CHƯƠNG 18: NGƯỢC DÒNG LY BIỆT

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vừa trải qua một cuộc chiến ác liệt, bộ đội chưa nghỉ ngơi được bao nhiêu, các anh đã lên đường hành quân vào buổi tối hôm đó. Tôi vẫn là không nỡ, nhìn các anh thu dọn mọi thứ, chuẩn bị lên đường. các anh ở lại đây chỉ để làm nốt nhiệm vụ bắt bọn phản động và thằng Tây Ních-rơ, sau khi xong xuôi phải khởi hành sớm.

Tôi đứng ngoài lán nhìn anh Hoàng đang xếp đồ vào balo, không nhịn được mà lệ chảy dài.

"Kìa Quỳnh."- Anh thấy tôi thì dừng lại đến gần, "Em đừng khóc."

Mắt tôi có lẽ vẫn đỏ, nước mắt không thể kìm lại bởi giọt lệ cứ nặng trĩu rơi xuống. Tôi muốn đi cùng các anh, muốn theo chân các anh mãi mãi cũng được, tôi không sợ gì hết, tôi đã tôi luyện ý chí sắt đá và thân thể mạnh mẽ như thép tôi trong lửa. Tôi tự hào vì mình là một người chiến sĩ cộng sản, là người con của Bác Hồ, là em gái của bộ đội. Tôi nắm chặt lấy góc áo anh Hoàng, giọng tôi run rẩy chẳng thể cất lời.

Anh ôm tôi nhẹ nhàng vỗ về:

- Em biết rồi mà, tiểu đoàn 5 là các anh của em, tình cảm mà chúng ta dành cho em chưa từng vơi đi. Dẫu xa cách trở nhưng tâm thì luôn hướng về.

Tôi nấc lên từng đợt, "Anh ơi em không được đi cũng các anh thật ạ?"

Anh Hoàng vỗ vai tôi, tôi biết anh cũng đang kìm nén cho mình không khóc:

"Ừm, anh xin lỗi. Bên trên có chỉ đạo bộ đội không thể đem theo phụ nữ em à, anh cũng đã giải thích rất nhiều với em, bọn anh nhặt được và nuôi nấng em chính là điều may mắn nhất. Để em lại nơi này trước là vì sự an toàn của em, sau là bởi chính em."

Tôi cười,

"Nhưng hai cái này đều là em mà?"

"Đúng vậy, đều là em hết."- Anh lấy ra một khối hình chữ nhật dẹt bọc trong giấy bạc cho tôi: "Khi nhớ tới anh, em hãy lấy ra ăn nhé, như thế thì ngày nào của em sẽ ngọt."

Tôi cầm lấy, đây là sô-cô-la mà, anh ấy lấy đâu ra được cả thanh vậy nhỉ. Lần trước khi anh hỏi tôi muốn ăn gì, tôi cứ nói đại muốn ăn một thanh sô-cô-la vậy thôi, không ngờ anh tìm về cho tôi thật. Tôi giữ thanh sô-cô-la trong mình, nước mắt cứ thể đầm đìa. Khi tiểu đoàn đã tập hợp đông đủ, họ theo hàng ngay ngắn đi qua bản vẫy tay chào tạm biệt. Tôi chỉ được ôm các anh lần cuối, bịn rịn chia ly.

Tôi gặp Nghiêm, cậu viết cho tôi địa chỉ của Liên đoàn để tôi có thể gửi thư cho cá tiểu đoàn.

"Tớ biết cậu không có ý trách móc gì Thanh, nhưng suy cho cùng cô ấy đã lừa tớ và cả cậu, làm cho chúng ta tin rằng cô ấy thực sự yêu thương chúng ta như cái cách mà cô ấy đã làm. Tớ cũng không muốn tin, không thể tin, nhưng sự thực hiện ngay trước mắt, tớ không thể làm ngơ. Tim tớ đau, lòng tớ bị xé nát, hơn ai hết, tớ biết cậu còn hụt hẫng và khổ sở hơn tớ khi biết bản thân bị lợi dụng. Cậu đừng tha thứ cho tớ, tớ yêu nhầm người, tin nhầm người, chỉ hy vọng sau này chúng ta vẫn sẽ là bạn..."

Tôi ôm lấy bờ vai đang run rẩy của Nghiêm, nhẹ giọng:

- Chúng ta mãi mãi là đồng chí, là tri kỷ, là chiến hữu, đừng lo lắng, bởi chúng ta nhất định sẽ gặp lại vào một ngày không xa.

Tôi biết Thanh là người của lính ngụy, cô đã tạo ra bẫy để lừa tôi bước vào, từ khi ở đồn A'sơ Vịnh đóng giả nạn nhân cho đến bây giờ. Tôi nhìn thấu được điều đó lúc mà cô ấy đưa chén rượu cho tôi, tôi vẫn hy vọng cô ấy có thể giữ được chút lý trí cuối cùng của mình nếu còn nhớ đến tình cảm của Nghiêm. Nhưng không nặng nề đến vậy, tôi đã tha thứ cho Thanh, cô ấy sống cũng không dễ dàng gì, bất đắc dĩ mới phải làm tay sai cho địch. Cha mẹ cô ấy cũng là những người bị xoáy vào thế cục khó lường, vậy nên tôi lựa chọn tha thứ và quên đi, để em có thể trở về làm cô gái Thái bình thường, và nếu còn có thể thì hãy cứu vãn mối tình của em và Nghiêm. Tôi vất vả lắm mới cứu thoát em khỏi ngục tù, em đừng nên giam chân mình lại, đừng khiến tiền của tôi bị mất oan.

Người tôi đau lòng nhất là Hiếu, tôi cầm tay anh không chịu buông, tôi muốn ôm anh, ôm thật chặt, hít hà mùi hương trên người anh, cọ mặt vào áo anh, muốn làm nhiều thứ kỳ lạ hơn thế. Nhưng tôi tự dặn lòng mình phải kiềm chế, gương mặt xinh đẹp này đến bao giờ mới được nhìn thấy nữa?

"Tôi còn có cúc áo, ngoài ra thì chẳng còn gì nữa. Như đồng chí đã tặng tôi chiếc khăn tay, tôi tặng anh cúc áo làm kỷ niệm, sau này tôi sẽ cho anh thứ khác có ý nghĩa hơn nhé."

Hiếu nhìn chiếc cúc áo đang lấp lánh dưới ánh trăng, anh gật đầu, lần này là tự anh ôm tôi trước, cái ôm rất chặt, tôi không biết đằng sau, nước mắt của anh đã chảy dài, anh đau lòng mà kìm nén, cảnh khóc của anh đặc biệt khiến tim tôi xáo động, bất giác tim tôi ngừng đập. Tôi lau nước mắt cho anh, nhẹ nhàng tựa đầu lên ngực anh,

"Chúng ta sẽ gặp lại ngày mà hoa quỳnh nở."

Tôi nhìn các anh băng qua cánh rừng rộng, nhìn mãi anh hành quân về phía mấy ngọn núi xa xa. Tôi nghĩ rằng mình sẽ gặp lại các anh nhanh thôi, nhưng vẫn sợ hãi nếu có bất cứ ai trong tiểu đoàn ngã xuống, liệu rằng đây sẽ là lần cuối...Tôi tự tát mặt mình, không đâu, không được nghĩ linh tinh.

Tôi còn có việc quan trọng hơn trước mắt. Đúng vậy, tôi nhất định phải trở về Hà Nội tìm nhà cũ của bà nội tôi, hiện tại nơi đó là nơi duy nhất có thể dung tôi trong thời đại này. Tôi từng nhìn ảnh lúc trẻ của ông bà, tôi là đứa cháu thừa hưởng nhiều nhất nét đẹp đó, thậm chí là nói giống y hệt cũng không ai nhận ra.

Tôi cũng chỉ ở lại bản Lim thêm mấy ngày nữa, tôi đợi Đoàn dân công 20 tháng 10 đến đây sẽ đi cùng họ một đoạn đến chỗ gạo viện trợ mới, sau đó theo Liên đoàn viện trợ gạo trở về Hà Nội. Các anh đã lên kế hoạch cẩn thận cho tôi, thật nhớ họ.

"Quỳnh, ngủ chưa con."- Tôi quay lại, là tiếng gọi của mế.Mế đến bên tôi, đưa cho tôi một bộ quần áo mới, tôi không hiểu nhìn mế, mế cười nhẹ bảo tôi:

- Các bà mế trong làng làm cho con đấy, mế biết con chỉ có hai bộ đồ mà cứ mặc đi mặc lại suốt, mế biết con thích quân trang của bộ đội lắm, nhưng con à, dù sao đây cũng là tấm lòng của mấy bà mế chúng ta, con cứ mặc cho thoải mái. Mế biết con còn buồn vì phải xa các anh, nhưng người vẫn phải sống, con phải khỏe mạnh thì các anh con nơi ấy mới an tâm!

Tôi nhận lấy bộ đồ gật đầu, tựa vào vai và ôm mế. Tôi nhớ ngày xưa mẹ tôi cũng có vòng tay ấm áp thế này. Không những mế mà tôi còn được trưởng làng cho rất nhiều bánh kẹo, ông biết tôi thích đồ ngọt, mỗi ngày đều sẽ hỏi tôi muốn ăn gì. Nếu phải xa nơi này thêm nữa thì trái tim của tôi sẽ mãi ghi nhớ.

Khi tôi bắt đầu có thể nhớ đã luôn ở bên ông bà, nghe ông bà kể rất nhiều chuyện về lịch sử một thời oai hùng. Tôi đã từng xem những kỷ vật ở chiến trường năm ấy, chạm tay vào ký ức oanh liệt nhất vậy mà không biết. Khi đó vì là một cô gái kênh kiệu và hống hách nên tôi rất vô tâm, luôn ỷ lại vào ông bà, nhưng tôi tự hào vì là cháu của người anh hùng trong trận Điện Biên Phủ ấy. Thế nhưng lúc tôi rời khỏi nhà đến đây, trí nhớ của tôi dừng lại ở viễn cảnh khi tôi vô cùng bướng bỉnh, hỗn láo cãi lại lời của ông bà rồi giận dỗi chạy đi. Hồi nhỏ được ông bà chăm sóc, lớn lên rồi lại vì những cái không đâu mà tức giận bởi chính câu chuyện theo tôi lớn lên từng ngày của ông bà.

Tôi ngước lên nhìn mặt trời chói lóa trên đầu, mỉm cười. Ông ơi, bà ơi, con đang ở nơi đất trời nối liền, đang ở nơi diễn biến của lịch sử vang bóng một thời, nơi mà đã làm nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng, con đang hít thở không khí mà ch ông ta thở, đứng trên mảnh đất mà máu thịt ông cha ta bảo vệ. Con sống rất tốt, được mọi người nơi đây đùm bọc và nuôi nấng, được các anh dạy dỗ, va vấp trưởng thành, con có lẽ không còn là con của trước đây nữa, con mãnh mẽ, dũng cảm, thạo việc, cái chết đối với con cũng chỉ đến thế.

Tôi rất nhớ ông bà mình, muốn ôm họ thật chặt và nói họ đừng lo lắng. Tôi sẽ sớm gặp họ của năm 20 tuổi nhanh thôi, đến khi ấy chính tôi sẽ cùng họ đấu tranh để giành lại nền độc lập cho Tổ quốc.

***

Tiểu đoàn 5 hành quân, được một đoạn thì chân trái của Hiếu khuỵu xuống, bất giác anh cũng không biết làm sao. Đồng đội lo lắng đỡ anh dậy. Anh Hoàng bảo mọi người nghỉ chân, họ đã đi được rất xa kể từ khi xuất phát khỏi bản Lim.

Lùng xắn quần Hiếu lên, nhìn thấy vết thương chi chít trên chân anh thì rất ngạc nhiên, tại sao bị thương thành ra như vậy vẫn không chữa trị. Đây có lẽ là vết thương do trận oanh tạc ở Lô-cốp với Pháp. Vậy mà anh vẫn im lặng đến bây giờ, mặt anh đã trắng bệch, trán còn lấm tấm mồ hôi, ai cũng lo lắng.

Mảnh kính vỡ vẫn còn ghim chặt ở đó, máu đã ngừng chảy. Lùng phải vất vả lắm mới lôi được mảnh kính vỡ ấy ra, khử trùng và khâu mấy mũi. Tạm thời Hiếu không thể cử động trong một thời gian.

"Không, tôi vẫn có thể đi được! Không sao đâu."

"Đồng chí đừng cứng đầu nữa, để tôi dìu anh đi đi."- Một anh bộ đội đỡ lấy lưng áo thấm đẫm mồ hôi của Hiếu.

Anh Hoàng ngồi xuống, lo lắng bảo: "Chú không phải lo phiền đến đồng đội gì, đi cả quãng đường dài mà không kêu ca gì, đừng gượng ép bản thân quá."

Hoàng vặn nắp bình nước, "Tôi biết chú không muốn gục ngã làm cô ấy phải lo lắng, nhưng bản thân mình thì phải biết quý trọng."

Hiếu cầm bình nước, cười nhạt, "Chỉ là, em không chịu nổi khi thấy cô ấy khóc."

Hoàng gật đầu, hai anh em cùng trò chuyện một lúc nữa mới tiếp tục lên đường. Đường núi gập ghềnh toàn bùn đất ẩm thấp, họ vẫn cứ thế đi qua, đào hầm khoét núi. Có những câu chuyện mà người ở trong cuộc không thể hiểu hết, người ngoại lại hay, vốn dĩ có thể níu giữ nhưng bởi bận lòng đành buông tay.

Bốn năm trước, khi Hoàng mới chỉ là đại đội trưởng của C1 trong một tiểu đoàn nhỏ gồm 200 người, vì thế cấp trên giao nhiệm vụ cho anh đi bồi dưỡng lính mới, họ là những người trẻ tuổi từ khắp mọi miền Tổ quốc, chưa có kinh nghiệm gì, vẫn còn hồn nhiên và vô tư khi đến với chiến trường.

"Toàn đội, nghiêm! Nhìn trước, thẳng! Điểm danh quân số, từ 1 đến hết!"

Hoàng đi ghi tên của từng chàng trai, ai cũng cao ráo rạng ngời, gương mặt trắng hồng của thư sinh, người mảnh khảnh nhẹ nhàng y những cô gái. Thế nhưng anh vẫn ấn tượng nhất lần đầu gặp Hiếu khi ấy. Thật ra Hiếu không hề có tên trong danh sách, cậu lôi thôi luộm thuộm, người bốc mùi hôi thối. Sợ cậu là Việt gian nên các cô gái trên chi bộ đã cử người kéo cậu ra ngoài, làm sao một ngày trọng đại thế này mà có kẻ gây rối được!

(còn tiếp)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro