2. Đà Lạt

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đà Lạt, năm 1995.
Đà Lạt, mảnh đất sương mù đã ôm ấp tôi từ thuở bé. Ngôi nhà gỗ cổ kính của ông bà nằm trơ trọi trên một con dốc cao, xa hẳn sự ồn ào của phố thị, là nhà tôi, mà đúng hơn là nhà của ông bà ngoại tôi. Năm ba tuổi, tôi đã phải làm quen với việc xa bố mẹ. Bố mẹ tôi vì muốn có tập trung kiếm tiền và cũng đang mang bầu em trai, nên đã gửi tôi về quê ngoại. Khoảng cách địa lý dường như cũng kéo giãn tình cảm giữa tôi và họ. Những năm tháng tuổi thơ ấy, tôi lớn lên trong vòng tay yêu thương của ông và các dì.
Bố mẹ tôi là những người lao động chân chất. Họ không có nhiều của cải, nhưng luôn dành hết tâm huyết và chăm chỉ ‘bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’, làm đủ mọi công việc để nuôi tôi và đứa em bé bỏng mới lọt lòng. Bố mẹ làm đủ thứ công việc nên việc họ không có quá nhiều thời gian cho tôi là điều bình thường. Bù lại, tôi có ông ngoại. Ở với ông ngoại, tôi như một cô công chúa nhỏ, được yêu chiều bởi ông và các bác các dì.
Những năm tháng tuổi thơ, tôi lớn lên bên cạnh người ông tóc bạc, đôi mắt sâu thẳm chứa cả một bầu trời ký ức. Ông là một thợ mộc tài hoa, bàn tay chai sạm đã chạm khắc biết bao tác phẩm nghệ thuật. Trước đây, ông là bộ đội và từng chiến đấu hết sức để đánh giặc. Bởi vậy, những câu chuyện lịch sử mà ông kể đã ăn sâu vào tâm trí tôi mãi. Những buổi chiều đi học về, tôi hay cùng ông tỉa lá, tưới cây, vừa nghe ông kể chuyện. Ông thực sự là một người kể chuyện tài tình. Những câu chuyện về chiến tranh, về tình yêu, về cuộc sống thường nhật được ông kể bằng giọng trầm ấm, say sưa. Những câu chuyện ấy, trong sách cũng không thể tìm thấy, vì đó là những trải nghiệm, kỉ niệm đáng quý của đời ông.
Nhà ông rất rộng. Khoảng sân to phía trước ông dùng làm một vườn hoa nhỏ. Có lần, ông cứ nâng niu chậu hoa ly, chăm chút cho nó từng tí một làm tôi tò mò hỏi. Sau này tôi mới biết, bà tôi rất thích hoa ly. Bà tôi mất sau một cơn đột quỵ, để lại ông một mình cũng đã 10 năm. Căn nhà rộng rãi trong chốc lát lại cảm thấy rộng hơn. Xung quanh còn có các bác, các dì sống.
Tôi là “con khỉ con” tinh nghịch nhất xóm. Mỗi ngày, tôi đều có những cuộc phiêu lưu mới, còn ông ngoại chính là người bạn đồng hành không thể thiếu của tôi. Chúng tôi cùng nhau khám phá vườn cây, cùng nhau nghe chim hót. Có thể nói, trong suốt quãng thời gian đó, tôi luôn là nhân vật chính trong mọi bức ảnh. Dù thế nào đi chăng nữa, ông vẫn bế tôi trên tay, cười hiền hòa xoa đầu tôi. Đó luôn là điều may mắn với tôi, sự dạn dĩ[1] này là điều mà ông gián tiếp cho tôi.
Nhưng khi em trai chào đời, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Bố mẹ lại gửi em trai cho ông. Thằng nhóc nhanh chóng chiếm hết hào quang của tôi, làm cho tôi không còn là trung tâm của mọi sự chú ý nữa. Cảm giác bị bỏ rơi len lỏi vào trái tim tôi. Các cô các dì không còn vây quanh tôi như lúc trước; họ đổ dồn sự chú ý hết cả vào đứa em trai. Tất cả mọi thứ xung quanh tôi dường như biến mất. Nhưng không sao, tôi vẫn còn ông. Ông ngoại vẫn như mọi ngày: sáng ông chải tóc rồi cột hai chùm tóc cho tôi, dẫn tôi đến trường; chiều ông lại đón tôi về và mua kẹo dâu tằm rồi bốc cho tôi.

* * *

Năm ấy, tôi học lớp ba, gắn bó tuổi thơ với ngôi trường làng nhỏ bên cạnh chợ.
Trong một buổi chiều mùa thu se lạnh, tiếng trống báo hiệu giờ chơi kết thúc vang lên. Vội vã chạy về lớp, chân tôi trượt dài trên đất, trán đập mạnh vào cạnh cầu thang. Chỉ giây lát, tôi chỉ cảm thấy một cơn đau nhói dữ dội rồi sau đó mọi thứ tối sầm lại. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên giường, trán băng kín mít. Mẹ ngồi bên cạnh, đôi mắt đỏ hoe. Mẹ vừa trách mắng vừa lau những giọt nước mắt lăn trên má. Ba tôi thì khác, ba ôm chặt lấy tôi, vuốt nhẹ mái tóc và nụ cười nhân hậu để xóa tan đi nỗi sợ hãi trong lòng tôi. Ông ngoại ngồi ở cuối giường trấn an tôi: “Vết thương này sẽ nhanh lành thôi.” Tuy ông bảo vậy, nhưng vết thương trên trán tôi rất lớn, máu đã thấm đẫm chiếc khăn trắng băng bó. Các bác sĩ nói tôi phải khâu đến sáu mũi, nếu không được cứu kịp thời có thể tôi sẽ mất máu nhiều mà chết, do hộp sọ tôi đã có một vết nứt nhỏ, còn có nguy cơ ảnh hưởng trí não nên cần theo dõi thêm. Do vậy, suốt nửa học kì sau, tôi phải nằm viện dưỡng bệnh.
Ba mẹ chăm sóc tôi được một tuần thì lại giao tất cả lại cho ông ngoại. Quen thuộc với việc này, tôi cũng chẳng nghĩ gì, chỉ cần ông ngoại bên tôi và yêu thương tôi là đủ.

* * *

Ở bệnh viện lâu ngày, tôi cảm thấy buồn chán, cảm giác như một con mèo bị nhốt. Không chịu nổi, tôi đợi khi dì ngủ say, khẽ mở cửa, đi lang thang khắp bệnh viện. Bệnh viện đêm tối om om, chỉ có những bóng đèn tròn treo trên trần sáng lờ mờ. Tôi đi lang thang khắp nơi, thấy mọi thứ thật lạ lẫm và đáng sợ. Những máy móc kêu bíp bíp, cái đèn đỏ nhấp nháy làm tôi nhớ đến con quái vật trong truyện ông kể, thêm việc mấy cô y tá cứ cầm ống tiêm, mỗi ngày đều đặn tiêm cho tôi một mũi, tôi sợ phát khiếp.
Bóng đêm đã bao trùm thành phố, nhưng bệnh viện vẫn sáng rực như một ngọn hải đăng giữa biển đêm mênh mông. Dưới ánh đèn vàng vọt, dòng người hối hả ra vào, mang theo trên người bao niềm hy vọng và cả những lo lắng.
Cửa thang máy mở ra, cái “ting” nghe thật to có lẽ là do trong thang chỉ có mình tôi. Tôi rón rén bước ra. Ôi chao! Trước mặt tôi là một nơi thật bận rộn, là phòng Cấp cứu. Người ta chạy qua chạy lại, mặt ai cũng lo lắng. Các bác sĩ mặc áo trắng, trên tay ai cũng cầm những cái ống tiêm dài ngoằng, các cô y tá cũng bận rộn không kém.
Bước qua dãy hành lang dài, tôi bỗng khựng lại. Một người con trai đang ôm chầm lấy người phụ nữ, có vẻ là mẹ anh nhỉ, cả hai đều nức nở. Tôi đứng lặng nhìn hai mẹ con kia, lòng tràn đầy cảm xúc. Anh ấy có vẻ đau khổ lắm, đôi mắt đỏ hoe, sưng húp. Tôi nhớ lại những ngày mình nằm bệnh, cũng từng cảm thấy cô đơn và sợ hãi như vậy.
Bệnh viện giống như một vườn hoa, có những bông hoa tươi đẹp, nhưng cũng có những bông hoa tàn úa. Và chúng ta, những con người nhỏ bé, chỉ là những cánh hoa trong vườn hoa cuộc đời này. Tuy nhiên cái nơi mà bệnh tật và đau khổ luôn hiện hữu ấy cũng là nơi mà tình người được sẻ chia.
Tôi ngồi trên chiếc ghế đá, bắt chước dáng vẻ của những ông chú hay ngồi hóng mát. Hai tay vươn ra để lên thành ghế, chân nhịp nhịp, mắt nhìn lên bầu trời đầy sao. Bầu trời đêm tĩnh lặng như đang ôm ấp lấy những tâm hồn đang chịu nhiều tổn thương.
Một lúc sau, tôi lại bắt gặp gương mặt quen thuộc. Anh trai khi nãy đã ngừng khóc, anh ấy đang nở nụ cười hiền hậu cùng ánh mắt ấm áp nhìn tôi, nhưng lại có thêm chút lo lắng và bối rối.
“Cho mình hỏi căn tin nằm đâu vậy?”
Tôi chỉ tay về hướng bên kia, mỉm cười: “Đi ra sau tòa nhà kia là đến nơi.”
Cậu ta nhìn theo hướng tay tôi, rồi lại quay sang, rụt rè: “Hay bạn dẫn mình đi được không? Mình không giỏi tìm đường.”
Có chút bất ngờ, nhưng tôi cũng vui vẻ đồng ý, cầm cổ tay anh kéo đi. Dưới ánh đèn vàng vọt của bệnh viện, hai con người xa lạ bỗng dưng trở nên gần gũi. Trên đường đi, chúng tôi nói chuyện rất vui vẻ, làm cho tôi có cảm giác như đã quen biết nhau từ lâu lắm rồi.
Tấm màn đen thẫm sương khuya phủ lên khu công viên nhỏ ở giữa bệnh viện. Gió thu thổi hiu hiu, mang theo hương hoa cỏ thoang thoảng, xoa dịu nỗi đau âm ỉ trên trán tôi. Đứng cạnh anh, mắt tôi lại dán vào mấy hộp kẹo để trên kệ. Căn tin bệnh viện rất to, dù trời cũng tối rồi nhưng tôi thấy vẫn còn nhiều người đang ăn uống.
Anh trai kia giới thiệu, là học sinh lớp sáu, hơn tôi ba tuổi mà hình như anh quên nói tên. Tôi cũng tự bảo mình tên Trang học lớp ba, anh ta nhìn tôi, cười ngố, nhưng ánh mắt thỉnh thoảng thoáng hiện lên vẻ u sầu. Sau khi anh mua một số thứ cần thiết, tôi lại lót tót theo anh đi về gần phòng cấp cứu, cả hai tìm một cái ghế đá ngồi. Anh bảo với tôi, người ôm anh lúc nãy là mẹ anh và người trong phòng cấp cứu kia là cha anh. Tôi thử tưởng tượng một tí rồi liền gật gật đầu.
Anh nhìn xong hỏi là tôi bị gì, tôi liền chỉ vào cái trán băng bó của mình, bảo bị té vỡ đầu. Ngắm nghía tôi một hồi, anh bảo: “Vết thương của em to như vậy, chắc phải ở đây lâu lắm nhỉ?” và nhìn tôi với ánh mắt đầy sự quan tâm.
“Không sao… không sao, anh cũng sẽ ở đây mấy tuần, mình kết bạn nha.” Anh đưa tay ra chờ tôi bắt, tôi cũng vui vẻ nắm lấy tay anh, gật đầu liên tiếp. Chúng tôi ngồi nói chuyện thâu đêm cho đến khi tôi gục lên vai anh.
Hôm sau, sương sớm giăng lối, bầu không khí se lạnh, mang theo hương thơm dịu nhẹ của hoa cỏ đặc trưng của thành phố ngàn hoa. Ánh nắng sớm len lỏi qua những tán cây, rọi xuống nền sân bệnh viện ẩm ướt, tạo nên những mảng sáng lung linh. Tiếng bước chân vội vã của các y tá, bác sĩ vang vọng trong hành lang yên tĩnh. Chuông báo thức reo lên từ các phòng bệnh, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Mùi thuốc sát trùng thoang thoảng quyện với hương hoa cỏ tạo nên một bầu không khí đặc trưng của bệnh viện.
Tôi bật dậy trong giấc mộng, hôm qua mãi ngồi ngẩn người ở sân bệnh viện cả buổi tối, làm dì tôi lo lắng tìm khắp nơi.
Đi ra ngoài sân bệnh viện, tôi hít thở sâu bầu không khí trong lành, hy vọng nó sẽ giúp tôi xua tan đi những suy nghĩ hỗn độn. Bắt chước lại động tác thể dục của mấy bác trong bệnh viện, tui vặn vẹo người mình, vươn vai rồi lắc eo, tập thể dục nâng cao sức khỏe. Bỗng nhiên, một giọng nói quen thuộc vang lên ở phía sau: “Trang ơi.” Anh trai hôm qua đứng đó vẫy vẫy tay với tôi, tay anh cầm hai hộp xôi, nắm chặt rồi chạy tới bên cạnh tôi.
“Anh đi đâu vậy ạ?” tôi hỏi, mặc kệ dù mắt đã nhìn thấy đồ ăn sáng anh mua. Anh giơ giơ cái bịch lên trước mặt tôi: “Anh mua đồ ăn sáng, em ăn không?” Tôi lắc lắc đầu, anh biết ý liền bảo tôi tìm một chỗ nào đó ngồi.
Bệnh viện buổi sớm đông nghịt người đi khám bệnh. Nghĩ đi nghĩ lại thì tôi thấy cũng đúng thôi, vì đây là bệnh viện công, lại là bệnh viện đầu tuyến ở cái đất Đà Lạt này. Anh vừa ngồi ăn xôi, vừa tâm sự với tôi. Gia đình anh lúc trước sống ở Bảo Lộc, sau lại chuyển sang Đà Lạt.
“Mười mấy năm trước, Đà Lạt còn hoang sơ, chưa nhiều nhà như bây giờ, ai cũng thích lên Đà Lạt để hưởng cái không khí se lạnh của nơi cao nguyên Lâm Viên.”
Tôi ngồi chống hai ngón tay vô cằm, tỏ vẻ đang suy nghĩ, rồi tôi bảo: “Mười mấy năm trước anh đâu có ra đời đâu, sao anh lại biết?” Anh nghe xòn thì nghẹn, xong bất lực nhìn tôi bảo: “Do anh đọc báo thấy người ta ghi như vậy.”
Ngồi nói mãi thì tôi cũng biết tên anh, anh là Nguyễn Thanh Tùng. Ba anh vốn là một kỹ sư điện, mấy ngày trước ba anh không may bị tai nạn lao động, công ty tốt trợ cấp cho gia đình anh, cả tiền viện phí, tiền thuốc thang đều được bác giám đốc chi trả. Tôi nghe vậy thì vô cùng ngưỡng mộ, mặc dù tôi mới có tí tuổi đầu, cũng chẳng rõ sự đời ra sao, nhưng tôi chỉ biết là tôi cảm thấy bác đó là người tốt. Anh Tùng lại bảo bác ấy còn hứa rằng sẽ đảm bảo giúp anh có được một vị trí trong công ty, nhưng anh nhìn tôi cười cười, còn tôi thì không hiểu. Công ty là gì?
“Em biết không, Abraham Lincoln[2] thường nói: ‘Bạn không thể giúp người ta vĩnh viễn bằng cách làm thay họ điều mà họ có thể và nên tự mình làm.’ Đó là lý do anh muốn tự mình đương đầu với thử thách này, để không bị lạc lối khi không còn ai giúp đỡ.”
Lời nói của anh khiến tôi lặng người suy ngẫm. Tại sao lại phải phụ thuộc vào người khác? Cứ làm việc của mình, sống cuộc đời tự do như chính mình mong muốn. Tôi chống cằm, lặng lẽ ngắm nhìn anh. Trong ánh mắt anh lấp lánh một niềm tin mãnh liệt, một quyết tâm sắt đá. Giây phút ấy, tôi chợt nhận ra sự trưởng thành đáng ngưỡng mộ nơi anh, một sự trưởng thành vượt xa tuổi tác.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi kết thúc khi mẹ anh gọi tên từ phía xa. Anh nhanh chóng tạm biệt nhưng không quên hỏi tôi: “Mai anh tìm em rồi ta đi vòng vòng chơi không?” Anh giơ tay trước mặt tôi, tôi vui vẻ gật đầu bắt lấy tay anh.

* * *

Từ hôm đó, chúng tôi thân thiết hơn bao giờ hết. Cái Đà Lạt mộng mơ, chán ngắt đối với tôi bỗng trở nên thật đẹp khi có anh bên cạnh. Cuối tuần, tôi chạy tới rủ anh đi chơi. Anh lễ phép xin mẹ, không quên cầm bó báo chưa đi đưa của mình rồi kéo tay tôi chạy ra bệnh viện. Mặc dù đã trôi qua khá lâu, nhưng tôi vẫn nhớ như in cái buổi sáng hôm ấy—lần đầu tiên chúng tôi cùng nhau đi chơi, lần đầu tiên tôi có một người bạn mới theo cách tình cờ như vậy. Anh Tùng đạp xe lên dốc, lưng còng vì bó báo chất cao. Sương mù lại giăng kín những mái nhà, làm cho cảnh Đà Lạt đẹp như một bức tranh sơn dầu. Anh Tùng nhìn tôi cười, nụ cười anh thật đẹp, anh lấy tay lau những giọt mồ hôi trên trán, lại lau mồ hôi cho tôi.
Tối đến, tôi lại lẻn đi ra khỏi bệnh viện, do hồi sáng chúng tôi hẹn gặp nhau ở quảng trường. Đèo nhau trên chiếc xe đạp, anh tấp vào một quán sữa đậu nành gần quảng trường. Ánh đèn vàng vọt chiếu rọi lên khuôn mặt anh, làm nổi bật những đường nét góc cạnh. Anh pha sữa đậu nành rất ngon, thơm lừng mùi đậu nành rang. Tôi thường ngồi đó, ngắm nhìn anh, trong lòng tràn đầy cảm xúc, như lần đầu tôi có anh trai vậy.
Sau hơn một tháng quen biết, tôi biết anh là một học giỏi và luôn rất ngưỡng mộ anh, nhất là khả năng giải toán siêu phàm. Mẹ anh thường kể rằng, các thầy cô trong trường ai cũng khen anh thông minh, có tố chất làm nhà toán học. Nghe vậy, tôi lại càng tò mò không biết làm sao một người bận rộn như anh, vừa phải chăm sóc ba, vừa làm thêm đủ thứ việc, mà vẫn có thể đạt được những thành tích đáng nể như vậy.
Một hôm, tôi thấy anh bận chuẩn bị đi giao báo, lại chưa làm bài tập. Tôi rón rén đến bên anh, ngỏ ý muốn giúp anh đi giao thay. Anh mỉm cười, giọng anh ấm áp, từ chối: “Cảm ơn em, nhưng anh muốn tự mình làm.” Tôi có chút buồn.
Anh kể cho tôi rất nhiều chuyện, mấy câu chuyện anh đọc được trên báo, rồi anh lại nói cho tôi nghe về gia đình mình, về ba anh, về những ước mơ của anh. Tôi nghe anh nói mà lòng mình như nghẹn lại.
Trời Đà Lạt về đêm thật lạnh. Tôi và anh cùng nhau trốn xuống chợ đêm, tìm một góc nhỏ để ngồi. Chúng tôi gọi thật nhiều món ăn ngon, vừa ăn vừa trò chuyện. Tôi kể cho anh nghe về gia đình mình, về những niềm vui, nỗi buồn. Anh lắng nghe tôi rất chăm chú, đôi mắt anh sáng lên khi tôi kể về những kỷ niệm tuổi thơ.
Chúng tôi đang say sưa trò chuyện thì từ đằng xa, tôi bỗng nhìn thấy bóng dáng mấy anh mặc áo xanh lá đậm. Tim tôi đập mạnh, tôi lập tức kéo anh ra, tiếng hô hoán bắt đầu vang lên.
“Có chuyện gì vậy em?” anh hốt hoảng hỏi, mắt hiện rõ vẻ lo lắng.
“Chạy thôi anh!” tôi vừa nói vừa nắm tay anh, kéo anh lao đi. Trong tay, chúng tôi vẫn còn cầm hai ly sữa đậu nành chưa kịp uống hết.
Cô chủ quán và những người bán hàng xung quanh cũng vội vàng thu dọn đồ đạc. Bàn ghế được nhanh chóng cất gọn vào vị trí, cảnh tượng hỗn loạn chẳng khác gì thời chiến tranh. Mọi người chạy tán loạn, kẻ ôm ghế, người vác bàn, tạo nên một khung cảnh vừa hài hước vừa căng thẳng.
Anh thở hổn hển, nhìn tôi, “Đang có chuyện gì hả em?”
Tôi không nhịn được cười, “Không phải đâu anh, họ chỉ đang dọn dẹp mấy người buôn bán lấn chiếm thôi. Uống sữa đậu nành đi anh, kẻo đổ hết bây giờ.”
Chiếc xe đạp đôi màu xanh lao vun vút trên con đường nhựa, cắt ngang những hàng thông già nua, dưới màn đêm sâu thẳm. Gió đêm lạnh buốt thổi vào mặt, mang theo mùi hương của nhựa thông và đất ẩm. Tôi khẽ rùng mình, vùi sâu khuôn mặt vào chiếc áo khoác dày cộp. Anh nói lớn: “Hay là chúng mình ghé chỗ kia nghỉ chút.” Tôi gật đầu, ánh mắt dõi theo bóng lưng anh.
Chúng tôi dừng chân bên bờ hồ Xuân Hương. Ánh trăng lung linh dát bạc lên mặt hồ, tạo nên một khung cảnh huyền ảo. Bờ hồ Xuân Hương, nơi mà có người nói dành cho các cặp đôi mới yêu nhau, có người lại kể rằng từng là nơi tự tử của cô gái xấu số nào đó. Tôi không mấy quan tâm, chỉ thấy cảnh đẹp thật kỳ diệu. Ánh đèn từ chiếc du thuyền kia trông như nhà hàng sang trọng, với hình con bướm trên đó.
Tôi nhìn sang anh, ánh trăng chiếu vào khuôn mặt anh, làm nổi bật những đường nét góc cạnh. Đôi môi tuy có phần phồng rộp nhưng không che giấu được nét đẹp rạng ngời. Đôi mắt đen sâu thẳm của anh hướng về phía bầu trời, như đang tìm kiếm điều gì đó. Tôi tự hỏi, trong đôi mắt ấy đang ẩn chứa những gì? Là nỗi buồn, là niềm vui, hay đơn giản chỉ là sự cô đơn?
Đêm nay, trăng đẹp quá! Nhưng có lẽ, trăng đẹp nhất vẫn là trong đôi mắt của anh.
Đôi mắt anh chạm vào đôi mắt tôi, trong thoáng chốc tôi giật mình, đánh trống lảng hỏi:
“Cuốn sách anh thích nhất là gì?”
Anh vui vẻ đáp, “Anh là một con nghiện của văn học Kim Dung[3]. Có vẻ như Thiên Long Bát Bộ[4] đã chiếm được một vị trí quan trọng rồi,” anh thủ thỉ.
Những năm 1995-1996, cơn sốt kiếm hiệp Kim Dung càn quét khắp nơi. Hình ảnh những hiệp khách giang hồ, những trận giao đấu nghẹt thở, những câu chuyện tình yêu trắc trở… đã trở thành niềm đam mê của biết bao thế hệ. Mỗi đứa trẻ đều mơ ước được hóa thân thành những hiệp lữ, anh hùng,.. phiêu lưu giang hồ, kiếm hiệp thiên hạ. Đài truyền hình còn mua bản quyền phát sóng mấy bộ phim kiếm hiệp Kim Dung, phát trên truyền hình cho nhân dân xem. Nổi tiếng như vậy nhưng sách của Kim Dung thời này thật sự rất hiếm, nhà ông ngoại dù có rất nhiều sách nhưng cũng chỉ có vài cuốn là của nhà văn này.
Tôi tò mò liền xen vào hỏi tiếp, “Vậy đối với anh, ai là người để lại ấn tượng sâu sắc nhất?”
Anh trả lời ngay, không cần suy nghĩ, “Tất nhiên là Tiêu Phong rồi, một anh hùng đánh đuổi giặc Mông Cổ[5].” Giọng anh đầy vẻ tự hào.
Anh Tùng kể với tôi rằng Tiêu Phong; một nhân vật mà anh ấy rất ngưỡng mộ, là một anh hùng trong bộ tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng của Kim Dung. Tôi nghe anh kể, Tiêu Phong không phải là người Hán[6], mà là người Khiết Đan[7], một dân tộc từng xung đột với người Hán. Nhưng số phận đã đưa đẩy anh trở thành bang chủ Cái Bang, một môn phái danh tiếng của người Hán. Với võ công tuyệt đỉnh và tấm lòng nghĩa hiệp, Tiêu Phong đã nhiều lần ra tay cứu giúp những người yếu thế, đánh đuổi giặc Mông Cổ.
Tuy nhiên, cuộc đời của Tiêu Phong không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Anh mang trong mình mối thù sâu sắc với người Hán vì họ đã giết mẹ anh. Sự xung đột giữa lòng trung thành với dân tộc và tình cảm cá nhân khiến cuộc đời anh đầy bi kịch. Dù vậy, anh vẫn luôn giữ vững khí phách và tấm lòng trong sáng, làm lay động trái tim biết bao người.
Tôi cười, có chút đắc ý, “Nhưng anh ta không phải người Hán mà. Anh ta còn có hận thù với người Hán vì họ đã giết mẹ anh ta.”
Anh thở dài, buồn bã, “Có lẽ ông trời không thể làm hài lòng tất cả mọi người rồi.”
Chúng tôi ngồi đó, nói chuyện rôm rả, đủ mọi chủ đề trên trời dưới đất. Từ chuyện công nương Diana[8] phỏng vấn với các nhà báo, vạch trần đủ thứ xấu xa của hoàng gia, cho đến các vụ án mà anh đọc trên báo gần đây, nghe kể lại mà không khỏi rợn người.
Thời gian như ngừng lại, mặt hồ lặng yên và những ánh đèn neon lấp lánh phản chiếu từ con thuyền kia. Tôi ngồi đó, lặng nhìn ánh trăng, trong lòng mong rằng nó sẽ không bao giờ biến mất…

[1] Tự tin, không rụt rè.
[2] Một chính khách và luật sư người Mỹ, tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ từ năm 1861 cho đến khi bị ám sát vào năm 1865.
[3] Tên khai sinh là Tra Lương Dung, là một trong những nhà văn có tầm ảnh hưởng nhất đến văn học Trung Quốc hiện đại.
[4] Một tiểu thuyết võ hiệp khá nổi tiếng của nhà văn Kim Dung.
[5] Một hay một vài dân tộc, hiện nay chủ yếu cư trú tại Trung Quốc, Mông Cổ và Nga. Ước tính có khoảng 11 triệu người Mông Cổ.
[6] Một nhóm dân tộc và quốc gia Đông Á, có nguồn gốc lịch sử ở thung lũng sông Hoàng Hà của Trung Quốc hiện đại.
[7] Tên gọi của một dân tộc du mục Khitan, từng tồn tại ở Trung Á và Bắc Á.
[8] Thân vương phi xứ Wales, báo chí Việt Nam thường gọi là Công nương thay vì là Vương phi, là vợ thứ nhất của Charles, Thân vương xứ Wales, con trai trưởng của cố Nữ vương Elizabeth II.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro