Chap 14: Ngã ba đường

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Linh An

Tôi bị đánh thức dậy bằng tiếng khóc của cu tí, lật đật bò dậy đi pha sữa cho cu tí, mới đầu cũng chả biết pha làm sao đành lên mạng xem. Thằng bé cứ khóc mãi không thôi. Mãi tôi mới nhớ ra, qua một đêm chắc cu cậu lại tè ra rồi. Sau khi thay bỉm rồi đánh vật để cho thằng nhỏ uống sữa, mãi gần 1 tiếng sau tôi mới có thể vệ sinh cá nhân cho mình rồi thay đồ chuẩn bị đến nhà Trang. Đồ Trang để lại cho thằng bé cũng sắp hết rồi. Sữa chắc uống được ngày nay với ngày mai, bỉm còn 3 cái. 4 bộ quần áo bông, mấy cái áo mỏng cùng 3 cái yếm dãi. Thật chẳng hiểu Trang nghĩ gì mà lại làm thế này nữa. 1 đứa trẻ, 1 mạng người, 1 cuộc đời chứ đâu phải đồ chơi đâu để thích thì đẻ, chán thì bỏ.

Sau 1 đêm vất vả, thằng bé đến giờ cũng dần quen với tôi. Tôi cuộn cu tí với cái chăn len có mũ chuyên dành cho trẻ sơ sinh mà hôm qua Trang dùng để đưa bé sang nhà tôi. Đang còn loay hoay sắp xếp đồ của thằng bé thì có tiếng chuông cửa, đoán chắc là anh Sơn sang đưa chúng tôi qua nhà ông bà ngoại của bé nên tôi ra mở cửa, Anh mặc chiếc áo phao khoắc ngoài bộ cảnh phục, nhìn tôi cười cười.

-           Chuẩn bị xong chưa em?

-           Sao anh sang chuẩn thế?

-           Tính cả rồi đấy. Thằng cu này to mồm quá, chắc đêm qua hàng xóm nhà mình được 1 phen mất ngủ.

-           Anh cũng bị đánh thức bởi tiếng khóc của thằng bé à?

-           Ừ, cách âm khu nhà mình có tốt đâu mà.

-           Thế mình đi chưa anh? Mà anh mặc đồng phục để đi làm luôn à? Hay anh bận thì cứ đi đi, bọn em bắt taxi đi cũng được.

-           Không. Anh mặc theo thói quen thôi chứ hôm nay anh cũng chưa cần thiết phải đến cơ quan luôn. Để anh đưa đi không anh không yên tâm.

Khi chúng tôi đến nhà Trang, ngôi nhà đã đóng cửa kín mít. Sau khi hỏi thăm được nhà hàng xóm thì biết chính xác là cả nhà Trang đã ra nước ngoài. Tôi lại không biết gì về nhà họ hàng của Trang, thực sự là không biết tìm người ở đâu nữa, điện thoại của Trang cũng đã tắt máy. Tôi và Sơn nhìn nhau mệt mỏi, cuối cùng tôi đành gọi cho Linh và Hà hẹn gặp chúng nó ở quán café rồi đến đó chờ trước, trời lạnh thế này cũng chẳng thể để đứa bé đứng ngoài trời thế này mãi được. Khi 2 đứa nó đến đứa thì đập bàn, đứa thì trách móc, sắp phát hoả lên tận giời. Trong khi người lãnh hậu quả là tôi đây thì chỉ biết ngồi im nghe chúng nó căn vặn chỉ sợ làm thằng bé giật mình mà khóc um lên. Chúng nó quát to như thế. Tôi lại càng thấy gượng với Sơn nên phải túm áo kìm 2 đứa lại.

-           Hai đứa nói bé thôi, ở đây có phải có mỗi tao với bọn mày đâu.

-           Ôi giời, mày thôi cái bài giữ ý giữ tứ đi, đang tức bỏ mẹ đi được.

-           Nhập gia tuỳ tục, mà mày còn chưa giới thiệu cả bọn này đâu. Nhân vật này là thế nào đây, không phải anh chàng youtube lần trước.

-           Bây giờ chuyện đấy là chuyện chúng mày cần quan tâm à?

-           Ít nhất cũng phải biết đang ngồi cùng ai chứ. – Sơn thấy mọi người bắt đầu xoáy đến mình, mới đầu còn đang ngồi im cười cười vì bất ngờ trước 2 người bạn thân của tôi đành chìa tay ra bắt tay chào hỏi 2 đứa kia.

-           Anh là Sơn, hàng xóm của An. Hôm nay được làm xe ôm cho An 1 bữa.

-           Uầy.

-           Uầy.

-           Bọn mày lại bắt đầu đấy.

-           Bắt đầu gì, chỉ thấy hâm mộ bạn có hẳn 1 anh hàng xóm kiêm vệ sĩ thế này còn gì bằng.

-           Thôi. Tao lậy mày, bàn vào việc chính đi.

-           Bàn gì nữa. Nó đem con bỏ chợ thế, mày cũng chả cần nghĩ nhiều làm gì. Số thằng bé nó khổ, mày cũng chả sung sướng gì đâu mà định đèo bòng, đưa nó vào trại trẻ mồ côi theo ý con Trang là được.

-           Ừ, tao cũng nghĩ thế đấy An ạ. Nuôi trẻ con cũng không phải dễ đâu. Thật ra hôm mùng 4 tết con Trang đã sang nhà tao rồi. Nhưng chắc nó thấy tao cũng chồng con tất bật quá nên không nói gì. Mà có khi chả dám nói. Nói tao chửi cho bỏ mẹ.

-           Nhưng nhìn thằng bé tội lắm mày ạ.

-           Tội, thế mày có nuôi nổi nó không? Mày có biết gì về nuôi trẻ con không? Trái nắng dở giời ốm đâu bệnh tật, mà 1 thân 1 mình mày nuôi kiểu gì?

-           Còn cả cái anh youtube nữa, mà chả phải riêng ông ý, bất cứ thằng đàn ông nào muốn đến với mày nhìn thấy cái của nợ này cũng chạy mất dép.

-           Mày ăn nói độc mồm vừa thôi Hà ạ.

-           Ờ. Nhưng nói túm lại mày nghĩ cho kĩ đi, thà gửi nó vào trại trẻ luôn đi cho lành còn hơn ba bữa nuôi không được nó ốm đau dặt dẹo rồi muốn đưa đi cũng khó đấy.

-           Mà tao thấy vụ này còn liên quan gì đến cả pháp luật đấy.

-           Phải không anh Sơn?

-           Anh cũng không rành về chuyện này lắm. Nhưng việc này tuỳ thuộc vào mối quan hệ và hoàn cảnh của đứa bé. Là bị bỏ rơi hay được gửi lại người quen nuôi nữa.

-           Bỏ rơi. Rõ ràng là nó bỏ rơi con nó còn gì.

-           Nếu thế thì khi phát hiện trẻ bị bỏ rơi An phải báo cho công an sở tại vì chuyện này liên quan cả đến trách nhiệm và nghĩa vụ của người mẹ nữa.

-           Ờ. Hay An, mày báo công an đi, cho người ta gô cổ con Trang lại, bắt nó về nuôi con nó.

-           Mày khùng vừa thôi Linh ạ. Con Trang nó đã phải rứt ruột để con lại có nghĩa là nó cũng cùng đường rồi. Nó muốn đi gây dựng 1 tương lai tốt hơn, bây giờ mà báo công an thì thành công cốc à?

-           Đùa chứ An ơi! Nó đang mang bom bỏ vào nhà mày đấy, sao mày cứ nghĩ tốt cho nó, nói đỡ cho nó làm gì. Mày cứ thế nó mới lợi dụng mày là đúng.

-           Nó không lợi dụng….

-           Thôi. Không phải bênh.

-           Anh thấy, nếu thế em nên báo là em phát hiện đứa bé bị bỏ rơi đi. Người ta sẽ thông tin trên báo đài trong 1 tháng sau đó nếu không ai đến nhận họ sẽ tự hoàn thành hồ sơ rồi chuyển đứa bé đến trại trẻ mồ côi.

-           Như vậy có ổn không anh?

-           Anh nghĩ cách đấy là tốt nhất với em bây giờ. Em đâu thể bỏ việc ở nhà chăm cu tí được, cũng không biết chăm sóc như thế nào mà.

-           Nhưng em….

-           Mày thôi nhưng nhị đi. Cái tính của mày tao lạ gì. Mày có đưa nó ra báo công an được không? Hay để tao.

-           Mày bình tĩnh nào Hà. Để cho con An nó nghĩ thông đi đã, không sau nó lại trách bọn mình.

-           Mày cứ dở hơi thương người vô tội vạ sau này có làm sao đừng í ới bọn tao.

-           Tao biết rồi. Nói thật mới trông thằng bé 1 hôm thôi tao cũng mệt lắm rồi. Nhưng nghĩ đến chuyện đưa nó vào trại trẻ mồ côi tao….

-           Sì tốp tại đây. Mày nghĩ thế nghĩ nữa con đường cho mày cũng chỉ có như thế thôi. Bây giờ mày nghĩ rồi quyết đi. Cho mày 5’. Nhanh tao còn về đi chợ nấu cơm cho con chồng tao. Trưa rồi.

-           Mày cứ về trước đi.

-           Về cái gì. Tao phải nghe quyết định của mày đã.

-           Mày thấy tao còn lựa chọn nào khác được à? Con nó nó còn không nuôi được thì tao biết làm sao?

-           Tốt, thế bây giờ em nhờ anh Sơn đưa con hâm này ra công an phường ngay giúp em không để thêm 1 tí nữa nó lại dở chứng. Bọn em xin phép bọn em về trước.

-           Mà có gì gọi cho tao, tao cũng phải về đây không ông Hưng nhà tao lại cằn nhằn. Thôi mày ạ. Số thằng bé thế rồi, mình không muốn nhưng cũng không cố được đâu.

-           Ừ. Tao biết rồi. Bọn mày cứ về đi. Lát tao đưa bé đi.

-           Anh Sơn, bọn em về trước.

-           Chào 2 em, đi về cẩn thận.

-           Vâng. Cảm ơn, anh chu đáo quá!

Sau khi Linh và Hà đi khuất, anh Sơn mới nhỏ nhẹ hỏi tôi vẫn còn đang ôm cu tí trong lòng.

-           Em nghĩ kĩ chưa? Chuyện thằng bé ý.

-           Em không chắc nữa. Nhưng em biết mình không có khả năng nuôi thằng bé vào bây giờ. Em không thế nghỉ làm được, hơn nữa. 1 mình em……..

-           Ừ anh hiểu. Anh cũng nghĩ em nên làm thế thì tốt cho cả 2 sau này.

-           Anh cũng nghĩ rằng sẽ không người đàn ông nào chấp nhận em nếu như em nuôi cu tí sao?

-           Không. Anh không nói về vấn đề đấy, anh chỉ thấy em chưa đủ kinh nghiệm, thời gian cũng như sự sẵn sàng để nuôi dạy 1 đứa bé.

-           Vâng. Em hiểu rồi. Vậy mình tới công an phường thôi anh.

Sơn

Tôi đèo em tới công an phường để trình báo, tôi nhắc em tốt nhất nên khai là chúng tôi nhìn thấy đứa bé ở công viên, chờ đến giờ vẫn không thấy ai nên quyết định đến báo công an. Em chỉ im lặng gật đầu, khuôn mặt em buồn rười rượi, đôi mắt sáng mọi ngày lúc nào cũng hấp háy ánh cười bây giờ lại ươn ướt. Biết em buồn và khổ tâm nhiều lắm, nhưng tôi vẫn phải khuyên em làm theo lý trí thì hơn.

Sau khi lấy lời khai của chúng tôi, anh Thắng công an phường yêu cầu chúng tôi ký vào biên bản rồi giao đứa bé lại cho phường để phường liên lạc với trung tâm bảo hộ xã hội. Em nhìn cu tí nước mắt rơi không ngừng, cứ ôm thằng bé mãi không rời. Anh Thắng thấy vậy tới vỗ vai em, an ủi.

-           Cô An nhìn thế mà cũng thương thằng nhỏ quá nhỉ? Mới gần nhau 1 lúc mà đã không lỡ rời xa rồi à?

-           Em……em thương thằng bé, bé thế này mà….

-           Theo quy định thì chúng tôi sẽ chuyển bé tới trung tâm bảo trợ để họ chăm sóc bé khoảng 30 ngày trong thời gian đó chúng tôi sẽ liên lạc với các đơn vị truyền thông, thông tin trên báo đài tìm cha mẹ của bé. Sau đó nếu không có kết quả sẽ chính thức chuyển bé về trại trẻ mồ côi.

-           Vâng. Ở đây có quần áo và 1 ít sữa của thằng bé. Anh nhớ nhắc họ chú ý, đừng để thằng bé bị lạnh nha!

-           Cô yên tâm, đấy là trách nhiệm của chúng tôi. Tuy nhiên, nếu cô muốn, cô có thể làm đơn nhận chăm sóc bé trong quá trình hoàn tất hồ sơ này. Nhưng nếu thế, sau này càng khó lòng rời xa đấy.

-           Thôi ạ. Em nghĩ em không nên làm thế. Chỉ sợ lúc đó lại không rứt ra được.

-           Vậy. Bây giờ cô có thể để bé lại cho chúng tôi được chứ?

-           À. Anh cho tôi hỏi bé sẽ được chuyển đi đâu ạ? Trong thời gian này tôi có thể đến thăm bé được không anh?

-           Được chứ. Bé sẽ được chuyển tới làng trẻ em SOS Hà Nội ở Đồng Xa, Mai Dịch, Cầu Giấy.

-           Vậy. Tôi sẽ tới đó thăm bé sau. Chào anh.

-           Chào cô, chào đồng chí. – Anh Thắng bắt tay tôi rồi giao đứa bé cho cô thượng uý mới ở trong phòng bên cạnh đi ra và dặn dò cô ấy liên lạc với trung tâm.

Tôi đưa An ra lấy xe, khuôn mặt em thể hiện 1 sự mất mát rất lớn, mắt em đang nhoè dần đi vì nước mắt. Đi được 1 đoạn ra đến nhà gửi xe thì em ngồi thụt xuống khóc nức nở mặc kệ ánh mắt tò mò của những người xung quanh. Tôi cũng chẳng biết làm thế nào, đành im lặng ngồi xuống cạnh em, giữ lấy đôi vai đang run lên ấy, cho em dựa vào vai tôi khóc đến khi chỉ còn là những tiếng nấc đứt đoạn. Ở trong phòng tiếp dân, anh Thắng vẫn nhìn theo chúng tôi với ánh mắt nghi ngại. Nếu như anh ta và An không thường xuyên gặp An vì An là 1 trong số Đảng viên trẻ ít ỏi của phường thì chắc hẳn chả ai có thể tin An chỉ tình cờ nhặt được đứa bé.

Khi tôi đưa em về đến chung cư, em vẫn tuyệt nhiên im lặng không nói gì. Chắc bây giờ em đang cảm thấy ray rứt, có lỗi nhiều lắm vì không thể chăm sóc cho cu tí. Tôi ngỏ ý muốn ở cạnh em lúc này nhưng em chỉ lắc đầu nói cảm ơn tôi rồi trở vào nhà. Em thật biết làm tôi lo lắng mà. Cuối cùng tôi cũng đành tới cơ quan mà trong lòng không khỏi thấp thỏm lo âu.

Sơn

Cả chiều qua rồi đến tối hôm qua, tôi nhắn tin, gọi điện cho em nhưng đều không được. An không trả lời tin nhắn, không nghe điện thoại. Tôi biết em lại trốn trong cái vỏ ốc của chính mình để gặm nhấm những tổn thương. Em luôn nghĩ mình là 1 người bị người lớn bỏ rơi, khi gặp 1 đứa bé cũng bị bỏ rơi sự đồng cảm trong em quá lớn. Nhưng rồi chính em cũng lại bất lực, 1 lần nữa bỏ rơi thằng bé nên bây giờ em đang rằn vặt chính mình, tự trách chính mình. Hơn lúc nào tôi muốn được bên em, vỗ về những nôi đau của em. Ở phía bên kia bức tường, em vẫn lặng im, không cho tôi 1 cơ hội để bước vào.

Sáng nay, khi tôi mệt mỏi bước ra khỏi nhà, cũng là lúc em xoay mình rời khỏi nhà mà không để ý đến tôi đang ở phía sau. Em chạy ra nhấn nút mở thang máy nhưng lại không đủ kiên nhẫn đứng đợi mà chạy xuống cầu thang bộ. Tôi cũng đi theo em, xuống nhà xe, em định dắt xe ra ngoài nhưng nghĩ thế nào lại để xe lại, chạy ra cổng bắt taxi. Tôi cũng đành chạy đi bắt xe rồi theo em cho tới khi thây xe em dừng lại trước cổng trung tâm bảo trợ trẻ em Hà Nội.

Em xuống xe, khi xoay người tôi vẫn còn nhìn thấy mắt em sưng húp, chắc lại khóc cả đêm qua rồi. Biết em đến thăm thằng bé, tôi cũng yên tâm phần nào nên bảo tài xế cho xe chạy thẳng về cơ quan.

Linh An

Sau cả 1 đêm suy nghĩ tôi quyết định sáng nay sẽ tới làng trẻ em để xem thằng bé ở đó được người ta chăm sóc thế nào, nếu môi trường sống ở đó tốt thì thôi, nếu không…..chắc chắn tôi sẽ đón bé về nhận làm con nuôi. Dù sao thì tôi cũng chỉ có 1 mình trên đời, cũng không dám mơ tưởng gì đến một người chồng và những đứa trẻ vì bản thân mình từ lâu rồi đã không còn là mình nữa. Đứa bé này, nó cũng bơ vơ như tôi vậy. Thế nên có gì đâu khi tôi và bé nương tựa lẫn nhau chứ?

Ra khỏi xe, thời tiết ngày xuân đã ấm hơn những ngày đông trước, tôi bước vào cổng trung tâm, xuất trình giấy tờ, xin phép được vào thăm bé.

Lúc này bé hãy còn đang ngủ, chị Hương, là mẹ chịu trách nhiệm chăm sóc cu tí nói với tôi.

-           Đêm qua thăng bé quấy khóc cả đêm, cho bú bình cũng không chịu bú. Chắc con nó nhớ hơi mẹ.

-           Vâng. Thằng bé này nó không chịu bú bình đâu chị ạ. Muốn cho bú phải mớm bằng ti mẹ trước rồi mới thay bình vào mới lừa được cu cậu.

-           Chị thấy em có vẻ quan tâm đến cu cậu nhỉ. Sao em không nhận bé về nuôi?

-           Em cũng hoàn cảnh chị ạ. Em chỉ có 1 thân 1 mình, cũng phải đi làm nữa, lại….chưa lập gia đình.

-           Ừ cũng đúng. Thật ra, các con đến đây, đứa nào cũng đáng thương cả. Bé thế này mà…..

-           Ở đây điều kiện sống của các con có ổn không chị?

-           Nói là thiếu thốn cũng không hẳn, các con chỉ thiếu tình thương của cha mẹ thôi. Nói là đầy đủ cũng không đúng, có cái ăn, cái mặc đấy nhưng còn nhiều khó khăn. Ở đây, những bé dưới 3 tuổi, đặc biệt là ở độ tuổi sơ sinh dễ được nhận nuôi nhiều hơn. Nhưng nhìn các con vẫn làm chị đau lòng lắm em ạ.

-           Vâng. Mới còn bé thế này,…..

Chúng tôi đang ngồi nói chuyện thì phía ngoài sân có 1 vài tiếng hét, tiếng hò reo, cổ vũ đánh nhau của lũ trẻ. Chị Hương cùng 1 vài người nữa chạy ra can 2 đứa trẻ, 1 trai, 1 gái tầm 4 5 tuổi đang đánh nhau. Đứa bé gái thì cố sức cắn thật mạnh vào tay đứa bé trai, đứa kia cũng chẳng vừa, đùng tay còn lại đấm liên tiếp vào lưng đứa bé gái. Cả 2 đứa nước mắt dàn dụa nhưng vẫn không chịu buông nhau ra.

Sau khi can ngăn được 2 đứa, chị Hương trở vào, nhìn tôi lắc đầu thở dài thườn thượt.

-           Chán lắm em ạ. 2 đứa bé đánh nhau hồi nãy là 2 anh em ruột đấy. 1 đứa năm nay vào lớp 1, 1 đứa được hơn 4 tuổi.

-           Anh em ruột, tại sao lại đánh nhau hả chị? Em tưởng..

-           Thì đấy, chúng nó vào đây từ khi còn chưa hiểu được thế nào là tình cảm ruột thịt, đến khi lớn hơn 1 chút thì lại ghét nhau, chia thành 2 phe suốt ngày đánh nhau như thế đấy. Có đau lòng không. Gà cùng 1 mẹ còn chẳng đánh nhau bao giờ, ấy thế mà….

-           Vào đây rồi em mới hiểu thế nào là sự thiếu thốn tình thương thật sự chị ạ.

-           Thôi, chị em mình vào xem cu tí dậy chưa nhé!

-           Vâng.

Chúng tôi quay trở lại phòng, cu tí đã dậy rồi, chị Hương chạy lại bế con ra khỏi cũi, thằng bé đang khóc, nhưng khi thấy tôi thì lại im bặt rồi tròn mắt nhìn tôi. Lúc sau, bé đưa tay ra đòi tôi, tôi liền đưa tay đón bé. Khi bàn tay nhỏ xíu ấy vươn ra, chạm vào mặt tôi, tôi chỉ biết ôm bé vào trong lòng, nước mắt lại trào ra nhưng nỗi lo, sự áy náy trong lòng đã vơi đi phân nửa. Tôi thở dài, nhẹ nhõm biết bao.

Nhưng mọi chuyện không đơn giản như tôi nghĩ, khi tôi trao bé lại cho chị Hương để đi về, thằng bé khóc oà lên, ánh mắt ngây thơ ấy gim chặt vào lòng tôi. Chị Hương bảo tôi cứ về đi, còn nhìn thấy tôi, bé còn theo. Tôi dù thương bé nhưng cũng chẳng thể làm cách nào được, đành quay lưng đi ra cửa. Thế nhưng tiếng khóc của bé như xé lòng tôi ra vậy. Bé yêu quý tôi, cũng như tôi thương yêu bé. Thật sự tiếng khóc ấy làm tôi rất đau.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro