65. Cơn giông sắp đến

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trước mắt, người gặp qua Cố Thiếu Đường, bên cạnh mình là có một người. Phong Lí Đao cố gắng trấn tĩnh tinh thần một chút, nhanh chóng liếc Tào Vân Khâm một cái, không ngoài dự đoán khi phát hiện, xưởng công Đông xưởng cũng đang nhìn chằm chằm bức vẽ kia, tuy đã cố gắng duy trì vẻ bình tĩnh, nhưng sự vui mừng ra mặt kia lại không che giấu được, khóe miệng gần như muốn co giật giương lên.

Trong lòng Phong Lí Đao càng tăng thêm hơi lạnh. Hắn âm thầm cân nhắc: Cố Thiếu Đường cùng tới kinh thành với người của Đông xưởng, ngày nàng đến kinh thì án mạng lầu canh đã xảy ra năm vụ, hung thủ căn bản không có khả năng là nàng, chuyện này Tào Vân Khâm biết; nhưng nhìn bộ mặt vui như nhặt được của từ trên trời rơi xuống hiện giờ của gã, chắc hẳn là định giấu chân tướng đi, rồi coi Cố Thiếu Đường là hung thủ để bắt đi khảo vấn, tranh công nhận thưởng với hoàng đế rồi.

Đang nghĩ ngợi, Tào Vân Khâm đã không dằn lòng được mà đứng lên, nói: "Nếu tướng mạo của hung thủ thật sự đã được vị Ngô sinh đây vẽ lại, vậy thì ta đi gặp bệ hạ thỉnh chỉ truy bắt vậy."

Phong Lí Đao đứng phắt dậy, vươn cánh tay ngăn Tào Vân Khâm lại, lạnh lùng nói: "Ngô lão huynh này nói, là canh ba đêm qua hắn tận mắt thấy hung phạm giết người. Nhưng đêm qua tuyết rơi, trời không trăng không sao, lại thêm có tuyết bay ngăn cách tầm nhìn, hắn thật sự có thể nhìn rõ mặt mũi hung thủ sao? Nếu chỉ dựa vào vài câu bừa bãi lộn xộn và một bức tranh rắm chó không kêu của một lưu dân phố chợ, mà đã làm kinh động đến bệ hạ, thì e rằng không thích hợp lắm thì phải?"

Tào Vân Khâm cười lạnh nói: "Ngô Trung là tận mắt chứng kiến hung phạm giết người, có thể nói là chứng cứ rành rành. Bệ hạ lo cho sự an nguy của bá tánh kinh thành, nhiều lần đốc thúc chúng ta thân là thần tử phải dốc lòng giải quyết án này, nay đã có chân dung hung thủ, nào có đạo lý không sớm ngày thông báo với bệ hạ? Lẽ nào Vũ xưởng công có ý vẫn luôn để cho vạn tuế ăn ngủ không yên, hao tâm tốn sức hay sao?" Khẩu khí hùng hổ dọa người.

Phong Lí Đao ánh mắt như điện, không nhường chút nào: "Ta thấy người này chính là kẻ tiểu nhân tham tiền thưởng, mưu danh cầu lợi. Nếu Tào xưởng công tham công làm bừa, tùy tiện nghe theo mà bắt hung phạm, ngày sau phát hiện chứng cứ này hoàn toàn không đáng tin cậy, lại có thêm hung án phát sinh, thì ngươi gánh nổi tội này không? Vì một chút công lao, mà mạo hiểm phạm tội khi quân, ta khuyên Tào xưởng công chớ làm chuyện ngu xuẩn này."

Sắc mặt hùng hồn của Tào Vân Khâm trắng bệch, môi cũng run rẩy. Gã vươn tay chỉ vào Phong Lí Đao, giận dữ nói: "Vũ Hóa Điền! Ngươi đừng có cắn ngược một cái, ngươi ở đây viện cớ bàn ra còn không phải là vì tranh công trước ngự tiền hay sao?"

Mắt thấy đốm lửa văng tung tóe trong công đường Thuận Thiên phủ tới nơi rồi, gương mặt thịt viên già cười tít lại kịp thời ngoi lên giữa hai vị xưởng công đấu nhau như gà chọi háu đá. Mã Đức Bưu cười nói: "Tào xưởng công nôn nóng, là vì trong lòng lo cho vạn tuế và bá tánh, bắt được hung phạm sớm một ngày thì bệ hạ yên tâm sớm một ngày, bá tánh kinh thành cũng yên ổn sớm một ngày."

Tào Vân Khâm lộ vẻ đắc ý, cảm kích nhìn Mã Đức Bưu. Phong Lí Đao cau chặt mày, ngậm miệng không nói.

Mã Đức Bưu nói tiếp: "Vũ xưởng công nói cũng rất có lý. Cẩn thận mới chèo được thuyền vạn năm, nếu chỉ truy xét theo một đầu mối, thì có thể đi nhầm lối cũng không biết, làm lỡ thời cơ phá án cũng không tốt. Cho nên theo lão phu thấy, lời hai vị xưởng công nói đều có lý, đều là một tấm lòng son san sẻ nỗi lo với vạn tuế."

Lúc này Tào Vân Khâm cũng câm nín luôn.

Phong Lí Đao nhủ bụng, Mã Đức Bưu này không hổ là lão lõi đời thâm niên, lưu manh chốn quan trường, đắp cái mâm bùn nhão này giống như là cụm hoa thêu gấm vậy, vừa điều hòa sự xung đột giữa hắn với Tào Vân Khâm, mà cũng chẳng đắc tội ai. Hắn quay đầu nói: "Vậy theo ý Mã chỉ huy sứ thì nên thế nào?"

Trên mặt Mã Đức Bưu là nụ cười hòa khí sinh tài: "Lão phu tuổi già ngu dốt, hiểu biết không rộng bằng hai vị xưởng công. Hay là ba người chúng ta cùng nhau tiến cung, cùng nhau bẩm rõ sự việc với bệ hạ: Chứng cứ tuy có nhưng chưa chắc đáng tin, vạn tuế là chân long giáng sinh nhìn xa trông rộng, tự có thánh đoán."

* * *

Mã Đức Bưu cười nói: "Chuyện thi hội võ khoa cử lần này trọng đại. Tiên Phong tướng quân Lý Kỳ Huân dưới trướng Cảnh hầu gia năm ngoái ở Bát Hà Đồ Nhĩ bị tên độc của kỵ binh Ngõa Lạt bắn bị thương đùi phải, đến nay vết thương đã lở loét thấy xương, thuốc thang vô dụng, bệnh tình trầm trọng, đã chẳng thể nào ra trận chinh chiến, vị trí Tiên Phong tướng quân vẫn luôn để trống. Hai tháng trước, Cảnh hầu gia mới dâng một bản tấu sớ, thỉnh cầu đích thân coi thi võ khoa cử, muốn tuyển chọn người có võ nghệ xuất chúng, tinh thông thao lược trong số võ cử tử khắp thiên hạ làm Tiên Phong trước trận của ngài ấy, bệ hạ đã chuẩn tấu rồi."

Bấy giờ hoàng đế mới chợt bừng tỉnh ngộ, nói: "Ồ, đúng rồi, quả là có việc này. Lúc ấy trẫm còn nói cha con cùng ra trận, trực tiếp để cho Cảnh Ứng Long làm Tiên Phong là được, chứ đám võ cử tử kia có ai mà so được với nó. Cảnh hầu gia vẫn nói năng đanh thép quân đội là vũ khí sắc bén của quốc gia, cần người phải có năng lực, sẽ không chỉ chọn người thân để dùng. Ôi, cô phụ này của trẫm đúng là nghiêm túc quá, có lúc trẫm cũng sợ ông ấy đấy." Nói rồi cười lên, nhưng vẫn lưu luyến không nỡ mà nhìn Mã Đức Bưu, không chịu mở miệng bảo ông ta đi làm chuyện võ cử.

Mã Đức Bưu lăn lộn nhiều năm trên quan trường, lanh lợi biết bao nhiêu, quan sát lời lẽ sắc mặt rồi suy đoán sơ một chút, là biết hoàng đế chẳng hề nhìn trúng mình là bao, chẳng qua là chuyến truy nã ngày mai thiếu mất một nửa nhân thủ Cẩm y vệ thì trò náo nhiệt mà vạn tuế gia ông ta ra xem ở cầu Kim Thủy sẽ ít đi nhiều. Mã Đức Bưu lập tức nhanh trí cười: "Nếu bệ hạ sợ Cẩm y vệ không có mặt, nhân thủ Đông Tây xưởng không đủ sẽ để cho hung phạm kia thừa cơ chạy trốn, thì chi bằng điều một vệ doanh trong Đằng Tương tứ vệ của Ngự mã giám ra hỗ trợ, như vậy vẫn không cần lo nghĩ gì."

Hiến Tông vừa nghe vậy quả nhiên hài lòng, nói: "Vậy Mã chỉ huy sứ cứ theo Cảnh hầu gia tọa trấn hội thi võ cử đi, trẫm sẽ cho Võ Tương doanh, Đằng Tương doanh trợ giúp truy bắt hung thủ. Các vị khanh gia cứ về nghỉ ngơi trước, sáng mai xuất phát."

Tào Vân Khâm bên cạnh lại khấu đầu thưa: "Khởi bẩm vạn tuế, án này vô cùng trọng đại, thần mong có thể hội họp với Vũ xưởng công và chư vị đương đầu Tây xưởng, cùng nhau bàn bạc thâu đêm ở Dưỡng Tâm điện, sắp đặt một kế hoạch hoàn chỉnh." Gã từng thấy qua thân thủ của Vũ Hóa Điền và Ngưu Đắc Ý, rất sợ hai người này xuất cung ngay trong đêm, trực tiếp tới Minh Phượng lâu bắt người về Tây xưởng, trực tiếp tranh công, vì thế nên tiên hạ thủ vi cường, giữ kẻ đứng đầu Tây xưởng ở lại Dưỡng Tâm điện. Đợi đến ngày mai, giữa ngàn quân, vậy thì phải dựa vào bản lĩnh của mỗi người. Gã không đánh lại Vũ Hóa Điền, nhưng chưa chắc Đông xưởng sẽ thua Tây xưởng.

Phong Lí Đao nói: "Tào xưởng công có ý tốt... nhưng..." Đầu óc xoay nhanh như chớp, nhất thời lại không nghĩ ra được cớ để bác bỏ.

Hoàng đế thì lại xúc động bởi "tình đồng liêu sâu nặng" giữa bọn họ, nói: "Hai vị hiền khanh quả nhiên là một lòng vì dân. Vậy cứ theo ý Tào khanh gia đi." Có thái giám vén màn gấm lên, ra khỏi noãn các.

Phong Lí Đao thở dài một hơi, ngã ngồi xuống đất. Hắn vốn định nghĩ cách phái Ngưu Đắc Ý xuất cung giấu Cố Thiếu Đường đi, mà giờ đã là chuyện trăng soi dưới nước, hoa chiếu trong gương, chẳng thể làm được. Hắn từng cảm thấy mình thông minh đến độ có thể đùa giỡn với vận mệnh, vào Tây xưởng giả mạo Vũ Hóa Điền, đùa nghịch hoàng đế và cả triều đình trong lòng bàn tay; nhưng kể từ khi Cố Thiếu Đường vào kinh, thần vận mệnh đã bày ra lời đáp trả của ông ta. Chuyện trước mắt hắn đã không thể nào khống chế, chỉ có thể đi một bước tính một bước, tùy cơ hành sự.

* * *

Ngày hôm sau, vầng hồng đã rẽ sương hiện ra, nhưng hơi lạnh vẫn thấu xương. Trước cầu Kim Thủy, bốn đội nhân mã chia hàng đứng nghiêm, người ngựa của Đông Tây xưởng ở chính giữa, hai bên là hai doanh của Đằng Tương tứ vệ. Đằng trước mỗi đội đều là trăm con chiến mã thượng cấp, lỗ mũi phun ra sương trắng, vó ngựa đóng đinh bạc giẫm xuống đất phát ra một loạt tiếng vang; phía sau là sai nha, binh sĩ dày đặc, không biết có bao nhiêu.

Phong Lí Đao mặc bộ mãng bào xanh nhạt ngồi trên ngựa. Vì để tiện cưỡi ngựa mà hắn không mặc áo lông chồn, chỉ mặc áo choàng lông ngỗng màu đen mỏng nhẹ. Hắn lười phải nhìn khuôn mặt ô uế của Tào Vân Khâm đối diện bên tay trái, chỉ quay đầu sang phải. Người bên phải mặc giáp lưới, đầu đội mũ đồng, khuôn mặt chữ nhật vàng như nến với đôi mày ngài, thấy hắn nhìn qua bèn lộ ra một nụ cười vui mừng thân thiết.

Phong Lí Đao thót một cái. Hắn biết người bên cạnh mình đây là một trong những đô đốc của Võ Tương doanh hoặc là Đằng Tương doanh, không phải Quế Dũng thì chính là Giả Giám, nhưng hắn không biết rốt cuộc là ai. Hơn nữa nụ cười thân thiện mới vừa rồi khiến hắn bỗng nhớ ra: Hai đô đốc này đều là bộ hạ cũ ở Ngự mã giám của Vũ Hóa Điền, xưởng công Tây xưởng thực thụ sẽ không thể nào không phân biệt được họ. Đúng là nhà dột còn gặp mưa suốt đêm. Hắn chỉ cười một cái cứng đờ, e là còn khó coi hơn cả khóc. Sợ người kia bắt chuyện, hắn bèn vội vã quay đầu đi.

Nghe thấy ba tiếng tĩnh tiên giòn giã, một thái giám mặc y phục màu quả mơ cất giọng the thé: "Hoàng thượng giá đáo —" Tiếp đó noãn kiệu màu vàng sáng mười sáu người nâng ra khỏi cửa cung, dừng lại sau cầu Kim Thủy.

Đám người Phong Lí Đao vội lật người xuống ngựa, lạy sụp dưới đất. Đợi nửa ngày, lại chẳng thấy hoàng đế xuống kiệu, mà bên trong thì thò ra một bàn tay ngọc ngà tô sơn đỏ, lẳng lơ vén rèm kiệu ra, sau đó là một tiếng cười khẽ cực kỳ yêu mị khoái trá. Phong Lí Đao vốn đang cúi đầu, nghe thấy tiếng cười này bèn ngẩng phắt đầu lên, không ngoài dự đoán khi đối diện với cặp mắt quyến rũ quen thuộc của người trong kiệu.

Tay áo vàng sáng trong kiệu phất một cái, thái giám áo quả mơ tiến lên mấy bước nói: "Vạn tuế có chỉ, mời chư vị đại nhân xuất phát."

* * *

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro