mà, ngày nào ông ấy cũng chạy lên núi, hao quần áo lắm."

Vị Xuân Hoa kia vẫn chưa từ bỏ ý định, lại đi giở giỏ của Ngọc Tú, Ngọc Tú cũng không tránh mà để thím ta xem, thấy đúng là chỉ có vải bố thím ta mới thỏa mãn tránh ra, miệng còn nói: "Nhà mấy người đúng là sống tốt thật, người nhà ta một năm còn không tự thưởng được một bộ đồ mới nào. Ta nói chứ, đều kiếm ăn từ trong đất, đâu cần phải ăn mặc đẹp bao nhiêu, có ai là không biết chúng ta là nông dân đâu. Sáng nay ta thấy hai người lại tới phường thêu, hôm nay chắc cũng phải thu được ba trăm văn đấy nhỉ."

Hạ Tri Hà không đáp, Ngọc Tú thì cười nhạt: "Thím cứ đùa ạ, bạc đâu có dễ kiếm như vậy đâu ạ, gần đây phường thêu làm ăn không tốt lắm, giờ nhà con cũng kém hơn trước, mới nãy nương con còn vừa đau đầu nữa mà."

Thím Xuân Hoa lại tò mò: "Không có ba trăm văn thì cũng phải có một hai trăm văn chứ?"

Ngọc Tú thấy thím ta cứ hỏi mãi không tha, trong lòng biết nếu không trả lời thì chắc chắn thím ta sẽ hỏi không ngừng nên nàng khẽ gật đầu: "Cũng chỉ vừa được hai trăm văn thôi ạ."

Thím Xuân Hoa nghe vậy, hài lòng vô cùng: "Ta và ông nhà một tháng qua lên núi nhặt hạt dẻ, hái táo dại, rồi còn hái nấm hái rau dại, mấy ngày trước Xuyên Nhi nhà ta cũng vừa về nhà một chuyện thế là nó lại bắt được mấy con gà rừng thỏ rừng. Hôm nay mang đi bán hết tổng lại cũng mới được có năm trăm văn thôi." Vừa nói, thím ta vừa duỗi năm ngón tay thô ngắn ra, miệng mặc dù nói ít nhưng trên mặt lại là sự đắc ý rõ ràng.

Ý cười trên mặt Ngọc Tú càng thêm chân thành, nàng nói: "Đúng là không ít, khó trách so người trong thôn đều nói nhà thím là nhà chịu khó nhất, còn nói Lý Xuyên ca là người tài giỏi vô cùng."

Con trai của Trương Xuân Hoa là Lý Xuyên, mấy năm trước có theo một vị thân thích phương xa đi tập võ. Bởi vì triều đại đương thời chuộng võ nên một vị võ sư còn được tôn sùng hơn cả tú tài.

Tuy rằng bây giờ Lý Xuyên vẫn chưa học xong nhưng lại được một gia đình giàu có trên trấn nhìn trúng từ sớm, chỉ chờ Lý Xuyên học xong trở về là sẽ mời tới nhà làm hộ vệ. Nghe nói chẳng những hắn được mười lăm lượng tiền lương một năm mà còn bao ăn ở, tiêu xài các thứ, tốt hơn hương dân kiếm ăn từ đất không biết bao lần.

Cho nên hai năm nay, trong thôn thím Xuân Hoa càng ngày càng đắc ý, danh tiếng thậm chí còn lấn át cả đứa con tú tài của thím Cầm.

Thím Xuân Hoa nghe được câu nói ngọt này, lại tự giác so sánh với mẹ con Hạ Tri Hà, cuối cùng cũng hài lòng tách ra.

Một người đàn bà khác là dâu con trong thôn, lúc này tới chào hỏi với hai người. Ba người nói chuyện một hồi, lại chờ thêm một người cùng thôn nữa, thấy đủ năm người rồi, Lý Sơn liền đánh xe bò về thôn.

Khi xe về đến thôn đã là gần trưa rồi.

Vì Lý Đại Trụ sợ người nhà lo lắng nên thời gian lên núi dài nhất cũng không quá ba ngày, hôm nay vừa vặn là ngày thứ ba, chắc chắn chiều nay ông ấy sẽ trở về. Cho nên Hạ Tri Hà mới đi mua chân giò heo để Ngọc Tú làm rau trộn chân giò cho cha nàng.

Hôm nay mua được chân giò sau, khá đầy đặn, cũng nhiều thịt hơn chút. Nếu mua chân giò trước thì sẽ là gân nhiều, thịt ít.

Lúc mua đã nhờ đồ tể cắt thịt giúp thành mấy miếng nên bây giờ chỉ cần rửa thịt sạch sẽ, chần qua nước một lần rồi cẩn thận nhổ sạch sẽ lông heo đi là được. Tiếp theo là đổ nước sạch vào nồi, cho vào hành, gừng, hoa tiêu, hồi hương để khử mùi. Sau khi đun được một lát thì cho chân giò vào rồi đổ thêm một lượng xì dầu, rượu vừa phải, thêm một thìa muối rồi thêm một thìa đường để gia tăng hương vị. Xong xuôi để lửa lớn đun nửa canh giờ, chờ thịt tách xương là xong.

Đun xong, vớt thịt ra nồi, rút xương đi, dùng vải xô bó thịt lại thành tảng thật chặt, dùng dây nhỏ buộc chắc, đặt ở nơi thoáng mát. Khi nào muốn ăn thì chỉ cần lấy ra xắt miếng, trộn đều với các loại gia vị một lần là được.

Xử lí xong chân giò, Ngọc Tú cắt gọn chỗ mỡ, dùng búa bổ củi của cha nàng chặt xương đồ tể tặng. Hai cái nồi được nhóm lửa cùng lúc, một nồi chiết dầu, một nồi hầm canh xương.

Nàng còn nhào xong bột mì, đặt ở trên bàn sẵn, chỉ chờ cha nàng về là sẽ có ngay một bát mì sợi nóng hầm hập.

Cũng may Lý Đại Trụ không có để mẹ con hai người đợi lâu, ước chừng giờ Mùi vừa qua, ngoài cửa viện đã vang vang tiếng đập cửa.

❀ 15/11/2021 ❀

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro