Chương 5

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

- Con làm sao vậy Nghi? Cũng đâu phải lần đầu đi xe buýt, thế mà con vẫn bất cẩn làm mất điện thoại và ví, mẹ cũng lạy con luôn.

Xem ra người đẹp trai nọ nói xạo tôi rồi. Mẹ vẫn mắng tôi như thường đấy thôi. Thì ra người lớn không phải lúc nào cũng nói thật.

- Mẹ chuẩn bị nói... "Con còn định làm mẹ thất vọng đến bao giờ nữa?", phải không ạ?

Bàn tay đang cầm vô lăng của mẹ chợt khựng lại, nhưng mẹ không quay sang nhìn tôi. Từng câu, từng chữ trong lời nói vẫn khiến tôi tấm tức đến phiền muộn.

- Con muốn gì đây? Muốn cãi lại mẹ à?

- Không ạ, con chỉ hỏi mẹ thôi, vì mẹ đã hứa sẽ không làm gì con mà.

Từ góc nhìn của tôi, vết chân chim trên khóe mắt mẹ lúc hiện rõ, lúc lại khuất dần sau ánh sáng nhá nhem của điện đường. Vài sợi tóc bạc lẫn trong mái tóc đen suôn mượt nhắc nhở tôi rằng mẹ không chỉ lo cho mình tôi. Công việc giảng dạy, gia đình và ti tỉ vấn đề nhỏ nhặt trong cuộc sống thường nhật cũng đủ làm mẹ lao tâm khổ tứ. Đã cực khổ vất vả, còn gặp phải đứa con gái không biết điều như tôi, hẳn mẹ cũng mệt lắm.

- Bây giờ, con vẫn chưa trưởng thành, chỉ thấy câu từ mẹ dùng và cách ba hành xử thật đáng ghét, nhưng mà lúc con không rõ tung tích ở ngoài kia, người lo nhất vẫn chỉ có ba mẹ ở nhà thôi. Ba mẹ nói nặng lời, cũng vì lo cho con, sợ con gặp chuyện, sợ con không trở về nhà nữa.

- Mẹ... mẹ ăn kẹo chỉ tơ hồng không ạ?

Lần thứ hai trong cùng một ngày, lòng tôi lại dấy lên nỗi khắc khoải, cảm giác tội lỗi tràn vào trái tim và chạy loạn xạ đến mọi bộ phận trong cơ thể. Tôi không biết làm gì ngoài chìa gói kẹo chỉ tơ hồng về phía mẹ, rơm rớm nước mắt hỏi một câu ngờ nghệch chẳng thể tả nổi.

- Mẹ không ăn, con ăn đi. Nhưng ăn lần này thôi, lần sau chớ có ăn mấy đồ bậy bạ bán trên vỉa hè. - Mẹ lắc đầu ngao ngán, trả lời như thể không còn biết dùng từ nào mắng tôi nữa. 

Thật ra trong thâm tâm, tôi biết cuộc hội thoại trên mang ý nghĩa to lớn nhường nào.

"Mẹ... mẹ ăn kẹo chỉ tơ hồng không ạ?"

Tạm dịch: "Mẹ... con xin lỗi. Con xin lỗi vì đã làm ba mẹ lo lắng đến thế, con xin lỗi vì đã không làm được như kỳ vọng của ba mẹ."

"Mẹ không ăn, con ăn đi. Nhưng ăn lần này thôi, lần sau chớ có ăn mấy đồ bậy bạ bán trên vỉa hè."

Tạm dịch: "Ba mẹ thương con nhiều lắm!"

...

- Mà mẹ ơi, sao nay con thấy mẹ đẹp như tiên...

- Thôi đi, muốn xin tiền mua điện thoại mới chứ gì?

- Dạaaaa.

Chữ "dạ" ấy kéo dài đến vô tận, lúc nào xin xỏ, tôi cũng dùng tuyệt chiêu dẹo chảy nước miếng để lấy lòng mẹ hết. Mẹ vừa đẹp, lại vừa ưa nịnh, đặc biệt là từ cái mỏ con gái dấu yêu. Thế nên, tôi yêu mẹ rất nhiều.

Những ngày sau, ba đi công tác về, tôi tự nhận thấy tình hình đang đi theo chiều hướng khả quan và tích cực. "Đồng chí ba" không nói lời khó nghe với tôi nữa, có lẽ "đồng chí mẹ" đã hoàn thành xong công tác tư tưởng cho "đồng chí ba".

Và đúng là thế thật, một ngày nọ, tôi chuẩn bị đi học về sớm, tình cờ nghe hai đồng chí tâm sự với nhau. 

- Anh đừng khắt khe với con bé nhà mình quá! Tuy nó không được thông minh lắm, nhưng được cái cũng khờ khạo với tào lao mà.

Là mẹ khen tôi chưa nhỉ? Đã vậy, "đồng chí ba" còn nghiêm giọng, bảo:

- Không những ngốc, khờ, mà được thêm cái tật lười chảy thây. Một tháng nữa, nó nghỉ hè rồi đúng không? Cho xuống đơn vị rèn luyện thân thể, nâng cao tinh thần đi. Hiện tại, đơn vị cũng thiếu người quét lá, cho lợn ăn, dọn phân gà.

Gì vậy trời? Tôi là búp măng non của Tổ Quốc, sao ba nỡ lòng nào chôn vùi mùa hè tuổi 17 của tôi ở vườn tăng gia, chuồng lợn nơi quân khu xa tít?

- Thưa hai đồng chí, thật ra con đã lên lịch trình sẵn cho mùa hè này rồi ạ. Vào lúc 5 giờ sáng, con sẽ dậy sớm tập thể dục, sáng ôn luyện IELTS nâng band, chiều học các môn khối thi đại học, tối rửa chén, đi ngủ sớm. Hai đồng chí duyệt lịch trình cho con nhé?

Ba mẹ nhìn tôi, ánh mắt toát ra vẻ chẳng mấy tin tưởng. Tôi không vì thế mà nhụt chí. Tự tin nhoẻn miệng cười, lợi dụng dáng vẻ "khờ khạo, ngốc nghếch" như lời ba mẹ nhận xét, tôi cố tình xin thêm:

- Dạ, tình hình là muốn thực hiện thành công chiến lược đầy tiềm năng ấy, con đang thiếu mất công cụ trao đổi thông tin liên lạc để gia tăng tính hiệu quả trong quá trình làm việc. Không biết là hai đồng chí có thể đầu tư cho con một chiếc điện thoại được không ạ?

- Cần điện thoại lắm à? - Ba quét mắt nhìn tôi, tôi gật đầu một cái rụp, mạnh miệng đồng ý:

- Dạ, chỉ cần điện thoại thôi ạ.

Ba thực sự đã thực hiện đề nghị của tôi, chỉ là chiếc điện thoại ba đưa là Nokia từ thời nhà Tống. Quả thực không thể xem thường người đàn ông thâm thúy đứng đầu bộ tham mưu, bảo sao mỗi lần xảy ra mâu thuẫn, tôi như mèo con kêu meo meo trước mặt ba.

- Thôi, nhanh đi học đi, kẻo muộn giờ.

Mẹ nhét vào tay tôi hộp sữa đậu nành, rồi hối thúc tôi nhanh chóng đến trường. Bình thường, ba sẽ làm việc ở quân đoàn, còn mẹ sẽ đảm đương nhiệm vụ đưa đón tôi đi học. Thế nhưng dạo này, ngoài giảng dạy, mẹ còn phải làm thêm việc xét duyệt và hỗ trợ nghiên cứu khoa học gì đó cho các anh chị sinh viên, thành ra tôi đành phải tự thân vận động, tự vác cặp đi xe buýt đến trường.

Vừa hút một hơi, hộp sữa đậu nành đã hết sạch, tôi chép miệng, tạm bỏ qua cơn thèm sữa, thử ngắm nghía một buổi sáng ở Sài Gòn. Nắng sớm phủ lên đầu người đi đường, chúng cố len lỏi qua từng kẽ nứt trên tường để mang ánh sáng vào nơi tăm tối nhất. Chắc do tôi yêu đời, nên những đám mây trắng xóa trên bầu trời cao vời vợi bỗng hóa thành đủ hình dạng khác nhau. Có mây con mèo, mây bông hoa, mây bánh que và cả mây hình người.

- Ơ, người đẹp trai! - Những chữ ấy vọt qua khung cửa sổ, tan vào khoảng trời xanh biêng biếc.

Ai nấy trên xe buýt đều đột ngột quay sang nhìn tôi. Có khi người ta đang nghĩ "nhỏ này khùng" cũng nên. Tôi tự khắc im thin thít, chỉ dám len lén ngoảnh đầu nhìn tiếp mọi thứ qua lớp kính dày, tiếc là khuôn mặt mang nét giống người đẹp trai nọ chẳng còn xuất hiện trong tầm mắt tôi nữa.

- Chắc mình rồ cả người rồi.

Ngoại trừ việc bị hoa mắt vào sáng ngày hôm ấy thì tất cả mọi chuyện vẫn diễn ra như bao ngày. Tốp 1 những điều nhàm chán nhất tôi phải trải qua: đi học với đám lớp chọn, cái đám mà chọi nhau toác đầu chảy máu trên bảng xếp hạng mỗi học kì khiến tôi chẳng mấy khi muốn làm thân.

- Ui Đông Nghi, thi IELTS sao rồi? Đạt aim không vậy bà? Chắc là cũng cao nhỉ? Bữa tui thi được có 7.5 IELTS, chắc phải thi lại nè bà.

Quỳnh Giao - lớp phó học tập lớp 11A1 chưa gì đã chào tôi buổi sáng bằng nhiều câu hỏi rất ngứa đòn.

- Không cao lắm, nhưng cũng đủ xài. Cảm ơn bà đã quan tâm tui nha!

Tôi cười cho có lệ, rồi nhanh chóng bước về chỗ ngồi. Huyền My đã ngồi sẵn, nó cười thảo mai, giọng nghe ngứa đòn hơn cả Quỳnh Giao và Mai Khanh cộng lại:

- Bà ơi bà, bà đạt aim IELTS không bà?

- Tao đấm vào mỏ mày giờ, thích "bà ơi bà" không?

- Gì dọ? Sao lại mắng tui vậy bà? Tui sợ đó.

Tôi bẹo má Huyền My, để nhỏ bạn thân không mạnh miệng nói lời trêu ngươi tôi nữa.

Buổi học năm tiết kéo dài từ 6 giờ 45 sáng đến 11 giờ 15 đủ khiến tôi từ một người tràn đầy sức sống thành cái xác khô, lại thêm nhỏ My hay thích kể lể về chuyện tình mắc dịch của nó. Tôi cố gắng căng lỗ tai nghe Huyền My nói tới nói lui về thằng bồ chơi bóng rổ, cung Song Tử, có nhiều bạn thân khác giới và em gái mưa, học lớp A3, A7 gì đó nguyên buổi. Nghe thì hơi tệ, nhưng trong vài giây phút thoáng qua, não tôi bỗng trỗi lên dòng suy nghĩ "phải chi hồi đó mình không mượn bút nhỏ này".

- Cái mỏ mày nín được chưa? Tao sinh ra để cưới Nanami Kento, chứ không phải ngồi nghe chuyện tình mày đâu.

- Thôi mà, tao muốn nghe lời khuyên từ mày. Tao và bạn ấy yêu nhau được một tháng, nhưng...

- Chia tay! Chia tay! Chia tay! - Tôi híp mắt cười, trả lời câu hỏi của Huyền My một cách hiền từ nhất có thể, sau đó nhẹ nhàng bổ sung thêm. - Phàm là những chuyện liên quan đến tình yêu, tao vote chia tay.

- Má mày, giỡn mặt hả?

Huyền My tức tối mắng, vậy mà sau khi cái bạn Thế Bảo gì đấy vừa gọi điện rủ đi ăn Dooki, nhỏ lại vui vẻ như chưa có gì xảy ra, quên mất người bạn thân là tôi luôn.

- Tạm biệt, tao về với bồ tao đây.

Thật tình, đáng lẽ ra ngay từ đầu, tôi không nên trông mong gì ở nhỏ My. Chẳng có Huyền My đi học về cùng, một mình tôi tự lấy ô che nắng, đi bộ dọc vỉa hè đến trạm xe buýt.

Trưa hè, mặt trời đỏ rực tựa hòn lửa, nắng gay gắt đến cháy da bỏng thịt. Thỉnh thoảng, gió sẽ dịu dàng lướt qua, nhưng chỉ được đôi ba phút, rồi nhanh chóng trốn biệt tăm biệt tích. Chiếc ô của tôi không đương đầu nổi những tia nắng vàng sánh chen chúc nhau đổ lên mặt đường.

Khi nào mưa mùa hạ mới xuất hiện đây?

Tiếng chuông từ chiếc điện thoại Nokia bỗng dưng reo inh ỏi, tôi giật bắn mình, vội vàng xem thử ai gọi mình.

- Alo, Phanh gọi gì em á?

- Qua RMIT chơi không? - Chất giọng tông trầm của Phương Anh thành công đánh bay cơn buồn ngủ dang dở, tôi phấn khởi đáp:

- Phanh nói thật không đấy? Bữa Phanh kêu phải có thẻ mới được vào mà.

- Tao cho mày mượn thẻ.

- Rìa lí? Vậy giờ em qua luôn hả?

- Ừ, nhưng mà giúp tao một việc...

Đúng là ở trên đời, không ai tự nhiên cho ai cái gì. Trước khi đến được RMIT ở quận 7, tôi phải đi kiếm cho ra quả bóng rổ hiệu Molten GG7X. Nhưng cũng may là Phương Anh đã đưa sẵn địa chỉ tiệm bán, nên tôi chẳng nề hà vất vả gì lắm, chỉ là cái tôi cao hơn núi bắt ép tôi nói thách với chị Phanh, cụ thể là:

- Bao em đi ăn Hanuri nghen, hoặc mì cay Sasin cũng được.

- Đầu mày còn nghĩ được gì khác ngoài việc ăn không?

- Có mà, em cũng hay nghĩ đến Nanami Kento nữa.

- Ủa vậy luôn á hả? Chứ không phải chồng yêu Nanami của mày cháy ở ga Shibuya rồi sao?

- Êeeee! Đừng có trêu đùa nỗi đau mất chồng của em coi.

Từ quận 1 sang quận 7 mất kha khá thời gian, nhưng tôi chẳng dám chợp mắt tẹo nào, ai bảo tên trộm xấu xa đã để lại vết sẹo quá lớn trong lòng tôi, lấy hết trơn điện thoại, cái ví, đến mấy chiếc card chú Nanami tôi nhọc công sưu tầm cũng không buông tha.

Mẹ nói đúng, không thể tin tưởng cuộc đời này quá nhiều! Nhưng mà tôi nghĩ mình vẫn nên yêu đời, vì khi ấy, có thể đời sẽ yêu lại mình thì sao? Đời lấy đi của mình nhiều thứ, nhưng cũng cho mình không ít thứ đáng yêu mà, chẳng hạn như hàng loạt mô hình nhân vật phim Jujutsu Kaisen trong phòng bán quà lưu niệm của RMIT.

Nhân cách 1: "Thôi, đừng mua, tiền đâu mà cống cho tư bản hả con?"

Nhân cách 2: "Kệ đi, mấy khi được mua mô hình của chồng. Tiền có thể kiếm lại được, còn chồng yêu ở suối vàng không thấy mày mua standee thờ chồng sẽ buồn lắm con à!"

- Em đừng mua mấy cái mô hình này, trường để đây nhằm lòe đám sinh viên khờ khờ như em thôi.

Giọng nói trầm trầm vừa mới lướt qua tai, làm tim tôi giật thót, tưởng đâu Nanami hiện hồn về không. Nhưng ngẩng đầu nhìn kĩ thì tôi mới nhận ra anh trai đó giống ai. Mái tóc bạch kim nổi bật, đôi mắt đào hoa và nụ cười tỏa nắng chói chang.

Gojo Satoru, is that you?

Tạm dịch: Thầy Năm, phải chồng không ạ?

- Thật á anh? Sao anh biết? - Tôi cười giả lả, hỏi ngược lại.

- Mua về mới biết là hàng dởm. - Anh trai đó nháy mắt ra hiệu cho tôi, chẳng biết do bị vong nhập hay mắt lên cơn giật nữa. - Ơ? Mà nhìn em giống học sinh hơn là sinh viên của trường ấy nhỉ?

Lời nhận xét này nghe quen quen. Hình bóng người đẹp trai với má lúm đồng điếu bỗng dưng xuất hiện lần thứ n trong đầu tôi.

- Học sinh tiểu học đúng không? Anh méc chú bảo vệ bắt bé ra ngoài đấy nha!

Tôi: "???"

"Reng" - Tiếng chuông điện thoại Nokia từ đời nhà Tống thành công cứu cánh tôi, Phương Anh phía bên kia hối lấy hối để:

- Mày tới chưa? Tao đang đứng ở Sport Hall chờ mày nè.

- Sắp rồi ạ. Mà Phanh ơi, trường chị có cái anh tóc trắng nào trông sợ lắm!

- Nói gì vậy? Tao hiểu chết liền. Thôi, nhanh cút qua đây đi, tí xong việc, tao ghé Circle K mua kem cho ăn.

- Vâng, giờ em phắn qua liền.

Lúc tôi nói chuyện với Phương Anh xong thì cũng không thấy "Gojo Satoru fake" đâu nữa. Ma hiện thân hả? Sợ quá, chắc phải mua mô hình chú Nanami cho bớt sợ mới được.

Sau khi chuyển khoản ngân hàng và "rinh chồng về dinh" xong, tôi nhanh chóng chạy qua sân cỏ, đến khu vực dành cho hoạt động thể thao và giải trí của RMIT.

- Mày đây rồi, làm gì lâu quá vậy? Tao tưởng mày bị sao.

- Hí hí Phanh biết gì không? Em mới mua được mô hình Nanami cùng ổ bánh mì, đáng yêu xỉu luôn ấy.

- Lúc nào cũng Nanami, bị dì Phương bẻ đôi mô hình chưa sợ hay gì?

- Không sao ạ, em rút kinh nghiệm rồi, lần này em giấu dưới gầm giường luôn.

Tôi hí hửng nói với Phanh. Rất nhanh, chúng tôi đã bước vào phòng đa năng. Quả nhiên học phí một tỏi ba năm có khác, phòng đa năng chia ra rất nhiều khu vực, tầng trên là phòng tập nhảy, phòng tập hát, phòng gym, tầng dưới là sân chơi bóng rổ, bóng chuyền, tennis.

Chúng tôi vào sân hơi muộn, khán đài đã phủ kín người từ lâu, cơ mà vì chị Phương Anh thuộc câu lạc bộ bóng rổ, nên chẳng mấy chốc, tôi đã có chỗ ngồi ngay cạnh hàng ghế đầu - một vị trí đắc địa.

Nghe Phanh nói thì trận đấu đang ở cuối hiệp 3, điểm số hai bên chênh nhau không nhiều. Hễ đụng đến chủ đề bóng rổ, người chị họ dấu yêu của tôi trở nên hoạt ngôn bất thường, Phanh phân tích từng cử chỉ của cầu thủ mỗi đội, rồi còn dự đoán team nào sẽ giành chiến thắng.

- Nhỏ này, mày có nghe tao nói không?

- Có mà, em còn để Nanami xem cùng em đây nè.

Tôi chỉ vào mô hình Nanami Kento được sắp xếp ngồi xem bóng rổ cùng ở chiếc ghế trống bên cạnh. Phương Anh thở dài, nom muốn mắng tôi lắm, nhưng cuối cùng chị ấy quay phắt về phía sân bóng và cẩn thận quan sát diễn biến trận đấu.

-  Thôi xong khứa Thái Hiển, bị chuột rụt sao mà chơi tiếp hiệp cuối? Chắc phải để dự bị lên chơi thay. - Phương Anh lẩm nhẩm một mình, rồi ngửa đầu ra sau, trầm giọng bảo tôi. - Mày ngồi đây xíu nha, tao ra xem tình hình.

- Dạ, yên tâm ạ. Phanh cứ đi thong thả nghen.

Tôi ngáp ngắn ngáp dài nhìn trận đấu bị gián đoạn. Mọi người ùa vào hỏi han anh Thái Hiển, một chị gái xinh đẹp lao ra ôm anh đó và khóc cạn nước mắt hệt đi đóng phim tình cảm sướt mướt những năm 2000. Khán đài trở nên ồn ào như ong vỡ tổ.

Cứ tưởng Phương Anh rủ tôi đến RMIT vì ở đây tổ chức hoạt động hay ho, ai ngờ là bóng rổ. Mỗi lần nhắc đến bóng rổ, tôi lại nhớ đến lịch sử chấn thương không hồi kết trong quá khứ.

Năm 8 tuổi, đua đòi đập bóng theo người ta và kết quả là gãy ngón út.

Năm 14 tuổi, tung tăng đi xem trận đấu bóng rổ ở trường cấp ba của chị Phanh và kết quả là bị cái anh gì đấy tên Phong ném cho cú trúng đầu, muốn xuất huyết não ngay tức thì.

Để xem, năm 17 tuổi của tôi có gì?

- Á! Má ơi, cái đầu chú Nanami...

Vừa mới ngáp vài cái, quả bóng từ sân đấu đã bay thẳng tới khu vực tôi ngồi, kết quả là xảy ra cú va đập cực mạnh, mô hình chồng yêu Nanami đã rơi mất phần đầu.

Tôi há hốc mồm, kinh hoàng ngẩng mặt lên xem thử hung thủ hại chồng là ai.

Đảo mắt nhìn sang trái thì gương mặt anh Gia Khiêm hàng real hiện ra, nghiêng đầu nhìn bên phải thì va vào nụ cười rạng rỡ của anh "Gojo Satoru", còn ngay chính giữa...

- Sao lại là anh?

Người đẹp trai nọ ngoảnh đầu nhìn tôi, không phải quần âu, áo sơ mi trắng, cũng không phải mái tóc vuốt gel gọn gàng, nhưng rõ ràng đôi mắt đen láy và má lúm đồng điếu vẫn quen thuộc hệt như ngày hôm đó.

Bố tiên sư ông trời, ông giỡn mặt với con hả???

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro