Chương 2 : Dượng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ánh sáng le lói qua tấm mành, chiếu thẳng vào mắt khiến tôi thức dậy trong sự khó chịu, tối qua có lẽ tôi đã ngất đi và quên không đóng cửa sổ. Dưới nhà có tiếng va chạm bởi bát đĩa, mẹ đã về rồi.

Tôi xoa xoa thái dương, cau mày đi vào buồng tắm. Nước dội xối xả vào người làm tôi thoải mái lên không ít, nó đang gột rửa đi bao muộn phiền trong tiềm thức của tôi.

Bước xuống lầu, tôi thấy bóng hình quen thuộc bận rộn trong nhà bếp. Mẹ đeo tạp dề, tay thoăn thoắt xử lý rau củ quả, bất chợt tôi lại đưa mắt nhìn ra hiên nhà.

Sáng nào cũng vậy, cha tôi luôn dậy sớm, nằm dài trên chiếc ghế xếp trước cửa chính, thưởng thức không khí trong lành cùng một tờ báo và tách trà. Tôi thức muộn hơn, nheo mi mắt và chạy đến bên cạnh uống trộm trà của ông, sau đó nhận được một cái cốc đầu đầy tình thương.

Tiếc rằng, việc đó đã là quá khứ mất rồi.

Mặt ghế phủ đầy bụi, người bây giờ nơi đâu?

"Hôm qua con không khóa cổng sao?" Một giọng nói trầm ấm vang lên sau lưng, kéo tôi ra khỏi miền kí ức. Tôi chẳng thèm đáp lại, sống chung bao nhiêu năm đủ để tôi nhận ra chất giọng đáng ghét của dượng.

Ông là một người đã sang tuổi tứ tuần. Tuy trên mặt có dấu hiệu của thời gian nhưng không thể phủ nhận, ông ta vẫn còn rất phong độ. Trên người tỏa ra phong vị thành đạt, người  có nhan sắc bình thường như mẹ tôi lẽ ra chẳng có dịp xe duyên với ông ta.

Dù vậy, dượng luôn thể hiện cho người ngoài biết rằng ông rất quan tâm tới tôi nhưng sự thật thì ngược lại. Dượng áp đặt, bắt buộc tôi phải nghe theo mệnh lệnh mà ông đưa ra, ngay cả việc gọi ông là cha.

Chắc hẳn ông ta chẳng thể nào hiểu được tình phụ tử thiêng liêng giữa tôi và cha, người mà ông có cố gắng tới lúc chết cũng không thay thế được.

"Ba hỏi mà con không đáp lại sao?" Mẹ đặt đĩa thức ăn xuống bàn, thấy tôi làm ngơ trước câu nói của dượng liền lên tiếng nhắc nhở. Tôi cười, nụ cười chua chát, ông ta là cha tôi từ bao giờ vậy?

"Con quên mất, thưa DƯỢNG." Tôi đáp lại, cố tình nhất mạnh từ cuối. Không khí trong nhà trùng xuống, buổi sáng tươi đẹp của tôi giờ đây cũng tan nát, chỉ còn lại cảm giác chán chường vì phải đối mặt với người mình ghét bỏ.

Mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt buồn thẳm rồi nói: "Sắp tới mẹ sẽ đi công tác một thời gian, tháng sau mẹ về."

Tôi chăm chú ăn bữa sáng, đáp qua loa: "Vậy à? Mẹ đi vui vẻ."

"Ba sẽ ở nhà chăm sóc con."

Câu nói của dượng làm tôi dừng đũa. Gì chứ? Tôi phải sống chung với dượng ba mươi ngày, một mình?

"Mẹ à, hôm trước con có đọc báo về vụ cha dượng hi*p d*m con gái đó ạ." Tôi không kiêng nể mà nói.

Tiếng bát đũa va chạm với bàn tạo nên âm thanh chói tai. Tôi ngẩng đầu, bắt gặp ánh nhìn bực dọc của dượng kèm tiếng thở dài thườn thượt, mẹ bất lực chẳng muốn đáp lại câu nói hỗn hào của tôi. Đây là lần thứ n tôi dùng nó làm lá chắn nhưng chưa lần nào thành công, mẹ vẫn vất con gái bà ở nhà cùng con người bảo thủ kia.

Dượng buồn rầu, xách túi tài liệu đi ra khỏi nhà. Ông ta làm vậy để cho ai xem chứ, tưởng tôi không biết rõ tâm tư của ông hay sao?

Sau đó mẹ tôi cũng nhanh chóng rời đi, bỏ lại tôi vẫn đang chậm rãi xử lý nốt trứng ốp la. Tôi đoán không sai, khi có mặt đông đủ thì chắc chắn sẽ xảy ra xung đột. Có lẽ, ngôi nhà này chỉ là bến đỗ tạm thời mà thôi, đợi khi đủ lực, tôi sẽ giang rộng đôi cánh bay lên không trung, mãi mãi bay đi không ngoảnh lại.

[...]

"Đừng ngủ nữa, ra tập trung đi."

Tôi bị đánh thức bởi một giọng nói trong trẻo. Đó là con Ly, bạn thân của tôi. Nó là người hoạt bát, yêu đời và có phần tăng động, trái ngược với tôi. Theo mấy đứa cùng lớp thì chúng nó xếp tôi vào loại ít nói, âm trầm. Thế nên ai lại gần cũng bị sự nhạt nhẽo của tôi đuổi đi, trừ Ly.

Nó luôn bám theo chọc cho tôi cười, dù thấp hơn nửa cái đầu nhưng lúc nào cũng thích vò tóc tôi. Sự ngây thơ, thanh thuần được ngưng đọng trong đôi mắt long lanh, ánh lên bao hi vọng về cuộc sống tươi đẹp của nó, tôi đoán chắc hẳn nó sinh ra trong gia đình tràn đầy tình yêu thương vô hạn mà tôi không có.

Chẳng bao giờ rầu rĩ, chẳng bao giờ ướt mi, là nó.

Dưới cái nắng dịu nhẹ mà mùa thu mang lại, bài diễn thuyết của ông hiệu trưởng chầm chậm đưa tôi trở lại giấc ngủ. Gió mơn man trên gò má kèm theo mùi lá hanh khô đặc trưng, tâm hồn tôi thư thả phần nào.

Bất chợt tôi nghe thấy tên mình, mơ màng tỉnh giấc. Ánh mắt của mọi người xung quanh đều đổ dồn về phía tôi. Ngưỡng mộ, ghen tị, ngạc nhiên, tất cả đều lộ rõ trên gương mặt họ. Ly gõ vào lưng tôi và nhắc nhở đứng dậy, tôi ngơ ngẩn tiến lên bục giảng với cái đầu trống rỗng sau vài phút chợp mắt vừa rồi.

Thì ra, kết quả của cuộc thi học sinh giỏi cấp Tỉnh đã có, tôi may mắn nhận được vé đi tiếp, lọt vào tốp ôn thi quốc gia.

Hỏi tôi có vui không?

Dĩ nhiên là không rồi!

Tôi chẳng hứng thú với việc này chút nào, dượng sẽ bắt tôi học tới mức kiệt quệ mất. Ông ta vốn hám thành tích, hám hư danh. Mỗi giây mỗi phút với ông đều trân quý, vì thế mà khi tôi còn trong lứa tuổi học sinh, ông không cho phép tôi lãng phí thời gian vào những thú vui đời thường. Cái cố chấp và bảo thủ ấy vững như bàn thạch, năm năm rồi vẫn mãi vậy.

Sau khi vo tròn tờ thông báo dự tuyển, tôi mang tâm tình vui vẻ tới "chốn thần tiên".

Đó là cái tên mà tôi đặt cho một cây cổ thụ. Dân làng truyền tai nhau rằng cây đã sống hơn trăm năm, thân nó phải to bằng mấy vòng tay của người lớn. Nhưng điều khiến nó đặc biệt trong mắt tôi là hình thù kì quái của nó. Những cành cây lớn phát triển từ thân chính tỏa ra thành bốn trụ, các cành nhỏ khác mọc xen kẽ nhau, đan xen bao bọc thành một khoảng trống rộng.

Tôi trèo lên trên, tuy cây khá cao nhưng do đã quen thuộc nên đối với tôi chẳng hề hấn gì. Sau khi ngồi lọt thỏm giữa thân cây, tán lá thi nhau đua ra ôm trọn tôi vào lòng. Mùi nhựa tươi mát bao quanh chóp mũi, xen lẫn vào đó chút vị của bình yên. Vòm trời trong xanh, gió lùa qua kẽ lá, lạo xạo như một bản ballad dịu êm, chầm chậm đưa tôi say giấc nồng.

[...]

Khi sắc trời chuyển sang sắc đen huyền bí, tôi mới trèo xuống và thong thả đi về nhà. Giờ này có lẽ dượng đã ngủ rồi, ông ta vốn đâu để ý tới sự tồn tại của tôi, dù về muộn hay sớm cũng chẳng khác gì. Nhớ có lần mẹ tôi đi công tác vài ngày, tôi với ông trải qua hai ngày sóng gió cùng nhau. Mới sáng sớm, một trái trứng cháy đen như than và bát cơm nhão nhoét đập thẳng vào mắt tôi, dượng gọi đó là bữa sáng. Tôi nếm thử, mùi vị mặn chát ấy chắc cả đời tôi cũng không quên nổi.

Dượng biết tôi dị ứng với giá đỗ. Và bữa trưa hôm đó là giá đỗ xào cùng thịt, còn là loại mua ở cửa hàng tiện lợi. Tôi cực kì ghét ăn đồ hộp, dù có phải nhịn đói tôi cũng không muốn đi mua đồ đóng gói về để ăn. Nhưng ông thì khác. Từng là nhân viên văn phòng trong suốt một thời gian dài, đối với ông bữa cơm canh nóng hổi là cái gì đó rất xa xỉ. Đến khi lên chức vụ cao hơn, ông mới có thể chăm chút cho sức khỏe của mình.

Nhưng mà tôi mãi mãi chẳng bao giờ thấu được nỗi khổ mà dượng phải chịu, cứ vô tâm vô phế cho tới khi mỗi người một thế giới, một tiếng "ba" tôi cũng không thể cất lên đáp lại con người đôn hậu ấy.

Ánh đèn đường chiếu xuống khu phố vắng tanh, chiếu xuống thân hình bé nhỏ của người con gái. Cái cô đơn bao trùm lên bóng hình cô độc, tựa như bóng tối đang dần nhấn chìm cô.

[...]

"Ha, giờ này vẫn còn chưa ngủ, ông ta muốn vào viện với lí do kiệt sức nhảm nhí chăng?"

Tôi nhìn đèn điện hiu hắt phát ra từ căn nhà của mình, cười giễu cợt. Dượng từng bị ngất xỉu do mệt quá độ, trùng hợp lần nào cũng vào ban đêm khiến mẹ tôi nhiều phen điêu đứng. Từng giọt nước mắt long lanh như những viên pha lê lăn dài trên gò má, một người phụ nữ mạnh mẽ vậy mà lại khóc trước cảnh người đàn ông mới chung sống được hai năm nằm trên cáng thương, lúc tôi ngộ độc thực phẩm bà cũng không thê thảm tới vậy.

Thú thật, cái ý nghĩ dượng ngồi đợi mình về nhà có xẹt qua đầu tôi nhưng bị lấp đi nhanh chóng, từ bao giờ tôi lại bắt đầu ảo tưởng linh tinh như thế, tôi với ông ta có khác người xa lạ là bao?

Sau khi bật bản lofi chill, tôi nằm trên giường và nhắm mắt lại. Bụng tôi quặn thắt từng đợt, đến giờ tôi mới nhớ ra bản thân vẫn chưa ăn gì cả buổi chiều nay. Chà, biết sao được, dượng đâu để phần cơm cho tôi?

Chợt tôi nghe thấy tiếng bước chân chầm chậm bên ngoài hành lang. Một giọng nói trầm ấm phát ra, ngập ngừng: "Con... con ăn chút gì đó chứ?"

Tôi im lặng không đáp, người bên kia lại nói tiếp: "Lần này ta không tự mình vào bếp nữa, cũng không đặt đồ ăn trên mạng. Ta... ta nhờ dì Vương hàng xóm làm một phần cơm riêng cho con rồi."

Dường như không nhận được hồi đáp, dượng càng thêm cuống quýt: "Ta hâm nóng tất cả rồi. Đừng nhịn đói, con à."

Lúc sau, tiếng động nhỏ dần rồi mất hẳn, dượng xuống lầu rồi. Không ngờ ông ta có thể suy nghĩ chu toàn như vậy ! Nhìn vỏ đồ đóng hộp nằm gọn trong thùng rác cùng bàn ăn bốc khói nghi ngút, tôi thử một miếng, tay nghề của dì Vương vẫn không hề mảy may thuyên giảm, vẫn ngon như ngày ấy.

Căn bếp chỉ có mình tôi, vậy mà tận sâu trong đáy lòng tôi lại nhen nhóm vị của yêu thương.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro