Chương 13: Ẩn số.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Về phần dì út Minh Huyền, sau khi bà về quê thì ngay ngày hôm sau liền đến nhà tìm gặp thầy Hai. Nhưng tiếc thay, ngày hôm đó thầy đi vắng. Dì út lòng buồn rười rượi, thất thểu ra về. Trên đường về bà gặp bác Tám. Ông là một trong những cao niên trong xóm và cũng là người có tiếng nói ở cái ấp nghèo miền sông nước này.

Sở dĩ ông được mọi người kính nể vì ông là hậu duệ con cháu nhà Nguyễn, lại sống có gia giáo lễ nghĩa và thiện lành. Dù đã ngoài tám mươi, nhưng vẫn rất tinh anh, khỏe mạnh. Bao đời cứ cha truyền con nối mà họ nhà ông tiếp quản việc giữ gìn, thờ tự nhang khói cho Miếu Công Thần của ấp. Đó là nơi thờ cúng các vị công thần triều Nguyễn. Di tích này cũng được các nhà nghiên cứu quan tâm, bởi nơi đây còn lưu giữ nhiều đạo sắc phong nhất Nam Bộ.

Dì út đúng lúc gặp bác Tám từ Miếu bước ra liền đon đả chào hỏi:

- Dạ, con chào bác Tám. Bác Tám ra đây nhang khói cho Miếu hả bác?

Thấy dì út mồ hôi nhễ nhại, tay còn đang xách một giỏ đồ ăn, bác Tám cười đùa rồi mới gặng hỏi:

- Mồ tổ bây, giờ ra đây không nhang khói thì bác biết làm gì, trách nhiệm cả rồi. Mấy hôm nay xấp nhỏ trong ấp cũng qua phụ một tay quét dọn và trang hoàng lại cho các vị ăn tết cả rồi. Mà bây về hồi nào, không phải nói lên thành phố sao?

Dì út cũng cười hiền và đáp lời:

- Dạ, thật ra con về cũng có chút việc, định qua gặp thầy Hai nhờ thầy rước vong ba mẹ của con Huyền về nhà.

Bác Tám ra vẻ ngạc nhiên, bèn hỏi tiếp:

- Ủa, chẳng phải đã cúng kiến mở cửa mả xong xuôi cả rồi sao mà còn về đây nhờ ông Hai, đâu bây kể bác nghe xem.

Cơ mặt dì út Minh Huyền chùng xuống, bà thở dài rồi kể cho bác Tám nghe rõ sự tình. Khi đã hiểu ra cớ sự, mặt bác Tám cũng đanh lại, trầm ngâm hồi lâu mới nói:

- Nếu chuyện là thật thì nhà bây khó bề mà yên ổn, quỷ mà theo thì mệt lắm. Nhưng mà ông Hai đó mấy năm nay không làm những việc này nữa. E rằng muốn ông ấy giúp sẽ rất khó.

Dì Út Minh Huyền cũng có biết việc này nhưng bà thật tình vẫn muốn tìm ở thầy Hai chút hi vọng.

- Bác Tám, vậy giờ con phải làm sao bây giờ hả bác Tám? Thương con Huyền, nó đã mồ côi mồ cút rồi giờ lại bị vong theo ám nữa thì tội nghiệp con bé quá, rồi tội nghiệp cả anh chị của con, có nhà mà không được về.

Bác Tám nghe kể hoàn cảnh thì cũng động lòng trắc ẩn, khẽ thở dài một hơi rồi tặc lưỡi nói:

- Thế giờ bây có rảnh không? Theo bác qua bên đó rồi có gì bác nói thêm vào xem ông ấy có chịu giúp không, chứ bà con ở đây có ai lạ gì tính ổng nữa, cố chấp lắm.

Như vớt được phao trong cơn lũ, dì út vui mừng ra mặt, trong lòng càng có thêm niềm tin.

- Thế thì con mừng quá bác Tám ơi. Nhưng mà con cũng mới từ nhà thầy Hai về, thầy đi vắng rồi bác.

- Ờ, vậy thì để sáng mai bây qua nhà bác rồi đi. Chiều nay bác đi họp bên ấp rồi.

Nói thêm dăm câu nữa, hai người tạm biệt nhau ra về. Dì út trong lòng cảm thấy nhẹ nhõm đôi phần, khóe môi khẽ cong lên, lòng tràn đầy hi vọng.

Sáng ngày hôm sau, đúng theo hẹn, Dì út Minh Huyền cùng bác Tám đến nhà thầy Hai. Nơi ở của thầy là căn chòi lá đơn sơ thấp thoáng trong những rặng dừa nước mọc um tùm, tách biệt với các hộ trong xóm. Cứ mỗi mùa nước nổi qua đi là ghi dấu những lớp đất sình bùn ẩm ướt và nhầy nhụa. Cái nơi ăn chốn ở nó cũng đơn sơ và bình dị như con người ở đây vậy.

Thầy Hai cũng cỡ tuổi bác Tám, râu tóc đều đã điểm bạc. Ông mặc bộ đồ bà ba màu nâu, tóc búi phía sau gáy, để râu dài đúng chất ông già Nam Bộ thời xưa.

Sau khi nghe dì út trình bày câu chuyện thì thầy Hai cũng thẳng thừng từ chối:

- Tui không giúp được, nếu bà coi tuổi cưới gả, cất nhà cất cửa thì may ra tui xem dùm, chứ tui đã không rước vong hay bắt ma quỷ từ nhiều năm nay rồi. Bà thông cảm.

Nghe thầy Hai nói mà tim dì Út như muốn vỡ vụn. Lòng bà đã sầu càng thêm sầu, mắt rưng rưng nhìn thầy Hai van lơn:

- Xin thầy giúp dùm con, chứ cháu nó rất đáng thương. Con chỉ biết trông cậy vào thầy mà thôi.

Bác Tám ngồi kế bên cũng thuyết phục:

- Ông coi giúp được thì phá lệ một lần mà cứu giúp gia đình họ với. Tui thì ít khi mở lời để xin cho ai, nhưng mà hoàn cảnh mồ côi của con bé Huyền thì đáng thương lắm ông à. Ông giúp thì gia đình họ cũng đền đáp xứng đáng chứ không quên ơn ông đâu.

Thầy Hai vuốt râu, bật cười rồi nói với bác Tám:

- Ông còn không biết tánh tui sao. Không phải vấn đề tiền bạc mà là tui thực sự không đủ khả năng giúp. Tui không ngại cho ông biết, từ nhiều năm nay tui đã không dùng bùa phép hay nuôi âm binh, tui giải tán cả rồi.

Nghe thầy Hai nói, bác Tám lại ra chiều suy tư, tâm có ý giúp cũng đành bất lực, tự nhiên bật ra tiếng thở dài.

- Thế thì ông coi có quen biết ai có thể giúp thì chỉ cho người ta làm phước.

Thầy Hai đáp lời:

- Nghe bà đây kể, thì tui cũng đoán một phần là vong bắt giữ hai vong hồn bị nạn kia cũng không phải lành. E rằng phải đi đúng thầy, cao tay ấn mới có thể thu phục nổi, bằng không tiền mất tật mang.

Dì út nghe vậy vội hỏi:

- Thế thì thầy có biết cao nhân nào xin chỉ giúp con.

Khẽ lắc đầu, thầy Hai đưa mắt nhìn xa xăm rồi nói:

- Những cao nhân tui biết thì cũng cỡ tuổi tui hoặc hơn, họ đều không còn trên cõi đời này nữa rồi. Bà vẫn nên hỏi thăm tìm thầy khác thì hơn.

Thầy Hai vừa dứt lời, thần sắc trên gương mặt dì út Minh Huyền cũng biến đổi, đôi mắt hằn những vết chân chim nheo lại, buồn rầu. Trong lúc phiền muộn dâng đầy, bà khựng lại không thể nói nên lời. Một phần là lo cho vong hồn anh chị, một phần lại lo cho cháu gái. Quỷ là ác linh, nếu cứ đeo bám thì có ngày cũng bắt cháu bà đi mất thôi.

Bấy giờ, bác Tám lại lên tiếng:

- Mà ông Hai này, từ nãy tới giờ ông cũng chưa coi cho người ta quẻ nào. Hay ông cứ xem thử xem có đúng là như vậy không? Hay là con bé Huyền ấy chỉ mơ mộng linh tinh.

Thầy Hai xua tay, nhoẻn miệng cười rồi nói:

- Không cần gieo quẻ nữa, có giúp được gì đâu mà xem nhiều. Nhà bà tuy là gặp đại nạn, nhưng có một người căn cao số dày, gặp nạn mà vẫn bình an, lại được khai mở ấn linh, không ma quỷ nào dám làm hại đâu. Hơn nữa ơn trên đã giao sắc lệnh cứu nhân độ thế ắt sẽ có quý nhân phù trợ. Tôi nói sơ vậy chắc bà hiểu.

Dì út cũng có thể tự hiểu được thầy Hai đang ám chỉ cháu gái bà, nhưng vẫn muốn cho chắc chắn bà liền vặn hỏi lại:

- Dạ, ý thầy là cháu gái của con được mở đôi mắt nhìn thấy vong hồn hả thầy?

Thầy Hai không nói thẳng mà chỉ trả lời thế này:

- Tui nói vậy, bà tự ngộ, tui không được phép tiết lộ quá nhiều. Hãy nhớ hành thiện tích đức còn bằng không thì chẳng những trời thu lại tất cả mà còn bị đọa nữa đó. Giờ thì hai người về đi.

Vậy là cuộc gặp gỡ này cũng chẳng đi được đến mục đích cuối cùng, song ít ra dì út có thể biết được một chút thông tin nho nhỏ. Bà chép miệng rồi tự nhủ: "Thôi thì không được việc nhưng cũng yên tâm đôi phần về Minh Huyền, hỏi thăm tìm thầy khác vậy".

Bác Tám và dì út cuối cùng cũng đành chào hỏi và cám ơn thầy Hai rồi ra về. Lúc đi ra khỏi cửa vài bước chân, đột nhiên thầy Hai cao hứng ngâm một bài thơ không vần điệu. Hai người không kìm được lòng hiếu kỳ nên cũng nán lại nghe cho trọn vẹn.

"Quý nhân có phải cố nhân xưa?
Nữ nhân thiên hạ nhiều vô kể
Chỉ có người ba lần mang nhi tử
Nặng oán oan gia mãi là vong"

Hai bác cháu lững thững trở về mà trong đầu rất tò mò về bài thơ đầy ẩn ý của thầy Hai. Liệu có phải đây chỉ là một phút ngẫu hứng hay còn có ý gì khác. Có khi nào thầy Hai đang muốn tiết lộ một huyền cơ nào đó.

Dì út nghĩ ngợi một lúc rồi hỏi:

- Bác Tám, sao tự nhiên thầy Hai lại ngâm thơ vậy bác Tám?

Bác Tám tặc lưỡi:

- Bác cũng không rõ, có thể là ngẫu hứng mà cũng không giống ngẫu hứng lắm. Xưa giờ ông Hai ổng nói gì hay làm gì đều rất kì quặc mang nhiều hàm ý. Khó đoán lắm.

Bác Tám nói cũng không phải không có lý. Chân nhân bất lộ tướng, thầy càng giỏi thì càng ít thể hiện bản thân. Thầy Hai luôn miệng nói không có năng lực giúp đỡ nhưng câu trước câu sau đều khá mâu thuẫn, có thể không cần gieo quẻ mà chỉ xem tướng người cũng có thể luận được mọi việc trong gia đạo. Hơn nữa trong cách nói chuyện cứ ẩn chứa hàm ý chứ không hề thẳng tuột, chứng tỏ ngoài lạnh nhưng trong nóng, muốn giúp nhưng chỉ ám chỉ ngầm. Chính vì vậy mà bài thơ cũng không phải chỉ là phút cao hứng. Chắc chắn thầy muốn nhắn nhủ điều gì đó.

Nói đoạn bác Tám lại tiếp lời.

- Thế bây nghĩ sao?

Dì út liền nhanh nhảu đáp:

- Dạ, con thấy làm như thầy Hai có ẩn ý gì đấy bác ơi. Tạm thời con chưa nghĩ ra. Nhưng cảm giác có liên quan đến con bé Huyền đó bác.

Đưa tay kéo sụp chiếc nón bành màu đen đã sờn màu xuống để che đi ánh nắng đang rót vào mặt, bác Tám vẫn chậm rãi, vừa đi vừa bàn chuyện.

- Bây nói có lý. Chứ như ngày trước ổng từng phán cho nhà bà Mai ở xóm trên một câu mà cả gia đình sau này gặp nạn, ngẫm nghĩ câu nói của ổng lại thấy vô cùng linh ứng.

- Ủa, có chuyện này nữa hả bác? Thế thầy phán câu gì vậy bác?

- Ông ấy nói "Súc sinh cũng một kiếp người. Giết vật dưỡng nhơn, giết người đền tội". Mà đúng thật, sau này chồng bà Mai và con trai độc đinh của bà ấy đều bị rắn cắn chết lúc đang ngủ. Điều đặc biệt là ông bà Mai ngủ cùng giường nhưng con rắn chỉ cắn chết ông chồng và con trai ở buồng bên cạnh. Hỏi ra mới biết cả gia đình nhà đó chuyên bắt rắn vận chuyển lên thành phố bán cho các quán nhậu, chỉ trừ bà Mai là chưa phải bắt con rắn nào nên người ta nghĩ vì vậy mà nó tha cho bà ấy.

- Úi trời ơi, bác kể mà con nghe nổi hết da gà.

Bác Tám lại lắc đầu chép miệng nói tiếp:

- Cho nên ông ấy nói là linh lắm đấy. Bây cứ về mà ngẫm nghĩ lại cái bài thơ ấy xem có thể tìm ra điều gì đó có liên quan tới không.

- Dạ, dạ. Bác Tám dạy chí phải.

Nghe câu chuyện của bà Mai mà dì út lại có thêm niềm tin ở thầy Hai. Tuy ông không giúp nhưng có khi lại ngầm chỉ đường đi nước bước cho Minh Huyền cũng nên.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro