Phần 10. Mình thương mà mình không dám nói

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chạng vạng tối, má vừa nhắc nồi canh chua bông điên điển nấu với cá lóc nóng hôi hổi trên bếp xuống, múc ra hai tô, gọi thằng Vũ đang loay hoay sửa cái radio được ông ba Thời cho ở đằng trước nhà, kêu đem tô canh chua nhỏ qua cho má thằng Hùng. Thằng Vũ ra sau hè rửa tay, sau đó mới đi, trên tay bưng tô canh chua nóng bốc cả khói, mùi bông điên điển nấu cùng bông súng hái dưới mương, nó bưng sang mà bụng cứ reo inh ỏi. Má thằng Hùng đang ngồi khâu áo, thấy thằng Vũ qua liền nở nụ cười, bảo nó ngồi chơi tí hẳn về, thằng Vũ nán lại chơi một chút.

Nó ngồi đối diện má thằng Hùng. Thằng Hùng đi lên Sài Thành từ dăm ba bữa trước, đi cùng với tía. Đáng lẽ ra chỉ mỗi thằng Hùng đi lên đó mần ăn, nhưng má nó vào an tâm để con trai chân ướt chân ráo lên chốn phồn hoa diễm lệ đó, nên kêu tía thằng Hùng theo. Ngày thằng Hùng đi, thằng Vũ đang thả lưới ở dưới xóm mới, nghe con Mén cùng xóm báo tin, nó hối hả chạy về tiễn bạn lên đường, vậy mà cũng không kịp, xe đò tới, thằng Hùng leo lên xe đi mất hút, không lời chào tạm biệt. Má thằng Hùng buồn, nhớ con nhớ chồng nhưng biết làm sao được. Tía thằng Hùng nay có tuổi, còn minh mẫn chi đâu, nghề bốc thuốc truyền lại cho chúng nó thì chẳng yên tâm. Mới năm kia còn đổ bệnh nặng. Gánh nặng dồn hết lên vai thằng Hùng.

Thằng Hùng hay bảo lên Sài Thành dù có cơ cực, ở đầu đường xó chợ cũng chẳng thành vấn đề. Người ta thường nói, miễn đặt được một chân lên chốn đó tức là có đường sống, kế sinh nhai không thiếu, kiên trì một chút, nhẫn nhịn là được. Chớ còn ở cái chốn khỉ ho cò gáy này, cho dù mình sống tốt cũng chẳng ai giúp hay thương cho số phận hẩm hiu của mình. Thằng Vũ không đồng ý, nhưng không muốn nói tới nói lui sợ hồi cãi nhau um xùm.

Má thằng Hùng khâu dở cái áo thì hết chỉ, xỏ mãi không qua. Nhìn đôi mắt mờ lem nhem, nếp nhăn trên mặt má thằng Hùng. Thằng Vũ xót xa, trong lòng cứ bứt rứt. Con ngày càng lớn, cha mẹ sẽ ngày một già đi. Bình thường toàn do thằng Hùng làm mấy việc xỏ kim giúp má. Bây giờ thằng Hùng đi, má nó còn mình ên, có khổ, có khó cũng chẳng dám than thở. Thằng Vũ nghĩ ngợi hồi, nghe má thằng Hùng lẩm nhẩm vái bà nội thằng Hùng độ cho con xỏ được cây kim, nó chịu không nỗi kêu đưa con xỏ, ngồi thêm xíu nó xin phép về ăn cơm cùng má, trễ quá rồi. Ngoài trời tối đen thui, ngọn đèn dầu le lói trong căn nhà xập xệ, nó đứng bên ngoài nhìn vào thấy má thằng Hùng lưng hình như gù hơn trước. Cũng phải, qua rồi cái độ tuổi xuân xanh.

Mấy hôm nay nó mất ngủ trầm trọng, đêm nào thằng Vũ cũng nằm gác tay trên trán nghĩ ngợi mãi nên tìm việc làm hay không, dù sao cũng không thể nào suốt ngày đi bắt cá, bắt ốc. Nó làm được thì người ta làm được, mà ở mãi một chỗ thì sớm muộn cá sẽ bị bắt hết. Sáng hôm đó nó dậy sớm, má còn ngủ say, từ hồi cưới gả con ba xong má dường như phấn chấn hơn trước nhiều lắm, nó mừng thay má. Nó chẳng cầu mong gì ngoài gia đình nó luôn khoẻ mạnh, nó loay hoay rửa mặt chải chuốt, bắt nồi cơm lên để sẵn má dậy má múc theo đi ruộng. Còn nó thì đi sang nhà bà hội đồng Trần- bà ngoại của cậu út Nguyên. Thằng Vũ nghe làng xóm nói bên đó đang cần người đi ghe chở vải vóc, quan trọng cần cù, siêng năng. Tại công việc khá nặng, đi một chuyến mất khoảng mười ngày, đương nhiên bỏ bao nhiêu công sức thì tiền được bấy nhiêu tiền. Thằng Vũ suy đi tính lại, cuối cùng vẫn quyết định đi vài chuyến. Kiếm tiền sửa nhà, còn một ít để dành đi học. Lúc sang ngỏ lời với bà hội đồng Trần thì không có cậu út Nguyên ở đó, nghe nói cậu út đi lên phố cùng cha mấy hôm rồi, trưa hoặc chiều nay mới về tới. Bà hội đồng ngoài bảy mươi nhưng vẫn minh mẫn, bà ngồi trên ghế, miệng nhai nhóp nhép mấy miếng trầu, quan sát thằng Vũ một lúc lâu. Sau đó mới kêu nó ra bến xem, thử phụ việc một ngày cho thằng Lâm nó trông, được thì cuối tháng này bắt đầu vào làm. Vì công việc vất vả, người theo bà hội đồng toàn người lớn tuổi, sức khoẻ có tốt tới đâu thì tuổi tác vẫn không thay đổi được, tre già măng mọc. Mà bà hội đồng vẫn chưa chọn được lứa sau để gánh vác dùm bà. Nhưng nghe người trong nhà nói thằng Vũ quen biết với cậu út Nguyên, nói ra mới nhớ thằng Vũ con của Ba Kim. Thằng nhỏ từ hồi tấm bé đã tần tảo phụ giúp má sớm hôm, chẳng quản cực nhọc, dẫu bị mắng chửi vẫn không trách bỏ má nó. Bà hội đồng trọng cái tình, cái nghĩa của thằng Vũ nên phần nào đã xiêu lòng.

Thằng Lâm đi trước, bộ dạng lù khù của thằng Lâm vẫn giống hồi đó. Thời mà chúng nó tranh nhau chỗ đất có cỏ ngon cho trâu ăn, thằng Lâm chăn trâu tới năm lên mười thì tía má nợ nần chồng chất, phải bán anh em thằng Lâm vào nhà giàu cho làm tôi tớ. Thằng Vũ nghĩ thấy tội, nó hay tưởng bản thân mình đáng thương, tội nghiệp. Ấy vậy mà có những người hoàn cảnh còn nghiệt ngã hơn nó nhiều lần. Thằng Lâm dẫn nó đến bến đậu ghe hàng, mấy cái ghe san sát nhau nhau chở đầy vải vóc, mọi người vẫn đang làm việc miệt mài, mà toàn những chú có tuổi, vác được vài xấp vải lớn lại ngồi thở dốc. Trời nắng muốn cháy da cháy thịt, thằng Vũ đi lại bắt tay vào việc luôn. Thằng Lâm đứng gật gù hài lòng, dặn mấy chú lớn tuổi có gì giúp thằng Vũ. Còn thằng Lâm phải cùng thằng Chương đi lên xóm trên kêu cô hai Mỹ Anh và xem cậu út Nguyên đã về tới chưa, nếu về rồi thì gọi xuống bà hội đồng Trần thưa chuyện. Thằng Vũ vác xong khúc vải cuối, ngồi xuống góc dừa uống cốc nước mưa mát lạnh của chú bảy Tòng rót cho, ngửa mặt nhìn trời thấy quá nửa trưa, nó xin phép đi về mang cơm ra đây ăn để làm luôn cử chiều. Nghe mọi người nói chiều nay hàng lại về, cần vác vô kho để sang tháng chở đi giao cho bạn hàng. Nhưng mà chú bảy Tòng kêu nó về, làm nhiêu là đủ, giữ sức đó, sau này còn nhiều việc để nó làm.

Chiều hôm đó ăn cơm xong nó tắm rửa sạch sẽ, nhờ má thằng Hùng giữa nhà dùm nó. Má thằng Hùng cười bảo nhà mày hụt trước hụt sau, cho ăn trộm nó còn không thèm lấy. Thằng Vũ gãi đầu, cười lớn. Nó quên mất tiêu, nhà nó có gì đáng giá đâu. Trời hết nắng lại mưa, mới hơn năm giờ chiều mà trời tối thui. Nó lấy cái khăn rằn quấn lên vai, sau đó cầm theo nãi chuối chín mới hái trong cái rổ được đậy kín ở dưới bếp. Lúc đi ngang nhà của người đàn ông mất vợ kia, thằng Vũ bất giác dừng lại, nó thấy đứa con khóc trong nhà, người kia đang vo gạo nấu cơm ở ngoài mương, còn dang dở thì phải bỏ chạy vào dỗ con. May mắn sao, có lẽ đứa trẻ biết được chỉ còn nó và tía nương tựa lẫn nhau nên hễ tía vào là nín khóc. Căn nhà hai tía con còn sập xệ hơn cả nhà thằng Vũ, nó thở dài. Kêu người kia ra, thằng Vũ định bụng cho nửa nải chuối để ăn cho vui, lúc này nó mới có thể nhìn kỹ, người đàn ông đó độ chừng hai mươi, vậy mà tóc tai, râu ria bờm xờm như người bốn mươi năm mươi tuổi. Nhìn trời gió thổi hù hù như tiếng rống, tiếng thét, nhắm chừng tí nữa mưa sẽ tới, nó nói thêm vài câu rồi xin phép đi trước.

Lúc ra ngoài chỗ cánh đồng, từ xa đã thấy bóng dáng cậu út Nguyên đang đứng đợi thằng Vũ. Cậu út Nguyên mặc chiếc áo sơ mi màu kem, mang giày da, quần tây, tóc còn vuốt ngược lên, chắc vì đứng đợi lâu quá nên cậu út Nguyên ngồi xổm xuống bên đường, nhìn cái gì đó dưới đất. Thằng Vũ nhanh chóng chạy lại, gọi cậu út Nguyên.

Cậu út Nguyên thấy nó liền đứng lên, phủi cái mông dính đầy bùn đất của mình. Hơn hai mươi ngày không gặp, cậu út Nguyên hẹn nó vào tuần trước nhưng phải đi lên phố cùng cha, nhờ người nhắn lại vào hôm nay cậu về sẽ sang tìm. Thằng Vũ nhìn mãi vào đôi mắt cậu út Nguyên, nó không biết do ảo giác hay sao mà thấy mắt cậu út đỏ hoe còn sưng lên, gương mặt hình như gầy hơn trước. Cậu út Nguyên ngại ngùng né tránh ánh mắt của nó, thằng Vũ gãi đầu, nói.

" Tui xin lỗi cậu út nghen, nãy đi trên đường gặp tía con anh kia, tui đứng nói chuyện chút xíu. Cậu đợi tui lâu không? "

Cậu út Nguyên lắc đầu, thực ra cậu út ra đợi nó từ hồi bốn giờ chiều. Lúc nói chuyện xong với bà hội đồng, cậu xin phép ở lại trong xóm với bà hai ba hôm, nhờ chị hai về nói với cha. Được sự đồng ý, cậu út như trẻ con có kẹo ngọt vậy. Cậu út Nguyên cho thằng Lâm với thằng Chương hai cái bánh ú và năm đồng, kêu chúng nó lên xóm trên xem cải lương đi, cậu út đi gặp bạn. Thằng Lâm hỉnh mũi, hỏi phải thằng Vũ không. Thằng Chương bịt miệng thằng Lâm không kịp. Hai thằng bị cậu út Nguyên lườm cho cháy cả mặt. Thằng Lâm còn nói gì mà lần đầu tiên thấy cậu út Nguyên hung dữ như vậy.

Cậu út Nguyên nghe tiếng sấm, hơi lo lắng nói.

" Hình như trời sắp mưa á anh Vũ, mình tìm chỗ nào ngồi đi. Tui có chuyện muốn nói, chắc độ khuya mới cho anh về được. "

" Cậu út định giữ tui ở lại đi bắt ma hay gì mà khuya mới cho về? "

Thằng Vũ định bụng trêu cậu út Nguyên, mà cậu út nhát như cầy sấy, đứng sát bên nó, xoay tới xoay lui nhìn đằng trước đằng sau như thể xem có con ma nào xuất hiện không. Nó không giỡn nữa, dẫn cậu út Nguyên tới cái chòi vịt của ông ba Thời bỏ hơn năm nay, do nuôi vịt ngay đợt bệnh, chúng nó chết hết, ông ba lỗ tiền nên không nuôi tiếp. Thằng Vũ nghĩ làm lạ, ông ba Thời ở căn nhà lợp bằng tranh, không có vật dụng gì đắt giá ngoài cái radio cũ ông ba cho nó. Ấy vậy đó, nhưng ông ba có cả mấy công đất, nuôi trâu cày ruộng, có cả hầm cá ba sa ở gần nhà, còn có đất trồng cây ăn quả. Má nó hay nói do người ta không muốn khoe ra, chớ mà khoe có khi hơn ông hội đồng.

Cậu út Nguyên ngồi bẹp xuống dưới đất, vì nhìn quanh trong căn chòi không còn thứ gì có thể ngồi cả, mấy căn chòi vịt thường thì sẽ dựng sơ sài để họ sinh hoạt ở đó và giữ bầy vịt, thường sẽ chẳng có vật dụng đồ đạc gì nhiều. Bên trong còn hôi cái mùi phân vịt, dưới chân đầy rơm rạ. Thằng Vũ biết tính cậu út Nguyên không nề hà, cũng không chê khen hay đòi hỏi. Nhưng mà trời này ngồi đất khéo lại bệnh, nó kêu cậu út Nguyên đứng dậy. Không biết kiếm đâu ra tấm ván, đặt phía dưới, tìm được cái ngọn đèn dầu còn sót được một chút dầu lửa, nó đốt lên. Cả căn chòi được ánh sáng le lói từ ngọn đèn thắp sáng, nó lúc này mới thấy cậu út Nguyên nhìn mình cười tủm tỉm. Thằng Vũ ngại chớ, làm sao không ngại. Ai đời lại nhìn mình cười thế mà không ngại, nó nào biết phải làm gì, cứ đứng loay hoay trước cửa chòi nhìn đất nhìn trời, cậu út Nguyên sốt ruột mới gọi nó vào. Thằng Vũ mặc kệ, tự trấn an mình dù sao cũng là hai thằng đực rựa, sợ làm gì mà sợ. Nó đi tới, lót chiếc dép ngồi xuống cạnh cậu út Nguyên.

" Sao tui thấy anh Vũ có vẻ sợ tui vậy? Lúc nào tui nhìn anh cũng né tui ra xa...bộ ghét tui hả? " Giọng cậu út tủi thân ấm ức như thể bị đang ức hiếp vậy, thằng Vũ hoảng loạn, ăn nói loạn xạ cả lên.

" Đâu có...ai nói tui ghét...ai nói...không có...thương còn không hết mà. Cậu út đừng nghe người ta nói bậy, tại tui hơi ngại...à không ngại, là do tính tui kì cục. " Đầu óc thằng Vũ trống rỗng, trước nay có khi nào như thế, nhưng mỗi khi gặp cậu út Nguyên, nó lại thấy mình như có bệnh.

" Rồi không ghét tui, tui chọc anh tí thôi. Nhưng mà... " Cậu út đang cầm nhánh cây trúc bẻ được bên đường, ngồi vẽ viết gì đó không rõ hình thù dưới đất bỗng dừng lại, quay sang nhìn nó. Thằng Vũ không hiểu, tò mò hỏi.

" Nhưng mà cái gì cậu út? "

" Anh nói anh thương tui còn không hết là thiệt hả? "

Thằng Vũ ho khan, cậu út Nguyên vỗ lưng nó. Chốc sau nó bình tĩnh lại, không biết nên nói thật lòng mình hay không. Thương thì có thương đó, cậu út Nguyên đối xử tốt với má con nó như thế. Thậm chí còn không chê nó thấp hèn, chấp nhận làm bạn với nó. Tìm đâu ra người như cậu út Nguyên chứ, nhưng mà...

Thương người ta dưới danh nghĩa là bạn bè, cớ sao chẳng giống tình cảm của nó dành cho thằng Hùng.

Thương người ta dưới danh nghĩa người thân, cớ sao chẳng giống tình cảm của nó dành cho con ba Ngọc hay má.

Thằng Vũ vẫn chưa xác định được mình thương người ta theo nghĩa nào. Cậu út Nguyên nhìn nó trầm ngâm suy nghĩ, bản thân cậu cũng chẳng yên lòng, chính cậu cũng phải suy nghĩ đến những câu nói đó, những cái va chạm giữa hai người. Tình cảm đó đến tự nhiên giống như được định sẵn, không khoảng cách, không e dè, không khiến người ta ghê tởm. Cậu út Nguyên học rộng hiểu nhiều, cậu biết được chứ, đọc qua nhiều cuốn sách như thế, chả lẽ không hiểu được cái tình cảm này. Chỉ là cậu út Nguyên vẫn e sợ liệu người ta có chấp nhận mình hay không. Huống hồ làm chuyện trái với luân thường đạo lí thì người đời sẽ nhìn hai người họ như thế nào? Nhất là ông hội đồng Trương, người cha một mực cậu út Nguyên kính trọng lẫn sợ hãi. Cậu út Nguyên nào muốn kéo thằng Vũ xuống nước cùng mình, chìm trong bóng tối, những lời mắng chửi, chì chiết từng ấy năm qua cũng khiến cho người ta khốn khổ. Nhưng không ngăn được bước chân mình, không ngăn được trái tim mình luôn muốn tìm đến thằng Vũ. Dẫu có nhìn từ xa, dẫu có vô tình lướt qua hay cùng nhau đi làm việc đồng áng. Từng kỷ niệm một, cậu út Nguyên luôn ghi nhớ, có lẽ nhiều năm sau nữa, không biết sẽ có những chuyện gì xảy ra, nhưng cậu út Nguyên chắc vĩnh viễn chẳng bao giờ quên được đoạn tình cảm này. Ngây thơ, đẹp đẽ xen lẫn xấu hổ lẫn nhục nhã.

Ngoài trời đổ mưa lớn, cậu út Nguyên chìm đắm trong dòng suy nghĩ của bản thân mình. Không rõ khi nào ngón tay bỗng dưng đau nhói, thằng Vũ giật mình, nắm ngón tay cậu út Nguyên, gương mặt nhăn nhó. Hoá ra cậu út không chú ý nên bị dằm đâm vào tay chảy cả máu ra. Thằng Vũ lấy cái khăn rằn lau vết máu trên tay cậu út Nguyên.

" Em nghe nói khăn rằn tặng người ta thay lời chúc phúc phải không anh Vũ? "

Tay thằng Vũ vẫn nắm chặt lấy tay cậu út Nguyên không buông. Cậu út lên tiếng cho bớt ngượng, nó mới giật mình buông ra.

" Ừ, má tui nói nghĩa là chúc phúc. Mốt cậu út cưới vợ tui mang qua tặng cậu há? " Thằng Vũ nói ngây nói dại, cũng chẳng biết mình nói ra cái gì.

" Anh dám mang tặng không? " Cậu út Nguyên gượng cười.

Thằng Vũ quay sang nhìn cậu út, dưới ngọn đèn le lói, nó thấy cậu út mặt buồn hiu, trong lòng nó bỗng dâng trào cảm giác xót xa, nó nhỏ giọng đáp.

" Thế cậu đừng lấy vợ, tui không dám."

Tiếng mưa lớn lấn át cả tiếng nói của nó, cậu út nghe loáng thoáng vài từ, muốn chắc chắn nên hỏi ngược lại.

" Anh nói cái gì? "

" Tui không nói gì hết, mà cậu út tìm tui có chuyện chi đó? "

Cậu út chợt nhớ ra mục đích mình hẹn nó ra, gắng nói lớn sợ thằng Vũ không nghe, vì trời mưa càng lúc càng to, căn chòi như rung rinh lên theo từng tiếng sấm đánh xuống.

" Chị hai tui mở lớp dạy học ở cuối xóm, cái nhà ông bảy Hiệp cho thuê. Cuối tháng này chị tui bắt đầu dạy, anh sang lấy sách về học. Chị tui không có lấy tiền, dạy không cho mọi người. Có gì cuối tuần cho tui ít bánh trái tui ăn, xem như trả công. "

" Cậu út khôn ghê, chị cậu dạy mà cho bánh cậu ăn..."

Cậu út bật cười hì hì, cái giọng cười giòn tan, cười lên đôi mắt híp lại chẳng thấy đâu. Từ hồi quen nhau tới giờ đây là lần đầu tiên thằng Vũ thấy cậu út thoải mái cười với nó như thế. Như đứa trẻ con, chẳng vướng bận điều chi. Nó nghe xong vui mừng lắm chớ, ước mơ bao năm của nó sắp được thực hiện. Nhưng khó thay, cuối tháng này nó đi ghe hàng của bà hội đồng Trần. Không biết về kịp học hành hay không, đâu thể nào ép cô hai Mỹ Anh dạy lại từ đầu cho mỗi mình nó. Cậu út Nguyên nghe xong bảo thằng Vũ cứ đi chở hàng, lúc về trễ nhiêu bài thì cậu út Nguyên dạy lại bù cho nó bấy nhiêu. Lần này đường đường chính chính lấy bánh từ tay thằng Vũ. Nhắc tới đây thằng Vũ nhớ nửa nải chuối mình mang sang, đưa cho cậu út. Từ cái hồi chặt buồng chuối xuống, đem về đợi chín, nó đã có ý định cho cậu út Nguyên. Nghe cô hai nói cậu út Nguyên dễ nuôi, hay ăn chuối cùng cơm và kho quẹt. Cậu út Nguyên vui vẻ ôm lấy nửa nải chuối trong lòng. Quả nhiên như cậu út nói, hai đứa trú mưa tới tận khuya mới tạnh, ngoài đường đất bây giờ toàn sình bùn , cậu út Nguyên xắn gấu quần tới tận đầu gối, đôi giày được buộc dây lại, vắt ngang trên cổ. Chân không lội qua mấy vũng đất bùn lầy, cuối cùng về tới nhà cái áo sơ mi cũng dơ. Đưa cậu út Nguyên tới cầu khỉ, như mọi khi thằng Vũ sẽ đưa bó lá dừa cho cậu rọi đường về. Nhưng hôm nay mưa, nó sợ trơn trượt, nên đưa cậu út Nguyên sang bên bờ bên kia. Lúc đứng tạm biệt nhau, cậu út Nguyên thấy trên mặt nó dính sình, ngay chóp mũi, cậu út chỉ cho nó chùi. Mà thằng Vũ khờ quá, càng chùi càng lem nhem, cậu út nhịn không nỗi tiến lại gần, kéo cái khăn rằn chùi từng vết dơ trên mặt cho nó. Sau đó vẫy tay tạm biệt thằng Vũ vào nhà, nó vẫn đứng im đợi đèn trong nhà hội đồng tắt ngúm. Nó định về nhưng lười đi cầu khỉ, nghĩ hồi nó nhảy cái ùm xuống sông bơi qua bờ bên kia.

Trước ngày thằng Vũ đi, nó sang thăm con ba, mà không gặp được con ba vì hôm đó con ba đi chùa với ông bà hội đồng Nguyễn ở trên tỉnh. Chỉ còn mỗi cô ba Bảo Anh ở nhà, nó chợt nhớ ra cái cô gái hay nhìn nó cười ở đám cưới con ba, nó sợ không dám ở lại lâu. Nói vài cậu rồi bỏ về luôn, cô ba Bảo Anh dí theo tặng cho nó cái bánh chưng, thằng Vũ từ chối không muốn nhận. Trên đường về vô tình gặp con ba đi chùa về, con ba xin phép cùng anh hai nói chuyện chốc lát. Ông bà hội đồng kêu người ở lại, nhưng cậu hai Minh Phương không chịu. Bảo dẫn người về hết đi, để mỗi con ba nói chuyện với thằng Vũ. Chừng nào nói xong thì về. Hai anh em nó tấp vào quán nước ở ngay đầu chợ của bà tám Tỉnh, con ba thấy anh hai thì như con nít gặp mẹ đi chợ về mang quà bánh, nhào tới ôm anh hai. Thằng Vũ kể con ba Ngọc nghe vụ thằng Hùng đi lên Sài Thành, từ hồi cưới tới giờ con ba vẫn chưa về thăm nhà mẹ nên nào biết. Thằng Vũ kể chuyện thằng Hùng thương con ba, vì nó cứ ngỡ con ba đã biết từ lâu. Con ba Ngọc nghe xong tim như bị vỡ ra từng mảnh vụn, cả cơ thể cứng đờ, mắt mũi đỏ hoe, ấp a ấp úng nắm tay thằng Vũ hỏi.

" Người ta thương em sao người ta không nói hả anh hai? "

Người ta thương em, nhưng người ta sợ.

Sợ sẽ khổ em, khổ mình.

Năm quan đổi lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người là người có duyên
Tình tính tang là tang tính tình
Hỡi cô mình rằng " Ấy anh chàng ơi "
Rằng có biết là biết hay chăng
Rằng có nhớ là nhớ hay chăng

- Trích Cò Lả "

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro