CHƯƠNG MƯỜI SÁU

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thắm thoat đã hơn ba năm, bà Năm sống trong mỏi mòn thương nhớ con, mặc dù mỗi tháng bà có nhận được thư của Nữ, thư nào cũng hứa về thăm bà. Hai ông bà cũng nhiều lần đi đến các tỉnh và huyện ở xa để lần mò tìm kiếm, nhưng bặt chim tăm cá. Hôn nay ông và bà đi đến một tỉnh phải mất hai ngày đường. Đến nơi ông và bà đi thơ thẩn qua phố rồi xuống chợ đông người buôn bán tấp nập. Thấy ai hơi giống Nữ là ông bà nhìn trân trối, đôi khi bị người ta cự nự “nhìn gì mà dữ vậy” rồi bà đành “xin lỗi tưởng người quen”.

Buổi chiều ông Năm ở nhà trọ còn bà mon men đi xuống bến tàu, bà đi dạo trên bờ sông để hóng gió. Bà thấy một chiếc tàu cập bến có hàng chữ “huyện Bạt Ngàn”, hành khách tay sách vai mang lần lược rời khỏi tàu, trong số hành khách có một bà già tướng người phúc hậu, trang phục kiểu giàu sang, có vài thiếu niên trên mười tuổi đi sát bên bà và bà dắt một bé gái chừng ba tuổi. Bà Năm quan sát kỷ con bé, bà muốn la lên, con bé này là đứa con của bà, hồi ba tuổi cũng giống y như vậy, chẳng lẽ bà nằm mơ. Bà sửa laị cái khăn quàng cổ, đúng là bà không phải nằm mơ. Bà bước nhanh đến và đi sau đứa bé, bà bám sát gót, vì quá đông người, lỡ thất lạc thì khó mà tìm tông tích đứa bé.

Bà già đó là bà Phú Hộ, hôm nay bà đi tỉnh để thăm bà con, bà có dắt theo thằng Năm, thằng Sáu và Thu Cúc. Đi đâu bà cũng mang Thu Cúc theo, vì Thu Cúc, nó nhỏng nhẽo giống con gái của bà. Bà dắt thu Cúc đi, bà có cảm tưởng như bà trẻ lại. Bà nhìn Thu Cúc nhỏng nhẽo, đòi cái này chê cái nọ, bà chúm chím cười vì hình ảnh tuổi thanh xuân vụt thoáng qua làm bà rộn rã trong lòng.

Bà Phú Hộ dẫn đám cháu vô quán, bà Năm cũng vô theo và chọn một cái bàn và chỗ ngồi gần Thu Cúc. Bà Năm hơi bối rối, vì đối với bà vô cùng quan trọng, nếu có gì hơi thất lễ họ không thèm nói chuyện thì bà biết cầu cứu ai.

Bà Năm quan sát bà Phú Hộ, mặc dù hơn hai mươi năm, bà chỉ già thêm chút đỉnh, nhưng  dáng dấp và phong độ vẫn không khác là bao. Nếu bà Phú Hộ có nhận dạng ra bà cách đây hơn hai mươi năm, chắc bà cũng từ chối. Bà muốn cho mọi người đừng ai biết bà xin con nuôi. Thật là khó xử, bà không biết cách nào để làm quen.

Bà chủ quán mang nước ra, bà Phú Hộ đưa ly nước cho Thu Cúc, nó nhỏng nhẽo đòi ly nước khác, bà mỉm cươì, xoa lên vai của nó, rồi bà kêu ly nước theo ý của nó. Sẵn dịp bà Năm mỉm cười nhìn bà Phú Hộ và lễ phép nói :

– Thưa bà, con bé nó giống cha hay giống mẹ mà nó nhỏng nhẽo coi dễ thương quá.

Bà Phú Hộ châm rãi :

– Nó giống y như mẹ nó, tôi lại nhà nó chơi thấy nó tôi thương. Mẹ nó lớn rồi mà còn nhỏng nhẽo với cha nó. Mẹ nó nói hồi nhỏ sống với mẹ, được mẹ nuông chiều nên nhỏng nhẽo quen rồi. Mẹ nó tính thu xếp công việc rồi về ở với mẹ nhỏng nhẽo cho đả. Mà tôi thấy làm sao mà hết được, cứ mỗi năm mỗi sanh. Con bé mới có bây lớn mà đã có một em trai, và mẹ nó hình như tháng này sinh thêm một đứa nữa.

Bà Năm vội hỏi :

– Thưa bà hình như bà ở huyện Bạt Ngàn.

Bà Phú Hộ ngạc nhiên:

– Ủa sao cô em biết.

– Dạ thưa bà, hồi sớm tôi thấy bà và mấy cháu  từ tàu huyện Bạt Ngàn.

– Nhà tôi ở xa chợ một chút, mẹ con bé này có căn phố ở ngay nhà lòng chợ.

– Thưa bà chợ nào ?

Bà Phú Hộ mỉm cười :

– Chợ huyện Bạt Ngàn. Cô em vui vẻ qúa, mời qua ngồi chung bàn cho vui.

Bà Năm mừng  rỡ :

– Dạ cám ơn bà.

Bà vừa nói vừa kéo ghế ngồi gần Thu Cúc. Bà Phú Hộ lấy khăn lau miệng Thu Cúc :

– Tôi thương con bé này là vì nó giống hệt con gái đầu lòng của tôi. Nay tôi gần bảy mươi tuổi, cái tuổi gần đất xa trời, giống như mặt trời còn mấy sào lật bật là khuất dạng

 Khi con người bước vào tuổi sáu mươi, cái chu kỳ sáu mươi năm, theo quan niệm đông phương là trở lại sự tuần hoàn của năm thứ nhất. Vào cái tuổi này con người thích sống lại hình ảnh  của quá  khứ thời thanh xuân, dù kỷ niệm vui hay buồn gì đi nữa nó cũng có còn hơn không. Đó là hình ảnh con gái đầu lòng của tôi, năm nó lên ba, bốn tuổi; đi đâu tôi cũng dắt nó theo, mà nó nhỏng nhẽo giống y như con bé này. Cho nên tôi nhìn nó, tôi nhớ lại hơn bốn mươi năm qua, mặc dù lớp bụi thời gian có làm cho nhan sắc tàn phai, cái cửa tử có chập chờn trước mắt nhưng cái bóng mờ của qúa khứ cũng nhờ con bé này mà nó tô thêm cho rõ nét.

Thu Cúc tuột xuống ghế, nó xoay qua ôm ngang eo bà Phú Hộ, cái đầu của nó dúi vào bụng của bà và nó cà lắc…cà lắc rồi nó cười. Bà Phú Hộ cúi xuống hôn lên đầu của nó :

– Cô em thấy chưa, nó làm như vậy thì làm sao mà tôi không thương nó được.

Bà Năm khẽ hỏi :

– Thưa bà, cháu bé này bà con ra sao với bà ?

Bà Phú Hộ cất giọng thong thả:

– Có bà con gì đâu, tôi không biết nguồn gốc của mẹ nó ở đâu, chỉ biết từ xa đến chợ huyện Bạt Ngàn để làm ăn buôn bán, chồng nó làm trong dinh huyện. Con gái tôi thứ hai, nó kêu bà ngoại Hai; đôi khi nó chỉ kêu bà ngoại, tôi thấy con gái tôi nó thích chí nên nó cười ngất. Vì nó có mười hai đứa con trai, cho nên nó không bao giờ được nghe tiếng bà ngoại; nó ao ước được làm bà ngoại nên nó thương con bé này dữ lắm. Mẹ nó bận nhiều việc, từ khi nó có em thì tôi và ngoại Hai của nó thường xuyên dắt nó đi chơi, có khi nó ở nhà tôi, có khi nó ở nhà ngoại Hai của nó. Nó gọi tôi bằng bà cố. Tôi nghe tiếng bà cố, tôi thấy mình sắp theo ông bà.

Bà Năm thầm cám ơn trời đất đã dẫn dắt cho bà đến đây gặp bà Phú Hộ. Ngoài sự  việc con bé này giống mẹ, còn có thêm cái tật nhỏng nhẽo với mẹ, được mẹ nuông chìu nên nhỏng nhẽo quen rồi; rồi sẽ về một tháng để thăm mẹ và nhỏng nhẽo cho đả. Chỉ có bao nhiêu chi tiết, bà không thể lầm lẫn được; không ai khác hơn là con gái của bà. Còn cái câu “có bà con gì đâu”, như vậy không có bà con và cũng không ai nhìn ra con gái của bà có quan hệ với họ. Bà cầu mong trời đất đừng cho họ biết, đừng cho con gái của bà biết, để nó vẫn mãi mãi là con của bà. Bà cầu mong con gái của bà, nó chỉ có biết là bà đã sanh ra nó, nó đã từng nhỏng nhẽo với bà cho đến lớn mà còn hứa hẹn về nhỏng nhẽo một tháng với mẹ cho đả. Bà thầm gọi “Nữ ơi !” mẹ con mình sắp gặp nhau rồi.

Bà Năm rờ rẫm lên vai Thu Cúc, nó xoay qua vỗ nhẹ lên đùi của bà rồi nó cười, bà chợt xúc động vì nụ cười của nó giống như con gái của bà. Cái nụ cười đó nó ám ảnh bà lâu rồi, vì mỗi khi có việc bực bội, trong lòng không vui mà bà thấy nó cười thì bà cũng vui theo, cái niềm vui khó tả đó là nụ cười của nó.

Thằng sáu ngồi đối diện, nó ngoắt tay và kêu :

– Thu Cúc qua đây cậu cho cái này.

Thu Cúc làm thinh mà còn vênh mặt lên với thằng Sáu. Một hồi lâu thằng Sáu nói như ra lệnh :

– Lẹ qua đây Thu Cúc, không qua cậu bỏ ở đây.

Thu Cúc ôm sát bà Phú Hộ và ngước lên mếu máo :

– Bà cố, cậu sáu chọc ghẹo cháu.

Bà Phú Hộ cúi xuống, nựng càm nó và nói nhẹ nhàng :

– Để bà đánh cậu sáu.

Bất chợt Thu Cúc đòi bà Phú Hộ ẵm nó lên, bà chưa kịp làm thì nó nhăn mặt, nhíu mày, muốn làm mạng, hai chân nó dậm lia lịa xuống đất. Bà Phú Hộ vội lên tiếng :

– Khoan đả, bà sửa lại cái áo rồi bà ẵm lên.

Nó ngồi yên trong lòng bà, một hồi lâu nó xoay qua làm điệu bộ giống như đòi bú. Bà Phú Hộ cười ngất và nói nhỏ sát vào tai của nó :

– Ở chợ đâu có bú được, về nhà bà cho bú.

Bà Phú Hộ mỉm cười, xoay qua bà Năm và thong thả :

– Hồi nó vừa thôi nôi thì mẹ nó gần tới ngày sanh mà nó cứ đòi ẵm bồng, vì sợ không tốt cho bào thai nên tôi và ngoại Hai của nó mang nó về nhà tôi. Có khi nó ngủ với ngoại Hai của nó hoặc ngủ với tôi. Mà nó nghiện bú, cho nên tôi cho nó bú vú da.

Bà Năm chợt nhớ, bà cũng từng cho Nữ bú vú da, bà nhớ đến vành môi của Nữ đưa đẩy, nó núc cà chép cà chép; bà có cảm tưởng như tình thương của bà được rót vào miệng của nó để thấm từng tế  bào trong cơ thể.        

Sau khi từ giã, bà Năm bước theo bà Phú Hộ ra đến cửa quán, bà nhìn theo bước đi lẫm chẫm của Thu Cúc cho đến khuất dạng. Bà Năm bươn bả đi riết về nhà và báo tin cho ông Năm biết từng chi tiết của sự việc.

Mặt trời gần khuất dạng, ông và bà Năm thả bộ dọc theo bờ sông. Nhìn giòng nước cuồn cuộn chảy về hướng huyện Bạt Ngàn, bà thầm nhủ  “Giòng nước này, con sông này sẽ đưa bà gặp con gái của bà, bà cầu mong trời đất cho sự việc xảy ra y như vậy, để bà không còn mòn mỏi vì thương nhớ con”.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro