Chương 2: Không Như Lời Đồn.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Quan binh kia nghe thấy Đỗ Lan hỏi nhưng cũng không trả lời vội, y trầm ngâm trong chốc lát rồi nói.

"Nếu ngươi có thể thông qua kiểm tra để trở thành thầy của cậu út thì ta sẽ nói cho ngươi tên của ta."

"Tôi sẽ cố gắng."

Đỗ Lan nở nụ cười thật nhẹ làm cho quan binh cũng trở nên bối rối. Y nói.

"Được rồi, vào trong đi, người trực tiếp kiểm tra là quan Huyện và cậu út, không cần quá nhiều học vấn chỉ cần có thể làm cậu út chịu nhận ngươi là được rồi."

Quan binh nọ dùng ánh mắt để chỉ cho y nơi cần đến, nơi này là một căn đình viện nhỏ, có một áng thư đã được đặt sẵn ở đó.

"Ngươi vào trong ngồi chờ, ta sẽ đi gọi quan Huyện và cậu út."

"Được."

Đỗ Lan đi vào trong ngồi, y phe phẩy bàn tay để quạt cho giảm bớt sức nóng. Đình viện này được bao quanh bởi hơn chục cây cao cho nên cũng không quá nóng nhưng y là do đi đường mệt mỏi cho nên đã đổ ra không ít mồ hôi.

Qua đi độ hai khắc thì từ phía xa đã nghe văng vẳng tiếng la ó.

"Không, ta không muốn học! Kêu lão ta mau cút đi!"

"Cái đứa trẻ hư hỏng này, lần này nếu ngươi còn không chịu học hành đàng hoàng thì đừng có trách ta ném ngươi vào đợt tuyển binh sắp tới."

"Ném thì ném, ta không sợ!"

"Lôi nó đi."

Biết không thể cứ ngồi chờ được nữa, Đỗ Lan đứng dậy. Ở cuối đường là một lão nam nhân đương độ ngũ tuần vận quan phục, đây chắc chắn là quan Huyện. Còn quan binh vừa rồi thì tay nắm lấy cổ áo ở phía sau gáy của một đứa nhỏ áng chừng hơn mười tuổi kéo đi. Đứa nhỏ đó liên tục mắng chửi.

"Cút, cút, đừng cho rằng ngươi là ca của ta thì muốn làm gì làm, ta còn chưa có nhận ngươi làm ca ca đâu!"

Nhưng bỏ mặc lời mắng chửi đó quan binh nọ vẫn một đường lôi thẳng đứa nhỏ đến đình viện nơi Đỗ Lan đang đứng. Đứa nhỏ đó bị lôi đi càng lúc càng chửi mắng tục tĩu nhiều hơn, đúng là một đứa nhỏ hư hỏng khó dạy.

Nhìn thấy quan Huyện đang tới gần thì Đỗ Lan cũng đi ra phía trước cúi người mở lời chào.

"Bẩm ngài Huyện lệnh, tôi tên là Đỗ Lan, ngày hôm nay tới để xin được dạy học cho cậu út."

Ngay khi y ngước mặt lên cũng là lúc tiếng chửi của đứa trẻ kia im bặt, nó nhìn y, chăm chú không rời mắt.

Cũng thời điểm đó Đỗ Lan vừa hay mắt chạm mắt với đứa trẻ kia. Suy nghĩ đầu tiên của y khi nhìn thấy khuôn mặt của nó là, thật khôi ngô, lớn lên chắc chắc sẽ là một nam nhân ai cũng không thể rời mắt. Ở phía bên này đứa trẻ kia cũng ngay khi vừa tiếp giáp ánh mắt với Đỗ Lan, giọt mồ hôi lăn trên trán y, lăn xuống khóe mắt làm nó lầm tưởng là y đang khóc. Nó thầm nghĩ trong đầu, thì ra trên đời này còn có người lúc khóc cũng đẹp như vậy, nó đột nhiên nghĩ ra một ý nghĩ mà từ trước đến nay chưa nghĩ tới bao giờ. Nếu như thầy dạy nó mà có khuôn mặt đẹp đến nao lòng, buồn đến nao lòng như thế này thì nó nhất định sẽ học hành thật tốt.

"Ai đây?"

Nó hỏi trống không. Đỗ Lan sau đó cười hòa nhã đáp lời:

"Tôi đến để xin được làm thầy giáo của cậu út Chiêu, có phải hay chăng cậu là... cậu út?"

"Đúng như vậy."

Nói rồi út Chiêu gỡ cái tay của quan binh kia ra khỏi gáy của mình.

"Đừng có lôi lôi kéo kéo, trước mặt người ngoài làm như vậy thì còn thể thống gì chứ! Không biết mất mặt hay sao?"

Út Chiêu sau khi thoát khỏi gọng kiềm của quan binh kia thì sửa sang lại quần áo, nó nhe răng cười.

"Nhận người này đi, thầy, từ giờ trở đi thầy là thầy của ta."

"Ồ..."

Đây mà là cậu út ngỗ nghịch hư hỏng mà những người ở bên ngoài đã đồn đãi hay sao? Sao có thể nói những lời ác ý như vậy với một đứa nhỏ được chứ? Đỗ Lan thầm nghĩ trong lòng, vừa rồi nghe thấy út Chiêu nói ra mấy lời tục tĩu thì đã nhất thời nhận định đứa trẻ này hư hỏng khó dạy nhưng thực tế không ngờ lại ngoan ngoãn nghe lời như vậy. Đúng là một viên ngọc tốt có thể mài giũa được. Út Chiêu nhìn thấy Đỗ Lan không bày tỏ thái độ gì thì hắng giọng mắng.

"Sao, nhận thầy làm thầy thì không vui à?"

"Vui, vui chứ."

Đỗ Lan vui vẻ đáp lại.

Quan Huyện nhìn thấy út Chiêu thỏa hiệp thì không khỏi bất ngờ, nhưng như lời nó nói thì ông cũng không muốn làm trò cười trước mặt người lạ. Ông nói.

"Một năm một lạng bạc, đồng ý thì ngày mai bắt đầu dạy, không đồng ý thì..."

Chưa kịp nói hết câu thì út Chiêu đã cắt ngang lời.

"Một lạng bạc một năm, cha cũng quá kẹt xỉ rồi đấy, một năm một lạng bạc thì mua được cái gì chứ?

"Được, được mà, tốt lắm, tôi nhận."

Lo sợ út Chiêu sẽ làm loạn cho nên Đỗ Lan đã vội vàng chen ngang. Lúc y làm quan trong triều đình là năm lạng bạc một năm nhưng đấy là quan ngũ phẩm. Bây giờ thì y chỉ là một thầy đồ nhỏ nhoi, một năm kiếm được một lạng bạc đã là quá nhiều rồi. Quan Huyện sau đó nói.

"Vậy được. A Hàng, cho người sắp sếp cho thầy Đỗ một gian phòng."

Nói rồi nhìn về phía Đỗ Lan.

"Từ nay về sau ngươi ăn ở tại nhà ta, ta đã nghe A Hàng nói qua ngươi đã đổ Tú Tài, dựa vào học thức của ngươi thì có thể sinh hoạt cấp bậc ngang hàng với quản gia của nhà họ Chiêu chúng ta."

Đỗ Lan không ngờ là bản thân có thể có được loại đãi ngộ tốt như vậy, nếu như chỗ ăn chỗ ở quan Huyện đã lo hết vậy thì chỗ tiền lương kia y cũng không cần phải động đến nữa. Nếu như vậy thì y có thể gửi về cho nương của y một ít bạc được rồi.

Trong suốt một năm làm quan, tháng nào Đỗ Lan cũng chắt chiu dành dụm gửi về cho nương thân của y một ít bạc trắng. Nhưng kể từ khi bị phế truất Đệ nhất danh thì từ đó mỗi tháng chỉ có thể gửi về vài đồng tiền lẻ. Bây giờ nhận được đãi ngộ lớn như vậy ở nhà quan Huyện làm cho y không tránh khỏi bị bất ngờ, cuối cùng y nói.

"Đa tạ ngài."

"Không cần khách sáo, ngươi là thầy của A Chiêu cho nên cũng không cần phải đa lễ với ta làm gì."

Thực chất là quan Huyện đang làm dịu lòng cậu út Chiêu Dương nhà mình. Ông không thể quản nổi đứa trẻ ngỗ nghịch này. Lúc trước nó vốn dĩ đâu có như vậy, nhưng kể từ ngày ông thú vợ lẽ về thì Chiêu Dương cứ luôn chống đối ông. Cho dù ông có giải thích thế nào thì nó cũng không chịu hiểu rằng ông và vợ lẽ mới là thanh mai trúc mã, trước đó quan hệ đã khắng khít rồi nhưng lại bị sắp đặt hôn sự với nương của nó. Bây giờ nương của nó đã mất, ông đưa vợ lẽ về nhà cũng là lẽ dĩ nhiên nhưng nó đối với ông càng ngày càng ác cảm. Bây giờ nhìn ra được Chiêu Dương đối với vị Tú Tài trước mắt này cảm thấy hứng thú thì chỉ có thể chiều lòng nó mà thôi.

Tránh để cho nó một ngày nào đó đổi ý thì tiền đồ nhà họ Chiêu cũng như mất luôn.

Cứ như vậy Đỗ Lan được vị quan binh tên A Hàng sắp xếp cho một gian phòng kế bên phòng ngủ của Chiêu Dương. Tất cả cũng bởi vì cậu út cứng đầu cứng cổ này chỉ đồng ý việc y ở gần nó, đúng là một đứa nhỏ được chiều nên sinh hư.

Trong lúc y đang dọn dẹp phòng thì út Chiêu lại đi tới, lần này nó còn dẫn theo một cô gái đương tuổi xuân thì đi tới. Vốn là một người đặt nặng lễ tiết cho nên Đỗ Lan chỉ đứng khép nép nơi góc giường gật đầu chào hỏi cho có lệ. Cô gái kia cũng cúi người chào, trên tay cô là một cái giỏ, bên trong là vài bộ y phục màu màu đen và xám xen lẫn nhau. Đương lúc chưa biết nên mở lời như thế nào thì út Chiêu đã lên tiếng trước.

"Chỗ y phục này là cha ta cho thầy."

Cô gái kia tiến tới, cô khom người đặt giỏ đồ lên bàn rồi lại khép nép đi ra cửa, út Chiêu sau đấy cũng giới thiệu luôn:

"Nàng là Thị Muội, vợ của ta."

Đỗ Lan gật đầu chào hỏi lần nữa, y cũng không quá bất ngờ khi mà vợ của út Chiêu lại lớn tuổi hơn nó nhiều như vậy. Đợi lang muội* đã không còn hiếm lạ gì nữa.

Sau đó Thị Muội cũng xin phép rời đi, lúc này trong gian phòng nhỏ chỉ còn lại hai người một lớn một nhỏ. Út Chiêu tùy tiện leo lên giường Đỗ Lan làm cho một mảng chiếu bị gấp lại, y nhẹ giọng mắng.

"Đừng nghịch."

Út Chiêu nghe hiểu nhưng lại không trả lời, nó liếc mắt quan sát thầy của mình đang xếp quần áo vào trong tủ. Ánh mắt của nó giống như là chim ưng, nhìn, cẩn thận quan sát làm cho lưng của Đỗ Lan căng lên nhức nhối, y nửa hỏi nửa đùa:

"Út Chiêu đang nhìn gì thầy thế hả?"

"Chân của thầy làm sao lại bị què?"

Y cũng không bất ngờ trước câu hỏi này, ai gặp y lần đầu cũng sẽ hỏi câu này mà thôi. Y trả lời.

"Tại sao bị què thật sự quan trọng để trả lời sao? Vậy thầy hỏi út Chiêu nhé, tại sao út Chiêu lại không muốn đi học?"

"Ha..."

Út Chiêu đột nhiên lại cười lên một tiếng, nó lăn một vòng ra tận mép giường. Đầu nó lúc này vừa vặn đối diện với Đỗ Lan đang quỳ một chân ở cạnh tủ đồ, nó nói.

"Thầy khác những người khác thật đấy."

"Khác thế nào?"

"Đẹp hơn. Cũng không có suốt ngày mắng ta."

"Vậy sao? Nhưng sau này chắc chắn sẽ mắng nếu út Chiêu không ngoan."

"Hừ..."

Út Chiêu phụng phịu không nói nữa. Nó thật hiếm khi mới thoải mái giao tiếp với người lạ như thế này nhưng thầy của nó thì luôn làm nó cụt hứng. Nó đổi chủ đề.

"Thầy tên là Đỗ Lan sao, Lan, là sóng nước hay là hoa lan?"

Nghe thấy út Chiêu hỏi như vậy thì động tác đang xếp đồ của Đỗ Lan dừng lại trong chốc lát. Đứa nhỏ này có thể hiểu được "Lan" trong tên của y còn có nghĩa khác ngoài hoa lan, xem ra học vấn không tệ. Nhưng việc gọi thẳng tục danh của một người lớn tuổi hơn thật không phải phép một chút nào, y lên tiếng răn dạy.

"Không được gọi thẳng tục danh của bề trên như vậy, út Chiêu, làm người quan trọng nhất là phải biết lễ nghĩa."

"Ồ..."

Út Chiêu gật gù tỏ vẻ hiểu chuyện, nó lại hỏi.

"Vậy danh tự của thầy là gì?"

"Văn Thủy."

"Vậy thì là sóng nước, bọt nước rồi có đúng không, hả thầy?"

Ý của út Chiêu chắc chắn là đang nhắc đến tục danh của Đỗ Lan, y chầm chậm gật đầu, nó lại nói tiếp.

"Tên huý của ta là Lê Minh, Chiêu Lê Minh, bình minh và sóng nước, thầy có thấy tên huý của chúng ta rất hợp nhau hay không?"

"Khụ..."

Đỗ Lan bị lời kia của út Chiêu làm cho sặc. Y biết rõ lời của nó nói chỉ đơn thuần nhắc đến việc hai cái tên có phần liên kết với nhau ra thì không có ý gì khác. Y gật đầu rồi đổi chủ đề.

"Út Chiêu năm nay bao tuổi rồi?"

"Ta năm nay vừa tròn một giáp."

Thì ra là lớn hơn y nghĩ, nhưng so với y thì đúng là tuổi tác quá mức cách biệt. Chỉ hi vọng là nó sẽ chịu an phận để y dạy dỗ mà thôi.

"Đã học đến lễ nghi hay chưa?"

"Đã học. Thực ra ta đã học đến thuyết đại đồng*."

"Sao?"

Với độ tuổi này của út Chiêu thì đáng nhẽ ra chỉ mới học đến lễ nghi song song với các chữ nho cơ bản thôi mới đúng. Nếu có học sớm hơn thì cũng ở mức đạo hiếu* mà thôi, sao lại có thể học vượt đến thuyết đại đồng được. Học thuyết này thiếu niên mười lăm tuổi trở lên cũng chưa chắc đã tiếp thu nổi.

"Ta đã học xong đại đồng từ hai năm trước, nhưng cũng đã nghỉ học hai năm."

"Út Chiêu học vào có hiểu hay không?"

"Ta đương nhiên hiểu."

Đỗ Lan sau đấy lại lắc đầu không cho là đúng, y cặn kẽ giải thích.

"Muốn học tới đại đồng, chúng ta cần phải học qua lễ nghi, đạo hiếu, đức dục*, đây là những điều cơ bản cần phải tâm niệm ở trong lòng. Cho dù trí dục* của út Chiêu có thực sự cao siêu, nhưng thầy lại không đánh giá cao về con đâu nhé."

"Tại sao?"

Y chưa trả lời Chiêu Dương ngay mà chỉ đứng lên đóng lại tủ đồ. Y đi lại bên giường ngồi xuống ngay cạnh nó, giọng nói của y cũng trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều.

"Sống ở đời, nhân nghĩa, đạo hiếu làm đầu, người không quên đi gốc gác cội nguồn mới là một người đáng để tin tưởng. Út Chiêu có hiểu lời thầy nói không nào?"

---

*Đợi lang muội: Trong nhà nào mong muốn có con trai thì sẽ mua về một người vợ, người vợ đó sẽ mang lại may mắn và có trách nhiệm đợi cho đến khi chồng của cô được sinh ra.

*Thuyết đại đồng: thuyết học được truyền bá bởi Khổng Tử và được ghi chép, dạy lại trong nho học. "Thuyết đại đồng" truyền bá sự bình đẳng về tài sản là nền móng của xã hội ổn định. Tư tưởng về thuyết đại đồng được thể hiện rõ qua các ý: "Đạo đức lớn được thực hành thì thiên hạ là của chung. Kén chọn kẻ có tài đức ra làm việc. Giảng giải điều tín nghĩa, sửa trị điều hoà mục. Cho nên mọi người không riêng thân cha mẹ mình, không riêng yêu con cái mình, khiến người già cả có chỗ sử dụng năng lực, các thiếu niên được nuôi dạy khôn lớn. Thương người goá bụa, thương kẻ mồ côi và những người già không nơi nương tựa. Người tàn tật phải có chỗ nuôi dưỡng, con trai đều có nghề nghiệp, con gái đều có chồng con. Như vậy thì của cải vứt bỏ dưới đất cũng không ai nhặt mà cũng không cần thiết phải cất giữ cho riêng mình. Còn về năng lực thì e không có cách gì để thi thố mà không cần phải giữ làm của riêng. Do đó mọi âm mưu đều bị mai một mà không thể xảy ra, mọi hành vi trộm cắp, gây rối, giặc cướp đều không thể nổi dậy, cửa ngõ không cần đóng."

*Đạo hiếu, Trí dục, Đức dục: học phần của Nho giáo. Nho giáo gồm các học phần lớn nhỏ, người muốn học chữ nho thì phải học qua đạo nho.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro