Chương 57

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 57

  Kể từ sau cái đêm ngồi sóng đôi ngắm chị Hằng trên boong con tàu Seasweep , Thành và Xinh càng khắn khít với nhau hơn . Anh ta ban đầu thì chỉ tội nghiệp cho hoàn cảnh của nàng nên sớm hôm gần gủi để bậu bạn để hỏi han an ủi . Nhưng ai mà ngờ ngày lại ngày tình cảm nó nẩy nở hồi nào chẳng hay . Cái đêm ngồi bên nhau dưới tàu , Xinh đã kể hết chuyện đời tư của nàng cho Thành nghe và ngược lại , anh hùng vượt biển hai lần cũng tách bạch chuyện vợ con gia đình mình cho nàng biết . Cảm thông cho nổi thương tâm của Tư Xinh , anh trai đất Rạch giá run run cầm lấy tay nàng cô phụ miệt Sóc trăng thầm thì lời tỏ tình . Xinh nghẹn ngào , giọng nàng hòa quyện theo tiếng sóng vỗ lao xao phía dưới mạn tàu :

  - Anh Thành . Em nói thiệt cái bụng của em rồi anh muốn nghĩ làm sao thì nghĩ . Em là người nhà quê với lại thất học , cái bụng của em nghĩ cái gì thì cái miệng nói ra cái nấy . Dù anh có cười em cũng ráng chịu . Anh thấy em có chỗ nào xứng với anh đâu mà anh biểu là thương em chớ . Chuyện đời tư của em thì anh biết hết rồi đó . Lấy chồng rồi chồng chết . Đi thêm bước nữa nhưng cũng ăn ở với một người mình thương hổng được bao lâu . Cái số của em nó lận đận , tấm thân của em nó trôi nổi như vậy . Bây giờ thì lại thêm nhơ nhuốc lấm lem . Em nhục nhã đâu còn dám dòm tới ai nữa đâu anh . Đừng . Anh Tư đừng có tội nghiệp cho em rồi suông miệng nói đại đó nghen anh Tư .

  Thành lúc nãy đã có chuẩn bị sẳn nên xách theo cái áo hơi dầy . Sợ gió đêm làm nàng lạnh nên anh choàng nó lên người Xinh . Sẳn dịp , anh ôm luôn bờ vai mềm mại của người thiếu phụ đang ngoan ngoãn ngồi yên :

  - Đâu phải anh suông miệng nói càng . Thú thật với em , lúc đầu thì anh thấy em rất tội nghiệp nên qua lại để coi em có cần thì anh giúp cái gì được thì giúp . Nhưng rồi người con gái mà mình cảm thấy tội nghiệp ấy lại làm cho anh cảm luôn . Anh rất thương tánh ăn nết ở của em , anh rất mến cái bụng hiền lành chơn chất của em . Muốn mái ấm tình yêu được bền vững lâu dài thì phải lấy sự thành thiệt làm cái nền tảng . Tánh tình của em rất hợp với ý của anh .Tóm lại , anh chỉ lo mình không xứng đáng để nói lên hai tiếng yêu em mà thôi .

  Thời gian ba tuần lễ gần nhau ở trại Kuku , cái bụng của Thành muốn gì thì Xinh cũng đã quá rõ . Biết hắn để ý tới mình đó nhưng làm sao nàng dám nghĩ tới chuyện gái trai trong lúc chưa nguôi ngoai cơn ác mộng . Hơn nữa , mới chân ướt chân ráo tới đảo và hình ảnh của anh chăn vịt Hai Tiến còn đầy ấp trong tim , lúc nào trong đầu nàng cũng mang cái tâm trạng bất an , lưng lửng : nhớ nhà , nhớ quê và chưa chấp nhận được thực tế . Sau cái hôm nghe anh Bảy khuyên vài câu . Chỉ vài câu thôi nhưng suy nghĩ lại Xinh mới thấy anh nói đúng . Mình bây giờ chỉ còn tiếc thương chớ chẳng mong chờ . Dĩ vãng của quá khứ đã để lại bên kia phương trời cũ . Quê hương mịt mù ngàn dặm em đi , trong khi anh Hai thì bặt vô ấm tín . Nếu ảnh còn sống đi nữa thì người góc biển kẻ chân trời , làm sao gặp lại nhau đây . Hơn hai năm mình đã sống như kẻ mất hồn  , giờ phải biết tỉnh táo đầu óc lại để lo chuyện ngày mai chớ . Mà chuyện tương lai thì hiện tại mình đâu có biết gì mà lo , thân bơ vơ tị nạn giống như chiếc lá giữa dòng , trôi nổi bềnh bồng biết nơi đâu là bờ bến .

   Con người có tổ có tông

   Cái cây có cội , con sông có nguồn

   Nhà quê có họ có hàng

   Có làng có xóm , nhỡ nhàng có nhau .

  Nếu chẳng có gã Hiến Thành sớm hôm bậu bạn và không gặp được gia đình anh chị Bảy thì giờ này Xinh chẳng biết mình đang sống ra làm sao . Cái ăn chổ ở thì hổng nói làm gì , ai sao mình vậy . Nhưng cái cảnh một thân một mình lạc lỏng nơi xứ người , trống vắng trơ trọi chắc buồn không tả được . Sau chuyến hải hành đầy bất trắc , tinh thần người thiếu phụ suy sụp hoàn toàn . Thành đến với nàng như một liều thuốc hồi sinh và kế đến thì gặp lại gia đình anh chị Bảy . Cho đến hôm nay , ngày rời Kuku , Xinh đã chập chửng làm quen và vừa thích nghi với cuộc sống mới thì lời tỏ tình của Lê Hiến Thành lại tới .Thật ra thì nàng đâu cần phải nghe những lời êm ái đến muộn màng này mới hiểu được bụng dạ của anh ta . Nếu không vì mặc cảm bị hải tặc dày vò thì Xinh đã ngã gọn vào vòng tay người hùng vượt biển Lê Hiến Thành từ cái hồi hắn ôm lấy bờ vai của nàng lận kìa .

  Thấy câu nói của mình chẳng gây cho nàng một phản ứng gì , Thành mới đưa tay nâng nhẹ cằm Xinh để nhìn thẳng vào mắt nàng . Người ta nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn , nhìn vào là đọc được hết trọi mọi ý nghĩ trong đầu mà . Vầng trăng non nghiêng đổ ánh vàng lóng lánh trên mặt đại dương , lóng lánh trên cả đôi mi người thiếu phụ . Nàng đã khóc , giọt lệ lưng tròng vừa chợt ứa ra , Xinh khóc cho thân phận của mình hay vì quá cảm động đến nổi lệ vui trào dâng lên khóe mắt ?

  Đêm ấy , trên con tàu rì rầm rẻ sóng đại dương , lúc mọi người đã an giấc điệp , Xinh vẫn còn nằm thao thức nghĩ tới những lời Thành đã nói với mình hồi đầu hôm . Anh ta nói rất nhiều nhưng nàng chỉ nhớ mãi có mỗi một câu khi đề cập tới vụ xác thân nhơ nhớp vì hải tặc  :

  - Em Tư . Anh không cần biết cái quá khứ của em ra làm sao và anh xin thề , anh chỉ biết em từ ngày nhập trại Kuku mà thôi . Dĩ vãng mình phải cho nó lùi về dĩ vãng . Em đừng bao giờ nhớ lại những chuyện đau buồn ấy rồi tự khép kín mình trong một cái thế giới đầy mặc cảm đó nữa . Cuộc đời tươi sáng đang ở trước mắt , em hãy mở cánh cửa mà chờ đón tương lai đi em . Anh yêu em là yêu ở cái tâm hồn thanh khiết trong sạch , còn xác thân của em ra sao anh cũng mặc . Mong rằng từ nay em đừng nhắc tới nữa nghen Xinh .

  Nàng nhớ lại cái hồi còn ở quê nhà , anh tình nhân Hai Tiến cũng nói một câu tương tự :

  - Tư à , tụi mình hai đứa ý hiệp tâm đầu nên mới tìm tới với nhau để xây dựng hạnh phúc . Hạnh phúc là khi hai đứa cùng nhau nhìn về một hướng chớ không phải ngồi nhìn mặt nhau đâu mà em cứ biểu là tuổi tác hay góa bụa . Em đừng lễ mễ như vậy hoài có được hông chớ .

  Trong ánh sáng lờ mờ của dãy đèn bên ngoài hành lang con tàu rọi vào , nếu có ai để ý thì sẽ thấy Xinh đang nhoẽn miệng cười một mình . Một nụ cười mà từ khi được tin Hai Tiến chết trôi cho tới bây giờ mới có được trên môi người thiếu phụ . Ôi , đàn ông trên cõi đời này sao ai cũng đều cao thượng , cũng đều dễ thương hết như vậy .

   

 (kaka cái này có thiệt hông hai bà TV và KO)

                   ………………………….

 

     - Đây Galang , ngưỡng cửa của Tự Do và Tình Người , xin chào đón các bạn …

   Tiếng loa phóng thanh từ trên đảo vang vang vọng đến . Con đường trải nhựa từ bến tàu đi vào trung tâm đảo chào đón những bước chân của năm trăm thuyền nhân mới nhập trại . Trong đó có gia đình anh Bảy , Lê Hiến Thành và Tư Xinh . Cảnh vật lạ lẫm hiện ra trước mắt họ , một cuộc sống mới khác bắt đầu . Đối với những đồng bào mới tới từ khu rừng núi hoang vu Kuku thì Galang hiển hiện như một thành phố tị nạn mới mẻ đầy hấp dẫn trước mắt họ .

  Đó là một hòn đảo thuộc một nhóm gồm ba hòn đảo có tên là Barelang , gọi tắt cho Batam-Rempang-Galang . Nhóm đảo này thuộc quần đảo Riau . Vị trí của nó nằm ở phía đông Sumatra gần với chính quốc . Vì điểm bất lợi này nên rất ít tàu vượt biên đến được Galang trực tiếp . Vì vậy cho đến khi được chính thức mở cửa đi vào hoạt động , các trại trung chuyển khác vẫn tiếp tục duy trì để đón người tị nạn rồi từ đó có tàu lớn theo định kỳ tới đón mang về đây là trại chính .

  Mặt trời xế bóng , dưới cái nóng đổ lửa như muốn đốt cháy da của vùng hải đảo miền nhiệt đới . Nóng thì nóng thiệt đó nhưng tới được ngưỡng cửa của tự do và tình người Galang rồi thì bước đường tị nạn khó khăn được coi như đã rút ngắn đi một đoạn . Bà con hân hoan tay xách nách mang bước vội bước vàng theo nhóm nhân viên hướng dẫn để vào trại . Chẳng biết họ nôn nóng muốn mau tới nơi để ổn định nơi ăn chốn ở hay là vì bàn chân trần đang dẫm lên con đường trãi nhựa nóng như thiêu mà ai nấy đều bước nhanh như chạy .

  Sau khi hoàn tất mọi thủ tục nhập trại , nhóm tàu của anh chị Bảy được chỉ định ở Barrack 31 zone 2 thuộc khu Galang 1 . Tư Xinh và những người cùng tàu thì ở barrack 32 , đâu đít barrack của anh chị Bảy và Lê Hiến Thành .

   Coi như chàng và nàng chỉ cách nhau một lối đi nhỏ giữa hai dãy nhà bếp . Barrack ở khu Galang 1 xây giống như trại lính . Bốn phía là vách , trừ những cửa ra vào . Bên trong lót hai xạp ván để bà con ta nghỉ ngủ qua đêm . Người có gia đình và đàn bà con gái thì đêm đêm căng màn che cho có vẻ riêng tư một chút chớ chỗ thanh niên độc thân thì cần gì kín đáo chớ . Họ cứ để xạp trống hoác , ngày đi chơi cho đã tối về chùi lên ván ngáy khò khò . Và cũng sống phây phây như ai . Đời tị nạn mà .

     Galang 1 vào thời điểm này có khoảng trên dưới bảy ngàn người tị nạn . Nơi đây giống như một Việt Nam thu nhỏ , một bức tranh đời đậm nét với đủ màu sắc . Toàn trại được chia ra làm ba khu vực : Galang 1 dành riêng cho những thuyền nhân đến thẳng Nam dương .

   Galang 2 , nơi tất cả các cơ quan điều hành trại đặt văn phòng . Ở đây nhà cửa được xây cất khang trang hơn Galang 1 , lại có thêm nhiều hàng quán . Nó là chỗ dành riêng cho những thuyền nhân ở Galang 1 được nước thứ ba chấp nhận , chờ đi định cư . Bên cạnh còn có thêm những thuyền nhân có tên trong danh sách chờ đi Mỹ , được chuyển đến từ các trại khác như Pulau Bidong hoặc các trại ở vùng Đông Nam Á .

 Galang 3 , tức thành phố buồn . Nơi yên nghỉ của những thuyền nhân đến mà không đến . Họ kém may mắn khi bỏ lại tất cả để ra đi vì hai chữ tự do rồi lại vĩnh viễn nằm lại nơi hòn đảo cô quạnh . Đó là những nấm mồ của những người con Việt Nam máu đỏ da vàng tung cánh tìm tự do nhưng lại gãy cánh giữa đường đành gởi thân thiên thu nơi đất khách .

  Ngoài ra , Galang còn có thêm một trại nhỏ gọi là làng Khmer . Những thuyền nhân bấp bênh đến từ xứ Chùa tháp này không giống như thuyền nhân Việt , hầu hết đều phải trở về nguyên quán , ngoại trừ vài trường hợp cá biệt .

  Thành phố gần Galang nhất là Tanjung Piang , cách đâu chừng 1 tiếng rưỡi giờ tàu . Ở đó là nơi Cao ủy tị nạn đặt văn phòng điều hành trại và cũng là nơi để cho người tị nạn có tiền đón đò qua đó mua sắm vào mỗi thứ Bảy .

     Hàng xóm từ bên quê nhà sang tới xứ người vẫn cùng là hàng xóm với nhau , thiệt là chẳng có gì quí bằng . Tuy ở khác barrack nhưng lại đâu đít với nhau , từ nhà bếp bên này hú một tiếng là bên kia nghe liền .    Thế nên ngày nào mà anh chàng cầu thủ số 11 không mò qua rù rì rủ rỉ với em Tư . Chẳng hiểu được ai đó mách nước mà Hiến Thành xoay được một vuông rau muống xanh tốt ra gì . Ở gần những dãy barrack có một cái trũng nước không lớn lắm nhưng bà con mình cũng đâu có bỏ qua . Chẳng biết từ hồi nào , người ta đã trồng đầy rau muống ở đó .Thông thường thì phải quen biết hoặc điệu đàng sao đó với những người sắp đi định cư . Họ phải chuyển sang Galang 2 tất nhiên vườn rau cũng bỏ lại , tặng cho người tới sau canh tác . Từ ngày có ruộng rau muống , Thành sáng nào cũng ra cắt một bó lớn mang sang bên Xinh cho nàng lựa ra và bó thành những bó nhỏ . Bán lại cho những người có tiền chung quanh Barrack . Có đồng ra đồng vô nên hai anh chị cũng đỡ khổ , khỏi phải trường kỳ dài cổ nuốt đồ hộp , hoặc chờ năm sáu ngày lãnh cá khô đổi món như những ngày đầu mới tới .

  Bởi Xinh ở cùng một xạp với hai thiếu nữ khác và sự chừng mực của nàng khiến cho Lê Hiến Thành chẳng dám tiến xa hơn . Ban ngày chỉ mon men qua với nàng rồi tối lại mò về xạp mình để ngủ . Ngọn lửa tình đã cháy nóng ran lòng anh chị nhưng cơm thì chung mâm chớ chưa được nằm cùng một chiếu .

  Coi ra thì chung quanh đây chỉ có mỗi một cặp Thành Xinh này là còn giữ gìn ý tứ . Một khi đời sống không còn bận tâm lo lắng về cơn áo , bà con ta rảnh rỗi nhàn hạ quá đâm ra nhàm chán . Thói đời là vậy mà . Những người quan tâm tới việc định cư , tới tương lai mai sau thì lo ghi tên học Anh văn hoặc học nghề tại các trường huấn nghệ trong trại . Hoặc các anh chị em có thiện chí phục vụ cộng đồng thì xin làm việc thiện nguyện như ở bệnh viện , vệ sinh phòng dịch ,  bưu tín hay khối supply nơi cấp phát thực phẩm , nước uống . Có khả năng sinh ngữ thì làm thông dịch viên cho các phái đoàn hay dạy Anh văn vỡ lòng cho bà con trong trại . Phần còn lại là những thành phần vô công rỗi nghề , tập tụ đánh bài , đánh cờ hoặc đờn ca xướng hát cả ngày để gọi là giết chết thời gian chờ đợi .

  Hầu hết thuyền nhân sống nơi các trại tị nạn đa số là những người độc thân tại chỗ . Các ông các bà dù lập gia đình rồi , con đàn con đống rồi nhưng khi vượt biên đương nhiên phải xé lẻ ra mà đi . Cái này gọi là phòng hờ bất trắc , rũi bị bắt thì cũng còn nhà mà về , hoặc có người chạy chọt lo lót cho ra để đánh tiếp nữa chớ .

  Đã là người lập gia đình mà được trở lại sống đời độc thân rồi thì bất luận ông bà nào cũng thấy sướng hơn lên cõi tiên . Mà ở đây tuy thiếu thốn đủ thứ nhưng nó lại là cõi tiên thứ thiệt mới đáng nói . Các chư vị độc thân , thanh niên thiếu nữ thì khỏi cần phải bàn tới , thậm chí cả các ông các bà xé lẻ để đi thành ra độc thân tại chỗ cũng hút nhau như hai đối cực của thỏi nam châm . Cũng dễ hiểu thôi , trãi qua những ngày hãi hùng trên biển , thoát được cơn thập tử nhất sanh rồi thì mới biết cuộc sống nó phù du thế nào . Lòng sầu da diết của kẻ tha hương , nỗi thương cha nhớ mẹ , hoài vọng quê nhà nó khiến cho con người ta cảm thấy tháng ngày nhàn rỗi ở đây nó lê thê quá , chán chường quá . Họ cần tìm một cái gì đó để khuây khỏa . Bởi vậy cho nên xảy ra nhiều trường hợp dỡ khóc dỡ cười nơi mãnh đất tạm bợ . Đó là những mối tình sớm nở tối tàn vì hối hả yêu cuồng thương vội với nhau . Nói nào ngay , đâu có phải chuyện tình nào cũng xuất phát từ con tin chân chánh không bao giờ biết đến nói dối đâu . Cũng không ít trường hợp họ đến với nhau chẳng phải do nhu cầu tình cảm mà vì muốn nương tựa tài chánh thì đúng hơn . Bộ tưởng sang tới Galang rồi thì ai cũng có đô la xài hết sao . Ngoài một số người có thân nhân ở ngoại quốc tiếp tế thì không nói làm chi , phần còn lại là những kẻ được gọi là con Bà Phước . Những kẻ chân không đầu trần , túi trơn tay trắng này lại chiếm đa số mới khổ . Nỗi cô đơn xa nhà làm cho tinh thần người ta trống vắng triền miên lại thêm cái nạn vật chất thiếu thốn đủ thứ , các nường nào chịu đựng chật vật không nổi thì phải tìm chỗ để nương tựa , dù là chỉ tạm thời . Cái này gọi là lẳng lơ để thích nghi với hoàn cảnh cho bớt khổ đó mà . Hơn nữa , chung quanh đây toàn là người xa lạ với nhau thì còn sợ gì dư luận hay tai tiếng như hồi ở quê nhà . Nơi trại tạm cư , dân tị nạn người ta hay ví mình như đám lục bình trôi nổi trên sóng nước . Nơi của bá tánh từ bốn phương tụ lại , chung sống với nhau trong một thời gian rồi mỗi người theo một hướng đời ra đi , sẽ không bao giờ gặp lại . Thế thì tại sao không biết quẳng gánh lo đi mà vui sống , ôm cái thú yêu đương ngày đêm hưởng thụ để tìm vui cho quên đi nỗi buồn ly xứ . Khu bìa rừng cây cối rậm rạp cách xa khu nhà ở , hay những hốc đá vắng hoe ít người qua lại  là những chỗ lý tưởng cho không biết bao nhiêu đôi tình nhân tạm bợ mò tới để tâm tình , để yêu nhau … cởi áo cho nhau . Đó là lý do tại sao ở Galang người ta thường nhai đi nhai lại cái câu :

   Galang ngưỡng cửa tình xù .

   Ra đi để lại cây … dù cho em !

  Nhưng đó là chuyện chung chung , chuyện của những nường túng quá quơ đại quơ càng , yêu thương liều mạng chớ đối với Tư Xinh thì lại khác . Nàng đã quen với Thành sẳn từ bên Kuku nên sang tới đây rồi thì sợi dây tình cảm càng lúc càng xiết chặc lại thêm . Sáng sáng anh ra cắt rau muống mang về cho em đem bán . Xong trở về lo cơm nước cho hai đứa . Tiền bán rau Thành giao cho Xinh giữ hết chỉ chừa lại chút ít đủ cà phê thuốc lá trong ngày . Nói là nói vậy chớ Thành nhín nhúc bớt hút thuốc và cũng chẳng uống cà phê nên tiền trong túi anh ta dành dụm cũng bộn bàng .

  Ngày ngày bên xạp của Tư Xinh , Thành thấy nàng có lúc nói chuyện bình thường nhưng nhiều khi lại bẻn lẻn ngượng nghịu . Anh ta bắt đầu để ý . Chiếc áo xã hội cho nàng mặc có hơi quá khổ nên khi cúi xuống lúc ngồi đối diện trên mâm cơm hoặc lúc tắm ướt Xinh phải lấy tay vịn cái áo hoài . À , thì ra là vậy . Tinh mắt như gã thanh niên ma lanh Tư Thành thì biết ngay nàng đang cần món gì rồi . Một hai lần Thành lên tiếng , vì muốn tránh né nên anh biểu Xinh lấy tiền bán rau để dành đó đi mua cho mình những thứ cần dùng . Nhưng chắc vì nàng ngại xài tiền của Thành cứ ậm ừ hoài mà chẳng chịu mua sắm gì cả . Thấy tội cho nàng quá nên Thành tự động đi ra gian hàng bán đồ phụ tùng của phụ nữ . Tới nơi anh ta cứ trù trừ dòm tới dòm lui hoài mà chẳng biết chọn . Khổ thân , từ nhỏ tới giờ anh chàng có bao giờ đi mua sắm kiểu này đâu mà biết . Bà chủ gian hàng thấy chàng đứng sớ rớ thì ngoắc vô hỏi :

  - Cậu cần mấy cái , size nào cứ tự nhiên đừng có ngại .

  Thành cười cười trả lời giọng có hột vì hơi mắc cở :

  - Bà gói lại cho tôi hai cái đi bà chủ . Nhớ gói kín kín nghen bà .

  - Mà cậu cần size nào . Bao lớn , nói để tui biết đặng mà gói cho . Bự , nhỏ hay vừa vừa ?

  Thành đâu có biết size nào là size nào nên trả lời đại :

  - Cở bình thường đó mà . Sao rắc rối quá , tôi đâu có biết .

  Bà chủ gian hàng chiều khách hết biết . Bà chỉ dẫn rành rẻ . Mà cũng kỳ cục hết sức , bà vừa biểu vừa cười làm Thành quê quá xá :

  - Nè , cậu cứ nhắm thấy cái nào cùng cỡ . Hông thôi lấy tay úp lên coi cái nào vừa với cổ ở nhà là được mà .

  Thành biết dù có nghe lời bà chủ úp tay lên cũng bằng thừa , vì tình thật anh đâu có biết . Bí lối nên lắc đầu chỉ đại vào một cặp :

  - Tôi cũng đâu có biết bao lớn . Thôi bà gói đại cho tôi hai cái này đi hén .

  Cuộc mua bán chỉ diễn ra có hai phút mà Thành tưởng đâu cả giờ đồng hồ . Anh ta kẹp nách món quà khó gọi tên này về xạp cho Xinh . Món quà bất ngờ khiến cho Xinh vừa mới mở ra là giật mình thiếu điều té ngữa . Nàng ngại ngùng hổng dám ngó thẳng vào Tư Thành :

  - Đàn ông con trai mà đi mua thứ này bộ hổng biết mắc cỡ hả ?

  Thành lắc đầu cười :

  - Thà anh bị quê một lần còn hơn cứ thấy em bị mất tự nhiên hoài tội nghiệp em .

  Xinh ú ớ chẳng ngờ hắn đã để ý những chuyện nhỏ nhặt của mình như thế :

  - Anh mới đúng là đồ quỷ sứ hè ! Vậy mà cũng để ý người ta nữa . Thiệt là tình .

   Nói xong cả hai đồng cười xòa .

  Bàng quang thiên hạ dòm vào cứ tưởng họ là đôi vợ chồng son hạnh phúc . Nhưng Thành đừng có thấy vậy mà nổi tánh tham lam , được voi rồi đòi tiên , vòi vỉnh này nọ nàng hổng có chiều cho đâu . Mà dù Xinh có chiều đi nữa thì cũng chẳng có cơ hội để xáp lá cà . Bởi xạp của Xinh ở còn có thêm hai cô gái cùng tàu khác , cũng là hai nạn nhân trong chuyến vượt biên vừa rồi .

  Thu Cúc là cô chị , Thu Hoa là cô em . Cả hai chị em cô nào nhan sắc cũng mặn mà hết thảy . Đồng thuyền đồng cảnh lại lên đồng tâm trạng khổ đau như nhau nên hai cô coi Xinh như người chị ruột của mình . Ban ngày có Tư Thành chạy sang bậu bạn , ban đêm có hai đứa em cùng cảnh ngộ chung chăn . Nhờ như vậy mà Xinh cảm thấy không còn bơ vơ lạc lỏng giữa chợ đời muôn màu muôn sắc nơi trại tị nạn xô bồ xổn bộn này nữa .

  Tới Galang không bao lâu thì Hoa và Cúc ghi danh làm thiện nguyện trên ban xã hội , nhờ có chút căn bản tiếng Anh nên hai cô làm việc chung với những Cao Ủy chuyên trách giúp đỡ những đồng bào mới tới .

  Như đã nói , Galang là một nơi thiếu thốn đủ thứ , từ vật chất cho đến tinh thần . Nó dễ làm cho con người ta sa ngã . Xạp của Xinh và hai nàng Hoa  Cúc chỉ có ba cô gái nhưng ai nấy nhan sắc hơn người , ba đóa hoa xinh tươi nổi bật giữa rừng người thì làm sao tránh khỏi cảnh bướm ong dập dìu , lời mật lời đường lã lơi chọc ghẹo . Hiềm một nỗi cô chị đã có tình nhân là Tư Thành rồi nên trai tráng chung barrack đâu có dám lén phéng . Chỉ có Hoa và Cúc là phải chịu cảnh bị dòm ngó bởi đàn bướm đói chung quanh .

  Anh chàng Ba Vịnh , một thanh niên cùng tàu và cũng ở chung một barrack . Hắn sang đây cùng với bà già và cô chị cả . Hai Huệ , người chị của Ba Vinh may mắn hơn Tư Xinh và sáu cô gái khác nhờ cái chỗ nhan sắc của ả thuộc loại khiêm nhường đến nổi bướm tránh ong chê Thái Lan hổng dám ngó . Nhờ cái may đó mấy tên cướp biển cứ tưởng là một gã đàn ông xấu xí nên không bị vướng vào đại nạn trên biển lần rồi .

   Hai tuần lễ ở Kuku rồi sang Galang gần tháng nay , những cô gái cùng tàu giờ đâu còn đen đúa tong teo như những đầu ngày mới nhập trại . Vết thương lòng lẫn nỗi đau thể xác theo thời gian rồi cũng phôi phai lành lặn , được ăn uống no đủ , sức khỏe bình phục trở lại mấy hồi . Các nàng giờ đã lột xác trở về với cái vẻ đẹp thật sự của những đóa hoa mới nở . Ba Vinh coi cái mòi mê cô chị là Cúc lắm . Hắn nhờ có thân nhân nước ngoài nên tiền bạc lúc nào cũng rủng rỉnh trong túi . Nghĩ rằng ở trại tị nạn có tiền là mua tiên còn được nên hắn thường lảng vảng tới xạp của Cúc với ý định bắt chuyện làm quen rồi đem tiền ra dụ dỗ  . Tư Thành ngày nào mà chẳng có mặt ở bên xạp của Xinh . Dòm thấy Ba Vịnh cứ núp ló thập thò hoài thì ngứa mắt lắm , lầm tưởng tên công tử vườn này giở trò tán tỉnh người yêu của mình nên xông tới đuổi thẳng .

  Tán gái mà bị kỳ đà cản mũi , Ba Vịnh không còn cách nào khác hơn là chiều chiều canh lúc Thu Cúc xong giờ làm việc ra đón đường . Từ khu barrack chỗ nàng ở ra tới văn phòng xã hội phải đi một đoạn đường dài . Vì ban điều hành trại được đặt ở giữa đoạn đường dài sang trại Galang 2 . Nhưng mấy lần Ba Vịnh trổ tài tán tỉnh là mấy lần ôm đầu lủi thủi trở về . Thu Cúc quả thật không dễ bị quyến rũ bởi đồng tiền như hắn tưởng .

  Có ngờ đâu gã con trai lòng dạ xấu xa , tán không được lại đem bụng thù hằn . Hắn đem chuyện mấy cô gái cùng tàu bị bọn tặc Thái làm nhục ra nói tùm lum cho những người ở những barrack chung quanh nghe . Chuyện các nàng bị làm nhục này trong đó dĩ nhiên cũng có Tư Xinh . Người biết suy nghĩ thì lắc đầu tội nghiệp , kẻ vô lương tâm lại buông lời dèm xiểm khinh khi những nạn nhân đồng cảnh nhưng kém may mắn hơn mình . Đương như không , trong vô tình lại bị thiên hạ khơi lại cái mặc cảm đau thương của mình , các cô uất ức nhưng chẳng biết tỏ cùng ai . Rồi chuyện thấu tới tai Tư Thành , gã hão hán có thành tích hai lần vượt biển phừng phừng lửa giận , vội ba chân bốn cẳng phóng tới xạp thằng chó má Ba Vịnh đấm cho nó vở mặt ra mới hả .

  Ba Vịnh bị ăn đòn no nê nhưng bà mẹ và người chị của hắn lại cành hông vì tức giận . Tức cho tên du côn Lê Hiến Thành đánh con cưng của mình tơi tả . Bà giận cá chém thớt , không tru tréo kẻ đánh đập vì sợ hắn tới trả thù mà lại rủa sả người vô can là hai chị em nạn nhân đã dám chê con mình :

  - Tao đã biểu mày mà mày có nghe tao đâu . Cái con nhỏ bị Thái lan hãm đó có cái gì đẹp đẽ đâu mà mày mê nó dữ vậy chớ . Cái thứ con gái hư bị mấy thằng hải tặc nó hiếp mà con rên nghe hừ hừ . Bây giờ lên đây rồi bày đặt chảnh chẹ lên mặt ta đây . Mày cứ chống con mắt lên mà chờ coi đi Vịnh . Cái thứ đó có ai còn dám rớ tới nữa .

  Hai Huệ , chị của Ba Vịnh sẳn đang đố kỵ nhan sắc với các nàng cùng tàu cũng trề môi xía vô . Thị nói thật lớn , cố ý cho những người chung quanh nghe thấy :

  - Xời ơi . Tại má hổng biết hai chị em con nhỏ đó thôi . Con còn biết tới cái gì nữa kìa . Ở bên Kuku thì nhu mì nhủ mỉ như con nhà đài các trâm anh . Qua tới bên Galang này rồi cái hả , tụi nó quậy tới trời luôn . Ở ngoài văn phòng trại ai mà hổng biết hai đứa nó cặp với mấy ông Cao ủy cao lớn dềnh dàng .

  Thế là đương như không lại có cái tin giựt gân là Thu Cúc và Thu Hoa cặp bồ với Cao ủy . Đã bảo nơi đây người ta đa số thảy đều rảnh rỗi , sống mà hổng cần lo cơm áo gạo tiền thì có gì sướng bằng . Bởi sướng quá cho nên sanh ra nhiều tật , các bà thì trời sanh số một là ngồi lê đôi mách cho nên chỉ sau một bửa , toàn khu Galang 1 ai cũng biết cái nhục bị Thái lan hiếp của Cúc và Hoa .

  Hỡi ôi . Nhục này không phải của riêng hai nàng hoặc sáu nàng cùng ghe , hoặc những nạn nhân khác rãi rác trên khắp các trại tị nạn , mà là cái nhục chung của một dân tộc , nổi đau chung của một dân tộc . Đồng cảnh đồng thuyền nếu may mắn hơn thì phải biết bày tỏ nỗi niềm thương cảm sâu xa của mình , hoặc ít ra cũng vì một chút tế nhị , không bao giờ khơi lại vết thương nhức nhối của các nàng mới đúng . Đàng này , những con người vô tâm , vì ganh tỵ nhan sắc , vì một chút tự ái cá nhân là tán tỉnh không được rồi mang chuyện đau buồn của người ta ra phỉ báng , chế nhạo . Xã hội nào cũng có những con sâu đáng nguyền rủa . Xã hội Galang đương nhiên vẫn không tránh khỏi .

  Rồi cái miệng đời luôn vẻ vời thêm thắt , hai nàng Thu Cúc Thu Hoa còn bị mang luôn tai tiếng  là tới trại chưa bao lâu đã chê đàn ông Việt Nam , đú đa đú đởn cặp bồ với mấy thằng cha ngoại nhân mắt xanh mũi lõ , lớn xác to con .

 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro