Quyển 1 - Chương 10

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 10: Mùng một Tết

Mốc dịch

Người dân đương nhiên được đón một cái Tết rộn ràng vui vẻ, nhưng đám sĩ tử lại phải trải qua Tết nhất một cách khó khăn, kỳ thi ân khoa được định vào ngày mười sáu tháng Giêng, thế nhưng từ mùng một Tết trở đi, đám sĩ tử đã bước vào trạng thái chuẩn bị chiến đấu, chuẩn bị tham gia các hoạt động của triều đình, làm quen với các chức sắc hoặc những người có ảnh hưởng đến dư luận để mở rộng con đường làm quan.

Đêm giao thừa, tuy hai người Ngu Liễu đi chơi cùng đám sĩ tử, nhưng chưa đến giờ Tuất (1) đã lục tục chào tạm biệt trở về nhà, Lý Ký Lan không có kiên nhẫn xã giao với đám phụ nữ quyền quý đến đạo quán mỗi dịp Tết nhất nên sẽ dọn đến nhà Ngu Toàn Cơ ở một thời gian, Liễu Phi Khanh làm sứ giả hộ hoa đến cùng, dắt con lừa của mình đến nhà họ Ngu trước, sau đó thong thả ra ngoài đi dạo cùng hai người phụ nữ. Sau khi đưa hai người phụ nữ ấy về nhà Ngu Toàn Cơ, anh ta mới dắt con lừa tên Đại Ngốc, chào tạm biệt ra về, Lý Ký Lan và Ngu Toàn Cơ đưa mắt dõi theo cho đến khi anh ta vòng qua góc rẽ.

"Tôi thấy Liễu huynh là người đáng tin đấy chứ?"

Nghe vậy Lý Ký Lan liền bật cười, tựa người vào cửa: "Vậy cô còn thi cử gì nữa? Mau lấy người ta đi."

"Tôi không dám đập chậu cướp hoa, sợ người nào đó hung hãn hay ghen tuông cũng mang họ Lý lắm." Ngu Toàn Cơ trêu ghẹo, bị Lý Ký Lan nhổ bãi nước miếng đáp trả. Hai người đi đóng cửa, cùng chung sức cài cái then cửa to đùng. "Cô đói không?"

"Không đói, sao thế?"

"Tôi muốn ăn cháo nhạt rau dưa, thêm ít rượu nữa." Ngu Toàn Cơ xoa bụng, hôm nay vốn định đến phố Thiên Môn ăn uống, nhưng phát hiện ra chỗ nào cũng chật cứng biển người, làm cô không còn hứng thú nữa.

"Ăn cháo thì được, còn uống rượu thì thôi đi." Giọng điệu của Lý Ký Lan rất cương quyết, rồi đi về phía phòng bếp: "Cô quên ngày mai mùng một Tết phải vào triều bái kiến à?"

Ngu Toàn Cơ đi theo cô ấy xuống bếp, khinh thường giễu cợt: "Tôi không biết vào triều bái kiến thì bái kiến gì đấy. Các sĩ tử thì xếp hàng dài dâng quà cáp địa phương, bên phải là các thương nhân người Hồ, đằng sau là cả đám lạc đà, đừng nói là bệ hạ, ngay cả mặt mũi quan viên trên ngũ phẩm còn chẳng nhìn thấy, người chẳng bằng vật."

"Ơ, bây giờ cô mới biết à?"

"Chẳng lẽ cô biết từ lâu rồi?"

"Đương nhiên." Đến phòng bếp, Lý Ký Lan mở bếp lò, lấy một cành củi nhỏ đang cháy đỏ châm đèn dầu, Ngu Toàn Cơ đi vo gạo, Lý Ký Lan nhìn rá gạo, buồn bã nói: "Vật chẳng bằng người, một người tài trí chẳng bằng một bát gạo nhỏ, tôi đã biết từ lâu rồi."

Ngu Toàn Cơ không nói gì, Lý Ký Lan và cô đều xuất thân từ gia đình có học, tuy hiện giờ một người phàm tục một người theo đạo, nhưng hoàn cảnh không khác nhau là bao. Là con gái của sĩ tộc, ngoài việc phải ghi tên vào danh sách mười nữ tiến sĩ ba năm mới có một lần, thì cũng chỉ còn hai con đường là lấy chồng làm vợ làm thiếp hoặc vào chùa vào đạo tu, kém cỏi hơn nữa thì ở đợ nhà người ta hoặc đến phường Bình An buôn bán mà không cần vốn liếng, có điều những người cam chịu số phận sống nốt phần đời còn lại không nhiều.

Lý Ký Lan đun nước, cho gạo vào nồi, cầm muôi chầm chậm khuấy đều: "Này, nhà cô ăn gạo mới hả?"

"Giá gạo mới Tây Kinh đắt như vàng, tôi nào dám ăn? Đây là gạo cũ kho Hàm Gia (2) thải ra đấy, dù sao nó cũng không bị nấm mốc mối mọt, mua về ăn tạm." Ngu Toàn Cơ nói, Tây Kinh là thành lớn đứng đầu cả nước, thuê một tiểu viện nhỏ xíu thế này đã mất một khoản kha khá rồi, cô lại ham rượu, đành phải trừ một chút tiền củi gạo đầu muối đi.

"Trong nữ đạo quán ăn gạo mới, nhưng tôi ăn chay mãi đến phát chán rồi, hình như nhà bếp coi tiền củi gạo dầu muối không đáng mấy đồng, một thìa canh thì có đến nửa thìa dầu, nửa thìa còn lại là muối, ngấy chết mất."

"Lý quốc sư à, cô là người xuất gia đấy, chẳng lẽ muốn bắt người khác nấu quốc yến cho cô?" Ngu Toàn Cơ cười nói, Lý Ký Lan nhún vai, nhìn cô thái nhỏ củ cải thành sợi, sau đó rắc ít đường lên, rưới thêm một thìa nước ép mận và hai thìa giấm, rồi trộn đều cho ra đĩa, chờ cháo chín thì múc ra, cho thêm thịt bằm và rau dại thái nhỏ, cộng thêm một đĩa ngọn thông xào nước tương.

Một bát cháo hai món ăn kèm, hai người bê bàn ăn ra sân sau, ăn uống no nê thì nằm chung giường ngủ một giấc. Đây không phải là lần đầu cô ngủ chung với Lý Ký Lan, trước đây đến Tây Kinh dự thi, cô đều ở lại đạo quán Thái Bình. Trong đêm tối, Ngu Toàn Cơ nghiêng người nằm phía trong chiếc giường, chợt nghe thấy tiếng quần áo sột soạt, cảm thấy có ai đó đang dán sát vào lưng cô, nhiệt độ cơ thể nóng hầm hập tỏa ra từ lưng giúp cô biết không phải là ma quỷ, vì thế đành phải nhắm mắt giả vờ ngủ.

Có người vòng tay ôm eo cô, có người vùi mặt vào hõm lưng cô, để lại vệt nước mắt, cô không nhúc nhích, không phản ứng, cũng không đẩy ra, vì cô biết điều này không hề liên quan đến tình yêu hay dục vọng, chỉ là chút tưởng tượng của họ mà thôi. Thế giới này đối xử quá tàn nhẫn với phụ nữ xuất thân gia tộc học hành làm quan như họ, không cho phép họ từ bỏ danh tiếng để sống thoải mái tự do, cũng không chấp nhận họ có được tình cảm đằm thắm mà những cuộc hôn nhân bình thường thường có, vì thế họ chỉ có thể hằng đêm ôm nhau đi vào giấc ngủ, coi gương mặt mơ hồ của người kia thành đối tượng tình yêu trong tưởng tượng, thành người chồng trong mơ.

***

Canh bốn (3) ngày hôm sau, Ngu Toàn Cơ bị nô tỳ và Xuân Nương gọi dậy, cô ra hiệu bảo Xuân Nương nói nhỏ xuống, rồi trèo qua Lý Ký Lan đang nằm dang hết hai tay hai chân để xuống giường.

Xuân Nương đã bê sẵn nước rửa mặt tới, Ngu Toàn Cơ soi gương rửa sạch lớp dầu và lớp trang điểm trên mặt tối qua, sau đó thay áo trắng cổ tròn của sĩ tử, đeo túi tiền lên thắt lưng, búi gọn tóc tai rồi chít khăn xanh lên tóc. Xuân Nương bôi đều kem mặt cho cô, tô chút phấn hồng lên má, vẽ một đóa mai vàng lên trán, dùng ngón tay chấm chút son môi tô lên đôi môi anh đào của cô. Sửa soạn xong xuôi, bấy giờ cô mới đội mũ lên.

Vừa ban sớm dì Trạch đã vào thu dọn bàn ăn tối qua của họ, thay bằng thức ăn sáng, hôm nay có một dĩa rau rừng, một đĩa đuôi cá kho hẹ, một bát canh rau cải thảo, Ngu Toàn Cơ rửa tay, nói: "Cá trông ngon thật đấy."

"Hôm nay nương tử phải vào triều bái kiến thiên tử, nên ăn no hơn." Dì Trạch nói.

"Bái kiến gì chứ, chỉ là xếp hàng lần lượt chào hỏi, cầm chút quà bánh về thôi mà."

"Nương tử đừng bao giờ nghĩ như thế, được vào cung là điềm lành đấy, nương tử là tiên mắc đọa trên trời, quan tâm đến gã ngự sử đại phu xấu tính xấu nết ấy làm gì, nương tử ắt sẽ giành được vị trí đứng đầu." Dì Trạch vô cùng có lòng tin.

"Được được được, giành được vị trí đứng đầu! Để dì Trạch được nở mày nở mặt." Ngu Toàn Cơ bật cười, ăn sáng xong, cô lau miệng, đi giày vào, cầm theo giấy tờ tường trình gửi từ Nam Lăng đến và giấy tờ tường trình cô viết, bấy giờ mới thong thả ra khỏi cửa, chú Trạch đã dắt Sương Hoa buộc sẵn yên ngựa tới cho cô. "Cảm ơn chú Trạch."

"Nương tử đi cẩn thận."

Ngu Toàn Cơ ra khỏi ngõ Vân Thâm, đến thẳng cửa phường, trông thấy một đám sĩ tử quan viên đang tập trung trước cửa phường cao khoảng mười thước, hầu như đều là đàn ông mặc áo xanh, Ngu Toàn Cơ cười thầm trong bụng, phường Bình Khang không có nhiều quan viên sống, phải chăng tối qua những người này qua đêm ở nhà vợ bé hay nhà người tình?

Lúc này đám đàn ông thấy một nữ sĩ tử xuất hiện, bèn chụm đầu rỉ tai nhau, Ngu Toàn Cơ cũng không để ý, tự giác xếp hàng ở phía sau, song nghe thấy có người hừ khẩy, nói đầy quái gở: "Hừm, đây chẳng phải là 'tôm tép' sao?"

Ngu Toàn Cơ đưa mắt nhìn, hóa ra là sĩ tử trung niên hôm đó chế giễu cô trên phố Thiên Môn, người đó cũng mặc áo trắng, có điều dùng lụa dệt Đoàn Hoa thượng phẩm, bên ngoài khoác áo khoác tay lửng làm từ gấm thục cẩm Tứ Xuyên, dưới chân đi đôi ủng da sáng bóng, ăn mặc gọn gàng sạch sẽ, ngay cả râu ria trên mặt cũng được tỉa tót chỉnh tề, trông rõ chải chuốt.

Ngu Toàn Cơ phớt lờ hắn ta, người đó quay sang nói với người bạn đứng bên: "Thấy chưa? Rõ ràng bị truất tư cách thi, nhưng lại được Lễ Bộ đặc cách triệu vào đấy, suy cho cùng phụ nữ vẫn được lòng các quan hơn."

Được lòng mả nhà ông ấy! Ngu Toàn Cơ thầm mắng trong lòng, bạn của hắn ta còn nói: "Đúng thế, thảo nào tám mươi trận chiến lớn nhỏ khắp Nam Bắc không trận nào không thắng, vì người ta đâu có dùng văn hay dùng võ."

Mấy gã đàn ông cười dung tục, Ngu Toàn Cơ tức đến nỗi sắc mặt tái xanh, cô không phải là người đẹp tuyệt sắc, cũng không phải là thiếu nữ đôi tám, ngoài tài văn chương ra cô thật sự chẳng còn gì để bán. Lễ Bộ đã cố gắng không rêu rao chuyện này, thậm chí còn đưa cô cho Ngự sử đại phu đích thân kiểm tra, thế mà vẫn làm mấy người này ghen ăn tức ở ư? Bọn chết tiệt!

Mấy gã đàn ông đó mào đầu, đám sĩ tử còn lại và quan viên bèn lén lút nhìn cô, làm cô cực kỳ khó chịu. Sắc mặt Ngu Toàn Cơ tái xanh, thấy mấy người họ càng nói càng quá quắt, cô quả thật không chịu nổi nữa, tiếng trống vang lên, binh lính đi ra chuẩn bị mở cửa phường, Ngu Toàn Cơ bèn cất cao gọng: "Ơ? Đây chẳng phải là lang quân mấy hôm trước bị em gái Tuệ Nương trong ngõ Minh Kha đuổi ra ngoài đấy ư? Thế đã chữa khỏi bệnh liệt dương chưa?"

"Cô nói gì?" Tiếng cười của người nọ lập tức im bặt, hắn trợn to mắt nhìn cô.

Ngu Toàn Cơ cười đầy hả hê, quất ngựa đi về phía trước, vừa đi vừa nói, "Tôi bảo này, không cần chữa đâu, cứ đến thẳng căn nhà kiểu Ba Tư tìm đại phu người Hồ mua lư tiên (4) thì nhanh hơn đấy."

Đám đông kinh ngạc giây lát, sau đó cùng phá lên cười, sĩ tử trung niên đó đỏ mặt tía tai, muốn phản bác lại mà không ai để ý đến hắn, hắn ngẩng đầu dáo dác tìm Ngu Toàn Cơ, cô đã nhanh chóng ra khỏi phường Bình Khang rồi.

Ngu Toàn Cơ xả hết được giận, bèn thúc ngựa chạy đi, làn gió sớm mai vừa lạnh vừa rát, đầu ngón tay của cô rét buốt tê dại, chỉ có ánh nắng mùa đông hắt lên chiếc áo khoác cộc tay, giúp cô cảm thấy chút ấm áp. Càng đến gần Hoàng thành càng thấy nhiều quan viên mặc quan phục, hôm nay là mùng một Tết, cũng là buổi triều hạ chúc mừng tròn sáu mươi năm đăng cơ của Nữ hoàng, tất cả quan viên đều được Lễ bộ thông báo phải mặc Miện phục (5) dảnh riêng cho đại lễ tế trời, Miện phục cao hơn một bậc lễ phục chuyên dùng cho các buổi triều hạ của những năm trước.

Trên phố Thiên Môn, bốn tốp quân của tả hữu Kim Ngô vệ, tả hữu Giám Môn vệ đều đeo bao đựng tên, trên trán buộc dải lụa đỏ, trên người đeo cây cung. Quan viên văn võ ngũ phẩm trở lên thì mặc loan miện, tế miện, thúy miện, tú miện, huyền miện dựa theo phẩm cấp tương ứng, quan viên văn võ từ lục phẩm đến cửu phẩm thì mặc tước biền phục (6). Quận vương trở lên đội viễn du quan, quan dòng trong trong Ngự sử đài đội pháp quan, nội thị tỉnh đội cao sơn quan (7), quan dòng ngoài và các sĩ tử đều đội giới trách đen (8).

Nếu đứng im không nhúc nhích, nhìn cảnh tượng trang nghiêm long trọng, nhưng một khi di chuyển là lộ tẩy ngay....

Hóa ra bình thường mọi người đều đã quen mặc áo dài đến mắt cá chân, ống tay áo chỉ rộng ba tấc, cổ áo tròn với khuy áo cài chặt, nhưng hôm nay phải mặc vạt áo dài được thiết kế cách đây hàng nghìn năm, eo quấn bội thụ (9), đeo trường kiếm, trước trán mỗi quan viên ngũ phẩm trở lên còn treo vài chuỗi lưu, chỉ cần hơi cử động đầu, các hạt ngọc va vào nhau kêu lách cách, mấy chuỗi lưu ấy không lắc lư trái phải khiến người ta hoa mắt thì cũng đánh vào mặt người phía trước phía sau.

Tông chính khanh trẻ tuổi đội mũ viên du quan, tinh thần tươi tỉnh chẳng có chút bực bội nào, nhưng hai vị thiếu khanh đi phía sau thì không ngừng càu nhàu về chuỗi lưu: "Là tên chết tiệt nào phát minh ra mấy cái chuỗi hạt này thế, phiền thế đi chứ!", "Khốn thật, cứ đưa qua đưa lại làm tôi hoa hết cả mắt."

Có một vài người trẻ tuổi đi khá nhanh, liên tiếp giẫm phải tà áo của người phía trước, làm đồng liêu phải quắc mắt nhìn: "Giẫm vào đâu đấy, ông muốn thấy tôi cởi truồng mà đi à?"

Cũng có một vài người chưa dùng kiếm bao giờ, trường kiếm ở bên eo cứ trượt lên trượt xuống, thỉnh thoảng bất cẩn chạm vào bụng đồng liêu phía sau, có khi còn chạm phải chỗ hiểm của đối phương, làm vị quan đi phía sau tức giận đến nỗi cầm kiếm chọc mạnh vào người phía trước: "Trương thị lang! Không thể chọc kiếm lung tung được đâu!", "Khốn kiếp, tôi bảo ông chọc cái thứ đó hả?"

Tóm lại, trong giờ phút này, những khung cảnh kỳ lạ lần lượt xuất hiện, có quan viên phẩm cấp cao muốn nói chuyện với đồng liêu của mình nhưng không để ý khoảng cách, vừa quay sang phải thì chuỗi lưu đập vào người bên trái. Có người mặc Miện phục nhưng muốn cưỡi ngựa cho ngầu, kết quả khi xuống ngựa lại giẫm phải vạt áo của mình, làm nửa tà áo trắng rách cái roẹt. Có những quan viên đã lớn tuổi mặc Miện phục thở hổn hển, cứ đi được vài bước thì dừng lại một lúc nghỉ ngơi.

Mà khung cảnh hoành tráng nhất của dịp triều hạ năm nay là sự xuất hiện của hai mươi lăm vị đại tướng quân của tả hữu vệ, tả hữu Kiêu vệ, tả hữu Võ vệ, tả hữu Uy vệ, tả hữu Lĩnh Quân vệ, tả hữu Kim Ngô vệ, tả hữu Giám Môn vệ, tả hữu Thiên Ngưu vệ, tả hữu Vũ Lâm vệ, tả hữu Long Vũ quân, tả hữu Thần Sách quân, tả hữu Thần Vũ quân, và Thần Uy quân. Hóa ra trong hai mươi lăm vị đại tướng quân này, ngoài mười bảy vị thuộc tông thất, đa số những người còn lại đều là danh tướng công thần, độ tuổi trung bình sáu mươi trở lên, chỉ có bốn vị hoàng tử và hoàng tôn trong bảy người thuộc tông thất chưa đến bốn mươi.

Mười tám vệ quân có tổng cộng mười tám đại tướng quân, bình thường phải hỗ trợ tế lễ nên có thể thông cám, bọn họ chỉ cần đội võ biền quan hoặc tiến hiền quan là được. Còn bảy vị tông thất lần lượt là đại tướng quân của tả hữu Long Vũ quân, tả hữu Thần Sách quân, tả hữu Thần Vũ quân, và Thần Uy quân, ai nấy đều có vương tước, trong đó Tương Vương và Bình Vương còn là Hoàng thúc, vì thế khi hỗ trợ tế lễ cũng chỉ cần đội viễn du quan. Nhưng lần này để thể hiện sự long trọng, cũng để hai mươi lăm vị đại tướng quân xếp thành đường thẳng trông uy nghi, nên Lễ bộ bắt bọn họ phải mặc Miện phục, các đại tướng quân tuy là quân nhân, song cũng thích chỉnh tề đồng nhất, nên đều mặc Miện phục trước giờ toàn cất ở đáy rương, nhưng nào ngờ tai họa cũng bắt đầu từ đây...

"Mấy trăm năm không mặc bộ loan phục này, lần trước mặc là dịp quốc hôn, bốn mươi trăm trôi qua rồi, đúng là năm tháng không tha một ai..." Nhị Hoàng thúc An Quốc Tương Vương kéo ống tay áo, giọng nói dường như đầy bùi ngùi, cảm thán xong, gương mặt ông ta lập tức chuyển sang vẻ cà chớn, giống y hệt vị Thái thượng hoàng cà lơ phất phơ: "Đù, nếu năm nay không có đại lễ sáu mươi năm, ông đây chẳng bao giờ mặc cái áo chim chóc này."

"Một lão già chết nào đó mãi không chết thích quần áo chim chóc lắm đấy!" Tiểu Hoàng thúc Trấn Quốc Bình Vương mang gương mắt đằng đằng sát khí, ông ta chỉ lớn hơn Nữ hoàng bảy tuổi, từ nhỏ đã bị Thái Thượng hoàng vênh mặt hất hằm sai khiến y như con ruột nên ức chế trong lòng đã tích tụ từ rất lâu.

"Này, ổng là ông già chết giẫm, chúng ta chẳng phải là em trai của ông già chết giẫm đấy sao, cũng chết giẫm cả!" Tương Vương vội vàng nhắc nhở, có một ông anh trai suốt ngày chỉ đi gây rối như thế, Tương Vương Bình Vương thật sự rất bất lực, vì họ có muốn mắng mỏ cũng phải cấn thận, tránh mắng người ta mắng luôn sang cả mình.

Hai anh em đứng đầu hàng đại tướng quân này theo thứ tự là tám mươi lăm và bảy mươi bảy tuổi, đương nhiên bước đi rất chậm rãi, còn năm người vai vế nhỏ hơn trẻ trung hơn đành phải đi theo sau như đưa tang, cứ lề mề như thế, mười tám vị đại tướng quân với tinh thần quắc thước, cơ thể cường tráng đi đằng sau bắt đầu kháng nghị. Năm xưa khi họ đánh trận, không thiếu lần phải xông pha với hoàng thân quốc thích, hai vị Hoàng thúc này tuy nhiều lần đảm nhiệm vị trí nguyên soái, nhưng lần nào hợp tác với những họ, hai vị Hoàng thúc này thể nào cũng bắt đầu bằng cách hỏi thăm sức khỏe và cha mẹ người thân của đối phương, tuổi tác đã lớn, người dám nói chuyện với hai vị Hoàng thúc này cũng chỉ có đám lão tướng bọn họ, vì vậy mỗi lần hai vị Hoàng thúc gặp mười tám vị tướng quân kia đều nhiệt tình hỏi thăm để thể hiện tình bạn.

"Mẹ ơi, hai con rùa già đằng trước đi nhanh hơn được không hả? Đi không nổi thì sai người khiêng!" Tả vệ đại tướng quân là người đầu tiên chọc ngoáy.

"Khiêng lão ta đến thẳng Định Lăng chôn sống được không?" Hữu Kiêu vệ đại tướng quân cũng lên tiếng, Định Lăng là nơi Thái Thượng hoàng dự định xây lăng mộ, cũng đã để sẵn hai khu cho hai vị Hoàng thúc.

"Đề nghị này hay đấy, chôn đi cho khỏi tốn cơm gạo." Hữu Vũ Lâm đại tướng quân nhiệt tình đồng ý.

"Ai bảo chôn thế! Sao có thể chôn thế được? Phải để tôi chém hai nhát dao báo cái thù cướp Vân Nương năm Hoằng Huy ba mươi trước đã, rồi mới được đem đi chôn! Bà nội nó chứ, cả đời ông đây chỉ thích một người phụ nữ, nào ngờ bị tên chết bầm chết tiệt tên khốn kiếp Bình Vương hớt tay trên chứ, lại còn nói là anh em tốt của ông đây! Ông đây muốn làm thịt lão ta từ lâu lắm rồi!" Tả Lĩnh vệ quân đại tướng quân đã bảy mươi chín tuổi, cả đời sống độc thân vẫn luôn nhớ mãi mối thù cướp vợ, nhưng ông ta đâu biết Vân Nương chờ đợi suốt hai mươi năm mà không nhận được danh phận nào, do vậy ông ta bị vứt bỏ cũng là đáng đời...

"Ông bạn già ngốc nghếch à, gần ba mươi năm rồi mà ông vẫn nhớ mối thù Vân Nương bị cướp hả? Hồi xưa tôi đâu có tán tỉnh bà ấy, chỉ có ông từ sáng đến tối sợ bà ấy không thích ông thôi, Vân Nương cho ông uống xuân dược, cho ông cơ hội bổ nhào vào như thế mà ông cũng không dám! Cứ ôm khư khư danh tiếng chính nhân quân tử làm gì không biết! Hừ! Năm xưa ông quyết tâm làm đến cùng, khi qua đời Vân Nương dù gì cũng là Quốc phu nhân, làm gì có chuyện chỉ được hạ táng với thân phận Nhụ nhân (10), ông còn trách ai được nữa!" Bình Vương quay đầu phản bác, thật ra những gì ông ta nói cũng không đúng hết hoàn toàn, Bình Vương mất mẹ từ nhỏ, vô cùng yêu thích người đẹp tuổi xế chiều đã trải qua ba chìm bảy nổi là Vân Nương, năm ấy ông ta nhân lúc Tả Lệnh quân vệ đại tướng quân mang binh đánh trận mà hứa hẹn thề thốt sẽ chăm sóc cho Vân Nương, kết quả khi đại tướng quân trở về, Vân Nương đã trở thành người của Bình Vương...

"Ông là tên chết bầm khốn kiếp!" Tả Lệnh quân vệ đại tướng quân ngẩng đầu lên trời gào to.

"Ông là lão già cổ hủ ngu xuẩn!" Bình Vương chỉ trích ông ta, cũng gân cổ gào lên.

Hai người cứ nói qua nói lại, cuối cùng nhớ đến Vân Nương đã qua đời được hai năm, đại tướng quân xắn tay áo lên định trả mối thù bị cướp vợ ba mươi năm trước, Bình Vương cũng phất tay áo định xông tới bóp chết đại tướng quân, giữa hai người là mười mấy vị đại tướng quân khác, người trẻ tuổi thì vội vàng khuyên can Bình Vương, còn Tương Vương đứng bên thì giúp em trai mình mắng đại tướng quân, mười bảy vị đại tướng quân còn lại, người xô người đẩy người hùa vào người khuyên nhủ, kết quả hai mươi lăm người đùn đùn đẩy đẩy đến tận thềm ngọc Phi Phượng Các, Bình Vương thò chân định đá Tả Lĩnh quân vệ đại tướng quân, ai dè chiếc hài hai mũi lại bay trúng vào thúy miện của Hữu Thiên Ngưu vệ đại tướng quân, thúy miện bay ra ngoài trúng vào Tả Lĩnh quân vệ đại tướng quân, ông ta ngã về phía sau, trường kiếm đâm trúng vào mắt của Tả Long Vũ quân đại tướng quân, làm hoàng tử trẻ tuổi kêu suýt xoa va phải Tương Vương đứng phía sau, Tương Vương đứng không vững lảo đảo ngả người về phía trước, kết quả ai nấy đều ngã liểng xiểng.

Thông sự xá nhân đứng bên cạnh chuẩn bị dẫn đường cho các vị đại tướng quân đã tận mắt chứng kiến tất cả, bèn thở dài thườn thượt: "Quả nhiên số lượng nhiều sẽ sản sinh ra cái đẹp, hai mươi lăm vị đại tướng quân ngã cùng nhau, cảnh tượng hùng tráng làm sao!"

Khi cả đám đại tướng quân xoắn xuýt lại với nhau thành quả bóng đại tướng thì tiếng bước chân nhịp nhàng từ từ tới gần, thông sự xá nhân đưa mắt nhìn, sau đó vội vàng lùi sang bên cạnh giả bộ như không biết gì, còn Bình Vương thoát ra khỏi sự kìm kẹp của hữu Kiêu vệ đại tướng quân, vừa hay bắt gặp cái nhướng mày của Lý Thiên Lý, lòng thầm kêu không ổn rồi. Quả nhiên hai mươi lăm vị đại tướng quân nghe thấy Lý Thiên Lý nói bằng giọng quái gở nhẹ nhàng (?): "Các thị ngự có ở đây không?"

"Có ạ." Giọng nói của khoảng hơn mười người đồng thanh vang lên.

"Được, các đại tướng quân làm ồn trong đại lễ, làm ồn chán thì nằm ở đây giả chết, quả thật không ra thể thống gì, làm bại hoại thuần phong mỹ tục, các thị ngự đối chiếu tên tuổi, sau đại lễ sẽ tiến hành phê bình." Lý Thiên Lý sai cấp dưới của mình, cũng không cho đối phương giải thích, giẫm lên "xác của hoàng tử" (?) để vào Phi Phượng Các mà không buồn nhìn lấy một lần.

"Này, Tiểu Thiên Thiên! Đừng làm vậy! Bọn ta đâu cố tình giả chết!" Tương Vương gào lên đầy tuyệt vọng.

Lý Thiên Lý quay đầu lại, không hề nể nang bồi thêm nhát dao nữa: "Chuyện Tương Vương điện hạ giả chết đâu chỉ có mỗi hôm nay, lần nào lên triều ngài cũng giả chết mà?"

"Quá đáng... tuổi cao sức yếu rồi muốn ngủ thêm cũng không được hả?" Nét mặt Tương Vương như tro tàn, vô cùng tuyệt vọng...

"Muốn ngủ thì từ quan đi, về nhà ngủ thoải mái, đừng ngồi không mà lĩnh bổng lộc hai ngàn sáu trăm vạn lượng bạc một năm của đại tướng quân hay tư không nữa." Lý Thiên Lý nói thẳng mặt, sau đó đưa ra một đề nghị mà y cảm thấy rất hậu đãi: "Nếu Tương Vương điện hạ từ quan, rồi quyên góp tài sản phủ đệ cho quốc khố, hạ quan sẽ vô cùng vui vẻ cho phép điện hạ đến nhà hạ quan ngủ."

"Nhà cũ của mi chẳng phải ở Lũng Tây sao? Nghe nói chỉ còn ba gian nhà tranh..." Tương Vương lẩm bẩm, Lý Thiên Lý tuy xuất thân từ dòng họ Lý ở Lũng Tây, nhưng chi của y đến đời cha thì lụn bại dần, chỉ còn lại mỗi cái họ và ba gian nhà tranh mà dòng tộc chia cho để nương thân.

"Con người chỉ cần miếng gỗ to cỡ quan tài là ngủ được rồi. Ba gian nhà tranh đủ cho điện hạ lăn qua lăn lại, ngài đừng sống trong sướng mà không biết đường sướng." Lý Thiên Lý nghiêm túc dạy dỗ Tương Vương.

"Ta không thèm."

"Vậy hạ quan sẽ đề nghị cách chức Tương Vương, sau đó sai người điều tra vụ bê bối nhà cửa của Tương Vương, sung công toàn bộ tài sản của điện hạ, rồi mời điện hạ đến Lũng Tây làm khách."

Tên này xấu xa hết thuốc chữa rồi... Mặt Tương Vương nhăn nhó như trái khổ qua, trơ mắt nhìn Lý Thiên Lý dẫn theo đám quan Ngự sử đài vào trong Phi Phượng Các.

Bên này các quan phẩm cấp cao lần lượt ngồi vào chỗ trong Phi Phượng Các và Vũ Lân Các, còn bên kia các sĩ tử tập trung trước trường thi báo tên, lấy số thứ tự, chuẩn bị xếp hàng vào buổi triều hạ mùng một Tết. Bảy tám trăm sĩ tử nhộn nhịp đổ về đây, có những sĩ tử từ xa đến, có những sĩ tử lần đầu vào kinh, ai nấy cũng háo hức nhìn Đông nhìn Tây, có những người sinh ra ở Tây Kinh hoặc sống lâu ở Tây Kinh thì uể oải tựa người dưới lan can trường thi, nếu không trò chuyện câu được câu chăng với bạn bè mình thì chém gió tung trời với sĩ tử từ xa đến.

Sau khi đến chỗ báo danh trước trường thi để nộp giấy tường trình gia cảnh chứng minh mình là người ở đây, Ngu Toàn Cơ mới đi tìm đám bạn bè họ Liễu Thôi Hàn Lưu. Trong lúc đang tìm kiếm, cô bị một nữ sĩ tử khoảng hơn hai mươi tuổi kéo lại: "Chị là Ngu Toàn Cơ người Việt Châu đúng không?"

"Là tôi đây."

"Ôi chao, ngưỡng mộ tiếng tăm của chị đã lâu." Nữ sĩ tử đó nói, vội vàng đưa tấm danh thiếp nho nhỏ của mình ra: "Em là Tiêu Ngọc Hoàn người Lan Lăng, giờ sống ở Tây Kinh."

"Lan Lăng Tiêu..." Ngu Toàn Cơ nhìn tấm danh thiếp, rồi mỉm cười chắp tay: "Em là tông nữ ư?"

"Đúng là tông nữ, nhưng tổ tiên từ lâu đã không có tước vị, chỉ đi theo Tông nhân phủ lấy ít cơm gạo sống qua ngày mà thôi." Tiêu Ngọc Hoàn nói, cũng chắp tay: "Em đã xem bài thơ chị đề trên bảng rồi, rất có cá tính, hôm đó em cũng ở trong đám đông ấy, muốn gặp chị từ lâu, hôm nay được gặp chị ở đây quả là may mắn."

"Nào có, thơ văn dở hơi, người cũng không nghiêm túc, để em cười chê rồi." Ngu Toàn Cơ nói xã giao.

Cô liếc mắt nhìn, thấy đám người Thôi Liễu qua chỗ mình, bèn kéo Tiêu Ngọc Hoàn đến làm quen với họ. Những sĩ tử này ở kinh thành đã lâu, chẳng mấy chốc thì biết nàng ấy là tông nữ, Tiêu Ngọc Hoàn vội vã xua tay: "Các vị niên huynh (11) chớ như vậy, tôi không phải là người quyền quý gì đâu, tổ tiên nhiều đời về trước là Nguyên Tông hoàng đế, nhưng đến đời cụ cố tôi thì chỉ là người hoàng tộc bình thường mà thôi, tôi cũng là dân áo vải, quả thật không dám giấu, nếu không nhờ học hành biết chữ đi chép sách kiếm ăn, tôi thật sự không biết mình sẽ sống ra sao!"

"Chép sách cũng là một cách kiếm tiền hay, có điều cần phải kiên nhẫn, cũng cần có thị lực tốt." Ngu Toàn Cơ giảng hòa, lắc đầu nói: "Thỉnh thoảng tôi cũng đi chép sách kiếm chút tiền rượu, nhưng không chép nổi kinh Phật kinh đạo, chỉ có thể chép thơ văn tạp văn mà thôi."

"Cô là nhân vật chính trong biến văn rồi còn đi chép kinh Phật à? Như thế không được coi là công đức đâu, là nghiệt chướng đấy!" Lão Hàn vuốt râu cười đùa, các sĩ tử tối qua được nghe dàn ý của "Ngu Toàn Cơ biến văn" cũng đều cười thầm. Tiêu Ngọc Hoàn nhìn bọn họ với ánh mắt đầy khó hiểu, song Ngu Toàn Cơ chỉ cười mà không giải thích.

Họ tán gẫu thêm một lúc nữa, bỗng nghe thấy tiếng khánh vang lên trong trường thi, ai nấy đều biết phải xếp hàng chỉnh tề chuẩn bị vào triều, Ngu Toàn Cơ và Tiêu Ngọc Hoàn chen chúc giữa hai trăm nữ sĩ tử để được đứng ở đầu hàng phía Đông đầu tiên, sau đó vội vàng xin lỗi những người khác. Họ đứng trong hàng đầu phía Đông, sau khi lệnh sử của Lễ bộ chỉnh đốn lại hàng ngũ thì dẫn đám nữ sĩ tử vào Hoàng thành, đến ngoài đường Long Vĩ thì dừng lại chờ.

"Ngu tỷ tỷ, chị đã gặp Ngự sử đại phu bao giờ chưa?" Tiêu Ngọc Hoàn Khẽ hỏi.

"Chưa."

"Nghe nói lát nữa ngài ấy sẽ dẫn quan trong Ngự sử đài đi qua phố Thái Cực Môn, chị có muốn đi chờ không?"

"Chờ làm gì? Chúng ta đâu cần chặn đường y kêu oan?" Ngu Toàn Cơ lấy làm lạ.

"Những sĩ tử khác đều nói sẽ đi bái kiến ngài ấy." Giọng nói của Tiêu Ngọc Hoàn rất nhỏ, nàng ấy nhìn trái ngó phải, "Nghe nói có người còn thể hiện chiêu độc nữa đấy!"

"Danh sách đã niêm yết được hai tháng rồi còn gì, muốn nộp văn nộp thơ thì cũng đã nộp xong rồi mà?"

"Làm gì có, Ngự sử đại phu không nhận văn thơ tự đề cử cũng không tiếp sĩ tử! Người nhà ngài ấy cũng nói lang quân đã hạ lệnh không cho phép họ nhận bài, thơ văn sĩ tử gửi đến đều chất trong lồng Tích Tự bên ngoài nhà, đầy thì mang đi vứt, ngài ấy làm căng thật đấy."

"Lạ à nha, nói thế ngay cả người tiến cử cũng bị cho một vố hả?"

"Đương nhiên, nghe nói quan đứng đầu tam tỉnh từng đề cử mấy người với ngài ấy, ngài ấy không nói năng gì, ai cũng tưởng là có hi vọng, kết quả cả tá người vác mặt mo đi nhờ vả ngài ấy, mười ngày sau ngài ấy dán một thông báo trước cửa nhà 'Hễ sĩ tử nào nhờ người thân tiến cử với quan chủ khảo thì không thể vượt qua được long môn, ai cố tình vi phạm sẽ bị tước quyền thi ba năm với tội danh làm loạn hội thi', thế là xong, giải quyết tất cả." Tiêu Ngọc Hoàn mím môi cười tủm tỉm.

"Đúng là xấu xa!"

"Chẳng thế."

Đằng trước đang nhận cống phẩm từ khắp nơi, một nhóm sứ thần nước ngoài mặc quần áo đủ màu sắc được phiên dịch và thông sự xá nhân dẫn đường đi trên đường Long Vĩ, Tiêu Ngọc Hoàn chỉ chỉ trỏ trỏ, không hề dè dặt như những người xung quanh, mười năm trước Ngu Toàn Cơ đã từng chứng kiến một buổi triều hạ nên cũng cười khúc khích, làm lệnh sử của Lễ bộ phê bình: "Sĩ tử kia nghiêm túc một chút."

"Nghiêm túc làm gì? Chưa bao giờ nghe người ta nói triều hạ sẽ có ba phần tử chuyên gây loạn sao?" Tiêu Ngọc Hoàn lẩm bẩm cãi.

"Ba phần tử nào?"

"Sĩ tử, người man, lạc đà."

Ngu Toàn Cơ bật cười thành tiếng, bất giác cảm thấy mình có thêm một người bạn tri kỷ, tuy chuyện cười này ngoa ngoắt cay nghiệt, nhưng rất đúng sự thật, đa số sĩ tử được nghe chuyện cười này đều nổi giận muốn làm ra ngô ra khoai với người kể, có điều nếu nhìn ở góc độ khách quan, sĩ tử, người man, lạc đà chẳng ăn nhập gì với triều hạ, hoặc phải nói là, khoảng cách giữa sĩ tử, người man, lạc đà và triều đình quá rõ ràng và xa xôi giống như con đường Long Vĩ này, chỉ rất ít người vượt qua được đường Long Vĩ để đặt chân lên nấc thang lên trời.

"Đại lễ mùng một tháng Giêng, muôn phương đổ về triều đình." Quan tư nghi đứng đằng trước cất cao giọng ngâm nga, lệnh sử Lễ bộ nghe thấy vậy thì lập tức biết sứ giả nước ngoài phải lùi xuống, bèn vội vàng bảo các nữ sĩ tử dạt sang một bên, sau khi các sứ giả đi, quan tư nghi lại ngâm nga: "Hoàng đế đăng cơ, bốn bể thái bình, trong rèn văn trị, ngoài xây võ công, cho nữ đi thi, chú trọng mầm non, càn khôn cùng trị, âm dương cùng dòng, chỉ Hoàng Lương ta, vận nước hưng thịnh."

Các nữ sĩ tử cứ mười người xếp thành một hàng ngang, hai mươi người xếp thành một hàng dọc, bước trên đường Long Vĩ, Ngu Toàn Cơ và Tiêu Ngọc Hoàn đứng ở giữa, ba quỳ chín bái theo lệnh của quan tư nghi, miệng hô: "Phúc ngày mùng một, cảnh phúc duy tân, nguyện chúc bệ hạ, hồng phúc ngang trời."

Họ vừa nói vừa bái lạy, Ngu Toàn Cơ chỉ nhìn thấy mỗi mông của sĩ tử và đống cống phẩm rực rỡ quý báu ở đằng trước, sau đó trung sứ truyền lại lời của Nữ hoàng qua tầng tầng lớp lớp môn hạ thị trung: "Các khanh mày liễu nhưng không thua mày râu, đến kinh thành tham gia kỳ thi, lòng trẫm vui mừng. Nghe nói các khanh học cả bồ chữ, mang theo gửi gắm của quê hương, trèo đèo vượt suối, vô cùng gian khổ. Các quan chủ khảo chấm thi sẽ công bằng, nhất định không để xảy ra sai sót, nếu xảy ra chuyện thì có các quan xử lý."

Ngu Toàn Cơ nghe xong thì bật cười, câu trả lời của nữ hoàng giống mười năm trước như đúc, có điều khi ấy không có nhiều nữ sĩ tử như thế này. Cô bắt chước đám đông vái thêm cái nữa, miệng hô: "Long ân rộng khắp, chúng thần ắt tận tụy hết mình báo đáp ơn đức của bệ hạ."

"Được rồi." Lại một câu nữa được truyền qua môn hạ thị trung.

"Vâng." Đám nữ sĩ tử đồng thanh nói, sau đó đứng dậy lùi về phía sau, quan tư nghi lại xướng một bài tiễn họ ra ngoài, chuyển sang nam sĩ tử vào bái kiến. Khi lùi về sau, Ngu Toàn Cơ quay đầu nhìn thoáng qua, thấy các quan viên mặc quan phục khác màu đứng bên ngoài Phi Phượng Các, cô biết đó là vị trí của Ngự sử đài, hầu hết quan viên trong Ngự sử đài đều có phẩm cấp thấp, nhưng lại đứng gần nơi quan trọng hơn phần lớn các quan viên khác, cung thành là trung tâm của quốc gia, điện Thái Cực là trung tâm của hoàng quyền, còn Ngự sử đài, tuy đứng gần với Hoàng đế là vậy, nhưng lại không thân cận với Hoàng đế như những Thiên Ngưu bị thân (12) của Thiên Ngưu vệ...

"Ngự sử đài, là tai là mắt là chân là tay, song không phải là tim."

Ngu Toàn Cơ chợt nhớ có người từng nói với cô như vậy. Cô nghiêm mắt nhìn, thầm nghĩ cả đời này tuyệt đối không làm quan ở Ngự sử đài, móc tim móc phổi làm bán sống bán chết cho Hoàng đế, nhưng không bao giờ được làm đầu não của triều đình, không được tham gia và quyết định chính sách cải cách thể chế, suốt đời chỉ được làm cây kéo loại bỏ những cành cây thối nát...

"Nếu Ngự sử đài phát huy tác dụng của Ngự sử đài, vậy chỉ có thể là đài chứ không phải là tỉnh, cho nên dù cực nhọc ngàn năm, Ngự sử đài chỉ có thể trị phần ngọn chứ không thể trị phần gốc... Do vậy Tụ Ngôi à, đừng bao giờ lấy một đài quan! Nếu không sẽ chết ngạt mất!"

Có người từng nói với cô như vậy... Không hiểu sao Ngu Toàn Cơ lại thấy buồn bã.

HẾT CHƯƠNG 10

(10) Danh xưng này có ý nghĩa khác nhau tùy thời đại. Thời cổ, vợ quan đại phu được gọi là Nhụ Nhân. Đến đời Đường, chỉ có vợ bé của vương gia mới được gọi là Nhụ Nhân. Đến đời Tống, quy định chặt chẽ như sau: Vợ quan Nhất Phẩm và Nhị Phẩm là Phu Nhân, vợ quan Tam Phẩm gọi là Thục Nhân, vợ quan tứ phẩm gọi là Cung Nhân, vợ quan Ngũ Phẩm gọi là Nghi Nhân, vợ quan Thất Phẩm, Bát Phẩm và Cửu Phẩm gọi là Nhụ Nhân. Đến đời Minh – Thanh, chỉ vợ quan Thất Phẩm mới được gọi là Nhụ Nhân. Về sau, Nhụ Nhân là tiếng gọi chung tỏ vẻ tôn quý vợ của người khác trong văn chương. Ở truyện này, bối cảnh thời Đường, nên ta có thể hiểu Nhụ nhân là vợ bé của vương gia.

(11) Niên huynh: Tiếng tôn xưng người bạn cùng tuổi với mình hoặc thi đậu cùng khoa với mình.

(12) Thiên Ngưu bị thân: là võ quan cấm vệ cấp cao, phụ trách bảo vệ an toàn của hoàng đế.

(1) Giờ Tuất: Từ bảy giờ tối đến chín giờ tối.

(2) Kho Hàm Gia hay Hàm Gia thương là kho trữ lương thực cả nước thời nhà Đường, được bắt đầu xây dựng vào năm 605 (Thời nhà Tùy). Kho có diện tích hơn bốn trăm nghìn mét vuông, đường kính nơi rộng nhất là mười tám mét, nơi sâu nhất là mười hai mét.

(3) Canh bốn là từ 1 giờ sáng đến 3 giờ sáng.

(4) Lư tiên: Một loại thuốc trung y làm từ bộ phận sinh dục của con la, có tác dụng chữa bệnh liệt dương.

(5) Theo Châu-Lễ Miện là tên gọi chung của bộ áo-mão (quan phục) của Thiên-Tử gồm có Miện-Quan 冕冠 (Mão) và Miện Phục 冕服 (áo), Mão lấy phần " Lưu" tức là những sợi ngọc gắn trên mão làm trọng. Áo có phần " Văn-chương" 文章 tức là hình thêu trên áo làm trọng, thường gọi ngắn là chương. Về các đời sau đều căn cứ theo quy chế của Châu-Lễ mà gia giảm thêm bớt nhưng cơ bổn các chương vẫn vậy, khác ở chổ thêm bớt về phục kiện như Đới, Ngọc-Khuê... Tới thời nhà Đường các loại Miện-phục được dùng làm tế phục cho quan viên.

- Loan Miện 鸾冕 dành cho tam công.

- Cổn Miện 衮冕 dành cho quan nhất phẩm.

- Tế Miện 鷩冕dành cho quan nhị phẩm.

- Thúy Miện 毳冕dành cho quan tam phẩm

- Tú Miện 绣冕 dành cho quan tứ phẩm.

- Huyền Miện 玄冕 dành cho quan ngũ phẩm.

(Theo fb: Đại-Nam Hội-Quán 大南會館)

(6) Tước biền phục: là một loại biền phục (trang phục quân sự của hoàng đế, quan chức hoặc quý tộc), màu đen, khá giống miện phục, có điều không có hình thêu trên áo.

(7) Quan là một trong những tiêu chí cơ bản phân biệt địa vị đẳng cấp, hình thức rất đa dạng, chủ yếu có: Miện quan 冕冠, Trường quan 长冠, Uỷ mạo quan 委貌冠, Tước biền 爵弁, Thông thiên quan 通天冠, Viễn du quan 远游冠, Cao sơn quan 高山冠, Tiến hiền quan 进贤冠, Pháp quan 法冠, Võ quan 武冠, Kiến hoa quan 建华冠, Phương sơn quan 方山冠, Thuật sĩ quan 术士冠, Khước phi quan 却非冠, Khước địch quan 却敌冠, Phàn Khoái quan 樊哙冠... (Theo chuonghung.com)

(8) Trách (một loại khăn bọc tóc) là loại dành cho những người có thân phận thấp kém không thể đội quan, giống như khăn bịt trán, công dụng của nó cũng dùng để bọc búi tóc lại, không để cho tóc rủ xuống. Thời Hán, trước trán còn có thêm vòng chặn tóc, tên gọi là "nhan đề" 颜题. Cân trùm lên đỉnh đầu, khiến đỉnh đầu vốn không có gì biến thành "ốc" . Về sau phần nhô cao làm cho hình dạng đỉnh ốc có hình như chữ "giới" nên gọi là "giới trách" 介帻, khung của "quan" trùm lên "giới trách" gọi là "triển đồng" 展筒. Người có thân phận cao quý thì trên "trách" đội thêm "quan". (Theo chuonghung.com)

(9) Bội thụ là phần vải dệt đeo ở phía trước eo hoặc hông, dùng để treo ngọc ấn. Bội thụ là đặc trưng để phân biệt địa vị tôn ti.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro