Chương 3: Cái chết của người vợ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cuộc tình vụng trộm của Luận và vợ Đô cứ kéo dài trong nỗi tuyệt vọng chồng chất của người đàn bà bất hạnh.

Nhưng rồi nhanh chóng những ngón đòn cũng cạn. Luận dần thấy nhàm với những trò tình dục quái gở của con ả điên loạn ấy. Bất kì nơi nào hắn đến cũng thấy ả lảng vảng xung quanh. Dần dà hắn thấy ghê tởm cái bản mặt của ả. Lần cuối cùng đối diện với ả, gã thẳng thừng : " Cô thì dùng vài lần còn thấy có hứng, chứ dùng lâu chán bỏ mẹ". Đó cũng câu nói khiến hắn phải hối hận sau này. Bởi đôi khi dã tâm của người đàn bà không phải ai cũng lường trước được. Mà nhất là đối với Hoa - kẻ có thể dùng mọi thủ đoạn để đạt được thứ mình muốn. Và khi hắn đang loay hoay cắt đứt với cái thân thể lúc nào cũng uốn éo thèm khát kia thì một lá thư ngắn gọn nhưng gây ra quá nhiều cảm xúc được gửi từ Quảng Ninh về.
" Khu vườn cần có anh. Kiều Thanh."
Có nằm mơ, Luận cũng không thể tin được rằng một ngày người đàn bà này lại gửi thư cho mình. Khi hắn rời khỏi Quảng Ninh, hắn đã khẩn thiết cầu xin người giúp việc chuyển lời cho hắn được gặp bà lần cuối mà chỉ nhận được cái lắc đầu. Từ đó trở đi hắn tin rằng, hắn đã bị xoá ra khỏi cái đầu đầy tư lự, kiêu hãnh ấy, cũng như những thằng đàn ông khác đã từng đến. Nhưng tự trong thâm tâm hắn chưa từng một lần trách móc chứ đừng nói nguyền rủa sự nhẫn tâm của bà. Ngược lại, hắn thấy đó như một lẽ đương nhiên. Người đàn bà như Kiều Thanh không dành cho một thằng đàn ông nào cả bởi phong thái của bà toát lên sự bí ẩn và quyền lực khiến họ e sợ nhiều hơn là muốn gần gũi.
Hồi đó, sau khi gây mâu thuẫn với đám giang hồ Hải Phòng, Luận chạy trốn sang Quảng Ninh xin làm công nhân ở một mỏ than để nuôi cái miệng khô quắt queo. Tình cờ một lần, khi hắn đang đứng đợi người bán bánh mì trả lại tiền thừa thì một chiếc xe hơi sang trọng màu đen dừng lại bên cạnh hắn. Người lái xe hạ kính hỏi Luận có thể giúp chủ họ chuyển một vài món đồ nặng không? Luận gật đầu đồng ý rồi lẩm nhẩm ghi nhớ địa chỉ mình cần đến. Chiếc xe từ từ trôi. Trên xe, ở ghế sau, Kiều Thanh lặng lẽ nhìn theo gã tới khi dòng người cùng xe cộ che khuất hẳn đi. Người bán bánh mì nhe răng chúc mừng Luận và làm cho hắn tin chắc chắn rằng hắn sắp nhận được một món hời lớn.

Buổi chiều hôm ấy, sau khi tan việc ở mỏ than, hắn tắm rửa sạch sẽ rồi cuốc bộ tới nơi hẹn trong lòng đầy hân hoan, vừa đi vừa huýt sáo. Hắn nghĩ tới khoản tiền mà hắn sắp có, hắn sẽ đánh chén một bữa no nê thay vì ngồi gặm những ổ bánh mì khô khốc. Với hắn, giờ đây, chỉ có thế là hạnh phúc. Hắn bỗng nghĩ về quê hương, về vợ chồng lão già và con vợ điên ở nhà chợt thấy xốn xang.

Chẳng mấy chốc hắn tới được nơi cần đến. Ngay từ lúc nhận lời hắn đã nghĩ tới sự giàu có của người thuê mình nhưng khi đứng trước toà biệt thự trắng đồ sộ nằm chình ình nơi giao cắt giữa hai con phố, hắn đã không giấu nổi sự choáng ngợp. Hắn ngước mặt lên nhìn cái cổng kim loại sơn màu đồng vĩ đại, phân vân không biết có nên bấm chuông thì Kiều Thanh xuất hiện. Hắn bối rối, cúi gập người xuống chào.

Kiều Thanh là một phụ nữ luống tuổi, có nhan sắc mặn mà. Tính thâm trầm hiện rõ trong ánh mắt, trong cái cách bà nhìn những gì xảy ra xung quanh. Luận đi theo bà vào nhà với tư thế khúm núm, cái đầu lúc nào cũng cúi gằm xuống. Người đàn ông tóc đã hoa râm, có khuôn mặt phúc hậu chạy ra đón.
-" Cô đã về. "
Kiều Thanh không buồn nhìn mặt người quản gia, ra lệnh ngắn gọn:
-"Chỉ cho anh ta những việc cần làm ở vườn rồi đưa anh ta lên phòng làm việc của tôi sau khi tất cả đã được hoàn tất."
Nói rồi bà bước những sải chân rộng vào sảnh chính.

Người quản gia già nhìn Luận từ đầu đến chân với con mắt ngỡ ngàng trông thấy. Luận phân vân không biết có phải vì cách ăn mặc nhếch nhác của hắn quá lạc điệu với tất cả mọi thứ trong ngôi lâu đài này. Hắn tặc lưỡi đi theo. Mỗi bước chân lại mở ra những bàng hoàng mới.

Lối đi nhỏ lát bằng những viên đá vuông vức màu trắng được mài nhẵn nhụi, xếp khin khít nhau. Ở hai bên đường những khóm hoa hồng gai ôm ấp nhau tạo thành hố sâu hệt cái bụng của một con rắn khổng lồ. Những bông hoa chúm chím thò đầu ra khỏi mớ thân cây rối ren thỏ thẻ toả hương thơm ngát không gian thơ mộng. Thỉnh thoảng ở hai bên đường, người ta đặt những chiếc ghế gỗ dài, thanh mảnh như thể là nơi nghỉ chân cho những du khách kiệt sức. Cứ đi bộ như thế trong bụng con rắn chừng hai mươi phút thì tới khu vườn chính. Hắn tròn mắt trước khung cảnh lung linh của khu vườn, những khóm hoa đua nhau khoe sắc, cây cối được tạo thành hình muông thú đang vui chơi trông hệt như một vườn địa đàng. Ở giữa khu vườn là một bể cẩm thạch có bức tượng thiếu nữ bán khoả thân tay nâng chiếc bình nghiêng và nước từ đấy cứ róc rách chảy xuống bể. Thi thoảng, những chiếc chòi lá được dựng lên che bộ bàn ghế đá chạm khắc tinh vi. Công việc của Luận là di chuyển những chiếc chậu hoa về đúng vị trí mà Kiều Thanh đã truyền đạt trước cho ông quản gia.

Kiều Thanh từ phòng mình nhìn xuống khu vườn. Trong cuộc đời mình, thi thoảng bà vẫn gặp lại dáng dấp không nguyên vẹn của người đàn ông ấy trong những hình hài xung quanh. Nó dường như chỉ khiến bà thêm đau khổ và gồng mình lên chống trả nỗi cô đơn mỗi đêm. Nhưng không hiểu vì lí do gì bà vẫn muốn đến gần, vẫn muốn dõi theo nét tương đồng ở những người đàn ông lạ ấy như một ma lực mà lí trí sắt đá không vượt qua yếu ớt con tim. Bà tin rằng trên đời có một tình yêu duy nhất, bà đã yêu người đó bằng trái tim trọn vẹn. Để đến khi, Thượng đế đang tâm cướp mạng sống ông bằng một họng súng nhắm vào người bà thì cũng cướp luôn linh hồn của kẻ ở lại. Kể từ đó bà không cho phép một người đàn ông nào đến bên cạnh mình, tiếng cười tắt hẳn trong ngôi nhà lạnh lẽo này.
Bà đã nhìn thấy Luận trước đó khi hắn thất thểu bước đi trên đường, mặt mũi đen sì vì bụi than. Khoảng khắc đó thời gian như cô đọng lại, mọi thứ xung quanh như nhoà đi, chỉ còn bà và tên thợ mỏ mệt mỏi ấy. Bà chới với trong những hình ảnh về người chồng quá cố. Hắn như là...ông đã tái sinh ở kiếp khác. Lớp bụi than chẳng che nổi khoé mắt biết cười.

Công việc nhàn hạ hơn nhiều so với tưởng tượng của Luận. Chỉ chưa đầy hai tiếng mọi thứ đã xong xuôi. Người quản gia ra vẻ hài lòng, dắt hắn tới phòng của bà chủ. Kiều Thanh vẫn ngồi trên chiếc sofa đơn màu tím bên cạnh cửa sổ, quay lưng về phía hắn. Bà cất giọng đều đều nhưng rắn chắc và có chút chuyên quyền:
-" Tôi muốn anh ở lại chăm sóc mảnh vườn của tôi. Tôi sẽ trả lương gấp năm lần số tiền anh kiếm được ở hầm mỏ."

Luận thấy rằng, ngay từ lúc bắt đầu hắn đã đi hết đi ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Hắn không phải một tay làm vườn cừ siêu, hắn chỉ là một thằng vô công dồi nghề xưa nay quen thói lêu lổng thì lí do gì khiến người đàn bà này thay vì bỏ ra một số tiền đủ để thuê bất kì một người nghệ nhân nào về trang điểm cho khu vườn địa đàng ấy lại chọn hắn- cái thằng còn chưa từng cầm kéo để cắt một nhành cây. Về sau này hắn mới biết, thực chất hắn cũng chỉ là một cái cây di chuyển trong vườn mà thôi. Kiều Thanh chỉ muốn dựng lại bóng dáng của người chồng đã chết.

Khoảng thời gian ở trong toà lâu đài nguy nga giữa thành phố, cái bóng của người đàn bà ấy uy hiếp bản tính dâm ô trong hắn khiến hắn chưa từng có ý nghĩ chiếm đoạt Kiều Thanh, nhưng vô số lần, hắn bắt gặp ánh mắt đẫm lệ của chủ nhà nhìn mình thì thấy vô cùng lạ lẫm. Rồi cứ mỗi ngày rằm, trong ánh sáng lờ mờ của trăng, hắn nghe tiếng khóc ai oán văng vẳng trong gió. Dường như hắn còn nghe được cả tiếng nước mắt rơi từng giọt, từng giọt xuống nền nhà.

Cuộc sống của Luận đáng lẽ sẽ trôi qua trong cái màu ảo diệu đó. Kiều Thanh có sức ảnh hưởng tới những người xung quanh và gần như gần bà cái bản tính vô lại của hắn cũng được triệt tiêu. Ấy thế nhưng, sự tò mò về nỗi buồn của bà chủ đã tống cổ hắn ra đường.

Trong toà nhà có một căn phòng cuối hành lang trên tầng áp chót luôn luôn khoá. Người quản gia đã khuyên hắn tốt nhất không nên tò mò về nó, kẻo sẽ hứng chịu cơn giận của người đàn bà thép kia. Nhưng hắn đã bỏ ngoài tai tất cả. Với biệt tài trộm cắp của mình, mở khoá cũng là năng khiếu không thể bỏ qua. Khi hắn bước vào căn phòng tối om, hắn cầm đèn pin thợ mỏ soi và tá hoả khi đập ngay vào mắt mình là chiếc quan tài cẩm thạch và bức ảnh thờ người đàn ông hệt như nó.

Tiếng hắn ngã trên nền nhà đánh động Kiều Thanh và người quản gia. Ngay trong đêm ấy, toàn bộ hành lí, tiền công và thân xác hắn bị quẳng ra ngoài đường.
Sau đó ít lâu hắn bị tống vào tù vì tội trộm cắp tài sản của một ông lão mù.

Luận đem câu chuyện của mình kể cho vợ nghe rồi nói với chị rằng hắn sẽ đi vào sáng sớm mai. Nhưng buổi sáng khi chị tỉnh dậy thì hắn đã đi mất trong đêm. Chị còn chưa kịp nói với hắn về đứa con trong bụng.

Mòn mỏi chờ tin chồng nhưng vẫn bặt vô âm tín, chị ôm bụng bầu 7 tháng bắt xe ra Quảng Ninh tìm người đàn bà tên Kiều Thanh, tìm ngôi biệt thự trắng giữa thành phố. Không khó để tìm những thứ quá nổi tiếng. Bác xích lô già tận tình chở chị tới tận nơi mà không lấy một xu nào. Bác bảo con gái bác cũng đang có bầu, thương lắm. Chị xuống xe, nặng nề bấm chuông. Người gác cổng không đồng ý để chị vào đồng thời cũng cho chị biết rằng Luận sau lần ấy chưa từng đến đây. Chị bủn rủn chân tay. Vậy Luận đã đi đâu những ngày qua? Còn sống hay đã chết? Chị ngồi bệt xuống cổng, không biết phải làm gì, phải đi đâu để tìm chồng. Người cứ lả dần, lả dần đi.

Nắng đã lên tới đỉnh đầu, người quản gia vừa quay trở về từ trại trẻ mồ côi. Kiều Thanh là người ủng hộ chính cho các hoạt động của trung tâm. Cho nên ông giữ trách nhiệm giám sát để chúng được thực hiện theo đúng những gì bà chủ đã thông qua. Hai phần ba cuộc đời ông đi theo người đàn bà ấy, từ một kẻ giúp việc ông thành người bạn, chứng kiến từng con sóng cuộc đời của Kiều Thanh. Đến hôm nay thì ông chính là người hiểu bà nhất, lo lắng cho bà bằng tấm lòng chân thật nhất. Tấm lòng người đàn ông đôn hậu dành cho người đàn bà quyền lực kia vượt lên trên mọi giới hạn người ta có thể định nghĩa, có thể gọi tên bằng ngôn từ. Cứ lặng lẽ ở bên, lặng lẽ ngắm nhìn, lặng lẽ cả đời mình chỉ để một người được lặng lẽ trong nỗi đau của họ.

Thấy người đàn bà bụng mang dạ chửa gần như sắp ngất trước cổng, ông vội vàng chạy lại, hốt hoảng khi mặt cô đã tái mét, môi trắng bệch. Khi dìu cô gái qua cổng ông bực tức giơ chân đạp cậu thanh niên coi cổng:
" Mầy đui mắt hay mày đui lòng! Quân độc ác"

Tỉnh dậy, chị thấy mình đang ở trong một căn phòng màu tím ảm đạm, nhợt nhạt. Người đàn bà vẫn có thói quen ngồi trên sofa nhìn về khu vườn tư lự. Nghe tiếng động, Kiều Thanh quay mặt lại. Ấn tượng đầu tiên lọt vào mắt chị là khuôn mặt ... tựa như những gì chị đã tưởng tượng về người mẹ của mình. Chị không có những bức ảnh mà chỉ hình dung hình bóng mẹ qua những lời kể của bố.
Kiều Thanh lên tiếng trước:
-" Cô là vợ của Luận? Tôi rất tiếc muốn nói với cô rằng, người gác cổng của tôi đã không nói dối, anh ta đã không hề đến đây. Tôi cũng luôn tự hỏi điều gì khiến chồng cô im lặng trước đề nghị của tôi."
-" Thưa bà, ngay khi nhận được thư của bà chồng cháu đã đi luôn trong đêm hôm ấy. Anh nói với cháu rằng bà là người đặc biệt đã cưu mang anh. Nên khi bà cần, anh phải đến luôn"
-" Tôi không cưu mang anh ta. Anh ta là người thợ làm vườn của tôi"
Vợ Luận lặng lẽ thở dài:
-" Nếu anh ý không gặp bà ngày đó thì làm gì có cháu ngày hôm nay"
Kiều Thanh nghe trong câu nói của cô gái đối diện mang đầy chua cay của đời người phụ nữ bất hạnh.
-" Cô có yêu chồng không?"
-" Yêu là gì hả cô? Cháu tưởng từ ấy chỉ để hỏi người đàn ông. Một người đàn ông yêu mình là người muốn chiếm đoạt thân thể mình ư? Cháu không biết. Cháu chẳng mong điều gì ngoài việc anh ấy đừng tức tối mà đánh hai mẹ con"
- " Cô gặp chồng mình như thế nào?"
- " Người ta nói rằng khi cháu bị bệnh, anh ấy đã hiếp dâm cháu rồi đưa về làm vợ"
Kiều Thanh đột nhiên đứng thẳng dậy, miệng há hốc:
-"Gì cơ?"
Rồi bà lại thở dài ngồi xuống, giọng điệu trở nên ân cần:
-"Bây giờ cháu định thế nào?"
-"Cháu sẽ trở về nhà, con bé đang đợi cháu."
-"Thôi được! Ta sẽ bảo tài xế đưa cháu về. Còn Luận, ta sẽ cho người tìm nó. Yên tâm! Mạng nó còn dài lắm. Còn cháu? Hãy dành về thời gian suy nghĩ về chữ yêu. Cuộc đời con người ta sướng khổ vì nó cả. Nhưng dù sướng hay khổ thì cảm giác chung dẫn đến đều là hạnh phúc. Cháu hãy sống đi, đừng chết trong cái xác còn sống."

Nhưng cô gái ấy thậm chí không còn thời gian để về nghĩ về nó.

Mùa hè năm 1994, trong một đêm sâu thăm thẳm, giông tố mịt mờ, tiếng gió rít hệt như móng vuốt của tử thần xé toạc bóng tối, làng xóm nhốn nháo tiếng bước chân, hơi thở của người mẹ yếu dần. Khều khào rồi tắt hẳn. Trong ý thức cuối cùng, trong cơn đau tuyệt vọng, tình mẫu tử trỗi dậy, chị không ngừng gào thét xin bác sĩ cứu lấy đứa con. Toàn bộ kíp trực hôm ấy lặng lẽ ôm nhau khóc. Cuộc chiến của những áo blu trắng không mang chị trở lại. Chị chết trong tình trạng băng huyết nặng nề.

Đám tang, người ta giật mình khi chẳng một ai biết tên của chị.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro