CHƯƠNG BẢY

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chiều nay người Nam thấy người Nữ thỉnh thoảng mỉm cười, chàng không biết nàng có cái gì vui. Sau khi lên giường ngủ chàng khẽ hỏi :

– Đêm qua anh ngủ anh giựt mình vì tiếng khóc của em, anh kêu em thức dậy và thấy nước mắt dàn dùa trên mặt em. Anh không biết em chiêm bao thấy gì mà em khóc, anh không dám hỏi, anh nghĩ chắc trong chiêm bao em có cái gì sợ hãi tới mức khủng khiếp hoặc tận cùng của sự đau khổ nên em khóc.

Người Nữ thỏ thẻ :

– Anh à, em khóc cũng chỉ vì anh. Như em đã nói cuộc đời của em từ lúc hai đứa mình nắm tay nhau đi trong đêm. Bầu trời mây đen bao phủ, sấm chớp lập loè, tiếng gầm như trời long đất lỡ, cơn mưa trút như thác đổ, gió thổi ào ào, vài cây bị bật gốc ngăn đường cản lối. Từ lúc đó em đã phú trọn cuộc đời của em cho anh. Em không còn lo nghĩ gì nữa, hễ anh vui là em vui, anh buồn là em buồn, anh khổ là em khổ. Anh và em như tấm lưới nhện giăng nên bất cứ một sự va chạm nào cũng làm cho toàn thể tấm lưới bị rung động. Thôi em nói cho gọn là hai đứa mình tuy hai nhưng chỉ có một. Sự sống của anh là có em trong đó, hơi thở của anh là có em trong đó. Nói cho thơ mộng là hơi thở của anh là có em một nửa.

Người Nam nghe vợ nói có vẻ văn chương lưu loát,  cũng biết sử dụng hình tượng làm xúc động lòng người, chàng bèn hỏi :

– Em nắm bắt cái hình tượng hay thật, nếu em là nhà văn thì tác phẩm của em hay lắm.

Nàng húc nhẹ cái đầu vào ngực chàng và nũng nịu :

– Anh có cái tài chọc ghẹo em là hay nhất, anh chế nhạo em hoài. Nấu ăn thì anh chấm giải nhất, mới nói có vài câu thì anh so sánh với nhà văn. Không biết anh học cách thức nói chuyện được lòng người ở đâu mà hay vậy ?

Người Nam bật cười và dịu dàng :

– Em à, anh đâu có cần học, cái bản tính con người nó đã có hàng ngàn kiếp, mỗi một kiếp con người học được một ít. Một vật mà em thấy nó nhám nhúa nhưng nếu qua một thời gian tiếp xúc với tay người thì nó trở nên bóng láng, mượt mà. Nếu nói con người đã có hàng ngàn kiếp để đến thế gian này, mỗi một kiếp con người học được một ít thì trong những buổi đầu vì cái trí còn non nớt chưa có kinh nghiệm, chưa có sự khôn ngoan, tế nhị, sâu sắc và mềm mỏng; cũng giống như một khúc gỗ sần sù còn con người thì thô lỗ, cộc cằn, suy tư không nhiều, tư tưởng bị giới hạn vì sự hiểu biết không có là bao nên ngôn ngữ họ sử dụng hàng ngày quanh đi quẩn lại trong một kiếp người họ nói chưa quá một ngàn từ.

Em nên nhớ âm thanh là tinh hoa của vũ tru, cho nên mãnh lực tác động của âm thanh vô cùng quan trọng; chính vì lẽ đó một lời nói có được hạnh phúc gia đình hay tan nhà nát cửa. Người hiểu biết là người không nói nhiều nhưng khi đã nói thì không được làm cho bất cứ một sinh vật nào bị đau khổ.

Người Nữ ngước lên cố nghe cho hiểu lời của chàng, nàng chau mày vì cái lí luận bản tính con người do hàng trăm kiếp mà có chớ không phải chỉ đọc một cuốn sách lấy lòng người là thực hành được như ý muốn. Nàng khẽ hỏi :

– Anh à ! Nếu em là nhà văn, em đem tư tưởng của anh nói cho mọi người hiểu, liệu họ có hiểu không hả anh ?

Người Nam trầm ngâm một hồi rồi nhẹ nhàng :

– Em à ! Khi em muốn biết và hiểu được một tư tưởng thì trong trí của em phải có cùng một tần số rung động với tư tưởng ấy, giống như cái rađiô bắt trúng đài phát thanh. Cho nên nhiều tư tưởng được thể hiện qua giấy trắng mực đen mà nhiều người đọc đi đọc lại họ không hiểu gì hết là vì họ không bắt được tần số rung động của tư tưởng đó. Bất cứ sự trao đổi về tư tưởng phải theo luật đồng khí tương cầu.

Nàng nũng nịu :

– Thôi em không hỏi nữa, vì càng hỏi thì anh nói em cũng không hiểu gì hết.

Chàng mỉm cười khẽ hỏi :

– Nếu em không hỏi nữa thì anh hỏi em. Em nói em chiêm bao và em khóc cũng chỉ vì anh, anh tò mò muốn biết vì sao em khóc.

Nàng cười chúm chím:

– Anh nói em nói chuyện như nhà văn, bây giờ em kể chuyện những nhân vật trong truyện cho anh nghe.

Người Nam giọng tiếc rẽ :

– Ồ phải có đàn anh dạo cho em đọc thì hay biết mấy mà thôi cái giọng của em đọc cũng hay rồi.

Người Nữ cười khúc khích :

– Thấy chưa, anh khéo nịnh em nữa, anh nghe em đọc truyện, em nhìn mà thấy anh ngủ là em không chịu à.

Rồi nàng tằng hắng để lấy giọng:

– Trân trọng giới thiệu truyện ngắn “chiêm bao của nàng” qua giọng đọc của chính tác giả.

“Sau khi nấu cơm, kho cá, nấu canh xong, ngưòi Nữ đi tới đi lui tìm thêm một cái gì để dọn dẹp cho qua thì giờ. Nàng nhìn cái bóng mái nhà gần đứng bóng mà không thấy chàng về dùng cơm. Nàng  thấp thỏm lo âu không biết chồng mình có cái gì xảy ra cho chàng mà không về ăn cơm; vì như thường lệ buổi trưa nào chàng cũng về. Sáng nay chàng đi làm mà đâu có ăn lót lòng. Giờ này đã  tới giờ cơm, đã trưa rồi thì làm sao mà chịu nổi. Nàng nhớ lại sáng nay chàng nói đi làm dưới nhà kho gần bến tàu có cây me lớn. Nàng hồi hợp lo sợ không biết có chuyện gì đã xảy ra cho chàng. Nàng bèn mon men đi xuống đó. Nàng đến gần gốc me lớn như cây cổ thụ, tàn cây sum sê tạo một khoảng rộng mát. Đối với người buồn thì tìm hàng cây cho bóng mát che sầu còn đối với nàng thì chỉ là chỗ ẩn núp để quan sát. Nàng tự hỏi “ Có phải chàng đang làm ở đây hay không, chẳng lẽ chàng làm ở đây?” Nàng nhìn những người thanh niên, người trung niên có nước da mốc cời, đầu tóc bù xù. Sao họ nói chuyện chửi thề nhiều quá, hình như tiếng này là mở đầu cho một câu nói. Nhưng rồi nàng lại nghe người thanh niên, nét mặt hiền hòa nói với ngươì thanh niên tướng thô lỗ cộc cằn, đầu tóc bù xù.

– Sao mày mở miệng là chửi thề, tao nghe mệt quá, bớt được không mày.

Người thanh niên thản nhiên trả lời :

– Tao phải dùng hùng dũng từ, nó quen rồi.

Công nhân đang lúm xúm, người Nữ thấy từ xa một phụ nữ bồng một đứa bé và tay dắt con chen qua lẹ làng rồi bước đến trước người thanh niên đầu tóc bù xù, nàng lạnh lùng hỏi gằn từng tiếng :

– Tiền lãnh hồi sáng ở đâu đưa đây tôi mua gạo. 

Người thanh niên nhăn cái mặt, bậm trợn nói:

– Tiền bạc cái gì, bộ không có rồi chết hay sao mà làm dữ vậy.

Người phụ nữ tiến sát định móc túi. Người thanh niên hất tay ra, cười giả lả :

– Làm cái gì mà dữ vậy, chiều mang tiền về.

Người vợ trề môi :

– Chiều mang về hay vô sòng bài.

Người thanh niên cười ngất :

– Nếu vô sòng bài thì mang tiền về nhiều hơn.

Người vợ giận dữ :

– Tôi không cần mang nhiều hơn, tôi chỉ cần để mua gạo mà thôi.

Rồi nàng bước nhanh đến gốc me, nàng để vội vàng đứa bé xuống, nàng nhào đến chụp trong túi áo của chồng và nhìn thấy một số bạc không đủ mua một lít gạo, nàng bèn dậm chân, la bài hãi :

– Tiền ở đâu hết rồi, cờ bạc phải không ?

Rồi nàng ngoe nguẩy bước đến ẵm đứa con, tay dắt con khuất dần trên con đường nắng như đổ lửa.

Bầu trời mây xanh trong vắt, tàn cây đứng bóng không một cơn gió, công nhân khuân vác, mồ hôi nhễ nhại, lưng áo ướt dằm. Sự nóng bức làm cho công nhân sinh ra quạu, dễ cáo gắt, hay gây gổ, nói chuyện chửi thề lia lịa, đôi khi vụt chạc, quăng ném bừa bãi. Càng hỗn độn hơn khi chủ ghe hối người khuân vác phải làm cho nhanh để kịp con nước. Bên hông mũi ghe có một tấm ván dài thả xuống đến đất liền dài chừng mười mét. Mỗi khi có người khuân vác đi lên thì tấm ván phập phìu như cái lò xo. Một sự bất cẩn thì người và cần xé đều rơi xuống nước.

Từ nãy giờ người Nữ nép mình vào gốc me để quan sát. Nàng cố ý tìm kiếm người Nam. Nếu nàng nhớ không lầm thì sáng nay chàng nói chàng đến làm ở đây. Thấy cảnh quá hãi hùng đối với nàng, nàng thầm mong mình nghe lộn câu nói của chàng chứ làm sao mà chàng làm nổi cái công việc này. Nàng định bước ra hỏi thăm “có ai thấy một người, cái dáng như chàng từ sáng đến giờ đến đây hay không”. Đang do dự thì nàng thấy rõ ràng chồng của nàng và một cái cần xé ít nhất phải nặng trên năm chục kílôgam đang nằm gọn trên vai của chàng. Đầu chàng hơi cúi xuống, hai tay vịn vào hai bên cần xé đang chuẩn bị bước lên miếng ván. Nàng thấy hai chân của chàng hơi run, có lẽ vì sức nặng của cần xé mà chàng đã cố hết sức để giữ cho thăng bằng. Nàng thấy chàng rất cẩn thận khi bước lên tấm ván, mỗi bước đi của chàng làm cho tấm ván phập phìu. Nàng cảm thấy như tim của nàng cũng phập phìu theo. Nếu lỡ bề nào chàng té nhào xuống bờ sông thì sao, nàng không dám nghĩ tiếp. Vì không quen nên chàng đi rất chậm, chậm như phim chiếu chậm, nhiều người hối chàng: “Nhanh lên, nhanh lên”.

Trước cảnh tượng đó nàng không khóc, hai dòng nước mắt chảy xuống liên tục. Nàng tự trách mình, chỉ tại mình nên chàng mới vất vả như thế này. Ôi cái cần xé nặng trên năm chục kílôgam đang đè nặng lên người của chàng. Cần xé là một vật vô tri, nó đâu biết rằng cái con người đang cõng, mang, bợ đở nó, lại là một người vĩ đại đối với nàng. Với tấm lòng nhân đạo, nàng không biết từ đâu mà chàng có được tấm lòng nhân đạo này. Khi chàng đạt được tấm lòng nhân đạo như thế này là chàng đã quên con người bình thường như mọi người là “phải có quyền lợi trong sự hành động”. Không những không có quyền lợi mà chàng còn phải có một trách nhiệm; đó là cứu vớt thì cứu cho trót nghĩa là phải nuôi sống cái người mà mình đã cứu. Vì đó là một người chân yếu, tay mềm thì khó mà lao động để nuôi sống bản thân. Rồi chàng cũng quên luôn hình thức bên ngoài như người vợ là phải thế này thế nọ. Chàng đã vượt lên trên những nhỏ nhôi thấp thỏi của cuộc đời còn gọi là thế tục và chàng  chỉ biết có tấm lòng nhân đạo, nhân hậu mà thôi. Nàng quan sát cái cần xé nặng trên năm chục gam, sức nặng trên năm chục kílôgam làm đôi chân của chàng lắc lư rung chuyển. Lưng chừng của cần xé dựa sát vào bộ não của chàng, cái bộ não mà bất cứ sự lí luận nào của chàng, nàng nghe cũng êm tai. Không biết chàng kiếm đâu ra cái lí luận mà hễ chàng nói là nàng chịu nghe liền. Còn hai bàn tay của chàng chỉ có cầm sách và viết thì bây giờ đang bám chặt vào hai bên cần xé. Khi nhìn thấy chàng như vậy, nàng không ngăn cản được xúc động, cũng vì quá đau khổ nên nàng khóc rống lên.

Người Nam đang lim dim nằm nghe nàng đọc truyện, chợt im lặng nên chàng vội hỏi :

– Rồi sao nữa em.

Nàng xoay qua  thỏ thẻ :

– Anh à ! Khi nàng khóc rống lên thì anh kêu em thức dậy đó, bộ anh quên rồi sao.

Chàng cảm động vì tấm lòng chân thực của nàng. Chàng thầm cảm ơn trời đất cho chàng có được người vợ thông minh. Cái cảnh vừa rồi người bình thường chỉ cần nói vài câu  là hết ý; còn nàng tả rất mạch lạc, dùng hình tượng chính xác, nếu nàng có con chắc nàng dạy con hay lắm. Ý chàng muốn khen mà mỗi lần khen thì nàng nói chàng nịnh nên chàng đổi cách :

– Em à! Anh thấy tác phẩm đầu tay truyện ngắn của em nếu chép lại gởi cho báo có thể là có tiền nhuận bút.

Nàng dịu dàng :

– Anh lại chọc ghẹo em hoài, vì cái đó là có thực trong chiêm bao của em, chớ không phải em tưởng tượng đâu. Cái gì có thực, dù chiêm bao hay sống thực ở ngoài đời, nếu mình đã trải qua thì mình mới có cảm xúc đau khổ hay vui buồn về cái đó.

Người nam chợt nhớ ra nên hỏi :

– Em à ! Từ chiều đến giờ anh thấy thỉnh thoảng em mỉm cười, anh không biết cái gì đắc ý mà em cười hoài vậy.

Người Nữ  ngọt ngào :

– Em xin lỗi anh, vì em không dám nói thật với anh, nỗi lòng của em từ lúc chiêm bao vừa rồi. Nếu cuộc sống hai đứa mình phải lâm vào cảnh mà anh đi làm vất vả như trong chiêm bao chắc em lo rầu đau khổ mà chết trước anh. Em không muốn ngươì em yêu thương phải vất vả như vậy.

Đành rằng nghề nào cũng cao quý; nhưng cũng đừng phí phạm cái công khó nhọc của một người. Chẳng hạn như một người đã bỏ ra hàng chục năm để học hỏi nghiên cứu về khoa học, triết học, văn chương mà không sử dụng họ vào lãnh vực đó; mà lại đưa họ làm cái công việc không cần một kiến thức nào cũng làm được, như vậy là lãng phí cái việc học của họ quá đi.

Chính vì em sợ rằng rồi đây vợ đẻ con đau khi túng quẫn mà anh cũng vì miếng cơm manh áo phải tìm mọi cách để kiếm sống bằng những việc làm quá vất vả.  Nên từ lúc chiêm bao rồi thì em cứ phập phòng lo sợ. Em mong ước phải có một việc làm cho có tiền.

Em mỉm cươì vì em tìm ra một cách làm ra tiền. Đó là sáng hôm nay tình cờ dì Hai dạy cho em biết món thịt khìa. Dì Hai nói ở đây người ta quí thịt còn cá thì đồng ruộng mênh mông chỗ nào cũng có nên có kiếm được cá cũng không bán được bao nhiêu tiền. Ở đây người ta về thăm ông bà cha mẹ, đa số người ta mua thịt.

Từ cái vấn đề thịt là món quà quý ở đây, nên em định khìa thịt, em bán bánh mì thịt ở dưới cái nhà mát cho ghe xuồng và người qua lại. Em vui mừng, em mỉm cười hoài vì em biết được món thịt khìa đúng lúc. Hình như trời đất thương em nên mới khiến dì Hai đến đây dạy cho em. Chắc chắn em sẽ thành công cho anh coi. Em chỉ cầu mong kiếm lời sống đấp đổi ngày, anh khỏi đi làm vất vả là em chịu.

Người Nam miên man suy nghĩ, chàng nhớ lại từ trước đến nay chàng chỉ lo học hành, chàng nghĩ có bằng cấp rồi thì tìm ra việc làm, miếng cơm manh áo của chàng chỉ cần có bằng cấp là có. Có bao giờ chàng phải làm một công việc như trong chiêm bao của nàng. Chàng giật mình vì nàng nói “vợ đẻ con đau khi túng quẫn thì phải lao vào việc làm vất vả để kiếm miếng cơm manh áo” mà nàng thì không muốn chàng phải làm như vậy, nếu sự việc như vậy thì nàng lo rầu mà chết trước chàng.

Ôi tình nghĩa vợ chồng, chàng thấy có cái gì nó huyền bí của hai tâm hồn thương yêu nhau phải xem với nhau như cùng một cơ thể mà nàng nói hai người như một. Chàng thấy nàng có nhạy bén trong việc tìm kiếm một sự sống, nhận xét rất chính xác, nhìn sự vật là biết tìm cách để tạo ra tiền để sống. Chàng choàng tay ôm sát nàng, chàng nghĩ một người quí trọng như vầy mà nếu cái dây thòng lọng oan nghiệt kia xiết cổ nàng thì phí phạm của trời đất nhiều quá. Chàng không dám nhớ lại thêm gì nữa chỉ nhẹ nhàng hôn nàng rồi khẽ nói :

– Em muốn như vậy thì anh không còn lời lẽ nào để phủ nhận việc làm của em. Nhưng em chỉ làm trong phạm vi nhẹ nhàng của phụ nữ còn những việc nặng nhọc từ trước tới sau, từ trong ra ngoài thì là của anh. Thấy em quá lo cho sự kiếm sống anh cũng nói phứt cho rồi. Vì anh định dành cho em một sự ngạc nhiên, bây giờ thì không còn cần thiết nữa. Đó là người bạn của anh đã giúp đỡ anh có việc làm trong dinh huyện. Người bạn dẫn đến gặp quan huyện, sau khi hỏi qua về sự học của anh, quan huyện nói “Sao không  làm việc ở tỉnh mà xuống làm ở huyện, nếu làm ở tỉnh thì lương cao hơn”. Anh ngập ngừng không biết trả lời sao cho phải lẽ, người bạn khều anh, anh nói thí mạng “Dạ tôi làm ở đây vì có người bạn thân để trao đổi và học hỏi thêm”. Quan huyện có vẻ hài lòng và kêu anh ngày mai đến để nhận việc, soạn thảo công danh trong dinh quận.

Người Nữ úp mặt vào ngực chồng, nàng thầm cảm ơn trời đã cho nàng có được hạnh phúc mà nàng tưởng như bị mất từ khi…. Nàng nhăn mặt và xua tan ý tưởng.

Nàng nghĩ cũng lạ, hình như trời đất khiến cho nàng đến huyện Bạt Ngàn được gặp dì Hai, tình thương của dì giống như “tình mẫu tử”. Nghĩ đến cha mẹ, nàng thấy có cái gì nó đau xót trong lòng, nàng nguyện với trời đất thấu hiểu cho lòng nàng rồi sẽ có ngày nàng đền đáp chữ hiếu với cha mẹ.

Nhớ khi ra đi nàng có để lại bức thư nói rằng “Vì chữ hiếu và cũng vì danh dự của gia đình nên con phải tạm lánh mặt một thời gian, hàng tháng con có thư về cho cha mẹ”. Lúc đầu nàng không có ý định tự tử; nhưng không hiểu tại sao, khi nghĩ đến xa cha mẹ thì nàng lại rối trí, nàng không còn muốn sống nữa mà chỉ thấy tương lai như đám mây đen. Nàng cũng không biết cái định mệnh nào đã dẫn dắt nàng đi tìm cọng dây và dẫn nàng đi đến cây đa đình làng.

Nàng thầm trách mình đã làm khổ nhiều người kể cả người không quen biết là người mà nàng đang ôm ấp. Tội nghiệp cho chàng, vì nàng mà chàng phải bỏ cả công danh sự nghiệp và cái danh dự của người trai là lễ tân hôn. Nàng nhớ đến lời của mẹ“Có những linh hồn họ tìm kiếm nhau qua sợi dây ràng buộc của tình thương trong các tiền kiếp”.Nếu lời của mẹ nàng đúng thì dì Hai và người mà nàng đang ôm ấp chính là những linh hồn đến để gặp nàng; vì hai linh hồn này đến với nàng không có điều kiện nào hết, cũng không có một quan hệ nào mà tự nhiên có tình thương với nhau như thế này. 

Nàng thoáng nghĩ hay là chỉ có tình thương chân chính mới vượt nổi thời gian từ kiếp này qua kiếp khác, chỉ có tình thương chân chính mới có được hạnh phúc vững bền. “ Chỉ có tình thương chân chính mà những linh hồn gặp lại nhau như một quyền lực thiêng liêng để che chở cho nhau, đùm bọc lẫn nhau và gắn bó với nhau như hình với bóng. Nàng kéo mền đắp cho chàng. Ngoài trời vài tiếng chim lạc đàn gọi nhau, mảnh trăng treo lưng chừng, ánh sáng chập chờn xuyên qua cửa sổ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro