Chương Chín + Chương Mười

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương chín

CUỘC VIẾNG THĂM TÍCH LAN

I

          Chúng tôi đã quyết định viếng thăm đảo Tích Lan, do lời mời khẩn cấp của các vị chức sắc lãnh đạo Phật Giáo và Phật Tử xứ ấy, và đã bận rộn suốt một tháng để chuẩn bị lên đường.

        Khi mọi việc đã chuẩn bị xong, chúng tôi xuống tàu chạy miền duyên hải của công ty hàng hải Anh Ấn đi Tích Lan. Ngoài bà HPB, ông Wimbridge và tôi, phái đoàn còn gồm có bạn Damodar và bốn người Ấn Độ khác.

        Hình như phái đoàn chúng tôi là những hành khách duy nhất trên tàu. Trong chuyến đi nầy, nhờ chiếc tàu sạch sẽ, các sĩ quan hăng hái vui vẻ dễ mến, tiết trời quang đãng và những hải cảng ghé dọc đường đầy vẻ thích thú hấp dẫn, chúng tôi vui thích như đi nghỉ mát trên tàu riêng của mình. Bà HPB tinh thần đầy hứng khởi vui tươi, nói chuyện trào phúng khiến cho cả tàu đều vui nhộn. Vốn là người thích chơi bài tây, có khi bà ngồi suốt nhiều giờ mỗi ngày để đánh bài tiêu khiển với các sĩ quan trên tàu, ngoại trừ viên thuyền trưởng Wiakes, vì quy luật hàng hải ngăn cấm vị thuyền trưởng chơi bài với các chức viên trực thuộc.

        Viên thuyền trưởng già là một người đẫy đà, vui tính, và không có mảy may tin tưởng nơi các vấn đề tâm linh hay huyền bí. Y thường nói đùa với bà HPB về những quan niệm của chúng tôi với một sự dốt nát về toàn thể vấn đề đến mức nó đã làm cho chúng tôi bất giác cười lớn. Ngày nọ, bà đang chơi bài một mình về môn chơi đơn độc mà bà thích thú nhất, thì vị thuyền trưởng bước vào và yêu cầu bà hãy nói tiên tri số mạng của ông ta bằng một quẻ bài. Thoạt tiên bà từ chối, nhưng sau cùng bà bằng lòng, và bảo ông ta kinh rồi lật bài lên bàn. Bà nói:

        -Thật là lạ lùng, có thể nào lại như vậy!

        Vị thuyền trưởng hỏi:

        -Bà nói sao?

        -Những gì hiện lên trên các lá bài. Kinh lần nữa.

        Vị thuyền trưởng làm y theo lời, khi bài được chia và lật ngửa lên thì dường như cho thấy kết quả cũng giống y như lần trước, vì bà HPB nói rằng quẻ bài tiên tri một chuyện thật vô lý đến nỗi bà không muốn nói cho y biết. Viên thuyền trưởng khẩn khoản yêu cầu, bà mới nói rằng theo quẻ bài cho biết thì y sẽ không còn đi biển được bao lâu nữa; y sẽ được cấp trên đề nghị nhận một việc làm trên đất liền, và y sẽ giải nghệ. Viên thuyền trưởng to béo cười lớn,  và nói cho bà biết rằng đó chính là điều mà y đang mong ước. Còn nói về việc từ bỏ nghề đi biển, thì không gì làm cho y thích thú hơn nữa, nhưng y không thấy có triển vọng được sự may mắn đó.

        Việc ấy đến đây không ai nói thêm điều gì nữa, ngoài việc viên thuyền trưởng lập lại lời tiên tri ấy cho một sĩ quan nghe, rồi qua ông nầy, nó trở nên một vấn đề trào lộng chọc cười cho cả tàu! Nhưng chưa phải là hết. Một hay hai tháng sau khi chúng tôi trở về Bombay, bà HPB nhận được một bức thư của Thuyền Trưởng Wickes, trong đó y nói y phải xin lỗi bà về thái độ của y đối với quẻ bài, và y phải thú nhận rằng lời tiên tri ấy đã được thực hiện. Sau khi chúng tôi đổ bộ lên đảo Tích Lan, y tiếp tục chuyến đi đến Calcutta. Khi tàu cặp bến, y được đề nghị nhận lấy chức vụ hải quan ở cảng Karwar. Y bằng lòng nhận và đi chuyến trở về như một hành khách trên chiếc tàu của y!

        Đây là một trường hợp điển hình trong nhiều quẻ bài tiên tri khác nữa của bà HPB. Tôi không nghĩ rằng những lá bài có ăn nhằm gì đến lời tiên tri ấy, trừ phi chúng có thể đã tác động như một cái khoen liên lạc giữa bộ óc linh thị của bà và cái hào quang tâm linh của vị thuyền trưởng, và bởi đó nó khích động khả năng thần nhãn của bà để nhìn thấy việc tương lai. Tuy nhiên, mặc dù bà có năng khiếu thần thông, tôi không thấy bà đã từng tiên liệu trước một việc nào trong số những biến cố đau thương và tổn hại thanh danh đã xảy đến cho bà do âm mưu của những kẻ phản bội và những kẻ thù nghịch đầy ác ý. Hoặc nếu có, bà cũng không hề nói với tôi hay với bất cứ một người nào theo chỗ tôi được biết. Có lần ở Bombay, bà bị mất trộm một kỷ vật đáng giá, nhưng bà vẫn không thể tìm ra kẻ gian,  cũng không trợ giúp được nhân viên cảnh sát trong việc truy nã thủ phạm.

II

          Nói về khả năng tiên tri, tôi nghĩ rằng có lẽ tôi cũng có đôi chút khi tôi viết trong Nhật Ký của tôi câu nầy một ngày trước khi đến hải cảng Colombo:

        “Còn phải đương đầu với những trách nhiệm mới mẻ và lớn lao: những vấn đề quan trọng độc đáo còn tùy thuộc nơi kết quả của chuyến đi nầy”.

        Thật không có gì đúng hơn nữa.

        Chúng tôi bỏ neo ngoài khơi cảng Colombo vào sáng ngày 16 tháng 5, và sau đó một lúc, một chiếc tàu nhỏ tiến đến cặp vào hông tàu, có chở theo Đại Đức Megittuwatte Gunanda và vài nhà sư trẻ trong tu viện Phật Giáo của ông đến đón chúng tôi.

        Đại Đức Megittuwatte tuổi độ trung niên, râu tóc cạo sạch, vóc vạc trung bình, trán cao, mắt sáng, miệng rộng, có tác phong đầy tự tín và dáng người rất nhanh nhẹn. Không như những nhà sư khác có vẻ trầm tư, mắt thường nhìn xuống đất khi nói chuyện, Đại Đức ngang nhiên nhìn thẳng vào người đối thoại. Ông là nhà diễn giả hùng biện, ăn to nói lớn nhất trong các giới lãnh đạo Phật Giáo ở xứ này, và là một mối kinh hoàng, nể sợ đối với các nhà truyền giáo Gia Tô. Vừa nhìn thấy ông, người ta biết ngay ông là một nhà tranh luận hơn là một tu sĩ khổ hạnh. Trong nhiều năm, ông là nhà lãnh tụ táo bạo, xuất chúng và có uy thế mạnh mẽ nhất của Phật giáo Tích Lan, và hiện nay là lãnh tụ phong trào phục hưng Phật Giáo tại xứ nầy. Sau khi chào hỏi chúng tôi một cách đặc biệt thân tình và nồng hậu, Đại Đức yêu cầu chúng tôi cứ tiếp tục ở trên tàu để đi tới cảng Galle, tại đây đã có sắp đặt mọi việc để dành cho chúng tôi một cuộc tiếp đón quan trọng: còn Đại Đức sẽ đích thân đáp xe hỏa đi Galle ngay chiều hôm đó.

        Hừng sáng ngày hôm sau, chúng tôi đã ở ngoài khơi hải cảng Galle. Tàu bỏ neo ngoài khơi, cách bờ độ năm trăm thước, chúng tôi bước xuống một chiếc thuyền lớn được trang hoàng lịch sự, kết hoa sặc sỡ, trên đó có các vị chức sắc Phật Giáo cao cấp đến đón chúng tôi. Trên bến tàu và dọc theo bãi biển, một đám quần chúng khổng lồ đã đợi sẵn chờ chúng tôi đến, và đồng thinh hô to khẩu hiệu chào mừng: “Sahdu! Sahdu!” vang cả một góc trời!

        Một khoảng đường được lót bằng vải trắng từ những bậc tam cấp ven bờ biển đưa lên mặt đường lộ, tại đây đã có xe chực sẵn, và muôn nghìn lá cờ được phất lên một cách ráo riết để nghinh đón chúng tôi. Quần chúng bao vây quanh và đi theo đoàn xe, cuộc diễn hành trực chỉ nơi trú quán dành sẵn cho chúng tôi, là biệt thự của bà Wijeratne, quả phụ của một nhà thầu tỷ phú tại Galle.

        Khi đến nhà, có ba vị Sư Trưởng đón tiếp và ban ân huệ cho chúng tôi tại ngưỡng cửa, miệng lẩm nhẩm đọc kinh chúc lành bằng thổ ngữ Nam Phạn Pali. Kế đó, chúng tôi có một buổi hội kiến với các nhân vật địa phương, và vô số quan khách đến chào mừng. Bà Wijeratne và con trai bà lo săn sóc phục dịch chúng tôi một cách chu đáo tận tình. Trên các bàn lớn giữa nhà luôn luôn có đầy những mâm kẹo bánh, thực phẩm ngon lành và hoa quả, trái cây tươi ngon cỡ thượng hạng không đâu sánh kịp. Từng chặp một, lại có một cuộc diễn hành mới, gồm các phái đoàn sư sãi áo vàng, sắp đặt theo thứ tự thâm niên của họ kể từ khi xuất gia quy y, tuần tự đến viếng và chúc lành chúng tôi. Thật là một kinh nghiệm độc đáo, một điều triệu tốt lành rực rỡ mở màn cho những mối quan hệ tương lai của chúng tôi với xứ nầy.

        Trong thời gian sau đó, luôn luôn chúng tôi có khách đến viếng đầy nhà và vãng lai không ngớt suốt ngày, ngày nào cũng như ngày ấy. Những cuộc thảo luận về Đạo Lý vẫn tiếp diễn không ngừng với vị Sư Trưởng cao niên Bulatgama Sumanatissa và những nhà sư thông thái khác.

        Do sự sắp đặt của Ban Tổ Chức, tôi nói một bài thuyết pháp công cộng vào ngày 22 về Thông Thiên Học trước một cử tọa đông đảo chật ních cả hội trường. Ngoài phái đoàn của chúng tôi, còn có đủ mặt tất cả các Sư Trưởng và chức sắc của nhiều chi phái Phật Giáo đến dự thính.

        Cuộc thăm viếng nầy của chúng tôi là bước khởi đầu giai đoạn thứ nhì của phong trào phục hưng Phật Giáo do Đại Đức megittuwatte đã khởi xướng trước đây. Đó là một phong trào nhằm mục đích quy tựu toàn thể các giới thanh thiếu niên Tích Lan vào những trường học Phật Giáo dưới sự tổng giám sát của chúng tôi. Tờ thông tri dưới đây do bạn Damodar chánh thức công bố, cho thấy những bước đầu do chúng tôi thực hiện, để đưa đến việc thành lập những chi bộ Thông Thiên Học trên đảo Tích Lan.

        Thông tri

Một cuộc hội họp sẽ được tổ chức vào chiều thứ hai tới đây tại Minuvengoda vào lúc 20 giờ, trong dịp nầy Đại Tá Olcott sẽ trình bày về những mục đích của Hôi Thông Thiên Học. Sau đó, quý vị nào muốn gia nhập Hội, có thể ghi tên vào sổ.

Galle, ngày 22 tháng 5, năm 1880

(Thừa lệnh)

Damodar K. Mavalankar

Phó Tổng Bí Thư Hội Thông Thiên Học

Cuộc hội họp ấy do vị Sư Trưởng Bulatgama chủ tọa, và Đại Đức Megittuwatte khai mạc bằng một bài diễn văn hùng hồn làm khích động lòng người.

        Ngày hôm sau, có mười một thí sinh đầu tiên được tôi thâu nhận vào hàng ngũ Hội viên, và cùng với họ, tôi tổ chức Chi Bộ Thông Thiên Học tại Galle. Thế rối bắt đầu một cuộc hành trình dài hạn để viếng thăm nhiều thành phố khác nhau ở các vùng đại phương trên đảo. Những sự việc đã xảy ra tại Galle lại tái diễn ở các nơi khác: những cuộc tiếp đón long trọng; những sự vui mừng nồng nhiệt của quần chúng; những buổi thuyết pháp trước những cử tọa đông đảo, thường có đến vài ngàn người; những cuộc viếng thăm các tu viện, chùa chiền, đàm đạo giáo lý với các vị Sư Trưởng và các vị sư tăng ưu tú lỗi lạc,v.v…

        Với cái đà diễn biến đó, lần lần tôi thành lập các Chi Bộ Thông Thiên Học tại Colombo, với hai mươi bảy hội viên mới; Chi Bộ Kandy với mười bảy hội viên; các Chi Bộ Lanka, Bentota (hai mươi ba hội viên), Welitara, Panadure, Matara,v.v… Ngoài ra, tôi còn nhận được hàng chục thơ mời đến viếng những làng mạc xa xôi ở các vùng quê hẻo lánh. Thế là, sau cuộc viếng thăm các thành phố lớn, tôi bắt đầu đi thăm viếng các vùng làng mạc và thôn quê.

III

          Nếu có ai nghĩ rằng cái ảnh hưởng mà Hội Thông Thiên Học đã gây nên ở các xứ phương Đông, đã thu hoạch được dễ dàng mà không phí tổn công lao khó nhọc, họ hãy đọc qua những trang của quyển Hồi Ký này.

        Ngày ngày hoạt động, suốt tuần, suốt tháng, suốt năm, đều được ghi chép về những chuyến đi công tác đạo sự bằng tất cả mọi loại phương tiện di chuyển, từ toa xe lửa, cho đến các loại xe ngựa, xe thồ, lớn nhỏ đủ kiểu, do một con ngựa hay con bò kéo. Có khi đi bằng thứ xe bò thông dụng ở vùng đồng quê, với những bánh xe to lớn, chỗ ngồi làm bằng tre phủ lên một lớp rơm mỏng, do một cặp bò gù lưng mang trên cổ một cái ách bằng cây kéo đi chậm chạp. Có khi đi bằng thuyền ván đóng sơ sài với một mái che bằng lá dừa thiếu tiện nghi, chỗ ngồi không có ghế hoặc nệm chi cả. Khi thì ngồi trên lưng voi trong một cái bành, hoặc thông thường hơn nữa là lưng voi không có bành, mà chỉ có một tấm nệm dầy buộc vào mình voi bằng những sợi dây to lớn.

        Có khi di chuyển trong những ngày sáng sủa tốt trời, có khi gặp những ngày mưa dầm như trút nước, có khi đi trong những đêm trăng sáng, có đêm đi dưới ánh sao. Có những đêm, giấc ngủ của tôi bị gián đoạn bởi những âm thanh, tiếng động chọc phủng lỗ tai của cái thế giới sâu bọ trong rừng già của vùng nhiệt đới, tiếng kêu rùng rợn của loài chó rừng, tiếng động từ xa của những con voi rừng đi xuyên qua các bãi mía, những tiếng hò hét không ngừng của người phu xe thúc đẩy những con bò chậm chạp, và những bài dân ca của y hát vang, thường trộn lẫn với những âm thanh chát chúa để giữ cho y khỏi buồn ngủ dọc đường.

        Ngoài ra, còn có những đám muỗi mòng vây phủ quanh mình bạn khi ngồi trên xe, với những tiếng kêu inh ỏi và những mũi dùi của chúng, gây nên một thứ cực hình chậm chạp và những nết sưng trắng nổi lên da thịt sáng ngày hôm sau.

        Kế đó, là lúc đến nơi, xe tiến vào các làng mạc lúc trời hừng sáng; toàn thể dân làng đứng chực sẵn hai bên đường để đón tiếp bạn; sự tò mò của họ phải được thỏa mãn; những sự khó khăn gặp phải khi bạn cần tắm rửa sạch sẽ khi vừa đến nơi, sau chuyến đi vất vả mệt nhọc; buổi ăn sáng điểm tâm với cà phê, bánh hấp và trái cây; cuộc viếng thăm nơi các tịnh xá, tu viện; những cuộc thảo luận về kế hoạch, chương trình hành sự và những triển vọng tương lai với các nhà lãnh đạo Phật Giáo; một buổi thuyết pháp ở chỗ lộ thiên, hoặc nơi một giảng đường nếu có, trước một đám quần chúng đông đảo.

        Kế đó, là việc ghi tên họ những người quyên góp vào quỹ phước thiện, cho thỉnh kinh sách Phật Giáo nhập môn vá Phật Giáo Vấn Đáp. Đến chiều, có khi còn phải nói một buổi thuyết pháp thứ nhì cho những người mới đến sau từ những làng lân cận. Rối đến những màn từ giã, giữa những tiếng trống dồn dập và tiếng kèn bổn xứ inh ỏi vang tai, những dân làng phất cờ tiễn đưa và kêu to khẩu hiệu “Sadhu! Sadhu!”, rồi lại tiếp tục chuyến đi qua những làng khác trên chiếc xe bò kêu kiũ kịt.

        Bấy nhiêu sự việc vẫn tiếp diễn ngày này qua ngày khác, trong khi tôi đi châu du hành đạo khắp nơi trong miền Tây đảo Tích Lan, làm cho quần chúng lưu ý đến vấn đề giáo dục con em theo đường lối, tôn chỉ nền quốc giáo của dân tộc họ, phân phát kinh sách, và kêu gọi sự quyên góp, cúng dường vào quỹ Phật Giáo để thực hiện kế hoạch công ích vĩ đại nầy.

        …………………………………………………………………………..

        Ngày 12 là ngày cuối cùng của chúng tôi trên đảo Tích Lan. Ngày 13, tàu đến, và chúng tôi lên tàu lúc hai giờ trưa, để lại sau lưng chúng tôi nhiều bạn hữu ứa lệ vì tiếc thương, và đem theo chúng tôi nhiều kỷ niệm êm đềm của tình tương thân tương ái,  sự vui lòng trợ giúp, và thiện chí tốt đẹp. Thêm vào đó là cái kỷ niệm của những chuyến đi hành đạo thích thú thần tiên với những danh lam thắng cảnh đẹp như mơ, những đám quần chúng đầy hứng khởi nhiệt thành, và những kinh nghiệm lạ lùng, cũng khá đủ tràn đầy ký ức với những hình ảnh sống động, để còn hối tưởng lại trong những năm về sau với một niềm sung sướng triền miên, với sự trợ giúp của vài hàng Nhật Ký cũ.

Chương Mười

MỘT CUỘC KHỦNG HOẢNG NỘI BỘ

I

       Vào khoảng cuối năm 1879, bắt đầu có sự bất hòa trong cuộc sống tập thể của nhóm bốn người trong chúng tôi, nó là cái nguyên nhân đưa đến sự phân ly giữa nhóm người lưu vong khởi hành từ Mỹ Quốc sang đây. Sự kết hợp của nhóm người nầy là một điếu vô lý và phản tự nhiên, một sản phẩm kỳ khôi ngông cuồng của bà HPB và đương nhiên là phải gây xáo trộn.

        Bà HPB và tôi, như đã nói trước đây, vẫn luôn luôn đồng một quan điểm về vấn đề các Chân Sư, sự liên hệ giữa chúng tôi với các Ngài, và về lý tưởng phụng sự. Dầu cho giữa chúng tôi một đôi khi có sự va chạm nào, do bởi sự cách biệt phàm ngã và bởi cái nhìn khác biệt nhau về các vấn đề thế sự, chúng tôi vẫn luôn luôn hoàn toàn hòa hợp ý kiến về một lý tưởng chung và về việc thực hiện cái lý tưởng đó. Nhưng đối với hai người bạn kia thì lại khác. Ông Wimbridge và cô Bates đều là người Anh, và chỉ được phết một lớp sơn hiểu biết nông cạn về các vấn đề huyền học, siêu hình, do lòng hứng khởi nồng nhiệt của bà HPB truyền sang. Ông W. là một họa viên và kiến trúc sư, còn cô B. là một nữ giáo viên dạy trẻ, độ chừng ba mươi lăm tuổi. Cả hai đều đã sống vài năm ở Mỹ, và được giới thiệu cho bà HPB do những bạn quen của đôi bên. Cả hai đều tán thành kế hoạch của bà HPB theo đó họ sẽ cùng đi với chúng tôi sang Ấn Độ để hành nghề tùy khả năng của mỗi người, với sự trợ giúp có thể tìm cho họ do ảnh hưởng của chúng tôi đối với những người Ấn Độ có thế lực.

        Tôi không có gì phiền trách ông W., nhưng cảm thấy một sự đố kỵ tự nhiên đối với cô kia. Tôi yêu cầu bà HPB đừng cho cô ấy đi theo chúng tôi. Bà luôn luôn đáp rằng vì cả hai đều là người Anh có tinh thần quốc gia yêu nước, nên có họ đi cùng với mình sẽ là một sự bảo đảm đối với nhà cầm quyền Anh Ấn, cho thấy sự vô tư của chúng tôi, hoàn toàn không có ý đồ hay mục tiêu chánh trị. Bà còn nói bà sẽ gánh chịu tất cả mọi hậu quả của việc này, vì bà biết rằng sự liên hệ với hai người ấy hoàn toàn vô hại. Trong việc nầy, cũng như trong một trăm trường hợp khác nữa, tôi luôn luôn nhượng bộ trước sự tiên kiến chắc hẳn là huyền diệu và cao siêu hơn của bà; và thế là chúng tôi tất cả bốn người cùng vượt biển sang Ấn Độ và cùng định cư chung với nhau ở Bombay. Nhưng than ôi! Thật là không may mắn chút nào! Cô ấy bắt đầu gây nên một sự hiểu lầm giữa bà HPB và một thiếu phụ khác, Hội Viên Hội Thông Thiên Học ở Nữu Ước, lôi cuốn ông W. vào cuộc tranh chấp, và làm tan vỡ sự hòa hợp trong nhóm chúng tôi. Tôi không có dính dáng gì về sự hiềm khích ấy, nhưng sau cùng tôi phải đảm nhiệm cái công tác không thú vị, là bắt buộc cô Bates phải đi ra khỏi Hội.

        Đó là cái số phận luôn luôn được gán ghép cho tôi: bà HPB là người vô tình gây nên những vụ cãi lẫy, tranh chấp, còn tôi phải hứng chịu những cú đấm đá và đuổi cổ những kẻ bất hảo! Điều nầy, tất cả những bạn bè quen thuộc của chúng tôi đều biết rõ. Bà bạn tôi luôn luôn nói đến năng khiếu “linh cảm,linh giác” của bà, nhưng cái năng khiếu đó rất ít khi giúp bà phát hiện một kẻ phản bội hay một kẻ thù truyền kiếp đến với chúng tôi dưới ngụy trang của một tình bạn giả tạo.

II

          Trong chuyến đi Tích Lan kể trên, chúng tôi để cô Bates và bà Coulomb ở lại coi sóc Hội Quán. (Ông bà Coulomb là hai người Pháp vừa mới đến giúp việc cho chúng tôi). Vì cô Bates là gái độc thân, còn bà Coulomb đã có kinh nghiệm về nội trợ, nên tôi bỗng có cái ý nghĩ dại dột là bảo cô Bates hãy giao chức quản gia của cô lại cho bà Coulomb, còn cô lãnh nhiệm vụ khác. Cuộc đời làm gia trưởng trên mười lăm năm của tôi vẫn chưa dạy cho tôi biết điều khôn dại nầy, là đừng nên để cho một người mới đến có cái cơ hội làm “bà chủ” để sai phái chỉ huy người đàn bà kia! Bây giờ thì tôi đã biết rồi. Khi chúng tôi trở về Bombay, thì thấy Hội Quán có một bầu không khí rất căng thẳng: cô Bates và bà Coulomb đang xung đột nhau, tất cả mọi sự tố giác và phản kích được cả hai người đổ vào lỗ tai không muốn nghe của chúng tôi! Cô Bates tố bà Coulomb toan bỏ thuốc độc cho cô, và bà nầy cũng trả đũa bằng một sự tố giác tương tự, ăn miếng trả miếng.

        Tôi muốn lấy chổi quét cả hai ra khỏi nhà, và đó là một điều rất tốt nếu tôi có thể làm như vậy. Nhưng thay vì như thế, tôi lại được mời làm phán quan phân xử những sự tranh chấp cãi lẫy của họ. Thế là tôi đành phải ngồi nghe những chuyện vô lý của họ suốt hai đêm liên tiếp, và sau cùng tôi quyết định rằng vụ tố giác bà Coulomb bỏ thuốc độc không đủ lý do buộc tội vì không có bằng chứng cụ thể. Cái lý do chính của vụ xung đột là vì chúng tôi đã giao chức vụ quản gia cho bà Coulomb trong khi chúng tôi vắng mặt, và cô Bates không hài lòng với nhiệm vụ biên tập viên tạp chí mà chúng tôi giao cho cô. Trong khi tôi phân xử, bà HPB ngồi kế bên; bà có vẻ hút thuốc lá nhiều hơn lúc thường, và thỉnh thoảng cũng góp một lời, nhưng ý kiến của bà lại có khuynh hướng làm tăng gia hơn là làm dịu bớt sự căng thẳng. Sau cùng, ông Wimbridge, với tư cách là bạn của cô Bates, cũng đồng ý với tôi để bắt buộc cả hai đàng phải chịu hòa giải,và tạm thời cơn giông tố đã lắng dịu.

        Những ngày kế đó, chúng tôi hoàn toàn bận rộn với công việc sưu tập và soạn bài cho tờ tạp chí “Theosophist”, một việc đã trở nên rất khẩn thiết sau thời gian vắng mặt khá lâu của chúng tôi.

        Ngay trước khi trở về Bombay, chúng tôi được tin bạn Mulji Thackersey đã từ trần, và thế là Hội Thông Thiên Học đã mất một cộng tác viên đắc lực.

Chiều tối ngày 4 tháng 8 năm ấy, một vị Chân Sư đến viếng bà HPB, và tôi được gọi đến để gặp Ngài trước khi ngày từ giã. Ngài đọc cho tôi viết một bức thư dài rất quan trọng cho một người bạn đạo có thế lực của chúng tôi ở Paris, và đưa cho tôi những sự gợi ý quan trọng về vấn đề quản trị công việc của Hội. Tôi được mời ra ngoài trước khi cuộc viếng thăm kết thúc, và vì tôi để Ngài ngồi lại trong phòng với bà HPB, nên tôi không thể biết rằng Ngài đã ra đi bằng cách nào, và Ngài có biến mất một cách mầu nhiệm hay không.

        Cuộc viếng thăm ấy đến với tôi rất đúng lúc, vì chính vào ngày hôm sau, đã xảy ra một vụ nổ lớn: cô Bates phẫn nộ với bà HPB về một việc có liên quan đến người thiếu phụ ở New York kể trên, và căm giận quyết định của tôi trong vụ phân xử cuộc xung đột giữa cô với bà Coulomb. Trong khi cô day lưng về phía tôi và còn đang cãi vã với bà HPB, thì một bức thư của vị Chân Sư đến chiều hôm trước, từ trên không trung rơi xuống chỗ tôi ngồi. Tôi mở thư ra xem, thì thấy đó là lời khuyên của Ngài về hành động tốt nhất mà tôi phải làm trong cơn khó khăn hiện tại.

        Ngày hôm sau, bắt đầu cuộc chia ly giữa bốn người trong nhóm chúng tôi; ông Wimbridge đứng về phe cô Bates. Có sự đồng ý chung về kế hoạch mua vé tàu cho cô Bates trở về New York, nhưng rốt cuộc điều nầy đã bị cô bác bỏ, sau khi một bạn đạo là ông Seervai đã lo sắp đặt xong mọi việc và làm các thủ tục cần thiết. Thật là một điều đáng tiếc vì câu chuyện xảy ra do sự ganh tị, hiềm khích nhỏ nhen giữa đàn bà, một vụ xung đột thật vô lý và không đáng xảy ra, đáng lẽ nó có thể tránh khỏi bằng cách sử dụng lý trí và có một ít nhẫn nhục, tự chủ. Tuy rằng đối với chúng tôi, chuyện ấy không có gì đáng bận tâm, nhưng nó đã gây một ảnh hưởng xấu cho Hội. Một hậu quả đáng tiếc là những người ly khai đã tìm cách liên hệ với một tờ nhật báo bổn xứ ở Bombay, từ trước vẫn không hề có thiện cảm với chúng tôi, và tờ báo này đã công khai mạ lỵ Hội Thông Thiên Học với những lời lẽ cay đắng vẫn còn tiếp tục cho đến bây giờ.

III

          Cộng thêm vào cái viễn ảnh đen tối đó, sau chuyến đi Tích Lan trở về, chúng tôi thấy những Hôi viên đều im lìm mê ngủ và Chi Bộ Bombay hoàn toàn bất động. Hai tháng vắng mặt của chúng tôi dường như đã làm tê liệt mọi hứng thú đối với công việc Hội, và khi tờ nhật báo bổn xứ nói trên bắt đầu khai pháo tấn công chúng tôi, thì vòm trời của chúng tôi rất u ám. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục với một ý chí kiên cường dũng mãnh, và cố gắng cho tờ tạp chí ra đúng kỳ hạn mỗi tháng, và trả lời thư từ bốn phương gửi đến cho chúng tôi với số lượng càng ngày càng nhiều. Đó là một trong những cơn khủng hoảng của Hội, mà trong tình trạng hầu như cô đơn, bà HPB và tôi cùng sát cánh với nhau một cách chặt chẽ nhất để hỗ trợ tinh thần và khích lệ lẫn nhau. Tuy rằng những bạn bè thân tín nhất có thể phản bội và những cộng tác viên đắc lực nhất có thể bỏ cuộc nửa chừng, chúng tôi luôn luôn nói với nhau những lời lẽ đầy lạc quan, cố ý làm cho nhau nghĩ rằng cơn nghịch cảnh hiện tại không có gì đáng kể, và sẽ trôi qua như một cụm mây thưa thớt của mùa hè. Khi đó, chúng tôi biết, vì cả hai chúng tôi đều có bằng chứng cụ thể và thường xuyên, rằng các đấng Cao Cả mà chúng tôi phục vụ, luôn luôn bao bọc che chở chúng tôi với nguồn thần lực mạnh mẽ và ân huệ của các Ngài; đó là một cái khiên vững chắc để bảo vệ chúng tôi khỏi mọi sự trắc trở nguy vong, và một điềm triệu báo trước sự thành công hoàn toàn trong sứ mạng.

        Tuy nhiên, với thời gian qua chúng tôi không đến nỗi cô đơn. Một trong số bạn đạo người Ấn Độ thường xuyên đến trợ giúp chúng tôi, và lần lần chúng tôi phục hồi lại được cái tư thế đã mất của thuở ban đầu.

        Trong số những người cộng tác đắc lực với chúng tôi, có bạn Damodar Mavalankar, một thanh niên Ấn thuộc giòng Bà La Môn mà chúng tôi đã nhiều lần đề cập tới trước đây. Tuy dáng người mảnh mai, ốm yếu, y đã lao mình vào công việc đạo sự với tất cả tâm hồn và biểu lộ một tấm lòng trung kiên sắt đá không gì lay chuyển. Hồi còn thơ ấu, vướng một chứng bịnh ngặt nghèo và bị sốt nặng sắp chết, trong cơn mê sảng y nhìn thấy linh ảnh một bậc hiền giả đạo mạo bước đến gần, nắm tay y và bảo y chưa nên chết vội, mà phải sống để làm việc Đạo trong tương lai. Sau khi gặp bà HPB, nhãn quang tâm linh của Damodar phát triển lần lần, và y nhận ra đấng mà chúng tôi gọi là Chân Sư K.H., chính là nhà hiền giả đã xuất hiện trong cơn mê sảng của y hồi còn trẻ thơ, khi y nằm hấp hối trên gường bệnh.

        Điều nầy đã làm cho y quyết tâm trung thành với lý tưởng và mục đích của chúng tôi; và y coi bà HPB như người mẹ đỡ đầu. Đối với tôi y đặt một niềm tin tuyệt đối, lẫn cả tình thương và lòng kính trọng. Y binh vực tôi khi tôi vắng mặt, trước những sự vu khống công khai hay riêng tư, và đối xử với tôi như con đối với cha.

        Damadar đã hợp tác chặt chẽ và sát cánh với chúng tôi trong tình thân hữu đậm đà nhất. Y làm việc với một lòng trung thành và vô kỷ tuyệt đối cho đến năm 1885, khi đó y khởi hành từ Madras sang Tây Tạng, qua Darjiling, và vẫn còn ở đó dưới sự huấn luyện của Chân Sư để chuẩn bị cho y làm công tác phụng sự cho nhân loại trong tương lai. Thỉnh thoảng, có tin đồn nhảm được loan truyền rằng y đã chết trên lộ trình đầy tuyết phủ trong chuyến đi lên dãy Tuyết Sơn, nhưng tôi có lý do vững chắc để tin rằng y còn sống mạnh khỏe và có ngày y sẽ trở về. Tôi sẽ trở lại vấn đề nầy ở một đoạn sau.

        Có lần Damodar nhận được bốn bức thư gởi đến từ bốn thành phố cách nhau rất xa và tất cả đều có đóng dấu sở Bưu Điện. Tôi đưa tất cả cho Giáo Sư Smith, yêu cầu ông hãy vui lòng xem xét cẩn thận mỗi bao thư xem có dấu hiệu gì chỉ rằng có ai đã bóc ra không, vì trong thư tín của chúng tôi, thường thấy có những lời ghi chú của Chân Sư viết thêm vào những khoảng trống. Sau khi đã khám xét tỉ mỉ,Giáo sư trả lại cho tôi và nói rằng tất cả các thư đều còn nguyên vẹn hoàn toàn, không có dấu vết gì khả nghi. Tôi mới yêu cầu bà HPB hãy thử "nhìn" xem có thông điệp nào của Chân Sư trong đó không. Bà bèn cầm lấy các thư vẫn còn nguyên vẹn, để từng cái một lên trán, và nói rằng trong hai bức thư có chữ viết của Chân Sư. Kế đó bà đọc các thông điệp bằng khả năng linh thị, và tôi bèn yêu cầu Giáo Sư Smith hãy tự tay ông mở các bao thư. Ông này săm soi xét kỹ các bao thư lại một lần nữa rồi lấy dao rọc mở các bao, và tất cả chúng tôi đều nhìn thấy rằng nội dung các thông điệp đều giống y như bà HPB đã đọc bằng thần nhãn.

        Chính vào ngày chia ly giữa nhóm chúng tôi như đã kể trên, chúng tôi nhận được thư ông Sinnett mời chúng tôi lên chơi tại nhà nghỉ mát của ông ở Simla, thủ đô mùa hè của chính phủ Ấn Độ, ở dưới chân dãy Tuyết Sơn. Chúng tôi rời khỏi Bombay bằng xe lửa, và dọc đường chúng tôi ghé lại vài thị trấn trên miền Bắc để viếng thăm các Chi Bộ đã thành lập trước đây. Kế đó, chúng tôi ngồi xe thồ leo đường dốc núi đến Kalka, nghỉ ngơi tại đó hết nửa ngày rồi mới thuê xe ngựa để đi Simla. Cảnh vật miền núi thật là hùng vĩ, ngoạn mục với những đỉnh núi cao trùng điệp nối tiếp nhau đến tận chân trời. Chúng tôi đến thị trấn Simla trước khi mặt trời lặn, những ngôi biệt thự phản chiếu ánh nắng vàng làm cho thành phố có vẻ rất hấp dẫn. Một người nô bộc của gia đình ông Sinnett đón tiếp chúng tôi khi vào thành phố, với những chiếc kiệu nhỏ hai người khiêng ở hai đầu, và không bao lâu chúng tôi đã đến ngôi biệt thự của ông bà Sinnett, tại đây một cuộc tiếp đón nồng hậu đang chờ đợi chúng tôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro