C8

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đệ bát chương

Chờ đề thi chuẩn bị xong xuôi, Hồng Diệp bắt đầu làm bài, cô giáo Hà vào gác thi, Thành Chu ngồi đợi bên ngoài, cảm thấy tẻ nhạt bèn tám chuyện với chủ nhiệm Bao.

“Anh hỏi tôi tại sao lại cho phép con anh dự thi?” Chủ nhiệm Bao ngước lên khỏi bàn làm việc.

Thành Chu ngồi trên sô pha, gật đầu.

“Nhờ cô Hà cả. Chuyện kể ra cũng khéo, bước trước anh vừa đi, bước sau cô Hà tới. Không gọi được cho anh, tôi bèn pha trò, kể lại tất cả cho cô ấy nghe.”

Nhớ lại gương mặt của vị cô giáo trẻ tuổi, Thành Chu cười cười, ra chiều ngầm hiểu. Cô giáo Hà đúng là người đẹp nha!

“Kết quả sau khi nhìn thấy bức vẽ của con anh, cô lập tức hỏi tôi có đúng là do một đứa bé bốn tuổi vẽ không. Tôi bảo chính mắt tôi nhìn thấy, không sai vào đâu được. Cô Hà ngẩn ra cả nửa buổi rồi vội vã chạy đi tìm hiệu trưởng, nói bằng bất cứ giá nào cũng phải nhận cháu bé vào trường! Nhìn vẻ mặt của cô Hà, tôi đoán ngay con anh rất có khiếu vẽ, anh cũng biết cô Hà trường chúng tôi là một họa sĩ có chút danh tiếng, từ bé đến giờ đạt biết bao nhiêu giải thưởng! Cô ấy chấm trúng con anh tức là cháu bé có năng khiếu vô cùng đặc biệt trên phương diện hội họa đấy. Chúng tôi cùng thương lượng với hiệu trưởng, cuối cùng ông cũng đồng ý cho phép con anh thi thử xem sao. Giả sử được như cô Hà nói, chúng tôi đương nhiên rất hoan nghênh cậu bé tài năng nhà anh gia nhập đại gia đình của chúng tôi.”

“Thì ra là vậy… Còn chính sách ưu đãi đặc biệt? Nếu Hồng Diệp thi tốt, có phải chúng tôi sẽ được miễn giảm học phí không?” Đây là vấn đề Thành đại ca sốt ruột nhất.

Chủ nhiệm Bao thoáng do dự mới trả lời: “Đúng là trường chúng tôi có chính sách đó. Chắc anh đã xem qua thể lệ chiêu sinh, bên trên viết rõ ngoài ngân sách Nhà nước, trường còn được nhiều công ty lớn đầu ty gây quỹ nhằm đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Trừ những trường hợp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, em nào nổi trội hơn hẳn các em khác cũng được tài trợ toàn bộ học phí.”

“Nổi bật hơn hẳn là…” Thành Chu vừa hỏi vừa lật lại quyển thể lệ chiêu sinh.

“Xét trên ba mặt: Thành tích học tập trong trường, biểu hiện toàn diện, kết quả các kỳ thi bên ngoài. Trong ba phương diện thì cái cuối giúp thấy rõ năng lực của các em nhất. Tuy để các em tham gia thi thố khi còn bé chưa hẳn là tốt, nhưng…” Chủ nhiệm Bao nhún vai, thể hiện bản thân cũng bất đắc dĩ phải đi theo trào lưu giáo dục hiện nay.

Thành Chu gật gù thông cảm.

“Cho tôi hỏi tí xíu nha? Thi đầu vào môn Ngữ văn và Số học hỏi những gì? Khó lắm không?”

“Tương đối. Đề Ngữ văn thường về những thơ ca thông thường, yêu cầu đặt câu, đánh vần gì đó. Số học thì kiểm tra các phép cộng trừ nhân chia cơ bản. Về nội dung chi tiết, xin lỗi, vì công bằng, chúng tôi không thể tiết lộ ra ngoài.”

“Hả… What?!”

“Sao thế?” Chủ nhiệm Bao bị tiếng kêu sợ hãi của Thành Chu làm giật nảy.

“Không, không gì, tôi chỉ kinh ngạc trước cơ sở vật chất của nhà trường thôi mà, tiểu học cũng đẹp như vậy, ha ha.” Thành Chu liên tục lau mồ hôi, xấu hổ vì bản thân không đủ bình tĩnh.

Không phải vì mình nhìn thấy số tiền phải đóng là bao nhiêu, không phải do con số kinh dị ấy dọa teo đâu! Không phải… Không phải… THÀNH HỒNG DIỆP! Nếu mày không giành được ưu đãi thì đừng mơ vào trường này nhé! Bố Thành nghèo khổ chỉ biết đau đớn gào thét trong âm thầm.

Mày dám lừa tao, bảo học phí trăm hai mỗi học kỳ! Mày biết trăm hai cách hai ngàn bao nhiêu không! Một năm là mất toi bốn ngàn! Chưa kể tiền sách, tiền bồi dưỡng, tiền quỹ… Còn phí thi lại nữa chớ! Hu hu, sao mình nhớ hồi học cấp một chỉ đóng chưa tới tám chục một học kỳ vậy ta? Anh nhà vật vã, anh nhà quằn quại, anh nhà chỉ hận sao mình không có sẵn chị nhà để dễ bề ly hôn rồi tống quách oắt con cho bà ấy.

Như vậy bố Thành sẽ không cần phiền não vì con thơ nữa!

Phòng làm việc rơi vào yên tĩnh.

Nửa tiếng sau, Hồng Diệp nộp bài Ngữ văn, được thả ra ngoài nghỉ ngơi mười lăm phút.

Dường như thời gian đều đã tính sẵn, bài thi vừa nộp, hiệu trưởng liền tới nơi.

Hai bên khách sáo đôi câu, hiệu trưởng và chủ nhiệm giáo vụ cùng ngồi xuống xem bài.

Thành Chu cũng muốn xem, nhưng nghĩ đến việc đề thi không thể tiết lộ ra ngoài nên đành trông mong vào biểu cảm của hai người mà đoán thử chút tin tức.

Vẻ mặt cả hai rất chi là… bình thường.

Hô hấp của Thành Chu trở nên khẩn trương.

Ôi, làm cha người ta quả thật chẳng dễ! Không biết con thi hay ba thi nữa đây! Hồng Diệp ngoan ngoãn đến ngồi cạnh Thành Chu.

“Em biết học phí trường này bao nhiêu không?” Thành Chu run giọng hỏi.

“Dù gì cũng đâu cần anh phải đóng! Mau mua chút gì cho ta bỏ bụng! Ta mà đói thì anh cứ đợi đóng số tiền khổng lồ ấy nhé!” Bố Thành nghe xong lập tức cúp đuôi, ngoan ngoãn đi mua thức ăn.

Chờ Hồng Diệp thi xong Số học, Thành Chu đã ôm sẵn núi lương thực đợi nó bên ngoài.

“Khó không?” Thành Chu hỏi con trai.

Hồng Diệp quẳng cho anh nhà bản mặt còn-phải-hỏi! Tuy mấy thứ đánh vần, thơ ca chẳng biết thuộc triều đại nào hay bảng cửu chương linh tinh nó không nhớ lắm, nhưng thời gian học nhà trẻ cũng từng nghe giảng sơ qua, dù không thuộc song tính toán vẫn ra kết quả.

Cô giáo Hà hỏi Hồng Diệp học thể loại hội họa nào.

Tranh sơn dầu? Quốc họa Trung Hoa? Tranh khắc bản? Hồng Diệp gãi đầu, hỏi lại, tranh sơn dầu, tranh Trung Quốc, tranh khắc bản là gì.

Cô giáo Hà hơi kinh ngạc nhưng liền phì cười, sao mình lại quên bé con mới bốn tuổi chứ? Nghe cô Hà giải thích xong, Hồng Diệp quyết định chọn quốc họa.

Trong trí nhớ, dường như nó từng dùng qua bút lông, các loại khác hoàn toàn mù tịt! Nghe một đứa trẻ đòi thi quốc họa Trung Hoa, hiệu trưởng và chủ nhiệm giáo vụ đều rất hiếu kỳ, cùng cô Hà sóng vai vào phòng khách.

Thành Chu chưa kịp hỏi mình có được phép cùng xem hay không thì oắt con đã í ới gọi anh vào mài mực giúp nó.

Bút lông vung lên, nét vẽ lưu loát.

Nhân vật sinh động, màu sắc chấm phá.

Trên giấy là một đứa bé, tay cầm giấy khen, đưa lưng về phía mọi người.

Đầu đứa bé trong tranh hơi nghiêng khiến khuôn mặt ẩn ẩn hiện hiện, khó lòng nhìn rõ.

Từ dáng người suy đoán, tuổi tác nó chừng khoảng mười một, mười hai.

Cô giáo Hà chuyên chú ngắm tranh, không nói lời nào.

Hiệu trưởng và chủ nhiệm đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Không dám tưởng tượng một thằng bé bốn tuổi lại có lối vẽ tinh tế đến thế.

Chủ nhiệm Bao xoa thái dương, cảm thấy dường như bản thân từng gặp qua nhân vật trong tranh, hơn nữa càng nhìn lâu, anh ta càng nảy sinh ảo tưởng rằng nó sẽ quay lại nhìn mình.

“Đẹp lắm.” Cô giáo Hà nhận xét.

Thật ra không cần cô giáo Hà mở miệng, người am hiểu hội họa đều có thể nhìn ra người vẽ tranh đúng là thiên tài khó gặp.

Giả sử bọn họ biết được vị họa sĩ kia mới lên bốn… Có điều quỷ con cũng không phải bốn tuổi thật, họa may chỉ trời biết, đất biết, bản thân nó biết mình đã bao nhiêu.

Thấy việc miễn học phí hoàn toàn có hy vọng, Thành Chu hớn hở nhấc bổng Hồng Diệp lên, luôn mồm khen nức nở.

Hồng Diệp hỏi xem cần thi tiếp những loại hình nghệ thuật khác không, chủ nhiệm Bao vốn tưởng không cần, bằng vào thân phận học sinh với năng khiếu hội họa đặc biệt, thằng bé rất xứng đáng với chính sách ưu đãi, nhưng vì hiệu trưởng tò mò về bản lĩnh thực sự của nó, cuối cùng Hồng Diệp vẫn phải dự thi Âm nhạc.

Cô giáo dạy nhạc họ Lý bảo nó lựa chọn nhạc cụ, Hồng Diệp hỏi: Có cổ tranh, đàn sắt, tỳ bà, sáo ngang (địch)hoặc sáo dọc (tiêu) hay không.

Cô giáo Lý nghe bé con bốn tuổi không chọn piano, violin hay accordion mà lại hỏi về nhạc cụ cổ điển thì mừng rỡ như điên, ì ạch vác cây cổ tranh duy nhất vào phòng nhạc.

Hồng Diệp quen thuộc lên dây cây đàn tranh cổ lỗ sĩ mua về làm kiểng, thoạt nhìn như tám trăm năm chưa ai đụng tới.

Gảy thử vài âm, Hồng Diệp phát hiện không chỉ lực tay hiện tại quá yếu, ngón tay cũng hơi ngắn một chút! Mới khúc dạo thôi mà mười ngón tay con con đã rã rời như sắp rụng đến nơi.

May sao cô giáo Lý tinh ý nhận ra điểm khó xử, tự thấy hối hận vì không mua bộ móng gảy bèn đổi thành kèn tây cho nó.

Nhưng cô ta cũng chẳng nhớ mình mua là kèn của người lớn, tuyệt đối không thích hợp với ngón tay của trẻ con.

Hồng Diệp ngờ ngợ, hình như chiếc kèn tây này chẳng giống sáo trúc trong ấn tượng của mình cho lắm, nhưng cách thổi giống nhau, dù khang khác song miễn cưỡng vẫn thổi ra được khúc “Dương xuân tam nguyệt (Ba tháng xuân)”.

Khúc nhạc rộn ràng khiến thính giả khó tránh vui lây.

Chẳng cần chờ kết quả cuộc thi, hiệu trưởng thẳng thắn vỗ vai Thành Chu, khen ngợi không ngớt, “Con anh rất giỏi, trường chúng tôi đã có quyết định!”

Thành Chu sướng rơn, trước khi ngất xỉu vì mừng vẫn cố gượng khẳng định lại: “Chính sách ưu đãi? Miễn giảm toàn bộ học phí? Sáu năm tiểu học?”

“Miễn phí hoàn toàn! Không cần đóng đồng nào! Nếu thành tích học tập của cháu xuất sắc, chúng tôi còn có thể gửi cháu vào trường trung học điểm!”

Thành Chu hớn đến thiếu điều ôm lấy vị hiệu trưởng bụng bự cùng múa dân gian, kết quả kia khiến anh thấy mưa bom lửa đạn hứng chịu từ sếp vô cùng xứng đáng!

“Nhưng… Giả sử thành tích hoặc đạo đức không tốt, nhà trường được phép thu hồi học bổng bất kỳ lúc nào.”

Mãi đắm chìm trong men chiến thắng, những lời cảnh cáo vào tai Thành Chu đều trở thành gió thoảng mây bay.

***

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#dammy