Chương 42

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

 Chương 42

     Dù thời thế đổi thay , buôn bán khó khăn vì chính sách ngăn sông cách chợ của chế độ mới . Nhưng nhờ sau này khi dời nhà về ở bên cù lao Quốc gia , Tư Xinh quen biết với mẹ của Dần ròm nên được bà rỉ tai cho chút mánh lới mần ăn . Nghề buôn chuyến nhỏ , chỉ lấy công làm lời nhưng nếu không muốn đứt vốn vì bao nhiêu thứ thuế thì phải biết lòn lách gian giảo một chút . Miếng cơm manh áo mà , sống thẳng ngay quá làm sao mà sống nổi trong cái thời bao cấp đói khổ này chớ . Nhờ vậy mà Xinh cũng tạm thời sống lây lất như bao nhiêu người khác .

  Rồi đùng một cái , bao nhiêu chuyện dồn dập xảy đến . Xinh ngã bệnh sau một chuyến đi buôn bị mắc mưa . Ban đầu tưởng cảm mạo sơ sài vì dầm mưa cả ngày , ai dè bệnh càng lúc càng nặng thêm đến độ nàng không dậy nổi nữa . Đến nước này thì dù muốn dù không cũng phải đi khám bác sĩ . Nhưng hỡi ơi , đất nước hết chiến tranh chuyển sang giai đoạn kiến thiết . Khẩu hiệu tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc chỉ để làm cho người dân thêm khổ . Bệnh viện thời chế độ cũ còn đó nhưng y tá bác sĩ thì ôm gói đi học tập cãi tạo hết ráo rồi thì lấy ai ra khám bệnh đây . Dù có y tá bác sĩ đi nữa thì cũng chỉ để ngồi ngáp vặt thôi chớ thuốc men và dụng cụ y khoa còn đâu nữa mà cứu đời . Bệnh nhân mắc phải bất cứ chứng nan y nào , nếu can đảm xin nhập viện thì cũng được quăng cho vài viên xiêng tâm liên và một câu dặn dò thay lời phân ưu tiễn người sắp chết :

  - Thuốc dân tộc trị bá bệnh . Uống không uống tùy mấy người !

  Con bệnh kêu ca biểu là thuốc dỡ quá thì vị bác sĩ lên lớp ngay :

  - Đế quốc Mỹ vào đây vơ vét chẳng còn thứ gì , đất nước mình mới giải phóng cho nên vẫn còn nghèo . Bà con phải có bổn phận biết tự khắc phục lấy chớ !

  Một ông cụ bệnh nặng quá , biết mình sắp chết tới nơi nên đâu còn sợ ai . Ông quăng gói thuốc xuống đất cái bịch rồi nói :

  - Hừ ! Thời của thằng Thiệu là thời chó đẽ , bây giờ đất nước hòa bình rồi thì tới thời chó chết !

  Vị bác sĩ thắc mắc chẳng biết ông già quê mùa này nói cái giống gì . Thấy hắn đứng đực mặt ngố ra thì lão già đi một đường cắt nghĩa thẳng băng :

  - Thì hồi cái thời của thằng Thiệu làm tổng thống , cơm thịt thừa thãi thuốc men thứ nào cũng có , chó nó xung sức nó mới đẽ . Còn bây giờ , đói ăn bo bo cầm hơi , bệnh hoạn thì chỉ được cho uống ba cái thứ mắc dịch xiêng tâm liên này , chó nó còn chết huống chi là con người ta ! Vậy ông thầy thuốc coi có phải là thời chó chết hông hả ?

  Cũng may là lão ông này đã ngặt nghèo sắp chết tới nơi nên mới khỏi bị cho đi cải tạo vì cái tội nói năng phản động . Vị bác sĩ lương y như từ mẫu chỉ trợn mắt lắc đầu bỏ đi một nước .

  Thế là bệnh nhân già trẻ bé lớn gì cũng như nhau , nhập viện để rồi hân hoan xuất viện , trở về nhà nằm chờ chết . Đó là nói chung ở giới người nghèo , đại đa số vì không tiền nên đành phải chịu . Bà con mình chỉ còn biết cầu Trời khẩn Phật đừng cho bệnh hoạn bất tử , bệnh nhẹ cũng trở thành nặng và nặng thì coi như xong . Trong khi ấy thì nhà giàu họ chỉ quăng tiền ra , ngoài chợ trời thuốc Tây loại nào mà chẳng có . Đã bảo thời bao cấp là thời vàng son của chợ đen chợ đỏ mà .

  Tư Xinh nghèo quá nên đành phải chịu . Bệnh hoạn tới thăm thì nằm chờ chết thôi . Bà Hai , mẹ của Dần ròm thấy tình cảnh tội nghiệp của nàng thì động lòng . Hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau . Bà thì mê tin dị đoan số một , cứ nghe theo lời của mấy ông thầy bùa thầy pháp . Họ biểu Xinh bị mắc đằng dưới , không cúng kiến tạ lễ thì không xong . Thầy Bảy là vị pháp sư mới trở lại lén lút hành nghề sau một thời gian bị cho đi học tập cải tạo , theo lời thẩy giải thích thì bệnh mắc đằng dưới là do có thể nhà Xinh ở gần mé nước , trong một lần vô tình nào đó chị ta làm rơi vật dụng riêng tư như lược chãi đầu hoặc là khăn tay hay quần áo gì đó , đúng ngay cái lúc con cháu ông vua Thủy tề bơi ngang qua rồi lượm được . Thế là chúng cảm hơi hướm của người trần tục và bắt vong chủ nhân của món đồ ấy về để hủ hỉ với mình . Bị bắt vong thì đương nhiên kẻ ấy trở nên khù khờ , ngày ngủ đêm thức và hay ra mé nước nói lãm nhãm một mình . Tư Xinh biết mình chẳng bị mắc đằng dưới đằng trên gì cả nhưng vì hết cách đành phải nghe theo bà Hai .

  Ở miền sông nước , đa số bà con mình còn trầm mê trong những mê tín dị đoan . Đó là lẽ thường , vì những nơi hẻo lánh càng xa ánh sáng văn minh thị thành thì càng dễ cho mấy tay thầy bùa thầy pháp trổ tài lường gạt bà con . Những chuyện hoang đường phản khoa học lại được người ta tin tưởng một cách điên cuồng . Chớ hổng phải hồi trước năm 75 , người dân xứ nầy đã bái phục một vị huyền thuật cao tay danh vang bốn cõi là Sư Cậu ở bên làng Song Phụng rồi đó sao . Ổng nổi tiếng đến nổi các vị phu nhân của tướng tá cũng tìm tới nơi trị bệnh . Có điều họ không nghĩ lại mà chừa , vị Sư Cậu sau ngày đổi đời bị cho đi cãi tạo , nghe nói đã vĩnh biệt thế gian đâu từ hồi nẵm .

   Người xưa hay nói “Có thờ có thiêng , có kiêng có lành” . Dân quê thường thì có lắm điều kiêng kỵ  thật ngô nghê mà cho tới hậu thế kỷ 20 họ vẫn còn tin tưởng và thực hành . Một vài ví dụ : như không cho con cháu mặc đồ trắng vào ban đêm vì e dễ bị vong theo . Không được phơi quần áo qua đêm vì sợ ma lai liếm sẽ bị bệnh . Không nên soi gương lúc trời tối sẽ bị ma nhập . Không nên ăn cơm ban đêm , khua chén đũa sợ cô hồn đói bám theo . Không được ngủ chung với mèo vì sợ bị bắt hồn v.v . Nói chung là ban đêm thì chẳng được làm cái gì cả , chỉ có ngủ , nhưng ngủ cũng phải kiêng dè đủ thứ . Thế nhưng vẫn bệnh vẫn chết như thường .

  Tư Xinh nghe theo lời bà Hai , chê bác sĩ thời xã nghĩa để quay sang cầu thầy pháp cúng kiến trừ tà . Tiền mất tật vẫn mang , bệnh vẫn còn rề rề nhưng tiền đã cạn sạch đến nổi chiếc xuồng là phương tiện kiếm ăn cuối cùng nàng cũng bán quách hầu có chút đỉnh tiền nong độ nhật . Đang lúc túng quẩn cùng đường thì thêm cái vụ Đẹp bị anh nhân tình tặng cho cái bầu khốn khổ xong lại quất ngựa chạy mất .

  Đẹp vốn là một cô học sinh vừa mới thôi học nên chuyện bán buôn cũng như việc nhà cô có bao giờ động đến móng tay . Đùng một cái , nay phải thay bà chị ra đời tảo tần tìm phương sinh kế thì ngỡ ngàng hết sức . Đi làm cỏ mướn sống qua ngày thì cũng tạm được đi nhưng cái bụng càng ngày càng lớn , có ai còn muốn mướn một bà bầu làm nữa . Thêm vào đó , ông nhà nước vừa mới cho đổi tiền . Đồng bạc Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam biến thành tờ giấy lộn chỉ sau một cái lệnh bất ngờ . Nhà giàu tiền muôn bạc vạn , vác cả chục bao bố tời tới đổi mà chỉ được 200 đồng tiền mới cho mỗi gia đình . Thử hỏi đang giàu xụ bỗng đùng một cái trở thành trắng tay , thế thì có ai còn dám bỏ tiền ra mướn người làm nữa . Đẹp thất nghiệp đâm ra cau có suốt ngày và quay lại coi Tư Xinh như cái gánh nặng đời mình . Xinh quá hiểu bụng dạ của em nên phận làm chị , nàng bất lực chỉ còn biết nhịn nhục cho qua ngày . Nhịn nhưng buồn lắm , chỉ muốn bệnh nặng thêm để được chết phức đi cho rảnh cái cuộc đời đá đeo nặng nợ . Hai chị em ôm nhau trong cảnh đời cùng quẩn mà cứ nặng nhẹ nhau hoài . Kiểu này chết đói là cái chắc .

  Tâm trạng của một người chán chường với cuộc sống nó cũng giống như một bà cụ sắp lìa đời dù tuổi nàng vừa quá đôi mươi . Xinh chẳng còn thiết tha gì nữa , nàng thật sự buông xuôi tất cả . Nhưng mỗi lần nhìn cô em với cái bụng bầu và một viễn ảnh tối đen , rồi đây cuộc đời của nó sẽ ra sao , rồi đây đứa nhỏ vô tội kia sẽ ra đời trong hoàn cảnh nào . Bao nhiêu câu hỏi , bao nhiêu lo âu nó cứ như con bệnh , ấp ủ hoài trong tấm thân tiều tụy của nàng . Gặp được Hai Tiến giữa lúc tuyệt vọng , Xinh chẳng màng đến chuyện sống chết nhưng đối với Đẹp , nàng không an tâm khi nhắm mắt ra đi . Bởi vậy những lời nhớ nhung thương tưởng đáng lẽ nói ra ngay trong giây phút tương phùng , Xinh lại thốt lên những câu như trối trăn nhắn nhủ .

  Tiến chẳng hiểu gì ráo nên mới hỏi tới riết , Xinh sụt sùi trong giọt ngắn giọt dài :

  - Đó nghèo , đây cũng phận nghèo . Đôi ta như bọt với bèo thương nhau . Câu ru con nghe mẹ ru hồi còn nhỏ bây giờ nghe sao giống tình của hai đứa mình quá anh Hai ơi . Mình như bọt bèo gặp nhau tới một lúc nào đó bọt bể bèo trôi thì ai đi đường nấy . Em biết em không thể ăn đời ở kiếp với anh được nên chỉ xin anh hãy quên con nhỏ này đi . Anh còn trẻ , tương lai còn dài anh Hai à . Còn phận của em , anh dòm mà thấy đó . Có cái gì nữa đâu mà nghĩ tới chuyện ngày mai , chuyện tương lai hả anh ?

  Tiến thủ thỉ vào tai người tình :

  - Em đừng có nên suy nghĩ nhiều làm chi . Đói ăn rau , đau uống thuốc . Có bệnh thì nên lo trị bệnh cho hết rồi mới tính đi . Thà rằng anh không gặp em , không biết cái gì hết thì thôi . Chớ được gặp em ở đây một trong hoàn cảnh như vầy nhưng em lại biểu anh làm ngơ thì trong bụng em có coi anh ra gì đâu . Ví dầu hai đứa mình như bọt với bèo thương nhau đi ,  nhưng ông trời không nổi ba đào sóng gió thì bọt bèo chưa chịu lìa đôi đâu em Tư ơi .

  Tư Xinh chẳng biết nói gì thêm . Nàng hổng ngờ trong bụng gã con trai nghèo này lại nặng tình với mình như thế . Hai năm không gặp lại nhưng dường như tình vừa mới hôm qua . Câu nói ấp áp tình người có khác nào luồng sinh khí thổi vào trái tim người cô phụ , nàng áp sát vào người Tiến , nói bằng một giọng nhẹ nhàng như hơi thở :

  - Anh Hai , cho em xin lỗi vì không nói thiệt hết cái khó của nhà em ra cho anh nghe . Hổng phải em muốn giấu diếm làm gì . Chuyện nhà cửa của em thì như anh đã biết , nghèo khó túng quẩn lắm . Ông bà mình dạy nghèo cho sạch rách cho thơm . Nhưng ở đời mà anh Hai , có ai mà hổng muốn ngó lên đâu . Chuyện của con Đẹt thì ít nhiều gì anh dòm cũng đủ biết . Nó còn nhỏ nên bốc đồng quá , em chỉ muốn cuộc đời của nó sau này dể thở hơn một chút cho nên hồi nãy em muốn anh hứa với em là bảo bọc cho con nhỏ nếu em có mệnh hệ gì . Nói thì nói như vậy thôi chớ nghĩ lại thì em thấy hổng có nên . Nó hư quá đi , làm sao mà xứng với anh Hai chớ . Với lại … với lại , cái miệng thì nói như vậy mà cái bụng của em nó cảm thấy ra mần sao đâu á .

  - Em lại nói bậy nữa rồi . Đương như không lại nghĩ ra cái ý nghĩ kỳ lạ hết sức .

  Nói đoạn Tiến ngước nhìn về phía chái bếp , nơi con Đẹp và thằng Địa đang ngồi thả chân dọc nước ngắm nhìn trời chiều ngã xuống trên dòng sông Hậu .

  - Em hổng thấy Đẹp đang có người bảo bọc rồi đó hay sao mà còn biểu anh làm chuyện đó . Nãy giờ em chưa nói cho anh biết là em đau bệnh gì mà tới nổi cứ đòi chết hoài vậy hả Xinh ?

  Chị lái vịt lắc đầu nói với giọng buồn buồn :

  - Phải chi em biết bệnh gì thì cũng đở khổ , đàng này nó cứ rề rề như vầy . Nặng thì hổng nặng đến nổi liệt giường liệt chiếu mà nó cứ dây dưa cái kiểu này hoài thì còn làm lụng gì được . Đứng lên một chút thì chóng mặt phải nằm , chiều sớm gì thì cũng en en như sốt rét . Anh coi , bệnh gì mà giống như làm biếng cứ muốn nằm lì một chỗ . Chết đâu chết phứt cho rồi chớ sống như vầy hoài coi có phải là báo đời hông chớ . Có người biểu em mắc bệnh tà hay là đằng dưới cái gì đó , hương đăng trà quả cúng vái quá trời rồi mà có thấy thuyên giảm chút nào đâu .

  Hai Tiến gạt ngang :

  - Đời bây giờ mà em còn tin ba cái thứ đằng trên đằng dưới nữa , thiệt là khổ quá . Ông bà thần thánh nào ở không mà đi hành người sống chớ . Chắc ban đầu em bị cảm mưa rồi dây dưa lâu ngày nó quay qua thương hàn chớ gì . Em ở đây chờ anh một chút , anh đi hỏi ông thầy Út về bệnh tình của em rồi trở lại liền nghen .

  Thầy Út mà Hai Tiến đề cập tới đây vốn không phải là thầy giáo mà cũng chẳng là thầy tu thầy pháp gì cả , ổng là một chàng thiếu úy quân y giải ngũ trước 75 về đây mở phòng mạch tư . Ông cũng là nhóm bạn cựu chiến binh với anh Bảy Tôn Tẩn nên Tiến biết . Sau ngày 30 tháng Tư ông ta đóng cửa phòng mạch , sống bằng nghề làm vườn . Nhưng thỉnh thoảng bạn bè quen biết có bệnh hoạn chi thì cũng hỏi ông , hoặc mua thuốc chợ đen rồi nhờ ông chích giùm , thét rồi người ta hay gọi ông là thầy Út .

  Xinh nghe nói tới thầy thuốc thì giật mình biểu thôi . Nàng nhìn Tiến bằng đôi mắt buồn , đôi mắt của hai năm về trước khi ngồi bên bờ kênh chiều kể lại đời mình cho hắn nghe . Xinh nói :

  - Thôi đi anh à . Đi mời người ta thì mình cũng phải có cái gì để trả chớ , hổng lẽ …

  Tiến hiểu câu nói bỏ lững của nàng nên vuốt má người tình trấn an :

  - Anh biểu em đừng có lo cái gì hết . Mọi chuyện đã có anh . Nhớ là Hai Tiến ở cù lao Quốc gia chớ hổng phải là Hai Tiến chăn vịt ở Cái trăm nữa đâu nghen . Anh có khả năng lo cho em mà , chỉ cần em đừng có chán đời đòi chết nữa là được . Hén Xinh . Gật đầu cái đi , gật đầu đi thì coi như em đã tin lời của anh .

  Ngay từ giây phút ban đầu mới gặp lại , Xinh nhận ngay nét già dặn từ cử chỉ đến lời nói của Hai Tiến . Đã hai năm rồi chớ bộ , người ta đã trở thành đàn ông rồi chớ đâu còn là một gã trai tân của dạo nào còn ấp a ấp úng , vụng về tay chân khi được gần bên người đẹp . Tuy biết là anh ta đã trưởng thành nhưng nàng không hề nghĩ cuộc đời Hai Tiến đã đổi thay , từ một gã chăn vịt trắng tay bây giờ đang sở hữu một gia tài nho nhỏ .  Không biết nhưng nghe giọng của hắn nói nghe sao có vẻ tự tin quá cho nên Tư Xinh cũng yên dạ , nàng nhẹ gật đầu nói qua hơi thở :

  - Anh Hai biểu làm sao thì em nghe làm vậy . Nhưng em lo là lo , sợ làm cho anh bị kẹt rồi vướng nợ nần tùm lum ra thì khổ lắm đó anh Hai à .

  Xiết lấy tay Xinh , Tiến lắc đầu :

  - Chuyện này thì em khỏi có lo . Anh biết liệu mà Tư . Bây giờ anh trở về chút xíu rồi quay lại liền nghen .

  Đoạn hắn gọi Ba Địa ra dặn dò vài câu trước khi chạy biến đi .

                    ………………………………..

  Tình của Tư Xinh tưởng đã trôi theo dòng đời lặng lẻ để rồi chìm vào quên lãng , ai ngờ giữa lúc cùng cực lại được gặp nhau . Sung sướng cảm động  nào bằng , để từ một tâm hồn chán chê cõi thế trở thành kẻ ham sống hơn bao giờ hết . Ý chí con người ta coi vậy mà mạnh mẽ biết dường nào , lại thêm nhờ thầy Út mát tay chữa trị , chỉ trong vòng nửa tháng mà Xinh đã khỏe hẳn .

   Thầy Út , vị lương y như từ mẫu dù chữa bệnh chẳng lấy tiền công nhưng ông không quảng , bỏ ra hai buổi liền để đến tận nhà vừa khám vừa thăm hỏi với con bệnh . Ngay sau cái hôm Hai Tiến chạy về kể hết sự tình và hỏi anh Bảy dùm nói với thầy Út một tiếng , nhờ thầy coi bệnh cho Tư Xinh , thuốc men chợ đen chợ đỏ tốn kém bao nhiêu Tiến cũng chịu miễn sao nàng khỏi cơn ngặt nghèo thì thôi . Thầy bây giờ thì làm vườn , cây trái hết mùa nên rảnh rổi lắm , giờ nghe anh Bảy nhờ thì sẳn lòng giúp ngay .

  Bởi câu chuyện Tư Xinh bị mắc đằng dưới ông cũng có nghe qua , là một người theo Tây y , chuyện tà ma đương nhiên ông chẳng tin chút nào . Tới tận nơi thăm hỏi cho tường tận nhằm mục đích cố tìm hiểu nguồn gốc để thầy biết phương mà chửa trị . Theo lời giải thích của ông thì Tư Xinh không vướng phải chứng nan y nào cả , bệnh của nàng chỉ là chứng thương hàn , hậu quả của cảm sương cảm gió không chửa trị kịp thời mà ra . Nhưng phần lớn là do tâm thần phân liệt bởi những buồn đau , căng thẳng trong cuộc sống mà ra . Thầy Út lắc lắc cái đầu , thuyết một hơi với anh Bảy :

  - Hiện tượng ma ám hay người ta gọi là mắc đằng dưới chỉ là mê tín dị đoan mà thôi . Trong thực tế , những người bị ma ám hay mắc bệnh tâm thần , rối loạn nhân cách là do sự suy nghĩ quá mức , quá căng thẳng mà ra . Một khi họ bị rối loạn nhận thức do đầu óc bất bình thường thì lại cho mình đang bị một hư linh nào đó nhập vào , bắt làm chuyện này chuyện nọ lung tung . Nếu gia đình người thân không hiểu đúng thì cứ một đường đi mời thầy pháp tới trị . Điều này hoàn toàn phản khoa học , thêm lợi cho bọn điếm đàng hay hù dọa bà con dân quê hay mê tín của mình .

  Bảy Tôn Tẩn mới vỡ lẽ và hỏi :

  - Nếu như vậy rồi cha chữa bệnh bằng cách nào . Đó giờ sao tôi hổng có nghe ba cái vụ bệnh hoạn gì mà kỳ cục như vậy hả ta . Rồi cha cho uống thuốc gì mà sao con nhỏ lóng rày coi bộ đỡ nhiều hơn bửa hổm ?

  Thầy Út ngoác miệng cười rồi chỉ xuống chân :

  - Kinh nghiệm nghề nghiệp , bản thân và qua sách vở . Hồi bị cưa cái chân , ông biết tôi tưởng hổng ngóc dậy nổi . Mất hết nghị lực , mất hết niềm tin và chỉ muốn chết . May là bà xã của tôi , lúc đó bả chỉ là cô y tá nhưng bả khuyên tôi đủ điều . Chính niềm tin và ý chí đã vực tôi dậy để cố sống mà vươn lên với đời dù chỉ còn có mỗi một cái chân . Chuyện này khỏi cần nói nhiều ông cũng rành sáu câu rồi mà , bộ cái chân của ông hổng giống tôi sao chớ hả ?

  Hai ông thương binh cười xòa . Thầy Út trở lại chuyện Tư Xinh hồi phục . Ông giải thích rằng ý chí ham sống nó làm cho con người ta vượt qua tất cả . Nghị lực mạnh mẽ sẽ giúp mình quên hết bệnh hoạn của thể xác . Bethoven , hai tai bị điếc , bệnh tật liên tu chịu đời hổng thấu nhưng nhờ ý chí kiên cường mà ông trở nên dũng mãnh lạ thường , hàng loạt tác phẩm lừng danh thế giới như Anh Hùng , Vận Mệnh , Điền Viên , Bản Giao Hưởng Số 9 v.v đã ra đời trong thời gian này . Tổng thống Rosevelt sau khi bị viêm tủy sống , quyết không khuất phục bệnh tật . Ông khảng khái tuyên bố “Tôi không tin chứng bệnh trẻ con này có thể đốn ngã một trang nam tử đường đường” . Và cuối cùng thì ông cũng vinh dự bước vào tòa Bạch Ốc , trở thành vị Tổng Thống thứ 32 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ . Ý chí con người thật đúng là thần kỳ như vậy .

  Thầy Út nói :

  - Chuyện chữa trị bệnh nhân tôi không thể kể ra cho người khác nghe , nhưng tại vì có liên hệ tới thằng em của ông cho nên tôi mới nói ra . Với lại thấy hổng có gì là quan trọng .

  Rồi thầy hạ giọng thật nhỏ , như chỉ để cho Bảy Tôn Tẩn vừa đủ nghe :

  - Con nhỏ coi cái mòi thương thằng em của ông lắm . Biết được cái điểm lợi này nên tôi dùng thằng em của ông để khuyên con nhỏ . Bị thương hàn thì thiếu gì ba cái thứ thuốc chợ đen , chích vào vài mũi là kể như trị tận gốc . Cái chính mới đáng nói là phải làm cho con nhỏ thoát khỏi sự phiền não tuyệt vọng , nguyên nhân đưa đến tình trạng mắc đằng dưới  . Mà thiệt là thần tình nghen ông . Cái câu người ta viết trong sách vở tưởng như chơi mà lại thiệt . Là ở trong khoảnh khắc bệnh tật liên miên , người bệnh có sự theo đuổi hoặc bám víu nào đó thì ấy mới là một phẩm chất quý báu . Nếu như không có sự theo đuổi  , sinh mệnh chỉ có thể càng thêm đau khổ , năm tháng tất nhiên càng chịu đựng không nổi .

  Bảy Tôn Tẩn bái phục hết sức , anh chắc lưỡi lắc đầu than thở :

  - Cha mới thiệt là bậc thầy của thầy thuốc đa . Vừa là thầy thuốc vừa là nhà sành tâm lý . Vậy mà phải dẹp nghề qua một bên để lo móc mương bồi vườn . Thiệt là uổng phí một tài năng của đất nước !

  Thốt xong anh xuống giọng ngâm nga :

-        Năm đồng đổi lấy một xu

-        Thằng khôn đi học , thằng ngu làm thầy

-        Người khôn ở chốn lao tù

-        Để cho đứa dại võng dù nghênh ngang .

  Thầy Út hoãng vía chấp tay xá Bảy Tôn Tẩn lia lịa :

  - Thôi đi cha . Bộ cha hổng còn muốn sống trên thế gian này nữa rồi hay sao mà ăn nói bậy bạ quá . Để con còn lo móc mương bồi vườn nuôi vợ nuôi con nữa cha ơi .

  Hai anh chàng thương binh nhìn nhau cười xòa . Nếu có ai đó lắng nghe sẽ nhận ra trong tiếng cười của họ dường như có pha lẫn tiếng nấc nghẹn ngào . Nghẹn ngào cho thân phận , nghẹn ngào cho quê hương .

                  …………………………….

 

  Tư Xinh vừa khỏi bệnh thì Đẹp lại chuẩn bị nằm ổ . Nằm ổ ở đây là sắp đến ngày khai hoa nỡ nhụy . Nhờ hai anh hão hán Hai Tiến Ba Địa trút hầu bao để lại một mớ cho nên mọi chuyện rồi cũng đâu vào đó . Có thể nói , hai chị em trong cơn cùng quẩn gặp được quới nhân .

  Hai quới nhân từ sau cái đêm thức trắng với hai nàng ngay tại nhà Xinh tới nay đã gần một con trăng , theo lời Tiến rỉ tai với Tư Xinh trước khi từ giã thì chuyến công tác dài hạn có thể là một tháng hoặc hơn . Bửa nay vừa đúng hạn bốn tuần lễ nhưng công việc còn nhiều quá chưa biết bao giờ họ mới cho về . Chuyên chở gạch đá cho nông trường Cồn cát . Nơi đây trước kia vốn là một bãi đất hoang mênh mông ở đoạn cuối Cù Lao Dung , hình thành do phù sa con sông Hậu . Sau ngày tiếp thu , chánh quyền mới chọn điểm này làm nông trường và đặt tên là nông trường 30 tháng 4 . Tiếng là nông trường nhưng thực chất đây hẳn đúng là một trại cãi tạo khổng lồ nằm ngay cửa biển Trần Đề .

  Ghe của Tiến và Địa nhận công tác chuyển hàng vật tư xây dựng từ đất liền sang . Nói là chuyên chở chớ bọn hắn có mặt cả tháng rồi mà chỉ mới hoàn tất có bốn chuyến . Nông trường còn đang trong thời gian thành hình , chỉ huy lính tráng và tù nhân cãi tạo còn lộn xộn xà ngầu . Hàng vật tư cung cấp thì lúc có lúc không , chở tới nơi rồi thì nằm ì để chờ chuyến kế tiếp . Thế nhưng lệnh ở trên biểu là chủ ghe phải túc trực ngay tại chỗ để chờ , bao giờ nhiệm vụ hoàn thành mới được về nhà làm ăn trở lại . Mấy ổng biểu là biểu vậy thôi chớ gặp thằng ma lanh như Ba Địa nó có chịu bó tay ngồi ngáp vặt đâu . Những lúc không có hàng để chở , nó lân la lên bờ làm quen với mấy gã bộ đội giữ trại . Lúc này trại cãi tạo chưa giao lại cho công an nên vẫn còn mấy chú bộ đội ngơ ngác trông chừng . Bộ đội giữ trại thì từ cãi tạo viên lẫn người thăm nuôi thảy đều dễ thở . Lính tráng thời nào cũng thế , hời hợt và dễ ợt , chớ không như công an vặn vẹo khó khăn đủ điều .

  Có một chuyện mà thằng Ba Địa không bao giờ ngờ tới là ở tận nơi cuối mũi của cái cù lao xanh rộng lớn nhất con sông Hậu này nó đã gặp lại cố nhân : Con Tám Xàng Sê , tức con Tám Ngọt .

   Chẳng biết dòng đời xuôi ngược thế nào mà cô đào hát năm xưa lại trôi dạt về sống nơi cuối nguồn nước tận bờ đất quanh năm gió biển rì rào này . Hôm ấy chẳng có chuyến để đi cho nên hai thằng thả dọc tán dóc với mấy gã chủ ghe cùng chuyến công tác , họ cũng lên bờ ngồi chòm nhom nói chuyện tào lao cho qua ngày . Thằng Địa lò mò tới cái quán ngay phía trước cổng nông trường , định bụng tìm ly nước giải khát . Vừa ngồi xuống ghế cái rột là hắn phải đứng phắt dậy cái rẹt vì giật mình . Tiếng gọi giật ngược sao nghe quen tai quá nhưng vì ở phía sau lưng nên Ba Địa chẳng biết là ai :

  - Anh Ba !!

  - Mèn đét ơi , có phải anh là anh Ba Địa ở Cái trăm hông cà ?

  Địa ú ớ quay lại , thì ra là cô đào hát Tám Ngọt . Nhác trông cô ta dạo này có hơi lạ nên thẳng còn đang ngờ ngợ . Con Tám tiến tới giật giật cánh tay có hàng chữ xâm của hắn , cô ả cười nói :

  - Thế thiên hành đạo . Còn phải hỏi làm chi cho mất công . Thằng chả thiệt đây mà . Ủa , mà anh mần cái giống gì bị đì xuống tuốt dưới miệt này vậy anh Ba ? Cha chả , lóng này chắc lên đời rồi nên hổng còn ăn bận bê bối , đầu tóc chôm bôm nữa rồi hén . Dòm coi bảnh tẻn quá xá đi hè .

  Con nhỏ đúng thiệt là cái miệng tía lia , nó cứ oang oang dù trong quán đang có vài gã bộ đội đang ngồi ngáp vặt nơi cái bàn sát vách . Thằng Địa chỉ về phía gã bộ đội đang ngồi ngã ngữa chân gát lên bàn , nói với con Tám :

  - Em hỏi ông Hùng đó thì biết tại sao anh có mặt ở đây liền hè . Ổng coi tụi anh mà .

  Con Tám sáng mắt lên cười dòn :

  - Ông xã của em đó . Lợi đây , em giới thiệu cho mà biết .

  Gã bộ đội tên Hùng mà thằng Địa đề cập tới ấy chính là người chỉ huy toán ghe vận chuyển . Hắn có chân trong ban quản lý nông trường , nghe nói cũng có thớ lắm . Nào dè con Tám Ngọt lại là vợ của hắn .

      

    

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro