Chương 5

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thầy Chu mở to mắt nhìn khắp phòng. Cửa ra vào vẫn khép kín.

-Người còn đến đây làm gì nữa?

-Dạ con đến xin học Thầy.

-Sao vừa rồi người bảo không thèm học ta, bây giờ lại đến xin học?

-Dạ vừa rồi con "mới thấy" Thầy, bây giờ con "đuợc thấy” Thầy. Thưa Thầy quá thật tiếng đồn không ngoa. Một con người trước đã treo mũ từ quan vì vua dung túng bọn gian thần nay khước từ cả chức cao quyền trọng vì thấy mình chỉ làm tấm chắn gió cho bạn vua tôi đồi bại. Một con người tính khí cao thượng tiết tháo ngất trời đến thiên tử cũng không bắt làm tôi được thì quả xứng đáng là bậc tôn sư của thiên hạ.

-Vậy ngươi tôn kính ta chứ?

-Dạ điều đó xin Thầy đừng bắt con phải nói ra.

-Tôn kính ta mà người đường đột vào gặp ta lén lút như một kẻ gian phi không coi phép tắc vào đâu cả.

-Dạ, chính sự kính phục thật lòng của con đối với Thầy đã xui con bước vào đây, vượt qua mọi phép tắc. Con nghĩ cái đó cũng là gốc của mọi phép tắc.

Một nụ cười giễu thoáng qua trong mắt Thầy:

-Lần này anh đem cho ta lễ vật gì đấy?

-Dạ con không có lễ vật gì khác ngoài tấm lòng chí thành của con.

-Anh hãy đứng lên nghe ta nói. Chu Khiêm này từ lúc trẻ đến già, từng gặp đủ hạng người vua quan cho đến thứ dân, chưa có một kẻ nào nói với ta một câu nặng lời. Vậy mà vừa đây chỉ có người dám mắng mỏ ta.


-Dạ, xin Thầy tha tội càn rỡ của kẻ hậu sinh nông nổi này - Văn Xương vội quì gối dập đầu xuống đất.


-Chính vì anh dám mắng ta mà mắng có phần đúng nên ta nhận anh làm học trò của ta.

Văn Xương cúi đầu lạy tạ:

-Con đội ơn lượng rộng của Thầy.

Thầy đỡ Văn Xương đúng lên:

-Kể từ hôm nay con là môn sinh của Thầy. Con ngồi đây nghe Thầy nói.

Thầy nhìn Văn Xương ánh mặt dịu hiền mà sâu lắng.

-Chắc con đã hiểu Thầy dạy con không phải nhằm để con thành đạt trên đường khoa cử.

-Dạ, con đã hiểu và con cũng muốn thế. Thầy không dạy kinh sách có chữ thì người nào chẳng đọc được kinh sách

-Thầy không dạy để làm quan. Trước tiên Thầy dạy làm người. Đạo học của Thầy là đạo người. Vì vậy Thầy dạy con không theo lối cũ mà dạy theo lối tâm truyền. Con là người học trò duy nhất được truyền thụ theo lối này. Nếu ta nhìn người không nhầm thì con có đủ thiên tư để ý hội được sở học của Thầy.

Thầy đứng lên đi lại lấy nghiền bút, trải rộng một tờ giấy thị:

-"Con hãy nhắm mắt lại, để thành ý trên tay viết một chữ theo sở đắc của con".

Văn Xương tuân lời không một chút lưỡng lự viết một chữ "Vô" to tướng. Khi Văn Xương nhìn lại bắt gặp trong đáy mắt Thầy một ánh buồn hiu hắt.

-Không có "hữu" làm sao có "vô". Trong "vô" có "hữu". Trong cái "không" có cái "có". Không có cái "không" nào trống rỗng. Con viết thêm cho Thầy một chữ khác.


Văn Xương lại phóng bút viết một chữ "Tâm". Lần này Thầy có vẻ gật gù. Thầy chăm chú nhìn Văn Xương hồi lâu rồi nói nhỏ:

-Con nghĩ nhiều đến cái bao quát quảng đại mà chưa nghĩ đến cái diệu dụng của nó. Thầy cầm bút viết thêm một chữ. Văn Xương đọc "Nhân".

-Nhân chính là cái đúc của tâm, cái khí xuân của mọi điều thiện, cái đầu mối của mọi tính, cái cội của trăm nết. Nó bao quát tâm, hướng tâm vào cái chính. Nó là cái gốc của Đạo Người. Thầy dừng lại như để Văn Xương kịp suy nghĩ rồi nói một mạch: - Nhân là cây cột cái chống đỡ mái nhà của thế gian. Không có nhân, thế gian này sẽ thành cái chuồng nhốt thú dữ. Loài người sẽ là những đám cướp lớn xâu xé giết chóc lẫn nhau. Đạo người cũng là đạo nhân. Vậy con hiểu chữ nhân như thế nào?

-Dạ, con nghĩ nhân là biết thương yêu người khác, có lòng trắc ẩn với đồng loại.

-Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Như vậy ngựa cũng có nhân sao?

-Dạ, thưa Thầy ngựa thì không có đạo. Người mới có đạo. Con nghĩ đạo nhân là phải biết thương người khác như thường thân mình. Nhưng trước hết là phải biết thương mình. Không thương mình thì làm sao biết thương người khác.

-Con rất thông minh. Nhưng biết yêu mình để yêu được người khác là điều không phải dễ. Phải học để biến đổi cái khí u trọc trong người, hàm dưỡng cái tâm mới khỏi sa vào con đường vị kỷ. Ôi! Con người mới lọt lòng ai không có cái nhân nhưng vì để cái tư tâm tự kỷ, cái vọng niệm che lấp, tự mình bịt mắt mình, không thấy ra của đạo. Nếu đem cái nhân trong sáng của mình ra yêu thuong mọi người thì có thể đi đến vị tha bác ái , quên cả thân mình để cầu phúc cho nhân loại . Thánh nhân nói : - Sát thân thành nhân là vậy.

-"Sát thân thành nhân" ư?

-Là hy sinh thân mình để đạt được cái nhân, là ham muốn cái nhìn hơn sự sống, căm ghét cái bất nhân hơn sự chết. Đó là bề cao của chữ "Nhân".

Văn Xương ngẫm nghĩ rồi vòng tay cúi đầu thura:

-Con vô phép xin hỏi Thầy một câu.

-Con cứ nói.

-Dạ, thưa Thầy, khi Thầy dâng sớ đòi giết bọn nịnh thần vô lại kia có phải là nhân không. Nếu phải thì nhân là giết người hay sao?

Văn Xương cứ ngỡ Thầy phải lúng túng nhưng Thầy bỗng cười phá lên, một cái cười sảng khoái như đoán trúng ý nghĩ của người học trò mình:


-Một khi nhân làm chủ sở trong người thì nó quán suốt mọi hành vi, lúc nó phát ra sự phải sự trái, cái lấy cái bỏ đều không lầm lỗi. Giết những kẻ ác kia để cứu hàng triệu dân lành ổn định cả giang sơn, là sự công bằng của trời đất, là sự dụng lực của đạo nhân. Mà công bình là thể của nhân cũng như ưu ái là tình của nhân. Nhân như nước, có nông sâu, có màu sắc, có lưu hành, có sóng nổi. Nhưng con nên biết rằng khi Thầy dâng sớ thì cầm như mạng mình treo trên đầu sợi tóc. Nếu họ giết Thầy thì cũng là "sát thân thành nhân" vậy.

-Thưa Thầy, con còn có điểm nghi hoặc nên mới hỏi Thầy, xin Thầy đừng giận.

-Sao Thầy lại giận con. Thầy là cuốn sách của con. Đọc sách mà không có điều nghi thì nên khiến cho có điều nghi, có nghi rồi mới không có nghi được.

Thầy châm đóm vít cần điếu rít một hơi thuốc rồi nói tiếp: Nghề làm Thầy dạy học của ta cũng như nghề làm Thầy thuốc. Thuốc thì có công có phạt mà thường là thuốc đắng mới giã tật . Đòi giết bọn nịnh thần vô lại kia là ta đã bốc một vị thuốc đắng chữa bệnh cho triều đình. Còn với học trò ta, với người đời thì ta là ông lang chữa bệnh mù mắt. Con mắt tục thường bị cái bệnh tư lợi tự dục kéo mây che lấp. Đạo "nhân" giúp con người quét sạch mọi mây mù để sáng mắt nhìn rõ ta, người và vạn vật. Đó là con mắt thứ ba nằm giữa hai mắt thịt, đó là con mắt tuệ. Như vậy ta làm kẻ thắp, đạo ta cũng có thể gọi là đạo Thắp. Ta thắp sáng cho mình và thắp sáng chung quanh. Mỗi người thắp sáng một chân mây. Đó là bề rộng của chữ "Nhân" bởi nhân là cái tính của sự sinh trong trời đất.

-Dạ đạo Thắp.... mỗi người thắp một chân mây.... dạ con chưa lĩnh ý được những điều Thầy nói.

-Nghe như xa vời mông lung, kỳ thực gần gũi hàng ngày. Mỗi người mang trong mình một kẻ thắp. Kìa ngoài kia người ta thắp một giống mạ mới, trên nước thắp một chiếc cầu nối qua sông, trong bếp thắp một món ăn ngon đậm chưa từng có. Trời chỉ có nước, người mới thắp thành rượu, trời cho tiếng nói, người thắp tiếng nói thành chữ nghĩa, thắp chữ nghĩa thành thơ ca văn hiến, thắp chữ Hán thành chữ Nôm, thắp từ cái chưa có thành có. Phàm đã làm người là người thắp. Người người đều thắp. Vòng thắp sáng tạo một mặt trời thứ hai, một thiên nhiên thứ hai, một sự thực thứ hai của con người. Vòng thắp kéo trời xuống gần người, nối trời với người. Trong ba ngôi thiên - địa - nhân, ngôi người là ngôi thắp. Đó là bề sâu của chữ nhân.

-Thưa Thầy, con học được nhiều ở lời Thầy giảng.

Mắt Thầy hơi nheo lại:

Chỉ học thôi ư? Học mới chỉ có mắt, hành mới có chân. Có mắt có chân mới tiến bước được. Tri với hành, biết với làm đều cùng một bản thể. Có biết mới làm, có làm mới biết. Cái biết trong làm mới là cái biết thực sự, cái biết sâu sắc nhất.

-Thưa Thầy, vậy thì bây giờ con phải làm gì?

-Con phải viết cho Thầy ba vạn sáu nghìn chữ nhân.

-Ba vạn sáu nghìn chữ?

-Ba vạn sáu nghìn không được thiếu một chữ. Vừa viết vừa suy gẫm, vừa viết vừa tìm, tìm cho ra cái uyên nguyên uyên viên của chữ nhân. Cốt nhất đừng để tự tấm ngăn cản. "Thất trung thiết thành" tự tâm có bảy tầng thành sắt. Bị nhốt, trong tư tâm thì mọi cái đều giả. Mà đạo người là phải chân đạo. Người giả thì đạo giả. Đã giả thì không ứng cảm được với gì cả. Thỏ chết cáo buồn, ngựa đau, đau cả tàu, con người giả còn thua động vật thật. Ta trọng kẻ vô đạo thành thật hơn một đạo hữu giả dối. Vậy con phải để lòng trung thành trên bàn tay mà viết. Chữ nhân sẽ mở rộng nguồn sáng trong con.

-Thưa Thầy, như vậy trong viết của con cũng có thắp, thắp bằng tay....


-Thắp bằng tay bằng trí óc, bằng ánh sáng của nhân mà nhân là chủ tể. Con nên biết cái học của Thầy không thể lĩnh hội bằng lời mà bằng ý. Lối dạy tâm truyền là lối dạy vô ngôn. Không nói không giảng, đó cũng là học qui của lối dạy này. Nãy giờ Thầy đã nói nhiều, giảng nhiều. Như vậy là Thầy cũng đã phạm học qui rồi đấy.

-Dạ....

-Đừng nói nữa. Nhìn vào mắt con, Thầy biết con còn muốn nghe Thầy giảng nữa. Có những chữ giảng một nghìn năm không hết. Chữ nhân là một trong số những chữ ấy. Con hãy tự mình suy nghĩ ra mà hiểu. Thầy chỉ giúp con một cánh diều, bay thấp bay cao là tùy ở con. Con tự soi sáng cho con, tự đánh thức dậy cái lương thức trong con, của Đạo phải tự con mở lấy.

Thầy nhắm mắt giây lâu rồi đưa tay ra:

-Hôm nay Thầy cho con một chữ "Nhân", con hãy xem đó như lễ nhập môn của con mà cũng là lễ khai tâm của Thầy....

Lan Ý đi tiễn ông anh trở lại kinh kỳ. Trên đường về, nàng gặp Văn Xương. Mỗi lần chạm mặt chàng, nàng vẫn hồi hộp như buổi gặp đầu. Đôi mắt chàng vẫn phảng phất ẩn hiện trong một trí nhớ xa xôi ẩm ướt một làn sương bụi.

Chàng đang đi tắt qua bãi cỏ hoang để đến với nàng. Trông thấy chàng từ xa, nàng bủn rủn cả người. Nàng vội đưa tay ra hiệu cho ả Liễu lùi lại sau, chân nàng tự ý đưa nàng bước tới trước rồi bồi hồi dùng lại dưới một gốc nhãn cành lá sum sê như tìm chỗ ẩn nấp. Nàng duyên dáng một sự duyên dáng bẩm sinh - nghiêng nón chào vọng chàng rồi e lệ sụp nón cúi mặt nhìn xuống đất. Bên dưới vành nón che nghiêng mắt nàng vẫn theo dõi bóng hài chàng di động. Một đôi hài trắng có đường viền xanh phía dưới đế. Bỗng nàng sững sờ mở to mắt như không tin vào mắt mình. Nàng nhìn thấy đôi hài không bước trên cỏ mà như lướt nhẹ qua các đầu ngọn cỏ, tự hồ hai cánh thuyền rẽ sóng êm ả chuối trên mặt nước. Tới bên kia vệ đường đôi hài chân chừ do dự rồi rụt rè tiến lại.

Trên nền đất đường lồi lõm gập ghềnh những lượn sóng trâu, đôi hài vẫn từ từ trôi về phía nàng êm như ru, từng bước, từng bước một. Cuối cùng mũi hài chàng dùng lại ngay trước hài nàng.

Bốn mũi hài cùng đứng ngây ra nhìn nhau như quên cả chào hỏi.

Nàng nghe một giọng nói như nén lại từ lâu thốt ra trong một hơi thở: - Tiểu sinh đã được Thầy nhận rồi.

-"Thế ư? Thầy đã bằng lòng nhận chàng làm học trò rồi ư?" Tin đến quá bất ngờ khiến nàng ngẩng đầu lên lật với chiếc nón quai thao.

Về phía đông, ngay trên đầu chàng, một chiếc cầu vồng ẩn hiện vắt vẻo ngang lưng trời như một vành bóng nón long lanh màu sắc ôm trọn khuôn mặt rạng rỡ của chàng. Nỗi vui sướng tràn ngập cả người chàng tỏa ra trong không gian, đánh tan cái hiu hắt của bóng chiều thu muộn. Nàng bối rối không chọn nổi cho mình một câu nào vừa ý trong vô vàn câu chập chờn trong đầu óc. Cuối cùng nàng nhắm mắt buông bừa ra một câu hỏi suông đuôn thông thường nhạt nhẽo.

-Bao giờ chàng làm lễ nhập môn?

-Ngày mai.... Ngày mai ta sẽ lại gặp nàng.

Giọng chàng vẫn nhỏ nhẹ dịu dàng lướt đi như đôi hài của chàng mà chủ âm nổi bật của nó lại reo vui tựa sóng ghé bờ. Trái tim xúc động của nàng cảm thấy giọng chàng như một lời âu yếm và phiên dịch câu nói của chàng thành một lời hò hẹn ngọt ngào: Ngày mai chàng sẽ đến với em. Ý tưởng ấy bất giác khiến nàng quay mặt ra sau.

Bóng chiều đã nhạt. Mặt trời đang ngậm núi. Góc trời tây treo lơ lửng một giải lụa mây hồng. Không biết nỗi thẹn lòng hay cái giải lụa mây kia đã làm đôi má nàng ửng đỏ.

Một tiếng gọi nhẹ như hơi thở: - Tiểu muội.... Nàng quay lại. Chàng đã đứng sát bên nàng. Mái tóc đẫm hương nhu của nàng gieo hướng trong trời chiều nhạt nắng.

-....Bây giờ ta đã được như nàng.... Chúng mình là đồng môn. Bây giờ ta có thể gọi nàng là tiểu muội. Có phải vậy không?

Nàng không trả lời. Người nàng như tê dại. Nàng cúi đầu nhìn xuống đất. Hình như chàng cũng ngượng ngùng bối rối. Một quãng im lặng đây tiếng vang.

Trên mặt đường cát bụi, nàng nhìn chiếc hài trắng của chàng gạt nhẹ mấy viên sỏi rồi mũi hài vạch trên đất một chữ "nhân". Không tự giác nàng đưa mũi hài viết tiếp một chữ "ái".

Chàng bỗng ngửa mặt lên trời cười một trang dài. Lần đầu tiên nàng thấy chàng cười. Tiếng cười âm vang tràn lan như tiếng sóng biển khơi. Chiếc cầu vồng trên đầu chàng đã tan biến tuông như đã chui tuột vào tiếng cười của chàng.

-Nàng đã phạm tội rồi!

-Tội gì? Nàng sửng sốt hỏi.

-Nàng đã đem chữ thánh hiền ra viết trên đất.

-Còn chàng thì sao? - Đến lượt nàng cười.

-Tiểu huynh vô tội. Thầy dạy chữ "Nhân" mang tính sinh trong trời đất. Trong trời đất vạn vật đều có nhân. Viết ở đâu mà chẳng được. Còn ái là yêu. Chữ ấy không được viết dưới đất cát.

-Vậy chữ ái chỉ được viết trên giấy sao?

-Theo ý ngu huynh thì nàng hãy viết chữ ấy ở chỗ nào nàng thích nhất.... kín đáo nhất.

Nói xong chàng nhìn nàng rồi xin phép cáo từ. Trên nếp áo xanh của chàng, đã tắt ánh hồi quang cuối cùng của trời chiếu còn sót lại.

Nàng gọi Ả Liễu: "Em hãy lén đi theo chàng xem chàng trọ học ở xóm nào. Chị đợi em ở đây nhé."

Nàng nhìn cô tớ gái ra đi, lòng bâng khuâng trăm mối. Cặp mắt ấy, ánh nhìn ấy, nàng biết rằng sẽ không bao giờ quên được và nếu phải vĩnh biệt thì nó sẽ đeo đuổi ám ảnh nàng suốt những tháng còn lại trong đời nàng.

Lần này cũng như trong đêm hoa đăng, nàng đứng lại dưới tán lá nhãn nhìn bóng chàng cất bước ra đi. Không có bóng đèn lồng huyền ảo, chỉ có âm điệu giọng nói chàng còn thầm thì trong nàng như tiếng sóng ru mạn thuyền. Phải chăng một giấc mơ thiếu nữ, một cánh bướm hoa trong chuỗi lan Phi điệp của nàng đã cất cánh bay. Bóng lá cây đổ sậm trên người nàng. Tiếng côn trùng trỗi lên rụt rè trong cỏ dại. Mơ hồ có tiếng ai gọi ai trong bóng hoàng hôn buổi trọng thu đang xuống nhanh. Một tiếng gà gáy ở bên kia vườn nhãn. Ả Liễu đã về.

-Thưa tiểu thư, em đi theo chàng, thấy chàng đi về phía đầm Mộc Thủy.

-Ra chị cũng đoán thế.

-Ra khỏi rặng liễu dại, chàng hướng về thôn Đoài.

-Chắc chàng trọ ở thôn ấy.

-Nhưng đến đám sú sát mé hồ thì em không thấy chàng đầu cả.

-Trời nhá nhem, em không thấy chàng rẽ về thôn Đoài đó thôi.

-Dạ không, chàng biến mất.

-Em nói sao.... Biến mất!....?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro