Chương 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Võ Hoàng Mai Khanh đã hoạt động 3 tiếng trước."

Tôi ngẩn người nhìn màn hình điện thoại, đầu óc vẫn chưa thông thoáng nghĩ ra phương án giải quyết thì giọng nói của cái người lừa đảo kia lại càng làm tình huống trước mặt trở nên oái oăm hơn.

- Em đoán ra chưa?

- Dẹp đi, ai về nhà người nấy, nghỉ chơi cho khỏe.

Tôi lẩm nhẩm trong miệng, dù sao thì sau ngày hôm nay, anh ta cũng chỉ là một vệt kí ức nhỏ nhoi trong cuộc đời vốn luôn xoay vần không theo trình tự của tôi, quan tâm nhiều làm gì cho mệt người.

- Muốn nói với anh cái gì à?

Người kia cúi đầu hỏi, còn tôi ngẩng đầu đáp:

- Cho em biết số tài khoản ngân hàng hoặc momo đi, em chuyển tiền xem phim ngày hôm nay ạ.

Có vẻ câu trả lời của tôi vốn không đi theo chiều hướng anh ta muốn lắm, thế nên anh mới nói với tôi bằng chất giọng của "người lớn", hệt như ba mẹ và chị Phanh.

- Anh là sinh viên đại học rồi, không cần con nít trả tiền cho đâu.

- Em cũng đâu phải con nít. - Tôi nói lí nhí, thanh âm hòa làm một cùng tiếng xe cộ ồn ào qua lại trên đường.

- Vậy giờ tính cho công bằng nhé! Người lớn trả tiền lớn, người bé trả tiền bé. Em chịu chưa?

- Hả? Là sao ạ?

Mặt tôi lúc này chắc ngờ nghệch không khác gì bò đeo nơ. Trong lúc tôi vẫn chưa hình dung được các câu nói vừa rồi có ý nghĩa gì thì anh ta bỗng dưng chỉ tay về phía cửa hàng tiện lợi nằm phía bên kia đường.

- Mua cho anh thứ gì ngon ngon ở Circle K đi. Tiền của người bé dùng vào việc đó, hiểu chưa bà nhỏ?

Mắc gì? Bộ mắc nói khích đểu người chậm tiêu như tôi lắm hả?

- Vậy anh cứ chọn tự nhiên nha! Em nhiều tiền lắm.

Thật ra tôi không thích Circle K nhất trong số tất cả các cửa hàng tiện lợi, nhưng bây giờ, ngoài việc bước vào cửa hàng treo bảng hiệu màu đỏ ấy ra, tôi không còn lựa chọn nào khác.

- Circle K xin kính chào quý khách!

- Em chào Circle K.

- Phụt!

Tiếng phì cười ấy làm tôi lớ ngớ ngoảnh đầu nhìn sang người bên cạnh, đôi mắt híp lại như vầng trăng khuyết và màu mắt đen láy kia rõ ràng đang cười mỉa tôi.

- Ủa? Tự nhiên anh cười chi vậy? Bộ chưa thấy người vừa xinh đẹp vừa ngoan ngoãn như em hay sao?

- Đúng rồi, trước giờ chưa từng thấy người nào như em nói, mới thấy người thích ngủ chảy ke trong rạp chiếu phim.

Cái cha nội già đầu này! Mặc cho tôi đang đứng chống nạnh, tức xì khói đầu ở quầy nước, anh ta lại dung dăng dung dẻ đi lựa đồ ăn từ tận đời nào.

- Em đừng đứng ngơ ở đó nữa, lại đây lựa món đi.

Trong khi não tôi bận vận động tất cả nơron thần kinh thì cái người kia đã tí tởn đi từ quầy này sang quầy khác, vẻ mặt hớn hở nói:

- Nên ăn gì đây ta?

Ăn đấm! Ăn đấm! Ăn đấm!

- Muốn ăn Pocky à? - Có vẻ như anh ta lựa xong rồi, nên mới có thời gian quan sát tôi làm gì.

Tôi có một thói quen khá xấu đã cố gắng sửa bao lần. Đó là không thể lựa chọn giữa các vị Pocky cùng một lúc, lần nào tôi cũng đứng trầm ngâm suy nghĩ trước gian bán bánh que Pocky cả tiếng đồng hồ. Nếu tôi chọn lựa nguyện vọng thi đại học cũng cẩn thận như thế, hẳn mẹ đã không khổ sở nhắc tôi mỗi ngày kèm theo thái độ thương tâm, đổ lệ như thể đưa tiễn tương lai tôi một đi không trở lại rồi.

- Thôi, chọn vị nguyên bản vậy. - Tôi lấy hai hộp bánh que xong thì quay sang thông báo với cái người đang bận nhoẻn miệng cười kia:

- Em lựa xong rồi.

Thật may là trong khoảng thời gian này, Circle K cũng tương đối vắng khách, quá trình thanh toán không tốn nhiều thời gian lắm.

Rời khỏi cửa hàng tiện lợi, chúng tôi bước dưới những tán cây kèn hồng đang ngả theo chiều gió, vài cánh hoa mỏng tang không chịu nổi gió mạnh vội vàng lìa cành. Chúng có biết mình bay về đâu không nhỉ? Tôi thầm nghĩ.

Gió cứ hồn nhiên cuốn những cánh hoa đi, để chúng lúc thì vương vãi trên con đường lớn giữa lòng thành phố, lúc lại neo đậu tạm bợ trên mái tóc của ai đó. Chắc đời tôi cũng thế, không có ước mơ, cũng chẳng có nguyện vọng, gió thổi đến đâu thì bay đến đấy. Giống như bây giờ, cơn gió mùa hạ làm tôi vô tình gặp được một người.

- Anh này!

- Sao á?

- Không có gì ạ.

Miệng thì nói là không có gì, nhưng thật ra lòng tôi vốn đã giăng đầy thứ muốn nói.

Chuyện tiên quyết có lẽ là nói sự thật.

Chuyện quan trọng thứ hai...

Tôi ngẩng đầu nhìn cánh hoa kèn hồng vô tình đáp xuống mái tóc đen của người bên cạnh, rồi khẽ thở dài, tự động viên mình rằng đừng quan tâm tới người mình chỉ gặp vỏn vẹn một lần trong đời.

- Thật ra là em có điều muốn nói đấy.

Không biết anh ta như thế nào, cơ mà tôi không thể tiếp tục đi dạo trong bầu không khí ngột ngạt này nữa, thế nên tôi cố ý nhảy chân sáo, tiến lên phía trước người đẹp trai nọ vài bước.

- Tặng anh hộp bánh que Pocky, xem như là quà kết thúc buổi đi chơi ngày hôm nay ạ.

Anh bỗng dưng bật cười, nhìn tôi, nói những lời như thể chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại nữa:

- À, thì ra em cố tình mua hai hộp Pocky vì lý do đấy à? Anh cảm ơn, vì đã chia cho anh một hộp. Chúc em ăn mau chóng lớn, học chăm ngoan, năm sau thi đại học thật tốt nhé.

- Em cảm ơn.

Người trước mặt tôi đã 20, sắp 21 rồi. Thế tôi nên chúc gì đây?

Ở tuổi 17, 18, người ta dành cho nhau những lời chúc khách sáo như "thi đại học thật tốt, đậu vào trường top hay cố gắng chăm ngoan học giỏi". Nhưng ở độ tuổi 20, 21 trưởng thành đầy dang dở, tôi lại chẳng biết người ta muốn nhận được lời chúc như thế nào.

Thành công? Hạnh phúc? Mạnh mẽ?

Sao nghe sáo rỗng quá nhỉ?

- Chúc anh mọi chuyện như ý, chuyện cần vui thì phải thật vui, chuyện cần buồn thì chỉ buồn một xíu thôi, rồi vui tưng bừng trở lại ạ.

Cũng hơi văn, nhưng đỡ hơn mấy lời chúc ban đầu, hai tay đôi chìa ra, cẩn thận tặng anh món bánh tôi yêu thích nhất. Anh nhoẻn miệng cười, vừa nhận lấy hộp Pocky đựng trong túi nilon in hiệu Circle K, vừa bảo tôi:

- Giống em à?

- Không giống lắm ạ. Lúc vui, em sẽ quậy lắm. Còn lúc buồn, chắc em quậy gấp mười lần lúc vui. - Tôi đáp, anh bật cười khanh khách, nghiêng đầu nghe tôi ba hoa.

Cuộc nói chuyện ngắn ngủi ấy dừng lại nơi trạm xe buýt cuối đường. Số xe buýt quen thuộc xuất hiện dưới ánh điện đường lập lòe, tôi biết mình phải nói lời tạm biệt rồi.

- Em về đây, tạm biệt anh ạ.

- Về cẩn thận.

Khi bước lên bậc thềm của trạm xe buýt và vẫy tay chào người đẹp trai nọ, tôi chợt thấy lòng mình khang khác. Buồn ư? Lưu luyến sao? Không hẳn vậy, chỉ là cũng lâu, tôi chưa được vui vẻ đi xem phim, cũng lâu, chưa có người hay nghiêng đầu nghe từng lời tôi nói. Nhưng tôi đoán điều đặc biệt khiến cảm xúc tôi chuyển biến kỳ quặc như thế, có lẽ vì chúng tôi rõ ràng không phải là hai người từng nhắn tin trên mạng, vậy mà lại vô tình gặp nhau. Đúng là chuyện có một không hai trong năm 17 tuổi của tôi.

"Ting! Ting! Ting!"

Vừa bật mạng, hàng loạt thông báo Zalo đã nhảy liên tiếp trên màn hình điện thoại. Hình như mẹ biết kết quả IELTS rồi, nên mới gọi điện và nhắn tin với thái độ tức giận đến vậy.

19:35 Hôm nay

Bạn bị nhỡ cuộc gọi video

19:37 Hôm nay

Bạn bị nhỡ cuộc gọi video

19:41 Hôm nay

[Nghi, sao con không nghe điện thoại?]

19:42 Hôm nay

[Con cố tình không trả lời tin nhắn của mẹ à?]

Tôi vừa đọc xong những dòng tin nhắn đó thì điện thoại đột ngột rung lên. Chiếc iPhone của tôi vốn đang ở chế độ tắt tiếng, thế mà tiếng rung dữ dội báo hiệu cuộc gọi từ mẹ tưởng chừng còn mạnh hơn gió thổi ngoài kia.

- Alo, con đây ạ. Nãy giờ con không bật mạng, nên không biết mẹ gọi.

- Con xem sự quan tâm của mẹ là trò đùa à? Hơn nữa, sao không tự giác báo lại kết quả IELTS? Con có thật sự đang học không vậy Nghi? Con định làm mẹ thất vọng đến bao giờ nữa?

"Con định làm mẹ thất vọng đến bao giờ nữa..."

Mẹ nói rất nhiều, thế nhưng thứ truyền qua tai tôi chỉ có bằng ấy chữ. Tôi ngửa đầu ra sau, cố gắng bình tĩnh và ít bực tức nhất có thể, trả lời mẹ:

- Cũng đâu phải con muốn bị điểm kém, cũng đâu phải con cố tình không nghe điện thoại của mẹ.

- Ăn nói cái kiểu gì đấy? - Mẹ gắt lên, tôi lại càng cảm thấy uất ức hơn.

- Đưa đây, để tôi nói chuyện với nó. - Chất giọng nghiêm khắc ấy chỉ có thể là của ba, tôi biết đời mình thế là đi tong rồi. - Con bỏ cái thói ăn nói vô học cho ba. Ba dạy con từ nhỏ đến lớn, nói con biết bao nhiêu lần. Khi gặp chuyện, điều đầu tiên là đối mặt với nó, xem xét tình hình và suy nghĩ cách giải quyết, chứ không phải viện cớ trốn tránh, đổ lỗi cho hoàn cảnh.

- Con không đổ lỗi ạ.

Tại sao ba không nói với tôi "thôi, được rồi, con về nhà cẩn thận, ba mẹ sẽ nói chuyện với con sau", mà lại khăng khăng cho rằng tôi là kẻ chỉ biết đổ lỗi cho thực tại bằng những lời nói dối vô nghĩa?

- Đủ lông, đủ cánh nên không xem ba ra gì phải không?

Giọng ba vẫn mang âm lượng vừa phải, nhưng đủ để khiến nước mắt chôn sâu trong "chiếc lọ" của tôi tràn ra ngoài.

- Mẹ thất vọng về con, còn ba thì luôn nghĩ con nói dối. Vậy bây giờ con nên làm gì đây? Nói tiếp thì thành cãi ba, cãi mẹ, im lặng thì bị cho là xem thường hai người. Con thực sự không biết phải làm gì cả.

- Về nhà ngay, trước khi ba nổi giận với con.

Tít tít... Ba đã cúp máy, để mặc tôi bơ vơ với vô vàn suy nghĩ trên chuyến xe buýt trở về nhà.

Nhà có thực sự là nơi để về không vậy?

Sự mệt mỏi dần dần xâm chiếm cơ thể tôi, toàn bộ năng lượng ngày hôm nay bị rút cạn chỉ sau vài phút nghe điện thoại, tôi cứ có cảm giác bản thân chấp chới giữa khoảng không vô tận.

Mọi thứ trước mắt mờ mịt như phủ lớp sương mỏng. Có nắng, có gió, có đồng cỏ nội, có những rặng núi xanh nằm xa xa...

Chợt một chiếc lá khô rơi xuống, nó vỡ vụn dưới đất vì bị bàn chân ai đó đạp lên, ánh mặt trời lóe sáng, rồi vụt qua đôi mắt tôi, mọi thứ lại biến mất, chỉ còn một màu đen ngòm đầy tăm tối.

Tôi giật mình, cơ thể trở nên nóng bừng, vầng trán ướt đẫm mồ hôi, tôi lau mãi cũng chẳng hết.

- Cháu học sinh, cháu không xuống trạm sao?

- Dạ... - Tôi bối rối nhìn bác gái giữ vé xe, mãi mới ý thức được vừa nãy chỉ là một cơn mơ thoáng qua khi vô tình ngủ gật trên chuyến xe buýt về nhà.

- Cháu xuống trạm nào? Xe buýt sắp đi đến trạm cuối rồi, cháu nên... - Tiếng thúc giục làm tôi khựng lại, đầu đau như búa bổ, tôi gắng gượng nói với bác:

- Cháu xuống trạm tiếp theo ạ.

"Bíp bíp, đến trạm cầu Sài Gòn."

Cánh cửa của xe buýt tự động mở ra, đường phố Sài Gòn vẫn nhộn nhịp như thường ngày, những ánh đèn sặc sỡ thi nhau bay nhảy trên thành cầu.

Khoan đã, có cái gì đó sai sai, điện thoại đâu? Chắc tôi chưa tỉnh ngủ ấy mà, mơ trong mơ thôi, tôi tự bật cười an ủi bản thân.

- Bác tài xế, bác bán vé ơi, chờ cháu với. Hình như cháu để quên điện thoại rồi ạ.

Tiếc rằng đây không phải mơ, đây là sự thật, điện thoại của tôi đã biến mất không tung tích. Tôi hét lớn, vừa gọi vừa chạy theo chiếc xe buýt vừa đi khỏi đó tầm mấy phút.

Còn thở là còn gỡ, Đông Nghi!

- Bác ơi, chờ cháu đi mà. - Tôi cắm đầu chạy thục mạng, tới nỗi sứt chỉ váy và bung luôn quai sandal, vậy mà chiếc xe buýt số 150 ấy nỡ lòng nào vẫn đi một đường thẳng tắp về trạm cuối.

Trái tim của tôi bỗng dưng ra tín hiệu khẩn cấp: một là mày dừng, hai là tao dừng. Tôi thở dốc, đành chạy chậm lại, sau đó ngồi bệt xuống vệ đường trong sự bất lực.

Ngày quái gì xui điên! Vừa không đạt aim IELTS, vừa bị ba mẹ mắng, vừa gặp ác mộng trên xe buýt, vừa mất điện thoại, lại còn sứt chỉ váy và hư luôn đôi sandal mới săn sale trên Shopee. Tôi ngẩng đầu, cố lờ đi những giọt nước vương trên mi.

- Chị ơi, chị đừng khóc nhè, chị mua cho em một tờ vé số nha chị!

Đứa trẻ bán vé số bám lấy vạt áo sơ mi trắng của tôi. Khuôn mặt đen nhẻm, đôi mắt kèm nhèm, chiếc răng sữa chẳng hiểu vì lí do gì mà sứt hơn nửa.

- Em còn bao nhiêu tờ? - Tôi cố gắng chỉnh giọng trở lại bình thường, trả lời thằng bé.

- Dạ, mười một. Nhà em khổ lắm, mẹ vừa sinh em bé đã bỏ nhà đi, bố thì bị tai nạn, đang ở bệnh viện Chợ Rẫy, nên chị giúp em đi mà.

- Được rồi, để chị xem.

Tận mắt chứng kiến một đứa trẻ còn quá nhỏ để bôn ba và gượng sống như người lớn, lại thêm những dòng nước mắt lã chã rơi trên gương mặt em, lòng tôi bỗng chốc chùng xuống, hệt chiếc dây thừng bị siết chặt, khó chịu vô cùng.

Đúng là "tai nghe không bằng mắt thấy", sống đủ lâu mới biết người khổ trên thế gian này chẳng phải chỉ có mình bản thân.

- Em chờ chị xíu nhé, chị đang kiếm ví.

- Dạ. - Đứa trẻ vẫn ngoan ngoãn đứng trên vệ đường.

Song, chuyện điên rồ là dù tôi đã cố lần mò tất cả túi cặp, lại chẳng thể tìm ra chiếc ví con mèo màu vàng.

- Ôi má ơi, có khi nào hồi nãy ngủ quên trên xe buýt bị móc túi lẫn điện thoại rồi không? Tự nhiên mất hết trơn, tí sao về nhà ta?

- Chị ơi, chị không sao chứ ạ?

Thằng bé nghiêng đầu hỏi, vẻ mặt vô cùng lo lắng. Bởi vì bận đấu tranh với những nỗi lo toan quá đỗi kinh khủng trong cùng một ngày, tôi quên mất tiêu ở đây có thiếu nhi đang trong tuổi ăn, tuổi lớn. Tội lỗi trong lòng tự nhiên dâng trào nhiều ghê gớm.

- Chị xin lỗi, chị không thể mua hết mười một tờ vé số của em, chị sơ sẩy làm mất cả điện thoại lẫn ví mất rồi. Chị xin lỗi em... Chị xin lỗi...

Vốn dĩ tôi đã định giúp em ấy, vốn dĩ tôi đã định phải thật vui vẻ đối diện với mẹ dẫu kết quả IELTS có ra sao, vốn dĩ tôi đã định nói sự thật với một người lạ vừa quen cách đây bốn tiếng đồng hồ, và vốn dĩ tôi đã không định khóc, nhưng mọi thứ diễn ra hoàn toàn trái ngược với hai từ "vốn dĩ" trong trí tưởng tượng của tôi.

- Chị muốn giúp em là em biết ơn lắm rồi ạ, chị đừng khóc nữa nha!

Thằng bé nhoẻn miệng cười, để lộ chiếc răng sữa sứt mẻ. Tôi càng nhìn, lại càng muốn gào khóc dữ dội hơn. Thương em ấy, thương cả tấm thân tàn dại của tôi vào một ngày xui xẻo để đời.

- Để anh mua hết vé số còn thừa của em cho.

Chợt một giọng nói trầm ấm vang lên.

Trong bầu không khí ám đầy mùi khói bụi của xe cộ, khi những tạp âm chen lấn nhau dội qua màng nhĩ, tôi lại nghe rõ âm thanh đều đều phát ra từ người mà tôi còn chẳng nhớ rõ mặt. Đúng là kỳ lạ thật!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro