Chương 40

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 40

(bài diễn văn đầu hàng của tổng thống DVM)

   Bài diễn văn đầu hàng của vị tổng thổng 24 tiếng đồng hồ Dương Văn Minh chấm dứt trong tang thương đầy nước mắt . Nền Đệ nhị Cộng Hòa của miền Nam xụp đổ , kéo theo không biết bao nhiêu sinh mạng của đồng bào và chiến sĩ . Có nhiều cấp chỉ huy thà chết chớ chẳng chịu đầu hàng nên nhiều nơi súng vẫn nổ cho tới ngày 1 tháng năm . Chỗ Hai Tiến trú ngụ là chiếc ghe đậu tại bến nhà của anh Bảy ở cù lao Quốc gia . Nơi đây thì yên lặng , chẳng một tiếng súng , chẳng một trận đụng độ nào .

  Ngày ba mươi tháng Tư như đã biết , hỗn độn chưa từng thấy ở khắp cả miền Nam , nhưng nơi cù lao giữa dòng sông Hậu này nếu không nghe radio , không để ý đến thời sự thì người ta vẫn chưa biết đất nước mình đang có một cuộc đổi thay trọng đại . Hai Tiến nào có hay biết gì đâu , cho đến khi anh Bảy nghe radio rồi hốt hoãng chạy ra cho hắn hay . Ồ , thì ra là vậy . Hèn gì ngoài kia , trên dòng sông xuôi ra biển bửa nay có vẻ bất bình thường , tàu ghe quân sự di chuyển nhiều quá . Thỉnh thoảng vài ba chiếc phi cơ trực thăng phần phật trên đầu thẳng hướng ra phía biển . Đó là những tàu bè từ căn cứ Hải quân Cần thơ và phi cơ từ hai phi trường Trà nóc , Bình thủy di tản ra biển .

  Trên toàn lãnh thổ vùng bốn chiến thuật lúc bấy giờ không ồ ạt xôn xao giống như thủ đô Sài gòn . Bởi vì ở Cần thơ , thủ đô của cả miền Tây , người Mỹ chẳng bày ra việc di tản bằng trực thăng , và vùng bốn cũng không có phương tiện qui mô như hạm đội đón người theo chương trình thu hồi Lend-Lease của Mỹ .

  Tại vùng sông nước này , dưới quyền chỉ huy của vị tư lệnh quân đoàn là tướng Nguyễn Khoa Nam , các đơn vị chiến đấu trực thuộc , ngoài các lực lượng thủy bộ ra , ba sư đoàn bộ binh và sư đoàn 4 không quân vẫn còn nguyên phong độ chiến đấu cho đến khi có lệnh buông súng . Nói chung , ngày định mệnh của đất nước , chẳng một tiếng súng , chẳng một sinh mệnh của thường dân nào bị mất ngoài những cái chết hào hùng của các vị tướng chỉ huy . Nguyễn Khoa Nam , Lê Văn Hưng , Lê Nguyên Vỹ , Trần Văn Hai , Phạm Văn Phú , Hồ Ngọc Cẩn và không biết bao nhiêu chiến sĩ vô danh khác thà chết không hàng . Một trong những chiến sĩ vô danh đã chọn cho mình cái chết hào hùng ấy là một vị đại úy Hải quân , ông không chịu theo tàu ra khơi mà cũng chẳng muốn sa vào tay giặc . Sáng sớm ngày 30 tháng Tư , người dân vùng sông nước , nếu có ai đi ngang qua vàm Nhơn Mỹ , ngay cây cầu chùa Hiệp châu cũng phải ngã nón ngậm ngùi , lâm râm bài kinh cầu siêu cho một linh hồn vừa mới thăng thiên . Vị đại úy Hải quân đã tự vẫn đi theo vận nước , và xác của ông nằm ngay trên cây cầu xi măng . Người ta đã không ai thèm nhìn tới vì bận mãi mê lo ăn mừng chiến thắng ! Một chiến thắng mà họ tưởng rằng chỉ có trong mơ , thật bất ngờ !

  Hai Tiến bồn chồn lo lắng , Thằng Ba Địa đã bỏ về Cái trăm cả tuần nay chưa trở lại . Chẳng biết nó có mệnh hệ gì không . Anh Bảy thì cũng đang sốt vó vì một cuộc đổi đời . Những người có dính dáng với chế độ trước đương nhiên không lo không được .

  Nhưng rồi cái gì tới nó cũng tới . Hoàn cảnh của anh Bảy thì không đến nổi , thương binh giãi ngũ mà . Chỉ hàng ngày sang qua bên chợ xã , tập trung lại để ngồi nghe người ta giảng giải cái gì là nhiệm vụ mới , con người mới . Đi học tập sơ sơ vài ba tuần lễ rồi thôi , về làm ăn bình thường như những người dân bình thường an phận khác .

  Rồi không lâu sau đó , thằng Ba Địa cũng trở lại với sự chờ đợi nôn nóng của Hai Tiến . Hai đứa có giấy tờ hộ thân nên bắt đầu lại cái nghề lênh đênh sông nước .

  Đất nước đổi thay , chánh quyền thay đổi nhưng những người dân đen , nếu chẳng có dính dáng gì tới bên này hoặc bên kia và biết an phận mình như Hai Tiến , như Ba Địa thì cuộc đời khố rách vẫn khố rách , chẳng có chi thay đổi .

  Theo như lời Ba Địa kể lại thì sau khi hai thằng trốn khỏi Cái trăm , nhóm thằng Nhứt không đi tìm bọn chúng mà ngược lại , người đi kiếm Hai Tiến lại là ông Tám Còn , cha của Hiền . Hiền đã bỏ nhà đi đâu mất kể từ sau cái hôm ở chuồng trâu về . Ông Tám cho là Tiến trốn công tác rồi mò về rủ rê Hiền , hai đứa nắm tay dắt nhau đi xây dựng tương lai ở phương trời nào . Tới chừng Ba Địa tới nhà xin ông bà giao giấy tờ tùy thân cho Hai Tiến thì ông Tám mới ngã ngữa . Té ra con Hiền nó bỏ nhà ra đi có một mình ên .

  Biết được tin Út Hiền như vậy , Tiến đương nhiên là buồn lo lắm . Chẳng biết trên đường đời muôn vạn nẽo này , có bao giờ mình còn được một lần gặp lại nàng không nhỉ .

  Nhờ ghép chung hộ khẩu với gia đình anh chị Bảy nên hai đứa được coi như thường trú dân tại cù lao Quốc gia . Dù là chính quyền thay đổi nhưng hai đứa đang lứa tuổi thanh thiếu niên , chẳng đụng chạm tới ai nên tạm thời cũng được  yên ổn . Chim trời cá nước ai bắt được nấy ăn , cuộc sống lênh đênh với cái nghề đăng lưới vào lúc này thiệt là dễ thở hơn ai hết .

  Có một chuyện mà Hai Tiến không ngờ tới là bà Tám , má của Hiền đã từ Cái trăm tìm xuống nhà anh Bảy để gặp hắn . Nghe tiếng còi hụ của chuyến đò dọc Cần Thơ Đại Ngãi vừa tách bến , nhìn thấy bà Tám xách cái giỏ bước tới trước cửa nhà của anh Bảy thì ai nấy ngạc nhiên hết sức . Nghe theo lời chỉ của Ba Địa thì nhà anh Bảy ngay đầu cầu , sát một bên với trường tiểu học , xuống đò bước lên cầu là nhìn thấy ngay . Dễ tìm lắm . Bởi vậy bà mới đón đò xuống thăm Hai Tiến một lần cho biết . Gặp lại bà , Tiến mừng mà bà cũng mừng . Không bà con ruột gà gì nhưng ở chung lâu ngày nên mến tay mến chân , vắng nó rồi thì bà cũng nhớ lắm .

   Buổi chiều , khi cơm nước xong xuôi bà Tám biểu thằng Tiến ngồi một bên để cho bà hỏi chuyện . Nghe kể lại cuộc sống mới của nó cũng kha khá thì bà mừng . Bà vuốt đầu Tiến mà rằng :

  - Bác trai thì cái tánh của ổng , thằng Tiến mày cũng biết , ổng khó tới nổi hổng có ai chịu nổi với ổng hết . Con Hiền nó dại quá , cái bửa nó đem đồ ăn cho thằng chồng của nó dìa , nó khóc lóc kể lại cho bác nghe hết trơn . Nó biểu là nó thương thằng Tiến mày mà bác trai ép gả , tưởng đâu thằng chồng tốt lành gì , ai dè là dân trời ơi đất hỡi nên nó bỏ nhà đi xuống ở với con cháu của bác tận dưới Sóc trăng . Nó biểu là học may học vá gì đó . Nhà chỉ có bác biết chuyện này vì đâu có dám hở môi cho bác trai mày biết . Ổng mà biết đặng ổng tới cào nhà người ta sao . Thôi thì bác khuyên thằng Tiến mày , tuổi còn trẻ ráng mà mần ăn . Để thư thư rồi bác kêu thằng cháu viết thơ gởi báo cho con Hiền nó biết đặng nó mừng .

  Tiến nghẹn ngào không thốt được một lời . Chuyện của mình và Hiền bà Tám đã biết . Bà biết và hiểu bụng dạ của con gái , thà để cho Hiền bỏ xứ ra đi như vậy là bà có chiều nàng quá đáng hay không . Bà Tám lòn tay vô lớp áo túi , lấy ra một cái bọc nhỏ rồi đưa cho Tiến . Bà nói bằng một giọng cảm động :

  - Cái này là của bác Tám trai mày đưa cho mày nè thằng Tiến . Hổng có là bao nhưng ổng biểu tao phải tận tay đưa cho mày mới được . Coi như trả công cho thằng cháu mày mấy năm ăn ở làm việc tại nhà của bác .

  Rồi bà lần lượt thuật chuyện nhà cho Tiến nghe . Ba Tình thì như đã biết , là xã đội trưởng xã Xuân Hòa , đi làm ở ngoài xã nhưng ở thì về nhà với ông bà . Hai Dũng , anh chiến sĩ dù trở về nguyên quán sau một thời gian học tập cải tạo . Bỏ súng cầm cày , sống an phận như hàng triệu binh sĩ gãy súng khác trên toàn miền Nam sau ngày mất nước .

  Nhờ vậy mà gia đình ông bà đở đi cái cảnh quạnh quẻ khi thiếu vắng Út Hiền .

  Cái gói giấy nhỏ xíu mà gói ghém cả một gia tài to tác cho Hai Tiến . Hai cây vàng chớ bộ .

  Sau ngày 30 tháng Tư , miền Nam không còn tiếng súng mà chỉ còn những tin đồn . Tin giật gân gì cũng có , nhưng người ta sợ nhất là tin đồn ông nhà nước mới sẽ tịch thu tài sản , đất đai của người giàu để chia cho kẻ nghèo . Bởi thế ai có của thì cứ tranh nhau mà giử cho kỹ . Hai cây vàng của ông Tám cho Hai Tiến , kể ra thì tình của ông đối với thằng nhỏ không thân bằng quyến thuộc này nó lớn tới dường nào .

   Hai đứa nhờ siêng năng lại biết dành dụm , có được bao nhiêu chúng mang gởi hết cho anh chị Bảy cất giữ để phòng khi hữu sự . Thấy hai thằng em biết lo nên anh chị bàn với chúng là nên mua vàng để dành thay vì tiền mặt . Tiền có thể bị mất giá nhưng vàng thì ngược lại , muôn đời vẫn giữ nguyên giá trị . Lụi hụi không bao lâu thì bước qua năm 1976 .  Giai đoạn đen tối nhất cho người dân miền Nam bắt đầu . Thời bao cấp , thời dân đen thắt lưng buộc bụng từ đây . Chế độ khẩu phần tem phiếu , sổ gạo , sổ dầu hôi nước mắm vải vóc và hàng trăm thứ linh tinh khác được gọi là nhu yếu phẩm được nhà nước quy định theo từng nhân khẩu trong gia đình . Song song với chế độ khẩu phần là việc ngăn sông cách chợ , cấm hàng hóa lưu thông từ địa phương này sang địa phương khác . Một ký lô thịt heo cũng có thể bị bắt , năm mười lít gạo cũng bị bắt , ngặt nghèo cho người dân không thể nào tả hết . Đây là lúc đám thanh thiếu niên con cháu của những người phía chiến thắng xu thời gia nhập hàng ngũ cách mạng , có thể nói cái đám vô học này là những thằng làm việc đắc lực nhất , hăng hái nhất . Để lập công dâng lên , chúng chuyên rình mò theo dõi , hở một tí là bắt liền . Một hai con gà con vịt cũng tịch thu , vài mươi lít gạo cũng giữ ghe bắt nhốt . Chúng thẳng tay bất kể là bà con hay xóm giềng , nạt nộ chửi mắng không kiêng nễ một ai dù là người có tuổi . Đến nổi người dân lành cũng phải lắc đầu mà thốt lên “Cách mạng già thằng tha thằng giết , cách mạng 30 giết hết cho vừa lòng dân” .

   Rồi phong trào tập thể , cá thể , nông hội , hợp tác hóa , hợp tác xã , mậu dịch quốc doanh v.v dân làm chủ nhưng nhà nước quản lý . Ở thành phố thì người dân nuốt bo bo chờ chết , trong khi ở nông thôn , trung tâm vựa lúa vùng Đông Nam Á mà lại thiếu gạo ăn . Đúng là một điều mĩa mai hết sức nói .

  Lúa gạo dân làm ra chỉ để lại một mớ còn bao nhiêu bắt buộc phải bán hết cho nhà nước với giá rẽ mạt . Người có ruộng có đất làm quần quật quanh năm tính ra không đủ ăn thì nói chi tới những gia đình nghèo chẳng có đất cặm dùi . Người dân miền sông nước tuy hề hà dễ tính nhưng đừng có thấy vậy mà ăn hiếp họ . Một khi đến quyền lợi bị đụng chạm thì dân chúng chẳng thèm nghe ông nhà nước nữa , họ đâm ra liều mạng để đất ruộng bỏ hoang cho cỏ mọc chớ không thèm cày cấy , dẫn đến hậu quả thiếu lương thực trầm trọng . Nạn đói xảy ra nhiều nơi , tệ hại nhất là ở Tiền giang , Bến tre . Dân chúng đói quá nên bỏ xứ , kéo nhau xuống xuồng thả theo con nước đi kiếm sống bằng nghề làm mướn hoặc thả lưới giăng câu . Cuộc tản cư thời hậu chiến bắt đầu .

  Người dân xính vính thì Hai Tiến và Ba Địa có khá gì hơn . Dầu cặn khan hiếm , ghe xuồng thì phải đăng ký để hoạt động nên hai thằng đành phải đậu ghe vô ụ nằm chờ thời . Làm mướn thì công việc càng khó kiếm , người đói từ xứ khác đổ dồn tới , họ làm bất kể việc gì cũng làm để đổi lấy cái ăn .

  Kẹt quá nên hai thằng mới trở lại nghề cũ , nhưng đi giăng lưới chui . Chờ cho bửa nào êm êm thì len lén ra khơi . Chiếc ghe thì to đùng , hai thằng phải ì ạch chống chèo thay cho máy móc . Trong những ngày đen tối này bọn thằng Tiến lại có thêm một tên bạn mới . Thằng Dần ròm . Dần ròm là dân chính gốc tại cù lao Quốc gia , tên này cũng thuộc hạng nghèo sát ván . Tía của nó trước kia cũng là lính cùng đơn vị với anh Bảy Tôn Tẩn . Là bạn đồng ngũ , tình huynh đệ chi binh thắm thiết biết bao kỷ niệm , gặp nhau đây với cùng một thân phận chiến bại , hai ông cựu Thủy quân lục chiến hay nhắc lại cái thuở hào hùng đã qua . Nhắc để ngậm ngùi xót xa đó mà . Thằng nhóc Dần tuy còn nhỏ nhưng lại mê chuyện đánh đấm nên nó khoái anh Bảy lắm . Bây giờ gặp thêm hai thằng đàn em của anh Bảy , Dần đâm ra thích hai gã hão hán mới quen này nên thường mò tới chiếc ghe tán dóc . Lâu dần rồi xin gia nhập , phụ giúp chống chèo kiếm vài cá tôm chút đỉnh . Dần ròm hay là Dần nhị khúc cũng là nó , bởi do cái tướng ốm tong ngâm dầu còn hổng nở và lại khoái múa côn nhị khúc cho nên lối xóm chọc nó là Dần nhị khúc . Hai Tiến và Ba Địa , nghề võ có sư phụ truyền thụ đàng hoàng , còn thằng Dần múa côn nhị khúc là bởi nó quá lậm phim Lý Tiểu Long . Múa côn không bài bản chiêu thức gì ráo , cứ quơ ẩu quơ càng , dù chưa đánh gục được ai nhưng côn đập vào đầu đã bao nhiêu lần vẫn còn ham , chưa tởn .

    Một hôm , ba đứa bủa thiên la địa võng phía dưới đuôi cồn . Nơi đây có một con rạch nhỏ chạy luồng giữa hai cù lao , người ta gọi là cái khém nước . Lúc nước ròng sát đáy , ba gã hảo hớn hăng hái xách rổ lần theo mí lưới bắt cá . Ngay mùa bần chín rụng nên cá vô bờ ăn cả đàn , ba thằng bửa nay coi như trúng mánh lớn . Khi cuốn lưới xong , định lui ghe chở cá đem bán thì chợt có tiếng cải lộn vang rân phía trên mé bãi . Thấy có chuyện náo nhiệt nên thằng Địa nhanh chân chạy tới chỗ ba bốn người đang lom khom bắt hôi . Khi đăng lưới hoặc tát đìa , người chủ đã bắt cá xong dọn đi thì những người đi mót phía sau , tức là bắt những con cá còn bỏ sót , đó gọi là bắt hôi .

   Chẳng biết họ giành dựt với nhau ra sao mà đến nổi cải lộn rùm trời . Trước mặt Địa là một thằng thanh niên đồng trạng với hắn , cũng ốm nhách và cao lêu nghêu . Thẳng vươn tay chụp lấy cái rổ cá của cô gái rồi la lên :

  - Tao thấy con cá trước , rồi mày ở đâu nhào tới bắt . Cá này của tao chớ hổng phải của mày đâu à nghen . Trả lại cho tao !

  Cô gái nọ hình như đang có mang thì phải . Bụng mang dạ chửa nhưng cũng chẳng vừa , cô ta hai tay giữ chặc rổ cá mà miệng quát lại ong ỏng :

  - Trả cho mày hả . Hứ , hổng có quởn đâu em trai !

  Thằng nhóc hầm hầm dùng hết sức giật mạnh cái rổ lật úp trên mặt sình , cá tép bắt được nãy giờ bất ngờ bị hất ra ngoài , nhảy soi sói . Ba Địa thấy cái mòi hổng êm nên lên tiếng :

  - Cái gì mà giành dựt với nhau vậy hổng biết . Cái thằng này , sao mày ngang tàng quá xá vậy hả ? Ăn hiếp đàn bà con gái đâu có hay ho gì mày ơi .

  Thằng nhóc ngẫng lên dòm Địa bằng nửa con mắt :

  - Hổng phải chuyện của mày . Đi chỗ khác mau lên , ở đây dạy đời coi đừng tao đụt cho mà phù mỏ bây giờ !

  Ba Địa nổi máu du côn nên phùng mang ngay :

  - Mày có ngon thì tới đụt phù mỏ tao đi . Cái tướng của mày hả , tao chấp một tay cũng đủ . Sao , có mấy thằng nhào vô một lượt đi .

  Hai Tiến thấy có chuyện nên réo Địa mau mau đi về . Cái câu rừng nào cọp nấy , chỉ sợ dây dưa một hồi tụi nhóc kéo ra cả đống thì phiền phức vô cùng . Nhưng thằng Dần ròm thì ngước lại , nó rút đoản côn trong lưng quần ra rồi cười hì hì với Hai Tiến :

  - Sợ mẹ gì ba cái thằng du côn ăn hiếp đàn bà con gái đó hả anh Hai , để tui lại đẳng tiếp tay với anh Ba dạy cho thằng chó đẻ đó bài học cho nó biết thế nào là lợi hại .

  Dần ròm chưa dứt câu thì ở đàng kia Ba Địa đã động thủ . Thế thiên hành đạo thấy chuyện bất bình , ăn hiếp đàn bà con gái là một trọng tội không thể bỏ qua . Thằng kia tưởng dễ ăn nên nhào vô liền . Chỉ thấy nó xấn tới , Địa hơi lạng người sang bên là tên nhóc ngã nhào . Ba Địa trấn đầu gối lên ngực nó ấn mạnh xuống sình . Gã hão hán đắc thắng cười một tràng dài rồi biểu nó :

  - Ba cái võ cua của mày gải ngứa tao còn chưa đã . Đánh đấm cái gì mà quều quào , chán thấy mẹ . Mau hốt cá tép vô rổ , trả lại cho người ta mày !

  Thằng nọ sợ bị ăn đòn nữa nên răm rắp y lời . Ba Địa dòm cô gái bụng mang dạ chửa mà còn lội sình bắt hôi , bị giành giật thấy tội nghiệp nên nó mới biểu nàng :

  - Chị Hai xách rổ lại đàng kia lấy một mớ cá rồi đi về đi . Coi như bửa nay tụi tui trúng mánh , cho chị vài con ăn lấy thảo mà .

  Ba gã chèo ghe sang bên chợ xã giao hết mớ chiến lợi phẩm cá tôm cho bạn hàng rồi quay ghe về bến . Thằng Địa xách giỏ cá ngon để dành lên cho chị Hảo . Vừa bước lên bờ thì lại đụng đầu với cô gái mang bầu lúc nãy . Chẳng ngờ số cá tôm mình cho lúc nãy cổ đem đi bán dạo . Nó lấy làm thắc mắc nên mới hỏi :

  - Chị Hai chê mớ cá hổng thèm ăn hay sao mà đem đi bán vậy hả  ?

  Cô gái để cái rỗ không xuống đất rồi ngồi phệt trên bờ đê , tay cô thoa thoa bên hông , cái điệu của mấy bà bầu mỏi lưng đây mà . Cô thở dài rồi nói :

  - Em đâu có dám chê đâu nà . Túng ngặt quá mình mới đem đi bán để đổi lấy chút tiền mua gạo mà anh Hai .

  À thì ra là vậy . Chắc cô này là dân xứ khác vì đói nên tha hương cầu thực đây mà . Tội nghiệp , nhà nghèo bụng mang dạ chửa còn phải ì ạch lội sình bắt hôi để có chút đỉnh mang đi bán đổi gạo .

   Nhưng theo lời kể lại của chị Hảo thì Địa biết thêm , nàng ta tên Đẹp , cũng là dân địa phương chớ chẳng phải từ nơi khác tới như nó tưởng . Bởi vì Đẹp mặt mày sáng sủa dễ coi quá nhưng lại con nhà nghèo . Vì nhà nghèo túng quẩn quanh năm nên dễ bị người dùng tiền bạc dụ dỗ . Cho đến khi mang bầu thì anh chàng họ Sỡ nọ quất ngựa chuốt dọt tuốt .  Đẹp lỡ làng thân gái , chỉ biết dậm cẳng kêu trời và ôm lấy cái bào thai oan nghiệt chờ ngày sinh nở .

  Câu chuyện tình buồn của Đẹp chẳng có gì mới mẻ . Cuộc đời nghèo khó giữa cái xã hội đói kém thì chuyện gì cũng có thể xảy ra . Nhưng ở vào cái giai đoạn luân lý đạo đức còn được người ta coi trọng thì một cô gái không chồng mà chữa như Đẹp , đương nhiên bị thiên hạ dèm xiễm chê bai dữ lắm . Người lớn tuổi nghe tới thì lắc đầu khinh bỉ , cho đó là đồ con gái hư ngay . Thằng Ba Địa là đứa con trai mới lớn , một gã du côn vườn biết hoàn lương , thấy hoàn cảnh đáng thương của cô gái thì tự trong lòng nó cảm thấy xót xa thông cảm . Bản tánh trời sinh của nó là vậy , chớ chẳng phải đã một lần nó bị con Chim hiểu lầm và thằng Điểu mười một hăm he cũng vì cái tánh bao đồng , thấy con Tám sàng sê bơ vơ mang về ở qua đêm tại nhà của ông Bộ Ràng đó sao .  

  Ngay trong giai đoạn tối tăm của đất nước sau thời hậu chiến , toàn cõi miền Nam ở đâu mà không có những hoàn cảnh đáng thương tâm . Hàng triệu người bị lưu đày trong những trại cải tạo , hàng triệu người bị tịch thu tài sản , đẩy về vùng kinh tế mới . Con mất cha , vợ mất chồng , người già bệnh hoạn đứa trẻ thiếu ăn . Ôi , trừ những kẻ đứng về phía chiến thắng ra , đa số còn lại , mỗi người dân là một điển hình mà . Thằng Địa xuất thân chăn trâu nghèo mạt hạng cho nên thấy cô gái nọ neo đơn , nghèo còn mắt phải cái eo , nó biết cảm thông biết động lòng thì cũng là chuyện thường tình thôi .

  Bửa sau , tụi nó ba đứa ra khơi lần nữa . Trước khi kéo lưới , thằng Địa nhớ tới Đẹp liền biểu thằng Dần ròm chạy đi cho cô ta hay để xách rổ tới bắt hôi . Lần này thì khỏi cần phải nói , có thằng chủ lưới để ý tới rồi nên Đẹp đâu cần phải lội sìn mà cũng được một rổ cá đầy nhóc . Tội cho thằng Dần , tự dưng lại bị Ba Địa sai nó đội về dùm cho Đẹp . Hai Tiến thấy vậy thì cười ngất mà rằng :

  - Coi cái mòi ông mết con nhỏ đó rồi nghen già !

  Ba Địa không nói gì , hắn rút điếu Hoa mai đặt lên môi , bật quẹt châm lửa rồi lim dim đôi mắt nhìn theo thằng Dần nhị khúc ốm tong ốm teo , đầu đội cái rổ cá bước không muốn nổi , đi bên cạnh hắn là Đẹp . Tư dựng thằng Địa lại thấy thương thương cái tướng đi lẹt đẹt của cô gái mang bầu .

  Dần ròm để cái rổ cá trước hàng ba nhà của Đẹp rồi ngồi phệt xuống đất , hắn nhăn răng cười khì :

  - Bà Đẹp . Bửa nay bà trúng mánh lớn rồi nghen . Có nhắn nhủ gì với anh Ba tui nói dùm cho .

  Đẹp ngồi xuống kế bên Dần :

  - Ừ , biểu là tui cám ơn ảnh nhiều lắm . Sao ảnh tốt với tui quá . Mà nè Dần , anh Ba đó đó , bộ ảnh là người ở đâu mới tới đây phải hông ?

  - Nghe mấy ảnh nói là dân ở Xuân hòa tới đây . Ở chung nhà với ba má con Oanh đó bà . Ông Địa ổng hỏi thăm bà hoài . Bà biết ổng hỏi tui làm sao hông ?

  Dần ròm đúng là một đứa nhiều chuyện , nó nhỏ hơn Ba Địa cho nên ba cái chuyện yêu đương của người lớn , ở cái tuổi mới chập chững này thẳng cũng hay để ý tới lắm . Để ý để chọc ghẹo cho vui đó mà . Nghe chuyện ngồ ngộ nên con Đẹp hỏi tới :

  - Vô duyên hè . Ổng hỏi thằng Dần mày thì làm sao tui biết được chớ . Mà … mà ổng hỏi cái gì vậy hả Dần ?

  Nghe Đẹp hỏi tới làm cho Dần ròm khoái , nó cười hí hí rồi mới đáp :

  - Ổng hỏi thăm về bà nhiều lắm tui nhớ hổng hết đâu . Để coi .. ừ , hổng hỏi nhà bà ở đâu nè , bà có ba má gì hông và ở đây với ai nữa đó .

  - Rồi thằng nhóc mày trả lời ra làm sao ?

  Dần phì cười :

  - Thì bà ra mần sao tui nói với ổng ra mần vậy chớ sao .

  Rồi từ đó , hễ có đăng lưới là có Đẹp đi theo . Được đi theo nhưng chẳng phải lội sìn mà cũng có cá tôm bưng đi bán . Nhờ vào lòng hão tâm của gã du côn vườn mà Đẹp dạo này có được đồng ra đồng vô , đở khổ hết sức . Cuộc sống chật vật của một kẻ ở đậu làm mướn , nếu là sức lực của một thanh niên trai tráng thì chẳng nói làm chi , nhưng ở đây nàng lại là một bà bầu bụng mang dạ chửa . Chỉ nội cái việc lo chạy gạo cho từng bửa ăn hàng ngày đã là khó khăn lắm rồi , đàng này còn phải nuôi thêm một người chị đau bệnh rề rề . Thử hỏi một hoàn cảnh như thế ai nghe qua mà chẳng động lòng . Dần ròm tuy chẳng để tâm tới sinh hoạt của Đẹp nhưng nhà cửa túng quẩn ra sao nó đều biết hết ráo .

  Vì vườn đất ít , huê lợi chẳng đủ nuôi cả nhà nên mẹ của Dần phải bương chãi thêm để kiếm sống . Gặp vào cái lúc ngăn sông cách chợ , gạo châu cũi quế , thứ nào cũng bị ông nhà nước cấm đoán . Nhà nước cấm thì dân làm lén . Trăm ngàn cách để qua mặt mấy ổng mà . Mẹ của Dần nhờ vào người bà con có một nhà máy xay lúa nên cũng đỡ khổ . Bà mua cám tại chỗ rồi mang về bán lại cho bà con quanh vùng . Tiếng là bán cám cho heo ăn nhưng cái chính vẫn là gạo . Trên chiếc tam bản nhỏ xíu , một bà già chèo chống chở vài tạ cám thì đương nhiên là dễ dàng qua mặt trạm thuế rồi . Trong những năm ngặt nghèo này , bà con mình , người thiệt thà nhất cũng phải học cách lọc lừa , tập tành mánh lới để sinh tồn . Thời thế nó tạo ra con người mà . Xuồng chở gạo nhưng phủ trên mặt lớp cám . Nhờ vậy mà những năm thắt lưng buộc bụng này gia đình của thằng Dần khỏi phải ăn độn , trong khi Dần còn được cấp sách tới trường .

  Hôm ấy nhằm lúc nước rong không ra khơi thả lưới , thằng Ba Địa nhàn rỗi nên buổi chiều thả tới nhà Dần ròm tán dóc chơi . Ở đây , vô tình nó gặp được Đẹp . Nàng thường tới đây mua gạo , loại gạo nát sàn ra từ cám , giá rẽ hơn so với gạo thường . Hơn nữa , mua gạo của mẹ Dần ròm nhờ chỗ lối xóm quen biết , đôi khi kẹt không tiền bà cũng cho nàng đong thiếu .

  Gã hão hớn thấy người đẹp xách bịt gạo bước đi coi bộ khó nhọc quá nên xốc tới dành lấy . Trên đường về nhà của Đẹp , con đê quanh co ngắn ngũi mà Ba Địa chưa đi qua lần nào , nó cảm thấy chiều ở đây sao mà đẹp quá . Có gió thổi lao xao , có nắng vàng nghiêng nghiêng bóng mát và có người đẹp sóng đôi đi chung với mình . Dù là một bà bầu bước đi chậm chạp nhưng nó lại sợ giây phút đáng nhớ này sẽ qua mau khi tới cửa nhà nàng . 

  Hai đứa vừa đi vừa nói chuyện rù rì cho tới khi tới bên cửa mà Địa vẫn chưa hay . Tới chừng Đẹp chỉ người đàn bà đang đứng tựa cửa nhìn ra , giới thiệu với nó rằng đó là người chị ruột của mình . Ba Địa nhìn người đàn bà ấy , hắn dụi dụi con mắt rồi buông bịt gạo xuống đất cái rột , thảng thốt kêu lên :

  - Mèn ơi . Chị Tư . Chị Tư đây mà !!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro