CHƯƠNG III

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG III

Vừa thiu thiu ngủ thì Hàn Sinh chợt thấy một ông lão ngoài bảy mươi tuổi, tướng mạo oai vệ, áo mũ cân đai như quan lại triều đình thời phong kiến. Vị quan ấy đi lướt qua và ra dấu hiệu cho Hàn Sinh đi theo. Hàn Sinh chậm rãi bước theo, khi lên đến phòng khách, vị quan ngồi ngay ghế giữa chỉ dành riêng cho chủ nhà. Vị quan ra dấu hiệu cho Hàn Sinh ngồi xuống, không khí yên lặng bao trùm, Hàn Sinh hoang mang phập phồng lo sợ. Chàng ngập ngừng muốn cất tiếng chào thì vị quan nói :

– Gọi ta là Tiểu Vương tư lệnh vùng này.

Hàn Sinh lễ phép :

– Kính chào Tiểu Vương, kẻ hèn này có gì thất lễ xin Tiểu Vương miễn chấp .

Tiểu Vương trầm ngâm một hồi rồi lên tiếng :

– Việc nhà ngươi đến đây ta đã biết hết, ta khỏi cần phải hỏi, ta ra lệnh cho nhà ngươi không được dời đổi bất cứ vật gì ở trong nhà này. Ta vẫn thường ở đây hàng chục năm rồi, ta không muốn đồ vật của ta bị xáo trộn.

Hàn Sinh liếc nhìn Tiểu Vương : ôi khuôn mặt sắc khí đằng đằng làm cho chàng hơi khó chịu. Hồi lâu chàng lễ phép hỏi :

– Thưa Tiểu Vương có phải Tiểu Vương còn cần những thứ này sao ?

Tiểu Vương lạnh lùng đáp :

– Cần hay không là việc riêng của ta, ai cho phép nhà ngươi hỏi.

Hàn Sinh ngồi lặng thinh, hồi lâu Tiểu Vương thở dài nghe não ruột buồn bã : 

– Từ nãy giờ ta muốn diễn tả cái cung cách quan liêu của ta ngày xưa mà thôi. Ta đã bị đau khổ khi qua thế giới bên này, ta không còn ra lệnh được ai. Người xưa nói “trèo cao thì té nặng”, ở trên thế gian ta chưa từng bị té vậy mà khi qua cõi này ta sống trong cảnh cá mè một lứa, ta vô cùng khổ sở và bất mãn. Thử hỏi đường đường là Tiểu Vương tư lệnh một vùng, một lệnh của ta ban ra quan quân dạ râng một góc trời. Ta đi vô, đi ra, ngồi, đứng có kẻ hầu người hạ. Muốn cái gì là có cái nấy, giống như ta có cuốn sách ước bên mình. 

Rồi một hôm ta bạo bệnh, cuối cùng ta rời bỏ hồng trần để qua thế giới bên kia cửa tử. Qua đến cõi này ta như từ cung son điện ngọc bị ném xuống vũng bùn, ta nói vũng bùn vì hoàn cảnh vô cùng đen tối. Một người uy quyền một góc trời như ta xuống cõi này mới thấm thía sự cô độc, một mình ta phải tự giải quyết cho riêng mình.

Ta nhìn lại ta, ta mất tất cả uy quyền, danh vọng, tiền tài, tài sản và nhiều quá ta nhớ không hết. Hình như có một thứ ám khí che lấp trí khôn của ta nên ta không nhận định được gì thêm. Ta cứ sống trong đau khổ vì không thỏa mãn được những dục vọng thèm muốn cho thể xác và ta còn luyến tiếc những gì còn bỏ lại ở cõi trần. Ta không chịu rời bỏ nhà này, vì ta nghĩ nhà này là nhà của ta. Ta về ngồi đó để nhận thêm cái đau khổ. Sự có mặt của ta, có cũng như không; cái đám gia đinh thì nghênh ngang ngồi lên ghế của ta, cái ghế chỉ dành riêng cho Tiểu Vương. Ta tức giận vô cùng, ta kéo nó xuống nhưng rồi cũng không có tác dụng gì, ta buồn bã thấy mình bất lực. Ta lầm bầm than thở : Thôi hết rồi ! Ta tự làm khổ ta bằng những hành động còn vướng bận cõi trần. Ta không thể gọi đó là hành động khùng điên vì ta rất tỉnh táo. Ta đi vòng quanh nhà thấy mọi người vui vẻ và bận rộn vào những việc riêng, còn ta bất lực với tất cả mọi người. Ta sống trong tâm trạng tự mình hành hạ mình bằng những dục vọng mà ta không thỏa mãn được.

Hàn Sinh vội hỏi :

– Thưa tiểu vương, sao tiểu thơ không đến gặp Tiểu vương để giải nghĩa về định luật cõi âm, nếu biết được thì Tiểu Vương bớt đau khổ phần nào.

 Tiểu Vương nghe nhắc đến  con gái thì nét mặt đổi ra vui, thong thả nói : 

– Trong thời gian ấy con gái ta có đến, nó giải nghĩa nhiều lắm nhưng ta không hiểu gì hết vì ta cứ bám vào cái tư tưởng, cái thành kiến của ta. Ta tự xem mình là người hiểu biết cho nên những tư tưởng ấy không có tác dụng gì với ta. Nói đúng hơn là cái thành kiến của ta là một bức tường kiên cố nên khó có một tư tưởng nào lọt qua. Giờ ta mới hiểu tai hại của thành kiến; một thứ tư tương do ta tạo ra rồi ta sống lẫn quẫn trong tư tưởng ấy. Cái tính tự cao tự đại cũng từ trong thành kiến mà ra. Phải qua nhiều năm ta mới ý thức được : Người sống trong thành kiến là người sống trong tư tưởng chết, tự mình vẽ lá bùa đeo quanh mình, người đó sẽ trở thành người cô độc vì cái tánh tự tôn tự đại ai mà ưa.

 Sau nhiều năm hình như những dục vọng cũng tan dần và ta cảm thấy bớt đau khổ. Ta lần hồi ý thức về mình và kiểm điểm lại trong kiếp sống vừa qua ta đã làm được những gì, cái lợi và cái hại cho ta như thế nào. 

Ta nhớ lại con đường tìm công danh bằng cách học lấy văn bằng rồi ra làm quan. Cái học của ta là học trong tứ thư ngũ kinh, tam can ngũ thường để phân định ngôi thứ mỗi người, dù ở địa vị nào cũng có bổn phận của nó. Triết học đạo Khổng là phân định ngôi thứ, kỷ cương trật tự xã hội và gia đình. Với một người chu toàn nhiệm vụ của tam can ngũ thường thì gọi là người quân tử, còn người nào không làm đúng như vậy gọi là tiểu nhân. Thế hệ của ta người nào được gọi là người quân tử là một vinh dự lớn. Tất cả quan lại triều đình đều thực hành tam can ngũ thường thì mới trị an được trăm họ. Bất cứ việc gì cũng đem tư tưởng Khổng Tử ra làm khuôn mẫu; đức Khổng nói đức Khổng viết thì không ai dám cãi. Lý thuyết thì hay lắm nhưng khi đem thực hành thì các quan tự tiện chế biến theo ý riêng của mình.

 Giờ đây ta mới thấm thía cái nghiã quyền lực và  uy quyền. Ta đã khổ sở nhiều năm cũng vì nó.

Hàn Sinh chưa từng nắm quyền lực nên vội hỏi : 

– Thưa tiểu vương kẻ cầm quyền cai trị thì chỉ căn cứ vào luật pháp, có gì đâu mà phải khổ sở vì nó. 

Tiểu Vương trầm ngâm hồi lâu rồi lên tiếng : 

– Kẻ nắm quyền lực trong tay giống như sử dụng con dao hai lưỡi, nếu không khéo thì đứt tay. Ta đã bị đứt tay vì cái ham lợi lộc và lo thủ lợi. Hình như khi ta được làm quan, ta chỉ lo cho ta. Cái văn bằng của triều đình chứng nhận cho ta là người học cao hiểu rộng, có kiến thức trên thông thiên văn dưới thuộc địa lý, văn võ song toàn. Ta đã được lệnh tấn phong là Tiểu Vương, áo mũ cân đai lấp lánh như hào quang, quan quân bá tánh đều  tuân theo lệnh của ta, cái quyền lực của ta, cái uy quyền của ta nghiêng một góc trời. 

Với cái quyền lực ấy, với cái bả danh lợi vật chất ta lần hồi quên đi con người đích thực của ta thuở còn nho sinh hàn sĩ. Thuở ấy ta đọc những áng thơ văn và nghe bài giảng đạo đức ta rung động trong lòng. Ta đọc truyện các bạo chúa ta muốn vùng dậy xách gươm đi tiêu diệt nó. Nghe chuyện đám quan lại hiếp đáp người dân nghèo khổ, người cô thế ta muốn chạy đi tìm kiếm quan trên để tố cáo hành động tham ô, ỷ thế, ỷ quyền hiếp đáp dân chúng. Thuở còn nho sinh hàn sĩ ta quyết chí học ra làm quan để giành lấy công bằng cho xã hội, hạnh phúc cho mọi người. Và Ta cai trị nhân dân bằng đạo đức, bằng lòng nhân đạo. Thuở còn nho sinh ta rung động vì những tư tưởng đạo đức, ta khinh khi cái đám quan lại tham ô, ỷ quyền, ỷ thế. 

Hàn Sinh nhìn Tiểu Vương có vẻ khâm phục cái thời còn nho sinh hàn sĩ có lý tưởng “cứu nhân độ thế”. Chàng ngập ngừng hồi lâu bèn hỏi :

– Thưa Tiểu Vương, với một ý tưởng hoài bão trong sạch như thế thì Tiểu Vương có gì ân hận.

 Tiểu Vương sửa lại áo mũ cân đai cho đúng cách rồi nói nhẹ nhàng :

– Người xưa nói:" không ai biết nghị lực của người đàn ông hay đàn bà như thế nào nếu chưa qua một cuộc thử lòng", và một câu nói rất huyền bí : “Không nên đánh thức con mèo đang ngủ”. Ta đã bị một cuộc thử lòng và kết quả con mèo thức giấc; đó là những gì đã tiềm ẩn trong ta cái mầm xấu xa hạ cấp mà ta không biết. Thuở còn nho sinh hàn sĩ, ta và những người bạn  đồng môn cùng yêu một lý tưởng : “làm quan để lo cho dân cho nước”.  Một số bạn đồng môn của ta đã tròn ước nguyện lý tưởng của họ. Mặc dù  triều đình không bắt tội vì ta đã khéo che giấu. Nhưng khi qua đến cõi này thì mọi hành động đều phơi bày như trang giấy trắng chỉ cần một chấm nhỏ cũng thấy.

Hàn Sinh vội hỏi :

– Thưa Tiểu Vương làm sao mà Tiểu Vương biết được cái mầm xấu nó trú ẩn trong mình đợi có dịp là nó phát ra.

Tiểu Vương ngẫm nghĩ một hồi rồi tỏ ra hối hận :

– Ta tức giận vì cái lý tưởng “làm quan để lo cho dân cho nước không tròn ước nguyện” để mang tiếng là chỉ lo vinh thân phì gia. Trong khi bạn đồng môn cùng lý tưởng với ta thì được tròn ước nguyện.

Một hôm người con gái hình như nó biết được thắc mắc của ta nên nó giảng nghĩa như sau : “Cái lý tưởng của cha cũng giống như một mớ lý thuyết cần phải đem ra thực hành; trong sự thực hành ấy thì cần phải có cái tâm trong sạch. Nếu mang ra thực hành mà cái tâm không được trong sạch thì cũng giống như tấm kính bị lớp bụi phủ lên cho nên nhìn sự vật bị sai lệch, cái lớp bụi đó chính là những dục vọng thấp thỏi, hèn hạ, nó đã có trong ta hàng trăm kiếp trước. Nó giống như đám cỏ dại chỉ cần một ít sương mù là bộc phát.

Cho nên có những người tránh xa cuộc đời thế tục, họ tìm lên non cao rừng thẩm quyết chí tu thân để triệt tiêu những dục vọng  lõm dõm hèn hạ; nhưng rừng núi thâm u, yên tĩnh cũng không dính dấp gì đến những dục vọng hèn hạ đó. Cõi hồng trần là cõi hoạt động, cõi hành động. Đức tính từ bi bác ái có kèm theo hành động. Nếu không có hành động thì không có bác ái, mà  chỉ là một danh từ rỗng tuếch. Như vậy chỉ có hành động cao thượng, thực hành một cách cụ thể thì mới có những mãnh lực đó để giải trừ và triệt tiêu được những dục vọng thấp thỏi, bỉ ổi”.

Ta cũng không biết con gái của ta học ở trường lớp nào mà nó nói nghe lạ quá. Thôi ta cũng tạm tin là như vậy.

 Hàn Sinh cười chúm chím khi nghe nhắc đến người con gái, chàng muốn nghe hoài những gì người con gái nói. Tiểu Vương  trầm ngâm tưởng nhớ thời kì uy quyền một cõi, hồi lâu thong thả nói :

– Ta đã sử dụng quyền lực để cai trị trăm họ cũng giống như đạo sĩ có bùa phép gọi là sự dụng quyền lực của thiên nhiên. Đạo sĩ nói “Người nào học được cách sử dụng quyền lực của thiên nhiên, còn gọi là điều khiển được những mãnh lực của vũ trụ ; nếu người ấy sử dụng quyền lực của thiên nhiên để giúp đời, giúp bá tánh, cứu dân độ thế thì người ấy đi vào con đường chánh đạo, còn ngược lại nếu sử dụng quyền lực chỉ để mưu cầu lợi lộc cho cá nhân thì gọi là đi vào con đường tà đạo. 

Căn cứ vào cách thức sử dụng quyền lực nói trên; nếu ta chu toàn nhiệm vụ của một vị quan lo cho dân cho nước thì ta là người quân tử, còn ngược lại nếu ta là người tham ô thì chỉ có hại cho dân, phá hoại đất nước thì ta là một kẻ tiểu nhân. Với cái lý tưởng của nhà nho ta nghe tiếng “nhà ngươi là kẻ tiểu nhân” làm ta đau nhói trong lòng. Ta còn mặt mũi nào mà ngó quân vương tiên đế đã tin tưởng và trao quyền lực cho ta.

Hàn Sinh thắc mắc không biết Tiểu Vương tham ô cái gì, dục vọng xấu xa như thế nào, chỉ nghe nói bị vật chất cám dỗ, cái bả lợi danh làm mờ mắt mà không có cái gì để chứng minh cụ thể.

Như đoán được ý nghĩ Tiểu Vương lên tiếng :

– Phàm là con người thì ít ai nhận xét đúng về mình. Một kẻ giết người khi đứng trước quan tòa thì cũng có đủ lý lẽ để biện minh cho hành động giết người của y. Một người ngu, u mê không bao giờ biết mình ngu, nếu biết được cái ngu của mình thì đã là người khôn rồi. Cho nên khi ta sống trong biển vật chất, tiền tài danh vọng thì lúc đó tâm thức của ta chỉ biết những thứ đó mà thôi. Thuở còn nho sinh hàn sĩ cái tâm thức của ta nằm trong sách vở đạo lý thánh hiền, ngày nào ta cũng mang nó ra ôn mài kinh sử. Vào thời đó ai nhắc đến đạo lý thánh hiền, cái gương của những bậc hiền sĩ thi ân bố đức làm ta rung động trong lòng, những bậc hiền sĩ là thần tượng của ta. Thuở còn nho sinh hàn sĩ, những của cải phi nghĩa những hành động quấy nhiễu dân lành, hiếp đáp người cô thế, người giàu bóc lộc người nghèo, cho vai nặng lãi gọi nôm na là sống trên xương máu của đồng loại, hút máu người dân của đám cường quyền; những loại người có hành động gian ác ấy ta rất ghê tởm, gặp mặt họ ta không nhìn, ta nhìn sợ dơ mắt ta. 

Nhưng ta đã lầm, vì chính những thứ mà ta ghê tởm, nó dội lại trong ta lúc nào mà ta không hề hay biết. Cho nên khi được áo mũ cân đai thì ta bèn làm những gì trước đây ta ghê tởm. Đó là một định luật huyèn bí mà ta không hiểu được phải mất nhiều năm suy tư ta mới hiểu đó là chân lý của câu nói “ghét của nào trời trao của đó”.

Hàn Sinh ngước lên lễ phép hỏi :

– Thưa Tiểu Vương nếu như vậy thì khi ngài còn nho sinh Ngài ghét bọn sâu dân mọt nước, bọn xôi thịt, bọn người bất lương, các quan lại tham ô sách nhiễu dân lành rồi làm quan ngài lại làm những gì trước đây ngài ghét hay sao ? Nếu người dân họ ghét oán các quan lại thì chẳng lẽ  họ ra làm quan hay sao ?

Tiểu Vương mỉm cười : 

– Ta cũng thắc mắc như nhà ngươi. Có lần ta hỏi về vấn đề này thì con gái cưng của ta giải nghĩa như sau : "Vì tư tưởng và tình cảm phát sinh ra hành động. Cho nên tư tưởng và tình cảm của con người có tạo ra một mãnh lực, cái mãnh lực này không có con mắt trần tục nào thấy được nó. Cái mãnh lực của tư tưởng chỉ biểu lộ đặc tính tư tưởng ấy bằng sự rung động nguyên tử. Nếu là tư tưởng thanh cao thì nó rung động nhanh, nếu tư tưởng hèn hạ thì nó rung động chậm. Cái mãnh lực tư tưởng này thọ hay yểu mạnh hay yếu, phóng ra xa hoặc gần là do người tạo ra nó nhiều hay ít.

Như đã nói bất cứ mãnh lực tư tưởng, tình cảm nào phóng ra đều phải trở về nơi xuất phát cái đặc tính của nó; đó là định luật của vũ trụ : Một tia sáng xuất phát từ đại thể phải trở về nguồn gốc của nó.. Như vậy chính con người đã tạo ra họa và phước cho mình, và tùy theo cái đặc tính của tư tưởng, tình cảm mà trước đây mình đã phóng ra thì phải nhận phần hương quả của nó trở lại. Khi cái mãnh lực đó trở lại thì nó tác dụng vào người đã tạo ra nó và nó cũng tùy theo cái nghiệp của người đó.( Nghiệp là cái việc làm của một người đã chất chứa nhiều kiếp).

Những mãnh lực tư tưởng từ bi bát ái của người cầu nguyện hướng về đức Phật, đức Chúa, Thượng Đế ; những mãnh lực này nó cũng không cần biết đó là ai mà nó chỉ phóng lên cao theo đặc tính rung động của nó mà thôi. Còn những người cứ nuôi tư tưởng hận thù ghen ghét nên tạo toàn những khí ô trược nặng nề nên có tần số rung động thấp. Đặc tính của tư tưởng hận thù oán ghét tham lam ích kỷ là nó không đi xa, mà nó trở về lẩn quẩn bên người tạo ra nó và nó hòa nhập vào tư tưởng của y ; (tư tưởng hận thù là một tai họa cho dân tộc; đừng quên rằng kẻ nào mưu toan hãm hại và tiêu diệt đồng loại thì họ tự rước tai họa tương tự vào thân.)  dù sự oán ghét này cho một sự công bằng nào đó nó cũng không cần biết, vì nó chỉ làm đúng với tần số rung động của nó mà thôi. Cho nên phải hiểu : “ghét của nào trời trao của đó” đó là câu nói dùng hình tượng cho mọi người dễ hiểu. Thật ra trao của đó không phải là cái của đó, cái sự vật, cái quan niệm; mà nó chỉ nhận trở lại cái đặc tính tần số rung động của chất khí do y đã tạo ra mà thôi".

Hàn Sinh thấy Tiểu Vương vui vẻ bèn hỏi việc riêng :

– Thưa Tiểu Vương, lúc làm Tiểu Vương có khi nào ngài nghĩ về bên kia cửa tử không ? 

Tiểu Vương nghe nhắc tới thời làm Tiểu Vương thì ngài lộ vẻ hân hoan, cái thời vàng son, cái thời làm vua một cõi. Ngài nhìn Hàn Sinh một cách thân ái chậm rãi nói :

– Khi còn là Tiểu Vương những lúc no say phủ phê ta cũng ngồi nhâm nhi uống trà, ngẫm nghĩ khi ta chết rồi, qua cõi âm ta sẽ gặp diêm vương. Ta là Tiểu Vương chắc diêm vương không nỡ đối xử tệ bạc vì ngài cai trị cõi âm còn ta thì cai trị cõi dương, mà ta nghe “dương gian âm phủ đồng nhất lý” kia mà.

Ta đã lầm khi ta bỏ xác tại cõi trần, ta xuống cõi âm không thấy diêm vương, ma, quỷ sứ nào hết, mà chỉ thấy những hậu quả việc làm của ta lúc sinh tiền. Mấy chục năm sống tại cõi âm ta mới thấm thía về danh xưng, địa vị, chức tước và tài sản. Khi ta đến cõi âm thì những thứ đó là con số không. Con gái ta nói nếu còn vướng bận chất chứa trong tâm thức những thứ đó là tự trói buộc mình để cuối cùng thành hồn ma vất vưởng vì chưa siêu thoát.

Thuở sinh tiền ta ưa dạy bảo người và bắt người ta phải làm theo ý của mình. Ta rất bực bội khi gặp các cụ già nói : “không ai làm thầy được ai”. Khi qua đến cõi này ta suy nghiệm về câu ấy thì quả đúng như vậy ; vì ta không nghe bất cứ điều gì mà trước đây con gái của ta nói về sự bám vào vật chất, của cải, tài sản, danh vọng  làm cho vong linh đau khổ. Ta không tin, phải trải qua một thời gian dai dẳng thì ta mới ý thức được. Vì sự đau khổ của ta là do ta tạo ra nhưng muốn bỏ được đau khổ, để chuyển hóa tâm thức không phải là việc dễ dàng. Vì theo luật thiên nhiên thì cái gì cũng phải từ từ và chính ta phải ý thức được điều đó để khẳng định đâu là đúng đâu là sai thì mới chuyển tâm thức được.

Con gái ta nói : "Không có gì là huyền bí trong việc chuyển tâm thức; vì tâm thức là tần số rung động của những khí chất do ta tạo ra bằng những hành động, tình cảm và tư tưởng. Vì cái không thường tồn thì dĩ nhiên nó bị thay đổi giống như sự thay đổi tế bào trong cơ thể. Sự thay đổi được là tùy theo ý chí của ta. Chỉ có ý chí là một sức mạnh vô địch mới đánh tan được những dục vọng mà thôi". 

Nó nói rất nhiều về quyền năng ý chí mà ta không hiểu gì hết nhưng ta chỉ nhớ có một điều là  Đấng Tạo Hóa đã ban cho con người một ý chí hoàn toàn tự do. Và nhờ tự do ý chí mà con người có thể làm theo thiên lực hay chống lại thiên lực, và cũng kèm theo ý chí tự do đó con người không được vi phạm định luật của vũ trụ. Sở dĩ con người bị đau khổ là do y đã vi phạm định luật của vũ trụ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro