Thi cấp ba

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Năm nay cái Thương nhà chú Hinh thi cấp ba. Như nhà người ta thì con cái thi cử chuyển cấp quan trọng như vậy là bố mẹ quan tâm, lo lắng lắm. Thế mà nhà chú Hinh lại hoàn toàn ngược lại. Cả chú Hinh với cô Nga đều động viên con nghỉ học, không phải thi cử gì cho mệt. Cái Thương chưa học hết lớp 9, chú Hinh đã đi nhờ người làm bộ bàn ghế cho nó ngồi đục.

Cái Thương cũng không dại gì nghe theo. Nó rất là ương ngạnh, quyết thi bằng được. Vì rằng nó chơi với ba đứa nữa, cả ba đứa đều đi thi. Thêm nữa, nó đặt ra điều kiện là nếu thi đỗ, chú Hinh phải mua xe đạp điện cho nó. Chú Hinh càng mong nó trượt.

Ai đời, con đang ôn thi, đã không chăm sóc đặc biệt lại còn suốt ngày nói, kiểu như: ngu như mày thì đỗ làm sao được. Cái Thương mặc kệ, nó tức thì tức, cũng chỉ đến nước cãi lại là cùng.

Cái Thương sợ trượt, nó bảo chú Hinh là nó không thi trường Tống (THPT Tống Văn Trân) nữa mà thi trường Phạm (THPT Phạm Văn Nghị). Chú Hinh nhất quyết: Đây chỉ có họ Bùi, hoặc Tống chứ không có Phạm có Lương gì hết, thi Tống thì thi, không thì thôi. Phải nói thêm là chú Hinh họ Bùi.

Gần ngày thi, mới biết trường Tống lấy 480 học sinh, trong khi có hơn 500 thí sinh thi thôi. Tỷ lệ chọi không cao. Chú Hinh lại ngồi chửi trường Tống.

Cô Nga thỉnh thoảng lại sang kể tình hình ở nhà cô cho mẹ tôi nghe. Cô cũng lo cái Thương thi đỗ, lấy đâu ra tiền mà mua xe đạp điện cho nó. Nó nghỉ học ở nhà làm, vừa đỡ tốn tiền học, vừa biết làm sớm, một hai năm nữa lấy chồng, là cô chú nhàn, chỉ phải lo cho thằng Chính nữa thôi.

Hôm đi thi, trời nắng chang chang, chú Hinh lai cái Thương đi từ một giờ trưa. Trời nắng mà tay chú không có cái gì che. Đến đường Xú, tăm tia thấy mấy cây khoai, chú xuống hái hai cái lá khoai che lên tay cho đỡ rát. Cái Thương thấy vậy nhất quyết không lên xe. Nó bảo, chú như vậy đến trường thì nó dơ mặt, nó thà đi bộ còn hơn. Thế là nó cũng lững thững đi bộ, chú Hinh tè tè đi xe máy bên cạnh, bảo nó lên nó không lên. Trời thì nắng, lại sắp vào giờ thi mà hai bố con chú cứ như vậy một đoạn. Cuối cùng, chú phải chịu thua nó.

Thi xong môn cuối, chú Hinh hỏi cái Thương làm bài thế nào, nó nói làm bình thường, khoảng bao nhiêu điểm đấy. Chú Hinh nhẩm nhẩm, nghĩ chắc nó trượt nên lai nó vào quán ăn uống để liên hoan.

Cô Nga sang kể chuyện hai bố con chú Hinh lai nhau đi thi mà tôi với mẹ cứ cười đau cả ruột. Cô bảo: Đúng là hai cha con nhà Ấm (chú Hinh có biệt danh là Ấm), bố hâm con cũng hấp.

Lúc cái Thương có điểm thi, chưa biết điểm chuẩn, khả năng nó đỗ là 90%. Chú Hinh với cô Nga lo lắm. Chú Hinh thỉnh thoảng lại ngồi, nói: chết chết... Cái Thương mà đỗ thì không thể bắt nó ở nhà được. Đến lúc biết điểm chuẩn, mẹ tôi đi chợ về, bảo: Cái Thương đỗ rồi. Trường lấy 480 đứa thì nó đứng thứ 478.

Cô Nga lại sang nhà tôi tâm sự với mẹ. Bảo là mua xe đạp điện thì phí, biết đâu nó học một năm rồi chán lại bỏ. Mà xe đạp điện nhanh hỏng lắm, sau này nó nghỉ rồi có đi đến nữa đâu. Mua một cái xe bây giờ phải ba chỉ vàng chứ ít gì, để đến lúc nó lấy chồng rồi cho nó có phải tốt hơn không. Thế nên hai vợ chồng cô chú cứ khất quanh, bảo nó là sẽ mua nhưng lúc nào có tiền mới mua. Cái Thương bảo, vậy thì mua cho nó cái xe đạp xịn nó đi học, trong khi nhà nó cũng có xe rồi. Chú Hinh nói về chuyện mua xe, phán là: sẽ mua nhưng mua lúc nào chưa biết, cứ biết là một trong ba năm cấp ba.

Bây giờ, cái Thương đi học là đạp xe lên nhà bạn rồi đi nhờ bạn đến trường, bạn nó có xe đạp điện.

25.07.2014

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro