Chương 4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

- Bán cho anh được không nhóc? - Người đẹp trai nọ vẫn vô cùng nghiêm túc trong chiếc áo sơ mi trắng và quần tây đen, anh khuỵu đầu gối xuống, vẻ mặt chân thành hỏi thằng bé đầu trọc.

- Anh nói thật ạ?

Thằng bé hồ hởi trở lại. Nhìn thấy nụ cười răng sún ấy, tôi bỗng chẳng muốn khóc lóc mít ướt nữa. Không lẽ tôi già đầu rồi, còn thua đứa con nít sao?

- Người lớn không biết nói xạo đâu nhóc.

Thật ư? Người lớn không biết nói xạo sao?

-  Tổng cộng là một trăm mười ngàn nhỉ? Của em đây.

Đôi mắt đứa trẻ trở nên lấp lánh hệt như những vì sao nhỏ trên bầu trời. Thằng bé đưa hai tay ra, ngoan ngoãn nhận lấy hai tờ năm chục và một tờ mười ngàn, nói lời cảm ơn chúng tôi, rồi vụt chạy đi. Hẳn đứa trẻ bán vé số ấy đang rất mong chờ mang tiền về cho nhà. Ước gì tôi cũng có thể mang tâm trạng vui vẻ như thế trở về nhà, chứ không phải sợ mẹ mắng một tràng dài, kèm thêm khuôn mặt đáng sợ của ba.

Còn người đẹp trai nọ, vừa dứt câu, anh đã cúi xuống nhìn tôi đang ngồi đần thối bên vệ đường. Thái độ dịu dàng như nắng, như gió ấy làm trăm mối ngổn ngang ùa vào não tôi một cách bất chợt.

- Em đúng là... Khóc sao mà nước mắt, nước mũi tùm lum vậy?

Hả? Người gì đâu có cái nết kì cục! Có biết nói thế làm trăm mối ngổn ngang của tôi bây giờ chỉ muốn thoát khỏi não càng nhanh càng tốt không?

- Sao anh lại ở đây?

- Chuyện đó có quan trọng bằng việc anh thấy em ngồi khóc giữa đường không? Mà thôi, bỏ đi, giờ đứng lên được chưa bà nhỏ?

Tâm trạng tôi mỗi khi nói chuyện với cái người này cứ như cảm giác của phi hành gia bay ra ngoài vũ trụ, lúc thì lâng lâng trên chín tầng mây, lúc lại rơi thẳng xuống mười tám tầng địa ngục. Không biết đường nào mà lần!

Có vẻ như anh ta để ý thấy khuôn mặt nhăn nhó của tôi rồi. Người đẹp trai bỗng đưa tay ra, ánh mắt có gì đó khiến tôi phải nâng cao cảnh giác:

- Đứng lên đi, kẻo tí chuột phi qua người em luôn đó.

- Đừng có dọa trẻ con nha người cao tuổi.

Lời nói thì thế, nhưng tay tôi lại vươn ra, chạm vào bàn tay to lớn của anh trai kia. Ngay lúc đó, anh cũng nắm lấy tay tôi, kéo tôi đứng thẳng lên, thoát khỏi đống bụi bặm nằm rải rác trên mặt đường.

"Ông chú" hội tụ đủ những thứ kỳ lạ lại xuất hiện một lần nữa trong cùng một ngày. Tôi cả gan đoán đây là Nanami Kento giáng trần, nên mới có thể tạo ra định mệnh ảo diệu đến vậy. Trong lúc tôi mải mê chìm đắm trong hàng chục suy nghĩ tào lao thì người đẹp trai nọ bỗng dưng cất giọng, hỏi:

- Làm sao em khóc?

Dù giọng nói của người kia nghe ngọt như mía lùi thật, nhưng trong vài giây thoáng qua nào đấy, tôi đã tưởng người trước mặt là một ông bụt hiền lành, hiện ra ngay lúc Tấm khóc và nói "làm sao con khóc?"

- Anh nói chuyện cứ như ông bụt ấy. - Nghe lời tôi nhận xét, anh bỗng phì cười, bảo:

- Ông bụt đang hỏi em đấy.

- Em mất điện thoại với ví ạ. Hồi nãy, em đi xe buýt về, lỡ ngủ quên, đến lúc xuống trạm thì em không thấy đồ mình đâu nữa. Nhưng chuyện khốn khổ hơn là bố mẹ đang hối em về.

Tôi vừa lau nước mắt nhòe trên mi, vừa kể lể với người bên cạnh. Gió đêm bắt đầu thổi đìu hiu qua người chúng tôi, nhưng hơi nóng vẫn còn đọng trên thành cầu. Đó có lẽ là lý do bàn tay của người kia khi xoa nhẹ đầu tôi an ủi mới ấm lạ thường.

- Nín khóc đi. Để anh điện thử bên xe buýt, biết đâu em vô tình quên, người ta còn giữ thì sao? Tích cực lên nào!

- Anh gọi giúp em ạ?

- Ừ, thế nên nín khóc nhé.

Anh chuẩn bị mở điện thoại thì bỗng dưng quay sang nhìn tôi, đặc biệt cứ nhìn chằm chằm vào hai cái má, rồi không nhịn được cười, hỏi:

- Má em trét phấn hồng à? Đỏ thế!

- Có đâu ạ, gái xinh, gái dễ thương, má hay đỏ lắm! Anh không biết hả? Mà anh lo gọi điện giúp em đi, đừng để ý chuyện lung tung nữa.

Tôi cúi đầu, gò má tôi có đỏ thì cũng chưa thể sánh ngang với đám mây phiếm hồng hay xuất hiện trên bầu trời hoàng hôn đâu, nên không việc gì phải ngại hết.

- Anh biết rồi.

Anh trả lời tôi xong thì tập trung tra số điện thoại và gọi cho người phụ trách chuyến xe buýt số 150. Chuyện kém may mắn là họ nói không tìm thấy chiếc điện thoại và ví màu vàng hình con mèo nào cả. Vừa nghe được thông báo phía bên kia điện thoại, anh đã quay sang nhìn tôi, nhẹ nhàng nói:

- Họ bảo không tìm thấy, em đừng khóc, hay là...

Hi vọng vừa chớm nở nhanh chóng bị vụt tắt, nhưng tôi sẽ không cho phép cảm xúc buồn bã và tiêu cực chiếm cứ đầu mình nữa. Tôi hít thở, lấy lại tinh thần, đáp lời anh:

- Không sao ạ. - Sợ anh không tin, tôi cố tình cong môi cười, vui vẻ đệm thêm vài lời giải thích. - Em nói thật. Nếu suy nghĩ tích cực thì em sắp được mua điện thoại khác, biết đâu là iPhone đời mới nhất thì sao? Ví của em cũng chỉ có mấy trăm ngàn mẹ đưa, mà mua quà bánh cho anh cũng hết trơn rồi. Còn căn cước công dân, làm lại chắc cũng không lâu đâu nhỉ?

Dù gặp gỡ chưa tròn một ngày, nhưng tôi biết hành động tiếp theo của người bên cạnh là gì, chắc chắn sẽ bật cười dịu dàng. Nhưng lần này hơi khác, anh bắt đầu câu chuyện không liên quan đến những gì chúng tôi đang nói cho lắm.

- Chơi trò chơi không? Luật trò chơi là kể về những nỗi buồn tệ nhất bản thân từng trải qua. Anh làm mẫu thử nha. Trước khi đến gặp em, anh vừa nhận mail rớt phỏng vấn intern lần thứ 4, cộng thêm rải mail hơn chục nơi, mà người ta chẳng buồn trả lời.

- Đến em hả? Chuyện mất ví với điện thoại tạm bỏ qua đi - Tôi cắn môi, động não suy nghĩ vài giây, sau đó mới nhớ ra tốp những điều đáng buồn xảy ra trong 17 năm cuộc đời của tôi. - Em không đạt aim IELTS.

- Anh thi gần 10 cuộc thi học thuật về kinh tế, nhưng đến phân nửa là rớt ở vòng 1, vòng 2, chưa bao giờ đi đến vòng chung kết.

- "Con định làm mẹ thất vọng đến bao giờ nữa?" và "Đủ lông, đủ cánh nên không xem ba ra gì phải không?" Ba mẹ đã nói với em như thế vào nửa tiếng trước.

Có vẻ hai câu nói vừa rồi khiến người bên cạnh tôi hơi giật mình, đôi mắt anh hiện lên vài tia chua xót, anh nhìn tôi rất lâu, lâu đến mức tôi phải giả bộ không nhìn thấy anh mắt đó. Thế nhưng, điều lạ kỳ là anh vẫn chuyên tâm chơi tiếp, không hề vì lời tôi nói mà bị chi phối.

- Anh phải liên tục vào bệnh viện trong suốt ba năm qua.

- Hả? Anh giống em á? Em cũng thường xuyên vào bệnh viện để kiểm tra sức khỏe nè, nhưng không có liên tục như anh. Bộ anh mắc bệnh gì ghê lắm sao?

- Con nít hay thích tò mò ha?

Trước hàng loạt câu hỏi của tôi, anh lại ung dung nhìn đâu đó rất xa xăm, có thể là những gợn sóng lăn tăn trên mặt sông, cũng có thể là tòa Lanmark 81 cao ngất, đâm thủng cả màn sương mỏng và bầu trời đêm. Nhưng dẫu tầm mắt của anh đang ở nơi nào, thứ duy nhất tôi cảm nhận được là anh không muốn nói với tôi về bí mật ấy, hoặc chưa đủ sẵn sàng.

Đúng rồi, tôi quên mất.

Thứ nhất, tôi và anh chưa là gì thân thiết đến mức có thể chia sẻ bí mật như người quen.

Thứ hai, đôi khi con người sẽ có một số bí mật đặc biệt tới nỗi nơi trú ẩn duy nhất của chúng là nằm trong tim người đó.

- Bộ mắc giỡn lắm hay gì? Để em xem, em còn trải qua điều tồi tệ nào nữa không. À, nhớ ra rồi, mẹ đã bẻ đôi mô hình Nanami Kento giá một củ của em.

Dù câu chuyện này đã xảy ra vào bốn tháng trước, nhưng mỗi lần nhớ đến, tôi lại rơi vào trạng thái "ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa".

- Thật đấy à? Xin chia buồn cùng em.

Cuối cùng đôi mắt màu đen của anh cũng đặt lên người tôi, cơ mà giọng điệu như đang nhịn cười kia khiến tôi muốn gõ "boong" một phát vào đầu anh ngay lập tức. Sao mặt trông cứ ngứa đòn thế nhỉ?

- Anh đâu có nỗi buồn nào lớn hơn em đâu, đúng không? - Người đẹp trai nọ ngẫm vài giây, sau đó gật đầu, nụ cười vẫn luôn thường trực trên môi anh:

- Anh còn nhiều nỗi buồn lắm, nhưng chắc không là gì so với quả bị phá mô hình của em. Thôi thì chúc mừng em đã chiến thắng giải người có nỗi buồn sâu sắc nhất với quy mô hai thí sinh. Phần thưởng thì đợi anh một xíu. Giờ em lấy máy gọi điện báo cho người nhà tình hình đi, kẻo ba mẹ lo.

- Dạ. - Suýt thì tôi quên mất việc phải gọi điện cho ba mẹ, mà cũng có khả năng do tâm lí sợ hãi thao túng, thành ra tôi cứ chần chừ mãi mỗi khi nhớ đến hai vị phụ huynh khó tính. Chắc mẹ cầm chổi, ba cầm xẻng đang đợi xử tôi ở nhà quá!

- Alo! Cho hỏi là ai vậy ạ? - May ghê, mẹ là người bắt máy.

- Con đây ạ. Mẹ ơi, con nói cái này, mẹ đừng đánh con nha.

Bàn tay lại toát ra mồ hôi, tôi nuốt nước bọt, lấy sức để kể cho mẹ tiếp. Thế nhưng, mẹ bỗng nhiên trở thành người nói với tôi trước, từng chữ đều nhẹ nhàng như thể vô cùng lo lắng cho đứa con gái về muộn.

- Được rồi, mẹ hứa mẹ không làm gì con. Nhưng làm sao mà gọi điện bằng số lạ hoắc lạ huơ này vậy con? Với lại, con đang ở đâu? Có xảy ra chuyện gì nghiêm trọng không Nghi?

- Mẹ hứa là mẹ không đánh nha. Thật ra con vừa bị trộm mất điện thoại và ví trên xe buýt, nên mới phải gọi nhờ điện thoại của người ta.

Mẹ im lặng tầm đôi ba giây, sau đó bảo tôi, giọng đã giảm nửa sự dịu dàng, thay vào đó là nỗi lo lắng tăng gấp bội.

- Con biết mình đang ở đâu không? Mẹ điện ba ra đón con.

- Ở trạm xe buýt cầu Sài Gòn ạ. Mẹ đừng lo, con không bị sao cả, mà còn may mắn gặp được một người rất tốt.

"Người rất tốt" ấy đã quay trở về chỗ tôi đang đứng, trên tay anh là một túi nilong đựng kẹo bánh gì đó màu hồng, tôi chưa hình dung ra chúng là gì.

- Đừng tin cái người tốt gì đấy quá. Ở đời, thứ mong manh nhất là lòng người, con còn nhỏ, chưa hiểu chuyện, làm sao mà biết ai tốt, ai xấu. Mẹ nói vậy thôi, con cứ đứng ở cầu, chờ ba mẹ ra đón nhé Nghi!

- Dạ, con biết rồi.

Tôi không biết mẹ có đang nói thật về chuyện mẹ sẽ không la mắng, và ba cũng sẽ không thể hiện thái độ bất mãn trước mọi hành động của tôi không. Nhưng mà tôi vẫn còn nhớ mang máng "ông chú 20 tuổi" kia đã nói với cậu bé bán vé số rằng người lớn không biết nói xạo. Hẳn ba mẹ cũng thế nhỉ? Sẽ không nói xạo tôi.

- Sao rồi? Có bị ba mẹ mắng không?

Ban đầu, tôi chưa để ý kĩ lắm, nhưng bây giờ, vết ố trên cánh tay áo sơ mi bỗng dưng lọt vào tầm mắt tôi. Hình như do lúc xem phim, tay tôi dính mồ hôi, mà lại bám vào cánh tay người đẹp trai nọ để leo lên bậc thang.

- Sao mặt em trông tái mét thế? Sợ về nhà bị ăn đòn à? - Bàn tay anh quơ qua quơ lại trước mặt tôi, tôi ngẩng đầu, nghiêm túc nói:

- Áo anh dơ rồi kìa, biết vậy hồi nãy, em không bám vào tay áo anh.

- Thì áo sơ mi trắng của em cũng bị dơ do tay thằng bé bán vé số chạm vào lúc năn nỉ em mua. Em cũng đâu thấy phiền, phải không?

1 giây, 2 giây, 3 giây. Tôi mất tận ba giây để hiểu được được lời anh nói. Ngay sau đó, tôi bất giác cúi đầu nhìn vệt bẩn nâu nâu, kèm theo vài đường nhàu trên vạt áo đồng phục.

- Giúp người khác mà khiến áo em bị dơ thì em có muốn giúp nữa không? - Tôi gật đầu, anh lại tiếp lời:

- Ừ, anh cũng thế. Cứ cho là khi giúp đỡ một ai đó, mình bị tổn hại đi, nhưng cái tổn hại ấy chỉ bé xíu xiu, còn người được giúp nhận rất nhiều thì chúng ta vẫn giúp họ mà, đúng không? Vậy nên đừng thấy có lỗi khi em làm dơ áo anh.

- À, em đã hiểu đạo lí anh nói. Trước khi đổ lỗi cho mình, hãy thử đổ lỗi cho người khác. Em không nên thấy có lỗi vì làm dơ áo anh, mà phải trách anh tại sao không mặc áo đen. Hì hì, em nói quá đúng nhờ?

- Gì vậy má nội? Học 1, hiểu 0.5 hả?

Anh bóp trán, nom bất lực dữ lắm. Tôi thừa biết điều anh muốn gửi gắm qua những câu nói vừa rồi, nhưng nếu để hai đứa lại rơi vào tình trạng suy tư, đôi bên e thẹn thì chẳng vui gì cả. Thế nên, tôi tình nguyện đóng vai con nhỏ khờ khạo để chọc cười anh một xíu. Tôi đoán ngày hôm nay của anh chắc cũng không dễ dàng gì.

Sau khi cười mệt trước trò đùa vô bổ của tôi, anh chợt dúi vào tay tôi túi nilong màu hồng và bảo:

- Quà cho em đấy, ăn kẹo chỉ tơ hồng không biết có giúp em thông minh lên không, nhưng ngon.

Trừ 10 điểm thanh lịch!

- À với lại, lấy túi nilong còn thừa cột vào chân đi. Sandal của em bị bung mất rồi, đi chân không về, có vẻ không ổn lắm đâu.

Túi nilong anh đưa cho tôi là của Circle K, tôi đoán đó là túi đựng hộp bánh Pocky. Vậy anh đã đọc tờ giấy ghi chú tôi lén bỏ vào túi nilong chưa nhỉ? Vừa nghĩ đến những dòng chữ ghi sự thật trong giấy note, tôi lập tức sợ điếng người.

- Khụ... Em có tất trắng mà, lo gì mấy cái mặt đường xi măng.

- Chắc chưa? Với chiếc tất bị rách kia mà em dám tự tin vậy luôn hả?

Cha nội này có "mắt thần" sao? Cái gì cũng thấy, cũng biết hết!

Tất trái của tôi chẳng may bị rách ở đầu ngón chân, tôi ngại tới mức chỉ biết lấy chân còn lại đạp lên, cố gắng giấu đi vết rách xấu xí và chữa cháy bằng mấy câu đùa tầm phào:

- Nếu anh giống nam chính trong mấy bộ phim Hàn thì phải đeo giày của anh cho em chứ, không phải chỉ bày cho em thắt túi nilong vào chân thôi đâu.

- Biết sao không? Vì anh không phải là nam chính, có nam chính nào vừa rớt môn, vừa rớt vòng gửi mail xin đi thực tập như anh không? Thế nên, "bé cấp ba", em phải tự lực cánh sinh đi, anh giúp được tới đó thôi.

Túi nilong hiệu Circle K đã ở trên tay tôi. Ừ, anh nói đúng. Tôi phải tự lực cánh sinh. Tôi cúi người, tự mình thắt túi nilong vào chân.

Chúng tôi lại rơi vào trạng thái "lặng như tờ", anh chống cằm ngắm cảnh, còn tôi nghiêng đầu nhìn anh lần cuối.

"Em không phải là cục kim cương vàng bạc châu báu lung linh tỏa nắng của A Gấu trên Tinder. Em thay mặt em gái đến gặp anh, dẫu em thậm chí còn chẳng biết anh thực sự là ai. Nhưng em có thể chắc chắn một điều, anh không phải là Trần Gia Khiêm. Dù anh là ai thì em vẫn muốn cảm ơn vì đã cho em buổi đi chơi đáng nhớ đến vậy. Hẹn gặp lại anh vào một ngày không xa!"

Lúc ở Circle K, tôi đã tranh thủ ghi vài dòng và nhét tờ note ấy cùng hộp Pocky vào túi nilong. Chẳng biết anh có đọc được không, nhưng lời mong muốn cuối thư đã hóa sự thật trong cùng một ngày. Có lẽ chúng tôi không còn cơ hội gặp lại nữa chăng?

Những dòng suy nghĩ rối bời đó vụt qua đầu tôi một cách chóng vánh, ánh đèn từ xe ô tô trước mặt đã cướp hết sự chú ý của tôi. Mẹ đây rồi, mẹ đã đến đón tôi.

- Nghi! Con có bị làm sao không? Mẹ lo cho con đến bủn rủn tay chân luôn này.

- Dạ, con không sao, nhưng ba không đến ạ?

- Ừ, đơn vị vừa gọi ba về Bình Dương, nên mẹ đến đón con. Thôi, có gì về nhà nói tiếp. À mà cảm ơn cậu đã giúp con nhà tôi.

Mẹ quay sang nhìn anh, nói những lời vô cùng khách sáo, còn anh thì cười mỉm chi, liên tục đáp rằng không sao, đó là việc anh nên làm.

- Mẹ vào xe trước đi, con cảm ơn cái anh này đã. - Ánh mắt đăm chiêu của mẹ rơi xuống người tôi, nhưng mẹ không từ chối, chỉ bảo:

- Nhanh lên Nghi! Giờ cũng muộn lắm rồi.

- Dạ. - Tôi chạy vội đến chỗ anh, cười thật tươi, vẫy tay chào lần cuối trong ngày:

- Ông chú 20 tuổi ơi, nếu có cơ hội gặp lại, nhớ cạo râu nhé!

- Ừ, anh biết rồi. Còn bé 17 tuổi mà trông như cấp hai, em nhớ ăn uống đầy đủ để lớn nha!

Có lẽ khi nói lời tạm biệt, bao giờ người ta cũng thấy day dứt, vì biết phần trăm khả năng hội ngộ rất ít ỏi. Cảm giác hiện tại của tôi cũng bất thường như thế, chợt buồn man mác, chợt thấy mấy tiếng vừa rồi trôi nhanh như chó chạy ngoài đồng.

Nhưng trong bộ phim 2521, nhân vật Na Hee Do đã nói hài kịch thì luôn hạnh phúc hơn bi kịch. Chính vì thế, lời chào tạm biệt hài hước này sẽ gợi cho tôi cảm giác trong tương lai, có thể vào một ngày đẹp trời nào đấy, chúng tôi sẽ gặp lại.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro