Chương 63: Mưa xuân

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

***

Nhưng, tất cả đều chỉ là giá như...

***

Những ngày đầu năm mới, mưa phùn giăng giăng bao phủ cả thành phố.

Hạt mưa nhỏ li ti như hạt bụi, cứ lất phất cả ngày làm ẩm ướt ngõ phố nền đường. Mưa bay bay trên hàng cây ven hè khiến lá cây xanh tươi mướt mắt, ướt cả vai áo những người du xuân. Nhưng dù vậy cũng ít ai phàn nàn khó chịu vì ở vào thời điểm đất trời chuyển giao thế này, mưa phùn sẽ được gọi với một cái tên nên thơ hơn, đó là mưa xuân.

Chẳng vậy mà nếu có năm nào Tết rơi vào những ngày nắng rực rỡ, sẽ có nhiều người vui miệng nói chuyện với nhau: Đầu năm mà không có mưa xuân thì như mất bớt đi một nửa không khí ngày Tết. Bởi vì trong thâm tâm mọi người, mưa xuân luôn gắn liền với ngày Tết.

Mùng một Tết hàng năm, cả nhà Dương đều sẽ về quê nội ở một huyện ngoại thành. Đây là truyền thống của gia đình, ngày đầu tiên của năm tất cả anh em con cháu sẽ tụ hội về nhà thờ họ cùng làm mâm cơm thắp hương dâng cúng ông bà tổ tiên để tưởng nhớ cũng như cầu bình an và may mắn. Sau đó mọi người quây quần bên mâm cơm, trò chuyện với nhau đến hết ngày.

Ông bà nội Dương đã mất cách đây nhiều năm, hiện tại ở quê gian nhà của ông bà đã được tu sửa thành nhà thờ. Ông bà có tất cả tám người con, năm trai ba gái, ông Hiệp là con trai thứ ba trong nhà. Các chú bác của Dương hầu hết đều sống quây quần ở xung quanh nhà thờ trong cùng một mảnh đất rộng của ông bà, chỉ có vài người thì đã vào Nam hay ở trên Hà Nội. Cả tám người đều đã lập gia đình, con cháu đầy đàn. Một số anh em họ của Dương cũng sống và làm việc trong cùng thành phố.

Đại gia đình ngày này thường rất đông người, người lớn tuổi thì tiếp đón khách khứa trò chuyện trong phòng khách nhà thờ, người trẻ tuổi thì tụ tập ở bên ngoài khoảng sân rộng trước nhà.

Trời vẫn đang giăng mưa, trên nửa phần sân được căng bạt và xếp loạt bàn ghế, trẻ con từ nhỏ tới lớn chạy lăng quăng khắp nơi nô đùa ầm ĩ. Mưa bụi nho nhỏ không làm ướt người mà chỉ lấm tấm trên tóc. Bố mẹ bọn trẻ chỉ quát bảo vài lần, sau đó cũng mặc kệ bọn chúng chạy nhảy dưới mưa ở nửa phần sân còn lại. Đứa nào đứa nấy cũng cầm trên tay đủ loại phong bao lì xì đỏ tươi, mặt mày tươi cười hớn hở. Thỉnh thoảng có đứa chạy tới bốc một nắm kẹo bày trong đĩa trên bàn rồi lại nhanh chóng chạy biến đi.

Thú thật là ngoài những anh em họ cùng thế hệ với mình, hầu hết Dương đều không nhận ra được những đứa trẻ này là con cái nhà ai. Bởi vì rất khó có dịp để cả họ có mặt đông đủ, bọn trẻ lại lớn rất mau, quay đi quay lại đã chẳng còn thấy bóng dáng của lần gặp trước.

Đa phần bọn trẻ cũng không biết Dương, đều đứng từ xa mắt tròn xoe lạ lẫm nhìn cậu. Chỉ khi Dương đưa ra phong bao lì xì màu đỏ bắt mắt bọn chúng mới chạy lại, có đứa bé lanh lợi toét miệng cười giơ tay nhận lấy ngay, có đứa thì rụt rè đợi bố mẹ khích lệ mãi mới tiến tới cầm, sau đó thì lí nhí nói câu cảm ơn rồi chạy vụt đi...

"Nhà ông Hiệp năm nay lại lỗ lớn rồi anh Dương nhỉ?" Một người phụ nữ trẻ mặc chiếc váy đỏ ngồi chếch với Dương vừa cắn hạt dưa vừa nhìn cậu tủm tỉm cười trêu.

Đây là con gái ông chú Dương, tuy mới ngoài ba mươi tuổi nhưng đã là mẹ của tận ba đứa trẻ con đang chạy nhảy ở đây.

Dương đang ngồi cùng với một ông anh họ cũng làm trong ngành giáo dục của huyện, nghe thấy vậy chỉ lắc đầu cười. Ông anh tính thẳng như ruột ngựa nên sang sảng nói luôn:

"Cười cái gì, bao giờ thì cậu với cậu Trường cho anh em chúng tôi ăn cưới đây. Anh mày cũng sắp lên chức ông ngoại rồi đấy nhá."

Đứa con gái năm nay hai mươi tư chỉ kém Dương có vài tuổi, theo vai vế còn phải gọi cậu một tiếng chú, năm ngoái vừa mới lấy chồng mà ông anh đã được dịp lấy ra khoe mẽ.

Mọi người ngồi xung quanh nghe thấy chủ đề nóng hổi, mỗi người một câu nói xen vào, còn gọi cả Trường đang ngồi ở bàn bên cạnh.

Câu chuyện giục cưới này đúng thật là năm nào cũng phải nhấc lên một hai lần, từ người già đến người trẻ. Chỉ mới chào nhau câu thứ nhất, câu thứ hai đã nhắc đến ngay, giống như một phần không thể thiếu trong giao tiếp chào hỏi. Cũng một phần vì mọi người trong họ tầm tuổi Dương hầu hết đều đã lập gia đình. Mà riêng nhà ông Hiệp còn đến tận hai cậu con trai nên năm nào cũng không tránh khỏi bị réo hỏi.

Thường thì Dương sẽ chỉ cười trừ không đáp, còn Trường lại ngồi xuống thong thả điềm nhiên nói:

"Chuyện này không vội được đâu ạ."

Bà chị dâu thứ hai nhà bác cả đang bê một đĩa hoa quả đến gần vừa nghe thấy thế liền vỗ vỗ vai Trường. "Cậu đúng là không vội nhưng chị thấy thím Loan thì vội ra mặt rồi đấy."

Mỗi người còn đang cười cười nói nói trêu chọc thì ông Hiệp cùng một ông chú xa trong họ chợt đi từ trong nhà ra, hai người đứng ở bậc thềm nhìn quanh tìm kiếm rồi sau đó ông Hiệp giơ tay vẫy gọi Trường lại gần.

Lúc anh đứng lên mọi người còn đang ngồi lập tức xầm xì bàn tán.

"Chắc lại chuyện xin việc của thằng Biên, hình như năm nay nó học Hàng Hải năm cuối rồi."

"Ôi dào, chuyện đấy chứ còn chuyện gì nữa. Mỗi lần gặp cậu Bàng chẳng đánh tiếng với chú Hiệp suốt đấy thôi. Xin được vào chỗ anh Trường thì vừa đúng ngành lại ngon ăn quá rồi còn gì."

"Cũng phải xem học hành thế nào, bây giờ đầy người tốt nghiệp đại học đấy mà thấy bảo có biết cái gì đâu..."

Các bà chị càng nói càng sôi nổi, tay thì vẫn bốc hạt dưa cắn tanh tách đầu thì chụm vào nhau thì thào.

Một ông chồng ngồi bàn bên vừa hút xong điếu thuốc lào, mồm nhả khói tay thì thả ống điếu xuống cái thùng đặt bên chân, nghiêng người sang giọng ồm ồm nói: "Thôi thôi mấy bà biết cái gì mà nói, đầu năm đầu tháng bớt buôn chuyện nhà người ta đi."

Dương thầm cười. Cậu đặt chén nước chè tàu trên tay xuống, vừa rút điện thoại trong túi quần ra áp lên tai giả vờ có người gọi vừa đứng dậy đi về phía sân trước.

"Ơ hay cái ông này." Phía sau vẫn còn văng vẳng tiếng chị vợ lập tức phản bác. "Chuyện người trong họ nhà mình, ở đâu ra mà nhà người ta..."

Trước sân nhà có một cái lạch nước nhỏ chạy dọc ngăn cách khu đất của ông bà với mảnh ruộng nhà người ta phía bên kia. Chiều ngang lạch nước tầm gần hai mét, cũng khá sâu, có cầu ao được xây bằng gạch theo bậc giật tam cấp. Trên bờ trồng một hàng những cây dừa cao chót vót, ngay cạnh cầu ao là một bụi hoa dành dành nho nhỏ. Dường như nó mới được ai đó trồng cách đây không lâu vì Dương nhớ lần về quê gần nhất cậu không thấy bụi cây này.

Những bông hoa trắng ngà đã sắp tàn, một vài cánh hoa héo úa chuyển sang màu nâu vàng nhưng vẫn tỏa ra hương thơm thoang thoảng. Mưa bụi lấm tấm đọng trên những chiếc lá xanh sẫm khiến nó càng thêm bóng bẩy đậm màu.

Có mấy đứa bé trai đang đứng trên bậc tam cấp cầu ao đùa nghịch nói chuyện, Dương sợ bọn chúng không cẩn thận trượt ngã xuống lạch nước nên lại gần bảo chúng vào bên trong chơi. Cũng tại lạch nước này Dương còn nhớ năm cậu sáu bảy tuổi đã từng bị ngã xuống đây, may mà được người lớn trong nhà phát hiện ra kéo lên kịp thời. Lúc ấy còn nhỏ, đến giờ nghĩ lại cảm giác bị rơi xuống nước như thế nào cậu cũng đã quên sạch.

Mưa chỉ tạt lên da nhè nhẹ giống như phủi bụi nhưng dai dẳng cả ngày vẫn khiến mặt sân ẩm ướt, nhớp nháp bám dính vào gót giầy. Bọn trẻ chạy sầm sập í ới đuổi nhau, những giọt bẩn theo đó lấm lem bắn hết lên ống quần thậm chí cả lưng áo khoác. Lâu lâu lại có tiếng ai đó khẽ nhắc nhở con mình không được chạy nhảy nữa.

Trên má đột nhiên thấy hơi lành lạnh, không biết là giọt nước từ đâu bất chợt nhỏ xuống. Dương ngẩng đầu nhìn, thầm à lên vỡ lẽ. Hóa ra là mưa bụi rơi trên lá cây trứng gà trong sân, đến khi đọng lại thành giọt theo cuống lá rơi xuống thì vừa vặn trúng Dương đang đứng dưới tán cây.

Trước đây trong nhà vẫn còn vườn tược rộng rãi, cũng trồng khá nhiều cây ăn quả như bưởi đào, xoài, táo ta rồi hồng xiêm. Nhưng sau khi các chú bác của Dương lập gia đình rồi xây nhà, mảnh vườn đã bị phá đi gần hết. Trên sân bây giờ chỉ còn giữ lại được duy nhất một cây trứng gà. Lúc này quả trên cây đã chín khá nhiều, một số quả màu vàng tươi rơi rụng xuống sân, hơi nứt ra. Đám trẻ chạy qua chạy lại không chú ý, đá chân vào khiến những quả rụng nứt thêm ra lăn vào chân tường.

Dương cúi xuống nhặt những quả rụng gần chỗ mình, thả hết vào chỗ gốc cây. Trời mưa, quả trứng gà vỡ ra dính xuống nền sân ướt trông không dễ nhìn cho lắm.

Đêm giao thừa, tuy Trường về nhà trước, cũng đã mua một cặp mía làm cành lộc để xông nhà nhưng Dương vẫn mua thêm một cành lộc trứng gà.

Lúc bắn pháo hoa kết thúc, mọi người bắt đầu chen lấn về nhà. Người từ hai bên bờ hồ dồn về phía đầu hồ ngay ngã tư khiến cả con đường rộng lớn tắc nghẽn một biển người. Bình thường đi bộ băng qua ngã tư chỉ cần một hai phút mà bây giờ đã qua nửa tiếng đồng hồ, đám đông vẫn chỉ có thể nhích lên từng chút một. Chưa kể ngay ngã tư đường, dòng người đi ngược chiều với nhau càng khiến tình trạng tắc nghẽn thêm trầm trọng.

Thấy thế Dương cố tình không về luôn mà vẫn đứng tựa lưng vào gốc cây chờ cho mọi người tản bớt đi. Vậy mà sau đó cũng phải tầm gần một tiếng, nhờ cả lực lượng công an giao thông hỗ trợ mà con đường mới thông thoáng trở lại.

Lúc Dương đi dọc bờ hồ trở về, cậu nhìn thấy vẫn còn rất nhiều cành lộc treo bán trên lan can. Cạnh đó là những người mang trên tay một cái giỏ mời chào người qua lại, trong đó đầy ắp những túi lưới nhỏ màu đỏ in hoa vàng nhí chỉ bằng lòng bàn tay đựng muối lộc.

Người xưa hay có câu "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi". Vào ngày đầu tiên của năm mới, thậm chí ngay sau khi thời khắc giao thừa kết thúc, nhiều người thường có thói quen mua muối mang về nhà để lấy may mắn cho cả năm đồng thời cũng mong muốn về một cuộc sống ấm no sung túc.

Dương cũng tiện thể chọn một cành trứng gà, lại mua thêm túi muối lộc kèm theo. Cành trứng gà có đủ cả lá, quả xanh và quả hơi ương phớt màu vàng được treo trên vách tường phòng khách. Bề mặt quả căng bóng nhẵn nhụi không một vết xước, bà Loan nhìn mà cứ tấm tắc khen mãi.

Ngày còn bé về quê, khi Trường và cậu nhìn thấy quả trứng gà chín chuyển sang màu vàng tươi rơi trên thành bể nước mưa thì mắt thường sẽ sáng rỡ. Sau đó hai anh em cũng không ngại bẩn mà cẩn thận nhặt lên bẻ đôi ra ăn. Quả ngọt có vị bùi bùi như lòng đỏ trứng gà nhưng ăn nhiều hơn sẽ cảm thấy ngán. Bọn trẻ bây giờ được biết đến nhiều loại hoa quả đa dạng thơm ngon hơn, nhìn thấy quả trứng gà sẽ không còn cảm thấy thích thú như cậu ngày trước.

Nghĩ tới chuyện cũ, những ký ức thuở nhỏ cứ theo đó lần lượt đứt quãng ùa về. Nhiều chuyện Dương còn nhớ rất rõ, nhưng cũng có những thứ đã mờ nhạt trong tâm trí.

Đó có lẽ là khoảng thời gian Dương cảm thấy vui vẻ nhất. Trẻ em vô lo, không ưu tư, không sợ hãi cũng chẳng hoang mang mờ mịt. Đôi khi Dương nghĩ, giá như cậu có thể mãi như những ngày ấy, giống lũ trẻ trên sân vô tư đùa nghịch. Cũng giá như cậu không bất ngờ tìm được "nó".

Nhưng, tất cả đều chỉ là giá như...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro