CHƯƠNG SÁU

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ông Sáu nhận được thư của Nam, ông đọc đi đọc lại nhiều lần, ông cố nhìn lên mặt chữ xem nó có rõ nét hay không, ông sợ mình đọc lầm lẫn, ngắt câu không đúng chỗ nên sai nghĩa. Nhưng không, ông đọc không thiếu một chữ nào và ý nghĩa mà ông suy luận nhiều lần cũng vẫn là “Cứu vớt một người toan quyên sinh rồi mang đến một nơi xa lạ, hàng tháng con có thư gởi về cha mẹ, cha mẹ yên tâm con đã lớn rồi, con có thể quyết định cho số phần của con”.

Ông thẫn thờ đi xuống bờ sông, ông ngồi dựa vào cây cột của nhà mát. Dòng sông, con nước khi lớn khi ròng, đám lục bình cũng trôi theo con nước có lúc được về chốn cũ nhưng thường thì trôi mất dạng, nó vô con rạch này, rạch nọ hoặc ra biển. Ông chợt nghĩ sự vật trong trời đất chỉ có cái thay đổi của dòng nước cũng làm bờ sông buổi sáng và buổi chiều khác nhau huống chi một kiếp người.

Ông tự nhủ con ông đã lớn rồi, ông chợt nhớ đến một hôm, ông để bàn tay nhẹ nhàng lên chú gà con, cái bàn tay như một vật để bảo vệ, che chở cho nó được ấm; vậy mà nó giẫy giụa tìm cách chui ra rồi nó cũng đứng yên đó. Ý ông muốn bảo vệ nó, muốn chuyền hơi ấm cho nó, vậy mà nó cảm thấy như mất tự do nên nó tìm cách vuột khỏi bàn tay của ông. 

Ông chợt mỉm cười khi ông có ý nghĩ từ một con vật bé nhỏ như chú gà con rồi đến con trai của ông chắc nó cũng muốn tự quyết định số phận của nó. Suy nghĩ đến đó nên ông cảm thấy bớt giận thằng con không hỏi ý kiến cha mẹ. Rồi ông tự nhủ, hỏi ý kiến cái gì khi sự việc bày ra trước mắt : Một người muốn tự tử, nhất quyết tự tử. Ông không hiểu con ông dùng lời lẽ như thế nào mà khuyên bảo người ta bỏ ý định tự tử, không những một người lớn mà còn thêm một cái bào thai, đã được con ông cứu vớt và mang đến một phương trời xa lạ để sinh sống mà còn đùm bọc chờ ngày sinh nở.

Ông đắn đo suy nghĩ không biết có đem chuyện này nói với vợ ông hay không. Phàm là mẹ thì đều thương con vô bờ bến, bà chỉ nhìn thấy cái lợi của con bà là bà chấp nhận. Còn cái bất lợi như danh dự con trai của bà phải cứu một người xa lạ đang mang bầu thì chắc chắn là bà không nhận mà nếu có miễn cưỡng chấp nhận thì bà cũng khi dể con dâu. 

Còn nếu ông giữ kín chuyện này chỉ có ông và con của ông biết thì ra sao? Ong nghĩ chỉ có cách đó là tránh cho bà có cái nhìn không thiện cảm với con dâu. Như vậy bà không mang tội khinh người, vì khinh người cũng là một trọng tội; một sự việc không phải do bà gây ra mà bà phải mang tội khinh người thì cũng tội nghiệp cho bà. Vì quá thương con nên bà chỉ nhìn thấy cái quyền lợi và danh dự của con bà mà thôi. Ong không trách bà vì đa số người mẹ trên thế gian cũng đều có ý nghĩ như bà.

Ông lấy thư ra và xé nát rồi thả trôi theo dòng nước. Như vậy ông đã che dấu một sự thật, nhưng ông cũng tự an ủi, thà che dấu còn hơn vợ ông mang tội khinh người. Chỉ trừ khi nào vợ ông đạt được tấm lòng nhân hậu, nhân đạo thì mới có được đức tính bao dung và tha thứ. Còn nếu vợ ông theo lối sống “nắng mé nào che mé nây” thì cũng sống theo hình thức bằng cái vỏ bên ngoài. Khi con người chưa tự chủ thì vẫn còn bị lệ thuộc vào những cái gì mà người ta cho một nhãn hiệu mang trước ngực thì lấy làm hãnh diện; cái nhãn hiệu này đôi khi nó cũng hủy diệt lòng nhân đạo của con người.

Ông nhớ lại có lần ông giảng cho con ông về nhân nghĩa, lễ, trí, tín. Phàm là con người phải đạt cho được nhân, nghĩa, lễ, trí và tín thì sống mới không hổ thẹn với trời đất. Còn chữ hiếu, con ông hỏi thì ông nói rằng hiếu là thứ yếu, nếu vì chữ hiếu mà không có nhân là không được. Nếu con người có lòng nhân rồi thì sẽ có được những đức tính kia. Nếu vì lễ, nghĩa, trí, tín và hiếu mà bất nhân thì những cái kia không có giá trị gì nữa. Cho nên cái đức nhân như nhân đạo, nhân ái, nhân đức là quan trọng hơn hết. Khi con người có lòng nhân, tình thương yêu bao trùm vạn vật giúp đỡ mọi người thì với cha mẹ làm sao mà bất hiếu được. Nếu vì chữ hiếu mà bất nhân thất đức thì cái chữ hiếu đó không có giá trị gì.

Ông thầm nghĩ, chẳng lẽ con ông chỉ nghe ông nói vài câu đơn giản như vậy rồi thực hành tấm lòng nhân hậu, nhân đạo, nhân ái như học trò thuộc bài một cách dễ dàng như vậy sao? Trầm ngâm hồi lâu rồi ông tự trả lời: “Hay là tấm lòng nhân này đã trở thành cái bản tính của con ông chứ không phải chỉ nghe nói vài câu rồi thực hành một cách dễ dàng như vậy được”.

Ông nghiệm ra rằng: cái bản tánh của con người, cái thông minh của con người không phải tính từ lúc lọt lòng mẹ rồi được cha mẹ và nhà trường dạy mà có được một cách dễ dàng như vậy được. Bằng cớ là tám đứa con của ông, con trai có, con gái có; đứa nào ông và bà cũng dạy giống nhau, có một bài mà cứ giảng tới giảng lui và đến trường thì chỉ có bấy nhiêu chương trình, đứa nào cũng học hết. Nhưng khi ra đời tiếp xúc với xã hội thì mỗi đứa có sự phản ứng khác nhau. Như vậy sự khác nhau đó phải có một cái gì mà con mắt trần tục không thấy được như các tiền kiếp của nó. Rằng cái này trong các tiền kiếp của nó đã học hoặc chưa học. Như vậy sự thông minh cũng như thiên tài lỗi lạc của một người là do những cái gì mà người ấy, linh hồn ấy đã học qua, đã rèn luyện trong các tiền kiếp.

Nếu nói về cơ thể học cũng như sự di truyền chẳng lẽ ông và vợ ông chỉ muốn truyền lại cho đứa này mà không cho đứa nọ. Tại sao có đứa ông thấy nó quá khôn ngoan và có lòng nhân đạo với tất cả mọi người còn có đứa quá tối dạ và không có lòng nhân. Có đứa thì không dám giết một con kiến bò trên tay mà nó thổi cho rớt, con muỗi cắn thì nó quơ tay cho muỗi bay. Nhưng cũng có đứa sẵn sàng làm cái nghề đâm thuê, chém mướn, giết hại loài vật không nương tay, mở miệng thì hỗn láo; nhiều khi ông bụm miệng nó không kịp, ông xấu hổ với hàng xóm.

Như vậy ông và vợ ông chỉ tạo cho nó cái thể xác và nuôi cho thể xác nên hình nên vóc. Còn cái phần như tính tình đức hạnh, nhân từ bác aí, bản tính thông minh, tối dạ, hiền lành hoặc hung dữ; dù ông bà có mở mắt quanh năm suốt ngày ngồi ngó nó cũng không thấy được, mà dù có ra công bắt nó vào một khuôn mẫu cũng không làm một khuôn được. 

Ông lập lại ý nghĩ “Như vậy ông và bà chỉ tạo ra cho nó cái thể xác và nuôi cho thể xác nên hình nên vóc”. Ông trầm ngâm một hồi rồi ông tự đặt câu hỏi “Còn cái kia từ đâu mà đến và tại sao mỗi cái kia đều có sự khác nhau ?” Có lẽ con mắt và cái trí phàm của ông đành bất lực.

Ông chợt nghĩ “nếu ánh sáng giúp cho con mắt sự thấy, sự rung động của không khí giúp cho lỗ tai sự nghe còn cái gì giúp cho con người một sự thông minh, một thiên tài và có một tấm lòng nhân đạo”.

Dưới con mắt trần tục khi hai người xa lạ đối diện với nhau, không một người nào dám can đảm xác nhận rằng người này khôn hơn người kia. Phải chờ cho đương sự biểu lộ cái trí khôn, sự thông minh của họ qua ngôn ngữ, cử chỉ hoặc viết lên giấy trắng, mực đen. Như vậy, “nếu lấy cái trí suy luận của cái xác phàm để xét đoán một ngươì mà ta chưa từng quen biết thì không có cái trí phàm nào làm được”.

Cái trí suy luận kiểu trần tục chỉ là cách thức phán đoán những cái gì cụ thể như những hành động, tiên liệu và tiên đoán ở trong tầm nhìn của con mắt, và chỉ trong thực hành mà họ có được kinh nghiệm. Còn những gì vượt ra ngoài thì con người phải tự mình suy luận, tự mình tìm hiểu; cái đó chính là sự hiểu biết của linh hồn, và chính cái hiểu biết này thật là khó mà nói cho ngươì khác hiểu được, vì bất cứ sự hiểu biết nào phải nằm trong luật “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”; nghĩa là muốn hiểu biết một tư tưởng nào thì “người ấy” phải có một “chất khí tư tưởng” cùng một thứ rung động thì mới hòa nhập được, giống như radio bắt trùng đài.

Ông trầm ngâm một hồi rồi ông tự kết luận có lẽ đó là “tiếng nói của lương tâm”. Chỉ có tiếng nói của lương tâm, người nào nghe được tiếng nói của lương tâm mình thì trong cuộc đời họ làm nhiều việc có ích lợi cho mọi người. Sự hi sinh của họ, họ không cần ai biết, không cần ai tôn vinh mà họ chỉ làm trong niềm vui khi hoàn thành nhiệm vụ và giúp đỡ mọi người.

Ông mỉm cười khi ông nghĩ đến thằng con của ông, nó cũng tự âm thầm làm một việc mà việc này ông chưa hề dạy nó bao giờ. Như vậy cái việc làm này nó có từ tiếng nói lương tâm của nó mà ra. Do đó, tiếng nói của lương tâm là do sự kết tinh của nhiều kiếp mà có, cái này không phải chỉ riêng con của ông mà còn nhiều ngươì khác nữa như người thợ, thương gia, làm quan, y sĩ, công tư chức, luật sư, quan tòa và những ai làm việc trong tinh thần trách nhiệm đều là những người nghe được tiếng nói của lương tâm .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro