Nghệ An - kỷ niệm đáng nhớ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nghệ An, với biển xanh cát trắng, với nhà Bác thân thương, luôn là điểm đến hàng đầu của du khách mỗi mùa du lịch. Trong tháng tám vừa qua, từ ngày 23-25, trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ đã tổ chức cho học sinh khối 12 đi trải nghiệm thực tế tại Nghệ An. Chuyến đi là một trải nghiệm mới mẻ, cũng là một kỷ niệm thật đáng nhớ đối với học sinh cuối cấp như tôi.

Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác háo hức và hồi hộp của mình trên suốt đường đi. Mặc dù tôi đã từng đến Nghệ An trước đó, lúc còn học ở nội trú huyện, nhưng tôi của khi ấy vẫn là một đứa trẻ con, chỉ biết ham chơi chứ chẳng ghi nhớ được nhiều. Thế rồi anh hướng dẫn viên của xe chúng tôi thông báo là chỉ còn khoảng 1km nữa sẽ tới khách sạn Hòn Ngư - nơi cả đoàn sẽ nghỉ lại trong hai đêm. Cả xe náo nhiệt hẳn lên, ai ai cũng vui mừng vì cuối cùng cũng sắp đến được nơi cần đến sau mấy tiếng đồng hồ ngồi xe ô tô. A! Biển kìa! Tôi đã vui sướng reo lên như thế khi thấy phía bên tay trái của mình, ở xa xa, một làn nước xanh mát vô tận cùng những bãi cát trắng vàng giòn dưới nắng. Đứng trước biển, cảm nhận từng đợt sóng xô vào dưới chân cùng những cơn gió mang theo vị mặn nồng của biển, giây phút đó, tôi đã biết chuyến đi lần này của mình sẽ thật thú vị, thú vị như cái cảm giác gió lùa qua tóc, chạm đến từng chút da thịt của tôi vậy. Và đúng là như thế, chuyến hành trình ngày hôm sau đó mới thật là đáng nhớ.
Sáng ngày hôm sau, 7h, tất cả học sinh tập trung ở sảnh khách sạn, chụp ảnh lưu niệm rồi lên xe bắt đầu hành trình tham quan nhà Bác. Khác hẳn với dáng vẻ mệt mỏi của hôm trước, tôi thấy vui vẻ và phấn chấn hẳn lên. Rời xa cái ồn ào của phố biển, xe chúng tôi rẽ vào một con đường vắng người hơn nằm yên bình giữa cánh đồng lúa mênh mông trải dài tít tắp. Một số người bạn của tôi giơ điện thoại lên chụp ảnh, sẽ còn nhiều nơi đáng chụp hơn thế này, tôi nghĩ thế và để yên điện thoại trong túi.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Khu mộ bà Hoàng Thị Loan - mẹ Bác Hồ. Leo lên ngọn đồi không cao lắm nhưng tôi vẫn thấy mỏi chân đến lạ. Cố vịn tay vào hàng cột được làm bằng bê tông nhưng lại có hình những đốt tre, cuối cùng tôi cũng leo được đến đỉnh. Đứng ở trên nhìn xuống một đoàn người đang nối đuôi nhau leo lên, cảm giác này mới thú vị làm sao. Từng đợt gió thổi qua đồi thông, mát rượi, cái mệt mỏi cũng vì thế mà vơi đi phần nào. Sau một vài phút nghỉ ngơi và ngắm cảnh, chúng tôi bắt đầu hành lễ. Mấy trăm con người đang chuyện trò rôm rả là thế bỗng chốc lặng im như tờ, xếp hàng ngay ngắn. Trong một phút giây nào đó, tôi cảm nhận được không khí trang nghiêm và biết ơn thật nhiều, biết ơn một người phụ nữ đã sinh ra người anh hùng vĩ đại của dân tộc. "Mộ bà Hoàng Thị Loan (1868 - 1901) nằm trên núi Động Tranh, thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An..... Phần mộ bà Hoàng Thị Loan có 269 bậc (con số 69 là năm Bác Hồ mất - 1969), lối xuống bên phải phần mộ có 242 bậc (con số 42 là năm ông Khiêm đưa hài cốt mẹ về đây - 1942). Trước phần mộ xuống sân bia có 33 bậc, ứng với 33 năm tuổi đời đầy xuân sắc của mẹ....... " - Giọng chị hướng dẫn viên vang lên trầm bổng lưu loát, đậm chất Nghệ An, chúng tôi ngồi quanh chăm chú lắng nghe, có người còn ghi âm lại vì những thông tin này không chỉ rất bổ ích mà còn cần thiết cho việc lấy tư liệu học tập cho chúng tôi sau này. Bài thuyết minh chỉ kéo dài hơn tám phút nhưng lượng thông tin mà nó đem lại thực sự rất bổ ích. Chúng tôi lưu luyến chia tay với khu mộ để đi xuống công viên phía dưới. Ở trên, khu mộ trang nghiêm là thế vậy mà dưới này, công viên mới tươi đẹp và lãng mạn làm sao. Từng cành cây, khóm cỏ đều được cắt tỉa và chăm sóc rất tỉ mỉ gợi cho tôi cảm giác tươi mới và tràn đầy sức sống. Bước theo con đường nhỏ ra đến xe, tôi đã dừng lại chụp rất nhiều ảnh vì mỗi một khung cảnh, mỗi một góc độ đều rất đáng được ghi lại để làm kỷ niệm.

Điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là làng Hoàng Trù - quê ngoại Bác Hồ, đây cũng là nơi Bác sinh ra và sống trong năm năm đầu tiên của cuộc đời. Trong khu di tích có tổng cộng ba nhà, trong đó hai ngôi nhà lợp bằng lá mía là nhà ông bà ngoại Bác và nhà bố mẹ Bác đã ở, còn ngôi nhà phía sau lớn hơn, được lợp ngói đỏ tươi, là nhà thờ dòng họ Hoàng Xuân - họ ngoại của Bác. Những thông tin trên tôi từng đọc trong sách vở, nhưng cái cảm giác của hiện tại, được chứng kiến tận mắt, được nghe chị hướng dẫn viên kể lại một cách chi tiết, mới là chân thực và đáng nhớ. Tôi vào trong ngôi nhà, chăm chú quan sát, thì ra mọi vật dụng trong đây cũng thật đơn sơ mà giản dị, giản dị như chính con người Bác vậy. Nhưng có lẽ chính sự đơn sơ giản dị ấy đã làm cho khu di tích này trở nên trang nghiêm và trầm kính.

Điểm đến cuối cùng của hành trình chính là làng Sen - quê nội Bác. Đúng như tên gọi, ngôi làng được trồng rất nhiều hoa sen, những bông sen chỉ còn nở lác đác vì đã qua mùa hoa rồi nhưng tôi vẫn tưởng tượng ra cả một đầm sen đầy hoa nở, hồng hồng xanh xanh đan cài vào nhau thật tuyệt. Lối đi nhỏ dẫn vào nhà Bác, ngôi nhà nằm yên bình giữa không gian xanh tươi của cây cối và hoa cỏ. Nhà Bác ở làng Sen không lớn như làng Trù song vẫn chất chứa thật nhiều ký ức một thời của Bác. Tại đây, chúng tôi được nghe về những năm tháng tuổi thơ của Bác, từng sự kiện trong cuộc đời đầy gian truân nhưng cao cả của Bác cũng được kể lại một cách thật chân thực. Cuộc đời Bác gắn với những thăng trầm của lịch sử nước nhà, Người dành cả cuộc đời mình cho nước, cho dân, Người đi đến khắp các quốc gia để tìm ra con đường cứu nước vậy mà chỉ có cơ hội về thăm lại quê hương xứ Nghệ này hai lần mà thôi. Nghệ An, mảnh đất của những anh hùng, nơi đã sinh ra nhiều người con ưu tú cho dân tộc Việt Nam.

Rời khỏi nhà Bác cũng đã gần trưa, nắng bắt đầu gay gắt. Ngồi trên xe nhìn khu di tích khuất dần phía sau mà trong đầu tôi vẫn còn văng vẳng những lời kể của chị hướng dẫn viên ban nãy. Những thông tin ấy có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng nhưng được nghe kể trực tiếp thế này mang lại cảm giác mới mẻ hơn nhiều.

Trở về khách sạn, chiều tối hôm ấy, chúng tôi được tổ chức trò chơi trên bãi biển. Tất cả học sinh nắm tay nhau tạo nên một vòng tròn thật lớn trải dài từ hàng quán ven biển đến tận phía dưới nơi những con sóng nối tiếp nhau xô bờ và hát vang bài "Nối vòng tay lớn". Có lẽ chưa bao giờ sự đoàn kết được thể hiện một cách rõ ràng như thế. Tối đó chúng tôi còn được tổ chức "Gala dinner" tại nhà hàng khách sạn. Tất cả mọi người, cả các thầy cô giáo cũng vui vẻ trong điệu nhạc sôi động, nhiều người còn đứng dậy nhảy theo.... Đó là buổi tối cuối cùng, cũng là buổi tối vui nhất ở đây. Ngày hôm sau, tôi sẽ phải tạm biệt nơi này, tạm biệt thành phố biển tươi đẹp với những con sóng trắng xóa, tạm biệt những kỷ niệm thật đẹp trong hai ngày đã qua.... Tôi đã kịp ngắm bình minh trên biển vào buổi sáng cuối cùng, cảm nhận thứ ánh sáng của ngày mới lan tỏa từ phía chân trời xa xa!

Đã gần một tháng trôi qua kể từ khi chuyến đi kết thúc nhưng cảm giác vui sướng trong tôi vẫn chưa từng vơi cạn. Ngồi đây nhớ lại mà từng cảnh vật, màu sắc, âm thanh, cả không khí náo nhiệt của Nghệ An nữa......vẫn hiện lên trong đầu tôi một cách thật rõ nét. Có thể đây sẽ là lần cuối cùng tôi đến Nghệ An, hoặc cũng có thể sẽ còn những lần sau đó nữa, nhưng sẽ chẳng bao giờ, chẳng bao giờ tôi được đi cùng với đông đủ thầy cô và bạn bè như thế, chẳng bao giờ tôi được cùng các bạn của mình nắm tay nhau tạo nên một vòng tròn lớn như thế, chẳng bao giờ có một đêm gala náo nhiệt như thế..... Cảm ơn nhà trường, cảm ơn các thầy cô giáo đã tổ chức cho chúng tôi một chuyến đi thật thú vị và đầy ý nghĩa, để tôi có cơ hội được hiểu rõ hơn về nhà Bác, để một lần nữa tôi được cảm nhận nắng và gió biển, để tôi có dịp được gần gũi thầy cô và bạn bè mình hơn. Hơn cả một trải nghiệm sáng tạo, với tôi, chuyến đi này thực sự là một kỷ niệm đáng nhớ trong những năm tháng cuối cùng của thời học sinh tươi đẹp. Hy vọng nhà trường sẽ còn tổ chức thêm nhiều chuyến đi hơn nữa để các em - những thế hệ học sinh tiếp theo của trường nội trú tỉnh - có cơ hội được tham quan, học tập và mở mang kiến thức, để có thêm những trải nghiệm thú vị cho riêng mình,....và để lớp lớp học trò tự hào về trường nội trú - mái nhà thân yêu của chúng ta!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#linh