Hiểu chuyện

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1.

Với cương vị là một freelancer, tôi dành rất nhiều thời gian để ra quán cà phê làm việc cũng như bàn bạc công việc với đối tác. Không phải là ở nhà hay công ty của tôi không có không gian đủ yên tĩnh để làm việc, mà là đôi khi thay đổi môi trường cũng là thứ khiến con người ta bớt cảm thấy nhàm chán với công việc mà mỗi ngày mình phải hoàn thành.

Cũng như bao ngày bình thường khác, tôi trốn lũ trẻ cùng với ông chồng để tới quán cà phê ngồi một mình. Nhưng bởi vì thời gian này đã là thời điểm nghỉ hè cho nên khá nhiều trẻ con có ở trong quán, cũng không đến nỗi làm tôi khó chịu, nhưng cũng khiến tôi thấy nhiều mẩu chuyện cuộc sống nho nhỏ thú vị.

Ở sau lưng ghế ngồi của tôi, có một chiếc bàn nho nhỏ đủ cho hai người lớn bốn bạn nhỏ ngồi thưởng thức những cốc nước uống mát lạnh trong ngày hè oi bức này. Quang cảnh cũng khá yên bình cho đến khi người mẹ lôi qua hai quyển tập tô màu cho hai đứa con gái của mình ngồi vẽ để giết thời gian trong khi người mẹ ngồi nói chuyện với bạn.

Cô bé lớn hơn cầm quyển sách tô màu có vẻ nhiều chi tiết hơn bắt đầu tỉ mẩn tô tô vẽ vẽ, còn cô em thì chỉ sau khi tô màu quyển sách còn lại được một lúc thì quay sang phía chị mình nhìn chăm chú. Thầy hình vẽ trong quyển sách được tô nửa chừng đẹp đẽ hơn, chẳng nói chẳng rằng, cô em lôi luôn cuốn sách ra khỏi tay chị mà không nói một lời nào. Cô chị thấy vậy mách mẹ nhưng mà người mẹ chỉ đáp lời qua loa rồi quay lại nói chuyện với bạn của mình.

Không có sự đồng tình của người mẹ, người chị thất vọng nhìn mẹ mình rồi thở dài, để em gái mình thích làm gì thì làm, còn bản thân thì cũng hết hứng thú với việc tô vẽ, mắt nhìn ra ngoài đường đế xem dòng người qua lại.

Chắc là, cô bé đã quen rồi.

Người phụ nữ còn lại cũng có hai người con trai cũng đang tranh giành một chiếc xe transformer với nhau, mặc dù trên bàn cũng còn đang có một con khác nhưng nó không được hai cậu bé chú ý đến.

Cậu bé lớn bực mình kêu lên:

- Mẹ ơi, em trai dành transformer với con.

Tuy nhiên, người mẹ cũng chỉ qua loa trả lời:

- Con là anh trai, em nhỏ hơn con, con nhường một chút không được à. Sao cứ muốn ầm ĩ lên thế?

- Nhưng mà con transformer này là bố mua cho con mà. Em cũng đã có một con rồi nhưng mà vẫn muốn dành của con.

- Không phải còn lại một con nữa sao? Em không muốn chơi con đó nữa thì con chơi đi. Đã là anh trai thì phải biết nghe lời, biết nhường nhịn em. Biết chưa? - Nói xong thì người mẹ cũng quay lại cuộc trò chuyện không hồi kết với người bạn của mình.

Nhìn vẻ mặt của cậu bé có vẻ rất thích đồ chơi của mình, nhưng mà vì là anh trai, phải nhường em, cho dù trong thâm tâm tràn đầy sự không cam lòng, cho dù bản thân có trăm nghìn lần không nỡ, thì đã là anh trai thì bắt buộc phải nhường.

Tôi cười nhẹ nhìn khung cảnh ấy rồi hổi tưởng. Thật giống như những gì tồn tại trong ký ức của tôi.

2.

Sau khi hai đứa trẻ lên giường ngủ, hai vợ chồng cô mới có thời gian nói chuyện tâm sự lại với nhau. Tôi vừa ngồi ở bàn trang điểm matxa da mặt, vừa kể chuyện tôi gặp phải cho chồng nghe. Anh ấy vừa thay ga trải giường, vừa chăm chú lắng nghe những gì tôi nói.

Anh ấy vẫn luôn vậy, luôn kiên nhẫn nghe những gì tôi kể dù nhỏ nhất đi chăng nữa. Anh chú ý và ghi nhớ những gì tôi nói, dù không lãng mạn và không hay nói lời ngọt ngào thì đối với tôi, bình đạm sống với nhau như thế cũng là đã đủ rồi.

Anh nói:

- Trẻ con nhạy cảm hơn chúng ta tưởng. Không có đứa trẻ nào sinh ra đã hiểu chuyện đâu, mà trong qua trình chúng sinh trưởng, bố mẹ khiến chúng phải hiểu chuyện. Giống như việc bố mẹ tỏ ra mệt mỏi khi phân xử chuyện anh chị em cãi nhau, thì đứa chín chắn hơn sẽ nghĩ: Thôi, nhường em cũng được bởi vì nếu cứ tranh cãi sẽ làm bố mẹ mệt mỏi. Kể cả khi suốt ngày bơm vào đầu chúng câu, đã lớn hơn thì phải nhường em thì dần dà, không hiểu chuyện cũng phải hiểu chuyện.

Đúng vậy. Không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng biết cách nhường nhịn. Bố mẹ là những người định hình tính cách do con trẻ, không thể đổ cha mẹ sinh con trời sinh tính được.

Vừa trải xong ga giường thì chồng tôi cũng nói:

- Cũng không phải giống em vậy à. Hiểu chuyện đến nỗi khiến người ta giận điên người.

Nghe anh nói vậy, tôi chỉ cười rồi đáp lại:

- Cũng không phải bởi vì em ngoan quá nên anh thấy dễ bắt nạt rồi lấy em à. – Chăm sóc da xong xuôi, cô trèo lên giường nhưng không quên vỗ vô da mặt.

- Em ngoan như thế, anh không lấy em thì kiểu gì nửa đời người em cũng bị người khác bắt nạt. – Vừa nói vừa ôm lấy cô rồi mở chương trình tivi mà chúng tôi hay xem lúc tối muộn trước khi ngủ.

Tôi sinh ra trong một gia đình không đến nỗi gọi là trọng nam khinh nữ, tôi vẫn được nuôi dạy và cho đến trường như những đứa trẻ khác, nhưng mà ở trong nhà, những thứ tôi có chắc chắn em trai tôi có và những thứ em trai tôi có chưa chắc tôi đã có.

Tôi cũng không phải là kiểu người đỏi hỏi gì, cho nên, bố mẹ luôn nghĩ tôi là một đứa trẻ ngoan, không đòi hỏi, luôn ân cần chăm sóc em trai, thứ mà duy nhất mà ngoài việc học thì bố mẹ cần tôi làm tốt.

Còn nhớ vào một hôm, tôi được bố mẹ mua cho một hộp màu có cả màu sáp lẫn màu nước rất đẹp sau khi tôi được giải thi vở sạch chữ đẹp cấp trường. Lúc nhận được nó, tôi rất vui, vì đây dường như là thứ duy nhất mà tôi đòi bố mẹ mua cho mình bằng được, và sau lời hứa đạt được giải ba, tôi có được nó.

Nhưng, sau khi cầm chưa nóng tay, hộp bút màu đã bị em trai cô cướp đi không thương tiếc, dù cô rất muốn lấy lại nhưng bố mẹ cô nói: "Con là chị, cho em mượn chút xíu có sao đâu. Phải biết chia sẻ cho em chứ."

Và đương nhiên, tôi để mặc nó làm gì với món quà tuyệt vời nhưng tôi còn chưa đụng tới đó đó.

Nó lôi hết tất cả mọi thứ ra ngoài rồi vẽ nghệch ngoạc lên những trang giấy A4 mà nó xin của mẹ. Sau một hồi thì hộp màu đó không còn nguyên vẹn nữa. Bút chì màu thì không có cái nào không bị gãy, màu nước thì bị trộn lẫn hết với nhau, bút lông thì bị thụt đầu bút vào bên trong. Hộp màu không còn là hộp màu mà tôi ao ước nữa.

Tôi hét lên, tố cáo với bố mẹ, nhưng chỉ nhận được những câu nói mà tôi còn nhỡ rõ như in:

- Em còn nhỏ em có biết gì đâu. Con làm chị con phải hiểu cho em chứ. Màu đó không phải còn một ít còn dùng được sao. Sao còn cứ phải làm quá lên như vậy. Khi nào bố mẹ mua cái khác cho.

Và thế cứ thế lớn dần, tôi, là người chị sống trong tư tưởng chị em thuận hòa, chị lớn phải nhường em, kể cả những thứ tôi dành dụm tiền để mua được, tôi cũng phải chìa tay ra đưa cho nó nếu nó muốn. Nhưng mỗi lần tôi như vậy, bố mẹ có thể dành sự khen ngợi đối với tôi là một người chị tốt khiến cho trong gia đình chưa bao giờ có chuyện chị em cãi nhau tranh giành thứ gì.

Như vậy, cũng tốt mà đúng không.

3.

Khi lớn lên, tôi luôn nghĩ rằng, chỉ cần mình nhường một chút, mọi chuyện sẽ ổn thôi. Mặc dù rất khó chịu, nhưng một mình mình thiệt thòi một chút, cũng đỡ hơn nhiều người không vui.

Nhưng mà cảm ơn ông trời, cho tôi được gặp anh.

Anh là đàn anh học cùng trường đại học với tôi. Chúng tôi gặp nhau trong một câu lạc bộ khác có tiếng ở trong trường. Bởi vì bản tính khá là trầm, cho nên tôi hy vọng tham gia những câu lạc bộ này có thể khiến tôi cởi mở hơn chút ít.

Nhưng ở trong câu lạc bộ này, ngoài một vài chuyện vặt vãnh như bưng đồ, sắp xếp đồ, chuẩn bị đồ thì tôi không làm những thứ khác. Bởi vì đây là những chuyện nhàm chán nhất, và ít người xung phong làm nó, cho nên tôi đã cùng một vài người khá thích chuyện tay chân đảm nhận.

Thực sự tôi rất thích làm trong tổ đối ngoại, nhưng vì nhường cho người bạn mà tôi quen biết đầu tiên trong câu lạc bộ, tôi lại đánh mất cơ hội này rồi.

Không chỉ có cơ hội này, tôi đánh mất rất nhiều cơ hội chỉ vì nhường nhịn những người khác. Tôi biết thế là không ổn nhưng đứng trước những câu đại loại như: Tớ biết cậu hiểu cho tớ mà, cậu là người tốt nhất, hay cậu sẽ giúp tớ mà, đúng không?, tôi không thể từ chối được.

Cứ nhiều lần như vậy, mọi người cứ nghĩ tôi như kẻ ngốc thì anh lại tới và chửi thẳng vào mặt tôi vì nhìn không nối nữa.

Lần đầu tiên, có người nói như vậy đối với tôi:

- Em nhường người ta, chắc gì người ta đã cảm ơn em. Ở đây ai cũng bình đẳng cả, em không có nghĩa vụ phải nhường nhịn ai. Em không thích em có thể từ chối. Việc từ cái này đến cái khác nhường nhịn người khác không phải là sự hy sinh, mà là sự ngu ngốc, em hiểu không. Nghĩ cho mình trước được không? Ở đây cũng không phải là nơi để em thể hiện cho cả thế giới biết em là Thánh Mẫu đâu. Em có biết nhìn thế rất khó chịu không.

Mặc dù bị mắng, tôi rất là vui. Chưa bao giờ có một người nói với tôi rằng, nên vì bản thân mình trước chứ đừng vì niềm vui của người khác mà làm bản thân bị thiệt thòi.

Kể từ đó, không biết vì sao, chúng tôi lại trở thành người yêu của nhau, rồi cưới nhau cho đến tận bây giờ.

Tôi cảm thấy, có thể kiếp trước mình đã tích đức rất nhiều lần, nên mới có thể được gặp anh và nên duyên với anh ở kiếp này.

Khác hẳn với gia đình của tôi, gia đình của anh ấy nuôi con khá "Tây". Không có chuyện lớn phải nhường nhịn em, mà là hai anh em đều giống nhau, muốn nhường cũng được, không muốn nhường cũng không bị những giáo lý trưởng thứ áp đặt lên.

Nhưng đến hiện tại, anh em của hai người vẫn khá bền chặt, không phải kiểu thân thiết mùi mẫn, mà là kiểu giống như bạn bè thân thiết có quan hệ máu mủ thì đúng hơn.

Bởi thế, mọi việc liên quan đến uốn nắn hai đứa nhỏ, tôi đều dành hết cho anh, tôi sợ, ở một khía cạnh nào đó, tôi vẫn bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ thâm căn cố đế ấy, khiến chính con cái của mình lại đi vào vết xe đổ mà mình đã từng đi.

4.

Vào một ngày cuối tuần, hai vợ chồng tôi ngồi ôm nhau ở ghế sô pha ở ngoài phòng khách xem phim, còn hai đứa trẻ ngồi dưới sàn nhà chơi đồ chơi với nhau. Mặc dù hai đứa là song sinh, nhưng bởi vì khác trứng nên đến cả tính cách lẫn ngoại hình không giống nhau chút nào. Đứa thì yên tĩnh trầm lặng, đứa thì hiếu động sôi nổi, coi như là bù trừ cho nhau.

Đứa lớn vẫn đang yên lặng chơi xếp gỗ rất yên bình thì đứa nhỏ sau khi cảm thấy nhàm chán với việc lật những quyển sách đầy màu sắc nhưng không hiểu được nội dung thì vứt cuốn sách xuống vào lao đến hất đổ những gì đứa lớn đang làm.

Nhưng lần đầu, đứa lớn hơn vẫn không hề tức giận, chỉ quay lưng về phía khác xếp lại từ đầu, và đứa nhỏ cứ thế, thấy anh trai của mình xếp được một khoảng khác cao thì lao đến đạp đổ nó.

Trái ngược với những gì em trai nghĩ là anh trai sẽ nổi dậy mà lao đến rượt đuổi với mình, anh trai vẫn chịu đựng rồi đứng dậy cách em trai mình một khoảng cách khá xa rồi bắt đầu lại công việc yêu thích. Thấy quá nhàm chán, em trai lại lao đến nhưng lần này, nó dành luôn đồ chơi của anh trai.

Tuy nhiên lần này, anh trai đã thực sự nổi giận, đứng dậy hất em trai mình ra, và dành lại hết đồ chơi của mình. Cảm thấy không có sức dành lại được, em trai gào khóc:

- Của em mà trả lại em đây.

- Đây là của anh. Mẹ mua cho anh. Bộ của em vứt lung tung rồi mà. – Người anh giận dữ nói.

- Không biết. Đưa đây. Em muốn chơi. Anh là anh anh phải nhường cho em chứ. – Em trai gào khó dữ dội hơn.

Nghe thấy con trai nhỏ gào khó như vậy, chồng tôi không nhịn được nữa đứng lên, dựng hai đứa đứng dậy nghiêm chỉnh rồi hỏi:

- Có chuyện gì?

Thấy bố hỏi, con trai nhỏ của tôi gào khóc:

- Anh không có nhường đồ chơi cho con. Anh hư.

- Thôi vậy để anh đưa đồ chơi cho em là được chứ gì. Đừng khóc. Mất mặt.

Chồng tôi vẫn kiên nhẫn hỏi con trai nhỏ:

- Vì sao con thấy anh không nhường đồ chơi cho con là anh hư? Không phải bố mẹ đã mua cho mỗi đứa một bộ sao?

- Bà ngoại nó, đã là anh trai lớn hơn thì phải nhường con, anh không nhường là anh hư. Bộ của con mất hết rồi, tại sao con không được lấy đồ của anh chứ? – Con trai nhỏ vẫn gào khóc. Sau đó, con trai lớn của tôi nói:

- Đừng không. Anh nhường bộ xếp hình của anh cho em, đừng khóc nữa.

- Thật không? Vậy đưa em. – Vừa nói hết câu, cậu nhỏ không để ý thấy khuôn mặt của bố mình trở nên lạnh đi mà lao đến bên bộ xếp hình, toan ngồi chơi tiếp.

Anh ấy khó chịu gằn dọn nói:

- Đứng dậy. Để đồ chơi xuống. Bố đã nói con được chơi chưa? – Rồi quay qua bên con trai lớn nhẹ giọng nói – Nếu con không thích nhường thì không cần nhường. Em trai cũng có một bộ như vậy rồi nhưng lại không cất giữ cẩn thận. Bố biết con cũng thích bộ đồ chơi đó cho nên con cứ ngồi xuống chơi tiếp đi.

Nhưng khi chuyển qua cậu con trai nhỏ, anh nghiêm nghị hơn:

- Con lấy tư cách gì để yêu cầu anh trai phải nhường con. Hai đứa đều là con trai của bố mẹ sinh ra, anh cũng chỉ hơn con mấy phút, con đã cho anh con cái gì chưa mà đã yêu cầu anh con như thế. Bố mẹ không thiên vị ai hết, con có, anh con cũng có. Nếu con đã làm mất đồ của con, đó là lỗi của con mà không phải của anh trai, con không thể giành của anh con được. Con có thể xin anh chơi cùng nhưng không thể vì anh là anh trai của con mà phải đáp ứng tất cả các yêu cầu của con được. Muốn lấy cái gì thì phải xin phép anh, anh cho mới được sử dụng, biết chưa? Lần sau mà bố còn nghe thấy con nói câu anh phải nhường em nữa thì bố bắt con phải đứng phạt đấy, nhớ chưa?

Con trai nhỏ câu hiểu câu không nhưng cũng đã nín khóc và gật đầu đồng ý. Không biết tôi có phải mẹ chúng nó không nhưng mà chúng nó luôn sợ chồng tôi hơn là tôi. Đúng là phận đẻ thuê mà!

Hy vọng chúng hiểu được những gì chồng tôi nói.

5.

Về nhà mẹ đẻ vào lúc có giỗ, hai đứa trẻ này không để ý tới hoàn cảnh mà làm loạn lên với nhau chỉ vì một cái xe ô tô đồ chơi. Chồng tôi thấy thế, chỉ xách chúng tới một chỗ không ảnh hưởng đến mọi người rồi để chúng tự giải quyết.

Bố mẹ tôi thấy thế bảo:

- Sao lại để chúng tranh dành nhau như thế? Các con cũng không biết dạy con, một cái đồ chơi thôi mà, anh nhường em có phải xong rồi không. Cứ đà này lớn lên chúng nó chỉ có nước tranh dành tài sản nữa thôi.

Nghe họ nói vậy, chồng tôi chỉ cười bảo:

- Chúng là anh em, đánh nhau xong thì cũng là anh em thôi. Với lại, đó là đồ của thằng lớn, bọn con cũng không thể yêu cầu nó phải nhường cho ai cả. Đối với việc dạy dỗ bọn nhỏ, bọn con vẫn luôn cân nhắc, bố mẹ đừng lo.

Thấy anh nói vậy thì bố mẹ tôi cũng không nói gì nữa.

Tôi nhớ có một buổi tối, tôi bật cười hỏi anh:

- Giả dụ sau khi lớn lên, hai đứa chúng nói không thể anh nhường em nhịn mà tranh dành tài sản, thì anh nghĩ thế nào?

- Sao lại nghĩ thế nào? Nếu chúng cứ tranh dành đến sống chết tài sản của hai chúng ta thì không còn cách nào khác ngoài đem đi quyên cả. Chúng tự lo mà kiếm tài sản cá nhân thôi. Với lại, trước khi chúng ta chết, phân chia công bằng là được mà. Nếu mà phân chia công bằng rồi vẫn đánh nhau, thì cuối di chúc sẽ ghi thêm một câu nữa là: Nếu vẫn không hài lòng với những gì đã được chia trong di chúc và xảy ra kiện cáo thì tất cả tài sản sẽ được rao bán và quyên cho các tổ chứ từ thiện. Như vậy chẳng phải được giải quyết rồi sao.

Vừa nói xong, anh ngồi xuống giường ôm tôi rồi nói tiếp:

- Với lại, bố mẹ anh cũng dạy bọn anh như thế thôi, và bọn anh đến thời điểm hiện tại cũng chả có tranh chấp gì sất. Em còn lo gì nữa.

Cũng không phải tôi lo lắng cách dạy của chúng tôi không đúng, mà tôi sợ chúng sẽ đi chệch hướng mà chúng tôi hy vọng. Không yêu cầu chúng phải giỏi dang, chỉ cần vui vẻ và hạnh phúc lớn lên là được.

Cuộc sống là như vậy. Con người không thế kiểm soát được tất cả mọi thứ. Mong muốn quá nhiều đôi khi cũng là gánh nặng cho những người xung quanh.

Nhưng mà sau tất cả, tôi biết được là, mái ấm này sẽ luôn là nơi hạnh phúc nhất để những người tôi yêu thương nhất có thể dựa vào.

Sẽ luôn là vậy.

-Hết-

~ Mộng Miên ~

Đà Nẵng, ngày 25 tháng 06 năm 2023

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro