Chương 2: Mẹ Ơi! Quê Là Chi Rứa?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Quê hương là gì hả mẹ
Mà sao cô dạy phải yêu
Quê hương là gì hả mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều"
Khi bắt đầu gõ những dòng chữ này, tôi bất chợt nghĩ đến câu hỏi : Mẹ ơi! Quê là chi rứa? Chỉ một câu hỏi mà tôi đã đọc được trên tik tok trên một capstion, ở một chiếc video, của một bạn nào đó mà tôi không nhớ tên, trong một buổi chiều hoàng hôn tháng 7. Chắc trong số những người đang đọc chương 2 của cuốn truyện này sẽ có một số bạn thắc mắc cụm từ "chi rứa" mà tôi đã đề cập ở nhan đề có nghĩa là gì nhỉ? Nó là phương ngữ địa phương rất thường gặp của người miền Trung quê tôi và cụm từ này có nghĩa là "gì vậy".
Chắc hẳn là nhiều bạn đang có thắc mắc tại sao tôi lại dùng một câu hỏi để đặt tựa cho chương này nhỉ? Thực tế thì nó không phức tạp lắm, chỉ là một câu hỏi mà chính bản thân tôi còn đang đi tìm câu trả lời. Trong tim tôi, thực ra quê hương có ý nghĩa gì?.
Tôi, một cô gái sinh ra nơi mảnh đất Miền Trung của dải đất hình chữ S, cụ thể là Nghệ Tĩnh nơi mà mỗi khi nhắc đến thì ấn tượng nhất với mọi người sẽ là lũ chồng lũ, bão chồng bão có phải không? Tôi đã từng ra Bắc, tiếp xúc với những con người nơi đây, và khi họ hỏi quê ở đâu, tôi cười bảo tôi người Nghệ Tĩnh và sẽ không có gì để nói nếu người hỏi tôi là các bác lớn tuổi và hầu hết các bác đều bảo nghe giọng biết ngay mà. Nhưng câu trả lời ấy sẽ có vấn đề khi tôi gặp những người tầm tuổi của tôi, đa phần sẽ tiếp tục thắc mắc vì không biết đó là đâu, và khi tôi nói rằng "nói cho chính xác thì tôi là người Hà Tĩnh" thì họ lại thái độ rằng "nói mẹ nó ngay từ đầu đi", rồi thì "bày đặt nói Nghệ Tĩnh"... và vô số những câu từ khác khó nghe hơn nữa.
Quả thực nhiều người không hiểu vì sao khi ra đường thì người Nghệ An hoặc Hà Tĩnh thường xưng mình là người Nghệ Tĩnh và cũng chẳng ngại ngùng. Có chăng sẽ ngại khi bị hỏi vặn nên đa số sẽ trả lời thẳng. Vào cái thời xa xưa mảnh đất quê tôi được biết đến với nhiều tên gọi, và dù sau này trải qua thăng trầm lịch sử dần hình thành ra 2 tỉnh riêng biệt thì đi đâu người quê tôi cũng gộp đôi chứ hiếm người tách nó ra. Bởi vì chắc không có nơi đâu như quê tôi dù nhiều người nghĩ là tách biệt ra chả thấy liên quan gì đến nhau nhưng thực tế chúng tôi chỉ cách nhau một cây cầu, chung nhau một dòng sông, lời ăn tiếng nói của bà, của mẹ đều giống nhau, lớp những đứa trẻ con chúng tôi lớn lên và được nuôi dưỡng tâm hồn bởi cùng một làn điệu dân ca. Thậm chí là cùng đón mùa bão về bởi cùng một thời điểm.
Đã từng có một thời gian dài, những người nơi khác, ban đầu mới tiếp xúc với chúng tôi đều chê "người gì đâu keo kiệt, bủn xỉn". Dựng nhà thì rõ là to, cao tầng và chắc chắn thế nhưng đi mua đồ dùng thì chọn loại rẻ nhất để xài, hỏng rồi cũng chả thèm bỏ mà còn tận dụng tới khi không xài được nữa thì mới vứt. Và họ gọi dân chúng tôi là "thứ đồ dân cá gỗ" "keo kiệt vậy bảo sao nghèo mãi không khá lên được". Chúng tôi chẳng mấy bận tâm, bởi thực ra thì họ không hiểu vì sao người quê tôi lại như thế. Một năm quê tôi hứng chịu phải 6-7 cơn bão, bão thường bắt đầu vào tháng 7 âm đến hết tháng 12 âm. Và nếu năm nào đến sớm thì bắt đầu vào tháng 6 âm và kết thúc vào tháng 11, muộn thì cận tết mới hết bão, họ sẽ tặc lưỡi: bão có bao giờ đổ bộ trực tiếp đâu, đổ thừa thiên tai. Nhưng trên thực tế, chúng tôi không trải qua 4 mùa rõ rệt như những nơi khác, chúng tôi chỉ có tháng 1 và tháng 2 hoặc may mắn hơn thì hết tháng 3 để tích góp, bởi bắt đầu từ tháng 4 sẽ là nắng nóng, có nơi 40 độ và trên 40 độ, rồi tháng 6, tháng 7 sẽ là mùa bão về. Nhiều người nghĩ đúng, nhưng đúng một phần. Bão không đổ bộ trực tiếp vào mảnh đất quê tôi hay là chưa từng đổ bộ vào quê tôi thì điều đó là đúng, và cứ mỗi khi nghe dự báo thời tiết sau bản tin thời sự mà thấy ngoài biển bắt đầu hình thành áp thấp chúng tôi ai nấy lại mong rằng làm ơn tan trên biển đừng gây mưa. Có một sự thật rằng lúc quê tôi xảy ra bão lũ thì cũng là lúc ở Miền Bắc bắt đầu vào thu, đón liên tục các đợt không khí lạnh tràn về và không cần phải là bão mà là hoàn lưu sau bão hay sau áp thấp mà bắt gặp không khí lạnh này đều sẽ gây mưa kéo dài, và lũ lụt bắt đầu hình thành.
Ngày còn bé, tôi rất thích mưa, "thích bão giông ngập lũ" như trong câu hát của anh Phan Mạnh Quỳnh, nhưng càng lớn, tôi càng ghét mưa, và cực kỳ ghét lũ. Ai trải qua rồi mới thấu hiểu những mất mát sau những cơn lũ dữ. Ko chỉ thiệt hại về người mà tài sản sau cả một năm, có người là thành quả sau bao nhiêu năm chắt chiu dành dụm có khi chỉ sau 1 đêm bỗng chốc tay trắng và lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Sau mỗi đợt lũ, bão tình đồng bào lại bắt đầu, hình ảnh quen thuộc là từng đoàn xe từ miền Bắc, hay trong tận miền Nam đều vượt qua những cung đường đang ngập nước trở ra quê tôi để cứu trợ. Chúng tôi biết ơn từng chai nước, chiếc bánh mì hay chỉ một gói mì tôm. Nhưng cơn bão này chưa qua, cơn lũ kia lại tới, khi hết mùa bão đa phần chúng tôi đều kiệt quệ. Nhưng lại bảo nhau làm lại từ đầu, dần dần cái khó ló cái khôn, nhà của chúng tôi thường cao hơn mặt đường, nơi nào hay lũ thì làm nhà phao, mỗi nhà một cái thuyền, đồ đạc cũng sẽ ít tiền hơn để khi nước dâng đột ngột có thể bỏ của chạy lấy người, chúng tôi chi tiêu có kế hoạch hơn, những thứ không cần thiết sẽ không bỏ tiền ra. Giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, chỉ cần còn người là còn của, trắng tay thì làm lại, nhưng mất mát về con người thì không gì bù đắp được.
Sau này chỉ còn một ít người chê bai người quê tôi nhưng đa phần ai cũng nói người Miền Trung nhỏ bé nhưng không thể coi thường. Các bạn sẽ thắc mắc và hỏi chúng tôi rằng: quê gì chó ăn đá, gà ăn sỏi, nghèo rớt mồng tơi có gì đáng tự hào không? Nếu các bạn nghĩ là không thì các bạn đã nhầm.
Nếu có ai đó hỏi tôi: với tôi quê là gì? Tôi sẽ tự hào biết mấy khi kể cho họ nghe về quê tôi. Mảnh đất tuy nghèo đấy nhưng là nơi sinh ra và lớn lên nuôi dưỡng tâm hồn cách mạng của nhiều cái tên làm rạng danh đất nước như cố tổng bí thư Hà Huy Tập, cố tổng bí thư Trần Phú, cố tổng bí thư Lê Hồng Phong và trên hết Nghệ Tĩnh là nơi sinh ra lớn lên của vị lãnh tụ đáng kính được cả thế giới nghiêng mình chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra mỗi một địa danh của quê hương tôi đều là chứng nhân lịch sử, tôi tự hào khi là người con máu đỏ da vàng, sinh ở một vùng quê nghèo nhưng có truyền thống hiếu học, mảnh đất nhân kiệt địa linh và lớn lên bằng điệu ví giặm phụ tử mà bà và mẹ đã từng ru suốt một thời thơ ấu.
"...Quê ơi! đường đời trơn
Khi ta mong, mãi là con trẻ
Để được nghe, mãi tiếng ru hời..."
Đất có lề, quê có thói. Quê hương không chỉ là nơi để mỗi người chỉ có khi đi qua quá nửa đời người nhắm mắt xuôi tay mới lá rụng về cội mà còn là nơi đáng tự hào mỗi khi nhắc tới bởi giữa những bộn bề bon chen cơm áo chẳng có nơi nào yên ổn bằng chốn quê.
Hà Tĩnh, ngày 16/11/2023. Viết trong những ngày bão nổi, dành tặng cho mảnh đất cố đô yêu dấu nhiều nơi đang bị ngập sâu...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#truyen