Phần 8. Tình mình chớm nở

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Còn hai ngày nữa tới ngày gả con ba, sáng sớm hôm đó thằng Vũ rủ thằng Hùng lên thị trấn mua áo sơ mi. Cả đời nó từng bỏ số tiền lớn ra mua cho mình chiếc áo mới, nhưng lần này cưới gả con ba, có lẽ cả đời chỉ có một lần. Thằng Vũ chưa tưởng tượng được cảnh mình đi lấy vợ, nó còn không biết liệu có ai dám thương đứa nghèo hèn như nó không? Vì mùa mưa nên buổi sáng trời tối đen tối mù, thằng Vũ ngồi trước mũi xuồng, thằng Hùng ngồi phía sau chèo. Thằng Hùng mấy nay có vui vẻ gì, đi gặt lúa hộ nhà dì, mắt mũi không biết để đâu mà gặt trúng vào ngón tay cái, máu chảy tuông tuông. Lúc về con ba sang hỏi thăm, thằng Hùng tránh mặt. Tránh không được thì nằm quay lưng vào trong vách để không ngó ngàng gì tới con ba.

Con ba về nhà khóc lóc, bỏ ăn. Thằng Vũ qua mắng cho trận, thằng Hùng mới chịu gặp mặt. Thằng Hùng nó hay nói với thằng Vũ. Duyên lỡ thì mình chịu, chứ biết sao bây giờ. Cứ day dưa mãi thì người khổ là con ba, là thằng Hùng, thậm chí là cậu hai Minh Phương.

Thằng Vũ nhìn vẻ mặt bần thần của thằng Hùng, chậc lưỡi. Đáng tiếc một mối duyên thời, dòng nước chảy càng lúc càng siết, dường như cuốn đi hết ưu thương. Thằng Vũ chèo tới khúc sông nhà ông ba Thời thấy cá ục mạnh, mùa mưa là cái mùa trúng đậm nhất trong năm của dân thả lướt, giăng câu. Cá ục nhiều vậy chắc nước lại sắp lên. Nó nghĩ thầm trong bụng cầu nước đừng dâng ngay ngày cưới, đời con ba khốn khổ, cái cảnh cưới sinh còn éo le nữa thì thương để đâu cho hết. Hai đứa chúng nó chèo hơn ba chục phút mới tới thị trấn, thằng Hùng cập xuồng vào cái ghe lớn, ở đây sóng đánh mạnh, còn có mấy cái ghe buôn hàng hay chạy ngang, không khéo xuồng nó va vào mé bờ lại vỡ ra. Thằng Vũ cột dây, đợi thằng Hùng xỏ đôi dép xong mới đi. Chợ trên thị trấn náo nhiệt, người đông đúc cười đùa. Thằng Hùng suốt đường cứ im ỉm không nói gì, thằng Vũ thở dài. Phải chi người ta mà không thương con ba, thì nó còn lên tiếng giúp được. Đằng này cậu hai Minh Phương thương con ba thật tình, mấy lần sang nhà đều giữ đúng phép tắc với con ba, đôi lúc gặp còn ba còn ngại ngùng quay đi. Rõ như ban ngày, người ta thương nhiều lắm nên mới đối xử như vậy. Chớ cậu hai con nhà quyền quý, cưới thì cưới, mắc cái chi rảnh rỗi lại chạy sang thăm. Người ta nói cái tình cái nghĩa giữa người nhà giàu nó mong manh lắm, thằng Vũ lại thấy đâu phải ai cũng như ai. Như cậu út Nguyên vậy, có nề hà, câu nệ hay chê bai anh em nó khó nhọc đâu. Nhắc tới cậu út Nguyên, nó chợt nhớ ngày hôm kia có hẹn là chiều nay cùng nhau đi giăng câu. Thằng Vũ nào muốn dẫn cậu út Nguyên theo mình làm chuyện tay lắm chân bùn, nhưng cậu nằng nặc đòi theo. Bảo rằng liên quan tới chuyện học gì đó, nó có học bao giờ mà hiểu, thấy cậu cứ nài nỉ nên xiêu lòng. Nên hứa cho theo xem, chỉ được xem, không được lội xuống ruộng.

Thằng Hùng với thằng Vũ hẹn người ta bảy giờ ghé lấy áo, vậy mà mặt trời sắp nhô cao vẫn chưa thấy ai. Gần giờ trưa cô chủ tiệm may mới đến, cô bận chăm chồng đang bệnh nên lỡ hẹn. Hai đứa chúng nó không để bụng, lấy áo xong đi về, không kịp ướm thử hay gì cả. Tới lúc về nhà thằng Hùng mới kêu thằng Vũ sang nhà mình, hai thằng thử cho nhau coi. Sẵn lấy cái quần má chúng nó mới đặt ở chỗ ông bảy Hiệp, để có quần áo mới mà ăn cưới cho đàng hoàng. Dù sao cũng là thanh thiếu niên, mười tám mười chín tuổi đầu. Nào còn nhỏ bé, qua rồi cái thời ở truồng tắm mưa hay mặt mũi lắm lem, mặc mỗi cái quần xà lỏn ngắn ngủn ngoẳn đi chăn trâu. Má thằng Hùng cằn nhằn, nói chúng nó sắp lấy vợ được mà cứ như con nít lên ba. Hai thằng nhìn nhau cười trừ, đánh trống lảng.

Thằng Vũ mặc đồ mới, sau đó đi ra cho thằng Hùng với má thằng Hùng xem thử. Cái áo sơ mi thằng Vũ đặt may màu trắng sữa, không có hoa văn. Lúc nó bước ra như thể một người khác, cái dáng vẻ lù khù bây giờ trở nên chững chạc hơn. Thằng Hùng trời trầm trồ khen " người đẹp vì lụa " nhưng vẫn còn thiếu, tóc tai thằng Vũ bù xù quá. Nhìn như thằng lưu manh giả danh tri thức, thằng Vũ mới với chiếc dép tổ ong dưới chân chọi thằng Hùng. Còn thằng Hùng không chịu thử, nói tới ngày đó rồi mặc luôn, sáng giờ mình mẩy dơ, đổ đầy mồ hôi, mặc vào hỏng cả bộ đồ mới. Thằng Vũ không ép nữa, nói thằng Hùng nghỉ đi, nó đi tiệm cắt tóc. Nhưng chưa kịp đi thì trời đổ mưa lớn, nó đành phải ở nhà.

Sáng nay con ba với má sang nhà ông bà ngoại, chắc ăn cơm ở bên đó luôn. Không có má, không có em ăn cơm chung nó cũng ngán ăn. Nhìn cái nồi kho quẹt còn nằm ở góc bếp, thằng Vũ bới một tô cơm, lấy muỗng cắt trái chuối thành từng khoanh nhỏ, bưng cả nồi kho quẹt ra ngoài ghế bàn, ngồi xuống đó ăn. Trời mưa như trút nước, cái nhà này càng lúc càng ọp ẹp, như thể chỉ cần thêm một cơn dông lớn quét qua có sập ngay luôn. Nó nghĩ tiền cưới của bên nhà hội đồng Nguyễn chịu tài con ba, định bụng đưa phân nửa con ba giữ, còn lại kêu má sửa nhà cho có chốn nương thân. Má con nó không định về bên nhà ông bà ngoại, bên đó tuy không giàu sang nhưng vẫn gọi là khá giả, phép tắc cũng nhiều. Nó quen sống trong cảnh nghèo khổ, sáng rảnh thì đi bắt cua bắt ốc, tối thì đi giăng câu, soi nhái. Hay mấy ngày lười thì ở nhà ngủ với đi chơi cùng mấy thằng trong xóm. Thằng Vũ nó thích tự do làm điều mình muốn. Giờ bắt nó thay đổi nó lại không thích, thằng Vũ trước kia hay trách số phận, trách ông trời sao không công bằng, đối xử với má con nó tệ quá. Bây giờ nó lại thấy có gì không công bằng đâu, cái số sinh ra mình nghèo thì mình phải gắng vươn lên, trước khi người ta giàu, có đất có đai thì người ta cũng đi làm công, dần tích tiền làm ăn mới dần khấm khá. Nó múc muỗng cơm đầy ụ, bỏ vào miệng nhai, ngoài bờ đê ông ba Thời dắt bầy nghé con đi qua, nói là dắt chớ ông ba Thời đi trước, còn con nghé đi phía sau, nó bất giác mỉm cười. Trông giống cậu út Nguyên quá.

Trái tim thằng Vũ bỗng nhiên đập nhanh hơn, nó lấy làm lạ, nghĩ chắc mình mắc bệnh rồi. Bây giờ làm cái gì cũng thấy bóng dáng cậu út Nguyên, nhìn trên cành cây cũng thấy cậu út ở đó nhìn mình cười, lớn tiếng gọi anh Vũ. Thằng Vũ bỏ tô cơm xuống bàn, chạy ào ra cái lu ở đằng sau hè, múc ca nước nước lạnh rửa mặt cho tỉnh táo.

Chiều hôm đó trời bớt mưa, nhưng trời vẫn lành lạnh, thằng Vũ chịu lạnh kém, mặc cái áo ba lỗ bên trong, bên ngoài mặc thêm cái áo bà ba, vậy mà tay chân vẫn lạnh cóng. Má nó mới đưa cho nó cái khăn rằn mà má mua hôm trước, khăn rằn màu sọc xanh trắng, nó vắt ngang trên cổ. Sau đó thằng Vũ qua bên hông nhà lấy bó cần câu mà đêm qua nó thức cả đêm để chuốt từ mấy khúc tre lớn thành mấy que dài, đầu nhọn hoắc. Thằng Vũ ra góc cây dừa ở đầu xóm ngồi đợi, chốc sau thấy bóng người cao, gầy đi từ bờ bên kia qua. Hình như là cậu út Nguyên. nhưng mà người đó mặc cái bộ đồ bà ba thô sơ y chang thằng Vũ. Nó chậc lưỡi, ngoảnh mặt nhìn chỗ khác, nghĩ mình điên hay gì mà sao lúc nào cũng nhớ tới cậu út Nguyên.

Cậu út Nguyên đi từ đằng xa tới, hôm nay vì đi giăng câu với thằng Vũ nên là cậu kêu anh tư Ánh, người hay phụ mấy dì trong bếp cho mượn bộ đồ. Mặc vào vừa y, còn dễ chạy nhảy, cậu út thích lắm, còn tính sau này về mai thêm chục bộ để dành mặc từ từ. Cậu út thấy thằng Vũ vò đầu bức tóc, tưởng nó đau bụng hay gì mới ngồi xổm ngay trước mặt nó, vỗ vai hỏi han.

" Anh Vũ sao vậy? "

" Mèn đét ơi, giờ ảo giác còn biết nói chuyện nữa hả? Chắc thành tinh luôn rồi quá. " Thằng Vũ lắc đầu nguây nguẩy, cậu út Nguyên bật cười khanh khách.

" Anh nói gì đó? Tui là út Nguyên nè, bộ do nay tui bận đồ này anh nhìn không ra hả? Tui mới mượn của anh tư Ánh á, dị mà vừa y người tui. "

Thằng Vũ gãi đầu ngại ngùng, cố tình đánh trống lảng sang chuyện cậu út tới muộn, mà giăng câu phải đi sớm, do trước khi đi giăng cần tìm mồi. Sáng giờ lu bu thành ra thằng Vũ quên bén chuyện này, nó mới kêu cậu út đứng đợi để nó chạy đi đào mấy con trùng ở bên kia sông. Mà cậu út không chịu, đòi theo nó bằng được. Thằng Vũ quá quen với chuyện này, nhiều khi nó hỏi vì sao cậu út cũng thích bám theo nó, cậu út mới cười bảo tại thích thì theo, chỗ anh có nhiều cái vui, còn chỗ cậu út chán òm, ngày nào cũng học và học. Thằng Vũ cười trừ, có ai biết rằng thằng Vũ luôn ao ước cuộc sống như cậu út, nếu nó được đi học để biết vài con chữ hẳn nó sẽ hạnh phúc tới mức nhảy cẫng lên luôn mất.

Cậu út Nguyên thông minh, dạy cái hiểu liền. Thấy thằng Vũ lại mấy góc chuối đào trùng, cậu học theo. Hai người đào tới mặt trời lặn. Thằng Vũ dẫn cậu út Nguyên ra chỗ nó định giăng câu, hơi xa nhà, vì xóm trên nó giăng hôm trước mà thấy ít cá quá, lần này đánh liều chèo xuồng qua xóm khác. Xóm đó được gọi vui là xóm điên, vì con cái ai sinh ra lớn lên ở nơi đó lúc ba bốn tuổi vẫn những đứa trẻ khác. Không hiểu vì sao càng lớn đầu óc những người ở đó càng có vấn đề, lúc tỉnh lúc quên, mê mang như người thiếu hồn thiếu vía. Má nó bảo đất đấy đất độc, người không sống được nhưng mấy con cá hay vật nuôi thì sống tốt lắm. Nó phần tò mò, phần nghe cá nhiều nên ham. Còn một lí do nữa tại vì sắp tới đám cưới con ba, hơn ba ngày nó không đi mần cái gì, sợ qua đám xong trong nhà không còn đồ để ăn. Qua tới bên xóm đó phải đi xuồng qua, cậu út Nguyên ngồi phía mũi xuồng, lâu lâu quay lại nhìn thằng Vũ cười nói

" Anh Vũ, trăng đêm nay sắp lên rồi kìa. "

" Ừa, hôm nay mười bốn rồi đó cậu. "

Hai người đi cả buổi thì trời cũng sập tối, dưới ánh trăng người chèo xuồng, người ngồi ngắm trăng đang treo trên đỉnh đầu. Chốc lát lại nhìn nhau cười nói đôi lời, tới bên xóm điên cũng hơi trễ, thằng Vũ đoán chừng bây giờ đã hơn tám giờ tối. Buộc dây xong nó dẫn cậu út lên bờ, còn nó quay lại vác bó cần câu, cậu út nhanh hơn đã giành phần vác. Thằng Vũ nhìn bóng người đi phía trước mình, lại nhớ đến cảnh tượng năm xưa mình cõng người ta trên lưng, lấy làm lạ. Không phải cậu út Nguyên sợ ban đêm lắm sao? Hôm nay nay đi hiên ngang như vậy, thằng Vũ mới cười hỏi.

" Cậu không sợ ban đêm nữa hả? "

" Có anh ở đây tui còn sợ làm gì chớ. " Cậu út trả lời không mải mai suy nghĩ, người nói vô tình người nghe lại có ý.

Thằng Vũ đi chậm lại, trong lòng rạo rực như có lửa đang bừng cháy, đôi lúc cách xa như vậy vẫn tốt hơn, ít nhất ở tại thời điểm này. Vác đến hơn nửa đường, thằng Vũ sợ cậu út Nguyên mệt, muốn giành bó cần câu lại. Ấy vậy cậu út Nguyên nhất quyết không chịu, nói mình cũng là đàn ông con trai, vác bao gạo năm mươi ký còn được huống hồ gì có bó câu vài ký. Cái dáng vẻ hào sảng, phóng khoáng của cậu út Nguyên có chỗ nào giống công tử nhà giàu, nói ra chẳng ai tin đây là cậu út con ông hội đồng nhỉ? " Cha mẹ sinh con, trời sinh tính " cậu này thằng Vũ hay được nghe, bây giờ mới chứng kiến tận mắt.

Tới ruộng cậu út Nguyên bỏ bó cần câu xuống, ngồi học theo thằng Vũ móc mòi. Giữa cánh đồng lúa yên tĩnh có hai người đang nói chuyện thì thầm, tiếng dế cứ kêu râm vang như tiếng ai ca hát, cậu út Nguyên muốn xuống dưới ruộng giăng câu phụ cho thằng Vũ. Mà lần này thằng Vũ kiên quyết lắm, không cho là không cho, kêu cậu út Nguyên ngoan ngoãn ngồi trên bờ đợi nó, nhanh lắm sẽ xong rồi về thôi, còn nếu cậu út mà dám bước xuống lần sau nó không chơi chung với cậu út nữa. Cậu út thấy vẻ mặt nó nghiêm túc, không trêu nữa, lấy đôi dép kê phía dưới xong ngồi xuống. Thằng Vũ càng giăng càng đi xa, xung quanh đó chỉ còn lúa và cậu út Nguyên đang ngồi ngáp ngắn ngáp dài, cậu út nhìn trăng, trăng sáng quá, liệu có chú cuội trên đó không? Nghĩ tới đấy, cậu út Nguyên buồn hiu. Chú cuội không phải chỉ là trò bày ra để dụ con nít sao? Nếu có chú cuội, vậy thì má cậu út Nguyên ở trên đó có khoẻ không? Má có muốn về thăm cậu không? Hay má đã đi đầu thai rồi nhỉ? Cậu út Nguyên tự hỏi, nhưng không ai trả lời cho cậu biết. Cậu út nhớ má, nhớ mùi hương của má, nhớ cơm má nấu cho cậu ăn, nhớ dáng vẻ bình dị của má. Cô hai Mỹ Anh hay nói, cậu út Nguyên giống má. Chớ không phải do cô hai Mỹ Anh dạy tốt, má cậu út là người tốt, hiền lành, phúc hậu. Tuy là con gái bà hội đồng Trần nhưng từ nhỏ đã theo mấy người tôi tớ ra ruộng học cách bắt cá, bắt ốc. Vì thấy vui, vì muốn hiểu thêm cái khổ của người nghèo. Má dạy cậu út Nguyên như vậy, lúc má còn sống hay dẫn cậu út Nguyên đi bắt cá, còn dẫn cậu đi trèo cây hái trộm trái cây, nhưng má trèo còn cậu thì đứng dưới nhìn. Bây giờ má đi xa, bỏ cậu bơ vơ...

Thằng Vũ giăng xong quay lại cứ thấy cậu út ngẩn người nên nó không gọi, đợt trước thằng Vũ gặp cô hai Mỹ Anh thì nghe cô hai kể về vụ bà hai. Từ hồi bà hai mất, cậu út Nguyên ngoài mặt cười nói như không có gì, nhưng hằng đêm vẫn buồn tủi mình ên, ôm lấy cái áo bà hai đặt ở trên đầu cho dễ ngủ. Ở Sài Thành nào có vui vẻ, cậu út Nguyên bảo nhớ nhà ở quê, nên muốn quay về. Ông hội đồng có mỗi người con trai, cậu út Nguyên muốn gì ông đều chiều theo. Ông hội đồng nói sắp xếp công việc ổn mới về, cậu út thì về trước, sau này chắc sẽ kiếm trường ở đây cho cậu út học. Cô hai Mỹ Anh kể rằng cậu út quý nhà má con thằng Vũ lắm, có lẽ vì nhà nó mang lại cảm giác giống như bà hai, cậu út Nguyên ở bên cạnh gia đình nó có thể tâm trạng sẽ tốt lên. Giống như thằng Hùng nói năm xưa.

Người giàu cũng có cái buồn của người giàu.

Thằng Vũ không nói gì, đi đến bên cậu út ngồi xuống. Cậu út Nguyên giật mình, trên người thằng Vũ dính đầy sình, cả mặt cũng dính nữa. Cậu út mò trong túi, không thấy khăn tay đâu. Chắc là lúc thay đồ cậu út bỏ luôn trong bộ đồ kia, thằng Vũ nhìn là biết cậu út tìm khăn, mới lấy trong túi ra cái khăn cậu út tặng hôm bữa. Nó ngâm dưới ruộng cả buổi vậy mà cái khăn vẫn sạch, trắng tinh đưa tới cho cậu. Cậu út Nguyên lắc đầu, chỉ vào mặt thằng Vũ nói.

" Tui tìm cho anh lau mặt, mà tóc dài vậy sao không cắt đi. Ngày kia còn ăn cưới. "

Thằng Vũ bỏ khăn lại vô túi, lấy cái áo lau sơ.

" Trưa nay trời mưa tui không đi cắt được, cả năm mới cắt lần nên dài vậy đó. "

Cậu út Nguyên nghiêng đầu nhìn, chưa đợi thằng Vũ kịp phản ứng đã áp sát đến cạnh bên, gương mặt hai người cách nhau chưa tới một gang tay. Thằng Vũ ngước lên nhìn dáng điệu cậu út không tí ngại ngùng mà đưa tay vuốt ngược tóc nó lên cao.

" Bây giờ sáng sủa hơn nhiều rồi nè, anh đừng để tóc phủ qua mắt. Đâm vào lỡ bị đau thì khổ. "

" Vậy...hả...cậu? " Thằng Vũ lắp bắp, cả người cứng đơ như bị ai dùng bùa trú yểm lên người nó.

" À...ừ...vậy đó, nhớ cắt nha. "

Cậu út Nguyên bây giờ mới thấy kỳ quái, gấp rút bỏ tay ra, mái tóc lần nữa phủ xuống mắt thằng Vũ. Hai người im lặng, cứ ngồi im nơi đó ngắm trăng cao, mỗi người đều có những tâm tư riêng khó nói. Tầm khuya thằng Vũ mới đưa cậu út Nguyên về, hôm nay được hơn năm ký cá lóc. Như má nó nói, ở bên xóm điên cá sống còn tốt hơn cả người. Thằng Vũ xuống mương rửa ráy sình đất, cậu út Nguyên cũng rửa tay chân cho sạch, má với con ba đã ngủ từ lâu, thằng Vũ mới rón rén lấy cho cậu út ly nước ấm, tại nó nghe cô hai nói cơ thể cậu út Nguyên yếu xìu, dễ sinh bệnh. Xong xuôi hết thì thằng Vũ mới đốt bó lá dừa đưa cậu út Nguyên về, mấy nay cậu út Nguyên vô xóm trong với bà hội đồng Trần. Vẫn cảnh tượng năm xưa, tạm biệt nhau ở cây cầu khỉ bắt ngang nhà bà hội đồng.

" Cậu út về đi, cầm bó đuốc soi đường đi qua cầu cho dễ. " Nói đoạn nó nhét bó đuốc vào tay cậu út Nguyên

" Tui về, anh cũng về đi. Tới ngày cưới gặp nha. " Cậu út Nguyên nhìn trời có vẻ âm u, dặn dò.

" Tui nhà gái, còn cậu nhà trai. Sao gặp được? " Không hiểu ma xui quỷ khiến gì mà thằng Vũ nói thế, bây giờ hối hận không kịp nữa.

" Tui sang nhà gái phụ anh với anh Hùng là được chớ gì? Nhà trai đầy người cần gì tui, mà phụ thì phải ở lại nhà anh. Anh chịu cho tui ngủ nhờ không? "

" Vậy cậu ở nhà trai đi, ông hội đồng về nên tui sợ bị làm khó làm dễ. Tui thì không sao, tội là tội cậu với cô hai. "

Cậu út Nguyên gật đầu, cậu quên mất sự hiện diện của ông hội đồng, mấy ngày không có cha kèm cập, cậu út được làm việc mình muốn, thử những cái mình chưa từng làm, nhưng cuộc vui nào cũng sớm phai tàn. Tuy rằng cha chưa từng tức giận về cậu út nhưng trong thâm tâm cậu út vẫn sợ mỗi khi ở gần cha, có lẽ nỗi sợ đấy đã bắt nguồn từ nhỏ. Từ những lần cha đánh mắng chị hai, đánh mắng má trong cơn say. Cậu út Nguyên đi về, thằng Vũ nhìn tới lúc bó lá dừa bị dập tắt mới ngoảnh đầu đi.

Ngày cưới nhộn nhịp tưng bừng, tối hôm đám cưới hàng xóm khắp nơi quá chúc mừng má con nó. Cái cảnh tượng nó chẳng bao giờ nghĩ đến, trong nhà nó nào là dì bảy, cô ba, anh hai mang bánh, mang trái đến tặng. Tiếng cười nói huyên náo, thằng Vũ thấy không quen. Nó còn không chẳng biết mấy người kia ở cùng một xóm, cái lúc má con nó có chuyện, cần giúp đỡ nào thấy mặt ai. Vậy mà nghe danh gả cho cậu hai, người thấy sang bắt quàng làm họ, người tâng bốc má nó, khen ngợi má nó đẻ khéo, có phúc có phần. Con ba với thằng Vũ sang nhà thằng Hùng ngồi cả buổi tối. Làng xóm về hết hai anh em nó mới chịu về. Sáng sớm tinh mơ, cứ ngỡ con ba Ngọc sẽ ngủ thêm, vậy mà từ sáng con ba đã đi bắt nồi cơm lên, mần mấy con cá lóc anh hai rọng hôm bữa mang kho khô,  ngày hôm nay người ta tới dựng rạp với cổng hoa. Con ba Ngọc rầu rĩ thở dài, kho mớ cá tới khét. Thằng Vũ nghe mùi khét liền chạy vào thì thấy con ba ngồi chống cằm suy tư. Không trách em mình được, thằng Vũ loay hoay tìm đồ nhắc nồi, bưng cái nồi cá khét xuống. Con ba mới sực tỉnh, luôn miệng xin lỗi anh hai, con ba định bụng nấu cơm cho anh với má ăn bữa cuối. Vì về sau con ba sợ không còn cơ hội nữa. Sau này con ba là dâu là con của người khác, nhà mẹ tuy gần nhưng lại xa, tuy muốn lại chẳng thể qua. Thằng Vũ xoa đầu con ba Ngọc, kêu đứng lên để anh làm. Giữa trưa thì bên ông hội đồng Nguyễn dẫn người qua dựng rạp, bên nhà ông hội đồng sáng giờ tưng bừng tổ chức lễ của nhà trai, cậu hai Minh Phương đi phía sau, mặc chiếc áo sơ mi nhạt màu, giản dị. Trên tay cầm theo hai đòn bánh tét, gặp em ba mừng húm, đôi mắt cậu hai đã hí bây giờ cười chỉ thấy hai sợi chỉ. Con ba không ghét bỏ nhưng không thương nổi, chỉ gật đầu cho đúng phép tắc. Cậu hai mới đưa đòn bánh tét cho con ba, gãi đầu nói.

" Tui cho em ba đòn bánh tét ăn lấy thảo, má tui gói hôm kia. Mà mấy tui đi trên tỉnh mua đồ chuẩn bị đám nên nay mới mang qua cho em ba được. "

" Cảm ơn cậu hai, cho tui gởi lời cảm ơn bà hội đồng nha. "

Con ba lễ phép nhưng xa cách, cậu hai Minh Phương cũng không gượng ép gì con ba hết, dịu dàng nói.

" Tui qua xem tí rồi về, em ba không cần ngại. "

Thằng Vũ đang phụ mấy anh kia dựng rạp nghe hơi buồn cười mới giở giọng trêu.

" Em ba nhà tui nào ngại, có cậu hai mới ngại đó. "

Cả đám người được dịp phụt cười, cậu hai Minh Phương ngại không biết tìm cái lỗ chui xuống. Thấy vẻ mặt cậu hai trông tội, con ba thấy thương thương lên tiếng bênh vực.

" Thôi, mấy anh đừng trêu cậu hai nữa mà. "

Tới gần trưa thì dựng xong, cái rạp vừa đủ đặt ba mâm thôi. Dẫu sao chúng nó cũng chả có thân thích với ai cả, bà con làng xóm thì có được mấy người đâu. Cái xóm nghèo quá, giờ người ta bỏ lên tỉnh, lên Sài Thành mần ăn, người ta phải tính kế mưu sinh, tìm cách để bản thân mình sống, gia đình mình sống. Có ruộng có đất mà vụ mùa thất bát, họ nản lòng. Người không ruộng ở lại nơi đây có cạp đất mà ăn, trong xóm giờ có đâu hơn hai mươi nhà, toàn trẻ con với người lớn tuổi. Con ba mời mấy chú phụ giúp dựng rạp uống nước sâm. Tới tối thì cậu út Nguyên qua, nói là mang đồ sang tặng chị ba xem như lời chúc phúc, tặng xong thì về. Vì ông hội đồng đang đợi ở nhà ăn cơm, cậu út Nguyên với thằng Vũ chẳng kịp nhìn mặt nhau. Con ba ra phía sau, ngồi cạnh chỗ thằng Vũ đang lụi cụi sửa cái chân ghế nói.

" Cậu út vừa qua tặng em chiếc vòng cẩm thạch, mà giờ về rồi. "

Thằng Vũ chẳng ừ hử gì hết, chăm chú sửa đồ.

" Còn kêu em chuyển lời tới anh hai, ngày kia mần đám xong buổi trưa ra chỗ cánh đồng ông ba Thời hay cho trâu ăn cậu út thưa chuyện. "

" Ừ, mày dô ngủ đi. Mai dô đám mày, mà mày chuẩn bị đồ đạc xong hết chưa? "

" Có gì đâu chuẩn bị, em mang mấy bộ đồ má cho thôi. " Con ba nói thật, nó có đồ đạc gì nhiều đâu, quanh quẩn hai ba bồ đồ may từ năm kia, con ba giặt đi giặt lại rồi mặc. Cái mùa mưa đến thì nó phải chịu cảnh mặc đồ ẩm, mùi quần áo chưa khô như mùi khô chưa đủ nắng thì gặp mưa vậy, vừa hôi vừa khó lòng vứt đi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro