Chương 72: Quá khứ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

***

Nếu hiện tại cậu vẫn chưa sẵn sàng mở lòng, vậy thì anh chỉ có thể tiếp tục đợi mà thôi.

***

Người ta hay nói, lòng bàn tay là da mu bàn tay là thịt, cấu chỗ nào cũng sẽ cảm thấy đau. Nhưng đối với mẹ của Luân, có lẽ anh chưa bao giờ cảm nhận được sự quan tâm hay tình thương của mẹ. Từ lúc có ý thức, anh đã luôn phải chịu đựng sự cư xử bất công từ chính mẹ mình. Giữa Luân và anh trai, lúc nào cũng là anh trai đúng. Đồ ăn ngon, quần áo đẹp luôn là của anh trai đầu tiên sau đó mới đến lượt Luân.

Trong khi anh trai đi học về được tụ tập thả diều bắn chim với đám bạn, Luân chưa kịp thay quần áo đã phải vội vàng thả cặp sách xuống ruộng giúp bố mẹ cấy lúa rồi gặt lúa, gánh nước tưới phân, cắt rau nuôi lợn... Theo như bà Tần nói thì là do anh trai từ nhỏ yếu ớt hay ốm nên không thể làm việc nặng. Ngược lại Luân bị bỏ bê thì lớn lên khỏe mạnh chẳng bao giờ ốm vặt, bề ngoài luôn cao lớn hơn so với đám bạn cùng lứa lẫn anh trai mình. Luân cũng chẳng bao giờ so đo tỵ nạnh gì mà luôn luôn chăm chỉ làm việc mình có thể làm.

Tâm lý khi ấy của một đứa trẻ rất đơn giản, thấy mẹ không vui với mình thì sẽ ngoan ngoãn nghe lời, ra sức lấy lòng để được chú ý. Lớn lên một chút thì hiểu chuyện hơn, không còn mong ngóng xa vời nhưng vẫn dành hết việc nặng để bố mẹ không phải vất vả.

Luân cũng không ít lần tự hỏi, khi thấy anh trai bị đau đầu chảy máu thì mẹ sốt suột lo lắng. Nhưng tại sao đến lượt anh thì lại chỉ là những câu hỏi hời hợt qua loa, thậm chí là mắng mỏ vì tự mình không cẩn thận. Đến bố Luân đôi lần không nhìn được cũng phải can thiệp nói át đi khi anh bị mẹ đánh mắng.

Luân cứ mãi tự thắc mắc trong lòng như thế cho đến năm mười lăm tuổi, anh mới biết được nguyên nhân chính xác do đâu. Cũng là do tình cờ đi học về sớm nghe được bố mẹ cãi nhau trong nhà. Bởi vì bố anh cũng luôn bất mãn với cách cư xử của mẹ anh nhưng tính ông vốn luôn nhu nhược hiền lành nên không thể khuyên nhủ được vợ.

Hóa ra năm đó bà Tần mang thai lần thứ hai, gần trước ngày sinh có đi xem một thầy bói có tiếng ở xã bên. Không ngờ, ông ta lại phán rằng mệnh của đứa trẻ này tương khắc với bố mẹ, sinh ra sẽ khiến cho cả gia đình gặp nhiều tai ương. Bà Tần nghe thấy thế thì hoảng sợ vô cùng, sau đó thầy bói kia đòi một khoản tiền không nhỏ, nói là sẽ cúng giải hạn cho nhà bà.

Dù vậy khi Luân được sinh ra, bà Tần vẫn luôn canh cánh nỗi lo sợ ấy nên trong lòng tự nhiên cũng xa cách với đứa bé. Trùng hợp là cuối năm ấy, ông Biên lại bị tai nạn xe phải nằm liệt giường ba tháng. Bà vừa sinh, con thì nhỏ, tiền đi viện, tiền thuốc men rồi tiền sinh hoạt tạm thời khiến gia đình lâm vào cảnh túng quẫn trong một thời gian, lại càng khẳng định lời nói của thầy bói là đúng.

Trong thâm tâm bà Tần âm thầm khấn vái, cũng may là đã được thầy bói cúng giải hạn, nếu không chắc ông Biên không chỉ đơn giản là bị nằm liệt mất mấy tháng thôi đâu.

Bắt đầu từ khi ấy, bà càng trở nên lạnh nhạt hơn với Luân. Thậm chí năm Luân lên ba còn gửi anh vào chỗ vợ chồng người chị họ lớn tuổi hiếm muộn trong miền Trung, nói là để giúp chị lấy vía sinh con. Vốn nghĩ là người chị kia đã không còn đường sinh nở, vậy mà hơn một năm sau chị ta lại bất giác có bầu, lúc ấy bà mới đành phải thất vọng mà mang con về.

Một năm không gặp mặt, chút tình cảm mẹ con trước đó dường như cũng chẳng còn, sau đó thì lại càng không để ý đến Luân.

Nghe xong chuyện này, lúc ấy Luân quả thật không biết bản thân nên có cảm giác gì. Chua xót ư? Tức giận ư? Hay chán nản buồn bã?

Có chứ, tất cả đều có, nhưng cuối cùng đọng lại nhiều nhất cũng chỉ là hai chữ thất vọng.

Chỉ vì vài lời nói viển vông của một ông thầy bói nào đó mà dường như số phận của anh trong gia đình đã được định đoạt ngay từ khi còn chưa sinh ra.

Dù vậy, kể cả khi đã biết rõ nguyên nhân hay bà Tần có tiếp tục đối xử lạnh nhạt như thế nào, anh cũng chưa từng một lần oán hận bà. Bởi Luân hiểu rõ, tư tưởng của những người trong quê thời đó bao gồm cả mẹ anh đều có chút cổ hủ và mê tín khó có thể thay đổi. Dù sao đi nữa cuối cùng cũng chỉ là vì bà lo lắng cho gia đình mà thôi.

Năm Thạnh muốn cưới vợ, Luân vừa tốt nghiệp cấp ba. Thời điểm đó bà Tần luôn miệng cằn nhằn lo lắng về vấn đề ăn ở của gia đình nếu đón nàng dâu mới về. Nhà không có điều kiện nên Luân cũng không có ý định thi Đại học, định là sẽ kiếm một nghề gì đó ổn định để phụ giúp gia đình.

Lúc đó, mặc dù đang đi học nhưng việc đồng áng trong nhà hầu như đều do Luân chủ yếu gánh vác. Mấy năm trước Thạnh tốt nghiệp trung học xong thì xin vào làm công nhân cho một xưởng may nhỏ trong xã. Nhưng rồi cũng không được lâu dài, nay làm mai nghỉ. Thời gian dài liên tục thay đổi chỗ làm, chút tiền lương lĩnh về cũng không đủ để chi phí cho chính bản thân mình.

Nhà họ trước đây vốn dĩ là nhà ngói ba gian hai chái, một gian là phòng khách và thờ cúng, một gian của ông bà, gian còn lại là anh em Luân ở. Hai chái nhà thì một gian để lương thực, một gian để đồ đạc linh tinh lặt vặt như thúng mủng cuốc xẻng...

Hiển nhiên hiện tại Luân bắt buộc phải dọn đi để nhường phòng cho đôi vợ chồng sắp cưới, cũng không thể vì không có chỗ ở mà chậm trễ việc cưới hỏi. Thật ra trong nhà không phải là không có đủ tiền xây phòng cưới mới, chỉ là khi ông Biên đề xuất ra việc này liền bị bà Tần gạt đi. Nói là có chút tiền tích góp còn rất nhiều việc phải chi, một là để làm đám cưới, một là phải để trong nhà phòng trường hợp bất khả kháng, số còn lại thì còn phải cho hai vợ chồng Thạnh lấy vốn làm ăn.

Thế nên cuối cùng trong nhà quyết định tạm thời dọn ra một chái nhà cho Luân ở. Ý kiến là bà Tần đưa ra, nói đồ đạc linh tinh gì đó thì thu hết về chừa ra một góc, chỉ cần đủ chỗ kê thêm một cái giường đơn cho anh ngủ tạm và kệ tủ nhỏ để quần áo là đủ rồi. Dù sao cũng không đi học nữa, bàn ghế sách vở hiện tại không cần dùng đến.

Ông Biên ban đầu không đồng ý nhưng cuối cùng vẫn bị vợ thuyết phục. Tuy hơi chật chội nhưng ông đành phải an ủi Luân rằng đó chỉ là giải pháp tạm thời, đợi thêm một thời gian nữa tích lũy đủ tiền sẽ xây một gian phòng mới tươm tất hơn cho hai vợ chồng Thạnh. Luân sẽ được trở về ở trong phòng cũ kia.

Luân một câu cũng không nói, nhưng trước khi bắt đầu dọn nhà đã công khai xu hướng tính dục của mình cho cả nhà biết.

Chuyện này không cần phải nói gây sốc cho một nhà ba người như thế nào. Ông Biên hiền lành ngồi chết sững không phản ứng, mặt mũi Thạnh khiếp vía đứng một bên nhìn Luân chằm chằm với vẻ dè chừng và ghê sợ không dấu giếm. Ngược lại bà Tần thì bù lu bù loa lên nói Luân lại tiếp tục báo hại cả nhà, nói anh có bệnh, nói anh bị điên rồi, nói anh bôi tro trát trấu lên mặt ông bà, muốn cả gia đình này không ngẩng mặt được lên với ai...

Khi ấy bà nói rất nhiều, càng nói càng khó nghe. Sau đó vớ được cái cán chổi tre dựng góc nhà thì quất túi bụi lên lưng Luân. Anh một mực không lên tiếng, chỉ cắn răng gồng mình chịu đựng.

Chổi bị quất đến nỗi gãy ngang, chỗ cật tre bị gẫy trên cán chổi đâm ra tua tủa như gai nhọn khiến lưng Luân chằng chịt rướm máu. Dù sao cũng là phụ nữ nhà nông làm việc nặng quen rồi, lực đánh cũng không nhẹ. Cuối cùng bà Tần quá mệt vứt cán chổi đã te tua xuống đất, ngồi phịch xuống ghế vừa thở dốc lại vừa tiếp tục chì chiết chửi bới...

Đêm hôm ấy Luân xử lý sơ qua vết thương, vì ở lưng nên chỉ có thể dùng nước lạnh dội qua vài lần rồi lấy một miếng vải sạch quấn tạm mà không thuốc thang gì. Anh viết một lá thư đơn giản để lại rồi lặng lẽ xách theo ba lô chỉ vỏn vẹn vài bộ quần áo rời khỏi nhà.

Điểm đến Luân nhắm tới từ trước chính là thủ đô hoa lệ ngập tràn cơ hội dưới lời kể của những người từng trải trong làng. Cuối cùng lăn lộn hơn mười năm, làm bao nhiêu công việc từ nặng nhọc tới nguy hiểm cũng học được nghề sửa chữa xe này.

Không thể nói rõ những năm tháng ấy Luân đã phải trải qua những bôn ba cay đắng gì, để rồi thậm chí còn có thêm một vết sẹo trên mặt. Nhưng sau tất cả, con người anh lại vẫn luôn trầm ổn ôn hòa như trước. Thay đổi có chăng chỉ là vẻ bề ngoài khoác thêm một tầng gai góc, bụi bặm và từng trải hơn mà thôi.

Dù vậy nơi đất khách quê người xa lạ có náo nhiệt sôi động cũng vẫn luôn khiến Luân cảm thấy lạc lõng cô độc. Vậy nên cuối cùng anh quyết định trở về thành phố quê mình lập nghiệp dù khoảng cách giữa hai nơi thật ra cũng chỉ hơn trăm cây số.

Từ ngày bỏ đi, hàng năm Luân vẫn đều đặn gửi tiền về nhà, có ít gửi ít, có nhiều gửi nhiều. Thỉnh thoảng anh cũng trở về thăm nhà, nhưng chỉ ở lại một lát là đi ngay. Nhà vẫn là căn nhà ngói ba gian hai chái như trước dù đã được sơn sửa lại tươm tất hơn, bây giờ Luân có ở lại cũng chẳng có một cái giường tử tế mà nằm. Chưa kể còn phải chịu đựng cái nhìn soi mói kỳ thị của mẹ và anh trai chị dâu, những lời dằn hắt xa xa gần gần đá thúng đụng nia hay cử chỉ xa lánh đề phòng không hề che dấu.

Dù tình cảm xa cách, nhưng Luân chưa một lần lên tiếng oán thán hay trách móc bất cứ ai. Khi dần có điều kiện thì anh cũng không tiếc chăm lo cho gia đình ở quê, đập đi nhà cũ, tự bỏ tiền túi ra xây lại một căn nhà mới to đẹp khang trang hơn cùng sắm sửa hầu hết vật dụng trong nhà.

Thêm nữa, xã hội phát triển, người ta cũng được phổ cập nhiều hơn kiến thức về đồng tính luyến ái chứ không còn những chỉ trích phiến diện sai lệch như trước. Chính vì vậy sau này bà Tần và mọi người đã không còn chì chiết hay nhắc lại chuyện cũ năm xưa, đối xử với Luân thân thiết và khách sáo hơn, cũng hoàn toàn lờ đi không hỏi đến cuộc sống riêng tư hiện tại của anh nữa.

Trong suốt quá trình nhắc lại chuyện cũ, giọng điệu của Luân vẫn luôn đều đều bình thản giống như đang kể lại một câu chuyện của ai khác. Nhưng Dương hoàn toàn có thể cảm nhận được, điều đó không giống như sự chai sạn cảm xúc hay lạnh lùng ghét bỏ. Giống như tất cả quá khứ ấy vẫn là một phần cuộc sống đã từng gắn liền với Luân mà anh luôn thừa nhận chứ chưa bao giờ chối bỏ nó.

Trước đây thế nào thì bây giờ vẫn như vậy, không ghen tỵ trách móc cũng chẳng đổ lỗi giận hờn. Anh bình thản đón nhận và dùng bản lĩnh cũng như nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, điềm tĩnh vượt qua tất cả.

Chỉ là Dương không hiểu, sao Luân lại có thể bình tĩnh xem nhẹ tất cả những điều đó.

Con người anh rốt cuộc phải tử tế rộng lượng bao nhiêu mới có thể dễ dàng cho qua mọi chuyện, nhất là sau những gì mẹ anh và gia đình đã đối xử với anh. Chỉ là một vài câu nói thoáng qua được kể lại, nhưng mấy ai có thể rõ ràng chi tiết được hoàn cảnh khó khăn mà một đứa trẻ vừa mới sinh ra đã phải nhận sự chối bỏ từ chính mẹ ruột của mình. Mười tám năm ấy, đứa trẻ đó đã lớn lên và trưởng thành thế nào trước sự nhu nhược của người cha và bài xích bất công từ người mẹ.

Nhìn lại mình, cũng ở trong một hoàn cảnh có thể nói là tương tự nhưng tốt hơn rất nhiều. Dương tự nhận thấy, ở phương diện này cậu quả thật còn kém xa Luân.

Trong lúc suy nghĩ, ngón tay cái của cậu vẫn luôn vô thức xoa nhẹ lên lòng bàn tay của anh. Cử chỉ ấy giống như đang xoa dịu trái tim Luân, khiến cho tất cả những hình ảnh vừa lướt qua trong ký ức như đều mang theo mật ngọt.

Anh nhìn Dương vẫn luôn thất thần sau khi nghe mình kể, đột nhiên hỏi: "Em có sợ không?"

"Em sợ cái gì?" Dương không hiểu, hơi nghiêng đầu nhìn về phía sau nhướng mày. "Sợ bị đánh như anh hả?"

Luân bật cười, ngón trỏ của anh gãi nhẹ lên cằm cậu. "Anh đương nhiên sợ em bị đánh, nhưng anh càng sợ người nhà em họ cũng sẽ không chấp nhận."

Dương lại có biểu hiện chẳng sao cả, quay đầu lặng lẽ nói: "Cùng lắm là giống như Tuyên thôi."

Luân khẽ cau mày, biểu cảm hời hợt của cậu không hiểu sao lại dấy lên một tia lo lắng bất an trong lòng anh. Nhưng mà khoảnh khắc ấy chớp qua rất nhanh khiến Luân tạm thời lựa chọn bỏ qua.

Thấy người đằng sau không trả lời, Dương chợt hỏi. "Phải rồi, thằng nhóc có còn phản ứng gì với anh nữa không?"

"Không có." Luân lắc đầu. "Chỉ là cậu ấy hình như đang tránh mặt anh, nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì cũng nói chuyện kiểu nhát gừng không tự nhiên."

"Ừm, cậu ta nhất thời bị sốc chút, qua một thời gian là sẽ quen thôi."

Khuôn mặt Dương chìm trong bóng tối phía trước khiến Luân không thể nhìn rõ biểu cảm cũng đoán không ra tâm trạng thực sự của cậu. Quá khứ của anh dường như có ảnh hưởng đến cậu, nhưng nó vẫn không thể khiến cho lớp vỏ bọc kiên cố được xây dựng từ lâu của cậu hoàn toàn biến mất.

Đêm muộn, mưa đã tạnh hẳn nhưng tiếng gió vẫn rì rào lướt qua khung cửa sổ mang theo không khí lạnh lẽo hiếm hoi sau cơn mưa.

Luân kéo chăn cẩn thận đắp lên người Dương, dịu dàng hôn lên hình xăm phía sau gáy cậu:

"Không nói nữa, ngủ đi."

Nếu hiện tại cậu vẫn chưa sẵn sàng mở lòng, vậy thì anh chỉ có thể tiếp tục đợi mà thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro