Chương 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngoài hàng rào dâm bụt, tiếng chó cắn nhay nhứt từ canh gà gáy tan. Chú Nghãi, gia đồng thầy Chu đã phải chạy ra vào nhiều lần. Hôm nay thầy dậy muộn. Lan Ý đứng cạnh hỏa lò nhìn siêu nước đã sủi mắt cua. Trong nội phòng vẫn im ắng.

-Đêm qua thầy thức khuya ra sân xem tinh tượng - chú Nghĩa nói khẽ - Em thấy mặt thầy có sắc giận.

-Thầy giận ai?

-Tính thầy hay giận trời giận đất....

Nghe tiếng thầy ho, chú Nghĩa bỏ lửng câu nói chạy vào. Lát sau thầy bước ra ngồi xuống sập, xoay mình xếp bằng, kéo vạt áo the đen phủ lên đầu gối. Đăng Suyền cũng vừa đến vòng tay vấn an. Nhìn vào siêu nước giếng ngô đồng lấy tận bên nhà cụ Trần, Lan Ý thấy nước đã bồng lên quá mắt trâu. Nàng lặng lẽ pha trà. Dưới sắc diện tĩnh lặng thường ngày của thầy, nàng cảm thấy nhiều gợn sóng ngầm đang dao động.

Quả thật cơn giận tuwg chiều qua vẫn chưa nguôi trong lòng thầy Chu. Tháng trước, nhân có La Thanh làm Bộc xa, học trò cũ của thầy về thăm, thầy bảo Thanh báo lại cho vua hay rằng có sao Tuệ xuất hiện ở phương Đông Nam, cần dự phòng sâu trùng hạn hán. Song vua vẫn nhởn nhơ bỏ ngoài tai vì quan chiêm tinh đã tâu hớt với vua là sao Tuệ chỉ về hướng Tây Bắc là điềm triệu trong nước sắp được mùa to. Mới nghe, thầy vỗ tay xuống án thư quát lớn:


-Ta đọc sách bạc đầu cũng chưa thấy đâu nói Tuệ - bột - tinh là triệu được mùa . Một lũ ninh thần dối trên lừa dưới như vậy tránh sao đất nước này khỏi họa suy vong .

Cơn giận bộc phát ấy lại xảy ra ngay trước mặt cụ Trần, khiến thầy ngượng đỏ mặt. Trong đời thầy, đã bao lần thầy toan tiêu dao thoát thế tục trắng kiếp hồng trần song cái tâm của thầy còn nặng nợ nỗi đau nhân thế. Không gì thì thấy cũng đã ăn lộc ba đời vua, dòng nhiệt huyết muốn xả thân cho đất nước vẫn chưa suy giảm ... Chú Nghĩa nhìn thấy chợt nhớ đến ả Liễu . Theo thường lệ sáng nay ả Liễu mang vò nước giống cây ngô đồng sang. Chú khoe đêm qua đã lén học cách xem sao của thầy. Ả Liễu vọt miệng bảo : "Ngữ như anh cần gì ngướng mắt lên trời cho mỏi cổ. Anh cứ học tôi xem sao chỗ khác cũng đoán ra được dữ lành, họa phúc"

-Không xem sao trên trời thì em xem ở đâu - chú nằn nì hỏi.

-Người đâu mà tối ý thế - Ả Liễu cười rè vỗ vào mông - xem sao dưới đít nồi trong bếp lửa ấy.

Dù sao chú ta cũng thấy bẽ mặt. Chú là gia bộc của thầy, ả Liễu là nô tì của học trò thầy. Tuy hai đứa cùng lứa tuổi, song kể về tôn ti, nó ở bậc thứ. Vậy mà nó cứ đi nước thượng.

Tiếng chó sủa rõ ngoài hàng rào dâm bụt . Thầy bảo:

-Chú Nghĩa , ra cổng xem ai!

Chú Nghĩa vẫn đứng chắp tay: - Dạ, ngoài cổng có một người đầu đội mâm lễ, đang quì từ giờ Dần.

-Từ giờ Dần ?

-Dạ , từ lúc còn tối mà chưa tờ mờ đất.

-Sao lại để người ta quì lâu thế. Sao không mời người ta vào ngồi tạm ngoài hiên trước.

-Dạ, người ta nói chưa có lệnh thầy, người ta không dám bước qua cổng.

-Con ra nói thầy mời vào.

Chú Nghĩa dạ một tiếng đi ra. Lát sau chú đưa vào một người thân hình mảnh dẻ, cân đối bước đi uyển chuyển, đầu đội mâm lễ, mặt phủ một vuông lụa xanh màu rêu, đến quì trước sập.

-Ngươi là ai, đến ta có việc gì ? Giọng thầy điềm đạm.


Cái đầu trùm lụa đội mâm cúi thấp xuống : Trình thầy, con là Văn Xương kẻ mộ học tầm sư, từ lâu ngưỡng mộ tiếng thầy nay đến cúi xin thầy nhận cho con theo học.

-Người đến xin học với ta sao lại còn che dấu mặt mũi thế kia?

Lạy thầy, con nghe họ đồn thấy tính khí khó khăn nghiêm khắc, bao con nhà quyền quí xin theo học, thầy đều từ chối. Được làm học trò thầy là diễm phúc của đời con. Vì vậy trước khi đến đây, con đã nguyện khi nào được thầy nhận con mới mở khăn trình diện với thầy, nếu không được, con không muốn trời đất thấy con xấu hổ.

-Ngươi đã nguyện thì ta không ép.

-Trình thầy, con có chút lễ vật ra mắt thầy.

-Chú Nghĩa, xem lễ nhập môn gồm những gì vậy?

Chú Nghĩa đến đỡ mâm đặt xuống sập, nhẹ tay giở vuông vóc hồng. Mọi người trố mắt nhìn vào. Một viên ngọc lớn nằm giữa một chiếc hộp san hô.

-Con không dám mua sắm gì. Nhà có viên ngọc dạ quang là của gia bảo, con xin đem làm lễ bái sư.

Nét mặt thầy Chu bỗng bừng lên cơn giận giọng nói nghiêm khắc thường ngày như đanh lại:

-Anh là ai mà dám coi thường ta vậy. Anh nói ngưỡng mộ ta từ lâu mà không hiểu ta ư? Ta đâu phải người ham lợi lộc, ta đâu nhận học trò vì châu báu bạc vàng. Anh đã gõ nhầm cửa rồi đấy.


-Trình thầy, con đến đây, lòng quang dạ sạch, thành tâm xin chữ của thầy. Của nhà có sẵn, con thực lòng mang đến mừng lễ nhập môn vì con nghĩ rằng viên ngọc dạ quang này có chỗ hữu dụng đối với Thầy giúp đọc sách đêm hôm khỏi cần đèn đóm. Đây là lòng thành của con ngoài ra con không mảy may dám có ý nghĩ nào khác.

-Ta tin làm sao được lời anh nói. Nhìn viên ngọc ta cũng biết anh là bậc đại phú gia. Anh định đem của quí để nhử ta chăng. Anh bảo anh lòng dạ quang minh nhưng anh đến gặp ta với bộ mặt giấu kín thế kia cũng đủ tỏ rõ sự thiếu quang minh rồi.

Đầu anh ta cúi thấp xuống, giọng thản nhiên mà rất lễ độ:

-Thưa Thầy, một lần nữa, con cầu xin Thầy mở lòng xét lại.

Một cơn giận đột nhiên gợn sóng trên mặt Thầy:

-Ta đã bảo không ai trên đời này có thể lung lạc được ta. Trước nay ta quen nhận học trò nghèo nên cũng không quen nhận lễ hậu. Anh hãy đem lễ vật về đi.

-Thưa Thầy, con mong Thầy hãy giữ ngọn tịnh đăng trong tâm để soi sáng bóng đêm dày đặc của vô minh.

Thầy Chu giật mình :

-Anh nói gì? - Tiếng Thầy trở lại cứng rắn, rành rọt - Ta không nhận anh theo học.

Một bầu im lắng đầy ắp trang nghiêm như nén xuống khắp gian chính sảnh Ngọn lửa nhỏ ở cây đèn gốm cũng đứng thẳng chỉ nghe tiếng nước réo trong siêu. Anh ta từ từ ngẩng đầu chống gối đúng thẳng người.

-Thưa Thầy , thiên hạ nói trăm nghe không bằng mắt thấy. Hôm nay con đã thấy được Thầy. Bây giờ con có thể tỏ mặt cùng Thầy mà không có gì phải ân hận hay hổ thẹn với trời đất - Anh ta đưa tay giật vuông vải che mặt - Đây , xin Thầy hãy nhìn mặt con xem có phải bộ mặt của một kẻ bất minh.

Vuông khăn bay đi như áng mây xanh để lộ một khuôn mặt rực rỡ lạ thường, sắc diện ủng xanh như được soi qua bóng lá, đường nét thanh tú tỏa sáng phẩm chất nội tâm. Thầy Chu ngân ngờ lặng ngắm khuôn mặt đẹp. Nhưng điều làm thầy kinh ngạc hơn khi thấy hiển hiện một nụ cười tươi tắn trên môi anh ta sao trong lúc này anh ta có thể cười nhỉ - một nụ cười trong trắng hồn nhiên của trẻ thơ trong giấc ngủ. Nụ cười ngây thơ ấy như bất hòa với cặp mắt ướt thâm trầm phảng phất nỗi buồn rười rượi. Anh ta lặng lẽ dõi mắt qua chồng gối xếp nơi bóng tối ẩm uớt còn sót lại quanh những giá sách treo sát góc tường, tưởng như nơi ấy vẫn còn ẩn náu cả một quá khứ nhân từ nghiêm nhặt.


-Thưa Chu tiên sinh, con trộm nghe bậc đại tâm đại trí xem người không qua quần áo, không chấp nhặt tiểu tiết, không câu nệ cái vỏ bên ngoài, soi mắt tuệ để nhận ra chân tướng. Con đến với tiên sinh chí cả lòng thành. Bái sư mà không lễ vật là vô lễ, lễ vật kém là thiếu tôn kính, lễ vật nhiều là đút lót, lễ vật quí là lung lạc. Đó là cái nhìn thường tình của con mắt tục. Thoát qua mọi định kiến đinh ninh thế tục mới nhìn thấu lẽ ảo hóa của đất trời. Không vượt qua sóng cao ảo tưởng của biển thẳm thế gian thì làm sao thấy được đào tâm. Con rất buồn là tiên sinh nhìn người như vậy nên con xin phép cáo từ không cần học tiên sinh nữa.

Anh ta trịnh trọng xá thầy Chu ba xá, đội mâm lên đầu thoáng cái quay lưng bước ra cổng.

-Văn Xương!

Tiếng gọi của Lan Ý như thoát ra từ một góc thẳm tâm linh.

-"Quân hỗn láo!" Đăng Suyền mắng với theo một tiếng rồi liếc nhìn thầy mong tìm thấy ở thấy một sự đồng tình. Nhưng thấy vẫn ngồi yên, nét mặt bất động. Que đóm dài đang cháy trên tay, cần điếu vẫn chưa vít xuống. Giọng thầy nghe như từ xa vọng lại: -Văn Xương ư! ....

Hình ảnh một thời xa xưa chập chờm lướt qua mắt thầy Chu. Hai khóm đầu xanh cùng nở. Hai cặp chân thơ dại cùng dò bước vào cửa Khổng sân Trình. Một đằng con nhà thế gia vọng tộc, một bên mẹ góa con côi, của nhà rách nát..... Thân cò lặn lội lỏm cỏm nuôi con bữa rau bữa cháo. Mẹ ơi , con không được thờ mẹ một ngày ấm no, đũa ngọc mâm son cho ai bây giờ.... Mẹ thương con nên quí cả bạn con..... Giàu nghèo sang hèn không cách chia được hai trẻ. Chao ôi! Hai đứa nhỏ đã sớm thành tri kỷ.

Bên gốc đa làng, tiếng là tiếng chim, dưới rặng nhãn bóng lá sum sê rợp mát, hai đứa bá vai nhau, nằm gác chân lên nhau say sưa luận bàn kinh sử. Cùng một thiên tử, cùng một chí huống, cùng một lòng hiếu học. Kiến văn quảng bác của họ không thua các bậc đại khoa.

Nhưng họ học không phải để đi thi, không học lối nông mòn trường ốc, theo cái học hà văn bắc bậc thang danh lợi. Hai tâm cách lớn cùng dắt tay đi con đường lớn. Họ học bằng hàm dưỡng cái tâm, kiên trì cái chí, ý hội cái thân, học để biến hóa khí chất, thấy được cái uẩn ảo của thánh nhân.


Nhưng dần dà cái sở học của họ chia hai đường, cách xử thế cũng khác.

Thầy Chu nặng về học thuật Trình Chu, ông Trần người bạn chí cốt lại nghiêng về Lão Trang. Chu Khiêm lập trường dạy học trò, gieo giống hạt người, kiến tạo nên đạo tâm đạo học. Còn ông Trần xem ván đời như một cuộc tiêu dao, học cái " Không " của thầy Lão, đưa tư duy lên cánh bướm của thầy Trang, ngẩng mặt xem tượng trời, cúi đầu xét hình đất, đi đến nơi mờ mịt mà múc cái đầy, ẩn vào chốn tịch mịch mà gìn cái đạo.

Lúc Minh Tôn với thầy Chu ra làm quan giữ chức phó hiệu trưởng của trường cũng là lúc ông Trần lên đường vân du làm khách lữ, vui cùng hạc nội mây ngàn.

Hai người tuy xa cách nhau nhưng trong một góc sâu thăm thẳm trang nghiêm, họ vẫn giành chỗ cho nhau mối tình tâm giao bằng hữu.

Ông Trần về đeo giỏ đi hái thuốc trên núi Phượng, thầy Chu sau đó cũng về " tiều ẩn " nơi ấy. Hai người bạn cố tri gặp nhau dưới núi bên bờ hồ Trì, cái " đĩa son " nằm giữa hai hòn cánh Phượng. Họ đứng im lặng ngắm vùng hồ đỏ như máu. Trên đầu họ trời thu cũng như đang ủ một bầu tâm sự lớn. Họ nhìn sâu vào mắt nhau như cùng để chiêm nghiệm lại giấc ảo mộng của kiếp phù sinh. Bất giác họ cùng reo lên một tiếng cười và nguời họ bỗng nhẹ tênh.

Họ rủ nhau về lại tuổi thơ, cùng mặc áo mùa xuân đi tắm nước Cung Hoàng. Thầy Chu mở lại trường ở làng Tô. Ông Trần dời thảo am ở núi Hương về nhà lập am Tịnh Lý. Gọi là am chứ đúng ra là một nếp đình thừa lương. Mái cọ, cột xoan, nền cao, vách lủng. Chung quanh không trồng cây cao để có thể che khuất tầm mắt phóng khoáng ra phía chân mây. Bốn bề thông thênh đón gió.

Chính tại Tịnh Lý am này, hai người bạn già thường bày tiệc thơ văn, thiết đãi nhau những món ăn tri thức cao cấp nhất.

Hôm qua ông Trần đến thăm thầy Chu đúng lúc cơn giận của thầy đang phát tán. Thầy thấy hổ ngươi về tính kém cỏi của mình. Nhưng ông Trần thản nhiên bảo:

-Huynh giận cái giận đáng giận. Đó là cái giận thanh, đâu phải cái giận tục. Song nếu đang giữa cơm giận mà lãng quên được ngay cái giận thì tâm sẽ định, mọi lẽ sẽ sáng ra.

Thầy Chu chấp tay xin lĩnh ý. Nhân đó thầy kể lại những chuyện thối nát ở cung đình và tính ô trọc của bọn siểm nịnh. Nhìn lại, thầy thấy gương mặt bạn tĩnh lặng như tấm gương soi. Thầy hiểu ra rằng mọi việc đời ông Trần đã gác bỏ ngoài tai.

Lát sau ông Trần mỉm cười: - "Từ trẻ đến già huynh vẫn khư khư ôm một cục ưu thời. Đó là cái vạ lớn, cái và ôm đá của bà Nữ Oa.....

-Đó là cái dũng của kẻ sĩ, không thể đăng....

Ông Trần không trả lời, khoác áo dắt tay thây ra sân xem Tinh Tuợng.

Trên trời cao, muôn sao rần rần toả sáng. Đêm không sương mà mù chân trời. Dải Ngân Hà rực rỡ vắt ngang trời lấp lánh lăn tăn rủ xuống đất một thứ ánh sáng âm u ma quái. Âm khí dâng cao. Cán cân thiên địa mất thăng bằng.

Ông Trần đưa tay chỉ lên một ngôi sao leo. lắt ở phương Nam:

-Đừng nghĩ đến chuyện nhân định nữa. Thôi huynh hãy khuôn cái tâm lại trong vòng ươm mầm hạt tốt cho đời sau.... Thế nào, Văn Xương đã đến trình diện với thầy chưa?

-Chưa thấy.

-Có lẽ anh ta đến chậm vì cái nạn hoa....

Văn Xương!.... Cũng lâu lâu rồi, ông Trần khẩn thiết tiến cử một người học trò mới với thầy. Theo ông thì đó là một người thư sinh thường mặc áo màu hồ thủy xem ra như người miền giang hải. Nước da xanh rớt nhưng cốt cách thanh kỳ, tư chất siêu trần thoát tục. Ông Trần đã giao cho chàng ta một lá thư riêng gửi gắm chàng với thầy. Vậy mà sáng nay.... Thầy nhìn xuống tay. Cả cuộc đời dài dằng dặc của thầy vừa diễu qua xong mà que đóm trên tay vẫn chưa cháy hết.

Văn Xương ! Một con người có thư gửi gắm mà không dựa, không xin học được thì ra về chẳng van xin, chẳng kèo nài.... Bất giác thầy nhớ lại bước đi cách đáng của Văn Xương, nhanh nhẹn mà ung dung, uyển chuyển mà vững chắc, phong thái như lướt gió vờn mây. Với con người ấy, sao vừa rồi ta lại xử sự như vậy? Sao ta lại để cái giận che lấp mọi tinh tường. Trong bảy tình thì cái giận là dễ phát ra nhất mà cũng khó ức chế nhất. Có phải vì ta còn kém công phu hàm dưỡng hay vì cái học thuật Trình Chu đã làm ta quá câu nệ ở những tiểu tiết vụn vặt? Và cái giận phải chăng là cỗi rễ của lầm lỗi....

-Ta sai rồi chăng? - Cuộc tư vấn của thầy cùng chấm dứt với ngọn lửa tàn trên que đóm.

-Thưa thầy, con có việc riêng muốn trình với thầy - Lan Ý nói nhỏ nhỏ.

Chú Nghĩa vào trong bếp, Đăng Suyền lặng lē lui ra.

-Con thật có lỗi với thầy.... Anh Mạnh con bảo phải thua ngay với thầy mà không hiểu sao con quên biến.

-Con cứ nói.

-Dạ thưa thầy, lệnh huynh con muốn được phép về thăm thầy.

-Anh con bây giờ làm nhập nội Hành khiển khu mật viên muốn đến thăm ta lúc nào chả được lựa phải phép với tắc. Song anh con có về thì bảo nó nện kín đáo, tránh tiền hộ hậu ủng, rồi xã hương lại bày trò đón rước mâm cao cỗ đầy, làm phiền hà đến dân.

-Dạ thưa thầy, anh con về lần này lại quá kín đáo, một mình một ngựa về thăm thầy mà lại cải trang.

-Chà, sáng nay người đến xin học thì che mặt, còn trò về thăm thầy lại cải trang. Ngày này là ngày gì mà không ai muốn lộ bộ mặt thật ra....

-Thưa thầy, anh con dặn lần này việc anh về thăm thầy phải giữ thật kín nhẹm. Con nghĩ đầu tháng rồi anh con mới về nay lại đột ngột về nữa, mà lại về một cách.... con e rằng ngoài chuyện viếng thầy.... Lan Ý bỗng nhớ đến đêm hoa đăng. Hóa ra uớc nguyện của chàng áo xanh mong muốn được như nàng là vậy đó. Nàng động môi định thưa nhưng thầy Chu đã châm lửa đốt que đóm khác. Tiếng thầy trở nên xa xôi:

-Ta cũng đang nghĩ như con.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro