Chương 13

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



Chương 13 Tài 
Chó má thiệt!
Tới bây giờ thì chẳng còn che giấu được nữa. Cuối cùng người ta cũng đã biết chính mợ ba Nguyệt là hung thủ giết chết con Sen. Nhưng việc ấy chẳng quan trọng bằng việc người ta biết luôn rằng mợ ba không hề dính líu đến cái chết của thằng Nhân. Nếu cứ tiếp tục điều tra, mọi chuyện sẽ được phơi bày ra ánh sáng.
Trước đây, do cứ tưởng hồn ma bà Dung ra tay sát hại con Sen, nên người ta sợ hãi, không dám bàn nhiều hay nói nhiều về việc này. Giờ đã rõ mười mươi chỉ là trò hù thần giả quỷ của thằng Nhân và bà Nguyệt, chắc chắn bọn cảnh ty sẽ lại điều tra tiếp cho ra chân tướng cái chết của thằng Nhân. Rồi người ta sẽ biết rằng chính tôi đã giết nó. Hay đúng hơn, tôi là kẻ chủ mưu trong vụ này, còn người cầm con dao đâm chết nó là con điếm Hương mà giờ người ta gọi là bà nhỏ.
Chính hai đứa tôi đã giết chết thằng chó Nhân, con thú đội lốt người, giả nhân giả nghĩa đó. Lý do rất đơn giản, là để trả thù cho em gái và cho má tôi. Giết người thì phải đền mạng! Hay như trong mấy cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp ba xu là nợ máu trả bằng máu.
Thời gian trước, nhà tôi rất nghèo, cả gia đình từ dưới Tiền Giang dắt díu nhau lên Sài Gòn vừa chạy giặc vừa tìm kế sinh nhai. Cũng may khi vào Sài Gòn được một thời gian, tôi theo người bạn cũ của tía học nghề sửa xe gắn máy, dần dà được dạy luôn nghề cầm bánh xe hơi. Rồi nhờ quen biết được giới thiệu vô làm cho nhà ông Thành. Một mình đi làm nuôi bốn miệng ăn, cả tía, má với đứa em gái năm đó mười sáu tuổi.
Nhưng đời khốn nạn thường đẩy con người ta vô đường cùng. Chưa ổn định được bao lâu thì má lâm trọng bệnh, tốn cả đống tiền thuốc men vẫn không hết. Trong nhà còn cái gì có giá trị cũng đem cầm, đem bán lấy tiền lo chạy chữa, nhưng sức khỏe của má cũng vậy. Tía buồn rầu suốt ngày ngồi bên giường bệnh, con em út cũng ủ rũ, tự cho rằng bản thân vô dụng, không làm gì để giúp được cho gia đình.
Tôi chạy vạy khắp nơi nhưng cũng không xoay đâu ra tiền chữa bệnh, nghe đốc tờ nói, cần cả mấy chục ngàn mới chữa dứt bệnh cho má. Đánh liều, tôi hỏi mượn luôn ông chủ của mình là thằng Nhân. Ban đầu nó nhìn tôi dò xét một hồi, xong, nghĩ ngợi một lát cũng đưa cho tôi phân nửa số tiền cần.
Cầm tiền trên tay, tôi xin nghỉ vài ngày, mừng rơn chạy về nhà ở ngoại thành Thủ Đức để tính đường lo cho má. Nhưng về đến nơi, lại hay tin dữ rằng con Thảo, em gái, đã mất tích hai ba ngày trời. Tôi lo lắng chạy hỏi khắp nơi, đi cùng còn có thằng Trực, cùng xóm với gia đình chúng tôi ở Thủ Đức, thằng nhỏ đem lòng thương con Thảo, đã được tía má đồng ý, chỉ là nhà nghèo quá nên ráng chờ khi khá giả hơn sẽ hỏi cưới.
Tận hai ngày sau, tôi với tía mới nghe người ta báo phát hiện ra xác con Thảo trôi ở sông Sài Gòn. Tôi, tía, má và thằng Trực khóc ngất bên xác nó. Có lẽ nhà tôi sẽ chẳng thể nào biết được nguyên nhân con Thảo chết, nếu như một người hàng xóm không báo tin cho hay. Có lần thấy con Thảo đi đâu với người ta vào nhà thổ. Rồi người ta lân la hỏi dò giùm, mới biết con nhỏ hiếu thảo ngu đến mức đi bán cái trinh trắng của mình để lấy tiền chữa bệnh cho má.
Đám ma nhà nghèo, má tôi hóa rồ hóa dại trong cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, rồi má chết theo con Thảo sau đó vài ngày. Hai cái đám ma trong cùng một tuần lễ. Ngày đám ma con Thảo, thằng Trực đã thề trước quan tài rằng sẽ trả thù cho bằng được, để rồi vài ngày sau, người ta lại phát hiện ra xác thằng Trực bị đâm chết nằm trong một con hẻm nhỏ trên quận Năm.
Ba mạng người chết trong vòng một tháng trời, nhưng tánh mạng đám dân nghèo vốn trước giờ luôn được xem là rẻ mạt, bọn cảnh ty đâu thèm quan tâm vì mải bận xun xoe xu nịnh bọn nhà giàu. Đám người thấp cổ bé họng như chúng tôi, một ngày chết cả chục đứa là chuyện bình thường, lớp chết vì bệnh, lớp chết vì đói, người chết vì thiếu tiền rồi giang hồ thanh toán, nếu có lo thì làm sao lo cho hết, nhất là trong cái thời loạn lạc này. Tôi cũng không đủ khả năng để tìm kiếm nguyên nhân của mọi chuyện vì đã quá mệt mỏi, chỉ muốn để tâm trí mình nhẹ nhàng lo kiếm tiền, chăm sóc cho người cha già còn sống.
Hèn? Ừ thì hèn! Nhưng khi cái đói đe dọa, người ta sẽ không còn thời gian để nghĩ đến những người đã chết, mà phải biết chăm đầu vào kiếm ăn đặng kéo dài mạng cho người còn sống.
Hèn? Ừ thì hèn! Nhưng khi cái đói đe dọa, người ta sẽ không còn thời gian để nghĩ đến những người đã chết, mà phải biết chăm đầu vào kiếm ăn đặng kéo dài mạng cho người còn sống.
Rồi mọi chuyện cũng dần trôi vào quên lãng, tôi cố gắng làm tài xế cho nhà ông Thành, đồng lương cũng khá khẩm hơn trước, đã vậy bớt đi hai người cần phải lo, nên cuộc sống cũng vì vậy mà đỡ vất vả hơn. Cho tới khi tôi nhận ra người vẫn được gọi là bà nhỏ, thực chất trước đây là một con điếm không hơn không kém. 
Nó lúc thì tên Hương, lúc thì tên Liễu, làm gái dạt thời ở nhà thổ bà Mai mập. Có vài lần tôi đến tìm gái, có nhìn thấy nó nhưng chẳng hứng thú với bản mặt lúc nào cũng cong cớn, cái nhìn soi mói, nên chả lần nào gọi đến nó. Ấy vậy mà giờ lại nhìn nó vào nhà làm bà nhỏ, vợ sau ông Thành, chắc hẳn phải có uẩn khúc gì đây. Một con đàn bà có xuất thân như vậy lại có thể đường đường chính chính vào làm mệnh phụ phu nhân, chắc chắn nó phải nắm được vài chuyện động trời của nhà người khác. Nếu khôn khéo lần ra được việc này, ắt hẳn tôi sẽ phát tài.
Sống cùng nhau được một thời gian, mặc dầu biết bà nhỏ hiện tại là con Hương khi xưa, nhưng giờ thân phận đã khác, tôi cũng không dám suồng sã, đánh động, chỉ ngầm quan sát, chờ cơ hội thích hợp đặng ra tay. Nhiều lần thấy ánh mắt bà nhỏ len lén nhìn mình, cái đuôi mắt ướt rượt điếm đàng làm sao. Mà cũng khó trách, đàn bà đương chừng bốn mươi, vào tuổi hồi xuân mà phải lấy ông chồng già như ông Thành thì tránh sao khỏi chuyện ham muốn xác thịt. Biết thế, nên vài lần trong nhà tắm đi ra, tôi cố ý ở trần cho con Hương nhìn ngắm, dò xem phản ứng nó thế nào.
Khi đã biết chắc mọi chuyện, tôi tìm cách bắt nó hiện hình là ả điếm lẳng lơ. Lần đó, lấy cớ vào phòng nó có chút việc cần bàn, giờ này cả nhà đã đi làm, bà Linh và con Sen cũng ra chợ, căn nhà vắng vẻ, rất hợp để ra tay. Được vài ba câu, tôi nhào tới ôm chặt con Hương trong tay mình, miệng mồm không ngớt hôn nó.
- Thằng mất dạy! Mày dám... - Con Hương chống trả trong vẻ yếu ớt lấy lệ.
- Thôi, thôi, đừng làm bộ làm tịch, mắt bà nói cho tôi biết bà thèm muốn tôi lắm, đừng vờ vịt nữa.
- Sao mày dám... mày biết tao là ai không mà chớt nhả với tao? - Con Hương vẫn cứng giọng.
- Tôi lạ gì bà, ngày trước làm điếm ở chỗ mụ Mai mập, bỏ mười đồng bạc cắc ra đã biết được từ đầu đến chân. Giờ thành bà nhỏ nhà ông Thành thì bày đặt lên mặt với người quen xưa.
- Mày muốn cái gì?
- Đàn ông thì chỉ muốn đàn bà. Tôi muốn làm cho bà vui. Nghĩ thử đi, còn xuân phơi phới như bà mà lấy ông Thành hết xí quách, có phải phí không?
Nói đến đây thì tôi đã có thể lột phăng cái áo mỏng manh nó đang mặc trên người.
***
Sau cơn mây mưa, nhìn gương mặt đầy thỏa mãn của nó ra chiều bẽn lẽn, tôi thấy thực nực cười.
- Bà đúng là một con điếm lành nghề.
- Còn mày là một thằng khách không trả tiền mà còn lớn lối.
Vậy là từ đó tôi và con Hương bắt đầu mối quan hệ lén lút với nhau. Nó cần tôi như con thú đói cần mồi, thỏa cho cái sự điếm đàng về chiều của nó. Còn tôi cũng nhờ vào mối quan hệ này mà kiếm được không ít tiền bạc. Nhưng quan trọng hơn cả là kiếm được những sự thật mà không ai ngờ tới. Một sự thật mà tôi cứ tưởng đã chấp nhận chôn vùi nó sau bao năm qua.
Trong một đêm nằm bên nhau, con Hương gối đầu trên tay tôi tán chuyện. Ban đầu, tôi thắc mắc lý do vì sao nó lại có thể vào nhà ông Thành làm bà nhỏ một cách dễ dàng như vậy. Lúc đó, nó mới tình thật kể tôi nghe câu chuyện mấy năm trước chứng kiến cảnh cậu hai Nhân đâm chết một người đàn ông trong hẻm nhỏ, rồi dùng đó làm bằng chứng, uy hiếp cậu để đạt được mục đích riêng.
- Chuyện đấy thì có gì là ghê gớm, giàu như cậu Nhân, lỡ có giết một người thì cứ bung tiền cho bọn cảnh ty, thế nào chẳng bình an vô sự, cớ chi phải chấp nhận nuôi cô. - Tôi hoài nghi.
- Nếu thế thôi, thì có việc gì để nói, đằng này nguyên nhân của vụ án mạng kia lại sâu xa hơn nhiều.
Bấy giờ nó mới kể tiếp đến lần vô tình nghe bà A Sìn nói chuyện cùng mụ Mai mập về vụ cậu Nhân lỡ tay giết chết một bé còn trinh khi quan hệ cùng nó. Cái thằng mà bị cậu giết sau đó, chính là nhơn tình của con bé kia đến trả thù. Thử hỏi giết cả hai mạng người như vậy, nếu có đổ vỡ chuyện ra, danh tiếng nhà ông Thành làm sao giữ được. Thế nên cậu Nhân mới chấp nhận nuôi thêm nó trong nhà như sắm cho mình lá bùa bình an.
Nghe tới đây, máu trong người tôi sôi sùng sục, tay chân cũng run lẩy bẩy, bao nhiêu nỗi hận thù ngày trước trào về như nước lũ vỡ đê.
Không ngờ rằng cậu hai Nhân mà ngày ngày tôi tôn kính, cúc cung làm việc cho lại là kẻ đã giết chết em gái tôi cùng thằng Trực. Chưa kể, chính nó cũng đã gián tiếp đẩy má tôi đến mức không chịu được mà qua đời. Khốn nạn, thằng khốn nạn đó phải trả giá cho những điều nó đã gây ra.
Tôi phải trả thù cho những người đã chết. Tôi phải giành lại công bằng.
Nhưng rồi ngẫm lại, tôi mới thấy rằng ông trời đúng là muốn trêu ngươi con người. Chẳng hiểu sao lại sắp đặt để tôi vào làm công cho nhà thằng Nhân. Giống như đã sắp sẵn một bàn cờ lớn, rồi dàn xếp người ta lên như những quân cờ. Bây giờ, tôi chẳng biết tìm cách nào để trả thù thằng Nhân. Tôi không thể chạy ngay tới trước mặt, đâm nó một dao để giết chết nó như nó đã từng giết em tôi hay thằng Trực. Rồi cảnh ty sẽ còng đầu tôi, xộ khám ít nhất cũng vài chục năm, không khéo lại bị lôi ra xử bắn. Tôi còn phải giữ tánh mạng để lo cho tía.
Tôi không muốn chết, tôi không muốn từ bỏ cuộc sống đang bình lặng này. Tôi hèn nhát, nhưng là người, ai lại không tham sống sợ chết, ai lại không muốn tự do hơn là bị giam cầm trong tù? Dù cho tôi có giết thằng Nhân thì con Thảo, thằng Trực hay má cũng không thể sống lại. Vậy trả thù để đổi được cái gì? Hay chỉ là lại đổi thêm cái chết cho chính bản thân mình.
Vậy là mặc dầu đã biết chân tướng sự việc, nhưng ngày ngày tôi vẫn cúi đầu chào thằng Nhân, đưa đón nó cho tròn trách nhiệm của một thằng tài xế. Có lần tôi muốn đâm xe xuống vực để cho nó và tôi cùng chết, nhưng rồi nghĩ tới tía già ở nhà, tôi lại chùn tay, không làm được.
Cho tới khi có cái chết của con Sen, tôi mới nghĩ tới chuyện lợi dụng chính hồn ma bà Dung để giết chết thằng Nhân. Chỉ cần dùng một con dao đâm ngay cổ họng, bên cạnh đặt thêm cái áo sườn xám màu trắng bê bết máu, thể nào người ta cũng nghĩ ngay rằng kẻ giết chết nó cũng là kẻ lần trước đã giết con Sen. Hay biết đâu chừng, nếu khéo léo dẫn dắt, còn khiến người ta nghĩ rằng chính con Sen quay về báo thù. Định bụng như vậy, tôi bắt đầu chờ thời cơ đặng hành sự.
Nhưng chỉ tiếc mọi việc lại xảy ra quá sớm và quá khác với những gì tôi đã toan tính. Tối hôm đó, do đã có hẹn trước, tôi lên phòng con Hương lúc nửa đêm để quan hệ cùng nó. Trong lúc chúng tôi đương quấn lấy nhau trên giường thì bất ngờ cửa phòng bật mở. Thằng Nhân xồng xộc bước vào, nhìn chuyện diễn ra trước mặt với ánh mắt khinh bỉ như thể chúng tôi là hai con vật đang trong mùa động dục. Rồi nó cười khẩy, buông đúng hai câu và quay lưng bỏ đi.
- Giờ thì điếm đàng cả trong căn nhà này. Mai cả hai gặp tôi, nhưng đêm nay lo chuẩn bị đồ đạc đi là vừa.
Chắc chắn ngày mai tôi sẽ bị đuổi việc, còn con Hương cũng không được yên thân. Nghĩ tới miếng cơm sắp bị mất, tôi nhào tới kéo thằng Nhân lại. Trong lúc nó còn lúng túng, tôi đã vơ vội sợi dây đương nằm dưới đất lên siết chặt cổ nó không cho lên tiếng. Con Hương nhìn thấy mọi việc, tay chân cuống cuồng chẳng biết làm gì. Thấy vậy, tôi liền quát:
Con Hương lúc này mới như bừng tỉnh, vội gật đầu vài cái rồi chạy tới chỗ tủ quần áo, luồn tay lấy ra con dao nhỏ, nhào tới đâm một phát chí mạng vào ngay tim thằng Nhân. Sự đau đớn bất ngờ khiến nó vẫy vùng, tôi vội thít chặt sợi dây hơn, đồng thời ráng đưa tay lên bịt chặt miệng nó để không kêu la. Được một hồi, khi thân thể nó buông thõng xuống, biết chắc rằng đã lìa đời, tôi mới nới vòng dây ra, nhìn xác nó ngã khuỵu xuống sàn nhà.
- Ở đâu bà có con dao này?
- Thì đây là con dao mà ngày xưa thằng Nhân dùng để giết người, tôi vẫn luôn giữ bên mình, làm chứng cớ mà uy hiếp nó. Không ngờ hôm nay lại có việc dùng đến.
Đúng là cuối cùng ông trời cũng đã có mắt, bắt kẻ giết người phải chết vì chính thứ mà ngày trước mình đã dùng để giết người khác.
Sau khi bình tĩnh lại, chúng tôi bắt đầu tìm cách phi tang cái xác trong phòng mình. Lau sạch sẽ vết máu xong, tôi ra hành lang coi thử xem còn ai qua lại không. Cũng may giờ đã khuya, mọi người cũng đã ngủ say, tôi với con Hương kéo xác thằng Nhân xuống phòng nó, đặt ngay ngắn trên giường như đang ngủ say. Biết rằng chuyện này sớm muộn cũng sẽ có người biết, tôi tính luôn đến chuyện sẽ bỏ trốn nên tiện tay lấy luôn xấp tiền thằng Nhân để trong tủ. Chiều nay khi chở nó đi lấy hàng, tôi đã sớm để ý đến món tiền này.
Ban đầu tôi đã tính việc giết thằng Nhân tương tự cách con Sen chết, để người ta sẽ sợ hãi, nghĩ rằng hồn ma trả thù, nhưng ngay lúc ra tay, lo sợ nhiều việc nên lại quên mất việc đâm thêm nhát dao vào cổ nó, cũng chẳng kịp chuẩn bị cái áo sườn xám dính máu, nên thôi cứ để như vậy rồi vội vàng đi mất. Tôi và con Hương mạnh ai về phòng nấy, vờ như không có việc gì xảy ra.
Sáng hôm sau, tôi nhờ mợ tư lên phòng thằng Nhân coi vì sao nó chưa ngủ dậy. Rồi sau đó không lâu, nghe tiếng thét của mợ thì cùng mọi người hốt hoảng chạy lên nhìn vào xác thằng Nhân đang nằm cứng đơ trên giường.
Vậy là cuối cùng tôi đã trả thù được cho em tôi, cho má tôi và cho cả thằng Trực.
***
Chiều hôm đó, thầy Long lại ghé nhà ông Thành đặng nói chuyện.
- Khổ tâm lắm cậu tư ạ. Mấy ngày nay tôi khảo tra rất kỹ, ấy vậy mà mợ ba nó vẫn chẳng chịu nhận đã giết cậu hai.
- Xin thầy đừng gọi người đó là mợ ba nữa, chúng tôi không thích nghe. - Cậu Tư ngắt lời.
- Ờ, thì... con Nguyệt vẫn cứng đầu, nhất định không chịu nhận là có giết cậu hai Nhân. Đánh đập, tra khảo cỡ nào nó cũng không nhận.
- Tôi thấy có thể nó không nói dối đâu, đối với nó, anh hai cũng là ân nhân. Thầy Long đừng dụng hình tra hỏi nữa, không khéo nó mất mạng, lúc đó lại lớn chuyện. Thầy cứ tiếp tục tra xem còn ai có thể giết chết anh hai nữa không giúp tôi.
- Cậu đã nói vậy thì tôi nghe theo. Để chiều nay về hỏi nó một lần nữa coi có lần ra manh mối gì mới hay không. Chưa thấy con đàn bà nào lì như nó.
- Tài, tiễn thầy Long ra cửa giùm tôi. - Cậu tư quay qua bảo thằng Tài rồi cũng đứng dậy lên lầu, về phòng mình.
Sau khi thầy Long đi khỏi, thằng Tài bắt đầu lo sợ. Cứ cái đà này, chẳng chóng thì chầy người ta cũng tra ra được chính nó và bà nhỏ đã giết chết cậu hai chứ không không phải mợ ba Nguyệt. Cái ý định bỏ trốn lại ẩn hiện trong đầu nó, cần kíp hơn bất cứ lúc nào.
Lúc này muốn trốn đi cũng không khó, lần trước lấy được hơn trăm ngàn của cậu hai, cùng chút tiền còm tích cóp lâu nay, chắc cũng đủ cho hai cha con nó lay lắt qua ngày một thời gian trước khi ổn định cuộc sống mới. Nó tính đem chuyện bỏ trốn nói cùng bà nhỏ, biết đâu dụ được bà ta theo mình thì lại có thêm được mớ tiền. Nhưng chưa kịp thì bà nhỏ đã vội tìm đến nó trước.
- Bây giờ anh tính làm sao?
- Làm sao là làm sao?
- Nếu cứ như vầy, sớm muộn gì người ta cũng biết mình giết cậu hai. - Giọng bà nhỏ run sợ.
- Bà đừng làm tôi rối, tôi cũng đang muốn khùng lên đây.
- Hay là mình bỏ trốn đi.
- Trốn? Trốn thì cũng được, nhưng... tôi không còn nhiều tiền.
- Tôi còn. Nào giờ cũng có để dành một mớ thủ thân, nếu bán luôn mấy cái đồ trang sức chắc cũng đủ để sống một thời gian. Hay tôi với anh bỏ trốn qua tỉnh khác mà sống, chờ mọi chuyện lắng dịu rồi tính tiếp.
- Bà nói nghe đơn giản quá. Bà không cha không mẹ, muốn đi đâu thì đi. Tôi còn tía ở nhà, đi thì phải cùng đi. - Thằng Tài gằn giọng, đầu óc suy nghĩ trăm hướng để tìm đường thoát thân cho cả hai.
- Thì đón tía anh đi luôn, lúc đó mình cùng sống với nhau.
- Thôi để tôi tính rồi sẽ báo lại cho bà sớm.
- Anh tính nhanh đi, giờ bỏ đi, người ta cứ tưởng mình ăn cắp tiền rồi bỏ trốn, tội đấy không nặng. Chứ để chuyện giết người vỡ lở ra, thì... khó mà giữ tánh mạng. Không ngờ chuyện lần này lại lớn như vậy.
- Bà buồn cười thật, giết người không lớn chứ cái gì mới lớn?
Vài ngày sau, thầy Long lại tới kiếm cậu tư và cậu út có chuyện. Thằng Tài hôm đó phải ra ngoài đi công việc, nên nó không biết chuyện gì xảy ra, cũng không biết họ đã nói những gì với nhau. Tối đó, thằng Tài lân la hỏi chuyện bà Linh, thằng Tâm và cô Lan.
- Hồi chiều thầy Long ghé nhà phải không bà Linh, nói chuyện gì vậy?
- Tao có biết đâu, tao lo làm đồ ăn dưới bếp, không có lên nhà trên.
- Cô Lan có nghe được gì không?
- Tôi nghe loáng thoáng cũng là vụ của cậu hai Nhân. Nghe nói là mới tìm ra chuyện gì mới, hi vọng sớm tìm ra hung thủ là ai.
Thằng Tài chột dạ, đánh rơi cả xấp giấy tờ đang cầm trên tay.
- Mày có sao không Tài? Tao thấy mày như quan tâm đến vụ này lắm.
- Thì dầu gì cậu hai cũng là chủ của tôi, bị chết oan như vậy, tôi cũng chẳng vui, nên muốn người ta mau tìm ra hung thủ cho vong hồn cậu yên nghỉ.
Nói đến đây mà lưng áo thằng Tài ướt đẫm mồ hôi. Người ta đã tìm ra được chuyện gì? Liệu có sắp biết nó là kẻ giết người không? Coi vậy mà phải tranh thủ đi cho sớm, trước khi quá trễ. Thằng Tài định quay lưng đi tìm bà nhỏ, nhưng cô Lan đã gọi với lại.
- Sáng mai, tôi nghe nói anh Tài đem chiếc Traction đi cho người ta sửa chữa gì đó phải không?
- Đúng rồi cô Lan, cái thắng xe mấy ngày nay không ăn lắm, cái đà này đạp mạnh một chút là đứt thắng chứ chẳng chơi.
- Sáng mai tôi cũng có việc phải đi, nếu anh Tài tiện, cho tôi đi nhờ một đoạn.
- Vậy sáng mai khi nào đi tôi sẽ gọi cô Lan.
***
Tối hôm đó, thằng Tài lén lên gặp bà nhỏ.
- Tôi tính rồi, chuyến này phải đi thôi, nguy đến nơi rồi.
- Tôi đã nói từ đầu là phải bỏ trốn, chỉ tại anh dùng dằng, mất thời gian.
- Bà tranh thủ gom hết tiền bạc, nữ trang, lấy đó làm vốn. Tôi còn người quen dưới Tiền Giang, giờ chỉ có thể chạy về đó tìm đường sinh sống.
- Nhưng anh tính chừng nào đi? Và đi bằng cách nào?
- Tôi đã nói càng sớm càng tốt, chắc chỉ dăm ba bữa nữa thôi. Tôi định sẽ lấy chiếc Traction đi, dầu gì tôi cũng đương giữ chìa khóa của nó, nếu có kẹt, bán đi cũng được mớ tiền.
- Vậy cũng được, còn tía anh thì tính sao?
- Ngày mai, tôi sẽ đưa tía tới ở nhờ nhà của một người bà con xa ngoài ngoại thành. Chờ đến khi ổn định rồi thì quay về đón tía sau.
- Vậy thì cứ như anh tính đi, cầu trời cho chuyến này bỏ đi thành công.
Nói rồi bà nhỏ chắp tay, miệng lầm rầm khấn vái. Thằng Tài thấy thế, cười khẩy, mai mỉa:
- Ai chứng cho bà mà bày đặt. Giết người xong rồi còn đi vái van trời Phật phù hộ cho mình, lúc đâm thằng Nhân chết, sao không thấy bà hỏi ý ông trời?
***
Sáng sớm của ba ngày sau đó, vừa khi hết giờ giới nghiêm, thằng Tài đã ngồi sẵn trong xe chờ bà nhỏ xuống để cùng nhau bỏ trốn. Đúng hẹn, bà nhỏ len lén bước ra khỏi nhà, không quên ý tứ nhìn lại xem có ai đi theo mình không. Rồi khi biết mọi chuyện đã êm xuôi, trót lọt, bà vội vàng vào xe hội ngộ cùng thằng Tài.
- Bà đem hết tiền bạc theo chưa?
- Đầy đủ hết, tiền bạc với cả vòng vàng mấy năm nay tích cóp được.
- Ừ, vậy thì được rồi. - Thằng Tài trả lời mà đầu óc miên man với những toan tính riêng.
Thằng Tài cầm bánh chiếc Traction bon bon ra đến khu ngoại thành, nó đưa mắt nhìn vào gương chiếu hậu đang phản chiếu hình bóng lờ nhờ của bà nhỏ đằng sau. Nó thầm nghĩ:
"Con điếm thì cuối cùng cũng chỉ là một con điếm. Mày ngồi đó chờ đi, tao chở mày đến nhà thổ rồi tống đầu mày vào trong đó. Thằng chủ nhà thổ đã đồng ý với tao mua lại mày, số nữ trang mày mang theo thì tao và nó sẽ chia đôi. Đã đi bỏ trốn, mắc chi tao phải gánh thêm cái gánh nặng là mày."
Thằng Tài khẽ nhếch mép cười mà không biết đằng sau mình, bà nhỏ cũng đang mưu tính trăm chuyện. Bà lần tay vào giỏ xách, chạm phải con dao nhỏ đã từng dùng để giết chết cậu hai.
"Thằng chó, mày tưởng tao sẽ để cho mày ăn vào số của cải mà tao đã đem mạng mình ra đổi lấy sao? Tao còn biết chuyện mày đã nẫng cả trăm ngàn của thằng Nhân. Chỉ cần đến nơi nào thuận tiện, tao sẽ cho mày chết rồi lấy tiền đó mà cao chạy xa bay. Đời tao đã từng giết người, bây giờ có thêm mày thì cũng đã sao!"
***
Mấy ngày sau đó, trong nhà ông Thành vẫn còn hoang mang vì bà nhỏ và thằng Tài bỗng dưng biến mất cùng chiếc Traction. Người thì cho rằng cả hai bỏ trốn vì ái tình. Kẻ lại nghi ngờ hai đứa nó có liên quan đến cái chết của cậu hai, sợ tội nên bỏ đi. Nhưng vô đối chứng nên tất cả cũng chỉ là phỏng đoán.
Người ta bận đến mức không có thời gian đọc nhật trình, trên ấy có một mẩu tin con con về vụ tai nạn kì lạ. Người đàn ông lái xe bị đâm ngay cổ họng dẫn đến tử vong, chắc có lẽ vì bất ngờ nên chiếc xe lạc tay lái, đâm vào cây cột giao thông gần đó, khiến cho một người phụ nữ ngồi sau cũng vong mạng. Không biết là trùng hợp hay sao, mà mảnh vỡ kính chiếu hậu của chiếc xe lại cắm đúng vào cổ nạn nhân nữ, máu chảy ướt đẫm cả băng ghế sau, trông thật hãi hùng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro