CHƯƠNG TÁM

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Như thường lệ sau khi kiểm tra xong việc nằm ngủ của các con, bà Hai thường đến hành lang trên lầu nhìn dòng sông và đứng sát vài chậu lan. Ánh trăng nhạt nhòa, bà dựa lưng vào ghế. Bà nghĩ cuộc đời trôi qua thật nhanh, mới ngày nào cái tuổi mới biết yêu bà đã lầm lỡ để mang bầu. Có cái gì nó khác thường trong cơ thể nên bà thú thật với mẹ bà là bà Phú Hộ có lẽ bà đã có bầu chừng ba tháng. Có điều lạ là khi bà nói “đang mang bầu chừng ba tháng” thì mẹ bà khoát tay ra dấu hiệu bảo bà im và mẹ bà nói giọng lạnh lùng :

– Thôi con đừng nói nữa, mẹ không cho con nói thêm một câu nào mà chỉ trả lời khi mẹ hỏi.

Bà chết điếng trong lòng và hoang mang không biết việc gì sẽ xảy ra. Thấy sắc mặt bà có vẻ thê thảm, bà Phú Hộ kéo bà sát vào lòng một hồi lâu, bà Phú Hộ nói nhẹ nhàng :

– Nếu mẹ hỏi con cái người mà con quan hệ là ai ? Thuộc thành phần nào ? Giai cấp sang hay hèn thì con nghĩ là mẹ bị lệ thuộc vào những hình thức đó. Chẳng hạn như người đó nghèo thì con nói mẹ chê nghèo. Người đó giàu hơn mình, nếu mẹ đồng ý thì con nói mẹ ham của cải.  Người đó có địa vị, có văn bằng, nếu mẹ đồng ý thì con nói mẹ ham ba cái chức sắc và địa vị. Tài sản bằng với gia đình mình, nếu mẹ đồng ý thì con cho rằng đó là vấn đề môn đăng hộ đối.

Ngẫm nghĩ một hồi lâu bà mẹ tiếp :

– Làm mẹ mà mẹ quên dạy con về chữ trinh tiết, đúng ra thì mẹ chưa kịp dạy thì chuyện đã xảy ra. Mẹ nghĩ lỗi của mẹ một phần nào trong vấn đề này, hơn nữa đây là một vấn đề do mẹ suy tư chứ còn qua sách vở họ chỉ nói “Gái thì trinh tiết làm đầu …. chữ trinh đáng giá ngàn vàng”. Ba cái thứ từ ngữ này họ chỉ ép buộc người nữ giữ gìn trinh tiết, nếu để mất thì xem như đời con gái bỏ đi. 

Gần đây mẹ có đọc truyện Kiều, người yêu của Kiều là Kim Trọng, không phải đợi đến khi có truyện Kiều rồi người ta mới biết mà nó đã phổ thông trong nhân gian ai cũng biết. Sở dĩ có hồng nhan bạc mệnh là vì bị cái đám phàm phu tục tử nó dày xéo làm cho tan nát một kiếp hồng nhan nên mới có hồng nhan bạc mệnh.

Nhân vật Kim Trọng được tác giả trân trọng cho xuất hiện chính là một mẫu người lí tưởng cho những người con gái tuổi biết yêu. Trích trong truyện Kiều :

“Dùng dằng, nửa ở, nửa về,

Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần.

Trông chừng thấy một văn nhân,

Lỏng buôn tay khấu, bước lần dặm băng.

Đề huề lưng túi gió trăng,

Sau chân theo một vài thằng con con.

Tuyết in sắc ngựa câu giòn,

Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời.

Nẻo xa mới tỏ mặt người,

Khách đà xuống ngựa tới nơi tư tình.

Hài văn lần bước dặm xanh

Một vùng như thể cây quỳnh, cành giao

Chàng Vương, quen mặt ra chào                                

Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa

Nguyên người quanh quất đâu xa

Họ Kim tên Trọng, vốn nhà trăm anh                          

Nền phú hậu, bậc tài danh,

Văn chuơng nết đất thông minh tính trời

Phong tư tài mạo tót vời,

Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” .

Bản tính của người con gái là nhẹ dạ yếu lòng, đó là bản tính tự nhiên của thiên chức làm mẹ. Người nữ được trời đất phú cho cái tình cảm dồi dào cũng như người nam trời đất cho cái ý chí kiên cường, bất khuất. Hay nói một cách khác người nữ sống bằng tình cảm, người nam sống bằng lí trí, đó là cái căn bản mà trời đất tạo ra người nam khác với người nữ. Với một người nam lí tưởng như Kim Trọng được tác giả mang đến thuê nhà ở sát nhà Thúy Kiều. Không biết ông thân của Thúy Kiều có nghi ngờ gì không mà “cuối tường giường có nẻo thông mới rào” vậy mà cũng không ngăn được con gái của mình khi “nhà lan thanh vắng một mình, ngẫm cơ hội ngộ đã dành hôm nay, thì trân trân thức thức sẵn bài, gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường”. Kiều mang thức ăn qua nhà Kim Trọng ăn uống, phỉ chí suốt ngày cho đến chiều thì mới về nhà.  “ Hai thân còn giở tiệc hoa chưa về, cửa ngoài vội rủ rèm the, xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”.

Kiều ở chơi cho đến “bóng tàu vừa  nhạt vẻ ngân, tin đâu đã thấy cửa ngăn gọi vào, nàng thì vội trở buồng thêu, sinh thì dạo gót, sân đào bước ra”.

Đọc những đoạn thơ trên thì không một người tai phàm mắt thịt nào nghĩ rằng Kiều có thể giữ được trinh tiết. 

Như mẹ đã nói bản tính của người phụ nữ là yếu lòng, nhẹ dạ, tình cảm lai láng đó là trời đất phú cho người nữ để làm mẹ. Từ loài vật “hùm dữ còn không nỡ ăn thịt con” huống chi là con người. Cái thiên chức mà trời ban cho được làm mẹ; và muốn cho sự di truyền không để cho con chết bờ chết bụi thì Thiên Nhiên phải tạo ra người mẹ có một thứ tình cảm mà người ta ví như trời như biển. Cái tình cảm này đã có từ lúc vừa mới chào đời để mang thể xác là người con gái chứ không phải đợi đến khi được làm mẹ rồi mới có, rồi trời đất mới ban cho.

Ngày xưa người ta cấm con gái đọc Kiều vì họ sợ bắt chước Kiều “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”. Sự thật thì tác giả diễn tả đúng tâm lí nhân vật người con gái mới biết yêu. Mối tình đầu tiên dù bức tường nho phong lễ giáo cỡ nào cũng không ngăn cản được tình cảm của người nữ, vì trời đất tạo ra họ là như vậy để được làm mẹ. Cái mà Kiều dẫn chứng một hai điển tích xưa chỉ là một cách thức e lệ thẹn thùa của người con gái.

Ông bà xưa có nói “Trâu tìm cột” vậy mà Kiều cãi lại “cột tìm trâu”. Cột tìm trâu chẳng qua là bản tính yêu mềm của người nữ khi đã yêu rồi thì không còn lí trí để kiểm soát, hơn nữa là phái nữ nên thể tình cảm rất mạnh. Người nữ sống bằng tình cảm cho nên bất cứ một sự xáo trộn nào về tình cảm thì người nữ chết trước hết.

Trở lại vấn đề tác giả đưa mẫu người thanh niên lí tưởng là Kim Trọng đến ở sát nhà Kiều, cho Kiều mang thức ăn qua ăn chơi phỉ chí suốt ngày cho đến chiều tối thì Kiều mới về nhà rồi Kiều trở qua nữa“ Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”. Kiều vô phòng của Kim Trọng chơi đến sáng mới về “nàng thì vội trở buồng thêu, sinh thì dạo gót sân ngoài bước ra”. Vậy mà khi Kiều bán mình chuộc cha thì Kiều tiếc rẻ “nhị đào thà bẻ cho người tình chung .. tiếc thay một đáo trà mi, con ong đã rõ đường đi lối về”. Như vậy Kiều vẫn còn trinh tiết sau gần hai mươi giờ trong căn phòng chỉ có Kiều và Kim Trọng.

Truyện Kiều, tác giả đã tạo ra nhân vật lí tưởng là Kim Trọng biết kính trọng trinh tiết người nữ. Sau gần hai mươi giờ lửa gần rơm thì làm sao mà không cháy; vậy mà Kim Trọng vẫn giữ được tư cách của mình, nó khác một trời môt vực với cái đám phàm phu tục tử  dày xéo lên trinh tiết của người phụ nữ. Mẹ nhìn cái bản mặt mấy thằng vua chúa có trăm vợ và thức ăn trăm món, mẹ thấy mà phát ớn lạnh cái đám hôn quân vô đạo chỉ biết ham ăn và ham gái.

Thôi con pha cho mẹ bình trà rồi khi đi vô con khóa cửa phòng lại, chuyện này mẹ không muốn lọt ra ngoài.

Sau khi uống trà xong bà Phú Hộ nằm sát bên người con gái. Bà muốn tạo không khí cho con bà đừng sợ, bà nói dịu dàng :

Từ câu chuyện Thúy Kiều và Kim Trọng, tác giả muốn nhắn nhủ người đời là phải kính trọng trinh tiết của người nữ. Người nữ thì sống bằng tình cảm nên khó mà gìn giữ trinh tiết, giữ hay không là do người yêu của mình. Nếu người yêu của mình quý trọng mình thì không nỡ dày xéo lên trinh tiết. Người nam mà có mối tình chân thực định ăn đời ở kiếp với người nữ thì không bao giờ họ phá hoại trinh tiết người mình yêu trước lễ tân hôn.

Một hồi lâu bà cất giọng nhẹ nhàng :

– Bây giờ mẹ nói vấn đề của con. Rất tiếc là bài học này quá trể nên mới có cớ sự này, lỗi một phần cũng tại mẹ. Cho nên mẹ không cần biết cái người mà con quan hệ là ai và người như thế nào. Đối với mẹ cái kẻ mà xem thường trinh tiết của người phụ nữ là mẹ không muốn nhìn mặt họ.

Bởi vì con là con gái, nên mẹ có trách nhiệm, mẹ phải lo cho con tất cả. Con đừng có lo, hồi nhỏ con đã ở trong vòng tay của mẹ, trong bầu sữa của mẹ thì bây giờ con cũng vậy mà thôi, tình mẹ con không có gì thay đổi.

Làm người phụ nữ mẹ đã có nhiều suy tư ray rứt về những đau khổ của người phụ nữ. Cũng có những nguyên nhân sinh ra đau khổ mà con mắt phàm tục thấy được, còn ngược lại cũng có những cái tự nhiên rồi sinh ra đau khổ mà có ngươì cho rằng đó là cái phản động lực, cái kết qủa của một hành động; vì con mắt phàm không thấy cái phản động lực cho nên xem nó như một thứ oan nghiệt từ trên trời rơi xuống. Mẹ không bàn vấn đề này, nó huyền bí lắm, cái trí phàm không hiểu nổi.

Bây giờ cái trước mắt, mẹ giấu nhẹm vụ này, không cho một người nào biết con mang bầu, kể cả cái người đã quan hệ với con cũng không biết việc làm của mẹ con mình. Con với mẹ và em gái của con, ba mẹ con mình đến một tỉnh thật xa nơi này. Mẹ sẽ mướn một căn nhà cho hai chị em con ở và em con học nữ công gia chánh với bà thầy, còn con hạn chế sự xuất hiện. Khi bà thầy đến dạy thì con ở trong phòng. Em con học rồi thì nó dạy lại cho con, con phải học để giết thì giờ nếu ở không thì buồn dữ lắm.

Đến thời kì sinh nở xong chừng một tháng thì mẹ mang con về đây sống bình thường, chờ ngày mẹ xem chỗ nào, người vừa ý thì mẹ gả. Ra ngoài đó con phải học nữ công gia chánh cho thật giỏi. Phàm người phụ nữ ngoài cái việc lo cho chồng con còn phải khéo léo thì chồng mới phục.

Tất cả vấn đề là như vậy, mẹ cũng phú cho trời phụ giúp với mẹ trong việc này. Cũng có số phận mà mẹ không cãi lại được, mẹ chỉ biết làm hết sức mình rồi mới phú cho trời chứ mẹ không phú cho trời rồi thả trôi treo dòng nước. Mẹ không làm gì trái với lương tâm, mẹ chỉ dạy cho cái kẻ xem thường trinh tiết người phụ nữ .

Người mẹ ôm sát con vào lòng, bà nâng niu cái tác phẩm của bà bị cái đám phàm phu tục tử nó làm cho bụng mang da chữa, ngẫm nghĩ hồi lâu bà nói tiếp :

– Phàm người con gái là phận liễu yếu đào tơ chỉ sống quanh quẩn bên mẹ cha cho đến khi có chồng thì lo cho chồng con. Chữ Hán họ viết chữ an gồm có chữ miên là mái nhà và chữ nữ là con gái nằm dưới chữ miên; như vậy người con gái chỉ ở dưới mái nhà là yên ổn. Cho nên khi người con gái rời khỏi nhà của cha mẹ để đi vào phương trời mịt mù, tám hướng mưa giông gió nổi lên, Thúy Kiều nghẹn ngào :

Thôi con còn nói chi hơn

Sống nhờ đất khách, thác chôn quê người .

Tiếng than đó động lòng trời đất vậy mà cái đám phàm phu tục tử, cái đám buôn xác thân phụ nữ, cái đám lấy thân xác của phụ nữ để thoả mãn thú tính ; chính cái bọn này mới có hồng nhan bạc mệnh. Những ai có những hành động bạo lực, cưỡng hiếp, lừa đảo, gạt gẫm, hành hạ phụ nữ tác giả truyện Kiều đều đem ra chém đầu : Bạt Hạnh, Bạt Hà, Sở Khanh, Tú Bà, Mã Giám Sinh, Ưng, Khuyển. 

Lệnh quân truyền xuống nội đau …

Máu rơi thịt nát tan tành

  Mặc dù Ưng, Khuyển làm theo lệnh của Hoạn Thư nhưng tác giả cũng đem ra chém luôn. Còn ngược lại Hoạn Thư :

Rằng tôi chút dạ đàn bà .

Ghen tuông,  thì cũng người ta  thường tình.

 Tác giả đành bó tay trước cái ghen tuông của phái nữ. Kim Trọng mang một lớp vỏ con nhà quý tộc “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”. Được tác giả trân trọng giới thiệu một mẫu người lí tưởng cho phụ nữ. Mẫu người mà người con gái trao thân gởi phận không còn phải lo gì hết như dây cát đằng bám vào cây cổ thụ. Nếu người nam lợi dụng cái vỏ hình thức bên ngoài như giai cấp quý tộc, nhà giàu, quan lại triều đình mà xâm phạm tiết hạnh, cưỡng bức phụ nữ thì có lẽ tác giả cũng đem ra chém đầu luôn. Vì Kim Trọng không xâm phạm trinh  tiết người nữ nên cuộc đời của Kim Trọng được tác giả cho vinh hoa phú quý.

 Kiều với cái hồng nhan : làn thu thủy, nét xuân sơn, hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh. Cũng chính vì cái hồng nhan như một vật quí trong đời. Phàm thấy của thì động lòng tham, chính cái hồng nhan như một mãnh lực cuốn hút cái bọn buôn bán xác thân phụ nữ, bọn phàm phu tục tử, lấy xác thân phụ nữ để thỏa mãn thú tính. Nó khác với Kim Trọng, mặc dù hơn hai mươi giờ Thúy Kiều và Kim Trọng  thề non hẹn biển trong cái phòng riêng, vậy mà Kim Trọng không xâm phạm trinh tiết Thuý Kiều.

Cho nên chữ trinh tiết người nữ không phải bắt buộc chỉ có một mình người nữ giữ gìn mà người nam cũng phải có sự kính trọng trinh tiết của người con gái lúc hai người chưa thành vợ chồng.

Bà mẹ ôm sát con gái vào lòng và gạn hỏi :

– Những gì mẹ giải nghĩa, con có hiểu không ?

Người con gái úp mặt vào bà mẹ, khóc sục sùi kể lể, than thở :

– Mẹ ơi, con khổ quá, con làm cho mẹ khổ vì con. Mẹ giải nghĩa thì có cái lí của mẹ nhưng con thấy tình yêu hình như nó mù quáng không tưởng tượng được. Lúc yêu rồi thì con không còn sự lí luận nào khác hơn ngoài cái tình thương của người con yêu. Nhìn chậu kiểng bông hoa, nhìn chim trời cá nước, bầu trời trong xanh, đêm trăng sao sáng tỏ; dù có đẹp cỡ nào, có thơ mộng cỡ nào, con chỉ thấy người con yêu là đẹp nhất mà thôi. Hình như có cái gì nó huyền bí trong tình yêu mà con không diễn tả được. Trời đất đã tạo ra người nam và người nữ khi đã yêu rồi thì không có một mãnh lực nào ngăn cản được. Như một nguyên tử gồm có âm và dương thì mới có sự thu hút lẫn nhau ; sự thu hút lẫn nhau tạo ra một mãnh lực, cái mãnh lực đó chính là sự sống đang ở trong mình con, đó là sự di truyền của loài người. Con nói hơi quá lời mẹ đừng buồn nhưng sự thật là như vậy. 

Người mẹ ngồi dậy trầm ngâm một hồi rồi dịu dàng lên tiếng : 

– Phàm mẹ không phủ nhận tình yêu của con, và tình yêu giữa người nam và người nữ. Ngôn ngữ văn chương  sở dĩ có được phong phú, có những áng văn bất hủ, có những bài thơ tuyệt tác là nhờ có những mối tình thương yêu chân thật giữa nam và nữ. Những mối tình cao thượng tốt đẹp ấy nó vượt lên trên những nhỏ nhoi thấp thỏi cuộc đời, nó vượt lên trên những ham muốn hèn hạ của xác thịt. Người nam và người nữ yêu nhau chân thành qua sự rung động của hai tâm hồn cùng một ý tưởng nương tựa vào nhau, cần cho nhau như hơi thở cho thể xác.

Người nam và người nữ khi họ gặp nhau, nếu chỉ có giải quyết vấn đề xác thịt thì không phải là tình yêu chân thật, đó là hai cái xác phàm tục tìm lại nhau chứ không phải tình yêu chân thật và cao thượng. Con phải phân biệt thể xác của con và tình yêu cao thượng và chân thật. Tình yêu mà đi đến vợ chồng trăm năm, nó khác với hai thể xác tìm lại nhau vì khoái cảm. Tình yêu giữa nam và nữ qua hai tâm hồn trong trắng đó là người mình yêu vì nết na, đức hạnh, người mình yêu vì tài trí thông minh; cái đó đích thực là tình yêu cao thượng chính đáng. Còn tình yêu giữa nam và nữ mà chỉ nhìn nhau qua thể xác hấp dẫn, sinh lực dồi dào, đẹp không ai bằng thì đó là thứ tình yêu xác thịt; họ tìm lại nhau để thỏa mãn cho thể xác còn gọi là thú tính. Cho nên mới có con rơi, con vô thừa nhận là như vậy. Kết quả người nữ ôm trọn gói. Đó là một thứ tình yêu hạ cấp, tình yêu không đúng với lẽ phải.

Tình yêu cao thượng là khi nào người nam đừng xâm phạm tiết hạnh người nữ và biết cách kính trọng trinh tiết của người nữ thì người nam đó được mẹ trân trọng như vật quý trong đời. Người nam khi yêu rồi mà cũng nhẹ dạ yếu lòng như người nữ thì không còn là người nam nữa, vì trời đất đã tạo ra người nam có cái trí cực mạnh để kìm chế tình cảm. Chính vì  người nam không kìm chế được tình cảm thì mới sanh ra cớ sự này. 

Đó là lãnh vực tình cảm, nếu người nam chuyển qua lãnh vực làm người có chức có quyền mà không có cái trí để phán đoán, lại để cho tình cảm dẫn dắt thì người nam đó sẽ rơi vào sự thất bại hoàn toàn, thân bại danh liệt.

Như mẹ đã nói “người nam có cái trí là quan trọng”. Cái trí nó đại diện cho người nam cũng như tình cảm nó đại diện cho người nữ. Cái thể tình cảm thì không hề phán đoán một sự việc gì đúng với lẽ phải; như bà mẹ vì quá thương con nên bà không bao giờ thấy cái hư con mình, cái lỗi của con bà mà bà chỉ biết đổ thừa cho người này người nọ.

Khi người nam sử dụng thể tình cảm thì không còn cái bản tính của người nam nữa. Đó là nhân vật Từ Hải vì không có cái trí dẫn đường cho nên tác giả cho Từ Hải chết. Tác giả giết Từ Hải vì mang cái thể xác là người nam mà không có cái trí dẫn đường.

Như mẹ đã nói người nữ sống bằng tình cảm. “Lễ nhiều, nói ngọt, nghe lời dễ xiêu”. Và bản tính người nữ là hết sức ham của cải, cho nên Kiều được“lại riêng một lễ với nàng, hai tên thể nữ ngọc vàng nghìn cân”.

Phàm, con thấy những vụ hối lộ cho quan lại, thông thường người ta chạy theo bà chứ ít khi nào đưa cho ông vì người ta sợ ông dùng cái trí dẫn đường“ quân pháp bất vị thân”. Chính vì Từ Hải bị Kiều “nghe lời nàng nói mặn mà” mà Từ Hải không còn cái trí sáng suốt. Cái trí của Từ Hải bị tình cảm của Kiều ‘chỉ huy’, người bình dân gọi là bị bùa mê thuốc lú nên mới có quyết định sai lầm. Kết quả tác giả cho Từ Hải chết đứng giữa trận tiền, chết đứng vì quá giận mình để cho đàn bà dẫn đường, cái con đường không phải chỉ có cá nhân Từ Hải “năm năm hùng cứ một phương hải tần”mà đã có biết bao nhiêu tướng sĩ chết vì đi theo con đường của Từ Hải.

 Cũng như người yêu của con vì không có cái trí dẫn đường nên kết quả của con là như vậy.

Người con gái ngồi dậy, vòng tay ôm mẹ và gục đầu như em bé tìm sữa mẹ. Một hồi lâu nàng chậm rãi :

– Như mẹ dã nói thì người nam và người nữ yêu nhau thì người nam phải dùng thể trí của mình để kìm chế thể tình cảm thì mới giữ được trinh tiết người nữ. Mà người nam không có cái trí dẫn đường thì sẽ rơi vào nhục dục thấp hèn nên mớ có cớ sự.

Thôi con hiểu ý mẹ rồi, con sẽ  tuân theo lệnh của mẹ và phú cho trời để cho con người quan hệ, họ học bài học là phải kính trọng trinh tiết người mình yêu, vì  vợ chồng là việc trăm năm, cho nên phải có tình yêu chân chính và cao thượng.

 Trong đêm tĩnh mịch tiếng chim lạc đàn gọi nhau. Bà Hai nhớ đến thực tại, bà ngước nhìn bầu trời, vài cụm mây che khuất làm cảnh vật khi mờ khi tỏ. Cũng như cuộc đời của bà từ lúc ôm đứa con trao cho người khác, nhớ đến bà Hai rùng mình, bà tưởng tượng trên đời không có hoàn cảnh  nào khổ tâm hơn nữa.

Trải qua hoàn cảnh đó rồi bà mới thấm thía sự đau khổ của người mẹ hơ hãi chạy tìm con qua cảnh bom đạn khói lửa ngút trời của chiến tranh. Con người chạy loạn, chạy trong nỗi kinh hoàng, chạy để tìm sự sống nhưng con bị thất lạc thì cái đau khổ của người mẹ còn hơn chết phứt cho rồi. Tấm lòng của mẹ bao la như trời biển. Mẹ bà đối với bà, bà đối với con bà rồi con bà đối với cháu bà, nó vẫn tiếp tục như vậy trên thế gian này.

Bà miên man suy nghĩ trời đất cũng thương bà nên hai vợ chồng chung sống với nhau mười hai đứa con rồi mà ông và bà không hề tiếng nặng tiếng nhẹ với nhau. Buổi đầu bà biết cái lỗi của bà nên bà bị mặc cảm tội lỗi, nhiều khi không được vui trọn vẹn. Nhưng chồng bà là người rất tế nhị,  ông có tấm lòng quảng đại nên ông nói thẳng với bà là ông thương bà lâu rồi, dù bà có gì đi nữa, ông cũng bỏ qua và tha thứ tất cả. Chỉ cần một câu nói ngắn gọn của ông làm cho bà đứng chết lặng. Bà vội quỳ xuống gục đầu lên đùi ông, bà quá xúc động trước tấm lòng hào hiệp và bao dung của ông. Nước mắt của bà dầm dề trên đùi ông rồi ông cũng nhỏ lệ như bà. Giọt nước mắt của ông là tha thứ cho bà còn giọt nước mắt của bà được ông tha thứ. Rồi từ đó về sau, ông và bà như chim liền cánh như cây liền cành. Bà chợt nghĩ, hạnh phúc của vợ chồng rất đơn giản : Chỉ cần hiểu được nhau và tha thứ cho nhau là có hạnh phúc. Bà muốn khắc chữ bằng vàng cho câu nói “vợ chồng chỉ cần hiểu được nhau và tha thứ cho nhau là có hạnh phúc”

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro