Chương 6 - Gặp nạn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mọi chuyện diễn ra quá nhanh và chẳng hề có ai dám đứng ra giúp đỡ. Giúp gì được khi những người dân quanh đây cũng chỉ là những kẻ dân đen không quyền không thế. Ở cái thời buổi nhiễu nhương này, bảo vệ cái thân mình còn chưa xong huống chi là lo cho người ta?

Khi Lan và bé Mộc chạy đến nơi, hai người dùng hết sức bình sinh để xuyên qua đám đông thì đã thấy anh Triệt nằm đó bất tỉnh, bị đánh sưng vù cả mặt mũi. Chị Hà khóc rống lên lay gọi anh dậy. Tuấn và Vụ cũng không khá hơn là bao. Hai người họ nằm co ro ôm lấy bụng, dáng vẻ đầy đau đớn. Nhưng khủng khiếp nhất chính là bàn tay phải của Tuấn. Một đôi đũa đâm xuyên qua gan bàn tay, máu chảy ra lênh láng. Tay trái anh run run bóp chặt lấy cổ bàn tay phải, như muốn ngăn không cho máu lưu thông đến vết thương. Văng vẳng từ đằng xa là tiếng khóc thảm thiết của ai đó, và tiếng cười đầy man rợ của kẻ bất nhân.

-Trời ơi! Chuyện gì xảy ra thế này? – Lan hoảng hốt chạy tới bên Tuấn. Cô xé vội gấu tay áo băng lại bàn tay cho anh. – Ai đã làm anh ra nông nỗi này? – Nàng vừa nói vừa khóc.

-Bầm ơi! Thầy bị sao thế ạ? – Mộc mếu máo hỏi mẹ. Nhưng đáp lại lời của cô bé là tiếng Hà gào tên chồng trong tuyệt vọng.

-Triệt ơi Triệt. Tỉnh dậy đi anh! Hu hu. Triệt ơi. Mở mắt ra đi!

-Tuấn! Vụ! – Lan lay gọi. Nhưng họ chỉ có thể rên rỉ đau đớn.

-Ôi rõ khổ. Cô mau mời thầy lang đến chữa trị cho anh ta đi. Phen này chắc hỏng cả bàn tay rồi. – Một người đàn ông trong đám đông nói vọng vào.

Như được dội nước lạnh cho tỉnh người, Lan vội nhờ ông chủ nhà trọ và những người dân quanh đó khiêng ba người đàn ông về. Còn nàng thì nhanh chóng chạy đi tìm thầy lang. Đúng vậy! Trong tình huống này cần phải trị thương cho mọi người trước đã. Cơ sự thế nào để từ từ hỏi sau. Đang đi trên đường thì nàng gặp Hằng tất tưởi chạy về. Nước mắt nước mũi lèm nhèm chẳng nhìn thấy Lan. Phải đến lúc nàng gọi, Hằng mới biết mà quay lại, tiếp tục khóc:

-Minh ơi! Mọi người bị đánh đau lắm! Chắc bị đánh chết mất thôi! Chị lên báo quan mà người ta chẳng hề cho người đến cứu. Lại còn đuổi đánh chị ra ngoài nữa. Minh ơi. Phen này mọi người chắc chết mất thôi!

-Chị Hằng! Chị bình tĩnh! Nhìn em này! – Tay Lan run run nắm lấy cánh tay Hằng. Dường như nàng đang muốn truyền chút dũng khí ít ỏi của mình cho cô gái đang hoảng loạn ấy. – Em đã đưa các anh chị về quán trọ rồi. Bây giờ phải đi vời thầy lang ngay. Chị đi cùng em.

Nhờ sự giúp đỡ của mọi người mà cuối cùng hai chị em đã tìm được vị thầy lang tốt nhất vùng. Dù vậy, khi nhìn thấy bàn tay của Tuấn, ông lang có vẻ ngán ngẩm lắc đầu.

-Mấy người giữ chặt cậu ta lại, để tôi rút đôi đũa này ra.

Ông chủ nhà trọ và Hằng giữ chặt vai và đôi tay của Tuấn, còn Lan nhét một miếng vải vào miệng của anh. Nàng nhớ hồi sinh đứa cháu, chị dâu nàng được bà đỡ nhét vải vào miệng phòng hờ chị quá đau mà cắn phải lưỡi nên bắt chước làm theo.

-Ư ư ư! – Tuấn rống lên, dãy giụa vì đau. Mồ hôi túa ra ướt đầm cả gối.

-Thằng nào mà ra tay ác độc thế này? – Thầy lang vừa nói vừa rút từng chiếc đũa ra. – Thế này thì gãy hết xương rồi còn gì.

Lan quay đi không dám nhìn. Một lũ ác ôn! Chúng nó đâu chỉ dùng đũa đâm thủng bàn tay, mà còn dùng cả chân nghiến lên các ngón tay nữa. Các đốt vì thế mà bị gãy hết cả, thương tổn rất nặng nề. Khả năng về sau chẳng thể cầm nổi chén trà, chứ đừng nói là muốn chơi nhạc cụ.

-Là thằng Khải đấy. Nó với cái đám gia nhân đánh bọn họ.

Ông chủ nhà trọ và thầy lang không hẹn nhau mà cùng thở dài. Xem ra tên Khải này là phường lưu manh vô lại nổi tiếng ở cái đất này. Mới nhắc đến tên mà cả hai đã tỏ vẻ ngao ngán. Sau khi trị thương cho Tuấn xong, thầy lang quay sang thăm khám cho Triệt và Vụ. Cũng may họ chỉ bị đánh phần mềm, không động đến xương cốt nên tình hình của hai người không nguy hiểm lắm. Chẳng qua Triệt chưa đánh đấm bao giờ, lại bị chúng nó thụi tới tấp vào mặt nên bị choáng ngất. May mà còn biết dùng tay để che nên chỉ bị sưng tím. Triệt vốn sức vóc to khoẻ nên có thể phục hồi nhanh hơn Vụ. Giờ chỉ lo cho Tuấn mà thôi.

Khi mọi sự đã có phần ổn thoả, Lan bảo chị Hà kể rõ sự tình. Biết sức khoẻ của chồng nay đã ổn, chị mới bình tĩnh trở lại.

-Em nghe bác ấy nói rồi đấy. Hắn tên là Khải. Tên súc sinh ấy! – chị Hà rơm rớm nước mắt, nghẹn ngào nói. – Hắn thấy cái Loan trẻ đẹp nên muốn bắt về làm vợ lẽ. Vũ mới đứng ra bảo vệ. Ban đầu chỉ là lời qua tiếng lại thôi. Sau đó hắn bắt đầu giằng co. Khổ thân thằng Vũ. Nó bị hắn đấm cho mấy phát. Anh Triệt thấy thế chạy ra ngăn cản thì bị người của hắn đánh. Thằng Tuấn ra giúp cũng bị đánh theo.

-Thế tại sao anh Tuấn lại bị hại ra như vậy?

-Hu hu. Khổ thân nó. Thằng đó nó bảo đêm hôm trước đánh nhau với ai ở ngoài bờ sông, làm trầy da ở mu bàn tay người ta. Nó thấy tay thằng Tuấn có vết trầy, chẳng thèm hỏi nguyên cớ, cứ thế sai người giữ tay lại mà làm cái trò độc ác đó. Hu hu. Thế này thì còn gì là tay nữa hả Tuấn ơi là Tuấn ơi!

Nghe chị Hà nói đến đây, Lan cảm thấy ngờ ngợ. Có khi nào đêm hôm đó ở bờ sông, người cứu nàng chính là Tuấn? Nàng thấy sợ hãi. Nếu là thế thật, thì đây chẳng phải là lỗi do nàng sao? Vì cứu mình nên anh ấy mới bị người ta phế bàn tay ư? Không! Có lẽ là trùng hợp ngẫu nhiên thôi. Anh ấy chỉ vô tình bị trầy. Nhưng không may bị kẻ ác lấy cớ hãm hại. Có khi là vậy đấy?! Trong lòng nàng rối như tơ vò. Nếu thực sự là do Lan, nàng biết phải đền bù cho Tuấn như thế nào đây? Anh ấy sẽ phải sống suốt đời với bàn tay tàn tật đó. Nàng sợ lắm nhưng thương Tuấn vô cùng. Chàng trai tốt bụng này nào có tội tình gì đâu.

-Chị Hà ơi. Cái Loan biết tính thế nào bây giờ? – Hằng thút thít hỏi.

-Còn biết làm thế nào? – Hà thở dài – Phận xướng ca nay đây mai đó, cái kiếp thân này nào có được người đời coi trọng gì. Thôi thì số nó đã như vậy. Làm vợ lẽ nhà phú hào cũng tốt. Chỉ tội... chỉ tội... vướng phải phường vô lại!

-Không... được! – giọng Vụ thều thào. – Không được.

Vụ cố gắng ngồi dậy. Đôi mắt anh đỏ hoe. Anh gồng mình đứng dậy bước ra cửa. Nhưng đi đến nửa đường thì ngã oằn mình xuống. Vụ muốn đi cứu Loan. Cả đoàn chẳng ai là không biết tình cảm của anh dành cho Loan. Nó hiện lên qua từng ánh mắt, từng cử chỉ, sự quan tâm mà anh dành cho cô. Những lúc biểu diễn, đôi mắt của Vụ không rời Loan nửa bước. Đầy trìu mến và yêu thương. Hay khi Loan mệt, luôn là anh đứng đằng trước cho cô bám vai mà tiếp tục bước đi. Tình yêu của Vụ nhẹ nhàng và âm thầm như thế đó. Có lẽ Loan cũng nhận thấy điều này. Cô cố tình ngó lơ, chỉ coi Vụ như một người anh trai. Đôi lúc cô vô tình hẩy cánh tay của Vụ ra khi thấy anh có ý định đỡ cô đứng dậy. Cô muốn cho Vụ thấy tâm ý của mình. Nhưng chàng trai si tình chẳng bao giờ nguôi hi vọng về một ngày có được trái tim người đẹp. Và tất cả đang sụp đổ vào ngày hôm nay. Loan bị bắt về đó thì chỉ có một kết cục duy nhất: cô sẽ bị cưỡng bức. Dù sau đó có bị đuổi ra ngoài như một con người ở hay may mắn được trở thành vợ lẽ, thì cuộc đời tươi đẹp của Loan chính thức khép lại vào ngày hôm nay. Vụ phải cứu cô ấy.

-Tôi phải cứu em ấy! – Vụ nói, cố gắng đứng dậy. Hằng chạy lại đỡ nhưng Vụ gạt ra, tiếp tục lết ra cửa.

-Cậu định cứu nó kiểu gì khi thân cậu còn giữ không xong? – Hà trách móc. – Cậu hãy chấp nhận số mệnh đi!

-Không cứu được cũng phải cứu!

Vụ gào lên, lao ra thì vấp phải bậu cửa, ngã nhào ra ngoài. May lúc đó có ông thầy lang đứng bên ngoài đỡ cho, không lại bị thương nữa thì khốn.

-Ôi trời. Cậu đang bị thương thế này còn tính đi đâu? Về lại giường nằm tĩnh dưỡng đã. – Thấy Vụ có vẻ không muốn nhúc nhích, ông nói tiếp. – Tôi đã được ông chủ quán kể rõ mọi chuyện rồi. Nếu các vị muốn cứu cô gái ấy, thì cũng phải tính kế sách. Chứ cứ thế xông vào chỉ có chết người thôi.

-Vậy ông bảo phải cứu kiểu gì? Cứ chần chừ thì sẽ muộn mất. Phải cứu lấy em ấy ngay!

Vụ vừa nói vừa bực tức đấm vào cửa. Hành động đó vô tình lại động đến các vết bầm tím ở vai và lưng, khiến anh nhăn mặt lại vì đau. Hằng và ông lang nhanh chóng dìu anh quay trở lại giường. Xong xuôi đâu đấy, ông già tự rót cho mình một chén trà nóng, tặc lưỡi nói:

-Các vị là dân từ bên ngoài đến, chắc chưa biết gì về tên Khải. Hắn và gia đình nhà hắn không phải là chỗ có thể động vào đâu. Cha của hắn là quan tri huyện Cổ Bảng. Anh cả của hắn lại là đốc trấn. Gia thế của hắn như vậy, nào có ai dám động vào. Thực ra hắn cũng chỉ là đứa con thứ của vợ lẽ. Nhưng mẹ hắn lại trẻ trung, sắc nước hương trời nên rất được yêu chiều. Mụ ta lại là người biết điều, biết làm vui lòng bà cả nên cái nhà đấy không thấy xảy ra chuyện cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Trong ngoài đều êm thấm. Chỉ có cái tên Khải là tính tình hung hãn. Dựa hơi nhà mình có quyền mà làm nhiều điều bậy bạ. Mẹ hắn toàn dấm dúi tìm cách giải quyết nhanh gọn. Thành ra dân oán thán mà chẳng dám oán. Cái này đúng là con hư tại mẫu.

-Thảo nào lúc em đến báo quan, họ nhất định bắt em phải mô tả hình dáng tên khốn đó ra sao. Đến lúc nhận ra thì họ đuổi em đi không cho báo. Bọn lính đó đều bao che cho chủ của chúng! – Hằng tức giận nói.

-Báo quan phỏng có ích gì. Cha của hắn cũng đâu phải phường tốt đẹp gì cho cam. Tên quan tham đó chuyên bảo kê cho mấy phường múa hát và quầy rượu trong vùng. Ai mà muốn mở quán thì phải nộp tiền cho đám du côn. Đám đó đều là người của hắn hết đấy.

-Thế thì người dân biết trông cậy vào ai để bảo vệ cho mình? – Lan lên tiếng.

-Ôi dời! – ông già cười khổ. – Cậu bé này ngây thơ quá. Làm gì có ai đi bảo vệ dân đen chứ. Nếu là như mấy đời vua trước thì còn có thể nói vậy. Chứ bây giờ thì...

Ông thầy lang lắc lắc cái đầu, lại hớp tiếp ngụm trà.

-Nếu các cậu muốn cứu cô gái đó, nói thật nhé, khó lắm. Không dễ để lọt vào trong nhà đó đâu. Tường thì cao, lính hầu thì đông. Nếu bị phát hiện thì chỉ có tù mọt gông. Mà có khi trước đó đã bị đánh cho nhừ tử rồi ấy chứ.

-Nếu ông không có ý định giúp. Tự mình tôi sẽ đi. Có chết tôi cũng phải cứu được em ấy.

-Em xin anh đấy Vụ ạ. Anh hãy tĩnh dưỡng đi đã. Khi nào sức khoẻ ổn định rồi, chúng ta sẽ cùng cứu Loan ra.

-Em có hiểu vấn đề không hả Hằng? Nếu tối nay mà Loan không được cứu, đời em ấy sẽ ra sao dưới bàn tay của tên vũ phu đó? Giả như đó là người tốt, thì anh đành chấp nhận. Nhưng em đã thấy hắn làm gì với Tuấn rồi đấy! Em nghĩ Loan có sống sót được không?

-Vụ! Mày nhìn lại người ngợm mày xem! – chị Hà quát lên. – Mày chưa kịp bước vào cửa nhà nó có khi đã bị người ở đó đánh cho chết rồi thì còn cứu ai được nữa? Chị không muốn để mất thêm ai ở cái đoàn hát này nữa. Sư phụ đã giao chúng mày cho chị chăm sóc. Chị không lo nổi được cho cái Loan nhưng chị nhất quyết sẽ không để mày vào chỗ chết.

Bầu không khí trở nên thê lương hơn bao giờ hết. Trên giường, Tuấn và Triệt vẫn còn đang bất tỉnh, mắt nhắm nghiền. Còn Vụ, Hằng và Hà thì chỉ biết thút thít khóc trong bất lực. Cái nghèo hèn của phận xướng ca nó là như thế đấy. Không quyền, không thế. Chẳng thể làm gì ngoài chấp nhận đẩy đưa theo dòng đời. Chỉ có mỗi bé Mộc vẫn an nhiên nằm ngủ trong vòng tay của mẹ sau tất cả những ồn ào vừa qua. Nhưng có lẽ con bé cũng cảm nhận được điều gì đó bất ổn. Hai đôi lông mày cau lại trên đôi mắt đang say giấc nồng kia.

Những con người này, họ mới đáng thương làm sao! Họ sống tiêu dao, tự do tự tại, chẳng hại ai bao giờ. Họ còn mang tiếng hát để làm khuây khoả nỗi lòng mỗi con người. Nhưng có một số kẻ lại cho mình cái quyền tước đi cuộc sống và định đoạt số phận của họ. Bỗng dưng Lan cảm thấy vô cùng bức bối, ngột ngạt. Cái cảm giác này nàng thấy quen quen. Giống như cái thời nàng sống trong bốn bức tường, nhìn thấy những con người đi lại nói cười nhưng tâm không cười. Những người phụ nữ ấy chấp nhận số phận của mình, chấp nhận những tục lệ, lề thói của xã hội. Và rồi cuối cùng cũng đến lượt nàng phải theo cái số phận đấy. Nhưng nàng không hề muốn như vậy! May mắn làm sao khi nàng gặp được Khát Chân, một cơn gió xuân mát mẻ xuất hiện trong cuộc đời nàng. Nếu không có chàng, Lan sẽ chẳng có dũng khí mà bứt ra khỏi cái sự tù túng đã bủa vây lấy nàng bao nhiêu năm nay. Đúng vậy! Số phận là phải do mình định đoạt! Những con người này có quyền sống như họ mong muốn.

- Để em! Em sẽ đi cứu chị Loan!

Ngọc Lan lên tiếng. Tay nàng run run. Tim đập thình thịch. Sau những gì mắt thấy tai nghe về tên Khải, nàng cảm thấy sợ hãi trước kẻ man rợ này. Nhưng nàng rất kiên định với lựa chọn của mình. Giống như nàng trước kia, lựa chọn đi theo Khát Chân. Nàng nắm chặt đôi bàn tay. Những con người này, họ cần được giúp đỡ. Giúp bằng cách nào thì hiện vẫn chưa rõ, nhưng để đột nhập vào phủ tri huyện mà không bị lộ thì chỉ có mình nàng thôi. Vì cả ca đoàn đã bị tên Khải và kẻ hầu của hắn nhận mặt rồi. Mình có thể cứu được Loan mà! Nàng tự nhủ.

****

- Hya! Hya! Hya!

Có tiếng thúc ngựa băng qua con đường đầu làng. Mấy hôm trước, đoàn người ngựa của họ đã khởi hành trong bí mật để đến thị sát huyện Cổ Bảng này. Nghe nói đinh tráng trong huyện lũ lượt kéo nhau đi làm ăn xa, đi tải đồ ở Thăng Long, Vân Đồn, Kỳ Lừa... Thế nhưng qua điều tra thì thấy số phu phen ở những nơi đó chỉ tăng lên có vài chục người. Số còn lại thì không biết đi đâu. Trai tráng khỏe mạnh chính là những quân binh tương lai. Giữa lúc lòng người bất định thế này, dân đinh lại biến mất không dấu vết chắc chắn là có điểm đáng ngờ. Vì thế bọn họ phải đích thân đến đây để điều tra cho rõ ngọn ngành. Không biết chừng, có kẻ đang ngấm ngầm tạo phản.

Cuối cùng thì cũng đến phủ nha của tri huyện Cổ Bảng. Hai tên lính phía sau bèn xuống ngựa, tiến đến gọi cửa. Chưa kịp đến nơi thì đã thấy một cô gái bị bọn lính canh hất ngã ra đường. Nước mắt cô dàn dụa, kêu gào thảm thiết:

- Con cắn cỏ lạy các ông. Người ta đang đánh các anh con ở ngoài kia. Các ông mau đến cứu đi ạ! Con xin lạy các ông.

Tên lính canh vội quát:

- Đánh đấm cái gì! Chỉ là xô xát nhỏ sao phải kinh động đến quan lớn. Mau về đi!

- Không không! Họ sắp đánh chết các anh con rồi! Ôi dời ơi! Sai nha gì mà để dân bị đánh đến chết thế này!

- Ơ cái con này, mày tính làm loạn quan huyện đấy hả? Mày có đi ngay không, tao gông cổ trói mày bây giờ?!

Thấy hai tên lính canh có ý làm thật. Cô gái nước mắt ngắn dài, xách váy bỏ chạy. Từ đầu chí cuối, mọi chuyện đều được người đàn ông trẻ đang ngồi ngay ngắn trên lưng ngựa kia chú ý. Hắn trông theo cô gái, rồi nhìn đám lính mà lắc đầu.

Sau khi có lời với hai tên lính, chúng vội vã chạy ngay vào trong phủ thông báo. Một lúc sau, tri huyện và các nha lại xuất hiện cung kính cúi chào. Người đàn ông xuống ngựa, nói vài câu xã giao rồi phất tay đi vào. Xem chừng người này có địa vị không hề đơn giản.

****
- Thật không biết hôm nay lại được quan lớn hạ giá quang lâm đến huyện phủ nhỏ bé này, nên phủ đệ chưa chuẩn bị được chu đáo. Có gì không phải mong quan lớn bỏ quá cho.

Nguyễn Thế Phương chắp tay hành lễ với vị quan trẻ ngồi trên ghế. Hắn ta mặc áo bào màu xanh lục, đai thắt ngọc bội. Kiếm để tựa thành ghế. Dáng ngồi đĩnh đạc, vẻ ngoài rắn rỏi. Nhìn qua là biết người luyện võ. Hắn cầm chén trà chậm rãi hớp từng ngụm.

- Ngài không cần phải câu nệ. Ta là bí mật đến đây, không thể thông báo trước. Nhưng ta chắc ngài biết rõ lý do tại sao.

- Dạ. Lần trước nhận được lệnh của ngài, ngay lập tức tôi đã cho người điều tra. Quả đúng là nhiều đinh tráng đã biến mất kể từ lần Phụ chính Thái sư * nhậm chức. Đến nay cũng đã hơn nửa năm. Các gia đình đều không nhận được tin tức gì nhiều từ họ. Chỉ biết là đang làm phu ở Vân Đồn, Quảng Nguyên... Do hàng tháng vẫn có tiền gửi về nên không ai đến trình báo. Tính riêng tại huyện tôi, có 167 trai đinh không có mặt tại huyện.

- 167 người?! Thế là đủ để tạo một cuộc nổi dậy rồi đấy! - Hắn tức giận đập bàn. Chiếc chén nảy lên rơi xuống đất vỡ tan tành. - Hừ! Ngươi quản lý kiểu gì mà để trai đinh biến mất đến giờ mới thống kê? Nếu có chuyện lớn xảy ra, ngươi tính lấy đầu cả nhà chịu tội phỏng?

- Không không! Quan lớn bớt giận! - Phương vội quỳ mọp xuống lạy. - Dân chúng đi buôn bán làm ăn xa là chuyện thường tình. Trước khi đi, họ phải đến trình với lý trưởng mỗi làng. Được phép thì mới được xuất. Tuy nhiên qua điều tra, tôi mới phát hiện ra được sự lạ tại sao đinh tráng biến mất mà không có tên lý trưởng nào khai báo.

- Nói.

- Dạ bẩm, ngoài số lượng trai đinh được ghi nhận trong sổ sách là đã xuất, thì còn có cả những kẻ hành khất, bọn du thử du thực trong các làng. Những bọn ấy, người làng một là không quan tâm, hai là không muốn dây vào. Thân thích thì không có. Sự biến mất của bọn chúng không khiến dân làng lấy làm lạ ạ.

- Trai đinh khỏe mạnh bắt đi còn thấy dễ hiểu, đám hành khất côn đồ ấy thì có gì mà phải bắt? - Hắn suy tư. - Gần đây có những thương nhân nào hay đến thuê đinh?

- Dạ bẩm rất nhiều ạ. Nghe nói mấy bạc dịch trường** ở Vân Đồn, Kỳ Lừa buôn bán với thương lái nhà Minh rất ổn nên cần nhiều phu. Ở Quảng Nguyên thì thấy báo cần gấp thợ khai thác vàng. Những số đinh đi theo dạng ấy đều được kê khai cụ thể. Xin trình quan lớn ạ.

Phương đưa ra một quyển sổ khá dày. Vị quan trẻ cầm lên đọc, chau mày. Theo như ghi chép, số trai tráng được ghi nhận đã xuất là khoảng 70 người. Nhưng thực tế số đinh biến mất nhiều hơn gấp đôi. Vậy chắc hẳn số đó là những kẻ du thử du thực như Phương đã nói. Thông minh đấy! Nếu bắt những kẻ đó thì chẳng ai mảy may để ý. Đây mới chỉ là một huyện, nếu các huyện khác cũng vậy thì không nghi ngờ gì có kẻ đang gây dựng quân đội.

Mạnh Nguyên đăm chiêu suy nghĩ. Quảng Nguyên là mỏ vàng của quốc gia. Việc tuyển mộ thêm phu phen phải có sự chỉ đạo từ Thượng thư bộ Hộ Phạm Quang Hiển. Như những gì hắn biết thì Hiển chỉ mộ thêm có vài chục người thôi, đều lấy từ những châu lân cận. Như vậy là có kẻ mạo danh đến xin đinh. Có thể điều tra từ đây. Quan trọng nhất là phải tìm được ra nơi mà đám trai tráng đó chuyển đến. Chúng có thể sống ở đâu?

Nguyên đưa sổ sách phân phó cho thuộc hạ. Xong đâu đấy, hắn nhìn xuống quan huyện vẫn đang quỳ mọp trên sàn, nhẹ nhàng hỏi:

- Sao ngươi lại quỳ?

Phương thấy Nguyên để ý đến mình, vội lạy tạ rồi đứng lên. Nào ngờ ngay sau đó Nguyên buông một câu "Ta có kêu ngươi đứng dậy à?". Tên quan sợ hãi lại quỳ xuống.

- Ngươi tắc trách trong việc quản lý trai đinh đã là một tội. Tội nữa là theo như ngươi nói, có vẻ như số người hành khất trong huyện là rất nhiều. Ngươi cai quản vùng này ra sao mà để dân đói đến như thế?

Phương run lẩy bẩy cả người. Sức ép từ chất giọng ồm ồm đầy uy lực của Mạnh Nguyên khiến hắn co rúm lại. Dân đói cũng một phần do chiến tranh liên miên, lại thêm vụ lúa năm ngoái bị thất thu. Tiếp nữa việc dùng tiền giấy không phù hợp khiến dân chúng khó trao đổi buôn bán. Từng đấy nguyên do, đâu thể đổ hết tội lỗi lên đầu một mình hắn được. Nhưng nếu nói thế với Phán tư sự, thì cái cổ của hắn sẽ không giữ được mất, chứ đừng nói đến chức quan tri huyện. Hắn bèn dùng cái miệng lươn lẹo đáp lại:

- Dạ bẩm. Tôi đã làm hết sức mình để giảm thiểu nạn đói do thất thu mùa vụ, cũng đã phát trẩn lương thực cho dân nghèo. Qủa thực đã có một số biến chuyển, tuy nhiên chúng dân đen thấy thế lại lấy làm lười, không chịu lao động mà dựa dẫm hết vào sự thương xót của triều đình, thành ra số dân nghèo mới đông như vậy. Mong quan lớn soi xét!

Xảo biện cũng giỏi lắm! Nguyên thầm nghĩ. Đúng là Phương có phát lương nhưng đó là theo lệnh vua. Nếu không có chiếu chỉ ban xuống cho toàn các châu lộ, e là hắn không có ý phát cho dân đen đâu. Bản thân Nguyên cũng là người hiểu lý lẽ. Hắn biết nguyên nhân sâu xa do đâu mà cuộc sống người dân lầm than như vậy. Căn nguyên vấn đề vốn đã phát sinh từ thời Dụ Tông nắm chính sự. Vua ham chơi bỏ bê chuyện triều chính, lại thêm gian thần hùa vào, tìm cách tiêu diệt các trung thần. Đến lúc sức khỏe suy kiệt, không con nối dõi thì lại hồ đồ truyền ngôi cho ngoại tộc họ Dương, để cho nội chiến kéo dài hơn năm. Từ đó mà nguyên khí quốc gia thêm suy kiệt. Dân chúng năm này qua năm khác ít được bữa ăn no. Gia phụ bỏ công bỏ sức để đưa Trần Phủ lên ngôi, cứ ngỡ sẽ khôi phục được Đại Việt thịnh trị năm xưa, nhưng rốt cục đất nước không biến chuyển tốt hơn, thậm chí còn tệ đi. Nay thế của nhà Minh đang rất mạnh. Nếu không mau thay quyền quản tướng thì Đại Việt sẽ lâm nguy mất. Nhưng nhiều kẻ ngu trung không chịu nhìn nhận thời cuộc, vẫn còn tưởng nhớ về những vinh quang năm xưa mà nhất nhất trung thành với một triều đình mục ruỗng. Ta không thể để Đại Việt lụi tàn. Kẻ nào dám ngáng đường ta, ta sẽ giết kẻ đó!

Tri huyện Nguyễn Thế Phương không làm tròn chức trách nên bị giáng bổng lộc nửa năm. Dù rất muốn bãi chức quan của hắn, nhưng Mạnh Nguyên không muốn đánh rắn động cỏ. Một vị quan đang yên đang lành lại bị giáng chức sẽ khiến đối phương đặt nhiều nghi vấn. Trước hết cứ điều tra từ danh sách các thương nhân và nha lại giả danh bộ Hộ đến xin đinh ở huyện này. Mạnh Nguyên cũng tiện nhắc lại những gì đã chứng kiến trước cửa nha môn, nhắc nhở hắn phải quản lý cho tốt. Phương nghe vậy lo sợ, vội cho người đi xem xét sự việc.

* Phụ chính Thái sư: ý chỉ Lê Quý Ly
** Bạc dịch trường: chợ biên giới

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro