Chương 13

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 13

Ba Địa và anh Bảy ngồi trong quán nước đá bào của con Chim được một chút thì Oanh bồng em đi tới . Con bé đang được chị nó ẳm trên tay vừa nhìn thấy anh Bảy thì nó nhoẽn miệng cười và bập bẹ kêu ba ba . Con Oanh nhìn anh Bảy nói :

- Ba ơi , má kêu ba dìa ăn cơm kìa . Má nói ba nhớ mời luôn chú Địa nữa đó .

Anh Bảy để ly nước đá xuống bàn , đưa hai tay ra ẳm lấy con bé . Linh , đứa nhỏ mà anh chị Bảy thường gọi nó là Út Linh cũng gần hai tuổi . Nó dòm cái ly đá bào si rô đỏ lòm mà cái miệng thì chép lia như muốn ăn . Chắc hai con chị của Linh cũng là khách hàng quen thuộc của quán con Chim nên đứa nhỏ dù mới có hai tuổi nhưng cũng có mòi thích ăn nước đá rồi . Nhìn con bé đòi ăn mà anh Bảy cười ngất , anh mới lấy muỗng múc nước đá đút cho con Linh , con nhỏ há miệng ăn liền . Mới đầu thì nó nhăn nhó có lẽ vì lạnh nhưng sau đó lại chép miệng ra chiều như đang thưởng thức của vị ngọt si rô . Nhìn nó ai nấy điều cười xòa . Bất giác thằng Ba Địa ngước lên nhìn Chim , nó bắt gặp cô chủ quán cũng đang mơ màng nhìn mình . Bốn mắt giao nhau nhưng hai đứa dường như có cùng chung một ước mơ thầm kín , ước mơ một mái nhà tranh hai quả tim vàng và một đàn con nít .

Anh Bảy đút cho con Linh ăn một lúc thì quay sang Ba Địa nói :

- Thằng em mầy xách cây búa cho anh Bảy . Đi , mình đi về ăn cơm để hông thôi chị Bảy mầy đợi lâu bả la tao bây giờ .

Nói xong anh cười xòa rồi bồng con Linh đứng lên , nói vói lại với con Chim :

- Cám ơn hai ly đá bào nghen cô chủ . Bửa nào muốn đãi anh nữa thì cứ việc réo một tiếng là anh Bảy có mặt liền .

Tuy ngoài miệng anh Bảy nói vậy nhưng trước khi đứng lên anh móc túi lấy tờ giấy 20 đồng để lên bàn , trả tiền cho hai ly nước đá vừa uống . Với anh thì rất sòng phẳng . Sống đời quân ngũ đã lâu nên thói quen tiền lính tính liền anh vẫn chưa quên được . Thấy cái quán nhỏ xíu của con nhỏ ế nhệ mỗi ngày kiếm chẳng được bao nhiêu nếu để nó đãi thì tội nghiệp cho nó quá . Con Chim nhanh mắt nhìn thấy chưa kịp lên tiếng ngăn anh Bảy thì từ ngoài con lộ đất , Bà Năm Thìn , má của Chim xâm xâm đi vào . Theo sau là một người đàn ông tuổi trạc ngũ tuần .

Vừa thấy dạng má con Chim về tới là thằng Ba Địa thầm kêu khổ , vì nó biết bà vốn không ưa nó chút nào . Và càng khó xử hơn nữa là cái lão già đi tò tò ngay phía sau lưng của bà Năm Thìn . Lão già ấy chính là con kỳ đà cản mũi ngăn cản Ba Địa khi nó đến trổ mòi tán tỉnh con Chim . Chính ông ta đã nói ra nói vô đủ điều mà toàn là điều xấu của Địa khiến cho bà Năm Thìn vốn đã không ưa gì Ba Địa , giờ càng ghét cay ghét đắng hắn hơn .

Bán buôn là cái nghề lúc nào cũng phải tỏ ra nhã nhặn , vui vẻ nói cười để chiều chuộng khách hàng , bà Năm biết thế nhưng vẫn cứ cấm ngặt con gái của mình , tuyệt đối không được một câu nửa chữ trò chuyện với Ba Địa trong mỗi lần hắn cà rà tới quán nước . Bà cũng biết cấm như vậy thì có vẻ hơi vô lý , trước mặt bà thì nó im ru nhưng khi bà đi vắng rồi , thằng Địa lại mò tới thì chuyện gì sau đó chỉ có trời mới biết mà thôi .

Đối với con Chim , tuy lệnh của má nó ban ra , cấm thì cấm nhưng con gái hễ đã thương ai rồi thì nó vẫn cứ thương cho tới cùng , tới chừng nào nó tự cảm thấy chán thì thôi , có cấm có cản thế nào cũng chẳng ăn thua gì . Hơn nữa , theo nó nghĩ thì má của nó cũng đâu có đàng hoàng gì mà nó phải nghe theo lời bà . Đó mới thiệt là thượng bất chính hạ tắc loạn !

Ba mẹ con bà Năm Thìn vốn là người ở xứ khác tản cư đến đây mấy năm nay . Lúc trước họ ở trong ngọn cùng của con rạch trên đất của một người bà con xa , nhưng từ khi bà Thìn có qua lại với ông chủ đất ở đây , rồi rù rì rủ rỉ làm sao đó nên ông ta cho một miếng đất gần con rạch để cất nhà mà ở , đồng thời che một mái lá nho nhỏ để con Chim bán nước đá kiếm tiền sống qua ngày .

Những người sống xung quanh đây , trong đó có Bảy Tôn Tẩn ai ai cũng thắc mắc chẳng biết ba ruột của Chim và Én là ai , nếu cho rằng ông ấy đã chết thì thật chẳng phải vì trong nhà không thấy kê cái bàn thờ nào cả . Người thắc mắc thì nhiều nhưng chẳng có ai để tâm chuyện này lắm , chỉ vài ba kẻ tò mò nên dò hỏi thì bà Thìn chỉ ậm ừ nói là ổng mê theo vợ bé nên bỏ ba mẹ con bà bơ vơ .

Có thật là “ông mê vợ bé bỏ bà bơ vơ” không thì chẳng có ai biết rõ nhưng trả lời theo cái kiểu than thân trách phận của bà Năm Thìn thì tự nhiên được nhiều cái lợi , mà cái lợi cụ thể nhất là được bà con hàng xóm quanh đây động lòng trắc ẩn thương xót cảnh tình . Nhất cận lân nhì cận thân mà .

Bà Năm Thìn biết thế cho nên bà đâu có ngu nói ra cái sự thật nguy hiểm trùng trùng là ông chồng của mình đã bỏ nhà đi theo Việt cộng từ lúc con Én còn nằm trong bụng mẹ . Thử hỏi ba mẹ con bà đang sống an nhàn trong vùng của Quốc gia thì ngu dại gì nói ra cái bí mật nguy hiểm ấy chớ . Trong cái thời loạn lạc , ở một vùng xôi đậu , Việt cộng Quốc gia vàng thau lẫn lộn như thế này thì nói trắng nói đen thế nào mà hổng được . Bởi vì nguyên quán của bà chẳng phải ở đây thì nói cái gì mà người ta lại chẳng tin . Như thế tại sao không than van kể lể cho khổ một chút để một mặt , tránh phiền phức với chánh quyền địa phương và còn được hàng xóm nhũ lòng thương tưởng đến . Và người thương tưởng tới bà nhiều nhất ở đây chính là ông Tư Hàng Xóm , một cái lợi ràng ràng trước mắt là một thẻo đất để cất cái nhà cùng cái quán lá mà bà giao trọn cho con Chim trông chừng bấy lâu nay .

Cũng vì coi ông Tư Hàng xóm như người ơn vĩ đại của mình cho nên hễ ổng nói cái gì thì bà nghe theo răm rắp . Ông ta vốn chẳng ưa thằng Ba Địa nên khi thấy nó la cà ở cái quán si rô của con Chim thì ông ngứa mắt lắm , cứ một hai kêu bà Thìn bằng mọi cách phải cấm ngặt con gái của bà đừng có dây dưa với cái thứ du côn du cạo , chỉ mang hại mà không có lợi . Bà Thìn nghe lời ông Tư nên cứ giữ chằn chằn con Chim như giữ của quí , nhưng hễ bà vừa ra khỏi nhà thì thằng Địa bò tới . Cấm sao nổi mà cấm vì bà còn phải du dương với ông Tư nữa chớ có rãnh rổi ngồi nhà cả ngày để trông chừng chúng nó đâu .

Thường khi thì bà đi tới đỏ đèn mới về nhà nhưng bửa nay có lẽ có công chuyện chi đó cho nên bà thình lình quay trở về nhà lúc trời còn sớm bửng , nên bắt gặp tại trận thằng Ba Địa đang ngồi lù lù trong cái quán của con gái mình . Quay sang thì thấy con Chim cũng đang nhìn nó nói nói cười cười cái gì đó . Bà Thìn giận lắm nên lên giọng tru tréo liền :

- Cái đồ con gái hư thúi ! Mày lo buôn bán hay là dẫn trai vô để tư tình hả Chim ?

Con Chim khi nhìn thấy má nó đột ngột xuất hiện thì cũng giật mình , nó quính quáng chưa biết phải ăn nói làm sao cho phải đành đứng im tròn mắt mà nhìn . Tới khi nghe bà lên tiếng chửi rủa mình thì mới mở miệng chống chế :

- Má nói kỳ thấy mồ , ai dẫn trai , ai tư tình đâu mà má nói như vậy chớ .

Nghe con nhỏ lên tiếng trả lời với mình , bà Thìn nổi dóa . Bà không cần phải giữ phép lịch sự gì ráo , mặc dù bà nhìn thấy bên cạnh Ba Địa lại có cả Bảy Tôn Tẩn . Bà chẳng cần nễ nang , cứ xẳng giọng mắng con Chim :

- Mày có câm cái họng của mày lại được hông ? Vậy cái thằng con oan chết chủ nào đang đứng sớ rớ ở đó chớ hả ?

Vừa chửi bà vừa thẳng tay chỉ về phía Ba Địa mà gào :

- Cái thằng du côn , mày còn chưa chịu biến đi cho mau hay đợi tao lấy chổi chà quét mày hả mậy ?

Máu du côn trong người Ba Địa tự nhiên là đùng đùng nổi dậy , sẳn đang cầm cây búa trong tay nó đưa lên cao mổ mổ về phía bà Thìn :

- Bà nói đứa nào là con oan chết chủ hả ? Có ngon thì nói lại một lần nữa cho tui nghe coi !

Thấy tình hình càng lúc càng trở nên găng dữ nên Bảy Tôn Tẩn đâm lo . Cái thằng , muốn con gái của người ta mà nhịn nhục một chút cũng không được , cứ đứng kênh kiệu giá giá cây búa lại giở giọng thách thức với bà già nữa . Cái cảnh này coi thiệt là chướng mắt quá . Sợ thằng Địa đổ quạu thì xảy ra án mạng cũng không chừng nên Bảy Tôn Tẩn vội vàng lên tiếng xin can :

- Địa , bỏ cây búa xuống mầy ! Nói chuyện với người lớn làm như vậy hổng có nên đa .

Rồi anh day sang bà Thìn :

- Thôi đi chị Năm , cho thằng em này xin can đi . Thằng Địa là do tôi dẫn nó tới đây uống nước chớ hổng phải nó la cà ở đây đâu . Chị nói vậy oan cho nó lắm chị Năm .

Bà Thìn ngó Bảy Tôn Tẩn rồi dường như cơn giận trong bà dịu xuống mấy phần . Bà dịu giọng :

- Thiệt là con với cái . Tui thiệt là hổng có ưa cái thứ dân đâm cha chém chú , cái thứ có người sanh mà hổng có người dạy đó mà sao nó cứ bẹo hình bẹo dạng trước con mắt của tui hoài . Anh Bảy mần ơn dẫn nó đi đâu đi phứt cho tui nhờ . Tui nói thiệt , nó mà còn làng chàng thì tui lấy chổi chà tui quét hết ráo hổng có nễ nang ai nữa đâu nghen .

Bà Thìn tuy dịu giọng nhưng lại nói năng cái kiểu chẳng coi Bảy Tôn Tẩn vào đâu . Bà dám hăm lấy chổi chà quét ráo thì trong đó dĩ nhiên là có cả Bảy Tôn Tẩn . Anh thương binh bất giác cảm thấy nóng mặt nhưng dù sao thì cũng là hàng xóm với nhau , vã lại Năm Thìn là đàn bà nên Bảy Tôn Tẩn nghĩ nên bỏ qua là tốt nhất . Nhưng anh Bảy bỏ qua thì dễ chớ đối với thằng Ba Địa , mấy câu chửi rủa vừa rồi của bà Năm Thìn như lửa cháy đổ thêm dầu làm cho máu nóng của thằng du côn bốc lên phừng phừng , nó chẳng còn biết nễ nang nhịn nhục gì nữa , lại giơ búa lên và xốc tới như muốn chẻ đôi bà mẹ ruột của người mình yêu ra cho hả cơn giận . Anh Bảy nhanh mắt nhìn thấy nên kịp thời ra tay ngăn cản . Thằng Ba Địa nhanh nhưng anh Bảy còn nhanh hơn nó gấp mấy lần , dù tay trái anh đang ẳm bé Linh nhưng tay phải của anh vội vươn ra chụp ngay cánh tay cầm búa của nó đồng thời chân trái anh khẻ ngoéo vào chân sau thằng Địa khiến cho nó mất thăng bằng té nghe cái đụi . Cái búa vuột tay văng ra xa lắc .

Bà Năm Thìn thấy thằng Địa quơ búa xồng xộc xông tới nên hồn vía lên mây mặt mày tái mét , tới chừng thấy nó bị Bảy Tôn Tẩn gạt chân té nhào mới hoàn hồn nhưng vì còn ớn nó nên miệng ngậm câm hết còn chửi rủa .

Anh Bảy trừng mắt nhìn Ba Địa nạt :

- Mày mau mau đứng lên , xin lỗi người ta rồi đi về mau .

Thằng Địa đang lóp ngóp ngồi dậy , nghe anh Bảy nạt làm nó giật mình . Tiếng nạt của anh chẳng khác gì một mệnh lệnh khiến cho thằng Ba Địa không thể không nghe . Nghe anh nhưng nó thấy tức ấm ách trong bụng . Nó quay sang Năm Thìn , nói lời xin lỗi nhưng giọng đầy vẻ bất phục :

- Anh Bảy kêu tui xin lỗi thì tui xin lỗi , nhưng mấy người đừng có thấy vậy rồi được nước làm tới . Nhớ là thằng Địa này không có phục mấy người đâu .

Dù đang sôi gan vì giận con mẹ Năm Thìn nói năng lớn lối nhưng khi nghe thằng Địa nói vậy anh Bảy cũng phải phì cười . Anh gắt nó :

- Tao kêu mày xin lỗi chớ bộ kêu mày hăm he người ta sao hả . Nói ít một chút hổng có chết đâu mày !

Đoạn anh hất hàm về phía cây búa đang nằm dài dưới đất ra lệnh :

- Vác cây búa , đi theo tao về mầy !

Anh bồng con Linh vừa quay lưng thì ông Tư Hàng Xóm nãy giờ đứng im , giờ mới lên tiếng . Ông nói với Bảy Tôn Tẩn :

- Thằng Tư , mầy dẫn cái thằng ôn dịch này đi đâu thì đi nhưng chớ có dẫn nó tới đây lần nữa nghen . Tao cũng hổng hiểu nổi cái thằng hai thứ tóc trên đầu rồi mà còn giao du với cái hạng du côn du cạo dám cần búa hằm hè muốn chém người ta như cái thằng trời đánh này . Thiệt riết rồi tao coi mầy khổng có ra cái thể thống gì ráo .

Tư là thứ của chị Hảo , vì Tư Hàng Xóm vốn là cậu ruột của chị Hảo vợ anh Bảy cho nên ông Tư Hàng Xóm mới gọi anh Bảy là thằng Tư , theo thứ của chị Hảo . Với ông cậu vợ này thì Bảy Tôn Tẩn bất đắc dĩ lắm khi ra đường lỡ đụng đầu gần mẻ trán mới chịu mở miệng chào hỏi nhau . Mọi sự cũng vì những tranh chấp giằng co miếng đất hương hỏa mà gia đình anh đang hưởng huê lợi mà ra cả . Ông cậu vợ Tư Hàng Xóm từ đầu đã có ý muốn chiếm luôn miếng vườn năm công đất khá tốt trồng toàn cam quít này nhưng Tư Hảo là con trong nhà nên được thừa hưởng , ấy là chuyện đương nhiên . Không làm sao để chiếm lại được cho mình cho nên Tư Hàng Xóm từ đó đâm ra ganh tỵ ghét luôn cả gia đình anh chị Bảy Tôn Tẩn . Ghét đến nổi cậu cháu cả năm không thèm gặp mặt cho dù đất của họ giáp liền với nhau chỉ cách có một cái mương thẳng chân là phóng tuốt qua bờ .

Anh Bảy là kẻ phong sương từng trãi biết người biết ta , anh lúc nào cũng giữ phận con cháu , giữa đường gặp mặt thì chào hỏi đàng hoàng . Nhưng ông Tư Hàng Xóm vốn là con người nhỏ nhen ích kỷ , dù gặp anh ở đâu ông cũng hay xách mé này nọ hoặc vài ba câu châm chích mới chịu .

Nghe ông nói như vậy , thay vì nỗi giận , anh Bảy lại cười hả hả rồi day sang Tư Hàng Xóm , lễ phép nói :

- Thưa cậu Tư . Một thứ tóc hoặc hai ba thứ tóc , cái đó có ăn nhằm gì cậu ơi . Có người lớn cái đầu mà còn hổng nên thân nữa kìa huống gì là đứa con nít . Mà thằng Ba Địa cũng là con người chớ nó là cái gì đâu mà sao mấy người lại khinh bỉ đuổi xô nó như đuổi tà vậy chớ . Nếu như mấy người xét thấy mình là hạng đàng hoàng tử tế thì chừng đó mới có đủ tư cách để phán xét hoặc khinh khi kẻ khác .

Nói tới đây thì cặp mắt hổ của anh cựu Thủy quân lục chiến lại long lên , nhìn vào Tư Hàng Xóm như sắp tóe lửa . Anh dõng dạc gằn mạnh từng câu :

- Còn quán nước đá này là nơi để khách đến uống nước , tôi là khách nếu có muốn dẫn ai đến thì đến đi thì đi . Hễ sòng phẳng thì thôi , chẳng ai có quyền cấm cản tôi cả . Mấy người có nghe rõ chưa ? Chẳng ai có quyền cấm tôi cả !

Ba Địa dù trong bụng đang tức anh ách nhưng nghe anh Bảy nói vậy thì nó lại khoái quá cỡ . Câu nói và giọng điệu của anh Bảy nghe sao mà ngon lành quá . Quả thật chớ có dại mà chọc cho lính giận , dù là lính đã giãi ngũ nhưng chọc giận lên là lính phang liền . Anh cựu chiến sĩ Cọp Biển dù trên tay đang bồng con bé Linh nhưng không vì thế mà mất đi vẻ oai phong của một người từng xông pha khói lửa . Ngược lại , ở trong mắt thằng Ba Địa thì hào khí của một người chiến binh coi nhẹ cái chết , lúc nào cũng hiên ngang đứng thẳng trước họng súng quân thù như anh Bảy , càng gần anh chừng nào thì nó càng thấy cảm phục hơn chừng nấy . Bất giác thằng du côn vườn cảm thấy mình tầm thường quá , yếu ớt quá . Tầm thường là sao , hễ giận ai thì nó chỉ dùng vũ lực mà giải quyết chớ chẳng biết dùng miệng lưỡi để trả đủa như anh Bảy đây .

Nó ngước nhìn bà Năm Thìn và ông Tư Hàng Xóm , hai người đang trao đổi với nhau bằng ánh mắt thập thò lấp lén , có lẽ họ đang tự xét thấy lời nói của Bảy Tôn Tẩn quá đúng . Đúng ở chỗ hai người có ra cái thể thống gì đâu mà lên mặt dạy đời Ba Địa và Bảy Tôn Tẩn chớ , cho nên họ nghĩ tốt nhất là nên im lặng , im lặng để lựa lời đối đáp . Ba Địa quay sang con Chim thì cô chủ quán ngồi cúi đầu cú rủ , với cái bàn tay lúc nào cũng dán chặc trên môi . Ôi , lại cái cố tật muôn thuở của nàng , cái dáng điệu quen quen em buồn em cắn móng tay . Cái dáng điệu mà Ba Địa nghĩ rằng nó rất dễ thương . Dễ thương đến nổi cho dù mai này đi tới phương trời nào mình cũng không làm sao mà quên cho được .

Thấy thằng Ba Địa đã lượm cây búa lên nhưng vẫn còn đứng trân người hết nhìn Chim rồi nhìn bà Năm Thìn , sợ ở lại dây dưa sanh thêm rắc rối nên Bảy Tôn Tẩn lên tiếng gọi nó :

- Địa , mình đi về !

Ba Địa nghe lời anh Bảy , nó vác cây búa lên vai , quay sang nhìn con Chim một lần nữa rồi mới lủi thủi theo sau anh Bảy . Khi nó vừa mới quay lưng bước chừng hai ba bước thì bên tai nghe văng văng tiếng của lão Tư Hàng Xóm . Giọng của ông dù hạ rất nhỏ nhưng Ba Địa nghe khá rõ vì hình như ông đang trút hết tức khí trong bụng của mình :

- Hừm , mày giỏi lắm . Để tao chống con mắt lên coi mày còn giỏi thêm được mấy ngày nữa !

Câu nói đầy vẻ hăm he nhưng chắc không dám cho Bảy Tôn Tẩn nghe vì vậy ông nói mà như thể nói với chính mình . Ba Địa tức thời quay phắt lại nhìn Tư Hàng Xóm , nó thấy bà Năm Thìn trừng mắt với ông một cái , cái trừng mắt ấy khiến cho Ba Địa phải suy nghĩ . Phải , đúng là hai người này đã có âm mưu tính toán gì đây chớ chẳng không . Nếu như là một lời hăm he bình thường của một kẻ đang lên cơn nóng giận thì khác , lời hăm he ấy chẳng khác nào nước đổ lá môn , nghe qua rồi bỏ . Còn câu nói đầy ẩn ý của Tư Hàng Xóm lại thêm cái liếc mắt như nhắc chừng của con mẹ Năm Thìn , hai sự việc đánh động óc tò mò của Ba Địa khiến cho nó phải suy nghĩ . Đúng rồi , chắc mẽm là hai người này đang toan tính một chuyện gì đó . Một chuyện gì đó mà tạm thời nó nghĩ chẳng ra .

* *

*

Chiều hôm ấy chị Bảy kho nồi mắm kho ngon quá cỡ . Mới bước vô nhà , dòm lên bàn ăn nhìn thấy chị Bảy bày sẳn nào mắm nào rau đầy cả bàn , lại thêm cơm gạo mới mùi bay nức mũi khiến cho thằng Địa dù nảy giờ ngại bụng nói là ăn bánh lá dừa ở quán con Chim còn no lắm nhưng cũng hít hà khen thơm rối rít . Đến chừng anh chị Bảy kêu ngồi vào bàn nó mới lên tiếng , cười cười mại hơi :

- Thấy có ớt , thôi để tui làm bậy ba hột !

Mắm kho ăn với rau sống khiến cho nó ăn một bửa no cành . Ăn xong , Địa và anh Bảy ra ngồi uống nước ở cái bàn kê phía sau nhà . Hai người , một trẻ một sồn sồn vừa ngồi hóng gió chiều lao xao vừa râm rang chuyện vản .

Khi chưa biết Ba Địa , chỉ nghe nó là một thằng du côn trật búa thì anh Bảy cũng chẳng để ý tới làm gì . Con trai mới lớn , đứa nào cũng máu nóng đầy người nhưng hễ thằng nào trời sanh có cái tánh khí dữ dằn mà không được dạy bảo thì rất dễ trở nên những tay ngông cuồng bất trị . Chính anh hồi nhỏ cũng đâu có hiền lành gì cho nên anh biết . Nhìn vào hoàn cảnh của Ba Địa rồi nghe nó kể lể tâm tình thì mới hiểu rõ về nó hơn . Bởi sinh ra trong một gia đình quá nghèo , mẹ thì mất sớm trong khi người cha thì suốt ngày lo đi làm mướn nhưng lại thiếu trước hụt sau cho nên nó phải ra thân chăn trâu hầu kiếm ngày hai bửa . Mà chăn trâu thì ngày tối ngoài đồng , sinh hoạt chung với cả đám con nít nghịt ngợm , với bản tánh hung hăng của nó cộng thêm ba miếng nghề võ học được của thầy Tư Sáng , nếu thằng Ba Địa không trở thành trùm du côn thì mới là chuyện lạ . Anh Bảy cũng biết cái câu Nhân chi sơ tánh bỗn thiện . Con người ta khi sinh ra thì ai cũng như ai , cũng như tờ giấy trắng chưa bị màu mực làm hoen ố đi . Khi lớn lên , môi trường xung quanh là thứ ảnh hưởng lớn nhất đối với lũ trẻ . Con người ta hư hoặc nên một phần lớn cũng vì bị ảnh hưởng ở giai đoạn phát triển thành niên này . Nó cũng giống như cái cây mới mọc , thân mềm lá non , nếu không uốn nắn cho ngay cho thẳng thì tất nhiên cây sẽ bị gió mưa đưa đẩy uốn ngã cong queo , thằng Ba Địa sở dĩ nó trở thành một thằng du côn cả làng điều ghét một phần lớn cũng vì hoàn cảnh xuất thân bần cùng đáng tội nghiệp của nó . Xét ra thì nó chỉ vì cái bản tánh hung dữ thích đánh đấm thôi chớ nó không phải là một đứa xấu xa như mọi người điều nghĩ . Bằng chứng là nhà dù nghèo sát ván mà nó có bao giờ trộm cắp của ai cái gì đâu .

Nói chuyện một hồi anh Bảy chợt nhớ lại câu hỏi mình hỏi hồi chiều mà Ba Địa chưa trả lời cho nên anh mới hỏi nó :

- Ủa , dạo này thằng em mầy hổng còn làm cho ông Bộ nữa hay sao mà tao thấy mầy cà nhỏng tối ngày vậy ta ?

Ba Địa lắc đầu kể lại chuyện nhà cửa của ông Bộ sắp dọn , nó sắp bị thất nghiệp tới nơi . Anh Bảy hiểu ra mới lắc đầu hỏi Địa :

- Rồi thằng em mầy có tính cái gì hông ? Cà nhỏng cái kiểu này tao thấy hổng có khá đâu mầy .

Tưởng Ba Địa cũng đâm ra lo lắng như mình , ai dè nó lại trả lời tỉnh bơ :

- Trời sanh voi sanh cỏ mà anh Bảy . Hổng cà nhỏng thì biết làm cái gì hả anh ?

Bảy cười :

- Cái thằng thiệt tình ! Ừ mầy cứ lang thang như vầy hoài rồi coi ai chết đói thì biết . Thanh niên con trai gì mà hổng biết tự lo cho mình cái gì hết ráo . Vậy mà con Chim nó lại chịu mầy , tao cũng hết ý kiến luôn .

Ba Địa cười trừ :

- Chớ anh coi đó , ai ai ở đây cũng điều giống y chang như bà chằn Năm Thìn với ông Tư Hàng Xóm , họ thấy tui ở đâu là chửi tui là đồ du côn này du côn nọ thì có ai mà chịu mướn tui làm cái gì cho họ chớ . Mà nói thiệt , thà thằng Ba Địa này chịu chết đói còn sướng hơn đi làm mướn cho mấy loại người như họ .

Bảy Tôn Tẩn gắt nhẹ Ba Địa :

- Mầy đúng thiệt là cái thằng liều mạng quá mầy ơi .

Trách hắn nhưng rồi anh Bảy lại nghĩ , chi e khi túng cùng quá thì nó sẽ làm càng .Thằng Địa nói cho ngay nó không phải là một thằng tay chân nhám nhúa thấy hở là rinh . Nhưng có ai dám chắc khi nó bị đói quá rồi không sanh chứng bất tử . Bần cùng sanh đạo tặc , hổng ăn cắp vặt thì lấy gì mà sống .

Người anh hùng Cọp biển Trung sĩ Võ Văn Bảy đã từng lê gót giầy đinh trên khắp bốn vùng chiến thuật , anh đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu thảm cảnh đau lòng của đồng bào anh phải gánh chịu trong một cuộc chiến tương tàn trên quê hương . Những thảm cảnh khiến cho trái tim chai đá của người lính trận phải chùn lại , để rồi đã một lần đứng bên giòng Bến Hải , nơi tuyến đầu tổ quốc mà trân trọng một lời thề với chính mình là quyết vì sự an vui của đồng bào ở hậu phương mà vững mãi tay súng chiến đấu đến cùng . Bây giờ dù định mệnh nghiệt ngã đã khiến cho anh không còn giữ được lời thề hôm nào , anh chiến sĩ Cọp biển đã giã từ đơn vị trở về với cái chân tật nguyền nhưng hào khí của người lính Việt Nam Cộng Hòa vẫn mãi mãi bất tử trong anh . Nhìn viễn ảnh tối đen của thằng em tuy mới quen có nửa buổi nhưng trong lòng anh cựu quân nhân lại nhói lên một nỗi bùi ngùi thương cảm . Anh tự nhủ , mình dù nghèo nhưng cũng không đến nổi đói , vậy thì tại sao không nghĩ cách để giúp đỡ thằng em này cho nó khỏi bị rơi vào cái cảnh lông bông đói rách . Giúp cho nó biết mần ăn đàng hoàng dù không làm giàu làm có gì nhưng cũng đủ tự nuôi thân , khỏi phải bị người đời khinh khi xa lánh . Một thằng du côn mà cứ để cho nó đói rách lang thang mãi thì càng nguy hiểm cho xóm làng hàng xóm , nếu như nó chịu nghe lời mình lo chí thú làm ăn thì mai mốt biết đâu được , dù không trở nên người hữu dụng cho xã hội nhưng chắc chắn xóm làng chung quanh đây sẽ bớt đi một phần tử xấu . Nhìn nó một hồi anh Bảy chợt nãy ra một ý kiến nên quay sang hỏi Địa :

- Sao thằng em mầy hổng nghĩ coi mình có thể làm cái gì đó để sinh lợi còn hơn là ở không cà nhỏng tối ngày . Thiếu gì cách để làm ăn với người ta như chăn nuôi nè , buôn bán nè . Làm cái gì cũng được miễn hổng có đụng chạm tới ai thì thôi .

Thằng Địa chẳng hiểu , nghe nói tới buôn bán nó vọt miệng hỏi liền :

- Bộ anh Bảy muốn thằng em này mở quán bán đá bào si rô hả ?

Bảy Tôn Tẩn vừa rít một hơi thuốc dài , nghe nó hỏi anh cười sặt sụa , phun khói thuốc ào ào như cái ống khói xe lửa :

- Ai kêu thằng em mầy bán đá bào si rô hồi nào chớ ! Mầy mà mở quán một là con Chim cho mầy de gấp , hai là phải dẹp tiệp sớm .

Ba Địa ngạc nhiên nên hỏi lại :

- Ủa , sao anh nói là phải dẹp tiệm chớ ?

Bảy lắc đầu :

- Chớ cái bản mặt cô hồn của mầy mà đứng bào nước đá bán thì chắc gì có ma nó dám mua . Con nít dòm thấy mầy là tụi nó chạy tét hết thì hỏi có đứa nào mua nước đá bào của cái quán Ba Địa nữa chớ .

Ba Địa còn đang ngơ ngẫn thì Bảy Tôn Tẩn lại nói luôn cái ý nghĩ của mình cho nó nghe :

- Theo tao thì thằng em mầy nên tìm một cái gì thích hợp với khả năng của mình . Mầy thì tối ngày sống ở ngoài đồng , nắng mưa quen rồi thì ra ngoài đồng sống coi bộ thích hợp với mầy hơn đó Địa .

Địa mới hỏi :

- Vậy anh coi thằng em này làm được cái gì ở ngoài đồng ngoài cái nghề chăn trâu . Bộ anh muốn rũ tui đi chăn trâu cho ai đó nữa hả ?

Bảy lắc đầu đáp :

- Không ! Trâu của ai mà chăn hả mậy ?

Rồi anh lại xuống giọng :

- Đi chăn vịt !

Ba Địa lập lại câu nói của anh Bảy như để hỏi cho chắc :

- Đi chăn vịt ? Vịt ở đâu mà chăn hả anh Bảy ?

Anh Bảy cắt nghĩa :

- Ở cái xứ này tao đã để ý , thấy chỉ có cái nghề này mới là khỏe nhất đó mầy . Anh chị nói cho ngay cũng hổng có dư dã gì mấy nhưng bỏ ra chút vốn cho thằng em mầy mượn , sau mùa thì trả lại . Sanh lợi lắm nghen em trai . Tao tính như vầy nè , mình đừng có nuôi vịt thịt , giá bán tuy cao thật nhưng lời không bằng nuôi vịt lấy trứng . Vốn một lời mười đó nghen .

Đây là lần đầu tiên trong đời có người mở miệng ngõ lời giúp đỡ cho mình mần ăn , thằng Ba Địa cảm động lắm . Cảm động nhưng nó vẫn còn thắc mắc :

- Mà vốn liếng có nhiều hông anh Bảy , lỡ có bề gì thì làm sao tui đền lại được cho anh đây . Tới lúc đó hổng lẽ tui ở đợ luôn cho anh để trừ nợ sao ?

Bảy cười ngất :

- Tao hổng có cơm để nuôi một thằng ở đợ như mầy đâu . Chuyện này thì khỏi cần lo . Vốn bỏ ra mua chừng bốn năm trăm con vịt con thôi . Cá tép thì đầy đồng mình chỉ lùa cho chúng đi ăn thôi chớ có tốn tiền mua đâu mà mầy sợ . Chỉ mất cái công tìm miếng đất hoang của ai đó cất cái chuồng để nhốt qua đêm thôi .

Nói tới đây anh Bảy chợt nhớ cái chòi vịt của Hai Tiến nên mới hỏi Địa :

- Chắc thằng Địa mầy cũng biết , nó giống như cái chuồng vịt của thằng Hai Tiến giữ cho ông già Tám Còn chớ ?

Ba Địa nghe nhắc tới Hai Tiến , nó sáng mắt lên hỏi liền :

- Anh Bảy cũng biết già Hai Tiến nữa hả ? Ừ mà phải rồi . Cái bửa tui thụi nó một đấm cũng có mặt anh Bảy với ông Ba Bụng ở đó nữa mà . Í dà , vậy mà tui quên mất tiêu đi . Hổng biết giả lúc này ra mần sao rồi ta .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro