Phần 11. Cớ sao chẳng nên duyên nên phận?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mùa này gặt lúa nước lên tận nửa người, lúa gặt xong phải dùng xuồng ba lá chở qua bến, cái mùi lúa gặt còn thoang thoảng, rơm rạ chất đầy đường đê. Cậu út Nguyên đang đạp xe đi trên đường, chỗ nào có lúa đang phơi thì xuống xe dắt qua, chỗ nào có đám trẻ đang chơi đùa thì cậu từ xa gọi lớn bảo chúng nó né ra. Tụi nhỏ thấy xe đạp, mắt sáng như đèn pha ô tô. Có đứa hỏi cậu út Nguyên có thể sờ vào thử không, chúng nó như thấy thứ gì mới mẻ lắm, nâng niu từng chút không dám chạm vào mạnh. Cậu út Nguyên cười nhìn chúng, hỏi có muốn chạy thử không. Nhưng mấy đứa nó lắc đầu, nói sợ làm hư không có tiền đền. Cậu cũng không ép chúng nó, cứ mặc cho đám nhóc chiêm ngưỡng đã đời rồi đạp xe đi tiếp. Chiếc xe đạp Thống Nhất mẫu mới nhất cậu đang chạy là được ông hội đồng mua để tiện đi học, cậu út Nguyên xưa giờ toàn đi bộ, nếu không thì ngồi xe của ông hội đồng, lần này được sắm cho cái xe riêng của mình, cậu vui lắm. Cứ đạp tới đạp lui khắp xóm, phía sau lưng có thằng Lâm với thằng Chương đuổi theo sau, nói vui mồm là đuổi theo, thực ra hai thằng đấy cuốc bộ chầm chậm, có khi cậu út về tới nhà mà hai đứa vẫn còn ở đằng xa.

Cậu út Nguyên năm nay mười bảy tuổi, cái độ tuổi xuân xanh mơn mởn, cậu út là con trai ấy vậy mà có làn trắng bốc như hột gà luộc, đường nét trên gương mặt mềm mại, ưa nhìn, cái miệng duyên dáng, mỗi lần cười lên đôi mắt híp lại nôm dễ gần lắm, lại còn chịu thương chịu khó. Bình thường cậu út Nguyên hay cùng thằng Vũ đi đây đi đó làm việc chân tay, có khi gặp mấy chị ngoài đầm đang hái sen. Mấy chị ấy chạc tuổi chị hai của cậu út, dạy cậu út hò đôi ba câu. Vậy mà lần này khi chạy ngang mấy chị hái sen dưới đầm cậu út Nguyên lại bị trêu, mấy chị thấy cậu ngại ngùng xoay mặt chỗ khác liền phá cười. Trước kia không trêu vì thằng Vũ nó ngăn, lần này thằng Vũ đi chuyến xa chưa về, mấy chị ấy tranh thủ cơ hội chọc ghẹo trai mới lớn. Ai ngờ cậu út Nguyên da mặt mỏng như thế, đạp xe nhanh qua khỏi chỗ đầm hoa sen, bỏ mặc hai đứa kia chạy theo như chó đuổi phía sau. Thằng Lâm luôn miệng càm ràm cậu út chơi xấu, thằng Chương phải tóm lấy thằng Lâm đánh mấy cái mới chịu im miệng.

Cậu út Nguyên về thì vừa lúc cô hai Mỹ Anh dọn cơm ra ăn, chiều nay ông hội đồng đi lên thị trấn ăn tiệc mừng khai trương tiệm gạo nhà hội đồng Nguyễn. Hồi đầu muốn dẫn cậu út theo để cho quen chuyện làm ăn, mà cậu út không chịu, dẫu sau vẫn chưa tới tuổi lo nghĩ, cậu út không muốn lo, cứ nghĩ tới phải nở nụ cười giả tạo, nói mấy câu nịnh bợ tâng bốc nhau thì cậu lại thấy đau đầu. Trên bàn thờ nhang khói nghi ngút. Cậu út nghĩ chắc do dì hai Ánh đi theo má từ hồi còn con gái tới bây giờ đốt cho má đỡ buồn. Chớ cậu út Nguyên cứ quên hoài, mỗi lần đốt nhang vái lạy má, toàn là vì buồn trong lòng, không biết chia sẻ cùng ai nên tìm má nói chuyện.

Ở trong nhà lớn nhiều người mà sao lạnh lẽo, ngột ngạt lẫn cô đơn. Tôi tớ không dám thân thiết với chủ, người trong nhà phải nhìn sắc mặt nhau mà sống. Cậu út thở dài, tự dưng cảm thấy nhớ má da diết, đôi đũa cứ cầm lên rồi bỏ xuống, chén cơm ăn từ nãy tới giờ vẫn không xong. Cô hai thấy sắc mặt cậu út không tốt, kêu cậu ráng ăn chút cơm tí nữa hẳn vào phòng nghỉ. Cô hai Mỹ Anh nấu canh bầu với tôm, cá lóc mua ngoài chợ mang đi kho khô. Thông thường cơm cậu út Nguyên do dì hai Ánh nấu, vì mấy ngày nay cô hai thấy cậu út ăn không ngon miệng nên muốn đích thân xuống bếp nấu cho cậu vài món quen thuộc. Cậu út sợ chị hai lo ráng lùa hết nửa chén cơm lẹ cho xong, sau đó vào đi phòng. Cô hai ngồi mình bơ vơ trên bàn ăn, tiếng cửa phòng đóng lại, chén cơm trên tay cô hai rơi xuống đất vỡ tung toé, cơm ở trên nền gạch đỏ, bây giờ bị cát dính lên dơ duốc cả rồi, mảnh vỡ của cái chén nhọn hoắc, cô hai ngồi xổm nhặt từng mảnh, không hiểu sao ngay khoảnh khắc nhặt tới miếng cuối cùng, trong lòng cô hai dấy lên cảm giác bất lực, cô hai ngồi bịch xuống đất, ôm mặt khóc nức nở. Người làm ở sau nhà nghe tiếng chạy lên hỏi han, cô hai nhanh chóng lau đi nước mắt, nhờ họ dọn dùm sau đó cũng vào phòng nghỉ.

Tối hôm đó không ngủ được, cô hai không an tâm về cậu út nên đi sang gõ cửa. Nhưng mãi không thấy tiếng trả lời, đèn đuốc vẫn sáng trưng, cô hai nghĩ rằng cậu út chắc mệt quá nên ngủ quên. Rón rén vào phòng tắt đèn cho cậu út Nguyên, tuy nhiên chẳng thấy người đâu, cô hai không quá ngạc nhiên tựa chừng đã quen với việc này, khép cửa phòng lại đi thẳng một mạch ra kho củi bị bỏ hoang từ lâu. Ngoài trời giờ này hơi đổ mưa lăm răm, còn sấm nữa, cái kho nằm ở phía sau vườn, hồi đó là chỗ bà hai xây lên để cho cậu út Nguyên chơi nhà chòi. Sau này ông hội đồng thấy cậu út nhớ thương má tới mức sinh bệnh, bỏ ăn, bỏ uống, việc học sa sút. Ông hội đồng xót con nên tìm cách để cậu út quên đi chuyện này, có người ý kiến rằng ông hội đồng nên dẹp hết mấy thứ liên quan tới bà hai. Con người mà, không thấy cái gì đó một thời rồi cũng sẽ quên. Vậy đó, cậu út Nguyên khi biết ông hội đồng đem quần áo với khung ảnh của má đem đốt, gào khóc như điên dại. Đang ở trên Sài Thành một hai đòi về, nhưng bị cô hai cản lại. Khuyên răng đủ điều, dù sau việc má mất là sự thật không thể thay đổi. Tuy nhiên không thể nào cứ mãi chìm đắm trong những hồi ức đau thương mãi được, phải sống vì thực tại nữa. Cậu út lúc đó chỉ biết bấu vào tay chị hai khóc cả đêm.

Sau này đỡ hơn, ai cũng tưởng cậu út dần nguôi ngoai cho đến một hôm cô hai Mỹ Anh phát hiện cậu út Nguyên không đến trường, hôm đó có kì kiểm tra và thầy giáo gọi điện thoại bàn đến nhà. May sao cô hai là người nghe máy, cô hai thu xếp việc làm nhanh chóng lên trường xin lỗi giáo viên, sau đó tìm cậu út khắp nơi. Lòng cô hai như lửa đốt, cái chốn Sài Thành đông đúc xô bồ, kẻ đến người đi như kiến, tìm một con người nhỏ bé giống như mò kim đáy bể...Cô hai bình tĩnh gọi nhờ mọi người quen biết và dặn không nói cho ông hội đồng biết. Có lẽ ông trời cảm động bởi tình thương cô hai dành cho cậu út, nó lớn lao tựa như một người mẹ. Chiều hôm ấy cô hai tìm thấy cậu út đang uống rượu ở vũ trường cùng với mấy cậu chủ nhà giàu. Người say bí tỉ chẳng biết gì, mùi rượu nồng nặc sọc thẳng vào mũi, cô hai nhịn xuống dù muốn nôn, cố gắng đỡ cậu út dựa vào người mình sau đó rời khỏi vũ trường. Cậu út trong cơn say gọi tên má, ngồi ở trên xe xích lô gục vào lòng chị hai khóc như trẻ con. Về sau mấy cậu chủ đó kể lại với cậu út Nguyên, khen cô hai nhỏ bé mà kiên cường, có lẽ là vì tình thương nó lớn quá, ngay cả cõng cậu út lên vai cô hai cũng bằng lòng cõng về, miễn cậu út bình an vô sự.

Sau việc đó cô hai giận không nhìn mặt, cậu út phải hứa hẹn không uống rượu nữa thì cô hai mới chịu tha thứ. Nhưng mà gần đây cô hai phát hiện ra cậu út tâm tình không ổn, dạo trước còn hay sứt dầu gió trên người, ban đêm thường sẽ không ở trong phòng. Hôm kia vô tình tỉnh giấc giữa đêm bởi tiếng bìm bịp kêu nghe sao mà thê lương quá, cô hai tắt radio đang phát cải lương, đi ra ngoài định hít khí trời thì thấy cậu út Nguyên lù lù từ đằng sau đi lên, thấy cô hai đứng đó liền giật mình, đem thứ đang cầm giấu trong túi quần, nói được với cô mấy câu thì gấp gáp chạy về phòng. Mấy ngày sau con Lì tìm được mấy điếu thuốc vắn, dạng thuốc lá mà vắn lại trong tờ giấy, đốt lên để hút trong túi áo cậu út. Con Lì đưa ra đưa cho cô hai Mỹ Anh xem chớ không dám báo cho ông hội đồng, tính ông hội đồng nghiêm khắc, cay nghiệt, nếu biết chuyện có nước đánh chết cậu út. Cô hai không tin nhờ tụi tôi tớ trong nhà quan sát, hoá ra ban đêm cậu út sẽ chạy ra phía kho đựng làm gì đó cả buổi tối, chúng nó không dám tiến lại gần rình mò, phần vì sợ phần vì nghe cô hai dặn không được để cậu út Nguyên hay biết chuyện này.

Cô hai bước ra, từng bước nặng nhọc khó khăn. Một khoảng cách gần như thế mà cô hai cảm tưởng như bước đi trên gai trên đá, đau đớn từ trong lòng cho tới thể xác. Cô hai sợ chứng kiến cái cảnh năm đó thêm lần nữa. Lúc ra đến nơi, trong kho củi có ngọn đèn dầu le lói, cô hai hít thật sâu, trấn tỉnh bản thân. Dù có nhìn thấy gì đi chăng nữa, thì cậu út Nguyên vẫn là đứa em trai cô hai yêu quý. Cô hai hiểu được tính cậu út, nhưng rồi cảnh tượng trước mắt khiến cô hai không đủ bình tĩnh, suy sụp ngay tại nơi đó, phải dựa hẳn người vào cánh cửa giữ thăng bằng. Cậu út Nguyên đang ngồi phì phèo khói thuốc, dưới đất vô số tàn thuốc ngắn dài, những chai rượu đế nằm lênh láng trên mặt đất, cậu út tóc tai bù xù, quần áo xộc xệch nhếch nhác, áo sơ mi màu trắng bây giờ dính đầy đất cát. Thấy có tiếng động cậu út mới nhìn ra, thấy cô hai đang rơm rớm nước mắt, cậu út dập lửa quăng điếu thuốc, muốn chạy lại đỡ chị hai nhưng nghĩ lại mùi thuốc mùi rượu trên cơ thể mình thì lùi lại, vừa hổ thẹn vừa nhục nhã, lúc đó nếu có thể đánh chết mình đi cậu út sẽ tự đánh chết mình ngay lập tức.

" Dọn dẹp đi rồi vào nhà chị hai nói chuyện với út. " Chị hai nói bằng giọng đanh thép nhưng cậu út nghe được trong đó có vài phần run rẩy, nghẹn ngào.

Cô hai Mỹ Anh đi vào nhà trước, cậu út Nguyên đứng vò đầu bức tóc, đá mạnh vào cánh cửa cái, chửi thề vài câu sau đó dọn dẹp tàn dư. Cảm giác khó chịu chẳng nói nên lời, cậu út Nguyên không hiểu bản thân mình đang làm gì, cũng chẳng hiểu vì sao bản thân trở nên tệ hại đến như vậy. Ngày hôm nay hút thuốc, không phải lần đầu. Việc uống rượu càng không phải ngày một ngày hai, cậu út chán nản với cuộc sống hiện tại. Ngày má mất đi cậu như mất cả niềm tin lẫn sự sống, việc mất má trở thành vết thương thầm kín trong trái tim cậu. Hồi ở Sài Thành cậu đi uống rượu cho quên sự đời, mà uống xong đầu đau nhói, cơ thể mệt rũ rượi, nằm ngủ trên giường từ sáng tới chiều vẫn không ngóc đầu nỗi. Vậy mà vui, ở trong mơ cậu út thấy má, thấy anh Vũ dẫn cậu đi chơi trốn tìm, đi gặt lúa. Tiếng mưa gió ban đêm nghe sao não lòng quá, cậu út đem mấy điếu thuốc vắn mua được ở xóm bên quăng hết xuống dưới mương. Mệt mỏi rồi, ngay cả chìm đắm trong khoái lạc cũng chẳng cứu vớt được linh hồn mệt mỏi lạc lối của cậu út. Còn làm cho chị hai thất vọng, cậu út chẳng sợ trời chẳng sợ đất. Chỉ sợ người thân thấy mình trong dáng vẻ thảm hại nhất. Cô hai ngồi trên chỗ ông hội đồng thường ngồi, cầm chiếc roi mây lớn, hai bên tôi tớ đã thức giấc, cậu út cúi đầu bước vào, quỳ xuống dưới chân cô hai, muốn nắm lấy tay cô hai nhưng bị gạt ra, cậu út biết chị hai giận, không dám hó hé thêm. Cô hai Mỹ Anh gằn giọng nói lớn.

" Trương Gia Nguyên, cậu đứng lên. Người cậu cần quỳ tạ lỗi là má hai. Không phải chị. "

Trái tim cậu út đang nhảy cẫng lên, đập liên hồi trong sự sợ hãi. Từ trước đến nay có bao giờ chị hai xưng hô xa cách như vậy. Cậu út Nguyên tay chân lạnh ngắt, cái cơn say là đà kéo đến, đầu óc choáng hết nhưng mà vẫn cố bò đến chỗ bàn thờ má, lúc ngước lên nhìn ảnh thờ, má vẫn dịu dàng nhìn cậu út, vẫn gương mặt hiền lành phúc hậu, cậu út chợt nhớ lời má dặn trước khi mất. Từng lời một vang vọng trong đầu cậu như nhắc nhỡ rằng cậu đã phạm sai lầm lớn nhất cuộc đời mình, cậu út nghẹn ngào, mặt mũi đỏ lên hết. Dì hai Ánh xót xa, ra hiệu cho cô hai, nhưng cô hai vẫn nghiêm mặt, nhìn xa xăm chớ chẳng thèm ngoảnh mặt nhìn cậu út đang vật vã đấu tranh với chính lương tâm mình.

" Nguyên, sau này mà chết đi còn đừng buồn. Ráng sống cho thật tốt, nghe lời chị hai. Má chẳng hy vọng còn làm ông này bà nọ, chỉ mong con có thể sống có ích với xã hội, không thẹn với lương tâm. Đừng học thói hư thói xấu, người ta hay nói " tứ đổ tường " vướng vào thì khó mà dứt lắm, con hứa với má được không? "

Cậu út Nguyên hứa, bản thân sẽ cố gắng sống thật tốt. Cớ sao chẳng làm được? Trong mơ màng cậu thấy má đứng ở góc nhà nhìn mình, ánh mắt hiện rõ sự buồn bã. Cậu út Nguyên cúi gầm mặt như thể không muốn má thấy mình nhếch nhác.

Thật hổ thẹn.

Chốc sau cậu út Nguyên cúi người dập đầu trước bàn thờ má ba cái, sau đó đứng dậy quay lại chỗ cô hai Mỹ Anh quỳ xuống, cậu nghĩ mình sẽ dũng cảm nhìn thẳng vào mắt chị hai và nói rằng mình sai, muốn xin chị hai tha thứ. Nhưng tới lúc nhìn thấy đôi tay lạnh phát run, tóc bị ướt do mưa, trên bả vai còn ươn ướt, cậu út không thốt thành lời, chắc là cô hai đã đội mưa chạy đi tìm cậu út cả buổi trời. Nghĩ tới đó trái tim cậu bỗng dưng thắt lại.

" Lần này em không xin chị hai tha thứ, vì lần trước em hứa nhưng mãi vẫn không làm được. Chỉ mong chị hai đừng tức giận, em thật sự biết lỗi của mình. Nhưng chị hai ơi, em biết làm sao nếu như em nhớ má đây chị? Em thật sự không biết..."

Cậu út Nguyên ráng bình tĩnh hết mức có thể, mà giọng nói ra cứ nghẹn ngào như sắp khóc tới nơi. Cô hai không kiềm lòng được, bản thân cô cũng vô tâm, không để ý được rằng cậu út Nguyên vốn dĩ vẫn luôn canh cánh về cái chết của bà hai, trách chính mình vô tâm, trách chính mình không dạy dỗ được em, cớ sao trách được cậu út. Vốn dĩ đứa trẻ là trang giấy trắng, mình phải dạy nó mới biết. Cô hai hiểu cảm giác của cậu út, má cô hai mất tới nay đã hơn hai mươi ba năm. Đến nhìn mặt má cô hai còn chưa nhìn được, có lẽ vì vậy cô hai không quá đau khổ. Cậu út thì khác, từng kỷ niệm xưa cũ vẫn luôn hiện hữu, chúng nó biến thành con dao, đâm thẳng từng nhát chí mạng vào cậu. Cô hai Mỹ Anh còn không biết cách thì biểu cậu út phải làm sao? Cuối cùng đêm đó nạnh ai về phòng người nấy, cậu út tắm sạch sẽ vào phòng nhưng nằm trằn trọc đến sáng hôm sau không tài nào ngủ được.

Qua mấy ngày hôm sau cô hai vẫn đối xử với cậu út bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra vào đêm hôm đó, tôi tớ trong nhà cũng không hó hé một lời. Thêm mấy ngày nữa, lúc dì hai Ánh nhóm củi nấu cơm dưới bếp, cậu út Nguyên đi học về xuống tìm. Dì hai Ánh mới kể cô hai khóc nhiều lắm, tuy vậy cô hai vẫn muốn cậu út tự thay đổi, vốn dĩ có phải cậu út ham vui mà làm ra chuyện đó, con người ta khi buồn có nhiều cách để làm vơi đi chút ít. Có người uống rượu, có người vùi đầu vào sách vở, có người im lặng, có người khóc lóc, có người bằng lòng nói ra thì cũng sẽ có người giữ kín trong lòng. Cô hai không trách cậu út, mong rằng sau lần này, cậu út tự kiểm điểm chính mình. Mười bảy tuổi đầu, mới sống được hai phần mười cuộc đời. Cuộc đời này còn dài lắm. Nếu cứ chôn chân trong cơn say và mộng tưởng thì chi bằng tự kết liễu cho xong.

Chiều tà cậu út đạp xe xuống chỗ cô hai mướn để dạy học. Lớp học không lớn, chứa được tầm mười người, hai bên hai bên lợp bằng lá, nóc nhà được lợp bằng tôn cũ, ở giữa có chiếc bảng màu đen, có vài bộ bàn ghế. Cô hai đang loay hoay soạn bài để tối hôm nay dạy buổi đầu tiên. Lúc cô hay nói ra ý định muốn mở lớp học, ông hội đồng nào có ủng hộ, mắng cô tổ phí thời gian, học hành chừng ấy năm bây giờ đi dạy miễn phí cho lũ dân đen, làm trâu làm chó cho chúng nó. Cô hai thưa chuyện cho phải phép, chớ không cần ông hội đồng có chịu hay không. Bởi vì bên bà hội đồng Trần đã giúp cô hai thuê chỗ này, còn kêu người giúp cô hai sửa sang chỗ dạy. Xưa nay người ta hay nói " Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng "

Nhưng đâu phải mẹ ghẻ nào cũng toan tính, ác độc và đôi lúc cho dù máu mủ ruột thịt cũng chắc gì đã thương mình.

Cậu út chỉ ghé ngang nhìn rồi đi, lúc chạy về thì có ghé ngang nhà thằng Vũ. Cậu út Nguyên đứng bên ngoài thấy má thằng Vũ đang ăn cơm cùng cô ba Bảo Anh con ông hội đồng Nguyễn. Cậu út có nghe qua chuyện cậu hai Minh Phương nói rằng cô ba Bảo Anh hình như có tình cảm với thằng Vũ. Nhưng mà thằng Vũ liên tục từ chối, cậu hai khuyên cô ba đừng tự đa tình nhưng cô ba cứng đầu cứng cổ có chịu nghe lời đâu. Nhìn má thằng Vũ thích cô ba Bảo Anh như thế, trong lòng cậu út Nguyên nặng trĩu. Dù sao người ta cũng cần một cô con dâu chăm sóc mình tuổi xế chiều, có lẽ không lâu nữa lại có đám cưới diễn ra.

Tình cảm mình dành cho người ta ngay từ đầu đã không phải là thứ tình cảm đáng xuất hiện, trái lại với lẽ tự nhiên, trái với luân thường đạo lý. Sớm đến thì sớm tàn có lẽ sẽ tốt cho cả hai. Cậu út nghĩ lại thấy buồn bã, lủi thủi dắt xe đi về chớ không đạp nữa. Thằng Chương với thằng Lâm đi lên xóm trên lấy đồ cho bà hội đồng vô tình gặp cậu út đang dắt xe ngược hướng, hai thằng vẫy tay chào mà cậu út lạnh nhạt gật đầu chào. Thằng Lâm vui vẻ kéo tay thằng Chương, luôn miệng kể chuyện. Đi xa cả đoạn còn nghe tiếng hai thằng nó nói cười. Cậu út ngước đầu nhìn lên bầu trời, mây đen kịt, lại mưa. Cớ sao cứ mưa hoài, người ta thường nói mưa chúc phúc tình nhân, vậy mà sao hễ có chuyện buồn thì trời lại mưa chứ? Có phải ông trời nghe được lòng người không? Mưa, trôi hết đi nỗi buồn. Nhưng đôi lúc, đã buồn gặp mưa còn buồn hơn. Cậu út bỗng dưng ho khan ho khô, nghĩ bụng chắc gần đây ăn uống không đầy đủ, chắc sắp đổ bệnh. Có mấy người mần ruộng quay về nhà, thấy cậu út nhiệt tình chào hỏi. Tới lúc về đến nhà hơn bảy giờ tối, giờ đó ông hội đồng mới từ trên thị trấn về, đồ còn chưa thay đang ngồi xem sổ sách ở phòng khách.

" Thưa cha con mới về, cha ăn cơm chưa? " Từ nãy tới giờ cậu út Nguyên ho hoài, giờ cổ họng hơi ran rát, giọng cũng khàn khàn.

" Cha ăn rồi. Lại đây ngồi, cha có chuyện muốn nói với bây. "

Ông hội đồng buông sổ sách xuống, để gọn qua bên, cậu út Nguyên tiến lên ngồi ở đối diện, ông rót cho cậu chén trà. Mấy ngày không gặp mà cha cậu như già thêm vài tuổi, tóc bạc trắng, gương mặt đầy nếp nhăn nheo, đôi mắt đen sâu hun hút, lúc rót trà cậu út còn thấy đôi tay của ông hội đồng run lên. Cậu út Nguyên giành lấy bình trà, rót ngược lại cho cha.

" Cha thấy mấy nay con ốm hơn trước phải không út Nguyên? " Ông hội đồng cầm ly trà uống một hớp.

" Chắc cha hoa mắt, con hả? Lên được hai ký, vài bữa bên xóm cân heo, đem con cân lên bán vừa đủ kí đó cha. "

Cậu út cố tình nói năng không nghiêm túc cho bầu không khí dễ thở hơn, cậu vẫn thường thấy áp lực khi nói chuyện với cha. Dẫu biết ông hội đồng yêu thương mình, nhưng những chuyện trước kia mang đến cho cậu út Nguyên một vết đen lớn trong lòng, khó mà quên.

" Mà nè, con thấy con bé Bảo Anh như thế nào? " Ông hội đồng nhìn thẳng vào mắt cậu út.

" Con không thích người ta, cũng chả nhớ gì về người ta hết. " Cậu út Nguyên né tránh ánh mắt của cha.

" Cha nào ép con, nhưng mà cha thích con bé đấy. Lễ phép, ngoan ngoãn. Hay con sang tìm hiểu người ta đi, dẫu sau bây giờ không cưới thì mình mần đám dạm hỏi trước. " Nghe điệu bộ này hẳn ông hội đồng đã tính toán từ trước.

Cậu út Nguyên cúi đầu, không trả lời. Ngoài mặt bình tĩnh cố thế nào cũng không qua giấu được nỗi sợ trong lòng. Bỗng cái cảm giác nghẹn ngào, chua chát dâng trào. Tay chân của cậu út bấy giờ lạnh ngắt, bàn tay không khống chế được nắm chặt lại, từng móng tay đâm thẳng vào da thịt, thế mà cậu chẳng thấy đau, cậu càng siết chặt hơn. Cậu út nghĩ cũng chẳng nghĩ ra cái cảnh mình phải cưới một người mình không yêu, thậm chí người đó đã có người trong lòng. Ngày má cưới cha, không biết má có buồn không khi cha chẳng thương má. Hẳn buồn lắm, vì cậu út Nguyên hay thấy má len lén khóc thầm trong lúc cậu ngủ. Nhưng mỗi lần như thế cậu út đều giật mình tỉnh dậy, nghe thấy mà chẳng dám mở mắt, chỉ nằm im ở đó đợi má ngừng khóc. Cậu út Nguyên từng hứa với lòng rằng sẽ không làm khổ con gái người ta như cha. Vả lại, cậu út Nguyên có người trong lòng mình. Tuy biết không thể chung chăn chung gối, nhưng ít nhất cậu út vẫn có cái quyền mơ ước cái viễn cảnh hai người sớm tối có nhau, ít nhất vẫn có thể làm bạn. Cũng may, ngay lúc đó cô hai dạy về. Dựng xe đạp xong thì vào nhà, thưa cha đàng hoàng xong lại xin phép cha đưa cậu út Nguyên vào phòng, có chuyện cần tìm em để hỏi. Cậu út chỉ đợi giây phút này, cả cơ thể như được giải thoát khỏi xiềng xích.

Tối đó cô hai mang ly nước chanh gừng vừa pha vào phòng cho cậu. Ly nước chanh gừng nóng hổi, uống vào có vị the ngay đầu lưỡi, cậu út Nguyên như con nít bị ép uống thuốc vậy, người thì quấn cái mền hoa, lú mỗi cái đầu nhỏ ra, uống một hớp chanh rừng thì uống một hớp nước lạnh. Cô hai dịu dàng vuốt ve đầu, cậu út mỉm cười. Uống xong cô hai không đi liền, ngồi đó chốc lát, suy nghĩ cả buổi mới lên tiếng hỏi.

" Hồi chiều cha nói gì với út đó? " Không phải do cô hai nhiều chuyện, mà do cảm thấy cậu út có tâm sự trong lòng nên muốn chia sẻ.

" Cha mai mối cô ba con ông hội đồng Nguyễn cho em, nhưng mà..." Cậu út ngập ngừng không biết nói tiếp hay không.

" Nhưng mà út có người trong lòng hả? "

Cô hai tính tình luôn thẳng thắng thế, lớn lên cùng nhau, chăm từ đỏ hỏn, cậu út Nguyên có gì thay đổi nhìn là cô hai Mỹ Anh biết liền. Cậu út Nguyên ngại ngùng gãi đầu, lấy chăn che đi gương mặt đang nóng lên của mình. Hễ nhắc tới người trong lòng thì hình ảnh thằng Vũ lại hiện ra, cái nụ cười chân thật, chất phát của nó khiến cậu út bồi hồi xao xuyến mãi. Sau đó cô hai dịu dàng nói tiếp.

" Út thương ai chị hay đều ủng hộ út, nhưng mà đừng bỏ bê việc học biết chưa? Mà người trong lòng út là con nhà ai? "

Cậu út chần chừ mãi không biết nói thế nào, cô hai thấy cậu út khó xử nên không hỏi dò nữa. Chuẩn bị đứng lên tắt đèn dầu cho cậu út Nguyên ngủ thì nghe tiếng cậu út nhỏ giọng nói, không biết là nói với cô hai hay nói với chính mình.

" Mình thích người ta, mà người ta là đàn ông. Mình biết phải làm sao đây? "

Cô hai Mỹ Anh đóng cửa ra ngoài, nét mặt bình thản, tựa như chẳng có việc gì xảy ra. Đứng bên ngoài chốc lát thì cô hai ra nhà trước đi đến bàn thờ của bà cả thắp nhang, sau đó thắp luôn cho bà hai.

Chuyến này thằng Vũ đi hơn nửa tháng mới về, lần đầu nó rời nhà lâu đến như thế, cũng hiểu được cái cảm giác nhớ nhà da diết. Ấy vậy mà nó cũng vui không kém, bên ngoài rộng lớn bao la, lúc nó đi ghe hàng lên Sài Thành lấy vải lụa, mấy chú biết nó người mới nên ân cần chăm sóc, giúp đỡ. Khi tới nơi thì người đứng đầu đi đến bàn chuyện làm ăn với người bán vải vóc, thằng Vũ được đi theo. Nó dường như được mở mang tầm mắt, thầm cảm thán người học cao hiểu nói chuyện đúng là có khác. Chẳng như nó, mở miệng ra liền biết đứa dốt nát. Nhưng mà trên đường về ghe bị hư máy đột xuất, phải dừng chân ở Vĩnh Long sửa hơn ba ngày mới đi được. Trong mấy ngày đó chẳng có chuyện gì làm, nên nó xin người đứng đầu trong đoàn nhân công đi mua lưới, sau đó đi thả bắt cá mà ăn. Ở đó có một ông chú lớn tuổi tên chú mười Nhân, thấy thằng Vũ làm lụng chăm chỉ, không quản nắng mưa liền nói với mấy người kia muốn hỏi xem thằng Vũ có chỗ chưa. Nếu chưa thì cháu gái nhà ông mới tròn mười bảy, hiền hậu và đảm đang. Ông mười Nhân muốn tìm chỗ gả, nhưng yêu cầu bên kia phải tốt. Đêm hôm đó mọi người ngồi nhậu trên ghe, thằng Vũ không biết nên nằm dặt dẹo trên võng ngắm nghía cái khăn tay cậu út Nguyên tặng hôm bữa. Mọi người đang cười nói vui vẻ thì có chú kia đứng dậy đi tới chỗ nó, thay mặt ông mười Nhân hỏi.

" Mày có mối mai gì chưa? Chưa thì chịu cháu ông mười Nhân nè. "

Thằng Vũ giật mình ngồi bật dậy, nói lớn.

" Biết sao giờ. Con có người trong lòng rồi, thương người ta dứt không được. Phải chi mà không có, con cũng chịu à nghen. "

Thằng Vũ nói thế cho phải phép, còn lòng nó nghĩ nếu mà không có thì nó cũng không muốn cưới vợ sớm như vậy. Thế rồi cả đêm nó nằm nghĩ người trong lòng mình là ai? Cớ sao có thể nói ra không ngượng miệng như thế, quanh đi quẩn lại chỉ toàn hình bóng cậu út Nguyên. Nó xua đi thế nào cũng chẳng biến mất, nó đặt tay lên trái tim mình, hình như trái tim thành thật hơn lý trí nó thì phải? Trái tim của nó bấy giờ đang rung động mãnh liệt vì nhớ đến ai kia.

Ngày nó về tới bến của bà hội đồng, vừa xuống ghe nó đã thấy cậu út Nguyên đứng đợi sẵn ở trên bờ, lúc vừa bước xuống cậu út Nguyên không đi lại gần nó chỉ đứng xa nhìn, má nó cũng tới đón, phía sau còn có cả con ba Ngọc và cô ba Bảo Anh. Thằng Vũ ngỡ mình như đi đánh trận mới về chiến thắng về, đi mới có chuyến mà ai cũng chạy ra đón nó thế này. Má tiến đến ôm lấy nó vào lòng, sau đó đến lượt con ba. Thằng Vũ không hiểu cớ làm sao dạo gần đây cô ba Bảo Anh cứ xuất hiện mãi, có lẽ không có việc gì làm chăng? Nhưng tới lúc này thì nó đã có đáp án rõ ràng.

Thằng Vũ khoác tay má đi về. Má nó có vẻ vui lắm, gần đây gương mặt cũng đỡ cau có hơn trước. Má nói hôm nay nấu món ngon chờ nó về ăn cùng, bỗng thằng Vũ nhớ tới cậu út Nguyên có ở bến đò, nó buông tay má ra, nói mình còn có chuyện cần làm nên xin phép má đi đây có chút việc, tí nó về sau. Về được nửa đường vậy mà nó còn chạy về lại hướng bến đò, cô ba Bảo Anh đang vui vẻ cười bỗng dưng im lặng, gương mặt buồn so, nhìn theo bóng dáng chạy như chối chết của thằng Vũ.

Lúc quay lại bến thì chẳng thấy cậu út Nguyên ở đâu, thằng Vũ hỏi chú bảy Tòng. Chú mới nói cậu út Nguyên đi đâu ra hướng chợ, thằng Vũ sợ đuổi không kịp nên mới mượn chiếc xe đạp dựng gần đó đuổi theo. Không biết nó sợ cái gì, chỉ là khi nãy lướt qua nhau nó thấy đôi mắt cậu út Nguyên sưng đỏ, trên bàn tay có vài vết trầy xước, tuy ngoài mặt thì cười tươi rói như chẳng có chuyện gì nhưng nó vẫn không an lòng. Thêm một phần nữa, thằng Vũ sợ.

Sợ cậu út Nguyên hiểu lầm mình với cô ba.

Sợ cậu út Nguyên giận.

Cái suy nghĩ điên rồ ấy xuất hiện, nó đạp cả đoạn đường dài mà chẳng thấy cậu út Nguyên đâu. Chốc sau nó thất vọng bỏ về, đi ngang cái chòi vịt ông ba Thời thì thấy chiếc xe đạp của cậu út Nguyên đang dựng ở đó. Nó bỏ xe xuống đường, nhảy xuống tìm cậu út. Trong chòi cậu út bỏ giày ra, nhắm mắt nằm trên tấm phản mới toanh. Rơm rạ dưới đất được dọn sạch, căn chòi không còn hôi thối nữa mà có mùi hương nhàn nhạt như hương bưởi vậy. Nó thầm nghĩ chắc cậu út Nguyên sửa sang lại chỗ này, cậu út Nguyên thấy nói đến cái ngồi bật dậy, đôi mắt còn lem nhem ngáy ngủ. Thằng Vũ cứ tưởng cậu út Nguyên trêu mình, ai ngờ mới chút xíu đã ngủ thật. Nghĩ đi nghĩ lại chắc mấy rày vô học nên cậu út mệt trong người. Thằng Vũ thở hồng hộc, ngồi xuống phản, cậu út Nguyên ra ngoài xe lấy bình nước của mình đưa cho nó uống, sau ngồi xếp bằng ở đối diện, nhìn nó tò mò hỏi.

" Sao anh Vũ không về nhà ăn cơm? Không phải hôm nay có chị ba Ngọc đón anh, không về đi mà chạy ra đây chi? "

" Tui ra đây tìm cậu chớ làm chi, nãy tui mừng quá cái về với má, nửa đường mới nhớ ra cậu đó. " Thằng Vũ thành thật trả lời.

" Thì ra đi nửa đường mới nhớ tới tui há, chớ từ đầu đâu có nhớ tới tui. " Cái giọng cậu út Nguyên bình thường trầm ấm lắm, vậy mà hôm nay lại chanh chua đanh đá, thằng Vũ nghe xong không nhịn được khóe miệng cong lên.

" Lúc nào chả nhớ cậu, ngủ còn mơ thấy. "

Cậu út Nguyên im lặng, thằng Vũ không hay xấu hổ đâu. Thế mà bây giờ lỗ tai nó đỏ ửng lên như gã say rượu. Cậu út nhích lại gần nó, đôi bàn tay thon dài, mềm mại đặt lên tay thằng Vũ. Còn đầu thì tựa lên vai nó, khoảng cách gần tới nỗi nó còn nghe tiếng hơi thở của cậu út Nguyên.

Thằng Vũ cứng đờ người như khúc gỗ, tới bây giờ nó đã hiểu ra người trong lòng mình là ai, hình bóng cứ ẩn hiện sau lớp màn dần dần hiện ra rõ rệt hơn. Nhưng mà nó lại dấy lên suy nghĩ, mình thương người ta liệu có phải phép hay không? Nó sợ chính mình sẽ làm dơ bẩn cả cuộc đời cậu út.

Ấy vậy mà suy nghĩ vừa nhen nhóm một chút đã bị đánh bật bởi những lời thú nhận của cậu út Nguyên

" Anh Vũ ơi, cha tui mần mai tui cho cô ba. Mà tui nào có thương người ta, anh nói coi tui phải làm sao? "

Thằng Vũ im lặng, nắm chặt lấy bàn tay cậu út. Nó muốn dùng đôi bàn tay mình sưởi ấm cho bàn tay lạnh ngắt và đang run rẩy của cậu út Nguyên. Bởi lẽ, nó cũng chẳng biết mình làm sao mới phải...

Thương người, người thương ta.

Cớ sao chẳng nên duyên nên phận?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro