Chương 11

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 11

Lúc Hiền quay trở về với thúng cám nặng nề trên tay . Khi tới gần cây cầu khỉ thì nàng e dè đưa mắt dòm dáo dát , chừng như sợ thằng Ba Địa còn đứng lãng vãng đâu đó . Dù không còn ngán hắn như trước kia nữa nhưng vì bị ám ảnh cái tên của gã du côn , nên trong bụng Hiền cứ phập phòng hoài không dứt . Quả như nàng nghĩ , Ba Địa vừa thấy bóng của Hiền thấp thoáng là nó như một bóng ma từ bên mé con rạch bất ngờ lao ra cái ào . Nó toét miệng cười ngất rung rung cả cái môi xệ , rồi báo cáo ngắn gọn :

- Đồ cái thằng kép hát chết nhát . Nó tự nhẩy xuống cầu chớ anh hổng có xô nó à nghen .

Hiền nhìn xuống lòng con rạch , nước phù sa đục ngầu từ đầu nguồn đổ ra con sông cái . Chứng tích té cầu của anh kép đã không còn lưu lại dấu vết nào nhưng Hiền cũng có thể tưởng tượng ra anh ta đầu cổ ướt nhẹp lặn hụp mà bơi bán mạng dưới lớp nước bùn đen đục đó . Hình ảnh khôi hài của gã thanh niên chải chuốc bị bùn sìn lem luốc khiến Hiền nổi tánh trẻ con , nở một nụ cười tươi như hoa với Địa , nụ cười mà lần đầu tiên thằng du côn đất Cái Trăm mới trông thấy . Tuy nhiên Hiền cũng lên tiếng trách hắn :

- Cái ông này ác thiệt nghen . Người ta có làm cái gì đâu mà ông bắt nạt gắt quá , tới nổi phải nhẩy xuống sông . Nếu như thằng chả hổng biết lội thì có án mạng cũng không chừng .

Địa cười :

- Án mạng cái mốc xì , nó lội như rái cá thì chết làm sao được hả em . Mà nè , có cần anh đội cái thúng qua cầu cho em hông hả Hiền ?

Hiền kinh ngạc , sao bửa nay thằng du côn này nó đổi tánh , tốt quá vầy nè . Nàng e dè lắc đầu từ chối :

- Thôi , thôi tui hổng có cần đâu .

Mặc kệ Út Hiền có ưng chịu hay không , Ba Địa xốc tới dành lấy cái thúng đội ngay lên đầu rồi bước cái rẹt qua tới bên kia đầu cầu . Nó trao cái thúng cám lại cho Hiền , nhe răng cười . Một nụ cười hiền khô :

- Nè em Hiền , em nói với Hai Tiến là Ba Địa này chưa bao giờ biết phục ai nhưng anh bây giờ đã phục sát đất Hai Tiến . Có dịp anh sẽ ra gặp hắn xin lỗi . Em coi anh có thể làm bạn với Tiến được không ?

Nó nói một thôi dài nghe tới đâu Hiền ngạc nhiên tới đó . Nàng nhìn nó bằng cặp mắt cám ơn rồi mới nói :

- Ai mà biết , mấy người muốn làm gì thì làm sao lại hỏi tui . Tui ở trong nầy còn anh Tiến ảnh ở ngoài đồng , có gì ra đó nói với ảnh chớ nói với tui có mắc mớ gì đâu nè .

Ba Địa xua tay :

- Thôi em đi dìa đi , anh hỏi thì hỏi vậy thôi chớ chắc gì Hai Tiến chịu làm hòa với thằng Địa này đâu . Cho Ba Địa nầy xin lỗi em về chuyện cái bửa đó đó nghen Hiền .

Nghe nhắc chuyện cái hôm hai đứa ôm ấp ve vuốt đến nổi nút áo bứt tứ tung bị thằng Ba Địa dòm thấy hết trơn nên Hiền mắc cỡ , má thoáng đỏ hồng . Nàng lắc đầu nói lí nhí :

- Thôi chuyện cũ , lỗi phải gì mà xin . Để tui đi dìa chớ hông thôi bị tía ổng la chết luôn .

Nói chưa xong Hiền đã đội cái thúng cám lên đầu thoăn thoắt bước đi . Ba Địa đứng chống nạnh trông theo cho đến khi bóng nàng khuất sau cái cua cong cong của con lộ thì hắn mới quay bước trở lại căn nhà lá nằm núp sau mấy bụi dừa nước ngay phía đầu cầu khỉ .

Đây chẳng phải là nhà của nó . Thằng Ba Địa chỉ có hai anh em , Hai Thiên và nó . Hai Thiên thì có vợ nên cất chòi dọn ra riêng còn Ba Địa thì vẫn ở chung với ông già . Nó mất mẹ đâu hồi còn nhỏ lận , bởi vì nhà nghèo lại con mồ côi nên phải đi chăn trâu mướn để kiếm sống . Nó chăn trâu cho cậu Hai Vinh ở xóm trên . Chăn trâu mướn thì suốt ngày ở ngoài đồng , ăn cơm chủ . Chiều tối khi trâu về chuồng rồi thì Địa lang thang hoang đàng chi địa cho tới khuya mới chịu mò về ngủ tạm qua đêm . Từ khi ba của nó dẫn ở đâu về một bà sồn sồn bảo là má nhỏ của nó thì nó càng ít về nhà của mình . Hắn vốn không ghét bỏ gì bà má nhỏ nầy nhưng cũng chẳng biết tại sao khi nhìn bà thì nó lại nhớ bà mẹ ruột đã khuất của mình . Bởi vậy những lúc không mò về nhà để ngủ thì nó thường tạt vào trường học hoặc mấy cái miễu ông Tà để ngủ qua đêm . Nó thường tự hào là có cây gậy chăn trâu , tức cây roi bằng cây mây đã lên nước bóng lưỡng mà nó quí như vàng lại gọi bằng một cái tên nghe rất là kiếm hiệp là “hàng ma mục đồng bổng” . Có cây “hàng ma mục đồng bổng” trong tay rồi thì tà ma gì gì cũng phải ngán nó cả .

Mà thiệt là như vậy , đã có lần lũ trẻ chăn trâu phải tròn mắt ngạc nhiên khi chứng kiến cái cảnh rùng rợn khó tin là thằng Ba Địa tay cầm cây roi mây hàng ma của nó để ngoăc gọi một chiếc bè “tống gió” đang trôi phập phìu trên sóng , liền tự động tấp ngay vô bờ để nó rinh hết đồ cúng trên ấy mà khao đãi đám chăn trâu . Có vài người lớn cũng chứng kiến thấy chuyện lạ lùng nên mang đi hỏi vị lão niên Ba Bụng , họ được ông cắt nghĩa như vầy :

- Tao lớn lên ở vùng sông nước từ nhỏ tới lớn nên cũng từng thấy qua ba cái chuyện kêu ma gọi quỉ của mấy thằng nhỏ chăn trâu cho nên tao cũng đâm ra thắc mắc , đi hỏi mấy ông già xưa thì được mấy ổng cho biết là cây roi của mấy đứa chăn trâu xài lâu năm nên nó trở thành linh vật . Chuyện nầy cũng có hơi dị đoạn nhưng người lớn bảo sao thì mình nghe vậy .

Ông tỉ mỉ giảng giải lý do nào mà cây roi của tụi chăn trâu trở thành vật linh có thể đánh ma đuổi tà :

- Mấy ông bà mình hồi xưa họ kể lại cái sự tích con trâu là do một vị Bồ Tát từ thiên đình bị đày xuống phàm trần . Tích của con trâu là như vầy : Ngày xưa vào thời tạo thiên lập địa , thượng đế thấy người ở dưới dương gian chưa biết trồng trọt canh tác nên mới hội họp chư tiên và các vị bồ tát để tìm cách giúp người dưới dương gian biết cách trồng lúa để ăn . Ngọc Hoàng lôi ra một cái đãi đựng cỏ và một cái đựng lúa , hỏi có người nào tình nguyện mang hai chén nầy xuống dương gian . Cỏ thì rải ở những chỗ núi non rừng rậm còn lúa thì rãi ở đồng bằng cho người dưới thế có cái mà ăn . Một vị Bồ Tát hay tiên ông gì đó tên là Kim Quang bước ra tình nguyện xin đi , nhưng khi đi giữa đường chợt gặp một đám tiên nữ ca xang múa hát , áo đỏ áo hồng trông hấp dẫn quá . Thế là vị tiên kia đứng ngẫn ngơ ra mà nhìn , đến chừng nhớ lại cái bổn phận của mình thì phát hoãng mở vội hai đãi lúc và cỏ ra đổ cái ào xuống dương trần . Thành thử cỏ và lúa từ đó cứ mọc khắp nơi nhưng khổ nổi cỏ lại là thứ dễ nẩy nở sinh sôi nên cứ mọc tràn lan khắp cùng . Ngọc Hoàng giận quá nên đày ông tiên Kim Quang xuống dưới trần làm con trâu , làm trâu ăn cho hết cỏ . Ông còn phán bao giờ dương gian hết cỏ thì trâu mới trở về trời . Rồi cho tới ngày nay cỏ cứ mọc ra tùm lum mà trâu thì không bao giờ ăn hết kịp . Nằm ăn năn mà ăn cỏ hết năm nầy sang năm khác , rồi lắm lúc buồn đời nhớ lại bầy tiên nữ múa hát làm cho mình mê mẩn để đến nổi bị đày làm trâu nên trâu càng nghĩ càng tức , bởi vậy mà bây giờ khi trâu nhìn thấy bóng ai thấp thoáng áo đỏ áo xanh là nó rượt chạy có cờ .

Ngừng một chút rồi ông mới cắt nghĩa tại làm sao mà cây roi của mục đồng lại trấn nhiếp được tà ma như vậy :

- Bởi con trâu là một vị tiên ông hay Bồ Tát bị đày nên đứa chăn trâu thì được coi như là một đồng tử . Đồng tử là đứa hầu tiên ông tiên bà trên thượng giới , vì vậy cây roi của nó xài lâu năm cũng có thể coi là linh vật , tà ma yêu quỉ rất kiêng kỵ thứ này đó tụi bây .

Rồi có người vì chưa biết xuất xứ của mấy cái bè tống gió , hỏi thì được Ba Bụng giải thích cặn kẻ như vầy . Tống ôn tống gió là một lễ tục có từ lâu đời ở miền sông nước . Nó gần như gắn liền với nghi thức trai đàn , cúng cô hồn cho nên nó rất phổ biến ở vùng nông thôn miền Nam . Ngày nay , theo đà tiến bộ của khoa học tập tục này nhiều nơi đã bỏ hẳn nhưng một số vùng ven sông như Cần Thơ , Vĩnh Long vẫn còn có nơi tổ chức . Mục đích của lễ tục nầy là cầu bình an cho gia đình , làng xóm . Họ muốn tống khứ đi những gì xui rủi để mong đón nhận những điều tốt lành trong thời gian tới .

Nghĩa của hai chữ “tống ôn tống gió” là từ chữ tống là xua đi , tiễn đi . Ôn có nghĩa là ôn dịch và gió ở đây là gió độc gây bệnh cho người . Hổng phải người dân miền Nam thường dùng hai chữ trúng gió để chỉ bị bệnh và cạo gió để giải bệnh hay sao .

Lễ tục này có đâu từ những buổi đầu khai hoang mở cõi , khi mới định hình chợ búa làng xóm . Cái thời sơ khai đầy sơn lam chướng khí , ao tù nước đọng muỗi mòng rắn rít thậm chí cả cọp voi đầy dẫy khắp nơi và nền y học còn quá phôi thai nên những căn bệnh thông thường cũng có thể giết chết nhiều người . Chẳng những thế , còn có những căn bệnh hay lây lan , truyền sang nhiều người biến thành trận đại dịch giết chết có khi cả làng cả xóm . Bất lực trước hoàn cảnh đó , người dân cứ cho là những trận dịch này là do ma quỷ . do mấy ông bà khuất mày khuất mặt gây ra nên tổ chức làm lễ cúng để cầu xin van vái các vị ấy , mong cuộc sống bình an mãi đến với gia đình mình , làng xóm mình . Và như vậy , lễ tống ôn tống gió được ra đời từ đó .

Lễ tống ôn - tống gió được tổ chức không đồng nhất giữa các địa phương. Có nơi chọn ngày 15, 16 tháng Giêng Âm lịch, có nơi tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch, hoặc 15 tháng 7 Âm lịch, nhưng đa số chọn ngày 19 tháng Giêng Âm lịch. Giờ giấc cúng ở mỗi địa phương cũng khác nhau. Có nơi chọn đêm khuya, có nơi chọn giờ Ngọ tức 12 giờ trưa , có nơi lại chọn 6 giờ chiều… Dù chọn giờ nào, ngày nào thì Lễ tống ôn - tống gió cũng phải tổ chức ở các nơi thờ tự như chùa, miễu…

Để chuẩn bị cho buổi lễ này, người ta đã phân công công việc như làm thuyền, chuẩn bị vật phẩm cúng thần, chỉ định những người phụ giúp cuộc lễ. Trước khi hành lễ, người ta đem tất cả các vật phẩm đến nơi thờ tự để làm lễ ra mắt thần và cũng là để cho thần chứng giám. Thông thường, người ta đặt chiếc thuyền tống ôn - tống gió ngay giữa sân của nơi thờ tự, ngay gian chính điện, mặt hướng ra sân.

Chiếc thuyền này được làm rất công phu từ nhiều ngày trước. Đáy thuyền là bốn khúc chuối to kết lại như một chiếc bè, trên đó có khung thuyền làm bằng tre trúc, xung quanh thân thuyền được dán giấy màu đủ loại để tạo sự kín đáo và cũng làm đẹp thêm cho chiếc thuyền. Trên thuyền còn có hình nhân được làm bằng đất với tư thế đang chèo thuyền, xung quanh thuyền có treo một hàng quần áo được cắt bằng giấy, ngụ ý dành cho những người nghèo ở cõi âm .

Dần dần cho đến ngày hôm nay , lễ tục này càng thu gọn hơn , dĩ nhiên là chiếc bè cũng được thu gọn lại cho đỡ tốn kém . Có khi chỉ là một chiếc bè chuối nhỏ xíu với vài ba thứ cũng tế như vài cái trứng vịt , một con gà luộc v.v và cũng do một tư gia xui xẻo nào đó còn tin tưởng ở những mê tín xa xưa thả xuống . Đa số những chiếc bè này được thả ra giữa sông rồi nương theo hướng gió thổi nó muốn trôi đi đâu thì trôi miễn là theo họ tin tưởng , tống được những điều xui xẻo ấy ra khỏi nhà mình là tốt . Chăn trâu vốn là những đứa trẻ nghịch ngợm , tụi nó có tin tưởng trời đất quỷ thần gì đâu , hễ nhìn thấy có đồ ăn ngon trôi nổi trên sông là khoái lắm , cứ hè với nhau vớt ngay lên để chén cho bằng thích .

•     *

*

Dạo này Ba Địa rảnh rổi lắm , nó không còn chăn trâu cho cậu Hai Vinh nữa . Vì tình hình an ninh càng ngày càng bị đe dọa , vùng Cái trăm này tuy tạm gọi là yên ổn nhưng thỉnh thoảng vào lúc ban đêm , mấy ông tối trời thường hay mò về để thu thuế và dụ dỗ thanh niên trai tráng trong làng trốn nhà đi theo mấy ổng .

Cậu Hai Vinh là người có cặp mắt nhìn xa trông rộng nên tính trước một bước , cẩu lên Cần thơ mua một căn nhà rồi từ từ dọn đồ đạc lên trên ấy , dĩ nhiên là ruộng nương vườn tượt cậu cũng kêu người tới coi rồi bán được mớ nào hay mớ nấy . Con cháu mấy ông đại điền chủ thời này kiêng dè nhất là Việt cộng , họ biết nhà có tiền nên cứ nửa đêm mò về gõ cửa đòi thu thuế . Mà nói về thuế phải đóng cho họ thì không biết bao nhiêu thứ , lại chẳng có biên lai thu nhận gì ráo , ai gõ cửa nữa đêm hễ mặc đồ đen , vai có đeo sắc cốt thì cũng có thể thu được . Thêm một rắc rối khác là đứa con Út của ông Bộ Ràng , em cậu Hai Vinh hiện là sĩ quan cấp Tá phục vụ trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa nên cứ bị mấy ổng khuyến dụ về quay về với nhân dân . Dụ hoài không được nên cậu Út bị hăm he , con đi lính cho chính quyền phản động thì ở nhà gia đình phải chịu trách nhiệm . Ông Bộ già cả lú lẩn nên chẳng biết sợ là gì , chỉ có cậu Hai Vinh thì lo rầu không ngớt . Vì thế nên mới quyết định bán hết ruộng vườn để về thành phố sống cho yên . Cho nên dạo này trâu bò của cậu Hai cũng bán hết ráo , thành thử thằng Địa trở thành thằng thất nghiệp . Nó hiện chỉ lanh quanh trong nhà cho cậu sai vặt . Tuy nói là đứa sai vặt nhưng Địa vì tánh tình phóng đãng ham vui lại có máu du côn đầy người , hứng thì làm , buồn thì thả rong trong xóm coi nhà ai có cái gì vui thì tấp vào . Có người thấy nó đi ở mướn mà sướng quá nên đâm ra thắc mắc , hỏi cậu Hai Vinh thì cẩu dễ dãi cho biết :

- Cái thằng quỷ đó tuy nó gàng bướng trật búa lắm nhưng nói nào ngay nó không phải là đứa nhám nhúa tay chân . Nó phá làng phá xóm chớ chưa hề có tánh ăn cắp vặt , nhà có nó cũng đỡ lắm . Thử hỏi chứa một thằng chúa du côn thì còn sợ gì ba cái thứ trộm đạo nữa chớ .

Nói chi là phường trèo tường khoét vách kiêng dè Ba Địa , mà ở đây ai ai người ta cũng ngán nó hết thảy cho nên hễ nó tấp vô đâu chơi thì tấp , đâu có ai dám ra mặt công khai xô đuổi . Thây kệ , cho nó cà rà tới lúc chán chường thì nó bỏ đi cũng hổng chết chóc tới ai .

Một hôm nhà ông Bộ Ràng chuẩn bị tiệc tùng đãi khách , nghe nói cũng là một vị Hương cả nào đó , thuộc nhóm bạn đá gà của những thập niên 40 cùng thời với ông Bộ . Để chuẩn bị cho bửa tiệc đãi cố nhân , bà Bộ bỏ ra cả hai ba tháng trước đó để chuẩn bị những thứ cần thiết cho buổi tiệc .

Bởi ngày trước đều là những tay có máu mặt trong làng xã nên họ thường tập tụ lại để đá gà , đánh cờ tướng hoặc ăn nhậu . Mà nói về ăn nhậu thì mấy ông Hương ông Bộ này đâu có chịu ăn mấy cái món chả giò hoặc bò bít tết giản tiện dễ làm . Mấy ổng đòi ăn những thứ dân dã nhưng thiệt là cầu kỳ hết sức .

Cho nên mới tảng sáng bà Bộ sai thằng Địa lấy cái tỉnh nước mắm không , loại sài rồi nên trống rỗng phía trong . Bà căn dặn thằng Địa mang cái tỉnh không đi ra ngoài bụi tre mạnh tông , coi cái mục măng nào vừa nứt đất lú lên thì lật úp cái tỉnh nước mắm đậy lại , chỉ để cho mục măng lú lên ngay cái lổ của tỉnh nước mắm . Xong đâu đó thì nó phải lấy cây làm cọc đóng cứng cái tỉnh lại dính luôn vào mặt đất kẻo chừng mục măng nhú lên cao quá , nó sẽ không đội cái tỉnh nước mắm nhô khỏi mặt đất .

Kế đó bà lại giao cho con Én , cũng là một đứa làm công trong nhà , mang một cái rỗ đầy vỏ ốc lác , loại vỏ ốc đã ăn xong đâu hồi nẳm nhưng bà còn để dành , bà dặn nó :

- Con Én , bây đem rỗ vỏ ốc nầy ra ngoài đìa rau muống ở đàng sau nhà kia , cứ coi cái đọt nào mới lú ra thì chụp cái vỏ ốc này vào cho nó che kín cái đọt rau . Để làm cái gì thì đừng có hỏi , tao biểu sao thì làm vậy đi hén .

Thằng Địa vừa xong việc ở ngoài bụi tre về , thấy vậy cũng chạy theo con Én . Vì con Én là người làm mới mà thằng Địa thì ở trong nhà bà cũng khá lâu nên nó rành ba cái vụ nầy lắm . Thấy con Én còn chần chừ chưa đi , nó ngoắc tay như ra lệnh :

- Đi theo tao , tao chỉ cho mà làm .

Con nhỏ bưng cái rỗ đựng vỏ ốc lác lúp xúp chạy theo ba Địa . Thấy thằng Địa đã nhảy tòm xuống cái đìa rau muống con Én cũng xăn quần lội theo . Địa nói gì thì nói chớ đối với con gái thì nó thiệt là không bao giờ lớn tiếng bắt nạt . Nó cầm cái vỏ ốc lên rồi dòm con Én , giãng giãi :

- Bà biểu làm như vầy nè . Kê cái miệng của vỏ ốc ngay cái đọt non của cọng rau muống , móc nhẹ cho nó dính vô đó thôi là xong . Đâu mầy làm thử cho tao coi coi Én .

Con Én vì chưa quen tay nên nó cứ trật vuột hoài , cái vỏ ốc như chẳng nghe lời cứ rớt lên rớt xuống khiến cho Ba Địa phải dằn lấy tay nó mà móc vô cọng đọt non cho dính chắc . Cầm tay của con Én được một lúc thằng Địa lại thấy thinh thích nên cứ đeo theo con nhỏ mà chỉ hoài , cho tới khi cái rỗ vỏ óc hết sạch mà nó cũng chẳng hay . Con Én coi bộ cũng chịu cho Ba Địa nắm tay lắm , khi không còn vỏ ốc để móc nữa thì hai đứng mới thẳng lưng đứng lên , nhìn mớ vỏ ốc móc dính với đọt rau muống , con Én thắc mắc hỏi Ba Địa :

- Bà biểu tui làm thì làm chớ hổng có hiểu để mần chi vậy hả anh Ba ?

Thằng Địa lần đầu tiên nghe con Én gọi mình bằng tiếng anh ngọt xớt , nó khoái quá nên trề cái môi dưới ra dài thêm một chút , làm ra vẻ như rành sáu câu cắt nghĩa cho con Én biết :

- Cái món nầy gọi là gì thì tao hổng biết nhưng thấy lâu lâu bà với mợ Hai có biểu tao làm nên tao biết .

Nghe hai đứa nhỏ ở dưới cái đìa rau muống nói chuyện râm ran nên mợ Hai , vợ của cậu Hai Vinh đang ngồi nấu nồi cám heo ở ngoài chái bếp lên tiếng cắt nghĩa cho con Én biết :

- Đây là món gỏi rau muống ăn chung với món ốc lác hấp xã mà ông bà chuẩn bị để đãi ông Hương đó tụi bây .

Con Én bước lên bờ đi lại gần mợ Hai , đoạn lên tiếng hỏi :

- Mợ Hai , rồi mần sao mà phải chụp cái vỏ ốc vô cái đọt rau muống để làm chi vậy ?

Mợ Hai một tay cầm cây đủa bếp cào cào đống than đỏ lòm ra khỏi bếp lửa đoạn ngước lên nhìn hai đứa , mợ nhìn nhưng chỉ mở có một con mắt có lẽ vì khói bếp bốc lên cay nên con mắt còn lại mợ nhắm hít . Mợ cười tròn miệng rồi vui vẻ nói :

- Đó mới là cái đặc biệt để dành đãi khách quí . Đọt rau muống thường thì hổng nói làm chi , rau muống nầy nó cuộn tròn trong cái vỏ con ốc nên có màu trắng tươi và giòn lắm . Cũng như hồi nãy thằng Ba Địa nó đi nhận cái tỉnh nước mắm lên mục măng mới lú đó , chừng tháng sau thì mục măng lên cao nhưng nó bị cuộn ở trong cái tỉnh nước mắm . Cũng một màu trắng phau , không có vỏ ngoài gì hết . Tới chừng ăn thì mình chỉ ra cắt ngang ở phía dưới rồi bưng nguyên cái tỉnh vô . Đập cái tỉnh ra , phần ở trong toàn là măng tre , sạch trơn và giòn rụm hè . Thứ măng trong tỉnh nầy thì mình xắt thành lát mỏng nhận trong hủ như món dưa chua , còn rau muống quấn trong vỏ ốc đó thì dùng để trộn gỏi . Khi ăn thường thì người ăn cũng hổng biết là mình đang ăn cái gì nữa vì thứ nào cũng trắng phau phau , giòn và ngọt lắm . Thứ gỏi nầy để kẹp chung với lá tí tô gói món ốc lác hầm sả thì ngon hết biết nghen tụi bây .

Nghe tới món ốc lác thì Ba Địa hỏi liền :

- Vậy tới chừng nào bà mới biểu đi mò ốc lác hả mợ , mùa nầy mà muốn tìm một con coi bộ khó đa !

Mợ Hai Vinh cười ngất :

- Có ai biểu thằng Ba mầy đi bắt ốc vào mùa nầy đâu mà mầy biểu là khó . Cái bao ốc lác của chú Năm trên miệt Đồng Tháp chở tới cho hồi năm ngoái còn treo trên giàn bếp kia kìa .

Thằng Địa ở lâu trong nhà của ông Bộ nên nó rành ba cái vụ nầy hơn con Én . Nghe mợ Hai nhắc nó mới nhớ lại cái bao ốc lác của ai đó cho còn treo lủng lẳng trên giàn bếp từ hồi năm ngoái , lâu đến nổi bò hóng đóng đen thui . Nhìn thấy vậy nên nó đâm ra thắc mắc hỏi bà Bộ thì bà vui vẻ cắt nghĩa cho nó nghe như vầy :

- Bây đừng có thấy nó bị hứng khói bếp hết tháng này qua tháng nọ mà tưởng nó chết nghen . Cái thứ ốc lác này thiệt là ngộ , bị treo thiếu nước lại bị khói nóng cả ngày nhưng hổng ngờ nó cứ như vậy mà sống phây phây , lại còn mập ra nữa mới là lạ chớ .

Nhớ lại lời cắt nghĩa của bà Bộ nên Ba Địa quay qua con Én , nói cho nó biết về cái bao bố tời đóng bò hóng đen thui treo lủng lẳng trên đầu giàn bếp . Tiếng của mợ Hai chen vào , mợ giải thích thêm về cách hấp ốc lác , một món nhậu mà ông già chồng của mợ là ông Bộ Ràng hồi còn đương thời rất mê :

- Mấy đứa bây biết đó , cái món nhậu này hổng biết tên của nó là gì , nghe đâu nó xuất xứ từ miệt Đồng Tháp nào đó . Chỉ nghe người quê mình cứ kêu là món ốc treo giàn bếp thì mình kêu đại theo mà thôi . Con ốc nằm im ăn khói cả mấy tháng , tới chừng đem ra làm thì mình phải đổ ra cái rỗ rửa cho sạch khói đen , rồi sắp ốc vào cái nấp khạp . Trong nấp khạp mình có pha sẳn nước quậy với trứng gà để cho ốc nó uống . Đợi tới chừng uống cạn hết nước trong nấp khạp thì mình mới đem chúng ra vạt bỏ cái phần đít , kế đó thì xếp vào cái nồi . Trong nồi có lót một lớp xả , có chút xíu nước để khỏi bị khét cái nồi . Nhớ là phải rắc thêm miếng muối rồi mới bắt lên lò lửa riu riu mà hấp . Khi hấp mình cũng lắc cái nồi vài lần cho nó đều đó mà , chừng đâu vài phút thì con ốc há miệng . Đảo vài bận thì nhắc xuống , ốc cũng vừa chín tới .

Nói tới đây thì mợ Hai Vinh hai tay cầm lấy cặp nhắc nồi to như hai cái bao tay , thằng Ba Địa biết mợ sắp bưng nồi cháo heo xuống nên nó xăng xái bước tới dành lấy cặp nhắc nồi :

- Mợ Hai để tui bưng cho , coi cái nồi tổ chảng nầy chắc nó nặng lắm mợ bưng một mình coi chừng cụp cái lưng của mợ đó .

Mợ hai Vinh hai gò má đỏ hồng vì nãy giờ ngồi bên bếp lửa nấu cháo heo , thấy thằng Địa dành bưng nồi cháo xuống thì mợ cũng dễ dãi để cho nó làm . Mợ lại tiếp tục với câu chuyện ốc lác treo giàn bếp :

- Mấy con ốc mới chín tới nầy đó nghen mấy đứa , nó trốc hết cái mày , còn cái mề thì vàng lườm còn mình của nó thì trắng tươi như bông bưởi dòm thiệt là bắt con mắt hết sức . Chẳng những nó trắng tươi mà còn mềm mụp hè , chấm chút nước mắm xả ớt , thêm chút chanh cho chua chua , rồi ớt cay cay , thơm mùi xả nữa thì thiệt là ngon . Ăn món ốc hấp xả nếu mà người sành điệu thì còn kẹp thêm lá tía tô , rau húng nữa . Ở đây ông bà đãi khách cho nên thêm cái món đặc biệt gõi rau muống và dưa măng mạnh tông nữa . Hai món phụ nầy coi vậy là còn khó làm hơn món ốc hấp , công phu ở cái chỗ phải chuẩn bị từ vài tuần hoặc cả hai ba tháng trước cũng hổng chừng .

Cũng nhờ cái bửa nắm tay nắm chân dưới cái ao rau muống nên thằng Địa và con Én làm quen với nhau . Con Én là dân xứ khác tản cư đến ở đậu trên đất của một người bà con cũng đâu đó chừng ít năm nay thôi . Nhà nghèo có ba mẹ con , mẹ và chị nó thì có một cái quán cóc bán nước đá si rô và gói bánh lá dừa cùng năm ba thứ kẹo bánh bày bán cho con nít trong xóm , riêng con Én thì đi làm công việc lặt vặt trong nhà ông Bộ Ràng kiếm chút tiền về giúp chị và mẹ sống qua ngày . Tuy là làm công nhưng con Én không ở luôn trong nhà của ông Bộ , bửa nào xong hết công chuyện thì nó về nhà của nó mà ngủ . Làm quen được với con nhỏ rồi thì Ba Địa cũng lân la cà rà tới nhà chơi , tới vài lần thì nó coi cái mòi chịu con chị của Én là Chim . Con Én biết ra thì nó coi cũng buồn lắm nhưng cũng không nói gì . Chim không đẹp lắm nhưng cô nàng có duyên , con gái miệt vườn nước da bánh ít mái tóc dài đen bóng lại biết ăn nói khiến cho Ba Địa càng mê tít .

Con Chim làm gì mà hổng biết thằng Địa là thứ phá làng phá xóm , thấy nó tuy hung dữ ở đâu chớ khi cà rà tới cái quán đá bào của Chim thì hiền khô như cục đất . Sai gì làm nấy , biểu sao nghe vậy . Thấy nó du côn ở đâu chớ với mình thì dễ thương quá cho nên con Chim cũng sinh ra có cảm tình với nó .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro