tập 19

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 19 (do update lộn nên chương này ra phía trước chương 20


Nhìn vào nạn hải tặc hoành hành trong vùng vịnh Thái Lan hết năm này sang năm nọ , mặc dù Liên Hiệp Quốc đổ ra không biết bao nhiêu tiền , Hoa kỳ tăng cường cho hạm đội đẩy mạnh chiến dịch bài trừ nạn tặc khấu nhưng chính phủ Thái Lan lại tỏ ra thờ ơ . Phải nói thẳng ra là họ dung dưỡng cho bọn chúng hơn bài trừ . Thái độ này khiến cho người ta ngờ rằng chính phủ Mã Lai và Thái Lan có cùng một chính sách sử dụng bọn cướp biển như món vũ khí nguy hiểm để ngăn chận bớt làn sóng thuyền nhân vào lãnh hải của họ . 
Biết rằng các trại tỵ nạn chỉ là chỗ tạm dung trong một giai đoạn thời gian nào đó thôi . Trước sau gì các thuyền nhân này cũng lên đường đi định cư ở các quốc gia khác . Chớ có ai vượt biên rồi muốn ở luôn tại Mã lai đâu . Hơn nữa , với con số hàng chục ngàn thuyền nhân ấy tất cả đều nằm im trong trại tỵ nạn , có ai đi lang thang ra ngoài đâu mà họ sợ trốn lại hoặc sợ ảnh hưởng đến nền an ninh của quốc gia . Tóm lại , tỵ nạn đến từ Việt Nam không gây ảnh hưởng lớn lao nào đến kinh tế hoặc an ninh hoặc một gánh nặng nào cho quốc gia họ cả . Với số chi phí hàng triệu Mỹ kim được Liên Hiệp Quốc đài thọ để nuôi ăn nuôi ở cho dân tỵ nạn . Các cơ sở nhà máy trên đất nước họ cũng được khấm khá nhờ vào những hàng sản xuất cung cấp cho người tỵ nạn . Chính phủ họ sợ đây đương nhiên là cùng một nỗi sợ với chính phủ Tân gia ba , nghĩa là mối hiểm họa “Hoa kiều” . Mối sợ này lây lan làm ảnh hưởng luôn đến những người Việt tỵ nạn Cộng sản thật sự . 
Với một đất nước vỏn vẹn 13 triệu dân nhưng tỷ lệ chủng tộc lại quá lớn . Người Hoa chiếm 45 phần trăm dân số và có thể còn cao hơn . Đa số Hoa kiều ở Mã Lai kiểm soát phần lớn kinh tế quốc gia . Bây giờ nếu tính thêm 10 phần trăm người Ấn độ đang sinh sống thì người Mã lai chính gốc lại trở thành thiểu số ngay trên đất nước của họ . Nhìn những chiếc tàu sắt khổng lồ cứ liên tục đổ người lên đất của mình , mà ba phần tư trong số ấy trong những năm này đều là người Hoa . Đương nhiên chính phủ Mã lai đâu có muốn cho dân tỵ nạn người Hoa đến đất nước của mình thêm . Một nguyên nhân thứ nữa là họ lại sợ rằng , đến một lúc nào đó các quốc gia phương Tây lại thay đổi chính sách , hoặc giã có một biến chuyển chánh trị nào đó , họ cắt bỏ chương trình tỵ nạn thì đất nước Mã lai lại phải gồng mình gánh lấy món nợ thuyền nhân này hết sao . 
Nhằm giảm bớt cái gánh nặng càng ngày càng chồng chất , chính phủ Mã Lai gia tăng áp lực đến các quốc gia Tây phương để họ nhanh chóng giải quyết cho số thuyền nhân ứ đọng nơi các trại tỵ nạn . Ngày 8 tháng 8 năm 1978 họ chính thức chọn hòn đảo Pulau Bidong để làm một trại tỵ nạn duy nhất . Vì sao lại chọn một hải đảo hoang vu xa xôi trắc trở này để làm trại tỵ nạn thì cũng quá dễ hiểu thôi . Chúng mày là những đứa nhập cư bất hợp pháp thì phải cho ra hải đảo nằm phơi sương phơi gió . Một hòn đảo chơi vơi xa tít mù ngoài khơi như vậy nếu tụi nó muốn trốn ở lại xứ Mã lai của tụi tao coi ra là một việc còn khó hơn lên trời .
Cũng vì Bidong xa xôi cách trở , việc chuyển vận khá nhiêu khê và tốn kém . Do đó trại Marang vẫn duy trì để làm trạm trung chuyển khi có người tới hoặc rời đảo sang đất liền . 
Thuyền nhân nhập trại thì không nói làm gì nhưng những người được nước thứ ba chấp nhận , họ tất nhiên phải rời đảo sang trại Marang bên đất liền . Rồi ngồi xe buýt vượt hàng ngàn cây số xuôi Nam đến trại chuyển tiếp Singei besi trong nội thành thủ đô Kualalumpur . Ở đây thuyền nhân được hoàn tất mọi thủ tục khám sức khỏe và chờ chuyến bay . Giai đoạn cuối cùng mà cũng là sung sướng nhất của cuộc đời tỵ nạn là ở trại này . 
Trở lại hòn đảo Pulau Bidong , tức buồn lo Bi đát . Chữ Pulau trong ngôn ngữ Mã Lai có nghĩa là đảo , còn Bidong là rắn . Pulau Bidong tức đảo Rắn . Hòn đảo mang tên Rắn nhưng khi có dấu chân thuyền nhân rồi thì dù cái da rắn lột cũng chẳng thấy chớ nói gì tới con rắn . Tháng 07 năm 1978 , 121 người tỵ nạn Việt Nam đầu tiên được đưa đến hòn đảo hoang này . Một trăm hai mươi mốt vị “khai quốc công thần” này bây giờ chẳng biết ai còn ai mất nhưng hồi ấy có lẽ họ đã trãi qua những tháng ngày cơ cực không tả xiết . Với đôi tay trần chân đất họ bắt buộc phải nai lưng ra chống chọi với mọi khó khăn để sinh tồn . Ba tuần lễ sau đó có thêm 600 thuyền nhân được chuyển tới . Nhưng cho đến lúc này Cao Ủy Liên Hiệp Quốc vẫn chưa tiến hành bất cứ chương trình nào hầu giúp đỡ ngoài chút đỉnh lương thực gọi là cầm hơi .
Thời gian này phải nói là gian nan hết mức . Gần tám trăm con người từ khắp mọi miền đất nước gồm đủ thành phần trong xã hội giờ trông giống như những tù nhân bị lưu đày nơi hoang đảo . Mà họ đúng là bị lưu đày rồi chớ còn gì nữa . Chưa kể cái chính phải đối diện là thiếu thốn thực phẩm , cái đáng ngại nhất vẫn là nước uống . Đi vượt biên trên biển ghe hết nước chịu nhịn là phải , bây giờ lên tới bờ rồi mà cũng chẳng có nước ngọt để uống mới thiệt là khổ . Đó còn chưa kể tới ba cái khó khăn khác như chỗ ở , mưa gió bất thường không nơi ẩn nấp . Người lớn thì chẳng nói làm chi , mấy em bé mới thiệt là tội nghiệp .
Với năm ba con dao chành bầm hoặc khá hơn nữa là cây búa bửa củi , những chàng thanh niên hăng hái xung phong phát hoang hạ trại . Họ chia thành từng toán , kẻ lên rừng đốn cây cất chòi , người xuống biển mò cua bắt cá . Thời gian này vô tình họ phát giác ra trên đảo có một con suối . Từ trên đỉnh núi trung tâm đảo cao khoảng 300 mét , một con suối nhỏ chảy ngoằn ngoèo thông ra mé biển . Có nguồn nước quan trọng này là có sự sống . Thế là bà con ta an tâm không lo chết khát nữa . Họ ra công phát hoang lập ấp . Lều lớn lều nhỏ mọc chi chít dọc theo hai bên bờ suối . Một tháng sau đó , khi chính phủ Mã lai tuyên bố Pulau Bidong là trại tỵ nạn chính thức thì số thuyền nhân được chuyển đến từ những trại khác đông đến phát ngợp . Trong vòng tháng Tám đã có thêm 9 ngàn người nhập đảo và đến cuối năm 1978 số người hiện diện ở Bidong là 29 ngàn người . Không bao lâu sau đó số thuyền nhân tăng lên đến mức không thể ngờ là 54 ngàn người . Với diện tích chỉ hơn nửa cây số bằng phẳng của hòn đảo , người ta phải bồng bế nhau lên ở trên non . Lều trại dựng lên khắp mọi nơi , thậm chí trên lưng chừng núi cũng có những tổ ấm của dân tỵ nạn . Có những thanh niên khỏe mạnh , họ rủ nhau trèo núi thám hiểm hòn đảo với mục đích đi tìm đất sống . Trong một lần trèo núi sang tận bờ biển phía bên kia hòn đảo mà sau này người ta gọi là khu G . Ở đây , vô tình người tỵ nạn phát giác ra có hơn trăm thuyền nhân Việt Nam hiện đang sống cuộc đời Lỗ Bình Sơn hoang dại nơi một góc hải đảo . Họ là những người may mắn còn sống sót khi ghe tấp vô Bidong đâu từ đời nào . Chánh quyền Mã Lai không biết và những thuyền nhân này cũng chẳng biết mình đang ở đâu . Chỉ biết hái dừa bắt cá và tối thì chui vào hốc đá để ngủ qua đêm . Nếu không có những thuyền nhân phía bên kia trèo núi thám hiểm thì có lẽ những Lỗ Bình Sơn khu G này sẽ trở thành những ông Đạo Dừa di tản mất . Một người trong họ hóm hỉnh thốt lên .
Từ một hòn đảo hoang sơ vắng lặng thiếu dấu chân người nhưng chỉ vài tháng sau Bidong đã chuyển mình thành một chợ đời ồn ào náo nhiệt . Sức vươn dậy của dân tộc Việt Nam có thể coi như được thể hiện rất rõ nét ở đây . Hai chữ Tự Do mới tìm lại được nơi mãnh đất bên ngoài quê hương này đã tạo cơ hội cho người ta sử dụng trí sáng tạo để vượt qua những điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt , chống chọi với thiên nhiên nhằm thích nghi với đời sống quá khó khăn , thiếu thốn hiện tại . Với nguồn củi đốt dồi dào từ trên núi , ai có sức cứ việc trèo lên đó mà đốn mà chặt . Về nước ngọt , ngoài số lượng được cung cấp theo tiêu chuẩn mỗi đầu người 8 lít , người ta đào hàng trăm cái giếng để lấy thêm nước tắm rửa giặt giũ .
Khi số thuyền nhân được ùn ùn chuyển tới , tức trong khoảng thời gian từ tháng 8 năm 1978 . Cơ quan tổ chức đã phân định rõ ràng các khu nằm trãi ra trong phạm vị bằng phẳng của hòn đảo và vẽ ra kế hoạch chỉnh trang bằng cách gom thuyền nhân lại trong một khu vực nhất định . Tính thì dễ nhưng khi bắt tay vào việc họ lại lắc đầu bó tay chịu thua ngay . Số thuyền nhân đầu tiên tức những “khai quốc công thần” khẩn hoang lập ấp đã tự động chọn cho mình những địa thế thích hợp để cất lều . Rồi người tới sau cũng học theo . Kế đến , trong một khoảng thời gian ngắn mà số người dổ dồn tới tăng vọt quá nhanh thì lều trại mọc lên tùm lum không còn thứ tự khu vực gì cả . Thét rồi chỗ ở cứ tràn lan , gậm nhậm hết cả núi đồi , tức là những khu vực nằm ngoài kế hoạch . Pulau Bidong bây giờ là một mê hồn trận không tên . Lối đi là những con đường mòn ngoằn nghoèo ngập đầy rác rến . Lều trại loạn xạ xà ngầu , dưới tàn cây , trong khe đá , dưới bãi biển … đâu đâu cũng lều xanh lều xám chen chúc nhau như mê cung . 
Nếu là một người mới tới đảo , nhàn rỗi không có chuyện gì làm thì thử chui vào mê cung tỵ nạn một chuyến cho biết sự tình . Trong các lều sàn tạm bợ này người ta tận dụng tất cả những thứ hỗn tạp ngỗng ngang chấp vá như giấy cạc tông , mảnh cao su , miếng ván , tấm ton v.v . Khu nhà ở bất cứ nơi đâu cũng ngập đầy rác và rác . Môi trường tốt cho ruồi nhặng chuột bọ sinh sôi nẩy nở , dịch bệnh đe dọa . Các ông các bà , kẻ nằm dài trên những thân cây nhỏ ghép lại được gọi là chỏng , hoặc đu đưa trên võng mệt mõi nhìn trời . Còn con nít chúng nó vô tư cứ lo tối ngày chơi đùa bùn sìn đất cát trên các miệng giếng , kế bên vài ba cô gái ngồi xỗm giặt quần áo hay kéo nước tắm rữa .
Trên toàn đảo khu nào cũng thế , cũng đông nghẹt người là người . Lều mọc trên lưng đồi , lều dựng ngay hốc đá chen nhau từng tấc đất trống . Có thể nói Bidong thời bấy giờ không còn một chỗ nào được coi như vắng vẻ . Lều trại thì toàn là sường và nóc hoặc tốt hơn là có thêm chút vách phên vá víu . Bên trong ai đứng nằm hoặc ngồi hoặc làm gì đều lọt vào mắt của người hàng xóm hết ráo . Hãy tưởng tượng ở một nơi mà sự tổ chức và chuẩn bị chưa có lại ùn ùn chuyển người tới với mức độ chóng mặt như thế này thì sự xô bồ xổn bộn nó tồi tệ đến cở nào . Với một khoảng đất rộng chưa đầy một cây số vuông mà chen chúc cả ba bốn chục ngàn người thì thử hỏi có còn nơi nào là trống trãi vắng vẻ . Sự riêng tư kín đáo tối thiểu cho mỗi con người đã là một cái gì đó không thể có được ở một chỗ đúng nghĩa với hai chữ công cộng của nó .
Cũng như các trại tỵ nạn khác , Bidong là một xã hội thu hẹp tập họp với đủ mọi thành phần trong nước . Đủ mọi bề mặt của cuộc sống khôn dại thương ghét đều thể hiện rõ nét ở đây . Nhưng người ta không thể nào phân biệt được một ông bác sĩ với một anh thợ hồ , một ông kỹ sư với một bác nông dân . Cái cảnh tha hương tỵ nạn trần thân khổ ải , cái mảnh đất dung thân gói ghém họ lại chung sống với nhau dù thứ bậc gì trong xã hội cũng cùng chung một hoàn cảnh , một hy vọng như nhau . Những người thừa thiện chí thì hợp quần lại , chung vai sát cánh thành lập những toán an ninh trật tự , toán cấp cứu và đặt biệt là toán vệ sinh phòng dịch . Rồi với sự hỗ trợ của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc và Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ , các khu khối ban thành hình . Không bao lâu sau , sinh hoạt trên Bidong đã đi vào trật tự nề nếp , có tổ chức quy củ hẳn hòi . Phải nói sức vươn dậy của người Việt mình thật đáng kính phục . Họ đã khiến cho những nhân viên đại diện Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc có mặt nơi ấy phải nghiêng mình kính nễ một dân tộc .
Ở Bidong không ai chết đói . Tiêu chuẩn gạo có thể nói dư thừa nhưng chất tươi thì rất thiếu thốn . Do đó , không biết từ lúc nào và giống tìm ở đâu , người ta trồng rất nhiều rau dền , khoai lang . Những thẻo đất canh tác hiếm hoi này cũng đem lại chút đỉnh tiền cà phê thuốc lá , đở khổ hết sức . Đó là nói về những đồng bào tới đảo với hai bàn tay trắng hoặc bị cướp lột sạch . Phần những người có tiền hoặc vàng thì họ sống vương giả hơn . Cà phê thuốc lá , hủ tiếu bánh bao đâu có thiếu cái giống gì ngoài chợ . Thậm chí có cả lò bánh mì và đậu hủ nữa . Mấy bợm nhậu thì cũng hổng sợ chết ghiền vì trên núi , đâu đó trong lùm cây hay hốc đá , người ta lén lút nấu rượu lậu phục vụ cái đám con cháu Lưu Linh . Dân tộc Việt Nam số một mà , cái gì càng cấm thì càng làm . Cao ủy cấm nấu rượu là chuyện đương nhiên , chánh phủ Mã Lai theo đạo Hồi thì còn cấm rượu gắt gao hơn nữa . Bởi vậy muốn nấu rượu thì phải hè hụi nhau khiêng nồi nêu lên trên núi . Nấu trên này được năm ba cái lợi , mùi rượu tỏa ra lảng theo gió có ai phát giác chớ . Củi thì thiếu gì ở trong rừng cây bạt ngàn đó , gạo phát cho ăn dư ê hề để đó làm chi . Men thì gởi mấy tàu hàng Mã lai mua ở trong đất liền . Trấu à , thứ gì mà chẳng có . 
Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh cho đồng bào trên đảo , những vị thuyền nhân khai quốc công thần chọn một ngọn đồi nho nhỏ sát mé biển , nơi che chở cho vài chục nấm mồ thuyền nhân bạc mệnh , ngọn đồi Tôn giáo được ra đời với một ngôi chùa Từ Bi , một nhà thờ Công giáo và một nhà thờ Tin Lành . Ở Bidong , ngọn đồi Tôn giáo , một nơi duy nhất cho thuyền nhân có thể đến để tìm được chút ít thanh thản nào đó mà thôi .Trên ngọn đồi thấp có nhiều cây cao bóng mát , đón gió biển rì rào . Ở đây là nơi tôn nghiêm là nơi cầu nguyện , là niềm hy vọng là mơ ước của mọi người . Hy vọng mơ ước được rời đảo đi định cư sớm . Nơi một góc phía Nam của đồi người ta có dựng lên tượng đài tưởng niệm thuyền nhân . Đài tưởng niệm này được xây dựng từ khi hòn đảo mới mở cửa , nền tượng đài có hình chiếc trống đồng ở trung tâm , bao quanh bởi bốn cánh buồm . Một trong bốn cánh buồm ấy có khắc bốn câu thơ bằng chữ Nôm . Tác giả là một vị lão niên biết chữ Nôm , lúc xây dựng tượng đài , người ta muốn có một bài thơ chữ Nôm nên đã nhờ cụ . Cho đến bây giờ thì vị lão niên ấy đã gần trăm tuổi , với trí óc không còn minh mẫn khi có người hỏi bốn câu thơ Nôm ấy nghĩa là gì thì cụ ghi xuống như vầy :
Nơi đây hương khói ngàn thu
Thuyền nhân tạm nghỉ trong mồ trùng dương
Buồm cao ghi dấu can trường
Trống Thiêng gọi kẻ bốn phương tìm về .
Một ngôi miếu nhỏ cũng được dựng lên trong thời gian này ngay tại bãi khu A gần chân cầu Jetty mà lúc nào cũng khói nhang nghi ngút . Người ta bảo đây là ngôi miếu thờ ông già Bidong , một thuyền nhân duy nhất còn sống sót trên chiếc tàu sắt . Khi tàu tấp vào Bidong thì ông cố lết lên tới bên gốc dừa rồi ngồi đó . Không ngờ lại bị trái dừa rơi trúng đầu . 
Theo người viết đã bỏ công sưu tầm thì những câu chuyện truyền khẩu tam sao thất bổn được cho là huyền thoại Bidong thật khó mà phăng ra nguồn gốc . Nhưng chuyện ngôi miếu và ông già bị dừa rụng chết sự thật chẳng có dính dáng gì với nhau . Chính mắt những thuyền nhân từng sống ở đảo trong khoảng thời gian Bidong mới định hình , đã chứng kiến thì ngôi miếu ấy không hẳn để khói nhang thờ phượng ông già chết vì bị dừa rụng trúng đầu như đa số đồng bào ở Bidong được nghe kể . Bởi vì ông già kém may mắn ấy là một thuyền nhân bơ vơ do chuyến đi bị thất lạc sao đó nên ông đến đảo có một mình . Vì thương nhớ gia đình còn kẹt lại nên chiều chiều thường hay ra bờ cát ngồi trông ra biển lớn nhớ người thân rồi chẳng ngờ trái dừa vô tình kia đã cướp đi sinh mạng của ông . Chuyện ông già chết xảy ra giữa năm 1979 và sự thật được nhiều người trông thấy là nơi ông chết cũng rất gần ngôi miếu . Ngôi miếu đã dựng lên trước cái chết của ông già thì hai chuyện đương nhiên chẳng liên quan gì với nhau cả . Có lẽ ngôi miếu ấy của người Hoa , họ lập lên để thờ phượng một vị Thần Thánh nào đó của họ mà thôi . Nên biết người Hoa là chúa mê tín dị đoan mà . 
Cũng như huyền thoại được thiêu dệt về chiếc tàu sắt ma quái hiện vẫn còn nằm phơi xác tại bãi biển khối tiếp liệu , cạnh cây cầu lên đồi Tôn giáo . Chỉ là một cái xác rỉ sét của chiếc tàu mà lúc trên đảo quá chật chội không còn chỗ để ở , có nhiều gia đình phải chui xuống chiếc tàu sắt huyền thoại ấy để náu nương . Ai đã từng ghé lại Bidong thì cũng nghe kể ít nhất ba bốn câu chuyện truyền khẩu liên quan về cái xác chiếc tàu này . Sự thật thì đó là chiếc tàu đầu tiên cập thẳng vào Bidong cuối năm 1978 , lúc đảo đã chính thức mở cửa hoạt động . Tàu mang số TV 148 xuất phát từ Trà Vinh mà anh tài công hiện đang sống ở Melburne Úc Đại Lợi . Anh ta đã xác nhận rằng tàu đi trong đợt bán chính thức , có một ít người chết trên đường vượt biên nhưng không đến nổi hãi hùng như những mẫu chuyện thêu dệt chung quanh nó . 
Nhắc đến ông già bị dừa rụng chết thì cũng nên nhắc lại huyền thoại của bức tượng ông già Bidong đứng trơ gan cùng tuế nguyệt , thách thức với gió biển mưa rừng ngay mé biển đồi Tôn giáo . Bức tượng này do điêu khắc gia Nguyễn Văn Thân thực hiện . 
Vào cuối năm 1978 , một chiếc ghe vượt biển tấp thẳng vào Bidong . Khi còn khoảng 100 mét thì ghe va phải đá ngầm . Mấy chục người trên ghe bắt buộc phải nhảy xuống biển để bơi vào bờ . Qua nhiều ngày lênh đênh sau chuyến hải hành , đa số đã kiệt sức nên họ không thể chống chọi với những lượn sóng to dữ dội . Rất nhiều người đuối sức đành buông trôi theo dòng nước phủ phàng . Một đứa bé gái chưa vội bỏ cuộc , đang cố sức vùng vẫy lặn hụp giữa vùng tuyệt vọng . Chứng kiến cảnh tượng thương tâm ấy người ta thật mà khó khoanh tay đứng nhìn . Biết là nguy hiểm lắm nhưng một trong những người đàn ông đang có mặt trên bờ không thể kềm lòng , ông vội cởi phăng chiếc áo phóng xuống biển bơi vội ra chỗ cô bé sắp chìm tới nơi . Ông túm lấy cô bé và bơi vội trở vào bờ . Nào ngờ khi tới gần sát những ghềnh đá thì một lượn sóng to đùng xô cả hai đập vào vách đá rồi cuốn họ ra xa . Sáng hôm sau , nhiều thi hài tấp vào bãi biển . Trong số ấy người ta tìm gặp một thi hài của ông trung niên và cô bé gái . Xác đứa bé vẫn còn ôm chặc vào lưng ông , không làm sao gở ra được . Cuối cùng đành phải chôn hai cái xác của ông cháu xa lạ kia vào chung một huyệt mộ . Qua bao năm tháng , biết bao lượt kẻ đến người đi nhưng hai ông cháu xa lạ đó vĩnh viễn ở lại hòn đảo vắng . Bây giờ người vượt biển đã không còn nữa , Bidong trở về với những ngày hoang tàn cố hữu của nó nhưng bức tượng ông già Bidong bồng đứa bé vẫn còn đó , một chứng tích bi tráng của một cuộc vượt biển vĩ đại vẫn còn trơ gan cùng tuế nguyệt .
Trong khoảng thời gian đảo Bidong mở cửa hoạt động thì cũng đúng thời điểm Hội Y Sĩ Không Biên Giới thành lập những bệnh viện nổi trên những con tàu ra khơi cứu vớt thuyền nhân . Một trong những chiếc tàu ấy là chiếc Đảo Ánh Sáng , sau khi vớt thuyền nhân trên biển nó vào thả neo ngoài khơi đảo Bidong để làm bệnh viện chửa trị những ca đặc biệt . Sau đó , tất cả dụng cụ y khoa đã để lại Bidong và nhờ vào đài thọ của chánh phủ Tân Tây Lan , bệnh viện Sick Bay được xây dựng ngay trên đảo . Đồng bào đến từ mọi miền đất nước , những ai đã tốt nghiệp y khoa dược khoa nha khoa hoặc các sinh viên đang theo học ngành y thảy đều xung phong phục vụ với tư cách thiện nguyện ở bệnh viện .
Tóm lại , hòn đảo tỵ nạn nổi tiếng Pulau Bidong kể từ ngày mở cửa đón nhận thuyền nhân tức tháng 8 năm 1978 đến ngày đóng cửa , chấm dứt chương trình tỵ nạn tức ngày người cuối cùng rời đảo vào tháng 9 năm 1990 , theo thống kê thì có đến 289 ngàn thuyền nhân đã đặt chân lên đảo . Khoảng 4 ngàn trẻ em chào đời ở bệnh viện SickBay và 3 ngàn người vĩnh viễn nằm lại Pulau Bidong . Ngọn đồi khu F vẫn còn đó vô số nấm mồ của những thuyền nhân đi mà không đến .


……………………….

Dần ròm và thằng bạn mới quen sau khi hoàn tất thủ tục lăn tay chụp hình làm thẻ tỵ nạn , chúng vào xếp hàng trong bệnh viện Sickbay để được chích ngừa . Trên đường về chúng được người ta chỉ là ghé qua khối xã hội để xin quần áo , bởi chúng khi tới đảo chẳng đứa nào có được bộ đồ thứ hai để thay đổi . Từ cái bửa may nhờ làm quen được với Bộ , gã thanh niên đi chung ghe cùng ở một dãy longhouse nên Dần không đến nổi phải bị câm và điếc . Căn A9 với mấy người Hoa chợ lớn mà lúc nào cũng kỳ thị ra mặt với cái thằng tỵ nạn Việt Nam đó bây giờ chỉ để dành tối mò về ngủ thôi , ban ngày thì nó cùng ăn uống và ở miết bên căn A2 . Ở đây toàn là những người miệt vườn miệt biển , họ rất dễ thân thiện và sẳn lòng giúp đỡ , chỉ dẫn những kẻ tới sau . Thức ăn hàng ngày thì đơn giản chỉ có cơm trắng và thịt gà hộp . Biểu là gà đóng hộp nghe ngon lành chớ ăn thẳng kè cở một tuần là ớn tới cần cổ . Sang tuần thứ hai thì người ta đành phải ngoảnh mặt với nó ngay . Có hai cái lý do để ngoảnh mặt , thứ nhất là quá ngán nuốt không trôi , thứ nữa là ăn nó vô có lắm người bị phản ứng , ngứa ngáy chịu đời không thấu . Thử tưởng tượng tới cái cảnh đời nóng bức như ở Bidong mà bị ghẻ ngứa thì trời hỡi có gì đau khổ cho bằng . Đàn ông con trai ngồi đâu gải đó , chuyện tầm thường không nói làm chi . Rủi thay em gái tỵ nạn lỡ kẹt vướng vô căn bệnh này rồi thì thiệt là khổ sở . Lều trại bốn bề trống hóc , ngứa quá muốn gải một chút cho đã cũng chẳng biết trốn chỗ nào để gải . Bởi vậy Bidong thời này có một bài hát rất thịnh hình , có lẽ do một anh chàng có máu tếu nào đó trông thấy em gái tỵ nạn hàng xóm của mình gải ngứa nên đã xuất khẩu hát bừa để chọc chơi rồi bài hát trở thành phổ thông luôn :
- Thôi rồi còn chi … ôi đôi mông
- Chắc là gà lon nơi Bidong 
- Em ơi , em ơi … đi tắm hông …
Hai thằng Dần và Bộ thường hay xuống phía dưới gầm nhà , nơi có móc vài cái võng , nằm lắc lư kể chuyện quê nhà , chuyện vượt biển , chuyện tình buồn . Bộ cũng là một đứa con bà Phước , tức chẳng có diện nào và không thân nhân ở ngoại quốc nên tương lai chắc mẽm là xơ xác lắm . Mới làm quen có vài ngày mà hai thằng coi có mòi thân thiết với nhau . Rồi trong những lúc nhàn rỗi nằm nhớ nhà nhớ quê thủ thỉ tâm tình đó , Dần mới biết thằng Bộ cũng có cùng một tâm trạng thê lương như mình , nghĩa là cô em đi chung với nó là một trong 4 cô gái bị hải tặc bắt đi . Đồng cảnh tương lân , hai thằng càng thêm khắn khít .
Tới đảo khoảng một tuần thì tất cả mọi thủ tục xong xuôi , sức khỏe cũng đã phục hồi . Chúng được loa gọi đi làm nhân lực tàu . Tất cả trai tráng hạng tuổi thanh niên khi tới đảo , nếu không tình nguyện phục vụ trong các khu khối ban thảy đều trở thành nhân lực tàu . Tức là đi làm công tác cộng đồng , thường thì hai ngày một tuần . Có thể khiêng cây cất nhà , có thể khai thông cống rãnh hoặc giải tỏa xà lan lúc hàng tiếp liệu nhập đảo . Đi làm thì làm nhưng tai thì lúc nào cũng phải để ý đặng lắng nghe tiếng loa phóng thanh Bởi vì nó rất quan trọng không thể dễ ngươi . Phái đoàn gọi lên phỏng vấn , có thư bảo đảm , có tin nhắn v.v . Nói tóm lại chiếc loa phóng thanh nó gắn liền với đời sống của những thuyền nhân trên đảo . Hớ hênh không để ý tới nó là thiệt thân về mình . Sinh hoạt trên đảo thường là như vậy đó . Đi công tác cộng đồng chỉ có 1 hoặc hai ngày 1 tuần , phần thời gian còn lại hoàn toàn rảnh rỗi . Người biết lo thân thì ghi danh học Anh ngữ hoặc học nghề . Kẻ không thích học thì quay sang canh tác trồng rau hay đi câu cá . Lười nhát hơn nữa thì thả rong tìm coi có ai quen xin hút ké . Ở đảo dân ghiền đói quá mà . 
Trên Bidong đâu có thiếu những khuôn mặt buồn lo bi đát . Người lớn tuổi chán chường bó chân lo rầu nằm đâu thấy chán đời đó . Đây là những nổi khổ đau chịu đựng mà trong mỗi thuyền nhân là mỗi hoàn cảnh khác nhau , một dấu ấn khó quên nơi trại tỵ nạn . Kẻ thì gia đình phân ly , bị xé vụn khi trốn khỏi Việt Nam . Cha mẹ vợ con chẳng biết tin tức còn số phận của chính mình thì không biết ra sao . Lại có người được chấp nhận cho đi định cư nhưng nhân tình thì ở lại chưa biết về đâu . Tình Bidong có list thì dông , đau lòng cho cảnh kẻ ở người đi . Biệt ly trong cuộc đời tỵ nạn là những cảnh thường xảy ra nhất ở trại . Nhưng đau đớn hơn hết chắc có lẽ những người lọt vào hoàn cảnh như Dần và Bộ . Khi ra đi thì có đôi có cặp , gặp nạn giữa đường khiến đôi cặp phân chia . Một người thì may mắn tới được bến bờ còn một kẻ chẳng biết hiện trôi giạt nơi đâu , sống chết thế nào . 
Nhạc sĩ Nguyễn Cao Quốc Hưng , một thuyền nhân đã ghé bến Bidong trong những năm cuối thập niên 70 , ông viết lên tâm sự buồn của lòng người tỵ nạn nơi hải đảo qua bài ca Pulau Bidong như sau :
Như chiếc lá mong manh trôi giạt
Giữa biển trời sức mạnh bao la
Tạ ơn người , thuyền vượt phong ba
Ta đến được Ma lay si a
Viết cho thân nhân lá thư xanh
Từ Pulau Bidong xa xăm
Trên hòn đảo nhỏ còn say sóng
Trong túp lều con mới lợp xong
Người ơi
Không sao quên được Tết năm Mùi
Cái Tết thiêng liêng của cuộc đời
Mong ước chứa chan niềm hy vọng
Mới ra đi đã mong ngày ấy trở về
Năm đó Tết
Không bánh chưng không có pháo
Không cả đào , cúc lẫn hoa mai
Ta chỉ có cành lan đầy sương gió
Tô điểm cho mùa xuân đầu tha hương
Ai còn nghe tiếng nức nở đoạn trường
Thương người đi một đoạn đường trắc trở
Đại dương xanh thẫm tanh mùi xác
Con thuyền kia trôi dạt về đâu
Cầu cho hồn
Sớm về cõi Tây Phương cực lạc
Hoa thanh bình của nước tịnh tâm
Không phải thiên đường hai chủ nghĩa
Mà cuộc đời còn lắm nỗi gian truân
Ai hát bài ca bị Mỹ xù
Ai lên đường tiếp tục phiêu du
Tìm về phương trời đầy mộng ước
Nửa muốn đi mau nửa ngập ngừng
Mối tình lưu luyến nỡ rời xa
Người đi biển cả buồn không nói
Chỉ đập từng cơn sóng lạnh lùng 
Hòn đảo
Mái xanh xa dần trong đôi mắt
Lưu lại lòng bao nỗi nhớ nhung
Nhớ gì như ánh mắt người yêu
Ánh lửa xa xôi mỗi buổi chiều
Bảng lảng hồn ta từng cơn sóng 
Đêm dài biển rộng giấc cô liêu .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro