Chương 14

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng




Chương 14: Thành 
Dung ơi!
Khi nào mình mới đến đưa tôi đi cùng mình đây?
Tôi đã thật sự mệt mỏi cuộc sống này rồi, chẳng còn tha thiết chi nữa. Trời đất oan khiên làm sao mà gây nên nghịch cảnh tre già phải khóc măng non. Thằng hai Nhân, đứa con đầu lòng của tôi với mình đã đi trước tôi một bước rồi. Mình ở chín suối, có gặp được con không?
Người ta điều tra hoài mà vẫn chưa tìm ra ai là hung thủ giết nó. Mà cũng có thể đã tìm ra rồi nhưng lại không dám cho tôi biết. Người ta sợ tôi chịu không nổi rồi đi cùng nó luôn. Thà vậy, chứ giờ bắt tôi sống, chẳng khác nào cực hình phải chịu.
Mấy năm nay mình chịu về gặp tôi hàng tháng, còn khuyên tôi sống cùng mấy đứa con thêm một thời gian nữa. Tôi nghe lời mình đặng mà ráng gượng, chứ... tôi mệt lắm rồi Dung ạ.
Vậy mà sao hai tháng nay mình chẳng còn về thăm tôi? Có biết tôi nhớ mình lắm không? Người nào cũng cho rằng tôi là thằng già quẫn trí, nhớ vợ đến mức điên khùng, nhưng người ta đâu có hiểu tôi thương mình đến mức nào, và tôi có lỗi với mình đến mức nào.
Mấy năm qua, chưa lần nào tôi kể mình nghe về cái lần lầm lỗi với mình. Mặt mũi nào mà dám đây mình? Nhưng nay, tôi biết mình chẳng còn bao nhiêu thời gian nữa, nên để tôi kể ra, tạ tội cùng mình.
Cái đêm định mệnh đó, tôi cùng ông Phước, chủ tiệm mì vịt tiềm Lacaze với vài ông quan chức đi ăn ở nhà hàng La Cigale trên đường Phan Đình Phùng. Ban đầu cứ tưởng chỉ là ăn tối, bàn việc làm ăn, nào ngờ ông Phước hứng chí, gọi cho bọn đàn em dẫn đến vài ả cavalíere đặng hầu rượu. Chẳng biết người ta cho uống thứ rượu gì mà tôi say đến không biết trời trăng mây nước. Chỉ nhớ còn nghe loáng thoáng tiếng ông Phước dặn dò:
- Ấy chết, ông chủ Thành say quá, bây coi mướn một phòng hôtel gần đây cho ông ngủ, sáng mai rồi hẵng đưa về tận nhà. Nhớ kiếm thêm người lo cho ông chủ, mắc công nửa đêm có trúng gió thì không ai coi sóc.
Khi sáng tỉnh dậy, tôi đã thấy mình nằm trên giường với một ả cavalière xa lạ. Tôi bối rối, tính mau mặc đồ rồi bỏ đi cho xong việc, nhưng đằng này, ả lại ngồi khóc thút thít. Tôi chẳng lạ gì đám gái làng chơi với đủ chiêu trò vòi tiền khách, nhưng nhìn vẻ khổ sở của nó, lại chợt chạnh lòng, rồi ngồi xuống nghe kể chuyện. Câu chuyện vãn cũng chẳng gì khác hơn ngoài hoàn cảnh nghèo hèn, phải từ quê vào Sài Gòn bán trôn nuôi miệng, bấy lâu nay nó vẫn cố giữ thân, chỉ là gái nhảy chứ không làm điếm, nhưng đêm vừa rồi, do mến tôi nên mới...
Nghe chán chê, tôi cho nó vài ngàn bạc rồi đón xe ra về, nó rối rít cảm ơn, còn hứa hẹn hôm nào thuận tiện sẽ mời tôi ly café gọi là cảm ơn.
Chuyện cứ tưởng lần ấy rồi thôi, nhưng chẳng bao lâu sau, nó lại bén mảng đến cả hiệu buôn đặng tìm.
- Cô làm cái gì ở đây?
- Tôi... chỉ là tôi thấy nhớ, muốn được gặp ông.
- Thôi cô làm ơn đi giùm tôi, chỗ này là chỗ tôi làm ăn.
- Dạ, vậy tôi đi... nhưng ông có thể cho tôi gặp ông một lần nữa được không?
Sau đó chừng dăm ba ngày, tôi và nó hẹn gặp tại quán café nhỏ vắng người.
- Tôi biết ông đây đã an bề gia thất, bản thân cũng thực chẳng dám trèo cao. Nhưng nếu ông cho phép, tôi muốn được thỉnh thoảng hầu hạ cho ông. Ông đừng vội hiểu lầm, đấy là tấm chân tình chứ chẳng vụ lợi. Tôi không làm điếm, nên ông chẳng phải trả tiền cho tôi đâu.
Thấy nó thực sự là một đứa có tánh khí lạ kỳ, tôi cũng hứng thú tìm hiểu, rồi bị cuốn vào mối quan hệ lén lút cùng nó lúc nào cũng chẳng hay.
Những lần sau gặp mặt, ngủ cùng nhau, thực chẳng khi nào nó vòi vĩnh cho bản thân thứ gì. Nhưng thấy thương, tôi đã chủ động cho nó tiền đặng mua đồ bồi bổ. Cứ vậy mà vụng trộm cũng được một thời gian thì... mình phát hiện ra.
Tôi biết tôi là thằng đàn ông khốn nạn nhất trên đời. Đã có vợ hiền, con ngoan, vậy mà còn ra ngoài mèo mả gà đồng. Tôi không biết làm sao để tạ tội cùng mình. Nhưng cái thứ vụng trộm nó cứ như hàng ngàn vạn con dòi bọ chui rúc trong xương tủy, làm tôi nhức nhối mãi. Đã nhiều lần tôi định đưa nó một số tiền rồi bảo đi chỗ nào khác sinh sống, nhưng lần lữa mãi vẫn chưa làm được. Tôi thực chẳng còn mặt mũi nào mà gặp mặt mình.
Nhưng chuyện lại có bất ngờ, mấy ngày thấy nó im lặng không đến tìm, tôi ghé qua nơi nó thuê ở, mới nghe bà chủ nhà nói nó đã bỏ đi cách đây vài ngày. Nghe đâu có người đàn bà cùng vài ba gã giang hồ đến tìm nó để nói chuyện. Ban đầu tôi cứ ngỡ mình, nhưng hỏi lại, nghe người ta tả hình dáng người đàn bà kia phốp pháp, trong khi mình thì mảnh mai, chưa kể ngẫm lại, chẳng đời nào mình lại quen biết đám giang hồ đặng làm chuyện đó. Phải chăng ngoài tôi ra, nó còn qua lại với người đàn ông khác để rồi bị vợ người ta đến  sanh sự. Thôi thì hạng đàn bà đó, bản thân cũng đừng nên nhớ làm gì.
Đó là toàn bộ câu chuyện mình ạ.
Đêm tôi nằm bên mình, thấy mình lặng im rồi âm thầm chảy nước mắt, lòng tôi đau nhói, biết rằng cả đời này có bù đắp cho mình bao nhiêu cũng chẳng đặng. Tôi còn nhớ mình nói, "Tất cả là vì gia đình này". Thế nên những ngày tháng sau đó, tôi đã chuyên tâm làm ăn, kiếm thực nhiều tiền để gia đình ngày một sung túc hơn.
Nhưng, mình lại đành đoạn bỏ tôi mà đi.
Ngày mình sanh con, docteur nói sức khỏe mình kém lắm, chưa về nhà được. Tôi lo lắng biết dường nào. Rồi đến khi mình nhắm mắt xuôi tay, Linh nó gào lên rằng, "Chính anh làm chị buồn mà chết...". Trời ơi, mình làm ơn nói cho tôi biết đó không phải sự thật đi...
Vậy là... mười mấy năm rồi tôi đã vò võ một mình ôm nỗi ân hận đó trong lòng. Tôi ráng làm lụng để nuôi mấy đứa con lớn. Trưởng thành rồi thì mỗi đứa một tâm một tánh. Thằng hai chí thú làm ăn, thằng ba chỉ biết gái gú, rượu chè, thằng tư thì cờ bạc. Được cái thằng út ham học hành, lại ngoan... nhưng mỗi lần tôi nhìn nó, lại nhớ đến khi mình mất, nên lòng chẳng thể nào nguôi ngoai mà yêu thương nó hết mực.
Sao giờ mà mình vẫn chưa về gặp tôi, hay lại thất hẹn như hai lần trước. Tôi chờ mình đã mòn mỏi lắm rồi Dung ạ. Nếu được, thà mình cho tôi đi cùng mình cho xong. Chuyện lần trước mình nói, tôi đã suy tính kỹ càng, cũng đã nói thầy trạng(1) Tồn chỉnh lại di chúc theo ý mình. Hi vọng với cách chia tài sản như vậy, phần nào bù đắp được những thiếu thốn tình cảm mà hai mươi năm qua thằng Trí phải chịu.
Vậy là mình chịu về gặp tôi rồi sao? Thôi, thôi, từ từ ngồi xuống ăn cơm cùng tôi rồi kể tôi nghe. Mình ăn đi, đậu phụ Tứ Xuyên, món mình thích nhất đó, tôi đã dặn Linh nó làm để mình ăn cùng tôi. Chờ tôi một chút, nãy giờ lo ngồi nghĩ về mình mà chưa bật nhạc, chờ tôi chút.
Mình nói thật với tôi đi, khi nào thì tôi mới đi theo mình? Tôi biết tôi hỏi mình hoài làm mình khó chịu, nhưng mình nghĩ giùm tôi, sống gần cả đời người rồi, đau thương đắng cay gì cũng đã chịu, ngọt ngào cũng xong. Cứ tưởng cuối đời an nhàn một bận, vậy mà hết nghe tin con mình nửa khùng nửa dại, rồi đến đứa khác vong mạng, đi trước cả cha già của nó. Đau lắm mình ơi, sống vậy chi bằng chết phứt đi cho rồi.
Nhiều lần tôi tự hỏi, đời mình đã làm gì sai? Tôi từ tay trắng lập nghiệp, xưa nay chưa từng cướp bóc, hãm hại ai, khi nguy khốn cũng sẵn sàng bỏ tiền ra mua gạo cứu cho người nghèo, vậy mà sao ông trời xử tệ bạc với tôi quá? Có bốn thằng con trai, hai thằng đã lấy vợ, vậy mà tới giờ còn chưa có được mụn cháu. Chỉ có duy nhất thằng hai biết ham làm ăn thì cũng qua đời. Thử hỏi rồi cái gia đình này sẽ ra sao đây?
Tôi xin lỗi, vợ chồng mình mấy tháng mới gặp lại nhau mà tôi toàn nói chuyện không vui, chẳng khéo lại làm mình buồn theo. Thôi mình cứ ăn cho xong bữa cơm đã, rồi từ từ hẵng nói chuyện tiếp.
Mình đi đâu vậy, sao lại tới cửa sổ, trăng hôm nay tròn lắm à.Ừ, thì tôi ngắm trăng cùng mình. Tôi nói thế cho mình vui lòng, chứ giờ mắt tôi có còn nhìn thấy gì đâu, mặt mũi mình còn nhìn không ra thì làm sao nhìn rõ ông trăng tròn hay méo.
Mình nói sao?
Tôi... nhớ chứ, làm sao mà quên được. Không! Chuyện đó không thể là thật được... không... tôi không tin được...
KHÔNG!
***
Thằng Tâm đương nằm trằn trọc trong căn phòng ngủ giờ chỉ còn mỗi mình nó. Từ sau khi thằng Tài bỏ trốn cùng bà nhỏ, căn nhà trống vắng lại càng trống hơn. Ban đầu nó đã muốn xin cậu tư cho ngủ chỗ khác, nhưng nhà giờ chỉ còn có phòng cô Lan, phòng bà Linh, nó là đàn ông, chẳng thể nào ngủ cùng phòng với hai người đó được. Còn kêu nó qua ngủ ở phòng con Sen, thà nó chết còn hơn.
Có điều thằng Tâm không hiểu. Rõ ràng người ta đã biết chuyện mợ ba Nguyệt giả ma đi gặp ông Thành trước giờ, rồi sau đó còn ra tay giết chết con Sen. Nhưng sao hôm nay, ông Thành vẫn còn bật nhạc?
Nó nhớ mấy ngày sau khi mọi chuyện phơi bày, cậu út và cậu tư đã ngồi bàn với nhau hồi lâu về việc có nên để ông Thành biết tất cả mọi chuyện không. Cậu tư thì cứ muốn cho ông hay, còn cậu út lại sợ ông chịu không được xúc động rồi qua đời. Nhất là cái chuyện mợ ba Nguyệt giả ma, nói cho ông biết chỉ khiến ông chết sớm. Lần này cậu út làm căng, nhất quyết không cho cậu tư vừa ý, nên cậu tư suy nghĩ hồi lâu rồi cũng nhượng bộ, cứ để mọi chuyện êm xuôi, không cần báo lại cho ông Thành hay.
Hai tháng vừa rồi, không còn mợ ba giả ma về thăm, thế nên phòng ông Thành trong ngày trăng tròn cũng chẳng còn văng vẳng bản nhạc kia, nhưng đến hôm nay sao lại có?
Mà nghĩ cũng ghê thiệt! Không ngờ con ma đó lại là mợ ba, người nhìn đường hoàng, sang trọng vậy mà... Ghê hơn nữa là chính mợ ba đã giết con Sen một cách tàn bạo như vậy. Cũng may nhờ có cậu út và cô Lan lanh trí, nên mới gậy ông đập lưng ông, giả thành ma hù lại mợ ba để mợ khai ra mọi chuyện.
- Sen ơi, coi như Tâm giúp Sen tìm ra người đã giết Sen rồi đó. Sen có linh thiêng nơi chín suối cũng an lòng mà đi đầu thai đi nha, đừng về kiếm Tâm. - Thằng Tâm lầm rầm khấn vái.
Tới giờ, người ta đã chứng tỏ rằng mọi chuyện đều do con người gây ra, giả thần lộng quỷ hù dọa người khác chứ làm gì có ma cỏ. Như chuyện thằng Tài với bà nhỏ, ai mà ngờ hai người đó lại có gian tình với nhau, toa rập cùng nhau ăn cắp chiếc xe rồi bỏ trốn, đến nay sống chết cũng chưa rõ.
Ban đầu khi biết tin, thầy Long cảnh ty tới nhà coi thử có chứng cớ gì không để tìm kiếm, nhưng rồi cậu tư, cậu út đã quá mệt mỏi với biết bao nhiêu chuyện dồn dập trong thời gian qua, nên chỉ dặn lại nếu tìm được thì tìm, không thì thôi vậy, cứ coi như của đi thay người chứ đừng nên làm căng. Nhà này có mất đi nhiêu đó tài sản cũng đâu đáng là bao.
Mặc dầu biết là chẳng có ma quỷ, nhưng sao thằng Tâm vẫn cứ thấy sợ, đúng cái kiểu sợ ma của con người ta, chưa nhìn thấy tận mắt bao giờ nhưng vẫn cứ sợ.
Đang suy nghĩ miên man, bỗng dưng thằng Tâm nghe một tiếng la nhỏ, rồi sau đó là tiếng động rất lớn như có vật gì rơi từ lầu cao xuống đất. Nó định đứng dậy ra ngoài coi sao, thì đã nghe tiếng la thất thanh của bà Linh:
- Trời ơi... ông Thành... ông Thành... cậu tư, cậu út ơi...
Thằng Tâm bật dậy, chẳng kịp xỏ chân vô đôi dép đã chạy nhanh ra coi có chuyện gì. Khi tới nơi, nó thấy bà Linh đang ngồi bệt dưới đất, hai tay bưng mặt, run rẩy nấc lên từng tiếng. Rồi cậu mợ tư và cậu út cũng chạy xuống. Mọi người chết sững khi trước mặt mình là ông Thành đang nằm sóng soài. Máu tràn ra loang lổ cả một khoảng sân chung quanh ông. Bà Linh chịu không được cơn xúc động nên ngất đi, mợ tư gục mặt vào người chồng. Ngay cả cậu út cũng khuỵu xuống vì hãi hùng với cảnh tượng trước mắt. Cô Lan cầm cái khăn chậm nước mắt lăn dài trên mặt.
***
- Không thể nào như thế được. Lâu nay ba đã quen với phòng mình, làm sao có chuyện ba bất cẩn té từ cửa sổ xuống! - Cậu tư nói lên nghi vấn của mình.
- Em không biết. Em thực chẳng còn suy nghĩ nổi nữa. - Cậu út vẫn còn bấn loạn trong mớ cảm xúc rối beng trước cái chết của ba.
- Bây giờ mọi người bình tĩnh kể lại cho tôi nghe mọi chuyện, đầu đuôi thế nào? - Thầy Long bắt đầu công việc. - Bà Linh, có phải bà là người cuối cùng gặp ông Thành?
- Dạ bẩm thầy là đúng vậy. Mới hồi chiều, tôi mang cơm lên cho ông Thành. Ông còn hỏi thăm sức khỏe tôi, xong thì tôi đi xuống nhà dưới dọn cơm cho nhà như mọi ngày... Nào ngờ đâu đó là lần cuối tôi được gặp ông.
- Sao ông Thành ăn cơm trễ dữ vậy?
- Dạ thì ngày rằm, nên ông ăn cơm trễ hơn thường lệ. Cơm canh đó thường thì sáng hôm sau tôi mới lên đem xuống nhà dưới dọn dẹp.
- Ông Thành hết tin vào chuyện ma quỷ về ăn cơm chung rồi chứ?
- Tôi... tôi không rõ, chỉ biết ông kêu sao thì làm theo vậy. - Bà Linh trả lời nhưng lấm lét nhìn sang phía cậu tư, chờ ý cậu coi có nên khai báo mọi chuyện với thầy Long hay không. Thấy cậu tư im lặng, bà Linh cũng không nói gì nhiều hơn.
- Rồi sau đó, có ai lên phòng ông Thành nữa không?
- Tôi và vợ ở trong phòng riêng cả buổi tối, chẳng đi ra ngoài. Nên cũng không biết trên phòng ba có ai ghé thăm không. - Cậu tư giãi bày.
- Tôi với cô Lan tối nay ra ngoài ăn tối. Nhưng thầy Long à, chẳng lẽ thầy nghi ngờ chúng tôi giết ba mình? - Cậu út nói mà chau mày, thực sự khó chịu vì cảm giác bị nghi ngờ.
- Ấy, cậu út đừng nóng. Tôi chỉ là muốn hỏi xem có ai lên phòng ông Thành, hay có người lạ nào lẻn vào nhà không thôi. Ban nãy tôi đã lên trên đó quan sát, thấy kế cửa sổ có bắc cái ghế gỗ. Tôi nghi là ông Thành muốn lấy cái gì đó nên bắc ghế đứng lên cao, ai ngờ sơ ý nên mới ra cớ sự. Đây chỉ là tai nạn ngoài ý muốn, các cậu mợ đừng nên quá đau xót, giữ gìn sức khỏe đặng còn lo đám tang cho ông Thành. Tôi thành thực chia buồn cùng gia đình.
Nói rồi thầy Long lẳng lặng từ biệt ra về. Thầy cũng sợ căn nhà này, chả hiểu sao mà trong một thời gian ngắn lại xảy ra bao nhiêu là chuyện. Hết người này đến người kia ăn cắp rồi bỏ trốn. Khéo chừng ở lâu trong đó cũng liên lụy.
- Lát về, phải kiếm chút lá bưởi tắm cho xả xui cái đã mới bước vào nhà. - Thầy Long định bụng.
***
- Dì Linh, hôm nay dì vẫn mang hai chén cơm lên cho ba phải không? - Cậu tư hỏi.
- Dạ đúng rồi thưa cậu.
- Lỗi cũng tại em... nếu em đồng ý nói cho ba biết không có chuyện ma quỷ trong nhà, thì ba đã không tin má sẽ còn về, biết đâu lại không xảy ra chuyện. - Cậu út ngậm ngùi tự trách bản thân. Tình cảm ba con mới tiến triển tốt hơn được đôi chút, vậy mà giờ đã không còn được gặp nhau.
Nói rồi hai cậu cùng lên phòng ông Thành xem sao. Đúng như lời thầy Long đã báo, phòng ông chẳng có gì xáo trộn so với trước kia, trên bàn vẫn còn hai chén cơm đang ăn dở. Bản nhạc vẫn còn phát ra rỉ rả từ cái máy hát đĩa than. Cậu tư đến bên cửa sổ, thấy đúng là có đặt một cái ghế gỗ gần kề. Bờ tường từ mặt đất lên đến cửa sổ khá cao, nếu không bắc ghế thì không thể nào leo qua được.
- Sao hai chén cơm đều có người ăn vậy anh tư? Chị ba đã không còn giả ma gặp ba... thì làm sao mà...
- Anh cũng chẳng biết phải nói sao, đầu óc bây giờ rối tung cả. Nhưng chắc ba buồn nên cố tin má vẫn về... Chuyện cũng đã xong rồi, thôi thì cứ cho qua đi Trí. Nhà mình chỉ trong thời gian ngắn mà nhiều biến cố quá, thôi thì thêm một chuyện chi bằng bớt đi một chuyện cho yên.
Nói vậy rồi cái chết của ông Thành cùng những nghi vấn xung quanh đó cũng được chôn vùi cùng bao nhiêu nỗi buồn đau.
Đám ma ông diễn ra đúng với tầm vóc của gia đình. Rất nhiều người đến tiễn đưa ông Thành một đoạn đường cuối đời. Nội đám bạn hàng, bạn làm ăn bấy lâu nay của gia đình đến viếng thì dàn xe Traction, Peugeot hay Chevrolet cũng đã đậu kín cả con đường. Người tiếc thương, người chia buồn, kẻ nghi ngại, nhưng cái mà người ta quan tâm và bàn tán nhiều nhất, đó là vì sao nhà ông lại kém may mắn đến thế. Chưa đầy một năm mà liên tục trong nhà hết người này tới người kia bỏ mạng. Lắm kẻ ác mồm còn cho rằng, đó là quả báo nhỡn tiền của ông. Nhưng cũng không ít người có thiện tâm, ngậm ngùi tiếc nuối vì người ta biết gia đình ông trước giờ vốn sống lương thiện, chẳng gây thù chuốc oán cùng ai.
Rồi thì cũng xong một cái đám ma.
***
Một tuần sau, thầy trạng Tồn đến nhà ông Thành thưa chuyện.
- Trước ngày ông Thành mất, đã cho gọi tôi đến lập di chúc đặng phân chia tài sản cho các con mình. Ông dặn tôi nếu chẳng may ông có chuyện, thì chờ đám ma xong một tuần hẵng đến tìm các cậu và đọc di chúc. Chuyện này chắc hai cậu có nghe ông nói qua chứ?
- Đúng là tôi đã nghe qua. Nhưng anh em tôi đều cho rằng của cải ba để lại thì là của chung, chẳng muốn tranh chấp làm gì.
- Hai cậu thuận hòa như vậy thực đáng mừng, nhưng di chúc của người đã khuất thì ta phải tôn trọng, bổn phận của tôi là đọc ra đây để hai cậu biết. Xin hai cậu nán chút thời gian để tôi làm việc của mình, hoàn thành di ngôn cho ông chủ.
- Vậy phiền ông trạng đây đọc giúp.
Trong bản di chúc, ông Thành để lại hai phần ba tài sản cho cậu út Trí cùng lời nhắn mong cậu tha thứ cho những năm tháng ông không yêu thương cậu hết lòng như những đứa con khác. Ông biết cậu là đứa ăn học đường hoàng, lại thông minh, sáng dạ, thế nên chỉ cần theo học hỏi việc làm ăn một thời gian sẽ có thể nắm được công việc gia đình, thay thế cậu hai tiếp quản mọi chuyện.
Phần tài sản còn lại được chia cho cậu tư và cậu ba. Ông căn dặn cậu tư từ nay phải tu tâm dưỡng tánh, đừng suốt ngày đam mê cờ bạc. Từ nay công việc của hiệu buôn do cậu tư nắm giữ, giúp cho cậu út học việc, đến khi cậu út có thể đảm đương thì hai anh em cùng coi sóc.
Phần của cậu ba Lễ, hiện thời cũng do cậu tư giữ giùm, lấy tiền đó lo chữa bệnh cho cậu ba. Nếu may mắn lành bệnh thì giao lại, nếu không may thì phần đời còn lại phải được lo lắng cho chu đáo, đường hoàng.
Trong di chúc, ông Thành còn nhắn thêm với hai cậu là phải lo cho bà Linh cho tới tận ngày bà trăm tuổi già, nhắm mắt xuôi tay. Nên mướn thêm người làm về để coi sóc nhà cửa, tránh để bà Linh phải làm việc nhiều. Bà cũng đã đến lúc an hưởng. Đúng là tới tận lúc chết, ông Thành vẫn biết quan tâm tới những người xung quanh mình.
Sau bao chuyện sóng gió, những người còn lại đều cảm thấy có thể mở lòng mình hơn. Cậu tư đã nói cho cậu út biết chuyện về sức khỏe của mình, còn tình cảm của cậu út và cô Lan cũng được mọi người biết và hết lòng ủng hộ. Cậu út và Lan đã đi hỏi han khắp nơi, cuối cùng được cho biết, căn bệnh bất lực của cậu tư có thể được chữa trị nếu như có tiền sang Hoa Kỳ. Vậy là nhờ sự ủng hộ của cậu út và mọi người, cậu mợ tư quyết định sẽ tìm đường sang Hoa Kỳ một thời gian để chữa bệnh.
Việc tới đây, âu cũng đã là sau cơn mưa, trời lại được sáng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro