Chương 12 : Chấn động trong mưa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Tác giả : Vưu Chấn Lộc

A. ĐÔI MẮT THẤT THẦN

Hết chạy bộ vòng quanh, rồi lại tới hít đất, nhảy dây, những hoạt động cứ lặp đi lặp lại trong suốt những ngày qua khiến Lường Xuân Cường đâm chán nản. Cậu không dám hỏi, mà cũng không buồn hỏi, bởi đầu óc cậu cứ để đâu đâu.

Cường mãi suy nghĩ về những lời giới thiệu của sư thầy Thích Hồi Đầu dạo trước, về " Qua La thất tinh đấu thức ", món kỹ thuật hại người tuyệt đỉnh đã được một ông già người dân tộc sáng tạo ra cách đây vài chục năm. Cường suy nghĩ về những chỗ tinh diệu, tuyệt luân của nó mà ngầm tưởng tượng một ngày rồi mình cũng có thể đạt được những cảnh giới đó.

Lường Xuân Cường liên tưởng đến những cuốn băng kiếm hiệp mà Cư Seo Tùng, bạn cùng lớp với Cường, hay đem khoe với nhóm bạn, hàng trăm hàng ngàn chiêu thức, anh hùng hào kiệt đi mây về gió. Nhưng rồi Lường Xuân Cường cũng không khỏi nghi ngờ tính hiệu quả của " Qua La ", khi đến nay ngoài việc hít đất và chạy bộ, cậu chẳng được biết thêm một tí gì, ngoài mớ lý thuyết suông để mô tả sức mạnh mà sư thầy giới thiệu lúc đầu.

Nhưng cũng không giữ sự nghi ngờ trong đầu được lâu, khi cũng chính là Cường đã được tận mắt chứng kiến cảnh một thầy tu cao tuổi khống chế tên điên loạn Sìn Ủ Chớ một cách nhanh chóng và nhẹ nhàng, cứ như sư thầy đang thể hiện một điệu vũ trên truyền hình, chứ không phải là một kỹ thuật tàn khốc nặng nề gì.

Trong đầu Cường cứ hình dung, suy nghĩ vẩn vơ về những kỹ thuật mà cậu còn chưa mảy may biết dạng, cũng nhờ đó mà cậu đỡ cảm thấy mệt nhọc với những bài tập thể lực mà thầy Thích Hồi Đầu liên tục ra cho Cường. Thấy Cường tập luyện hăng say, quên cả mệt nhọc, thầy Thích Hồi Đầu thích lắm, vuốt râu mép cười hể hả :

- Cả đời thầy lăn lộn trong xã hội, không ngờ tới giờ lại có một đệ tử chăm chỉ. Đúng là vận trời mà. Thầy ở ẩn trong ngôi chùa xa lánh, cố ý không để người đời tới đây cúng viếng làm gì, thế mà Phật Tổ cũng khéo duyên sắp đặt, cho thầy trò ta gặp nhau trong tình cảnh hiểm nghèo, có lẽ Ngài vẫn chưa muốn cho Qua La thất truyền mãi mãi.

Lường Xuân Cường thấy sư thầy Thích Hồi Đầu ngồi uống trà xem cậu tập luyện, nhắc đến " Qua La ", cậu cũng lấy cớ đó để hỏi thêm về gốc gác môn kỹ thuật bí ẩn này :

- Món " Qua La " này theo như thầy nói là kỹ thuật nguy hiểm vào loại bậc nhất, sao nó lại dễ dàng thất truyền vậy ? Nếu nó hữu dụng như vậy, thì ắt hẳn phải có nhiều người theo học lắm chứ ?

- Nó nguy hiểm là đúng, nhưng nó lại càng nguy hiểm khi đối thủ không phòng bị, không vũ khí, từ đó, hễ những ai luyện thành thì đều giấu rịt trong lòng như báu vật, không đem đi khoe khoang. Bởi khi con có vũ khí, để dùng khi hành động nguy cấp, mà ai cũng biết là con có, thì tất họ sẽ đề phòng.

Hơn nữa, đây là thời đại của súng đạn, thuốc nổ. Để chống " Qua La ", rất nhiều tay giang hồ đã mượn đến súng ngắn làm kế sinh tồn, để sống sót, bởi không còn cách nào khác khả dĩ có thể đối kháng lại những đòn tàn độc này. Vừa để người khác biết mình đã học " Qua La ", đối phương lại có hoả khí phòng thân, dân giang hồ lại giỏi đánh lén, thì thử hỏi con sống được bao lâu để mà truyền thụ lại võ nghệ cho người khác ?

Những tay thích khoe mẽ, huyênh hoang vì " Qua La " đã sớm bước xuống cõi âm rồi, giờ đây e là chỉ còn lại những tay ẩn dật như thầy thôi con ạ. Một thứ kỹ thuật quá tàn ác, lại không có phân biệt thứ bậc, không có hệ thống cấp độ, đai đẳng như những môn võ chính thống, không có bài quyền, không có tên gọi đàng hoàng...thì làm sao mở võ đường ?

Ngay cả đến tên gọi tổng quát, nó cũng mang một cái tên kỳ dị là " Qua La ", thử hỏi liệu có ai nghĩ nghiêm túc về nó không nào. Cứ thế, càng ngày càng ít người biết về nó. Có nhiều lý do lắm con ạ, có lẽ ngay cả thầy cũng không rõ hết, nhưng món kỹ thuật này gần như đã lụi tàn. Những người mà ta biết chắc chắn là thông thạo " Qua La thất tinh đấu thức " cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi, mà giờ cũng già như thầy cả rồi.

- Lúc trước con nghe thầy nói về nó, có vẻ như thầy cũng muốn nó vĩnh viễn biến mất trên cõi đời này, sao lúc này đây thầy lại muốn nó được truyền rộng mãi mãi về muôn đời sau ?

- Thầy là người học võ mà con. Hễ là người học võ thì đều yêu mến võ thuật. Hơn nữa cũng chính là món " Qua La " này đã cứu thầy nhiều lần thoát chết. Trong thâm tâm ta dẫu sao cũng muốn nó phát triển thành một món võ chánh tông, làm rạng rỡ cho ông già đã sáng lập ra nó. Cũng xem như cách mà thầy báo đáp lại sư phụ.

Nhưng cũng bới tính chất hại người đoạt mạng của nó. Nó không được tạo ra để hoàn toàn như một thứ rèn luyện sức khoẻ, mà nó tập trung tìm hiểu cấu tạo sinh học con người, các khớp xương, các tử điểm trên cơ thể, rồi tập hợp, chắt lọc những tuyệt kỹ bị cấm từ những võ phải khác để hợp thành. Thứ kỹ thuật làm què quặt, làm tàn phế người khác sao thầy nỡ để nó lan truyền ra ngoài.

- Thì ra là vậy mà thầy cứ để con tập thể lực những ngày qua. Con tới giờ vẫn chưa được học tí gì về "Qua La thất tinh đấu thức " cả - Lường Xuân Cường nói mà gương mặt xịu xuống.

Thầy Thích Hồi Đầu thấy Lường Xuân Cường tỏ vẻ không vui, thì khoái chí cười hà hà :

- Thằng nhỏ này. Ham học là tốt, nhưng biết chiêu thức mà không có thể lực thì làm sao dụng chiêu ? Chẳng lẽ mới đánh vài ba thức đã thở phì phò ? Đừng nóng con trai. Tại ta thấy gân cốt con cũng còn chưa cứng cáp, thể trạng cũng không lấy gì làm rắn chắc mà cứ bủng beo như đàn bà con gái ...

Thầy Thích Hồi Đầu không mảy may biết đến nỗi đau của Lường Xuân Cường, cũng như những người dân trong vùng. Ai nấy gặp qua Lường Xuân Cường cũng buột miệng nhận xét cậu không có thân hình rắn chắc của trai mới lớn, mà thay vì vậy lại có phần ốm yếu nhu mì. Thầy Thích nói ra một câu không giữ ý tứ, lại cười ha hả sau đó, khiến Cường cúi đầu nhìn xuống hai chân quặn nhói.

Thầy Thích Hồi Đầu không hiểu những tình cảnh khó nói của Cường, vẫn cứ thao thao tiếp tục :

- Để hạn chế nguy hiểm, những người mới tập võ thường không biết sức của mình, dễ dẫn đến quá tay quá chân, con hiểu ý thầy không ? Để hạn chế lại, ta loại bỏ một số đòn tàn ác, nâng cao thể lực để bù vào. Như vậy mới đúng là rèn luyện võ thuật để cơ thể khoẻ mạnh và phòng thân. Chứ ta dạy con mấy chiêu phá khớp, triệt mạng ... làm chi.

Mưa từ chiều rơi rả rích, rồi nhẹ dần, nhưng lúc này bỗng ào ạt đổ xuống. Lường Xuân Cường và sư thầy tạm ngừng việc tập luyện, vào lại gian trước ngồi uống trà, nói chuyện cho qua cơn mưa. Tiếng mưa đổ lên mái tôn, mái ngói nghe ầm ầm, những giọt mưa nặng hạt như đang trút bỏ bụi trần khỏi bầu trời mênh mông.

Đưa đôi mắt nhìn xa xa ra ngoài màn mưa trắng toát, Lường Xuân Cường tự cảm nhận trong lòng mình một cơn lạnh buốt từ đâu chuyển tới. Một cảm giác bâng khuâng trống trải lạ thường. Kể từ biến cố giữa đêm khuya tại nhà ông Nớ, Cường hoàn toàn thay đổi. Cuộc đời thoáng chốc vỡ tan, như những bong bóng nước, chợt đến chợt đi không để lại gì cho đời.

Hai tay Cường nắm hờ, đặt nhẹ lên đùi. Trong một lúc mơ màng, cậu khẽ khép chặt hai đùi lại. Một cảm giác trống vắng, hoang vu lại xâm chiếm đầu óc cậu. Nó liền khơi lại những đau thương tủi hổ mà cậu cố gắng chôn kín nơi sâu thẳm tâm hồn. Ác nghiệt một nỗi, những điều vốn dĩ bình thường xảy ra xung quanh cậu, những lời nói vô tình từ người khác cũng đều dễ dàng gợi lên vết thương lòng trong cậu.

Vết thương thể xác vốn đã lành lặn, nhưng vết sẹo tâm hồn vẫn còn đó, chỉ chực chờ những lúc Cường buông thõng sự kháng cự, liền tìm cách trở lại ngay. Sự nhạy cảm mỏng manh trong tâm hồn cậu trở thành con dao, quay ngược lại cứa đứt tim gan. Có đôi lúc, Lường Xuân Cường bàng hoàng thảng thốt khi cảm nhận những đổi thay của cơ thể qua những cái đứng, cái ngồi ... , qua những động tác hết sức bình thường hàng ngày.

Như những lúc tập nhảy dây, vốn trước đây Lường Xuân Cường chỉ bận một chiếc quần cụt bên trong, hai hòn ngọc trai thoả dịp tung tăng qua từng động tác nhảy. Phần thịt đàn ông đó liên tục ngúng nguẩy, va đập tưng tưng vào hai bên bẹn, vào những nơi giữa háng. Nhưng giờ đây, cũng là việc nhảy dây dưới dự hướng dẫn của sư thầy, Lường Xuân Cường chỉ cảm nhận sự hoang vu lạnh lẽo, không còn sức sống.

Cho đến lúc ngồi lại uống trà, nghỉ ngơi, có chút không gian rảnh rang, là Cường lại cảm nhận lại từng cảm giác vừa trải qua. Cậu cố gắng không nghĩ tới nữa, muốn chôn chặt nỗi đau vào lòng, muốn vĩnh viễn xoá nhoà quá khứ.

Như để đánh lạc hướng những dòng suy nghĩ tiêu cực của mình, Lường Xuân Cường lại hỏi sư thầy :

- Con thấy thầy có hình xăm đầu rồng như vậy, chắc lúc trước thầy cũng là một đại ca khét tiếng trên chốn giang hồ phải không ạ ?

- Khét tiếng thì có lẽ có, còn làm đại ca thì không. Lúc còn trai trẻ, ta phạm không biết bao tội ác, trong quá trình xưng hùng xưng bá, ta chịu ơn nhiều người cứu mạng, nên cuối cùng ta quyết định đứng dưới trướng, làm thuộc hạ của một vị đại ca mưu sâu kế hiểm. Nhưng thực ra ta và đại ca của ta thuở trước cũng không lấy gì làm tiếng tăm cho lắm.

Cách đây mấy chục năm, đại ca ca ta cùng những anh em khác hoạt động ở Sài Gòn. Còn ta lúc đó vẫn còn trẻ tuổi và chưa gặp qua ông ấy. Thời bấy giờ nổi danh nhất là " Tứ Đại Thiên Vương ", tức Đại - Tỳ - Cái - Thế. So với họ tiếng tăm quá lẫy lừng thì ta và đại ca ta cũng chỉ thuộc hàng tôm tép. Nhưng về già, ta ngẫm nghĩ lại, làm phận tôm tép mà nhờ đó ta được sống sót, an dưỡng tuổi già. Cũng may ta sớm hoàn lương ở ẩn, nên giờ lòng ta thanh thản hướng Phật. Nam mô A di đà ... !

- Tứ Đại Thiên Vương ? - Lường Xuân Cường trố mắt ngạc nhiên hỏi.

- Đúng. Cái mỹ từ đó là do người dân Sài Gòn, và các băng nhóm du đãng ngày trước đặt cho. Thuở trước, có bốn vị đại ca của các đại ca, bốn trùm du đãng mà ai nghe qua cũng khiếp vía. Họ chính là Lê Văn Đại tức Đại Cathay, Huỳnh Tỳ Nguyễn Thuận Lai, Ngô Văn Cái, Nguyễn Kế Thế tức Ba Thế. Khắp giang hồ Sài Gòn, không ai mà không biết tiếng.

Cuộc sống du đãng giang hồ sống nay chết mai, giờ đây chẳng còn mấy vị tại thế. Không tù tội thì cũng chết thảm thương. Ta và đại ca cùng các anh em khác cũng là dân du đãng, nhưng lại không manh động nhiều, nên số má cũng không dữ dội như các vị Tứ Đại Thiên Vương. Nếu không thì giờ này chắc thầy cũng về chầu ông bà ông vải lâu rồi.

Qua những lời nói của sư thầy Thích Hồi Đầu, đã vẽ ra trước mắt Lường Xuân Cường cả một khung trời lạ lẫm. Vốn sống nơi thôn quê dân dã từ nhỏ, Cường có ngờ đâu cả một xã hội bát nháo, đâm chém lẫn nhau lại tồn tại trong hiện thực và rõ ràng đến thế. Lại càng không ngờ hơn, vị sư già gương mặt phúc hậu trước mặt Cường lại từng được chứng kiến những trận thư hùng đầy máu lửa ở những vùng xa xôi tận đầu kia đất nước.

Như trong tim vẫn thấm đượm sự dạt dào tranh đoạt thắng thua của những tháng ngày ân ân oán oán khi xưa, sư thầy Thích Hồi Đầu thổ lộ tiếp :

- Ta và đại ca của ta vốn ngày trước là tay chân của anh Ba Thế. Từng bước từng bước mở rộng băng nhóm Aristo. Vốn lúc trước băng Aristo chỉ có bộ ba Tỳ - Cái - Thế lãnh đạo, xưng hùng xưng bá trong lãnh địa Sài Gòn. Nhưng sau đó thế lực anh Đại Cathay nổi lên, dẫn đến sự hợp nhất của giới giang hồ Sài Gòn. Rồi từ đó càng bành trướng thế lực du đãng người Việt, từng bước lấy lại những khu vực bị Hội Tam Hoàng kiểm soát.

- Hội Tam Hoàng sao ? Có phải là tổ chức xã hội đen trong phim Hong Kong ? Không thể tin được ở Việt Nam cũng có hội này - Lường Xuân Cường lại càng ngạc nhiên hơn, bởi những gì sư thầy kể gây cấn y chang phim ảnh.

- Đúng là hội đó con ạ. Hội này vốn lúc ban đầu lấy chí phản Thanh phục Minh, xuất xứ từ Phúc Kiến bên Tàu, tên trước là Hồng Hoa Hội, hay còn có tên là Tam Điểm Hội. Nhưng sau giai đoạn chìm nổi, loạn lạc, nhà Thanh cũng diệt vong, Tam Điểm Hội xem như đã hết sứ mệnh, nhưng không vì thế mà hội này tan rã.

Chúng dần biến tướng thành một tổ chức xã hội đen, phát triển càng lúc càng mạnh. Trong số những tên người Tàu nhập cư vào Việt Nam cũng có những thành viên của hội này. Chuyện gì đến cũng phải đến. Ở Sài Gòn hội Tam Hoàng chi nhánh Chợ Lớn hoạt động cực mạnh, không một băng nhóm nào dám chia chác địa bàn với chúng nó. Cuối cùng, qua một trận đánh dữ dội giữa thế lực Tứ Đại Thiên Vương và Tín Mã Nàm, một tay đầu sỏ có tiếng thời đó của Hội Tam Hoàng Sài Gòn - Chợ Lớn, giới giang hồ mới bình yên trở lại sau màn chia đất ấy.

Lường Xuân Cường ngồi nghe sư thầy kể những chuyện lạ lẫm, mà mắt mồm há hốc. Những chuyện vốn trong nước, mà Cường nghe qua thật xa lạ. Cậu không hề mảy may biết đến những chuyện này trước kia, bởi thế giới cậu sống quá nhỏ hẹp, chỉ có ruộng vườn cây cối.

Bỗng một vị sư trẻ khác chạy vào, hốt hoảng báo với sư thầy Thích Hồi Đầu, thanh âm gần như lạc đi vì hoảng sợ :

- Thầy ơi, nguy rồi, tên Chớ đã vượt ngục.

Tiếng nói hoảng hốt cùng những cử chỉ hoang mang của vị sư trẻ khiến Lường Xuân Cường giật mình, đánh rơi tách trà trên tay. Tách trà rơi xuống đất vỡ toang, nhưng không ai buồn dọn dẹp. Tất cả mọi người cùng chạy lại gian nhà kho, nơi sư thầy Thích Hồi Đầu giam giữ Sìn Ủ Chớ, kẻ mà vài ngày trước đây đã nhẫn tâm hành hạ Lường Xuân Cường và Phù Thu Lệ.

Trước cửa nhà kho là một vị sư trẻ khác, nằm bất động. Chiếc ổ khoá vốn vẫn thường ngày giam cầm Chớ, thì giờ đây vỡ nát phần khớp nối, nằm một bên. Các vị sư định vác nhà sư bất tỉnh vào trong giường nằm thì sư thầy Thích Hồi Đầu ngăn lại lập tức :

- Khoan. Nếu như xương cổ hay xương sống của Huệ Khang bị gãy, mà các con cứ xốc lên như vậy sẽ dẫn đến những biến chứng thương tích trầm trọng. Để thầy kiểm tra đã.

Đoạn, sư thầy cúi xuống, dùng hai tay kiểm tra các khớp xương sống của vị sư Huệ Khang, đang nằm bất tỉnh. Gương mặt sư thầy vô cùng lo lắng, nhưng một lúc sau liền trở lại ôn hoà. Sư thầy nói :

- May quá, chấn động không đến mức nghiêm trọng. Cũng may Huệ Khang cũng có tập luện đôi chút về võ thuật, nên sức chịu đựng cũng hơn người bỉnh thường.

Nhưng rồi thầy lại nghiêm mặt suy tư nghĩ ngợi. Nếu vốn Huệ Khang cũng là người tập võ, lẽ nào lại bị tên Sìn Ủ Chớ ra tay hạ gục nhẹ nhàng không kịp kêu la lên một tiếng. Thầy mới kiểm tra. xem xét kỹ tình trạng ổ khoá, rồi các vết chân sũng nước vẫn còn để lại trên sân gạch. Như để lý giải cho Lường Xuân Cường, lúc này vẫn đang u mê không hiểu gì, sư thầy nói :

- Ổ khoá này là bị người ta dùng dụng cụ để nạy ra, khiến phần cơ khí bị vỡ. Như vậy thì không thể nào tên Sìn Ủ Chớ lại thoát ra được, vì ổ khoá này khoá từ phía ngoài. Chính xác là đã có người tới đây giải cứu hắn.

- Ồ ? Tên Sìn Ủ Chớ cũng có đồng bọn ?

- Có lẽ vậy. Nhưng cũng có lẽ không. Vì theo ta thấy tên Sìn Ủ Chớ hành động rất lỗ mãng. Hắn ta dám rượt theo các con một quãng dài, làm náo động cả vùng không suy nghĩ điều chi. Trong khi người tới giải cứu cho hắn quả thực không phải là một kẻ đơn giản.

- Sao thầy lại kết luận như vậy ?

- Con xem này, Cường, tên Chớ bị chúng ta giam tại đây cũng mấy ngày rồi. Nếu tên đã tới đây giải cứu cho hắn là đồng bọn, thì chắc hẳn cũng thuộc loại lỗ mãng, " ngưu tầm ngưu, mã tầm mã " mà, nhưng không, gã đợi đến khi có cơn mưa lớn, lợi dụng tiếng mưa rơi ồn ào để ra tay.

Thời gian này trời cứ mưa suốt, hắn biết lợi dụng tình hình để hành sự. hơn nữa hắn lại có võ công cũng khá, nếu không thì Huệ Khang không bị hạ gục dễ dàng như vậy đâu, hết sức ngọt, không để lại vết tích gì, không có những màn xô xát, giao đấu ồn ào gì cả. Lại thêm một lý do dể ta nghĩ gã không phải là đồng bọn của Chớ. Vì tên Chớ là loại ngu đần, chỉ biết dùng sức chứ chưa từng kinh qua huấn luyện bài bản.

Bước vào trong gian nhà kho, cả sư thầy thích Hồi Đầu lẫn Lường Xuân Cường thấy những ổ khoá vốn dùng để xiềng xích tay chân tên Chớ cũng bị nạy bẻ theo một cách tương tự. Cầm ổ khoá trên tay, thầy Thích nói tiếp :

- Kẻ đã đến giải cứu tuy biết cách bẻ khoá, nhưng hắn ta không phải loại đạo chích, trộm vặt. Con hãy xem cách hắn bẻ khoá này. Hắn không dùng những thiết bị đặc chế, để đưa vào cái khe tra chìa khoá, mà thầy nghĩ, chắc chắn hắn đã dùng những thiết bị thông thường như hai cây mỏ lếch, lách vào phần càng khoá, dùng lực làm cong vênh nó ra, khiến thân khoá bị mẻ vỡ.

Như vậy, chắc chắn là hắn rất có am hiểu về kỹ thuật bẻ khoá, nhưng lại không phải dân chuyên đi đào trộm khoét vách. Loại tội phạm có kiến thức nhưng lại không dùng để đi trộm vặt chính là loại cực kỳ nguy hiểm. nhưng cũng thật lạ là hắn lại đi giải cứu cho tên Chớ, một tên phàm phu tục tử. Tên Chớ liệu có tác dụng gì với hắn ?

Trước câu hỏi của sư thầy, Lường Xuân Cường cũng ngớ người ra. Cách phân tích của sư thầy khi khám xét hiện trường để lại khiến Cường càng thêm nể phục vốn liếng kiến thức xã hội mà sư thầy đã thu thập được sau bao năm ngang dọc. Thế nên, khi cậu thấy thầy Thích cứ đi đi lại lại nhìn những vết chân sũng nước phái trước cửa nhà kho, đôi lát lại ướm thử chân mình vào đó, thì tuy Lường Xuân Cường cực kỳ thắc mắc, nhưng cũng không dám phá rối giây phút tập trung của thầy.

Một vị sư trẻ chạy lại báo thầy Thích với vẻ mặt vui mừng :

- Thầy ơi, Huệ Khang tỉnh lại rồi ạ !

- Đi, các con, tới xem Huệ Khang ra sao.

Cả nhóm người lập tức đi với vẻ khẩn trương, men theo những hành lang hẹp ẩm ướt mùi gỗ lâu năm, tới một căn phòng, có vẻ là căn phòng thường ngày của vị sư trẻ Huệ Khang. Huệ Khang khẽ ngồi dậy, tay xoa bóp vùng cổ vẫn còn đang ê ẩm. Thầy Thích Hồi Đầu thấy vậy mới lên tiếng :

- Con mới bị đánh bất tỉnh, cứ nằm nghỉ đi con. Sao ? Con còn nhớ chuyện gì đã xảy ra không ?

- Tên đó dáng người gầy gò mà thân thủ thật nhanh nhẹn. Trước giờ con chưa thấy ai lại ra tay như điện xẹt thế kia.

- Con có thấy mặt hắn không ? - Thầy Thích nghiêm mặt lo lắng.

- Dạ không. Hắn mặc một bộ đồ vải bó sát, gương mặt cũng dùng vải che lại, chỉ lộ ra đôi mắt.

- Hừm. Con kể lại đầu đuôi câu chuyện xem nào. Thật quái đản. Quả đúng như ta nghĩ, tên tội phạm này quả thực không bình thường.

- Vừa lúc nãy, trời mua, con chạy ra sân sau cất dọn quần áo. Cứ chạy tới chạy lui để dọn dẹp. Rổi mưa càng lúc càng nặng hạt. Con mới ra sân sau để kiểm tra còn sót lại quần áo nào chưa mang vào hay không. Ai ngờ đâu, khi đi qua hành lang, con nghe tiếng tiếng động rơi vỡ. Con chạy lại hưởng phát ra âm thanh thì thấy chiếc ổ khoá đã bị phá từ khi nào.

Trong lúc con định chạy đi báo cho mọi người, thì ai ngờ đâu từ bên trong gian nhà kho, một người mặc áo đen che mặt bước ra, tên Sìn Ủ Chở cũng được người đó dìu ra. Cả hai bên nhìn nhau trong một giây. Con giật mình khi thấy có một tên áo đen đã đến giải cứu cho Chớ nên cũng giật mình, quên đi việc la lên báo hiệu.

Trong một giây hốt hoảng đó tên áo đen đã kịp vung tay lên ném ra một ổ khoá hằn đang cầm trên tay. Con chỉ kịp hụp đầu cúi xuống theo trực giác thì đã thấy một cước bay tới trước mặt. Tuy đã dùng hai cánh tay đưa lên đỡ nhưng con cũng bị ngã bật về sau bởi lực từ cú đá của đối thủ vẫn còn rất lớn. Trong khi vẫn đang ngã ngửa, mặt hướng lên trời, thì con lại thấy một bóng đen khác từ trên mái ngói nhảy xuống.

- Sao cơ ? Có tận hai tên ? Quả đúng như ta đã nghi ngờ từ lúc kiểm tra các vết chân để lại tại hiện trường.

- Dạ đúng. một tên hành động. Còn một tên khác vẫn đang nằm trên mái ngói đợi chờ thời cơ. Hắn thấy tên kia bị con phát hiện, liền nhảy xuống tiếp cứu. Con chỉ kịp xoay tròn, tránh được cú nhảy giậm xuống từ trên của tên mới xuất hiện. Nhưng vừa xoay đi tránh được cú đạp đó, thì sau gáy quay lưng về đối thủ, bỗng cảm thấy đau nhói, rồi con chìm vào giấc ngủ mê man.

- Hừm. Bọn chúng không những phối hợp nhịp nhàng, mà một tên còn thủ sẵn trong người những ổ khoá đã bị bẻ vỡ, để làm ám khí. Như vậy là con chưa kịp xuất chiêu gì thì đã ăn ngay một ổ khoá vào gáy, hèn chi trên gáy con có những vết trầy trụa không giống như bị đánh bằng bàn tay. Thương tích đó có thể dẫn đến nứt sọ, chấn thương não bộ chứ chẳng đùa đâu. Mấy con chở Huệ Khang vào bệnh viện đi. Không thể coi thường được.

Khi những vị sư trẻ lục tục chở Huệ Khang đi viện, mưa vẫn tiếp tục rơi rả rích không ngừng. Sư thầy Thích Hồi Đầu móc trong áo cả sa ra một cặp dao ngắn, lưỡi sáng quắc, loại vũ khí lạ lẫm mà Cường chưa từng được biết. Cường không ngờ là sư thầy lại luôn thủ trong chiếc áo cà sa của mình một loại vũ khí hung hiểm như thế. Cặp dao bản to mà ngắn này có hình thức nhỏ gọn nên dễ dàng giấu trong áo quần.

Khi đã chắc chắn rằng không còn kẻ gian ẩn ấp trong chùa, sư thầy Thích Hồi Đầu mới bớt vẻ căng thẳng lo lắng lại. Hai thầy trò lại trở về gian khách để uống trà. Lường Xuân Cường không nén nổi tò mò nữa, mới hỏi :

- Vũ khí mà sư thầy lúc nãy móc ra phòng thân là loại gì vậy ? Con mới thấy lần đầu.

- À cái đó là thói quen của ta từ trước. Nó được gọi là song tô, có môn phái thì gọi là dao quai. Vũ khí này là một loại vũ khí cổ truyền của Việt Nam. Ta rất quý nó, đi đâu cũng mang theo, vì nó là quà tặng mà ông già người dân tộc đã truyền lại cho ta. Nhiều người hay nhầm tưởng nó là Bát Trảm Đao của phái Vịnh Xuân, nhưng thực ra đó là tên một bài quyền, còn tên thật của cặp dao ngắn lưỡi to bản này là song tô.

Dao là một loại vũ khí rất tốt, nếu con chế ngự và thuần phục được nó. Nó không bao giờ hết đạn, nó cũng hoàn toàn im lặng, âm thầm hạ gục đối thủ. Dao lại còn là thứ có thể giắt theo bên người một cách dễ dàng, không như côn hay kiếm, kích thước quá lớn. Nếu con dùng kiếm, hay côn, trượng, khi hành sự sẽ rất dễ bị phát giác. còn loại song tô này, giắt vô, rút ra âm thầm nhẹ nhàng, đến không ai hay, đi không ai biết.

Sư thầy Thích Hồi Đầu đưa tay mân mê lưỡi thép sáng bóng trên tay, như đang cưng nựng một bảo vật quý giá. Có lẽ trước những va chạm với loại lục lâm thảo khấu khi nãy, cộng với những quá khứ mà sư thầy kể lại, khiến thầy không còn vẻ điềm đạm hiền từ của một nhà sư như cách đây vài giờ nữa. Tuy vậy Lường Xuân Cường không lấy làm khó chịu, mà còn có phần thích thú.

Tuy nhiên, đang nâng niu mân mê song tô trên tay, bỗng sư thầy há hốc mồm, hai mắt bỗng nổi gân máu. Sư thầy đứng bật dây, chạy lại vị trí Huệ Khang bị đánh bất tỉnh khi nãy, quan sát lại thật kỹ những dấu chân ướt nước mưa còn để lại trên sàn. Sư thầy lẩm bẩm :

- Đây ắt hẳn là dấu chân của kẻ đã cứu tên Chớ ra. Còn đây, đúng là dấu giày của Huệ Khang. Đây là dấu giày của thầy và của con ... Còn đây ... còn đây... chắc chắn là của tên đã nhảy xuống từ mái ngói ... Không thể nào ... Không thể ...

Lường Xuân cường vẫn chưa hiểu điều gì đã xảy ra khiến sư thầy Thích Hồi Đầu lo lắng đến vậy. Thầy cứ đi đi lại lại, chốc chốc lại ướm thử đôi chân của mình một lần nữa vào bước chân của tên tội phạm giấu mặt thứ hai. Lường Xuân Cường cũng cố gắng nhìn theo nhưng chả thấy điểm gì đặc biết đến mức sư thầy phải vội vàng chạy ra kiểm tra lại.

Ở dưới nền gạch lúc này vẫn còn in hình khá rõ vết dấu chân chụm lại, rồi cũng vết chân ấy giãn ra, nhưng không hề thấy bất kỳ dấu vết gì cả. Thay vì vậy chỉ thấy dấu chân của tên bịt mặt thứ nhất đi về phía gian nhà sau, như vậy có thể là tên Chớ đã được dìu đi trốn hướng này.

Như để kiểm chứng giả thiết của mình, sư thầy Thích Hồi Đầu nhìn vào thân cây cột gỗ sát gần đó. Có vẻ đúng như nhận định của sư thầy, trên đó vẫn còn đọng lại vết tích của một dấu giày dính nước. Tuy nhiên Lường Xuân Cường vẫn không hiểu đầu đuôi ra sao, cậu ngập ngừng hỏi :

- Có chuyện gì vậy thầy, không hiểu ...

Thầy Thích gương mặt đăm chiêu suy nghĩ, nói chậm rãi :

- Kẻ bịt mặt thứ hai quả thực không hể đơn giản. Thay vì cùng đi với tên thứ nhất dìu tên Chớ ra ngoài đường, hắn lại phóng người trở lại trên mái ngói. Chưa kể, hắn còn là kẻ đã mai phục rất lâu trên kia, hoàn toàn không ai phát hiện được. Con cứ nhìn xem, vết giày hắn để lại ở dưới sàn rất sạch sẽ, không dính bất kỳ bùn đất nào từ phía bên ngoài ngôi chùa, nhưng trên thân cột, dấu giày của hắn lại có lẫn những hạt cát vốn có trên nền sàn.

Như vậy chỉ có thể là hắn đã nằm khá lâu trên mái ngói, những giọt mưa đã rửa trôi đất cát trên gót giày hắn. Hắn nhẫn nhịn chịu đựng cơn mưa rả rích từ chiều đến tối, thật là nhẫn nại, chỉ để chờ cơ hội báo hiệu cho tên còn lại vào cứu Chớ. Cũng có khi chúng đã mai phục nhiều ngày rồi mà ta không hề hay biết.

Khác với vết chân để lại trên đất, vết chân trên thân cột là do hắn búng người lên, chân đặt vào thân cột mượn lực để quay lại mái nhà. Thân thủ như vậy không mấy người có được. Vết chân để lại trên thân cột lại có dính cát, chứng tỏ là khi nhảy xuống chân hắn hoàn toàn sạch sẽ, nhưng rồi chạm ướt vào sàn đất, đem theo cả cát, vô tình dính lên thân cột.

Chỉ qua những tình tiết nhỏ nhặt ấy thôi, ta cũng đoán được gã không phải loại tội phạm đầu đường xó chợ. Hắn không đi cùng tên Chớ, mà lại tự động hợp vào, tách ra khỏi nhóm một cách linh hoạt, luôn ẩn mình trên mái ngói làm nhiệm vụ hỗ trợ ... Thật là đáng ngờ ...

Gương mặt sư thầy càng lúc càng tỏ vẻ nghiêm trọng. Dù gì cũng chỉ là một tên phàm phu tục tử được kẻ khác cứu đi, hà cớ gì sư thầy lại phải lo lắng đến vậy. Dù cho những gã bịt mặt đến đây có võ công cao đi nữa, nhưng chẳng phải chúng cũng khiếp sợ võ công của sư thầy, đến nỗi hành động hết sức cẩn trọng đó sao. Nghĩ trong đầu như vậy, nhưng nhìn vẻ mặt của sư thầy, Lường Xuân Cường không dám hỏi thêm gì. Bởi cậu đoán vị sư già đã có trong đầu những suy đoán khác nữa, nhưng không cho cậu biết.

Đợi mưa ngớt, Lường Xuân Cường cáo từ sư thầy ra về. Trong lòng cậu vẫn không ngừng suy đoán về những chuyện vừa xảy ra, và cả những biến chuyển trong lòng vị sư già, cậu thấy có đôi lúc đôi mắt sư thầy trở nên thất thần, đầy lo lắng suy nghĩ.

B. PHÚT TỪ BIỆT

Về đến vườn rau, Lường Xuân Cường thấy đèn bật sáng hơn mọi khi. Như mọi khi, lúc trời tối hẳn, thầy Tư Khiếu và cậu chỉ thắp mỗi một ngọn đèn, rồi vừa uống trà, đọc thơ, vừa kể chuyện xưa tích cũ. Lần này, các ngọn đèn có trong khu chòi lá đều được bật sáng, có vẻ như thầy Tư Khiếu lại có khách đến nhờ vả.

Nhưng khi bước vào, Lường Xuân Cường thấy thầy Tư Khiếu đang thu dọn quần áo vào chiếc rúi xách, còn chị Hạnh, con ông Nớ thì đang đứng đó tiếp chuyện. Thấy Lường Xuân Cường về tới, chị Hạnh vẫn dùng điệu bộ ngon ngọt thăm hỏi cậu :

- Ái chà, cậu trai trẻ. Đi chơi đâu tối mịt mới về thế này. Hèn chi dạo gần đây vườn rau này không đạt năng suất cao như trước nữa. Có phải em để chim chóc lặt hết bắp với đậu phộng không hả ?

Lường Xuân Cường vẫn còn giữ nỗi sợ hãi mỗi khi nhìn thấy Hạnh, người phụ nữ đã nhẫn tâm hại đời trai của cậu, nên thấy chị Hạnh hỏi như thế, cậu chỉ biết đứng trân trân. Hạnh đon đả nói ngọt :

- Thôi không sao đâu. Em chưa có kinh nghiệm, lại còn mắc bận việc học hành, cũng không trách được. Nhưng cũng sắp nghỉ hè rồi đó, phải chăm chỉ lên nghe chưa.

Lường Xuân Cường không biết phải trả lời sao, chẳng lẽ lại khai ra là bản thân trốn việc để đi học võ, và đi canh me nhìn trộm người khác. Cường chỉ dạ dạ vâng vâng rồi hỏi lảng sang chuyện thầy Tư Khiếu :

- Sao thầy dọn dẹp quần áo vào túi xách chi vậy ?

- Con quên là ta chỉ ở tạm vườn rau bảy bảy bốn chín ngày để làm lễ cúng thôi sao ? Ông Nớ là người tốt bụng, ta lại quên bẵng mất ngày tháng, nên mới còn ở đây tới lúc này. Hôm nay có cô Hạnh đây qua thông báo ta mới sực nhớ. Kỳ hạn đã tới, ta cũng phải quay trở về nhà thôi - Thầy Tư Khiếu vừa xếp ngay ngắn đồ đạc vừa trả lời Cường, không ngước mặt nhìn lên, nhưng Cường nghe qua thì thấy có vẻ thầy Tư Khiếu đang xúc động, giọng nói trầm hẳn.

Chuyện đến quá đột ngột, Lường Xuân Cường và thầy Tư Khiếu sống cùng trong căn chòi lá, trải qua bao nhiêu chuyện đắng cay ngọt bùi, bao nhiêu bí mật sâu kín cũng đã giải bày tâm sự. Nay giờ phút từ biệt đến, Cường cũng không khỏi thấy có chút buồn bã trong lòng.

Vậy là từ nay Cường vẫn tiếp tục sống một mình trong khu vườn rau rộng lớn, bốn bề hoang vắng tiếng người. Còn đâu những phút giây tâm sự đậm tình cha con, còn đâu những lúc trao đổi kinh nghiệm sống. Thầy Tư Khiếu thấy Lường Xuân Cường trầm ngâm thì cũng hiểu thằng nhóc có chút lưu luyến, bèn nói :

- Thằng ngốc này. Ta chỉ trờ về nhà của ta ở gần đây thôi, chứ có phải xa muôn trùng mây đâu mà con sợ. Nếu sau này con có muốn gặp ta, cứ đi qua làng Đại Hoà. Ta cũng có một căn nhà lá bên đó. Lúc trước khi đến đây, ta hay coi bói, đoán số mệnh ở bển, có nhiều sách lắm. con rảnh thì cứ qua đọc. Đây, địa chỉ đây.

Thầy Tư Khiếu dúi vào tay Cường một mẩu giấy nhỏ thấm đẫm nước mưa, nên có chữ còn, chữ nhoè. Tuy vậy Cường vẫn đọc được. Sào Thuỳ Hạnh thấy hai thầy trò bịn rịn quá thì cũng nói vào :

- Trời ơi. Thầy Tư Khiếu cũng ở làng gần đây chứ cò gì đâu. Sau này em muốn đi thăm thầy Tư Khiếu thì cứ đi. Có gì đâu mà buồn. Nhưng phải đặt vườn rau lên làm trọng. Dạo này bắp với đậu phộng cứ bị thất thoát do chim chóc đó.

Phù Thu Lệ cũng từ đâu chạy sang :

- Thầy Tư, ông Nớ có xấp bánh chưng, muốn gửi tặng thầy.

- Chà, ông Nớ tốt bụng quá - thầy Tư Khiếu đỡ lấy xấp bánh vẫn còn nóng hổi, thơm phức mùi lá - đã cho thầy tá túc vườn rau để đỡ mất công đi lại, rồi còn tặng bánh chưng nữa.

Sào Thuỳ Hạnh mang tiếng là qua vườn rau để thưa chuyện với thầy Tư Khiếu về thời hạn bảy bảy bốn chín ngày cúng kiếng, nhưng cũng lấy đó làm cơ hội quan sát Lường Xuân Cường. Theo lời ông Nớ dặn dò, nếu hễ thấy Lường Xuân Cường lộ ý phản kháng, chống đối gì thì phải về báo ngay.

Nên suốt từ nãy đến giờ, trong khi thầy Tư Khiếu sắp xếp đồ đạc, thì Sào Thuỳ Hạnh cứ mỉm cười nhìn Lường Xuân Cưởng nửa như thân thiện, nửa mỉa mai. Tuy Lường Xuân Cường cố lảng khỏi ảnh mắt dò xét của chị Hạnh, nhưng cậu cứ có cảm giác Hạnh thỉnh thoảng lại đưa mắt liếc nhìn vùng hạ bộ của mình.

Lường Xuân Cường lại thêm phần lo lắng, sợ chuyện kín của mình bị đổ bể ra và Phù Thu Lệ biết được. Nên cứ mỗi khắc Sào Thuỳ Hạnh chú tâm đến mình, là mỗi khắc Cường thêm phần sợ hãi. Trời mưa lạnh giá mà Lường Xuân Cường mồ hôi ướt áo. Cậu chỉ mong cho Phù Thu Lệ sớm đi khỏi căn chòi.

Nhưng Phù Thu Lệ vẫn vô tư nói cười cùng chị Hạnh và thầy Tư Khiếu. Cô đứng sát lại phía Cường, thỉnh thoảng lại dùng những ngón tay chọc vào eo cậu trêu đùa, vì thấy cậu cứ đăm chiêu suy nghĩ. Cô nào có hiểu cho những nỗi lo lắng mà Cường đang phập phồng lo sợ. Cường thì nửa cười nửa mếu trước những trò của Thu Lệ mà không dám lên tiếng hó hé.

Xách trên vai mấy túi đồ khá to, lỉnh kỉnh nào bộ đồ nghề cúng tế, rồi nào là quần áo, thầy Tư Khiếu nặng nhọc khiêng ra chiếc xe gắn máy cà tàng của thầy. Phù Thu Lệ nhanh nhẹn đi theo đỡ hộ một ít. Lường Xuân Cường thấy vậy cũng định vào giúp một tay. Nhưng ngờ đâu, lúc trở lại vào nhà xách nốt chỗ đồ ra, đi qua khung cửa hẹp, Sào Thuỳ Hạnh ở trong nhà cũng vừa bước tới, bàn tay cô nhanh nhẹn áp vào vùng hạ bộ của Cường một cách kín đáo.

Lường Xuân Cường giật bắn người qua cử chỉ khiếm nhã đó của chị Hạnh, vùng háng của cậu bị người phụ nữ có chồng túm lấy. Cậu cảm nhận những ngón tay của chị Hạnh lướt qua chỗ sẹo trên thân thể mình. Ngước mặt lên nhìn thì chỉ thấy chị ta nở nụ cười mỉm, đôi mắt lung linh, nheo nheo lại đầy ẩn ý. Cường chỉ biết cúi mặt xuống, lầm lũi vào nhà khiêng nốt vài túi đồ ra cho thầy Tư, mà không dám nói điều gì thêm.

- Thôi, ta đi nha Cường. Hạnh, con cho ta cảm ơn ba của con nhiều nhé. Ta đi đây - Thầy Tư Khiếu lưu luyến nhìn Cường một lần nữa, rồi lên ga phóng xe đi mất.

Sào Thuỳ Hạnh thấy thầy Tư Khiếu đi rồi thì cũng đi, nhưng trước khi lên xe máy về lại nhà mình, cô còn nháy mắt cười cợt Cường :

- Chị về em nhé. Hai đứa ở lại chơi. Nhớ đừng có lợi dụng trời tối để " đi quá giới hạn " đó nha Cường.

Lường Xuân Cường biết tỏng chị ta rõ ràng cố ý muốn hạ nhục cậu thêm một lần nữa. Bởi chị Hạnh vốn đã rõ rằng Cường dù muốn thế nào cũng không còn có thể làm những chuyện trên giường được nữa. Lúc này trong lòng Cường cảm giác tức giận dâng trào lên cuống họng, nhưng liền bị cậu dồn xuống, tạo cảm giác nghèn nghẹn nơi lồng ngực.

Phù Thu Lệ thì lại e thẹn cúi đầu trước câu nói trêu chọc của Sào Thuỳ Hạnh. Cô bẽn lẽn thầm thì chỉ đủ cho Cường nghe thấy :

- Chị Hạnh kỳ ghê. Thu Lệ biết Cường là người đứng đắn mà.

Trong một giây phút tình cảm bộc phát, Phù Thu Lệ trước khi quay về nhà, cô đặt phớt lên má của Cưởng một nụ hôn rồi quay mặt chạy đi do xấu hổ. Lường Xuân Cường trong khoảnh khắc rối bời đó, cậu cũng không e dè, một phần vì còn tức tối câu nói của chị Hạnh, Cường nắm bàn tay Phù Thu Lệ kéo lại.

Thu Lệ đang trên đà chạy đi, lại bị Cường kéo ngược lại. Trong lúc ngạc nhiên thì môi cô và môi của Cường đã chạm nhau nồng nàn. Không hiểu sao mà chiếc lưỡi nóng ấm của Cường đã dễ dàng luồn vào trong chiếc miệng nhỏ xinh của Thu Lệ. Cô trố mắt ngạc nhiên, còn Cường thì đã tịt mắt, chiếc lưỡi của cậu hết quét sang phải lại sang trái bên trong miệng Thu Lệ.

Thu Lệ xấu hổ, nóng bừng mặt, cô đẩy Cường ra xa, rồi cắm đầu lên xe chạy miết, không nói thêm gì. Lường Xuân Cường lần đầu hôn con gái, lại là một nụ hôn sâu, da thịt chạm nhau. Cậu bần thần đứng lặng, nhìn theo bóng thu Lệ khuất xa dần. Không hiểu sao lúc đó, Lường Xuân Cường không hề lo lắng Phù Thu Lệ sẽ tức giận cho sự sỗ sàng đó, cũng không hề nghĩ đến việc Sào Thuỳ Hạnh và gia đình ông Nớ biết cậu vẫn còn tính đực trong người.

Cường chỉ đứng đó, cảm nhận vị ngọt ngào còn đọng trên môi, và những giây phút thần tiên ướt át khi lưỡi cậu chạm vào lưỡi Thu Lệ, quấn lấy. Rồi Cường, cũng đột ngột như khi hôn Thu Lệ, cậu chợt bật khóc thảm thiết, từng giọt nước mắt rơi lã chã như những cơn mưa lúc buổi ban chiều.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro