3. Vũ.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sáng ban hạ trời còn chưa tỏ, gia nhân tư viện đã chạy đôn chạy đáo.

Sáng nay không biết vị Lý Quận vương kia hóc phải xương chó gì, sương còn chưa tan, đã sai quản sự đi mua một loạt các món chay mặn, một con gà nướng, một con heo quay, thêm mấy bình rượu tốt. Quản sự còn chưa tỉnh ngủ, xòe ra nụ cười ngô nghê rồi dí đám gia nhân trong nhà chạy sút quần; trong lòng không rõ lắm vì sao mới sáng ra mà Quận vương đã muốn điểm tâm bằng hai mâm cúng.

Gia nhân đang quần ống thấp ống cao chạy ra, đã gặp La Tại Dân bước vào cổng.

La Tại Dân nhìn nô bộc nhà mình chạy trối chết như đang chuẩn bị cỗ, tự nhiên ngửa mặt lên trời thắc mắc, ồ, có phải mình quên mất hôm nay là đám giỗ vị tiên gia nào trong phả hệ không nhỉ? Cái tư viện mùa hạ nhỏ xíu này cũng phải cúng giỗ nữa hả ta?

La Tại Dân còn đang bấm tay tính trong phả hệ mình ai chết ai chưa, Lý Đế Nỗ đã mặt mày đen thui từ trong sảnh bước ra, ôm hai vai y lắc tới lắc lui.

"Bằng hữu ơi! Nhà bằng hữu lúc cất nóc đã cúng kiến gì chưa? Sao lại nhiều thứ khó nói thế này!?"

La Tại Dân nghe xong mặt cũng hơi biến sắc, liền cùng Lý Đế Nỗ định lui vào sảnh ngồi bàn luận, mà sao đó thấy gấp quá, ngồi luôn xuống bậc tam cấp trong vườn, rỉ rỉ rả rả.

Vậy nên mới có chuyện Lý Mẫn Hanh vừa thức dậy đã nhìn thấy một cảnh khó nói. Cháu ruột Hoàng thượng, cùng độc tử của Thái phó, ôm nhau tâm sự trên bậc tam cấp; không biết nói chuyện gì mà nhìn đứa nào cũng đau khổ, thần sắc trầm trọng.

Lý Mẫn Hanh không muốn hỏi cũng phải hỏi: "Chỗ giết người chôn xác bị phát hiện à? Rầu rĩ thế?"

Hai người kia nhìn lên, cười không nổi.

"Lát nữa có đạo sĩ đến thanh tẩy tư viện, huynh trưởng có muốn tiện thể phóng sanh hay trừ tà gì không?" Lý Đế Nỗ lên tiếng.

Hóa ra, bóng ma trong tư viện này không chỉ mỗi Lý Đế Nỗ nhìn thấy. La Tại Dân đến trước bọn họ mấy ngày, đã nghe thấp thoáng gia nhân trong nhà bảo là tư viện này có âm hồn vất vưởng; ban đầu chỉ là một vài chuyện khó giải thích, sau đó có những đêm mấy bóng đen đó lù lù xuất hiện, dọa gia nhân sợ mất mật. Mau mắn là Thái phó trả lương cao, lại đãi ngộ tốt, gia nhân cũng cắn răng ở lại làm.

La Tại Dân nói: "Chắc chắn phải thanh tẩy tư viện, ta đã cho Lưu tổng quản đi gọi đạo sĩ, lát nữa sẽ đến ngay thôi."

Lúc đạo sĩ đến, đám Nhân Tuấn cũng vừa dậy.

Chung Thần Lạc bỗng dưng thức dậy trong tiếng gõ kẻng vang vọng. Y không nhớ mình đã thiên thăng khi nào. Cố gắng lùng lại kí ức hôm qua, y nhớ mang máng tối vừa rồi La huynh còn cho mọi người ăn canh cá cùng rượu mơ; hóa ra đó lại là bữa cơm cuối cùng, chén canh cá định mệnh đó lại hóa thành canh Mạnh bà.

Cứ thế, Chung Thần Lạc ôm gối khóc rưng rức trên giường, thương cho phận mình ngắn ngủi; cha già mẹ yếu chưa báo hiếu được, mình đã một phát thành cô hồn rồi.

Lý Hải Xán đứng ở cửa sổ nhìn vào: "?"

Phải mất một lát sau cả bọn mới tụ tập đông đủ ở sảnh chính. Lúc này vị đạo sĩ được mời tới đã cúng đến lượt thứ ba, gạo cùng muối vãi đầy ra đất, chưa kể đến mấy phen phun rượu trúng loạt cây cảnh cạnh vườn; La Tại Dân chỉ sợ nếu có cây nào chết, thì mình sẽ biến thành âm hồn tiếp theo trong tư viện này.

Vị đạo sĩ này được dân địa phương giới thiệu, Lưu quản sự nghe qua, gia phả cụ đã thay cả huyện cúng kiếng được hơn ba đời, không giả thần giả quỷ, nếu thực sự không có yếu tố tâm linh dính vào cũng sẽ không nói thêm nói bớt. Vị này đã chập bảy mươi, dù đầu đã gần bạc thếch, đôi mắt lại tinh anh lạ thường. Lão vừa đến đã không chào hỏi rườm rà, ngay lập tức bắt tay vào việc dựng trận pháp, căn vẽ bùa, còn đặc biệt rải một tầng muối lên người Lý Đế Nỗ trong sự khiếp đảm của bằng hữu bè bạn. Lý Đế Nỗ không dám hỏi tại sao, vì sợ hỏi rồi tự mình cắn lưỡi.

Sau một hồi khua chiêng đánh trống, vị đạo sĩ kia tay chắp một loạt nhang, dập đầu vừa khấn vừa lạy, xin một vọng hồi từ những người khuất mày khuất mặt. Đạo sĩ khấn cái gì không ai nghe rõ, La Tại Dân chau mày muốn nhích đến một chút, bỗng dưng đạo sĩ bật ngửa ra đất, nhang cũng rơi rạp trên chiếu, đốt cháy đến mấy lỗ thủng!

Mọi người đều hốt hoảng, có cháu trai đạo sĩ đi theo phụ nghề cho ông mau sà đến đỡ lão dậy, còn phải chèn một ngón tay vào miệng để lão không tự cắn đứt lưỡi mình. Chung Thần Lạc lần đầu chứng kiến chuyện quái dị, không nhịn được quay đi chỗ khác. Các thiếu gia còn lại hai hàng lông mày chau cả vào nhau, trong lòng vừa khiếp đảm, vừa ngờ vực.

Phải một lát sau, đạo sĩ dần thanh tỉnh. Đôi mắt của lão dần đã có tiêu cự và ánh sáng như trước, tay chân cũng không còn co giật nữa. Đạo sĩ dựa vào người cháu trai, từ từ đứng dậy.

Ông xoay qua La Tại Dân, nói: "Công tử thứ lỗi già ta nói thẳng. Chốn này không ở được lâu, hy vọng công tử quyết định anh minh."

Đoạn lại nói tiếp: "Mảnh đất này khi xưa cũng chính là một tư viện của một gia tộc, vì một biến cố mà chìm trong biển lửa. Rất nhiều người thiệt mạng, người trong gia tộc, hay nô bộc làm thuê, ai nấy đều không tránh nổi mồi lửa."

"Kêu oan rất nhiều. Ngày nào cũng kêu oan."

"Chết rất tức tưởi."

"Không siêu thoát được."

Ai nấy mặt đều trắng bệch; cũng may trên sân lúc này chỉ có bọn La Tại Dân cùng Lưu quản sự, không thì trưa nay không còn nô bộc để nấu cơm nữa.

Lý Mẫn Hanh hỏi: "Vậy theo đạo sĩ là không có cách nào? Không làm lễ siêu thoát cho họ được sao?"

Đạo sĩ lắc đầu: "Họ chết oan đã lâu, oán khí quá nặng không thể thanh trừ, chắc chắn không phải chết do tai nạn. Lão đây bất tài, không hiểu được nguyên nhân sâu xa khiến họ thiệt mạng, nếu biết được vì sao họ kêu oan, ắt lão nô sẽ có cách."

Sau một hồi bàn bạc, bọn La Tại Dân đành phải để lão đạo sĩ ra về.

La Tại Dân hít một hơi nhìn trời, đợt này lại phải gặp Tri huyện(*) Túc Kiến rồi.

() Tri huyện: Chức quan đứng đầu một huyện.*

Từ ngày La Tại Dân từ Kinh thành đến đây, Dương Tri huyện đã ba lần bảy lượt mời y dự yến tiệc, y từ chối khéo, sau lại chuyển sang mời y thưởng trà tại tửu lâu.

Trước đó, Thái phó cha y đã đánh tiếng trước với Tri huyện, rằng y chỉ ở đây mấy ngày tránh nóng, không cần đón tiếp quá nồng hậu, sẽ khó tránh khỏi kinh động đến chung quanh; nhưng hình như Dương Tri huyện nghe mãi không hiểu, cứ hoài dây dây dưa dưa, đưa gia nhân đến mời y mãi.

Nhưng đợt này hình như La Tại Dân phải đi gặp Tri huyện thật; vì tư viện này trước đây ai đã từng ở, làm sao lại chết, thật sự phải nhờ đến sổ sách ghi chép của Tri huyện.

Y đem những suy nghĩ này nói với những người còn lại, chiều nay y sẽ gặp Tri huyện để hỏi về chủ cũ của tư viện, có gì sẽ báo lại sau.

"Nếu các ngươi muốn về Kinh thành, ta sẽ kiếm cớ nói cha một tiếng, không sao đâu." La Tại Dân nói, lo lắng mọi người vì những lời đạo sĩ nói mà e sợ.

"Tại Dân ơi, chúng ta thà ăn chung ngủ chung với cô hồn dã quỷ, cũng không muốn về Quốc tử giám nhìn mặt Đông Anh Học sĩ đâu..." Lý Hải Xán than.

Đông Anh Học sĩ, gọi nôm na là thầy của các tôn sinh và ấm sinh, đã dạy học cho họ được mấy năm; mặc dù tình cảm hai bên rất tốt, nhưng ngày nào nhìn mặt Học sĩ cũng chỉ thấy áp lực nặng nề, ai cũng muốn trèo tường trốn học.

Chung Thần Lạc sợ đến mất mật, nhưng nghĩ đến Đông Anh Học sĩ cùng giáo án dày cui của y, tự dưng hết sợ hẳn. Y gật đầu lia lịa với Hải Xán, còn tình nguyện cùng La Tại Dân đi gặp Tri huyện.

"Không được đâu." La Tại Dân nói. "Dương Tri huyện không xán lán mấy, tiếp một mình ta đã hao tâm tổn sức lắm rồi, không đỡ nổi thêm một con trai Hộ bộ Thượng Thư đâu."

Chà, vị Tri huyện này nếu biết Túc Kiến đang không chỉ có một mình La Tại Dân, mà còn thêm biểu ca biểu đệ của Thái Tử, lại còn có con trai Chưởng vị Học sĩ, chắc y đứng cũng không vững.

La Tại Dân nghe qua thì biết, Dương Tri huyện này là cháu trai của cố Lại bộ Thượng Thư, nên được ưu ái một chỗ an nhàn sống qua ngày, xem như nể tình vị Thượng Thư lao tâm vì triều đình mà ngã xuống. Nói chung, ngồi được chức quan này, do y ta là con ông cháu cha. Chứ nếu xét về học vấn hay kinh nghiệm, Dương Tri huyện không thể đặt nổi lên bàn cân để so với những người có tên trong bảng vàng những năm gần đây.

Thế là chiều hôm ấy, La Tại Dân cho gia nhân chạy đến tư gia Tri huyện đánh tin, hẹn gặp ở một tửu lâu trong huyện.

Lúc y bắt đầu đi, trời đã lộp bộp mưa trên nóc kiệu.

Lúc La Tại Dân đến tửu lâu, mưa đã sầm sập trên mái nhà. Tiểu nhị trong quán hối hả chạy ra, bung ô cho y bước vào, xởi lởi một hai câu quan khách muốn ngồi chỗ nào, hôm nay có trà dầu rất ngon, uống khi trời mưa rất hợp, rất ấm. La Tại Dân ra ý cho quản sự đi cùng, lão nô liền mau lẹ chọn một phòng trên lầu hai, vừa yên tĩnh, vừa ngắm được đường phố bên ngoài.

La Tại Dân ngồi được một tuần trà, vẫn chưa thấy Tri huyện đâu. Y không trách được, vì y hẹn rất gấp gáp, người ta không chuẩn bị kịp cũng là lẽ thường tình.

La Tại Dân chỉ muốn làm cho xong việc, y không câu nệ tiểu tiết quy trình. Y không muốn giống như cha, cứ mỗi dịp tết lễ đều phải tiếp quan thần trong triều đến nhà, mở lời ngọt nhạt, nhức hết cả đầu. La Tại Dân không muốn Dương Tri huyện cũng bày ra lắm trò như vậy, nên quyết định chủ động hẹn người ta, đỡ phải đối phó rườm rà.

Ngồi thêm được một lúc, bỗng nghe bên ngoài có tiếng ồn ào.

"Má nó, ngươi đuổi hết khách đi cho ta. Hôm nay bổn công tử bao cả quán này!"

La Tại Dân nhức nhức cái đầu. Hôm nay lại lựa sai quán nữa hả ta?

Y nghe thêm tiếng chưởng quỹ lí nhí, rằng cái gì mà hôm nay có nhiều khách quý ngồi trên lầu, không đuổi được đâu. Lại thêm một vài tiếng quát tháo nữa, sau đó là tiếng chân giẫm lên cầu thang ầm ầm. La Tại Dân nương theo cửa sổ nhìn xuống lầu, thấy một nhóm các cô nương vận y phục vũ nữ, trang điểm lộng lẫy, hẳn là từ một đoàn ca kỹ. Y đoán chín phần mười là công tử nào đó đang muốn bao trọn tửu lâu này, vì một, trong này có cô nương hắn thích, hắn đang muốn lấy ấn tượng tốt, hai, hắn muốn đóng cửa thác loạn. Hoặc cả hai.

Trong trường hợp này, người có tính tình tốt sẽ chuyển tửu lâu, với cả không ai muốn dính phiền phức với đám công tử nhiều tiền cả.

Nhưng La Tại Dân thì khác. La Tại Dân nhiều tiền hơn.

Y vẫn ngồi thưởng trà rất điềm nhiên, mặc cho tiếng giẫm chân rầm rầm đã vang đến cửa phòng.

"Mẹ kiếp." Người vừa vào rít lên. "Ngươi có điếc không? Mau cút cho bổn công tử!"

"Lỡ gọi trà rồi." La Tại Dân đáp. "Uống hết rồi về."

Người mới vào ăn vận chưng diện, vải vóc lụa là như thể có bao nhiêu là chất lên người bấy nhiêu, trên hông dắt thêm mấy miếng ngọc bội; thắt lưng còn trảm ngọc, mỗi viên to bằng một đốt tay nam nhân trưởng thành. Hắn nhướn cặp lông mày chữ bát, trừng mắt với La Tại Dân:

"Lại là thằng chó nào đây? Biết cha ta là ai không?"

Đến cha của Hoàng thượng ta cũng đã gặp qua rồi, ta làm quái gì phải quan tâm cha ngươi là ai?

Tên kia hình như trước giờ tự mình nói chuyện đã quen, lại sa sả tiếp tục: "Cha ta là Tri huyện của cái xứ này, còn không biết điều cút ngay cho bổn công tử!"

Bọn tùy tùng theo sau cũng được đà lấn tới, đứng bên cạnh chỉ chỉ trỏ trỏ: "Tên này ở đâu tới, còn không mau xéo đi, không biết trời cao đất dày." Có tên gia nô đã ngũ tuần, đoán chừng đi theo con trai Tri huyện đã lâu, khinh thường thảy hai lượng bạc xuống bàn La Tại Dân.

"Công tử ban bạc cho ngươi, mau cầm lấy cút sang tửu lâu khác mà ngồi. Túc Kiến này không nhiều tửu lâu xa xỉ, nhưng hạng như ngươi ngồi mấy chỗ có nóc che mưa là được rồi."

Nói xong đám tùy tùng theo sau ha hả cười, tên công tử kia cũng nhếch mép theo, kẻ tung người hứng đến nhịp nhàng.

La Tại Dân nghe đến đây thì thở dài; cũng là do y mắc thói đời, nếu không ở Kinh thành, y sẽ không ăn vận y phục tử tế. Vừa rồi ra khỏi cửa, La Tại Dân chỉ mặc trường y gọn ghẽ, không mang cả ngọc bội, nên y bây giờ nhìn như người chỉ có chút tiền lận lưng. Có khi vì vậy mà bị khinh nhường.

La Tại Dân định mở miệng, thì từ gian bên cạnh đã cất lên một thanh âm lạnh lùng.

"Tìm chết."

Lại nói, tửu lâu này có kiểu kiến trúc vừa đóng vừa mở; dù là ngồi trên lầu có buồng riêng, nhưng giữa các gian đều có hai lớp cửa, nếu để mở thì không gian thoáng đãng thoải mái như dưới lầu, khi bàn chuyện quan trọng sẽ đóng cửa giữa các gian, lúc đó các bên trò chuyện cũng không nghe thấy gì. Lúc nãy La Tại Dân thấy Tri huyện chưa đến, bảo quản sự để cửa gian mở, thành ra nãy giờ biến cố gì đều bị gian bên cạnh nghe thấy.

Người vừa lên tiếng là một công tử trẻ tuổi, tóc vấn lỏng. Y không vận trường y, nhưng vải y mặc là hạng thượng phẩm. La Tại Dân để ý Lý Đế Nỗ có đến mấy bộ y phục tương tự, chất vải tốt cho những người phải di chuyển nhiều. Vị công tử trẻ tuổi này, các đường nét trên khuôn mặt rất sắc sảo, đặc biệt cặp mắt y tinh anh lạ thường; không phải là cảm giác manh giảo, nhưng là một khí chất vừa nhạy bén, vừa điềm tĩnh.

Lúc này, con trai Tri huyện kia cũng quay sang.

Hôm nay ra đường y giẫm phải phân chó gì, mà trong vòng một khắc đã có đến hai tên làm y tức đến trào máu họng. Y tên Dương Chi Lâm, là con trai út của Dương Chi Khanh, Tri huyện Túc Kiến. Y từ nhỏ đã được nuông chiều hết mực, y muốn đông có đông, muốn tây có tây, ngay cả cha y cũng không nặng lời với y bao giờ.

Vậy mà cái tình cảnh này, một tên ngồi mãi không đi, một tên khác quay sang nói y tìm chết. Y khổ sở quá, y phải bắt chúng nó trả giá thôi!

"Này!!!" Dương Chi Lâm gào lên. "Thằng chó đẻ này là ai nữa!? Ai tìm chết? Ngươi hôm nay chọc giận bổn công tử chính là tìm chết đấy có biết chưa!?"

Vị công tử kia liếc sang, hừ nhẹ một cái: "Có mắt như mù. Không thấy vị bên kia trên người toàn đồ cống phẩm sao? Sợ mình sống lâu thì cứ việc ngênh ngang đi."

Ồ. La Tại Dân bật cười.

Y phục La Tại Dân đang mặc trên người này, đích thực là vải cống phẩm của Thiểm Xuyên, một tiểu quốc lân cận.

Loại vải này, những năm trước rất quý, nhưng dạo gần đây hình như không được chuộng nữa, các phi tần cùng Hoàng hậu đều đẩy ra. Hoàng thượng ái ngại, lặng lẽ dùng làm quà thưởng cho các quan thần. Cha của La Tại Dân, đợt Đoan Ngọ vừa rồi được thưởng đến hai mươi cây vải Thiểm Xuyên; La Tại Dân vì thế bị ép may đến năm, sáu bộ. Mỗi lần mặc lên, y đều không nhịn được cảm giác đang mặc đồ của phi tần, may cũng không phải xanh đỏ tím vàng, chỉ là mấy mành vải trầm sắc giản đơn. Tỉ dụ như, y phục hôm nay La Tại Dân mặc thuần một màu đen, chỉ có thêu chìm mấy họa tiết vân vũ ở tay áo, nhìn không khác mấy so với trang y của tiểu công tử nhà có chút tiền.

Vậy mà nhìn ra được hàng cống phẩm, vị này e cũng không phải vừa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro