Cửa Tiệm Giấc Mộng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bóng tối chìm xuống nơi thành phố mơ

Ánh sáng lập lòe nơi cửa tiệm giấc mộng

Hắt vào sự đơn côi của đêm dài

Người đẩy cửa vào long đong, long đong như những phận đời, những nỗi buồn và nước mắt

Đám đông không mặt

Không ai nói gì với nhau

Như điều mặc định của cuộc đời.

Cửa tiệm giấc mộng sáng đèn khi chùm sáng cuối cùng rụt lại nơi nền trời. Giữa màn đêm đặc quách, ánh sáng tím từ bảng hiệu cửa tiệm hắt vào không gian một nỗi cô đơn lạ lùng. Có một người đẩy cửa vào, tiếng chuông đầu cửa vang lên, trôi vào dĩ vãng. Cô chủ tiệm đứng ở quầy quay lại nhìn, phía sau là hàng trăm hàng chục chai lọ, trải dài suốt khắp tiệm. Nơi đây thật chất là một quán bar, một quán bar mà người ta buôn giấc mộng.

Buôn giấc mộng? Đối với người ở thành phố khác, khi nghe đến cụm từ này, chẳng hẳn ai cũng phải thốt lên "cái quái gì thế", nhưng ở thành phố mơ, khi ranh giới giữa trẻ thơ và trưởng thành bị xóa mờ, khi ranh giới giữa nụ cười và tiếng khóc hòa lẫn vào nhau, thì việc buôn giấc mộng có lẽ không phải là việc gì quá kì lạ. Người thành phố mơ biết rằng, vốn dĩ rượu và mơ đều có chung một cốt lõi (khiến người ta nhất thời thoát ly khỏi thực tại), chỉ khác rằng rượu là cho người lớn, mơ là cho trẻ con.

Cô chủ đứng lặng người, cái im ắng của tiệm lắng vào đầu người ta tạo ra sự bức bối. Người mới vào ngồi xuống, quay đầu nhìn xung quanh. Người đó nhìn mãi, nhìn mãi và chẳng thấy ai cả, những người ở đó với họ chỉ là một đám đông không mặt dù có đủ cả mắt mũi miệng trên người. Rồi người đó hướng đến cô chủ, có chút lung túng, bảo:

"Cho tôi một ly Nỗi buồn."

Nỗi buồn là thức uống yêu thích của quán, song đối với mỗi một người Nỗi buồn lại có vị khác nhau. Cô chủ quán gật đầu nhưng lại không pha vội, cô gõ tay mình lên quầy, hỏi:

"Nỗi buồn đó trông như thế nào?"

Đem nỗi buồn hóa hình giống như đem vị giác miêu tả thành đồ vật, dẫu khó, nhưng vẫn làm được, người khách sau một hồi bần thần lại mở miệng. Có lẽ người ấy đã nhẩm đi nhẩm lại câu từ rất nhiều lần trong bộ não, nghĩ về cái gì nên nói và cái gì không nên, nhưng người ấy đôi khi quên rằng, Nỗi buồn chỉ dành cho những người thành thật.

"Nó giống như đá, cũng giống như đêm, lạnh ngắt."

Một câu, đôi ba con chữ nhưng cũng đủ làm hài lòng cô chủ, cô chủ tiệm giấc mộng không mong gì hơn khi pha Nỗi buồn bằng những lời nói thật, Nỗi buồn là những gì sâu thẳm nhất của con người mà người hiện đại không dám diễn tả thành những từ ngữ khác mà phải gọi chung chung là nỗi buồn.

Ví dụ nhé, khi một người nói họ buồn, nó có thể là họ thật sự buồn, buồn về một chuyện gì đó hơi cá nhân chút, cũng có thể buồn một nỗi buồn thế giới, nhưng đó là nỗi buồn đơn giản nhất, một nghĩa mặt ngoài. Nhưng có những nỗi buồn, khi mà cả sự bất lực, đau khổ, quằn quại và cô độc gói gọn thành một chữ "buồn". Nỗi buồn ấy nặng lắm, nó không còn là nỗi buồn thuần túy nữa, song nó lại là nỗi buồn mà ta phải trải qua đâu đó trên cuộc đời mà khi đó ta chỉ dám dùng từ "buồn" để miêu tả.

Nỗi buồn của người ấy xanh sẫm và có chút cay, một chút cay nhưng không đến nỗi đốt lấy cổ họng, thêm một chút đắng ngay đầu lưỡi như một dư ba của một thứ gì đấy mà ta không hay nói thành lời. Nỗi buồn của người ấy nhiều đá, rất rất nhiều đá, nhưng cái buốt từ đá chỉ làm thân thể ta run rẩy, làm tôn thêm cái không khí man mát của quán chứ chẳng đủ để làm tê liệt vị giác, tê đi cái cay hay cái đắng của thứ thức uống mang tên Nỗi buồn.

Người đến uống Nỗi buồn cũng rất khác nhau, có người nhâm nhi, có người một hơi uống cạn, nhưng ai cũng phải uống xong ly, phải uống xong Nỗi buồn này mới có được Nỗi buồn khác. Họ uống cạn Nỗi buồn này, để mong rằng Nỗi buồn phía sau có chút vị ngọt. Nhưng uống Nỗi buồn cũng giống như chơi lô tô, bạn không biết phía trước sẽ như thế nào, nhưng vẫn luôn có chút gì đó gây nghiện khi nhắc đến Nỗi buồn, mặc cho nó có khó uống bao nhiêu, người đến rồi vẫn muốn đến lại, chỉ vì nó.

Cô chủ quán nhìn những người khách, không ai nói gì với nhau, họ uống Nỗi buồn của riêng mình rồi ra về. Người trong quán không phân màu da, không phân giàu nghèo, không phân giới tính, miễn ai muốn uống thì có thể uống, cái giá của một ly Nỗi buồn không nhiều, nó là một ít thời gian, một ít tâm sự. Nỗi buồn là một thức uống giục con người nói hết những điều thầm kín với nhau, thứ đáng lẽ phải được giải bày dẫu bằng những ngôn từ không hoàn chỉnh đi chăng nữa. Nhưng con người ta không nói chuyện với nhau suốt một khoảng thời gian dài, thế nên Nỗi buồn mới sinh ra và trở thành một thức uống bán chạy.

Cô chủ quán nhìn người khách kia ra đi, người ấy uống hết Nỗi buồn khi còn chưa tan hết đá. Ánh thủy tinh lóe lên lạnh lẽo dưới ánh đèn mờ nhạt, cô chủ dọn ly, chờ đợi người khách tiếp theo.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro