Phần 6. Bậu ơi, em buồn chi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Buổi trưa hè nắng chói chang, lâu lâu lại có đợt gió mùa thổi qua, ngoài đồng đám nhỏ đang tíu tít chạy sau lưng má, giữa cái nắng hè mà chúng nó mang theo cả diều ra thả, cánh diều bay vút lên khoảng trời xanh thẫm. Má nó làm cơm sẵn, múc cho thằng Vũ một phần, còn lại thì má nó với con ba Ngọc ăn vội cho kịp giờ đem cơm ra đồng cho thằng Vũ, nó đang đào cái mương cho ông bảy Đinh ở xóm trong. Tám năm qua đi, con ba Ngọc trổ mã con gái, mặt mũi con gái nhà nông mà, tuy không xinh xắn như bao cô gái nhà giàu khác nhưng có cái nụ cười duyên. Vì cái tính cần cù siêng năng của con ba, khiến cho biết bao chàng trai trong làng thầm thương trộm nhớ. Vậy mà ba Ngọc vẫn bám thằng Vũ, bám theo má như đứa trẻ. Cái mùa gặt lần trước má cùng với mấy dì xóm trên đi qua đồng bên gặt thuê cho ông hội đồng Nguyễn, con ba xin vào giúp má gặt lúa, chỉ lấy công của má còn con ba thì không cần, ấy thế mà lọt vào con mắt xanh của cậu hai Minh Phương nhà ông hội đồng Nguyễn. Chiều hôm đó về được cậu hai Minh Phương kêu bà mối qua ngỏ lời, muốn hỏi ý em ba có chịu không, nếu chịu thì nó qua mùa gặt năm sau mang trầu cau sang dạm hỏi. Con ba Ngọc nghe nói lại, lắc đầu nguây nguẩy, nghẹn ngào như thể ăn phải cái gì đó mắc ở cổ họng vậy. Tối đến con ba nằm ôm má khóc, nói.

" Má ơi, má đừng gả con xa. Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu. Vả lại con có yêu thương gì người ta mà cưới hả má? Con xin má... "

Má chúng nó nào muốn gả con mình sớm như vậy, nhớ lại cái cảnh khốn khổ cùng cực của má khi trước là hiểu. Nhưng mà ở cái chốn này, con gái khi lớn không có học thức, không có công ăn chuyện làm ổn định thì gả chính là cách tốt nhất. Không phải ông bà ta hay nói " con gái hơn nhau tấm chồng " sao? Còn để quá thì lỡ duyên bà con làng xóm nói ra nói vào, họ đánh giá đủ điều. Mà nhiều năm nay má nó sống trong lời chì chiết quá đủ, không muốn tới đời con mình như thế. Con ba Ngọc nghe má nói xong buồn lắm, má cực khổ chăm chút cho hai anh em gần hai mươi năm nay, ngậm đắng nuốt cay, khổ trăm đường mà còn không thoát được cảnh nghèo hèn, bất quá hiện tại có ăn có mặc hơn, không sợ bữa đói bữa no. Con ba Ngọc hứa đền công ơn má, nên nào có dám cãi, nhưng mà trong lòng vẫn không thể vui vẻ chấp nhận.

Tối đó thằng Vũ đi giăng câu tới chập tối mới về, về tới nơi thì tay lắm chân bùn, mặt mũi phờ phạc hết do gió đêm ngoài ruộng lạnh, nó ăn mặc phong phanh, còn có cả mấy con đỉa to to rình lấy cơ hội mà cắn lấy. Con ba Ngọc nghĩ thế mình có giống con đỉa không? Thì bình thường không phải mấy người nhà giàu hay nói bọn dân đen là đỉa sao? Đợi cơ hội mà bám lấy mấy tên đấy, đổi đời. Thằng Vũ thấy ba Ngọc ngồi trông ngốc ngoài cửa thẫn thờ, nhìn trăng, nhìn trời. Thằng Vũ về đã lâu mà con nhỏ vẫn chưa phát hiện ra. Nó mới tằng hắng một tiếng, ba Ngọc giật mình. Thấy anh hai liền toe toét cười, nhanh chạy vào nhà lấy rổ đựng mớ cá. Gần đây nước lớn sớm, cá vào cũng nhiều, ba Ngọc thầm nghĩ sáng mang ra chợ bán chắc đổi được nhiều ngon lắm, nếu còn dư...còn dư thì...

" Mai em mang cá ra chợ bán, được nhiêu thì được, không cần đổi gạo. Cầm lấy tiền đó sang tiệm vải mua khúc vải đẹp, về mai áo mới mà bận. "

Thằng Vũ vừa nói vừa đem mớ lưới giăng cá máng lên cây xào để gỡ, con ba Ngọc nghe xong gật đầu. Trước giờ toàn như vậy, nếu em ba không vui đều thể hiện ra mặt hết, mà thằng Vũ chưa từng thấy cái dáng vẻ trầm tư suy nghĩ của em mình, nó dằn lòng muốn hỏi xuống, dẫu sao ba Ngọc đã lớn, không còn là đứa nhỏ chạy theo sau lưng anh mình đòi mua bánh ú, cũng không vì một cái bánh trung thu mà cười ngây ngô như trước. Thằng Vũ buồn, không hiểu buồn vì cái gì. Có lẽ do cơn gió đêm thổi qua lạnh quá, cũng có thể tiếng dế kêu nghe não lòng làm sao hoặc do chính nó trước giờ vẫn luôn chưa từng có ngày yên lòng. Con ba cứ nghĩ làm không tập trung cái bị cá chốt đâm chảy máu, thế mà vẫn không kêu la gì, cắn răng chịu đựng, sang buổi sáng thì sưng vù lên.

Thằng Vũ thấy vậy mới kêu con ba ở nhà vài hôm, mà con ba nhất quyết không chịu. Đòi đi theo anh hai ra chợ, chớ bây giờ ở nhà nó còn ủ dột hơn. Cái tuổi xuân thì của người con gái, nhìn con người ta được sống trong nhung lụa, con ba Ngọc nào ganh tị cái chi. Chỉ là con ba muốn sau này được cùng thằng Vũ đi học, nào có ước mong cao sang, học để cho biết cái gì là cái chữ cái nghĩa có với người ta.

Thằng Vũ đi phía sau, ba Ngọc đi phía trước. Bình thường con ba hay nói cười lắm, hôm nay thì cứ im ỉm, lủi thủi, còn tránh ánh mắt của anh hai nữa. Trời hửng sáng thì tới chợ, mới sáng mà mây đen kéo đến, gió ù ù tới cái độ mà người ốm yếu chắc bị gió cuốn đi, thằng Vũ thấy cái chòi của dì tám Tỉnh bán nước ngay đầu chợ bị gió bật xém tung mái, thằng Vũ kêu con ba Ngọc bưng rổ cá, rồi liền chạy lại phụ người ta một tay. Qua đợt gió lớn là dông lốc, mấy người bạn hàng tụ tập nào ngồi trong căn chòi trú mưa. Họ than trách ông trời, năm cần mưa thì mùa màn thất bát. Năm mà cần nắng lên thì dông bão khắp nơi, nhà không vững lấy gì mà có ăn chớ. Thằng Vũ nhìn cơn mưa rả rích ngoài trời, tiếng mưa rơi trên nóc nhà như thể tiếng mưa xé lòng năm xưa.

Nó nhớ cái năm đó nó lên mười hai, có cơn bão lớn đổ vào. Nửa đêm mà nghe tiếng gió rít như tiếng ai than khóc, nó ngủ làm sao đặng. Chạy ra ngoài thì cái cầu bắt ra con mương dùng để rửa rái, sinh hoạt bị gió quật sập. Thằng Vũ vào gọi má, gọi em dậy. Cứ ngừng chốc lại đến, từ hồi sanh ra có lẽ đây là lần đầu tiên thằng Vũ chứng kiến cái cảnh này, căn chòi nhỏ của má con nó làm sao chống chọi được. Đến hơn ba giờ sáng thì nhà sắp sập, má kêu hai đứa chạy sang nhà thằng Hùng mà trốn.

Chúng nó cãi lại, bị má quát mới chịu đội mưa đội gió chạy đi. Mà nhà thằng Hùng có khá khẩm hơn được bao nhiêu, tía thằng Hùng đang dùng thân đứng trên cái phản chống cây cột để nó không ngã xuống, còn má thằng Hùng thì chạy đôn chạy đáo lấy thau hứng nước mưa ở chỗ bị dột.

Hai đứa đi về, về với má, có sập thì còn có má có con, một mình má sao mà chống được. Có lẽ trời thương trời độ, cơn dông đi qua không gây hư hại gì, căn chòi nhìn yếu ớt đạp cái ngã vậy mà có sức sống trâu bò. Chắc ở chung với má con nó riết cái hưởng lây cái tính luôn đây mà.

Cơn bão đến ngay mùa gặt, quét đi tất cả niềm tin lẽ sống và nguồn thu nhập duy nhất của người nông dân, làm lụng cả năm chờ mỗi khoảnh khắc có được vài chục bao lúa mang bán, còn dư thì chà gạo ăn. Nhịn ăn, nhịn uống chăm đám lúa cuối cùng bị bão quét sập hết.

Thằng Vũ, thằng Hùng đi theo tía lên thị trấn mua thuốc. Dọc đường đi toàn tiếng than khóc kêu trời, có người không chấp nhận được màu treo cổ tự vẫn, người hôm trước vừa gặp hôm sau đã ở sâu dưới ba tất đất.

Tận bây giờ đến nửa đêm nó đang ngủ vẫn nghe được tiếng khóc than năm đó văng vẳng bên tai. Chắc có lẽ là tiếng ai oán, thê lương khiến thằng Vũ mãi không quên được. Người ta chết oan chết ức, chết trong đau khổ, bị số trời bức đến chết nên mãi không siêu thoát. Thằng Vũ nghĩ đi nghĩ lại, không trách được. Người lạc quan hơn thì khuyên răng năm nay làm ăn không tốt thì năm sau làm lại, nhưng ai biết được có khi cái tiền mà đổ dồn vào ruộng lúa năm nay là số tiền cuối cùng họ có chứ. Nó nào có ruộng có lúa mà biết đau với thương tuyệt vọng. Nhưng nó lại có bầy trâu, giờ vụ mùa thành ra như vậy. Ông ba Thời kêu thằng Vũ về nhà kiếm việc, mấy con trâu tự ông chăm. Đêm đó về nó len lén ra gốc chuối ngồi, thấy con rắn cắn con nhái, xong nuốt chửng, nó bật khóc ngon ơ.

Trời tạnh mưa, hai anh em bưng rổ cá tính đi bán, dì tám Tỉnh gọi mua dùm được một ký. Mấy dì kia cũng chuẩn bị ra bày sạp ở chợ, gọi là chợ chớ có mấy người có đồ thì đem bày ra cái góc nhỏ ở cuối xóm, ai muốn mua gì ra đó mua, chủ yếu là đồ ăn, nhiều khi người ta đem ra đó đổi nhau. Lấy thịt đổi gạo, lấy cá đổi rau. Ngày hôm nay mưa nên sình đất tùm lum, ấy vậy mà bán đắt, mới ngồi xuống được chút xíu, mặt trời còn chưa nhô ra đã hết sạch. Thằng Vũ cầm ba đồng nhét vào tay con ba Ngọc, như lời hứa. Tiền này cho nó mua sắm vải vóc may áo mới. Con ba Ngọc gượng cười, cầm lấy tiền bỏ vào túi bằng lụa được thêu hình mặt trăng. Cái túi này được má làm tặng cho lúc con ba tròn mười sáu tuổi, con ba thích lắm, lúc nào cũng mang theo bên mình, hình mặt trăng là con ba tự mình thêu. Thằng Vũ nhìn em mình mân mê cái túi, thấy lại bèn hỏi.

" Thích lắm hả? Không ấy năm sau em tròn mười tám anh hai nhờ má may cho thêm cái nữa nghen. "

Con Ba ngượng ngùng cất túi vào, đáp.

" Một cái em đã đủ dùng, thôi về anh hai ơi. Trễ rồi, về nấu cơm cho má. "

" Khoan khoan, đi mua vải trước đã. "

" Để hôm sau cũng được, hôm sau anh hai dẫn em lên thị trấn mua được không? Em thích vải trên đó. "

" Vậy giữ tiền cho kỹ. "

Qua mấy hôm nữa, con ba đang ngồi ngoài mương giặt áo cho thằng Vũ. Còn thằng Vũ đi ở trong bếp nấu cơm. Má đi gặt lúa vẫn chưa về, bỗng dưng ở ngoài tiếng bước chân, cười nói ồn ào vang đến. Cái chốn má con nó ở trước giờ có ai thèm tới thèm lui, lần cuối mà người tới chắc là cái hồi mà ông hội đồng tới. Thằng Vũ nghĩ vậy, dừng tay, vén cái áo bà ba chùi lọ trên mặt sau đó nhanh chóng chạy ra phía trước xem sao. Con ba thấy người đi tới đứng chết trân, nghe tiếng anh gọi mới chạy vào nấp sau lưng. Đoàn người đi tới là nhà hội đồng Nguyễn, ăn mặc lòe loẹt, người áo lụa thêu hoa, người trang điểm như trong gánh cải lương vậy. Ông hội đồng Nguyễn đi phía trước. Bên cạnh là cậu hai Nguyễn Minh Phương, lớn hơn thằng Vũ ba tuổi, mới học ở Sài Thành về. Cậu đội cái mũ beret, quần đây có dây đeo qua vai, chiếc áo sơ mi màu trắng sữa, cái phong cách của mấy cậu trai nhà giàu chính hiệu, cái vẻ ngông nghênh, vừa đi vừa cười giỡn.

Thằng Vũ nhìn không ưa được, nhưng mà nào có dám nói, cũng không dám nhìn thẳng vào người ta. Bên cạnh cậu hai Minh Phương còn có thêm một cậu nhà giàu khác, ăn mặc giản dị hơn nhiều. Tóc vuốt cao, chiếc áo sơ mi màu nhạt, quần tây đóng thùng, gương mặt sáng sủa, có lẽ do còn nhỏ tuổi nên đường nét trên gương mặt vẫn chưa rõ ràng như cậu hai Minh Phương. Nhìn mà không kỹ chắc còn tưởng là tôi là tớ. Mà thằng Vũ nhìn đồ mặc trên người là biết, cậu kia nhất định là con nhà giàu.Quần áo đắt tiền hơn cả cậu hai Minh Phương. Phía sau có bà mối trong xóm này, bưng mấy mâm gì đó tựa như mấy cái mâm đi hỏi cưới con người ta. Thằng Vũ cười khẩy, thầm nghĩ xem ở xóm nghèo khổ này có ai đủ tiêu chuẩn lọt vào mắt xanh con cưng của hội đồng Nguyễn. Con ba Ngọc nhìn lén, thấy cậu nhà giàu đi bên cạnh, tay chân lạnh ngất, con ba Ngọc nắm chặt lấy vạt áo thằng Vũ, nói nhỏ.

" Cậu út Nguyên đó anh hai, cậu út về rồi. "

Cậu út Nguyên, cái tên này hơn tám năm nay thằng Vũ mới được nghe lại. Ông hội đồng Trương năm đó lên Sài Thành mần ăn sau mà thấy môi trường ở trên đó tốt nên đưa thư về rước cô hai Mỹ Anh và cậu út Nguyên đó sống cùng. Thằng Vũ nào có hay có biết, nó đi chợ mua được mấy cái bánh ú, nghĩ bụng ông hội đồng đi rồi nên chắc sẽ không có chuyện nên đem bánh sang nhà bà ngoại cậu út Nguyên tặng cậu, mấy đứa sống trong nhà giàu làm gì mà biết cái bánh dân giã, ăn chắc lạ lắm. Nhớ cái bộ dạng ăn bánh bò như nghé ăn cỏ của cậu út Nguyên thằng Vũ nghĩ thấy hài lắm. Ấy vậy sáng hôm đó kêu thằng Hùng hẹn cậu út Nguyên tối nay ở bên cây cầu khỉ đợi nó, còn đồ cần đưa. Thế mà chiều hôm đó ông hội đồng đưa người xuống rước cậu út Nguyên đi, thằng Vũ đứng đợi cả buổi, tới gần tối bị ông ba Thời đi bắt cá thấy, kêu về nó mới về. Mấy bánh ú nóng hôi hổi đợi lâu nên ngụi ngắt, nó bỏ vào túi đem về nhà, đặt lên góc bếp. Tận mười ngày sau vẫn nằm ngay đấy, nó hỏi sao không ai lấy ăn. Má nó kêu không phải nó đem cho bạn sao, thằng Vũ gãi đầu trả lời " Con với người ta làm bạn sao được hả má? "

Lúc đi không lời chào, lúc về không hay không biết. Thằng Vũ lần này có thấy cũng mặc kệ, nó giận mà vừa giận vừa sợ, làm bạn với lũ nhà giàu như chơi với dao, như đi đêm vậy. Thể nào chả đứt tay, thể nào chả bị ma hù. Nó nhìn cậu út, đúng lúc cậu út nhìn về hướng nó, thằng Vũ giật mình cúi gằm mặt. Đoàn người đi vào nhà nó, gặp thằng Vũ hớn hở như thân quen. Con ba Ngọc càng siết chặt vạt áo thằng Vũ.

Nó hiểu, như thế này chẳng phải đưa bà mối sang hỏi cưới con ba Ngọc sao?

Mấy đứa tôi tớ phía sau muốn đem mấy mâm trầu cau vào, mà thằng Vũ đã chặn trước cửa. Bà mối phải đi lên chữa ngượng.

" Chắc cậu Vũ chưa nghe má cậu nói hả? Má cậu đồng ý gả cô ba Ngọc cho cậu hai nhà hội đồng Nguyễn rồi. Cậu đừng làm khó làm dễ bọn tui. "

Thằng Vũ lửa giận trong lòng bùng phát, nhưng vẫn cố gắng bĩnh tĩnh, không muốn vì chính cái sự tức giận này gây ra chuyện, dẫu sau chúng nó vẫn là phận dân đen.

" Mời cô về cho, chuyện trong nhà này là do con quyết. Em con có gả hay không, phải thông qua con. "

Cậu hai Minh Phương ngưng cười, định tiến lên nói rõ lí lẽ thì bị cậu út Nguyên kéo tay lại. Cậu út Nguyên phong thái khác trước nhiều lắm, khi đó còn là đứa con nít hay cười, bây giờ lại trầm ổn hơn, ánh mắt nhìn thằng Vũ con ba Ngọc lúc trước là thích thú, bây giờ thì giống như chưa từng quen biết. Đúng thôi, lòng người mà sao biết đường mà dò. Đúng lúc đó má thằng Vũ đi gặt lúa về tới, mặt mày hớn hở chạy lại mời đám người ông hội đồng Nguyễn vào nhà. Má chúng nó bây giờ nhường như là người hoàn toàn khác, người có sự kiêu ngạo, quật cường, không cúi đầu trước cái giàu đã bị thời gian bào mòn thay đổi.

Thằng Vũ nhìn má chạy đôn chạy đáo rót nước mà lòng trĩu nặng, nhưng người buồn nhất lại là con ba Ngọc. Con ba đứng phía sau thằng Vũ, nước mắt ngắn nước mắt dài. Đứa mà thằng Vũ cho rằng kiên cường nhất cuối cùng đã khóc, từ cái ngày con Út mất đi, dẫu có tủi thân, buồn bã, bị đám con nít trong xóm trêu chọc, con ba cũng không khóc. Ấy vậy mà giờ nó đã khóc, thằng Vũ lấy trong túi ra cái khăn tay thô sơ, chẳng có hình thêu gì cả đưa cho cho ba, còn mình thì đứng phía trước chắn tầm nhìn của cậu hai Minh Phương. Người đang cứ nhìn chằm chằm vào con ba Ngọc.

" Tui hôm nay mang trầu cau qua để hỏi cưới cô ba Ngọc, không biết ý cô Ba Kim như thế nào? "

Má chúng nó bật cười ha hả, gật gù đáp.

" Quý hoá quá, con tui được lọt vào mắt xanh cậu hai đây là niềm vinh hạnh là phúc phần của nó. "

Cậu hai Minh Phương nghe được nịnh bợ, vui vẻ ra mặt nói.

" Không có đâu dì ơi, con thương là thương cái tính hiền lành, chăm chỉ của em ba. Con hứa, nếu cưới được em thì con nhất định sẽ đối xử tốt với em ba."

Thằng Vũ siết chặt tay, tựa hồ chỉ cần chúng nó ba hoa chích chòe thêm câu nữa. Nó sẽ không nể mặt ông hội đồng Nguyễn hay gì đó mà đi lấy chổi chà quét thẳng ra sân. Nó không hề muốn ích kỷ giữ con ba ở lại cái chốn nghèo khó, nhưng ít nhất con ba phải lấy được người nó thương, con ba mấy hôm nay ủ dột vì chuyện cưới gả, thằng Vũ đã hiểu nó có thương người ta đâu.

Thằng Vũ thương con ba bao nhiêu, thất vọng về má nó bấy nhiêu. Nó từng nghĩ má nó là người hiểu cho hai anh em nó, vốn dĩ má nó phận đời lông bông rồi, cớ sao còn đem em nó dâng vào miệng cọp chứ? Nó nhịn không đứa, kéo tay con ba Ngọc bỏ đi trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Cậu hai Minh Phương định chạy theo, lần nữa bị cậu út Nguyên ngăn lại, nói.

" Anh ngồi đó, để tui đuổi theo cho "

Nói dứt câu cậu út Nguyên đi theo hướng mà hai anh em thằng Vũ bỏ chạy, má thằng Vũ trong nhà cúi đầu xin lỗi người ta, miệng mắng con mình bất hiếu.

Cuối cùng chạy đến bến đò, chiều tà vừa lúc buông xuống, bên bến đò có mấy con đò đang xuôi về sau cả ngày chở khách. Thằng Vũ không biết trốn chạy như vậy là xấu hay tốt, nhưng nó từ lâu đã muốn chạy trốn khỏi nơi này. Cái nơi mà bước ra là chửi mắng, khinh miệt, đến cuối cùng ngay cả má nó cũng không còn là chỗ dựa.

Con ba Ngọc leo lên cái ghe, ngồi ở trước mũi quay lưng lại với thằng Vũ. Thằng Vũ leo lên phía sau cầm máy chèo, đang định bỏ dây ra thì cậu út Nguyên cũng đuổi kịp. Không mảy may suy nghĩ mà nhảy xuống giữa cái ghe, hai bên lắc lư liên hồi, tựa như sắp chìm. Thằng Vũ vốn đang tức giận, được cơ hội nên bộc phát, mắng lớn.

" Cậu út bị điên hả? Tránh ra chỗ khác. "

Cậu út Nguyên móc trong túi ra cái khăn tay đưa cho thằng Vũ, khi nãy kéo tay con ba chạy làm sao mà bị cái cây quẹt vào mặt. Thằng Vũ tự nãy giờ có thấy đau gì, cái nỗi đau thể xác sánh như nào cũng không bằng nỗi đau trong lòng. Chả hiểu sao lúc cậu út Nguyên đưa chiếc khăn tới trước mặt nó, nó lại thấy đau, đau rát. Nó không nhận, lấy cái vạt áo lau đại rồi chèo đi, không rõ sẽ chèo đi đâu nữa. Cậu út Nguyên không nói gì, ngồi nhìn thằng Vũ, con ba ở phía trước cứ khóc mãi. Trời thì đã tối đen tối mù, cậu út Nguyên không an tâm mới hỏi.

" Anh Vũ định chèo đi đâu? "

" Không biết, chèo đi đâu chẳng được. Chèo ra khỏi cái nơi đáng sợ đó. "

" Anh chèo từ từ, lỡ đâm vào gốc dừa thì sao? "

" Cậu út chớ có lo...tui hay đi soi nhái ban đêm, còn sợ chi cái vụ này. "

" Anh Vũ còn giận tui hả? "

" Tui nào dám giận cậu. Phận dân nghèo như tui mà chơi với người nhà giàu như cậu người ta nói là đỉa đeo chân hạc, tui sợ. "

" Vậy mà anh nói không giận? Tui xem anh là bạn có phải vì anh giàu hay anh nghèo đâu, chị tui nói anh là người tốt, tui thấy tốt thiệt nên mới thích chạy theo anh rồi chị ba Ngọc. Nếu mà muốn kiếm tiền từ tui thì anh đã không trả túi tiền cho chị hai. "

Cậu út Nguyên vừa nói vừa cười, thằng Vũ thấy chớ sao không. Nụ cười vẫn như năm xưa, có điều hình như có chút gì đó không còn ngây ngô như trước nữa. Cũng đúng, người trước mặt thằng Vũ đã mười bảy tuổi chớ ít ỏi gì nữa. Cậu út Nguyên thấy thằng Vũ nhìn mãi nên ngại, thằng Vũ biết mình không đúng liền quay mặt chỗ khác.

Đối với kẻ nhà giàu thằng Vũ có chút e dè, sợ hãi khi lại gần. Nhưng đối với cậu út Nguyên lại khác, có lẽ do đứa trẻ này tốt tính, không giống đám nhà giàu kia, có lẽ vì cái bánh trung thu năm đó mà nó không ghét được cậu chủ con nhà giàu. Tiếng nước róc rách chảy vào ghe, thằng Vũ mới kêu con ba Ngọc.

" Ngọc ơi, em tát nước đi. Ghe có chỗ vô nước rồi, chốc không tát nó chìm là toi mạng cả đám, anh hai chèo về hen, chớ lênh đênh mãi cũng không được. Còn để cậu út Nguyên về, không ông hội đồng chửi chết. "

Con ba Ngọc mới lau nước mắt, nhanh chóng nhảy xuống cầm thùng mũ được cắt ra làm cái đồ tát nước. Cậu út Nguyên ngồi không thì kì quá nên mới hỏi.

" Còn dư cái nào không, để tui tát phụ cho "

Thằng Vũ cười, nói.

" Thôi đi cậu ơi, công tử nhà giàu như cậu tát có tới nước chìm ghe còn chưa tát xong "

Cậu út Nguyên mặc kệ lời châm chọc, tìm lấy cái đồ tát nước gần đó rồi tát. Cậu hiểu được nỗi uất ức, tức giận của thằng Vũ. Cái nghèo đeo bám mãi vào người ta, từ người có tốt thế nào lâu ngày họ cũng sẽ bị cái nghèo bức tới mức tính tình thay đổi, cáu gắt, ích kỷ, toan tính lẫn nghi hoặc. Chị hai hay dạy đừng phân biệt giàu nghèo, cậu không phân biệt, chắc gì người khác đã phân biệt. Tuy vậy cậu út Nguyên chưa từng có ý trách móc gì thái độ thằng Vũ cả, trước chưa từng bây giờ cũng vậy, dẫu bị nó xua đuổi như đuổi tà, bị nó nói móc hay gì đó, cậu đều muốn bỏ qua cho thằng Vũ. Đơn giản thôi, cậu biết trong thâm tâm thằng Vũ, khác với những lời ngoài miệng nói ra. Mấy năm nay đi học xa, cậu hay hỏi về anh em thằng Vũ. Nghe nói chúng nó sống tốt hơn, cậu mừng lắm. Cha cậu út Nguyên làm ăn với ông hội đồng Nguyễn, cậu lên thành phố học quen được cậu hai Minh Phương, nhưng có thân thiết cái gì. Chốn Sài Thành phồn hoa, nhộn nhịp. Cứ ngỡ sẽ vui vẻ, chẳng hiểu sao cậu út có chút cô đơn. Nhớ quê, nhớ cái cánh đồng lúa vàng ươm. Nhớ cái mùa mạ mới cấy, nhớ trưa hè có tiếng lũ nhóc trong xóm đùa giỡn. Nhớ cả cái giọng nói của anh Vũ, mùi sình bùn dính trên quần áo do cả ngày trầm mình dưới ruộng sâu. Hôm nay đi theo vì muốn có cớ đi gặp anh em thằng Vũ, chớ ông hội đồng từng ấy năm qua đi vẫn mang hận thù với má con nó.

Con ba Ngọc vừa tát xong, ghe vừa cập bến đò, xung quanh bến đò có vô số người. Cảnh tượng quen thuộc hiện ra trước mắt, người trước mắt cũng quen thuộc. Ông hội đồng Trương và cô hai Mỹ Anh. Lần này thì còn có cả gia đình ông hội đồng Trương, có cả má chúng nó. Khác ở chỗ lúc trước má nó quỳ xuống cầu xin người ta chừa lại đường sống, bấy giờ má nó lại đứng cùng một giuộc với lũ nhà giàu.

Thằng Vũ buộc dây, ba người bước từ ghe đi lên, con ba Ngọc đi sau lưng thằng Vũ và cậu út Nguyên. Lúc đi gần tới cậu út Nguyên đi nhanh hơn vài bước chắn trước mặt thằng Vũ, dõng dạc nói với ông hội đồng Trương và Nguyễn ở đằng xa.

" Thưa cha, thưa ông hội đồng Nguyễn. Con đem hai anh em thằng Vũ về rồi, bọn nó hơi sợ nên đi chèo ghe hóng gió sẵn suy nghĩ. Chớ không có ý chạy trốn. Mong cha và ông hội đồng Nguyễn đừng trách chúng nó ! "

Ông hội đồng Nguyễn mới hỏi vọng.

" Thế chúng mày suy nghĩ như nào rồi? "

Thằng Vũ tính sẽ từ chối, cùng lắm bị đánh một trận thừa sống thiếu chết, miễn là con ba hạnh phúc với người nó thương, chớ bắt cưới cái người như cậu hai Minh Phương nó e rằng người ta chỉ hứng thú nhất thời, sau này con ba khổ dài dài. Nhìn đám người phía sau, ước chừng hơn ba mươi người, nó thầm tính xem bị đánh có chết được không? Chắc là chết được.

Nó nuốt nước bọt, nhìn con ba lần cuối, nhìn má nó, nhìn cậu út và cô hai. Thầm ghi khắc lại gương mặt của những người mà nó yêu quý, nhưng cuối cùng lại bị tiếng hét lớn của con ba cắt ngang lời.

" Con đồng ý gả cho cậu hai Minh Phương. "

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro