Chương 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 2

Từ ngày dọn ra đồng sống trơ trọi giữa cánh đồng hoang vắng với bầy vịt mấy trăm con , Tiến cô độc sống lạc lõng giữa bầu không gian trống lặng . Thiếu đi tiếng nói tiếng cười của cô bạn nhỏ một thời quấn quít quả thật như đã mất hẳn sinh khí của tuổi trẻ . Anh suốt ngày cứ như một ông cụ non , trầm tư mặc tưởng , sống an nhiên theo sinh hoạt thường nhật : sáng dậy sớm lùa vịt ra đồng , chiều lùa về chuồng rồi cơm nước đạm bạc cho qua bửa .

Cuộc sống thầm lặng cứ như vậy mà trôi nhanh , nếu không có những đồng cảnh tương lân chắc Tiến sẽ buồn đến không chịu được . Ngoài những thằng bạn chăn trâu chăn vịt đồng trạng ở chung quanh ra , hai người bạn mà Tiến mới quen chính là hai người đã mang đến cho anh những hiểu biết , những kiến thức ở đời , điều mà anh rất muốn tìm hiểu ở lứa tuổi trưởng thành của đa số thanh thiếu niên mới chập chững bước vào đời .

Bảy Tôn Tẩn , anh chàng trung niên này tên thật là gì thì chẳng nghe anh ta giới thiệu , chỉ nghe người ta cứ gọi anh là Bảy Tôn Tẩn vì cái chân tật nguyền cà nhắc của anh . Bảy là một thương binh loại miễn dịch vĩnh viễn , anh kể lại với ánh mắt trầm tư và giọng buồn buồn như luyến tiếc lại một thời ngang dọc của mình :

- Thằng em mày thấy đó , cả đời tao chỉ biết cầm súng bóp cò chớ có biết nghề ngỗng gì đâu mà mần ăn với người ta . Cũng may là chị Bảy mày còn có chút đỉnh đất hương hỏa của ông già để lại , bằng không thì thằng anh của mày với cái chân cà khịa như vầy thiệt hổng biết sống ra làm sao đây .

  Xuất thân từ binh chũng kiêu hùng của quân đội quốc gia , anh Trung sĩ nhất Thủy quân lục chiến đã vĩnh viễn giải ngũ sau một trận giao tranh ác liệt tái chiếm cổ thành Quãng Trị hồi mùa hè đỏ lửa năm 72 . Từ đó anh về lại quê vợ ở Cái trăm cày ruộng , cắm câu sống qua ngày với bầy con ba đứa và cô vợ xinh xinh . Anh thường đi cắm câu ngang chòi vịt của Tiến nên cả hai gặp gỡ nhau hoài , ban đầu thì hỏi thăm qua loa sau dần rồi trở nên quen thân , một trẻ một sồn sồn tâm đầu ý hiệp . Cùng nhóm câu đêm với Bảy Tôn Tẩn còn có một vị lão niên , ông Ba Bụng . Cái tên vui tai khiến cho người ta phải phì cười vì ý nghĩ ngộ nghĩnh là người mà có ai mang tới ba cái bụng . Chỉ một bụng thôi còn lo chạy gạo long cả đầu gối rồi huống hồ tới ba cái bụng !

Bác Ba Bụng cũng là người tha phương đồng cảnh ngộ với Tiến , có điều ông cắm sào ở xứ này đã lâu nên đâm ra gốc rể và coi đây là quê hương của mình . Nhà tuy nghèo nhưng chỉ có hai vợ chồng già hủ hỉ nên cũng sống tạm đủ ăn trong một căn nhà lá nho nhỏ bên cạnh một khu vườn cây ăn trái xum xuê nằm sâu trong mé vườn . Đứa con trai duy nhất của ông tuy ông không bao giờ đề cập tới nhưng nghe phong phanh hình như hắn đã bỏ nhà đi tập kết ra Bắc từ lâu nên coi như hai ông bà cô đơn vô tôn vô tử .

Hình ảnh một nông dân bình dị miền sông nước với nụ cười đôn hậu , chiếc khăn quấn ngang đầu và điếu thuốc rê to đùng lúc nào cũng nghi ngút khói trên môi đã cho biết Bác Ba Bụng là một nông dân chính gốc , nhưng khi được tiếp chuyện với ông mới nhận thấy ông tuy là một nông dân chơn chất mộc mạc suốt đời với cây cày cái cuốc nhưng lại là người kiến đa thức quãng

Biết thằng Tiến cũng là một thanh niên có chút chữ nghĩa vì thời cuộc đẩy đưa khiến tan nhà nát cửa , mang thân đi ở đợ không công thì cảm thông cho hoàn cảnh nên Ba Bụng và Bảy Tôn Tẩn càng thấy thương nó hơn . Nhất là Ba Bụng , vì vợ chồng già hiếm muộn không có con nên có mòi mến Tiến lắm . Ông tuyên bố :

- Phải chi tao có con gái thì sẽ gã ngay cho mầy đó Tiến !

Nghe vậy Bảy Tôn Tẩn cũng cười hề hề góp tiếng cho vui :

- Còn tao , tao có tới ba đứa con gái lận . Thằng Tiến mầy coi chịu đứa nào tao gã cho đứa ấy ngay !

Tiến mắc cở đỏ mặt ậm ừ không biết nói gì thì Ba Bụng cười ngất nói :

- Mèn đét ơi , con gái của thằng Bảy mầy mới dứt sữa hồi năm ngoái mà gã cái giống gì mậy ?

  Từ đó hai người cứ một thằng rễ của tui hai cũng thằng rễ của tui khiến Tiến đau khổ hết sức nhưng riết rồi cũng quen tai  không còn thấy mắc cở gì hết . Những đêm trăng sáng hai người thường lội ra đồng cấm câu , thỉnh thoảng có ghé ngang chòi của Tiến tán hưu tán vượn có khi gần tới nửa đêm mới chịu đi . Cũng nhờ vậy mà Tiến bớt thấy cô đơn khi phải sống hẩm hiu trong căn chòi giữa cánh đồng hoang vu vắng lặng và hơn nữa , cái thế giới mênh mông bên ngoài mà hắn chưa một lần biết đến , qua những câu chuyện của hai người kể khiến cho đầu óc non nớt của thằng bé như càng ngày càng mở mang ra thêm . Với Ba Bụng , những điển tích xa xưa , những gương anh hùng liệt nữ , truyện xa xôi bên Tây bên Tàu có nhằng có nhợ ông kể say sưa như chính mình tận mắt chứng kiến , khiến cho Tiến càng mê mẩn lắng nghe . Với Bảy Tôn Tẩn thì thuộc lớp đàn anh phong sương nên những câu chuyện đơn thuần về chinh chiến , những trận đánh dằng dai trên những địa danh lạ quắc , qua lời kể của Bảy thật sống động và hào hùng khiến cho Tiến , chí nam nhi dường như càng lúc càng sôi nổi trong lòng . Anh nhủ thầm mai kia đến tuổi thi hành quân dịch mình cũng nên chọn một binh chũng hào hùng nào đó để góp chút tài hèn cho nước non , dân tộc .

Bửa nay cũng như mọi lần ghé chơi , Ba Bụng và Bảy Tôn Tẩn chưa tới cửa chòi đã réo Tiến vang rân . Tiến vừa chạy ra thì Ba Bụng đã chìa gói giấy dầu nhỏ xíu ra và bảo :

- Đây là trà thơm hảo hạng của người quen mua trên Cần Thơ mới cho tao nè . Đâu thằng rễ mày chạy đi nấu ấm nước , pha bậy nó một hai nồi uống dằn bụng coi mậy !

Trà thơm cấp kỳ bày ra trên thảm cỏ bên ngoài căn chòi . Nhìn cái ly trà dã chiến bằng cái chén ăn cơm , Ba Bụng cười hề hề :

- Dòm cái chén trà của tụi mình tao chợt nhớ tới ông già của tao hồi đó . Ổng khó giàn trời đến nổi ngay cả việc uống trà ổng cũng áp dụng đúng theo sách vở của “đạo trà” mới chịu .

Tiến thắc mắc hỏi ngay :

- Ủa , uống trà mà cũng có đạo nữa hả bác ?

Ba Bụng nâng chén trà lên thổi phì phì rồi nhấp một ngụm . Xong ông khè một tiếng như rắn hổ đoạn ung dung moi bịch thuốc rê ra , vừa xé giấy quấn thuốc vừa kể :

- Hai tiếng “trà đạo” này nó vốn xuất xứ từ Nhật bổn , xứ của cháu con Thái dương Thần nữ . Nó được biết đến như một loại nghệ thuật thưởng thức . Nghe đâu hai tiếng này được ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 12 lận . Nhưng mà chuyện này nó dài dòng lắm , muốn kể hết cũng mất cả buổi đó.

Ba Bụng nhấp thêm một ngụm trà nữa rồi mới bật quẹt đốt thuốc . Ông rít một hơi dài , ung dung nhả ra từng đợt khói um tùm . Hai làn khói trắng thoát ra từ hai lổ mũi thoáng trông như hai chiếc ngà voi cong cong dài ngoằn . Ông ho khan một tiếng rồi khề khà kể tiếp :

- Tóm lại là có một ông cao tăng người Nhật tên là I-Sai gì gì đó , có một lần sang bên Trung Hoa để học đạo . Lúc về nước ổng mới mang theo một số hạt trà về trồng ở trong sân chùa . Về sau cũng chính ông viết ra cuốn Khiết trà dưỡng sinh ký , nội dung bao hàm những thú uống trà . Sau đó người Nhật họ cảm thấy hương vị của trà đã thu hút rất nhiều người nên đã kết hợp thú uống trà với tinh thần Thiền của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức . Bởi vậy cái nghệ thuật này cứ ngày một phát triễn nên nó vô tình đã trở thành cái gọi là Trà đạo , một sản phẩm đặc sắc cho dân tộc Phù Tang .

Bảy Tôn Tẩn gật gù :

- Nhưng theo như lời ông già kể thì trà ngày hôm nay mình uống chính là thứ trà có xuất xứ từ bên Tàu ?

Chuyện đến lúc hấp dẫn rồi đây .Tiến bị chuyện đạo trà của Ba Bụng lôi cuốn khiến hắn cũng nóng lòng muốn nghe thêm . Ba Bụng cười hề hề :

- Ối , mấy ông nội Ba Tàu hễ cái gì ngon tốt đều cho là của mình cả . Mà nói về trà thì chắc là thiệt là như vậy , nó có thể xuất xứ từ bên xứ của mấy ông Trời con này . Sẳn bửa nay đợi trăng lên , hơi rảnh rang một chút để tao kể hết ra cho hai đứa nghe luôn cũng hổng sao . Có nhiều truyền thuyết nói về xuất xứ của trà Tàu . Đâu , để tao nhớ lại cái coi ….

Ngừng một chút cho đúng thủ tục , Ba Bụng chậm rãi kể :

- Theo truyền thuyết thứ nhất , trong một lần tuần thú phương Nam , vua Thần Nông vô tình uống một nồi nước nấu có lá cây trà do gió thổi rớt vô .

Nói tới đây ông bật cười khoái chí :

- Hổng biết Vua chúa hồi xưa ăn uống ra làm sao mà nồi nước sôi lại mang ra giữa rừng để nấu , lại hổng có nấp đậy gì ráo báo hại gió thổi rung cây , lá trà bay rớt vô nồi nước vậy hổng biết . Cái này thiệt là hổng có vệ sinh chút nào hết . Nhưng cũng nhờ hông có vệ sinh nên mấy ông Ba Tàu mới phát giác ra loại trà hoang dã này đó . Sau khi vua uống thử nồi nước có lá trà bay vô liền khen ngon đáo để , ông phán loại nước thảo dược này có công dụng làm cho phấn chấn tinh thần , thoải mái và sáng suốt đầu óc con người ta . Liền sau đó sai quân đem giống về trồng rồi theo thời gian , trước vua chúa thưởng thức sau đó mới đến bàng dân thiên hạ .

Bảy Tôn Tẩn cười hắc hắc phụ họa :

- Cũng tại mấy ông trù sư của vua Thần Nông nấu nướng mất vệ sinh nên bây giờ chúng ta mới có cái thú ngồi uống trà tán dóc như thế này đó chớ . Sẳn bửa nay còn sớm chưa đi đâu vội , đâu ông già còn tích xưa truyện cũ trà xanh trà tàu gì gì đó kể ra cho tui với thằng Tiến nghe chơi coi ông già .

Tiến cũng nóng lòng muốn nghe nên đưa mắt nhìn Ba Bụng như chờ đợi . Ba Bụng vỗ phành phạch vào cái bụng xẹp lép , cười hề hề :

- Cũng nhờ mấy câu chuyện tầm phào này mà thiên hạ đặt cho tui cái tên Ba Bụng , cái Bụng chứa toàn chuyện tào lao nói hoài hông có hết . Ừ , mà tui kể tới đâu rồi hén . À , nhớ rồi . Còn cái thuyết thứ hai , thuyết này kể rằng ông Đạt Ma tổ sư trong một buổi tọa thiền vì ngủ quên nên khi thức dậy ông bực quá , cắt quách cái mí mắt của mình quăng bỏ . Không ngờ cái mí mắt đó lại đâm chồi nẩy lộc mọc lên một loại cây xanh tươi tốt . Thấy cành lá lạ quá ông hái thử nấu với nước , nghe mùi thơm bốc lên ngào ngạt bèn uống một ngụm thấy ngon ngon . Ông biết đây là một loại lá cây hoang dại đặc biệt , sau vài lần uống thử thì thấy công dụng của nó giúp mình tỉnh táo khi tỉnh tọa tu tập . Vì thế trà được trở nên thông dụng , ban đầu thì ở những chùa chiền sau mới đến vua chúa rồi truyền dần ra đến dân gian đó .

  Tiếng mấy con dơi quạ tranh nhau giành mấy trái mù u cắn xé chí chóe , có vài trái rơi xuống mái chòi lá nghe lộp độp . Ba người ngồi ngoài chòi uống trà đốt thuốc nói chuyện say xưa quên trời quên đất . Lúc này ánh trăng trung tuần cũng mới vừa ló dạng , ẩn hiện sau hàng cây trâm bầu phía xa xa nơi con kênh thẳng tấp , những đợt sóng vàng nhạt rơi rớt giữa chốn đồng hoang dệt thành một màu thê lương u tịch pha lẫn nét ma quái rờn rợn .

Ba Bụng ngửa cổ tu cạn chén trà , miệng nhai nhai mấy lá xác trà còn xót lại trong chén vừa nhìn cảnh trăng lên vừa nói :

- Mùng Tám nám đống trấu , mùng Chín nín một canh . Còn hơi sớm nên cũng chưa đi đâu mà vội mà vàng . Sẳn đang nói chuyện về trà , mà hễ nhắc tới thì làm cho mình nhớ ra thêm nhiều chuyện nữa . Để tao kể luôn thêm vài truyền thuyết về Trà của mấy ông Ba Tàu với Nhựt Bổn cho mấy đứa nghe chơi .

Dĩ nhiên là cả Bảy Tôn Tẩn và thằng Tiến đều chịu quá . Bảy Tôn Tẩn cười cười nói :

- Nhớ lại cái hồi tiểu đoàn tụi tôi nằm trấn thủ lưu đồn ở ngoài vùng một . Đêm nào cũng thức trắng , cứ Ruby quân tiếp vụ và cà phê đen nốc vào mà buồn ngủ cứ vẫn buồn ngủ . Phải chi có ông già ở đó đêm đêm kể chuyện Tây chuyện Tàu nghe thì mấy thằng lính lưu đày này đâu có biết buồn nhớ nhà nhớ vợ là gì .

Ông Ba Bụng lòn tay vô áo gải bụng sồn sột rồi cười hềnh hệch :

- Cái thằng mơ ước mần chi ba cái chuyện bất nhơn . Tao già vác ba cái bụng này thêm cái ba lô nữa lội theo tụi đây đã hết hơi , còn sức đâu nữa mà nói dóc cho tụi bây nghe nữa hả ?

Nghe Ba Bụng giở giọng khôi hài cả hai người điều cười ngất . Ông trở lại với câu chuyện trà :

- Người Nhật thì lại kể là : hồi xưa , vào thời Chiến Quốc , có một danh y tinh thông tới 84 ngàn cây thuốc . Ông già rồi nên bắt đầu muốn truyền nghề cho con nhưng ráng lắm chỉ dạy tới 62 ngàn cây thì lăn ra chết . Còn lại 22 ngàn cây kia sẽ không còn tìm đâu ra . Nào ngờ khi chôn ông ta không lâu , trên mộ lại mọc lên một cái cây lạ chứa đũ tinh hoa của 22 ngàn cây thuốc còn lại . Đó là cây trà ngày hôm nay mình uống đó .

Ông dừng kể , đưa tay nâng chén trà mà Tiến vừa mới rót đầy , hớp một ngụm lớn rồi gật gù phân tích :

- Nói tóm lại , hễ có cái gì đó không rõ nguyên do hoặc xuất xứ thì người ta thường bịa ra một dật sự từ thời cổ sử để gán cho nó như bên Tàu thì hay lấy nguồn gốc xuất xứ đâu từ thời Chiến quốc hay Thần Nông Tam Hoàng Ngũ Đế gì gì đó , còn bên mình thì cũng cái câu “Ngày xưa , vào đời Vua Hùng Vương thứ …” để kể câu chuyện cho có phần cổ tích , ly kỳ lại có chứng cớ có chỗ dựa vậy mà .

  Nhìn cái vẻ bề ngoài hề hà của một nông dân chất phát cục mịch nhưng trong đầu của Ba Bụng quả thật chứa đựng một bộ óc thông thái , ông đặc biệt nhớ rất tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ xíu của những câu chuyện ông hay kể . Người ta cũng không rõ ấy là những chi tiết chính xác có trong sách vở hay do đầu óc phong phú của ông thiêu dệt thêm cho có dây có nhợ để câu chuyện kể được phần sinh động hấp dẫn người nghe .

Theo lời ông vừa kể với Tiến và Bảy Tôn Tẩn thì nguồn gốc của trà thật sự chỉ mới được đề cập đến từ thời Tam quốc . Đến tận đời Đường thì người Tàu vẫn chỉ dùng các loại trà mọc hoang chớ chưa trồng và chính thức chế biến , hơn nữa chúng chỉ lưu hành trong giới thượng lưu vùng nam Trung Hoa . Lúc này dân dã cũng chưa biết dùng trà đối ẩm như một cái thú tao nhã thanh cao . Sau loạn nhà Tùy , nước Tàu mới thống nhất thì sinh hoạt trong nước mới lan truyền nhanh chóng . Vùng mạn bắc thì người ta hái trà hoang về pha với sữa , vì sữa vốn là thức uống chính của người Hồ , tức một dân tộc mà người ta biết đến như những người du mục , còn gọi là Tây vực . Và hơn nữa họ vẫn còn coi trà như một vị thuốc chớ chẳng phải thức uống thông dụng như ngày nay . Khi Lục Vũ đời Đường viết ra cuốn Trà Kinh thì trà mới được nhiều giới khác biết đến . Rồi sau đời Đường đến Tống , Nguyên , Minh thì trà đã quá phổ biến , trở thành một phong trào . Sản xuất trà được coi như một lãnh vực kinh tế qui mô mang lại cho triều đình một ngân khoản lớn . Cuốn Trà Kinh của Lục Vũ thật mà nói là một đóng góp lớn cho Trung quốc , vì sau khi cuốn Trà Kinh ra đời việc uống trà được coi như nâng lên hàng nghệ thuật , cầu kỳ về cả trà cụ lẫn trà thức . Ông viết nhiều nhưng hầu hết bao gồm có 6 mục là : khí , thủy , hỏa , nhân và sự . Dụng cụ uống trà là ấm chén tức là khí , nước pha trà là thủy , lửa đun nước là hỏa , người khề khà chén trà là nhân , thời điểm uống trà là sự .

Kể xong ông Ba Bụng đưa đôi mắt ra xa xăm như nhớ về thuở thiếu thời thở dài nói :

- Ông già của tao hồi đó cũng là một ông già ghiền trà rất nặng . Nội cái thủ tục nấu nước pha trà của ổng cũng lỉnh khỉnh có dây có nhợ khiến cho người ta nhức đầu rồi chớ đâu phải như tụi mình bây giờ , cứ pha với nước sôi rồi tu ừng ực như rồng rút nước .

Bảy Tôn Tẩn gật đầu đồng ý :

- Mấy ông già xưa thì cái gì cũng vậy , cứ y theo sách vỡ chớ đâu có chịu thay đổi cho giản tiện . Mà cái thú uống trà của ông cụ ngày xưa ra làm sao vậy chú Ba ?

Đốt thêm một điếu thuốc nữa rồi Ba Bụng mới kể :

- Nói nào ngay nhờ trong nhà có của ăn của để cho nên ông cụ mới tỏ ra rườm rà để cái thú phong nhã của mình thêm phần rắc rối . Ông đâu có chịu dùng nước lóng phèn nấu trà đâu . Nước nấu trà phải là nước mưa giữa mùa , hứng từ mái lá chớ chẳng phải mái tôn . Cái này thì tao không hiểu nổi vì trà cụ thứ nào ổng cũng dùng bằng đất như ấm đất , chén đất v.v không có một thứ nào làm bằng kim loại cả . Nước mưa hứng đâu từ thời tạo thiên lập địa ổng chứa cả mấy cái mái đầm to tổ chảng trong nhà . Rồi khi pha trà cho vào ấm đất mà nấu , lại chọn thứ củi gì đó do ổng tự kiếm về . Ổng theo đúng sách vỡ , thủy hỏa rõ ràng . Khi pha trà , nước đầu tiên ông gọi là rửa trà phải đổ bỏ chớ chẳng uống . Khi thưởng thức trà cũng vậy , đố ai dám ngồi uống với ổng nổi vì khi đưa chén trà nóng lên môi , ổng cấm không cho được thổi . Mèn ơi , hồi đó tao bị ổng hoài cũng vì ba cái vụ thổi cho nguội trước khi uống . Ổng cắt nghĩa là thổi thì trà bốc hơi thơm hết rồi , uống vào mất đi mùi vị . Ứ hự , cái này thì tao thua .

Nói xong thì ông cười xòa . Tiến và Bảy Tôn Tẩn cũng không nhịn được cười , cùng cười ồ lên . Cả hai cùng nghĩ không ngờ uống trà , cái thú nhàn nhả này cũng rắc rối quá xá .

Bảy Tôn Tẩn vừa quơ tay đập muỗi đôm đốp vừa gãi sồn sột , miệng cười cười tiếp tục câu chuyện tưởng chừng vừa chấm dứt :

- Tui còn nghe mấy ông vua bên Tàu hồi xưa uống toàn là những loại danh trà đặc biệt như Trãm mã trà , Trinh nữ trà gì gì đó nữa . Đâu sẳn đây chú Ba kể ra luôn cho tụi tui nghe chơi .

Ba Bụng lắc đầu ra vẻ chịu thua , miệng nói :

- Mấy ông Vua bà Vua bên Tàu ngày xưa thì hết nói nổi , nội ba cái thứ ăn uống của mấy ổng bả kể hoài không hết . Nói riêng về trà , đặc biệt các loại danh trà thì cũng hổng biết bao nhiêu loại chớ đâu có riêng hai thứ Trãm mã và Trinh nữ đó thôi . Để tao nhớ coi , đại để có mấy loại mà người mình hay nhắc tới là Trà Ô Long , trà Trãm mã , Hầu trà , Thanh nữ trà , Trinh nữ trà , Vũ di sơn trà , Thiết Quan Âm rồi trà Trùng Diệp , Long tinh , Đại hồng bào …. Ối thôi cả mấy chục loại làm sao mà nhớ cho hết chớ .

Ngưng một chốc để vấn thêm điếu thuốc rồi Ba Bụng bắt đầu kể tiếp :

- Chỉ có những loại nổi tiếng có nhiều giai thoại thì mình còn nhớ , chẳng hạn như trà Ô long thì nó còn có một cái tên khác là Hắc long . Theo giai thoại thì khi tìm ra giống trà này người ta nhìn thấy có con rắn đen cuộn vòng quanh gốc trà . Người Tàu cho xếp loại rắn và rồng cùng loại nên mới gọi là Hắc long cho tiện . Còn vì sao lại có cái tên là Trãm mã trà thì chuyện như vầy , trong một buổi thiết yến dưới triều đại Từ Hy thái hậu , khi người đầu bếp sắp sửa pha trà thì bỗng có một con ngựa sút chuồng mò ra ăn sạch số trà dùng cho bửa tiệc . Không còn cách nào khác hơn là giết quách con ngựa ăn bậy kia để lấy lại số trà đãi khách đã mất . Không ngờ cái thứ trà moi trong bao tử ngựa lại có hương vị ngon đáo để , được Thái hậu khen thưởng lia lịa . Thế là từ đó loại Trãm mã trà ra đời . Ở vùng Di sơn người ta thả ngựa cho ăn trà thoải mái rồi sau đó cắt cổ , mổ bụng lấy trà ra mà bán . Còn loại Thanh nữ trà thì thuyết cho rằng ở những vùng trà ngon , người ta cho những cô gái nhỏ khoảng 12 hoặc 13 tuổi , ăn mặc rộng thùng thình nhưng trôn quần áo lại bó chặc vào người . Cứ thế mà hái lá trà bỏ vào . Khi làm việc mệt nhọc , mồ hôi toát ra thấm ướt áo quần thấm luôn vào trà . Rồi sau đó dùng luôn quần áo ấy cuốn trà lại để ủ , bởi vậy nên có tên là Thanh nữ trà .

Bảy Tôn Tẩn vẫn còn thắc mắc nên vội hỏi :

- Cái đó cũng gọi là trà Trinh nữ nữa phải không chú Ba ?

Ba Bụng ho khan một tiếng rồi cười ngất hỏi ngược lại :

- Tao cũng hổng biết nữa . Mà coi bộ thằng Bảy mầy khoái cái chỗ Thanh nữ với Trinh nữ này rồi phải hông ? Nói thiệt chớ tao cũng là hạng ghiền trà nặng mà nghe loại trà này được ướp bằng mồ hôi mồ kê của mấy con nhỏ tao cũng thấy ớn quá mầy ơi . Vua chúa người ta là con nhà trời uống vô hổng sao chớ cỡ tao với mầy uống ba cái trà thứ đó vô chắc có ngày câm hết !

Bảy Tôn Tẩn bật cười hớ hớ lên tiếng đẩy đưa :

- Ờ , sao tui nghe cũng có mòi ớn ớn làm sao đó . Cái mùi vị của các nàng nếu thiếu thì hổng được nhưng bắt tui uống thì ngán quá !

Ba Bụng đưa tay đỡ lấy cái ấm nước sôi mà Tiến vừa mang từ bếp ra , ông châm thêm chút nước vào bình trà rồi chậm rãi nói :

- Cái tên Trinh nữ trà theo sách vở nói thì nó xuất xứ từ Nhựt Bổn lận . Đâu hồi thế kỷ thứ 16 gì đó có một ông sứ quân chúa đảo Okishima . Ông cũng là một tay tổ ghiền trà . Có một hôm ông đi ngang qua một trái đồi , thấy trà hoang mọc đầy nên cho gia nhân hái về đầy một sọt . Về nhà ông cho mang vào nhà bếp cho pha thử uống vào thấy khá ngon nên bảo gia nhân cứ để trong góc bếp mà pha uống dần . Bỗng một hôm , cũng pha loại trà ấy nhưng ông lại cảm thấy mùi vị của nó ngon một cách lạ lùng , khác hẳn mọi ngày . Vì thắc mắc trong lòng nên ngài sứ quân nọ tự thân hành xuống nhà bếp tìm hiểu . Sau đó mới biết đêm hôm qua , con a hoàn làm việc mệt nhọc tới khuya mới lăn ra gần sọt trà mà ngủ . Hổng biết khi ngủ nó lăn lộn ra làm sao mà cả sọt trà điều đổ ra ngoài và nó thì cứ nằm lên trà mà thẳng cẳng ngủ vùi . Ngài sứ quân vì thế mới khám phá ra nhờ chính thân thể con a hoàn là hương vị đã ướp trà nên trở nên thơm ngon tuyệt vời như thế . Ông mừng húm nên sai gia nhân hái thêm trà để lót cho con a hoàn ngủ mỗi đêm , tạo nên hương vị đặc biệt . Từ đó mới có cái tên là Trinh nữ trà đó .

Cả Bảy Tôn Tẩn và thằng Hai Tiến đều mê mẩn lắng nghe đến xuất thần . Đến lúc này bỗng có tiếng gọi từ ngoài bờ kênh vọng vào . Giọng xấc xược nghe thật là chỏi tai  :

  - Thằng Hai Tiến , mầy có ở trong đó không hả ?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro